Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.210.260
 
Phi mai bất thành... Tết
Văn Thành Lê

Năm nào cũng vậy, bạn tôi qua hai mươi tháng chạp chạy xe loanh quanh khắp phố cố tìm một cành mai thật ưng ý để chưng trong mấy ngày Tết. Chơi mai quen rồi, thiếu nó, hương vị ngày xuân chừng như bay đi ít nhiều – đó là điệp khúc của anh, mỗi khi thấy tôi có vẻ không quan tâm mấy đến loài hoa mà ngày xưa một danh sĩ được xếp hạng “vô tiền Hán” như Cao Bá Quát cũng phải cúi đầu vái cả nón.

 

Hồi còn ở quê, ông nội bạn tôi có nguyên một vườn mai trên chục gốc. Cây nào cây nấy gốc to bằng bắp vế bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy. Cuối tháng chạp, lũ lượt người các nơi về cắt cành mang đi, nhưng Tết đến trong vườn vẫn ngập hoa vàng chấp chới. Sáng sáng, hương mai ngòn ngọt, dìu dịu thoảng nhẹ trong cơn gió sớm, gợi chút xuân thanh bình nơi thôn dã.

 

Bạn tôi giờ là chủ một doanh nghiệp, vườn mai xưa chỉ còn là hoài niệm trong anh. Cuộc sống tất bật, nhưng lạ, cái máu chơi mai hình như di truyền làm sao ấy, nó giục giã anh mỗi khi tiết đông giá quay về - thời điểm những cành mai khẳng khiu trụi lá chuẩn bị cho một mùa hoa mới. Tháng chạp năm ngoái, xem ti-vi thấy giới thiệu vườn mai của lão nông Bùi Đình Châu ở làng Ái Mỹ thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh  Quảng Nam, anh kéo tôi lên đó một chuyến. Như kẻ tha hương trở về cố quận, lần đó anh cùng với chủ vườn một trẻ một già tâm đắc mãi chuyện mai, từ những khó nhọc lúc trồng cho đến những thú vui khi thưởng ngoạn.

 

Đối với mai, tôi là người ngoại đạo. Kiến thức về loài hoa được mệnh danh là sứ giả của mùa xuân này được nhặt nhạnh đâu đó qua những lần đi như thế. Thị trường mai hiện hình thành hai “dòng” mai: lá xanh (thanh diệp mai) và lá đỏ (hồng diệp mai), khác biệt rõ nét nhất là màu sắc lá non của chúng. Mai lá đỏ nhiều hoa, hoa nhiều cánh, có khi trổ hoa lai rai vào giữa năm, nhưng lại không có hương. Mai lá xanh là mai truyền thống, chỉ nở độc một mùa vào Tết, hoa đẹp, vàng óng, lâu tàn, chưng một cành trong nhà là sớm mai xuân thức dậy tràn ngập hương hoa. Mai lá xanh rất khó nhân giống, thời gian từ cây con đến khi ra hoa “bói” lại gấp đôi so với mai lá đỏ, vì thế, cùng một độ lớn, nhưng mai lá xanh bao giờ cũng có giá cao hơn.

 

Còn nhớ, một thời người dân Đà Nẵng xôn xao về cây mai lá đỏ của ông Đình Thọ ở quận Ngũ Hành Sơn nở hoa trăm cánh. Dân gian cho rằng, nhà nào mai nở càng nhiều cánh thì tài lộc năm đó vào càng nhiều. Vì thế, các “đại gia” trồng mai luôn tạo các giống mới lạ, hấp dẫn để cuốn hút giới thưởng ngoạn. Vài thập kỷ trước đã có giống mai Huỳnh Tỷ 24 cánh, tiếp đến là mai dão Thủ Đức 10-12 cánh, rồi đến mai Bến Tre 100 cánh. Một thời, dân chơi mai coi mai dão là “Đệ nhất mai hoa”. Nhưng từ năm 2003, Chợ hoa Xuân Ninh Kiều (Cần Thơ) lại xuất hiện một giống mai đặc biệt gọi là mai Phú Quý, loại hoa nhiều cánh nhưng chỉ nở chúm chím sáng rực và vàng óng ả.

