Truyện Ký
Một năm sau khi lên ngôi, năm 1010, nhận thấy kinh đô Hoa Lư khó thể mở mang, nên vua Lý Thái Tổ (974 – 1028) quyết định dời đô.
Khi đoàn thuyền của Thái Tổ đi về con sông dọc thành Đại La thì trời bỗng nổi phong ba, mọi người chợt thấy một con rồng vàng sáng rực đang vẫy đuôi uốn lượn giữa những lớp mây một lúc rồi biến mất. Ai nấy đều mừng rỡ cho điềm lành ấy. Lý Thái Tổ bèn cho lập chiếu dời đô, đổi tên Đại La là Thăng Long thành, đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, đổi Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức. Bốn mặt thành mở bốn cửa: đông là cửa Tường Phù, tây là cửa Quảng Phúc, nam là cửa Đại Hưng, bắc là cửa Diệu Đức. Trong thành cho xây chùa ngự Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía nam cho dựng chùa Thắng Nghiêm. Thái Tổ chỉnh đốn việc cai trị, chia nước ra làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại. Từ đó, với đầy đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa, kinh đô Thăng Long của Đại Việt tự chủ ra đời.
Lời tiên tri:
Vua Lý Thái Tổ có thân thế mơ hồ. Dù vậy, cuộc đời Thái Tổ đã được thiền sư Định Không (730-808) - đệ tử đời thứ tám của dòng thiền Tì Ni Ca Lâu Chi Việt Nam – tiên đoán và báo trước cách đó một trăm năm: “Sau này nơi làng Diên Uẩn (Cổ Pháp) này sẽ có vua hiền họ Lý sinh ra và gây dựng được sự nghiệp lâu dài bền vững cho đất nước”. Trước khi viên tịch, tổ Định Không bèn dặn lại đệ tử là thiền sư Thông Thiện: “Ngươi hãy giữ gìn pháp bảo. Khi nào gặp người họ Đinh thì truyền lại. Người ấy sẽ làm sáng đạo ta!”. Ngài Thông Thiện vâng lời, kiên nhẫn đợi. Một ngày kia, có người tên Đinh La Quý (852-936) đến xin được quy y cửa Phật.
Năm 866, đô hộ sứ - cũng là nhà địa lý - Cao Biền trong quá trình tìm hiểu phong thủy Việt Nam, mới thấy rằng: đất ở La Thành tiềm ẩn rất nhiều điạ linh nhân kiệt, nên đã cho xây thành Đại La thật lớn ở đó và trấn ếm. Còn ở đất Cổ Pháp này thì linh khí nước Nam đều hội tụ, sẽ xuất hiện vô số nhân tài kiệt xuất, khiến cho đất Việt tự cường độc lập, khó thôn tính về sau, nên Cao Biền mật báo về vua Đường Trung Tôn để “tiên hạ thủ vi cường” bí mật phá dần các long mạch.
Nhưng vẫn không qua ý trời! Năm 887 Cao Biền mất, trong khi chưa kịp yểm hết long mạch của Đại Việt như mưu đồ đã định. Ngài La Qúi sau khi đắc đạo, phát giác ra dã tâm và âm mưu xâm lược của Trung Quốc qua tài yểm mạch của Cao Biền. Ông ngầm sai đệ tử của mình - là quan tuần phủ Khúc Lãm (dòng tộc là Khúc Thừa Dụ) đang trấn nhậm địa phương lúc đó - lệnh cho lính tráng lấp lại hết những phần bị phá ở những khúc sông xưa, để linh khí nước Nam hội tụ lại, sau này còn nhân tài giữ nước. Đến năm 936, thiền sư La Qúi viên tịch. Hai năm sau, năm 938, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và lên ngôi vua, dựng nên nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước Việt Nam.
Và đúng 100 năm sau lời tiên tri của thiền sư Định Không - năm 974 - nhân tài xuất chúng Lý Công Uẩn ra đời.
Chú bé phi thường:
Theo một truyền thuyết đáng tin, Lý Thái Tổ xuất thân ở Đình Bảng - Bắc Ninh. Vào một đêm, trụ trì chừa Ứng Tâm là sư Lý Khánh Vân nằm mộng thấy hộ pháp hiện đến bảo: “Ông dọn chùa sạch sẽ. Mai kia có thiên tử đến!”. Dù thấy lạ, sư vẫn chờ từ sáng đến chiều mà không thấy gì! Ngày hôm sau, có một thai phụ đứng trước cổng chùa. Thì ra, khi hai người băng qua khu rừng, người chồng đi tìm nước uống, sảy chân té xuống giếng mà sâu chết. Người vợ chờ mãi không thấy chồng, cuối cùng chỉ tìm được một hố giếng thăm thẳm có ổ mối đang đùn lên khổng lồ như ngôi mộ, với tám gò đất đều đặn như một đoá hoa sen tám cánh (ứng điềm nhà Lý truyền ngôi tám đời). Người goá phụ quá đau khổ và cứ thế lang thang, đến khi nghe được tiếng chuông chùa bèn tìm đến xin tá túc.
Cũng trong đêm đó, bà chuyển dạ. Cả khu tam quan chùa bỗng sáng rực lên, hương thơm tỏa ngát. Trụ trì cùng mọi người mới hay bà đã sinh hạ một bé trai sáng sủa rồi qua đời ngay sau đó vì kiệt sức. Nhà sư thương cảm ôm bé vào lòng, đặt tên là Lý Công Uẩn và dốc lòng nuôi dạy bằng tất cả từ bi của Phật pháp. Sư chợt nhớ đến giấc mơ đêm trước... Chú tâm xem tướng mạo, thấy cậu bé tai to mặt lớn phương phi, môi son, mắt cọp, tay dài... giữa lòng hai bàn tay có bốn chữ son "sơn hà xã tắc" thì cực kỳ kinh ngạc!
Sư Vân dù tài giỏi, nhưng vẫn lo ngại mình không đủ sức dạy chú bé được thập toàn như kỳ vọng. Nên phó thác cho người anh là sư Vạn Hạnh (đồ đệ của thiền ông Đạo Giả) đang trụ trì chùa Cổ Pháp. Thoạt nhìn, Vạn Hạnh phải thốt lời khen ngợi: "Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ!" rồi dốc lòng truyền dạy.
Vào năm bảy tuổi, Công Uẩn đã có khí độ phi phàm, đĩnh đạc hơn người, dáng dấp uy nghi như một vì vương tử. Một đêm bị phạt, co ro nằm ngủ ngoài hiên chùa, tự nhiên, chú bé ứng tiếng ngâm lên những dòng thơ ngút trời khí phách:
“Đêm khuya không dám dang chân ngủ.
Vì sợ non sông xã tắc xiêu!”
Sư Vạn Hạnh tình cờ nghe được, biết ngay chỉ có chân mạng thiên tử mới có được khẩu khí đó! Nghiệp thức của chú bé đã ứng hiện rõ ràng, chắc chắn ngày sau sẽ oai danh lừng lẫy!
Vạn Hạnh càng dốc hết tâm lực truyền dạy. Công Uẩn học một biết mười tất cả những học thuật, tiếp thu một cách xuất sắc Thiền - Tịnh - Mật tông và những phương thuật bốc dịch, bốc thuốc, chiến thuật, chiến lược siêu tuyệt của sư phụ. Đến khi được vua Lê triệu vào nghị đàm việc quốc sách, thì sư Vạn Hạnh cũng đưa Công Uẩn đi theo. Chàng trai kinh bắc lúc này đã hơn hai mươi tuổi, văn võ đã song toàn, dung mạo tuấn kỳ, dáng người dũng mãnh. Phong tư xuất chúng ấy không giấu nổi cặp mắt tinh tường của vua Lê nên chàng được tuyển chọn vào quân cấm vệ hoàng thành. Không lâu sau được vua tin cẩn phó thác chức quan Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Chàng thường được mọi người chân tình gọi là Lý Thân Vệ, dù vai trò thống lĩnh toàn bộ quân cấm vệ của hoàng thành buộc chàng phải kiểm tra gắt gao tất cả quan tướng ra vào triều hàng ngày để đảm bảo an ninh triều chính. Lý Thân Vệ có trí tuệ xét đoán tướng mạo, nhạy bén phán đoán trung thần hay gian tặc để nhanh chóng phát hiện và chận đứng những âm mưu tạo phản qua nhiều ngõ ngách, chu đáo bảo vệ triều đình. Nhờ đó, Hoa Lư được một thời gian dài yên ổn và thịnh trị. Lý Thân Vệ càng được vua Lê tin cậy, dân tình yêu mến trước khí độ bao dung, tấm lòng từ ái, khoan hòa ấy.
Tuy cầm quyền sinh sát trong tay, tài nghệ vượt bực, nhưng Công Uẩn không hề kiêu ngạo,nên các quan tướng trong ngoài triều từ già đến trẻ đều yêu mến khâm phục con người vời vợi uy đức vô hình ấy - một điều cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử trước một vị quan trẻ tuổi.
Vương tài kiệt xuất:
Khi vua Lê băng hà, Lý Công Uẩn đã hơn ba mươi tuổi, đang chỉ huy toàn bộm quân túc vệ. Triều chính một ngày không thể không vua, người kế vị còn quá nhỏ. Giặc Tống lăm le ngoài biên ải, lòng người trong nước đầy biến động, oán giận nhà Tiền Lê. Lạ thay! Trong lòng mọi người chỉ kỳ vọng vào vị tướng đức độ, đủ dũng lược trị vì và đủ tài kinh bang tế thế. Một năm sau đó, quan chi hậu tài trí Đào Cam Mộc đã cùng các quan trong triều dốc lòng suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế.
Trong lịch sử Việt Nam, đó là lần đầu tiên một người lên ngôi vua bằng sự bầu cử dân chủ đặc biệt, mở ra một triều đại mới, một trang sử mới huy hoàng cho nước Việt.
Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ sắc phong Vạn Hạnh làm quốc sư, cho dựng rất nhiều chùa chiền, giúp đỡ nhiều vị chân sư tu hành thuận lợi. Bấy giờ, chùa và tinh xá trở thành trường học, Phật pháp là tinh thần của toàn dân tộc: “Đói khát bệnh khổ nhất / Vô thường đau khổ nhất / Hiểu sự thật là thế / Niết bàn lạc tối thượng!”.
Một lần, vua Lý Thái Tổ thân chinh đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, sấm chớp dữ dội, vua bèn sai lập bàn hương án cầu nguyện. Lạ thay! Khi vừa khấn xong, đất trời trở nên yên lặng như tờ!
Uy đức của Lý Thái Tổ đã không phụ lòng dân và quần thần kỳ vọng. Ngài đã minh triết ứng dụng triệt để Phật pháp làm rường cột trị nước và vệ quốc: “Đừng làm các điều ác / Hãy làm các điều lành / Giữ tâm hồn thanh tịnh / Lời Phật dạy phân minh”.
Những đạo lý ấy đã giúp dân Đại Việt sống trong thái bình an lạc một thời gian dài, thừa sức đương đầu nếu ngoại bang xâm lấn. Thái Tổ đã gây được ảnh hưởng sâu xa và quyết định phần lớn bản lĩnh của vua quan suốt triều đại Lý bằng tinh thần Phật pháp như thế! Bằng bản lĩnh cao siêu về các khoa thuật phong thủy, tiên tri, được chân truyền từ người thầy phi thường là thiền sư Vạn Hạnh – tài đức ấy – đã trở thành lợi khí để Lý Thái Tổ ra những quyết sách lâu dài đúng đắn, ích quốc lợi dân, khiến Đại Việt phát triển mạnh mẽ, vững bền và tiến bộ hơn hẳn các triều đại Ðinh, Lê trước đó. Công đức ấy đã đặt nền móng kiên cố cho nước ta suốt những thế kỷ dài, để muôn dân được an vui trong thái bình thịnh trị, hiên ngang ngẩng cao đầu trước lân bang, kéo dài hơn 400 năm.
“Bước chân” phi thường của Lý Thái Tổ:
Thời xưa, để lập được một kinh đô phải hội đủ ba yếu tố. Một là địa lý: Thăng Long là nơi dễ dàng hội tụ nhiều bậc anh tài; giao thương liên lạc nhanh chóng. Trong khi địa thế ở Hoa Lư chỉ là những núi đá vôi chập chùng như những gai xương cực kỳ hiểm trở, là rào chắn che chở khi quốc biến, nhưng cũng là hiểm họa phản trắc khôn lường. Vùng Ninh Bình – Bắc Ninh tuy là cái nôi của Hoa Lư, nhưng chỉ thích hợp cho việc thủ hiểm về mặt quân sự. Mà sông Hồng thời đó cuồn cuộn nước chảy xiết, thuyền bè qua lại gian nan. Cũng vì thế mà thủ phủ nước ta chỉ đặt ở Bắc Ninh, rất khó dựng được cầu giao thương qua lại.
Việc vượt sông để lập quốc rất khó! Hoàn toàn là quyết định táo bạo và can trường của Lý Thái Tổ, vì nó thuận lợi cho quốc phòng, ngoại xâm hay nội biến đều dễ bề kiểm soát và khống chế. Khi ta định đô ở bên kia sông Hồng, nếu Trung Hoa có đánh qua thì bị thế nước của sông Hồng chắn ngang sẽ không qua ngay được, lúc ấy ta có đủ thời gian và địa thế thuận lợi để kịp thời đánh trả. Đó là yếu tố thứ hai - quốc phòng. Nếu giặc đem quân xâm lấn, Bắc Ninh khi đó sẽ thành rào chắn đầu tiên bảo vệ biên cương, kinh đô Thăng Long có dư thời gian cự địch. Tiến - thoái, thủ hay công đều thuận lợi khi ta đang ở Đại La (bên kia sông Hồng).
Còn nếu vẫn đặt kinh đô cũ ở Hoa Lư, giả như có phản loạn nổi lên từ các tỉnh phía nam, vua sẽ không kịp trở tay dẹp loạn. Trong khi phía bắc rất dễ bị đe dọa, phía nam không có đường lui, lỡ có biến cố xảy ra ta vượt sông Hồng không kịp thì... chết chắc! Đây cũng là yếu tố nội trị, vì có thể kiểm soát được tình hình lãnh thổ dễ dàng hơn ở Bắc Ninh; dễ kiểm soát toàn bộ hệ thống quân sự, chính trị, kinh tế phía nam mọi lúc.
Ba là yếu tố phong thủy. Với địa thế cao, thoáng, tiện hướng nhìn sông dựa núi tạo nhiều thuận lợi; Lúa gạo phì nhiêu, trù phú, cung cấp đủ cho các vùng xung quanh, nhất là kinh đô. Một loạt các tỉnh phía nam khi giao thương buôn bán về kinh đô được nhiều thuận tiện. Thăng Long chính là đầu mối giao thương đắc dụng cho các nơi tụ hội, trao đổi sản vật bằng đường bộ, đường thuỷ... tạo sức bật cho sự mở mang đất nước đến muôn đời sau...
Vì thế, Thăng Long nghiễm nhiên là “nơi tụ hội của bốn phương đất nước”, không chỉ là cửa ngõ giao thương phồn hoa bậc nhất, mà còn là một trung tâm chính trị và văn hóa lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử của một quốc gia độc lập.
Cho nên, chính nhờ vua Lý Thái Tổ đã can trường bước qua bên kia sông Hồng mà nước ta mới có được “Nam quốc sơn hà nam đế cư” như hôm nay. Nếu Thái Tổ không có tầm nhìn sâu rộng, nhạy bén, sâu xa, nếu không có cái gan góc phi thường ấy thì chúng ta, giờ này, chưa thể đi xa được như thế - hơn một nghìn năm mở mang bờ cõi cho đến tận Phú Quốc, Cà Mau với nền kinh tế phát triển mọi mặt, mở đầu cho một truyền thống văn hiến kéo dài nghìn năm hơn trên đất thủ đô - dù cho nước của con sông Hồng lúc ấy vẫn ngày đêm mênh mông chảy xiết!
Công đức đó thể hiện rõ dần theo thời gian về nhiều phương diện, mà đọc chiếu dời đô, ta thấy vẻ như đơn giản! Song những gì ẩn tàng sau nó, kỳ vỹ hơn ta tưởng rất nhiều! Để ta càng thêm tự hào về tổ tiên, về một vương tài kiệt xuất lập đô bên kia sông Hồng, tạo nên một nền tảng vững chắc kiên cường cho dân tộc Việt vươn lên suốt hơn một nghìn năm qua! Cho là yếu tố phong thủy “rồng cuộn hổ ngồi” giúp triều đại hưng thịnh, thì chưa đủ. Vì thực chất, triều Lý rồi cũng chỉ được tám đời; triều Trần rồi cũng suy vi. Phong thủy chỉ là một khía cạnh, chứ quan trọng vẫn là tài trí và đức độ. Nơi nào có người tài đức lãnh đạo bằng cái tâm và tầm nhìn quảng bác, nơi ấy quốc gia sẽ hưng thịnh!
Bước chân của Lý Thái Tổ đã thể hiện tâm đạo và tầm nhìn chiến lược đến hơn một ngàn năm sau. Để Hà Nội đến ngàn năm sau nữa vẫn là đầu mối phát triển của cả nước; thuận lợi cả về nội trị lẫn ngoại giao. Mà Phật giáo vẫn đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, thăng trầm theo từng bước khổ vui!
Để có được hơn nghìn năm như thế, cha ông ta đã chau chuốt từng lời thơ, kiên trì mài dũa từng đường gươm tinh nhuệ... dày công khó nhọc để giữ gìn đất nước trong nền văn hóa tinh tế đẹp ngời, với những chiến công hào hùng hiển hách, với vô lượng công đức... và giữ gìn hồn dân tộc trong từng hành động sâu xa.
Tháng 06.1011