 

Tuy nhiên, người chơi mai lão luyện có một cách nhìn khác. Hoa mai nhiều cánh không còn gọi là mai thuần túy nữa, nó như một cách chơi à la mode đối với một vài giới nhất định nào đó thôi. Chơi mai cũng như chơi thời trang, xe máy, đồng hồ, điện thoại di động... đến một lúc nào đấy lại quay về với truyền thống. Vẽ hoa mai là vẽ hoa 5 cánh, nói đến mai Tết là nói đến mai lá xanh, vì nó “gin” 100%, hoa không bao giờ quá 5-7 cánh. Các gia đình sống theo nếp xưa bao giờ cũng thích mai vàng 5 cánh như một lời chúc tốt đẹp đầu năm mới “ngũ phúc lâm môn”. Vài thập kỷ trở lại đây, một lớp người mới ăn nên làm ra lại tìm mua cho được mai 6 cánh. Trong tiếng Hán, “lục” (sáu) phát âm như “lộc” (tài lộc), ô-tô của một số “đại gia” có biển số 68 (“lục bát” phát âm như “lộc phát”) cũng ăn theo nghĩa đó.

 

Chơi mai, lá xanh hay lá đỏ, không chỉ tùy vào cách thưởng hoa của mỗi người mà còn lệ thuộc vào hầu bao của họ. Nhưng, chơi mai có máu, một ghi đã “kết” rồi thì theo cho đến cùng. Ở Đà Nẵng, một doanh nhân trên đường Chế Lan Viên không ngần ngại bỏ ra 130 triệu đồng mua cặp mai của anh Nguyễn Đức Hiệp, một người trồng cây cảnh trên đường Lê Duẩn. Một cây, anh Hiệp bứng về từ Quế Sơn, theo chủ nhà thì nó khoảng 90 tuổi, được trồng bên hầm bí mật của cán bộ nằm vùng trước năm 75. Khi anh hạ xong cây mai, bà chủ nhà bật khóc như trẻ con vì thương nhớ chồng với những kỷ niệm một thời kháng chiến. Cây kia khoảng 60 tuổi, bứng về từ xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. Nhiều người đến gạ mua nhưng mãi vẫn chưa được, anh có duyên với nó là nhờ mấy lần anh lên Duy Trung khai thác đá nghệ thuật. 5 năm được chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng, hai cây mai lá xanh đã thay đổi từ cô gái chân quê thành nàng tiểu thư đài các. Và câu chuyện quanh hai gốc mai vàng đầy “duyên nợ” ấy cũng đã góp phần tạo nên giá trị của chúng trên thị trường mai Tết.

 

Tháng chạp, khi người trồng mai lao đao vì trời lạnh mai nở chậm thì người “nghiện” chơi loài hoa Tết này là bạn tôi còn đang lang thang đâu đó trên những nẻo đường Singapore. Nhưng không sao, anh bảo, chơi mai sành điệu là phải đợi đến mấy ngày cận Tết mới bắt đầu chọn mai. Nghe đến lạ. Anh cười xòa: Thì đến lúc đó, các nhà vườn mới khẩn trương thay chậu, tạo dáng và uốn sửa để nâng mai lên “chất lượng cao”. Rồi đọc câu thơ vịnh hoa mai nổi tiếng của Tô Đông Pha: Phân phân sơ nghi nguyệt quảy thụ/ Liên liên độc dữ tham hoàng hôn. (Nhìn) những cánh hoa rơi lả tả ngỡ rằng trăng rải ánh vàng trên cây, nhà thơ như hòa làm một với hoa mai lúc hoàng hôn. Anh bảo, thơ đến như thế thì không mê mai cũng uổng, bởi, vắng mai thì còn gì là xuân...

 

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2150
Ngày đăng: 25.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xứ người, Tết năm ấy - Khải Nguyên
Bàn Lại Chuyện “Việt Nam Đón Mèo, Châu Á Chào Thỏ” - Hà văn Thùy
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần II) - Vương Trung Hiếu
Cỏ sẽ lên xanh - Nguyễn Thị Hậu
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ - Nguyễn Thành Nhân
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt