Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.470
 
Khơi mạch
Anh Động

Mấy người tò mò đứng nghe chỗ hàng cây so đũa cạnh đầu đìa nãy giờ, vụt cười om lên như xem màn kịch đến pha cụp lạc. Trong nhà Tư Mi, tiếng của chú cứ sa sả vào Chín Cho:

 

- Đồ cán bộ “ba mươi”, tao nói xấu Đảng hồi nào? Tao chống chủ trương Đảng hồi nào? Đừng vu oan giá họa cho tao. Đừng tới đây kiếm chuyện khơi mạch này, xoi mạch nọ chọc cho tao xì ra rồi gài thế cho tao kẹt.

 

- Anh nói Đảng chủ trương làm ăn đâu thì thua lỗ đó, hổng phải nói xấu Đảng là gì? Đảng biểu vô tập đoàn khoán sản phẩm, thì anh bí nước, be bờ. Đảng biểu làm giống lúa cao sản thì anh lại “ngoan cố” cứ bảo thủ ba cái thần nông lạc hậu. Anh lạc thì Đảng cho lạc luôn! Đảng sẽ đưa anh lên tuốt trên đầu ngàn ở đó mặc sức mà lạc hậu. Không làm cao sản, phần đất dưới này giao lại để Đảng cho người khác làm.

 

Những người đứng ngoài hàng rào so đũa lại nghe giọng Tư Mi thét to như thầy pháp khiển đồng cốt.

 

- Đảng nào? Đảng nào muốn cướp đất tao? Cướp để giao cho những thằng ở cặp ranh làm phải không? Tư Mi này đã vì đất mà dám sống chết với thằng Tây, thằng Mỹ. Đố cha thằng nào mang đầu máu tới đây cướp đất tao một lần nữa, chúng phải bước qua xác chết của Tư Mi này.

 

- Vậy là anh liều chết chống lại Đảng chớ gì ?

 

- Ừ đó! Đứa nào làm bậy tao chém, chém hết thảy. Làm gì tao thì làm đi !

 

Người ta thấy Chín Cho từ trong nhà lùi dần ra cửa và nhảy trái qua lu nước kê ở mái giọt. Chín Cho rút chiếc nón nỉ đỏ đang cặp nách, đập bẹp bẹp vào đùi rồi tròng nhanh lên đầu. Đôi tay anh run run, người bộp chộp, làm mớ tóc thòi ra ở chỗ chóp nón rách gật gù trông như đầu con cúm núm sắp gáy.

 

Tư Mi thì tay cầm cây mác vót, tiến chầm chậm theo, miệng hét chàng chạc:

 

- Tao chống Đảng vậy đó! Tố cáo đi! Tao ở tù mặc sức tụi bây bu vào đây mà chia đất của tao. Đồ cán bộ dựa hơi, làm cách mạng ăn chưa hết giạ gạo mà đòi làm trời! Đồ “ba mươi tháng tư” hồm mé bắt cá hôi !

 

Cái tiếng “ba mươi” Tư Mi xài với Chín Cho lần này đã tới ê da, rát thịt. Chín Cho không còn chịu đựng nổi, vừa chạy xoay vòng vòng theo lu nước anh vừa hất mặt ra hàng so đũa phân chứng với bà con:

 

- Có mặt ai nấy đều nghe đó. Tư Mi chửi Đảng rõ ràng. Tư Mi xách mác rượt đâm cán bộ của Đảng thấy chưa? - Anh quay lại hất mặt vào Tư Mi - Nhớ nghe, đừng chối, để rồi coi !

 

Có lẽ Tư Mi bị Chín Cho đánh câu này thốn nhằm huyệt đạo nên đâm hoang mang, người xụi lơ, phóng bập cây mác ra đường mương, cũng lại phân trần với bà con:

 

- Ai nghĩ coi, nó tới nhà giở giọng cha ra giáo dục tôi, coi mòi không trôi nó lại kiếm chuyện. Nó gài Đảng vô trong đó chọc tôi tức khí mà nói động lây. Ai kia, chớ nó thành phần gia đình chèm nhem đó không lo.

 

Đúng vậy. Nhà Chín Cho có người em là sĩ quan ngụy mới được học tập cải tạo về. Bản thân anh ta hồi mấy năm bình định bỏ xóm chạy ra khu dồn cho tới toàn thắng mới trở về. Còn Tư Mi, nói nào ngay, dù bản thân không phải là cán bộ cách mạng tham gia hoạt động thời kỳ nào cả, nhưng bám đất, bám vùng giải phóng, nuôi chứa cách mạng mút mùa. Những năm ác liệt, tuy Tư Mi có chạy ra chạy vô nhưng luôn liên hệ đóng góp, thông báo tin tức, tình hình. Gia đình Tư Mi gặp thêm một dịp may ngoài ý muốn, là hồi ấy chú có một người con trai đúng tuổi quân dịch, bị giặc bắt lính. Sau mấy ngày chạy lo sạt nghiệp cũng không xong. Con trai chú bỏ trốn vào vùng giải phóng, theo cách mạng. Hồi đó vì sợ giặc làm khó dễ gia đình, chú giả vờ chửi cho thằng con suốt mấy tháng. Nhưng bây giờ thằng con ấy nó được chú cưng thôi như trứng mỏng, bởi nó là niềm kiêu hãnh của gia đình chú. Nó là một cán bộ bình thường ở cơ quan, Tư Mi hay khoe với người lạ rằng nó là phó ty, là thượng úy...

 

Tư Mi vừa xuống nước, liền chợt nghĩ lại mà tức mình. Phải chi lúc này có vợ chú ở nhà là ăn chắc. Ai chớ Chín Cho thì bà ấy áp đảo như mèo vồ chuột và rồi nhai xương, nuốt sống luôn, có đâu lép vế thế này. Đang thắng thế ào ạt vậy mà bỗng dưng Tư Mi để cho Chín Cho gài đến kẹt như nêm. Dễ chịu đâu. Phải học theo khí phách của vợ mà lấy thế lại. Tư Mi suy tính tìm lý lẽ thêm để ăn thua với Chín Cho một keo nữa:

 

- Thôi! Mày về giáo dục gia đình mày đi! Đồ gà chết mà bây giờ cũng tìm cách nho nhoe. Đòi khơi mạch lấy nước ruộng của người ta? Đố! Đồ cà nhổng chống xâm lăng dựa hơi Đảng rồi làm phách. Mấy thằng bành trướng lăm le qua rồi đó, sửa soạn dỡ nhà chạy ra vùng meo nữa đi !

 

Tư Mi điểm huyệt Chín Cho một cái đứng râu. Mấy người đứng coi bên hàng so đũa nín cười không được. Bao nhiêu thứ đổ vào đầu, Chín Cho vừa tức vừa ngượng. Bỏ đi ra đường định rút lui có kế hoạch nhưng Chín Cho còn cố nghinh lại một câu để vớt vát thể diện:

 

- Hồi nào tuy có yếu tinh thần đôi chút nhưng bây giờ biết tiếp tay với Đảng xây dựng xã hội chủ nghĩa, chẳng còn hơn mấy người...

 

- Mấy người làm sao ?

 

Tưởng được trớn lùa luôn, nào ngờ Tư Mi bất thần bị Chín Cho đỡ ngực cho một đòn ác hiểm:

 

- Mấy người dựa hơi có con làm cán bộ đi khoe khoang, tự cao coi địa phương không ra gì. Mấy người ỷ mình chí cốt rồi công thần đứng chắp tay sau đít bươi móc, đào bới thêm những cái khó khăn của Đảng - Chín Cho ra tới đường lộ, đi luôn về hướng cơ quan nông dân xã, nhưng cứ tiếp tục nói lui - Thằng Cho này tuy trước kia không được chí cốt lắm nhưng bây giờ lại biết tích cực. Nhân dân bầu lên. Đảng phân công làm tập đoàn phó chớ nó có làm lậu đâu? Gia đình nó “chèm nhèm” nhưng nó dám đưa vấn đề thiên hạ chửi Đảng, chống chủ trương của Đảng với anh Tám trưởng ban nông dân xã, coi ai phải, ai quấy.

 

Chín Cho đã đi khuất, Tư Mi vẫn còn đứng đờ người ra. Ôi, câu nói cuối cùng của Chín Cho làm cho Tư Mi thốn tận củ hủ. Dù sao Tư Mi cũng cảm thấy Chín Cho có lý! Bà con đứng xem ở hàng so đũa cũng nhận thấy rõ điều đó. Họ bỏ ra về hết. Còn một mình Tư Mi đứng chơ vơ trước nhà. Mặc dù Chín Cho có nịnh bợ đến đỗi không dám kêu Tám Thành người trưởng ban nông dân xã bằng tên (chỉ gọi anh Tám) nhưng cái nịnh bợ ở thời buổi này vẫn còn đất sống. Thằng nào biết cách nịnh cũng được thắng cuộc chớ chơi đâu. Bởi còn nhiều “người lớn” thích bùi tai nên mấy thằng nịnh còn vũ đài dụng võ. Nghĩ tới đây mà Tư Mi nghe bất nhẫn, ớn xương sống ngang. Một khi lo lắng đâm ra nghĩ ngợi tùm lum: “Tám Thành độ này ít đến chơi những nhà chí cốt, nhà nghèo vì mấy nhà đó thường hay ăn nói sấn sả, ít có mồi nhậu, Chín Cho sẽ thêu dệt đủ điều với Tám Thành về chuyện mình chống Đảng. Y làm vậy cốt để trả thù vì bị thua luôn hai keo hồi năm ngoái. Chắc chắn là cửu cửu bát nhứt, bát cửu thất nhì gì Chín Cho cũng trả thù! Bữa hổm hai vợ chồng Chín Cho làm thịt con ngỗng cồ nấu chao, trụng rau muống rồi cố tìm cho được Tám Thành để hú hí nhậu suốt đêm...

 

Một lần Chín Cho khơi mạch lấy nước ngang bờ mẫu ở đất Tư Mi qua đất y, bị chánh quyền xử thua; một lần trâu Chín Cho qua ăn mạ Tư Mi, bị xử bắt đền, lại thua. Lần này Chín Cho có ý đồ gài chọc tức cho Tư Mi nói ẩu động tới Đảng, động tới uy tín cán bộ cách mạng, y lại khơi mạch cho Tám Thành hiểu sếu sáo về Tư Mi, chắc y sẽ thắng. Mà Chín Cho thắng thì chắc mẻm Tư Mi đi ở tù! Vì cái tội đòi chém Đảng, rượt đuổi cán bộ đâu phải nhỏ? “Chắc phen này mình phải ôm mùng chiếu, gạo thóc lên làm quen với trại cải tạo Cây Me quá! Cái tàn cây me lớn trên nền sân gạch đó sao nó vô duyên làm vậy? Lên ở chỗ đó là thấy đủ mặt những người cờ bạc, trộm cắp, buôn lậu, say sưa, chửi bới chánh quyền... Mình cũng là một loại tội phạm. Ở cái trại đó người ta giăng mùng ngủ, nấu cơm ăn để chờ xử lý đông lùm đùm, lủ khủ tựa cái chợ chồm hổm. Thế mà... lần này lại đến lượt mình. Nếu Tám Thành công bình, đừng mất chất, đừng nghe lời ton hót, cố tìm ra sự thật thì...”

 

Tư Mi chép môi, lắc đầu! Thời buổi này cán bộ mà ham nhậu nhẹt thì không hư mặt này cũng hư mặt khác, khó tin quá !

 

Nỗi hoài nghi của Tư Mi quả đúng như ghi. Sáng bữa sau chú nhận được thư mời của ban nông dân xã. Người ký tên quả là Tám Thành. Tư Mi buồn bã nó với vợ:

 

- Thôi thì mình đành “cắm trại’ Cây Me một lần cho biết với người ta. Thật là con ếch chết vì tiếng kêu như vậy đó.

 

Thím Tư nghe chồng nói vậy nổi xung thiên, nhìn chú bằng đôi mắt trợn ngược. Thím có vóc người phốp pháp, tóc ót quăn quăn, mặt mày đầy thịt nhưng sáng sủa. Người ta ngán nhứt là đôi mắt lớn mà đen của thím, mỗi khi có chuyện gì sửng cồ lên là liếc, đảo vùn vụt. Công việc nhà một tay thím đảm đang trong ngoài, thương chồng giống y một kiểu với thương con. Nghe chồng than thở, thím Tư nổi máu mặt, cầm cục thuốc xỉa ngoai ngoai rồi độn qua một bên mép miệng. Thím phun cốt trầu cái phẹt, hai tay múa lang ba lên:

 

- Cái giống gì mà sợ? Ông cứ đi coi nào! Chuyện êm thì thôi, không, tôi lôi lên tận xã xé tét thằng Tám Thành ra làm hai cho nó biết tay. Đời bây giờ còn nghe theo cái đám “quân sư quạt mo” đó là bán dân, hại nước. Thơ đâu? Ông đọc cho tôi nghe mà nghiên cứu tình hình coi !

 

Sau khi nghe chú Tư đọc thư, thím ngồi tréo ngoảy chân qua một bên, ngửa cổ cười:

 

- Thơ không ghi kèm phải mang mùng ngủ với gạo ăn, đừng lo. Kiểu này Tám Thành mời ông lên giáo dục thiệt hơn một lát gì đó rồi về thôi. Yên tâm mà đi. Tôi bao sổ thách Chín Cho, nó hơn, tôi sẽ bỏ xứ này.

 

Thế rồi lời vợ Tư Mi cũng đúng như ghi. Chỉ mặt trời vừa lặn là Tư Mi từ trên cơ quan nông dân xã đã cắp chiếc nón rách le te về tới. Ai cũng thấy vẻ mặt Tư Mi sáng trưng và có phần phấn khởi nữa. Chú nói nói, cười cười, nhưng có ai hỏi vô “vấn đề trọng tâm thời sự” thì chú bảo: “Có ăn nhằm gì”. Chú còn bảo là: “Tụi tôi cùng nhau lai rai một chập rất vui vẻ và đoàn kết”. Tụi tôi là ai? Tư Mi, Tám Thành, Chín Cho cùng nhau nhậu sương sương chơi à? Còn vui vẻ là bộ ba rồi, nhưng đoàn kết tất nhiên là giữa hai người mới xích mích nhau, hàn gắn lại chớ gì? Lạ đời chưa? Mới chửi lộn, xách mác rượt nhau hôm qua. Chín Cho mà cùng ngồi chung với Tư Mi một bàn “lai rai vui vẻ, đoàn kết” tại cơ quan nông dân xã thì có trời mà hiểu nổi. Ai hòa giải chuyện này? Ngoài Tám Thành ra thì có thánh nào xuống? Nhưng dù ai có hoài nghi hay ngạc nhiên gì, sự thật nó vẫn là sự thật trăm phần trăm, không có một dư luận nào xuyên tạc ngược lại. Sau khi câu thề của Tư Mi là: chuyện đó thật quả “cửu cửu bát nhứt”, thì ai nấy đều bỏ qua, tin luôn.

 

Thấy chuyện tình nghĩa chòm xóm lại hòa thuận, ai cũng vui, theo Tư Mi vào đến tận sàn nhà. Nhưng lúc vừa nghe “con sư tử Hà Đông” của chú lên tiếng đằng hắng ở nhà sau, người nào cũng giạt ra đám so đũa cạnh bờ đìa mà đứng. Vì họ thấy trên mặt chú hiện rõ nét xám xịt và phập phồng. Có mấy người cười mỉm và chỉ một ngón tay vào miệng ngụ ý bảo lặng im để lắng nghe chuyện gì sẽ xảy ra.

 

Cũng lại đứng như ghi. Tiếng đàn ông rầm rì nghe như gió lướt qua hàng cây so đũa. Ngược lại, tiếng đàn bà vang lên ong óng rõ mồn một tựa giọng cô đào Hàn Tố Mai “giũa” vua Triệu Khuôn Dẫn trong tuồng “Trảm Trịnh Ân”.

 

- Ông mắc mưu tụi nó rồi. Trời ơi! Hễ chuyện gì để cho ông lo thì từ huề tới thua. “Nhậu lai rai, vui vẻ, đoàn kết” là cái gì? Nó dụ khị ông, nó khích tướng ông cho cao hứng lên rồi ông nghéo tay thi đua làm ba cái thứ giống cao sản chết tiệt gì đó. Ông đổi giống mới, lạ đất, không có một hột lúa nhổ râu cho ông coi. Cao sản, thấp sản gì? Ông bà tôi mấy đời rồi có thứ đó đâu mà cơm cũng no đều đều. Còn thằng Chín Cho hả? Đồ gà chết đó, thành phần gia đình nó tốt gì mà dám thách thi đua với gia đình mình chớ. Tôi là gia đình chiến sĩ nè.

 

Giọng chú Tư cũng cứ rầm rì:

 

- Gà chết mà người ta giác ngộ chủ trương của Đảng sớm hơn mình. Mình “chiến sĩ” mà làm kỳ đà cản mũi kiểu làm ăn mới của tập đoàn ?

 

Giọng đàn bà tắc tị. Mấy người đứng ngoài hàng so đũa nghe Tư Mi chiếu bí lại vợ, ai cũng đã ngứa trong bụng, bụm miệng cười sùng sục. Có lẽ ở cơ quan nông dân xã, Tư Mi được Tám Thành cho uống mấy chung mật gấu rồi, hèn nào gan dữ. Bây giờ chú lại “mun” lên, tấn công tiếp nữa kia. Nhưng, ơ... sao câu nói chưa được thẳng đà, dường như bị hốt hồn nên chú giật mình xuống nước nhỏ:

 

- Bà nghĩ coi, Tám Thành phân tách tỉ mỉ từng chuyện một nghe phải râm ran, ai mà không thuận ý cho được? Chín Cho biết mình khuyết điểm trong cái kiểu ăn nói việc gì cũng gài Đảng vào hù dọa người ta, phải đành ngồi bí xị mà tiếp thu. Rồi lát sau y lại nhận thiếu sót với mình một cách thành khẩn. Mình cũng có thiếu sót, cũng là người chớ phải chó điên đâu mà không biết phải quấy ?

 

- Mình lỗi gì? Nó mới có lỗi. Ai biểu nó để trâu ăn đám mạ của tôi chi? Ai biểu nó lén khơi mạch ngang bờ mẫu lấy nước ruộng của tôi chi? Đáng cái đời nó chớ. Đồ đó mà ưu gì với ai.

 

- Có chớ. Nó đăng ký đưa ruộng vô tập đoàn trước mình. Dân bầu mình làm tập đoàn phó, mình không chịu, bầu nó, nó làm tích cực.

 

- Nó làm để lấy oai, chớ tích cực gì ? Đùa cho người ta rồi lại nói người ta. Bây giờ nó thách thi đua với mình nữa đó.

 

- Thách cái gì ?

 

- Thách làm giống cao sản coi ai nhiều hơn.

 

- Nó dám thách chuyện đó nữa à ?

 

- Nó đâu có sợ vợ như tôi mà không dám thách ai ?

 

Chú Tư Mi lỡ miệng buông ra câu nói tai hại này, vội đưa hai tay lên bịt tai lại. Chắc chú cũng đoán được sẽ có hàng tràng sấm sét chạt lại, vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm, biết tánh ý nhau quá rồi. Quả đúng như ghi. Thím Tư bị chạm nọc, giãy tê tê lên. Trong nhà lại vang ra tiếng đàn bà quang quác tựa Phàn Lê Huê đọc chú phá Hồng thủy trận:

 

- Ông đừng nói phá xương tôi! Nó đừng có bỉ mặt tôi! Có giỏi nó lo thân nó đi! Tôi bao sổ đó! Ông cứ lãnh giống cao sản về đi, tôi làm hết mẫu, chịu chơi mút mùa với nó lần này !

 

***

 

Hai mẫu ruộng nằm cặp nhau cách có con bờ “cơm nếp”, đã xuống giống cao sản được ba bữa rồi. Ngay vào đợt trời đổ mưa cầm chĩn, mẫu đất của Chín Cho được anh ta khơi mạch, móc mương xả nước cạn vừa chừng. Bên này thì Tư Mi ngã bịnh cứ trùm mền ngồi rên, để mặc cho mầm lúa giống cứ chơi vơi, chới với dưới lòng nước. Nhứt định không khai mương, khơi mạch, vợ Tư Mi đã phán quyết rồi! Bị vợ ra lịnh vậy, căn bịnh của Tư Mi càng trầm trọng thêm. Bịnh gì mà lạ đời! Cứ nghe nó trở chứng liền liền. Lúc có vợ ở một bên chăm sóc thì Tư Mi cảm thấy vừa ớn xương sống, vừa phát lãnh run nhiều; lúc vợ ra khỏi nhà, chú lại nghe bứt rứt, đau xót trong lòng mà sinh ra bực bội. Hai hôm nay bịnh Tư Mi lại sinh thêm một chứng nữa: hay giật mình. Mỗi khi nằm nhắm mắt chú liền thấy hình ảnh một đứa trẻ con bị rơi xuống lòng nước, hai tay chới với quơ hốt, giãy giụa, sặc sụa. Đó là hình ảnh đứa cháu ngoại của chú bữa hổm chạy chơi bị té xống mương cứ ám ảnh chú. Nếu không có bà con hàng xóm, nhứt là gia đình Chín Cho hay kịp tuôn xuống cứu thằng nhỏ thì kể như... Càng nhớ chú Tư càng giật mình đơm đớp hoài! Người ta la ầm lên. Chú chạy vội ra. Chín Cho mình mẩy, đầu cổ ướt loi ngoi. Thằng nhỏ quằn quại trên tay anh ta... Tư Mi lại giật mình! Con nước chum này ác thật! Ờ, Chín Cho cái gốc là một con người tốt, bụng để ngoài da, hồi trước hơi nhát bom đạn, bây giờ cái miệng hơi bép xép vậy thôi. Mình đây mới là một con người tàn ác! Ơi, không! Vợ mình thật là một con người tàn ác! Mình chỉ là người tiểu đội phó dưới quyền tiểu đội trưởng thôi. Trời ơi! Cái tội âm mưu giết lúa giống cao sản để làm lại giống lúa mùa này là ai chịu trách nhiệm? Nông dân đi giết lúa giống chẳng khác nào con mèo tháng ba ăn thịt con vậy, ghê lắm! Tại sao mình lại tự cắt vào núm ruột của mình? Tư Mi biết năm giạ lúa cao sản IR.40 của chú sạ ngoài mẫu kia đang chới với tìm sự sống giữa lòng nước mênh mông để đâm mầm, bắt rễ. Mưa nước càng lên, mầm lúa càng long lơ, lúc lắc khó mà bám đất được. Trong bụng chú càng đau, càng nóng mỗi khi nghe con cóc trong kẹt lu nước nghiến răng trèo trẹo bảo trời phải đổ mưa thêm. Tiếng cóc nghiến răng dội vào lòng chú dường như cóc nghiến đứt từng khúc ruột của chú vậy. Đã là mắc căn bịnh cảm nước, lại cứ thấy ổ kiến lửa ngoài góc hè tha gạo, cõng trứng hành quân cấp sư đoàn hoài, Tư Mi nghe trong lòng mình càng ớn lạnh thêm. Thế này thì đợt mưa chum nước còn kéo dài.

 

Nhưng những nỗi khổ trên còn đỡ nhức nhối hơn cái lối làm tình làm tội của vợ chú hàng ngày. Miệng thím cứ đay đảy hết hăm dọa lại thủ thỉ:

 

- Ông nghĩ lại coi - lời vợ Tư Mi - Chẳng thà nhận nước bỏ năm giạ lúa giống cao sản, mình cấy lúa trung lại cầm bỏ tới mùa cũng lời hơn tám chục giạ. Tội gì phải làm cho nó cực khổ, lỗ lã? Thời buổi kinh tế mà. Cao sản thu hoạch ngay mùa mưa, ôi thôi là cực! Một chục công tôi cho cao lắm trăm rưởi giạ là cùng. Đàng này cứ bỏ cho nó chết hết đi, cấy lúa mùa lại, chắc ăn là ba trăm giạ. Ông cứ nằm nghỉ. Phần thi đua với Chín Cho mình có thua diện tích nó đâu, tại nước lụt chết hết chớ bộ. Cứ đổ thừa là giống lúa Nhà nước yếu quá, chịu nước không nổi. Ai làm gì biết nổi chuyện lắt léo này? Mình lấy hết số phân bón của hai mùa dồn lại một, lúa trúng bể bồ.

 

Tư Mi bỏ con toán tính thử “Cửu cửu bát nhứt...”, đúng là như lời vợ nói. Nhưng tính theo kiểu đó gian manh quá, con nhà nông ăn chắc mặc dày mà. Nếu nghe theo lời vợ là phải giết lúa giống cao sản? Trời ơi! Lương tâm nông dân nào làm cho nỡ? Làm vậy đồng nghĩa với chống lại chủ trương của Đảng và phá hoại lúa giống Nhà nước nữa. Không làm thì nói thiệt, để lúa giống cho người khác làm. Mới bị Chín Cho bảo là chống Đảng, vậy có sai đâu? Nghĩ tới đây Tư Mi lại giật mình đơm đớp! Vợ chú xúi giục giết chết lúa giống cao sản là xúi chống lại Đảng rồi. Ba đời, chín kiếp nông dân ở dưới vũng bùn nhờ Đảng lôi lên, bây giờ lại đi làm phản sao? Tư Mi lại giật mình, rồi thở ra. Chú lại tiếp tục suy nghĩ: “Dù là cái thân tiểu đội phó nhưng cũng để cho người ta có chút lương tâm với chớ. Vì muốn có lợi chút ít mình phải làm cái thằng ăn gian, nói dối coi sao được? Dù mình có dối được với Nhà nước chớ làm sao qua con mắt khóm của bà con nông dân? Ai cũng thấy tận tim đen của mình, mình dối với trái tim sao được ?” Tư Mi cứ hỏi đi rồi hỏi lại một mình.

 

Riêng vợ Tư Mi thì mấy bữa nay không kể gì tới cảnh ruộng nương bị ngập lụt. Vì thím đã quyết giết lúa giống “có kế hoạch” rồi. Tím cứ chạy hỏi thương nghiệp xã đợt này có bán những mặt hàng gì, định lượng mỗi hộ bao nhiêu? Thím cho rằng hay trước, đi sớm, đòi dẻo là được ưu tiên. Thấy vợ việc gì cũng chạy chọt, quơ hốt giành đủ phần lợi về mình mà Tư Mi càng đâm ra ngán ngẩm. Ở đời, chơi gác với chồng nó nhịn chớ chơi gác với thiên hạ hoài nó cũng “quập” lại thôi.

 

Sáng hôm nay trời không mưa, nắng trong veo, cũng là ngày vợ Tư Mi đon đả nấu cơm sớm để xách giỏ lên cửa hàng thương nghiệp xã. Trước khi đi thím còn sờ trán chồng mà dặn đừng ra ruộng, vì trời đang mưa dầm bỗng dưng trở nắng gắt là có hại đến sức khỏe. Thím còn để lại cho chú ba viên thuốc Rumet uống giải cảm.

 

Vợ đi rồi, Tư Mi nằm gác tay lên trán, đôi mắt lim dim. Chú đưa tay lên bấm đốt “cửu cửu bát nhứt...” Ừ, nắng gắt sau một đợt mưa dầm thì có hại cho sức khỏe. Nhưng con người có sao đâu? Mạ non dưới nước kia sẽ chết sạch. Có hại là vậy đó! Nắng nóng quá, rễ mạ quéo lại không bám được vào đất sẽ nổi phình lên cho thấy được. Nghĩ mà thương đứt ruột cho năm giạ lúa giống đang chới với chết ngoài kia. Đảng chủ trương cốt làm cho nông dân no cơm ấm áo, mình thấy lợi nhỏ trước mắt lại đi phá hoại chủ trương lớn của Đảng. Trời ơi, tàn ác, phản động vậy sao? Thằng Tư Mi này nhờ ai mà thoát khỏi đòn roi của địa chủ? Gia đình này không một cục đất chọi chim, không một hột lúa nhổ râu, nhờ ai mà ruộng chục, lúa trăm? Tại sao mình ăn cơm rồi tính chuyện đập nồi, ăn cháo rồi đái vô chén? Trời mưa dâng cơn lụt vừa qua đã là tàn ác rồi, tại sao mình lại a tùng với trời làm những điều bất đức? Tư Mi nhớ lại cái miệng quai xách của vợ đêm đêm cứ đay nghiến: “Phải cương quyết bí nước cho giống cao sản chết, cấy lúa mùa lại, có lợi hơn”. Sao mà kinh tởm quá vậy? Dáng điệu của vợ làm chú gợi nhớ đến bản mặt con trâu cái già của Chín Cho hồi năm ngoái đứng nhơi đám mạ nàng chô của chú. Ôi, cha chả là giận! Tư Mi nghe hai tai nóng lên. Một sức mạnh từ bên trong bất thần vùng dậy, máu huyết trào lên, Tư Mi đứng vụt ném bỏ ba viên thuốc Rumet đang cầm trong tay. Chú hằn học bước ra cửa, nhìn theo bóng vợ. Cái dáng người mập mạp, mặc áo túi trắng, quần lãnh đen đã khuất sau bụi tre xiêm chỗ bờ ranh đất Chín Cho rồi. Bộ tướng đáng ghét quá, chú không thèm sợ sệt gì nữa. Tư Mi trở vô nhà lấy cây leng giấu vào kẹt cửa rồi ngóng ra nhìn theo bóng vợ một lần nữa. Chắc ăn rồi! Lần này Tư mi mạnh dạn trở vô chụp cây leng vọt ra cửa sau.

 

Bị cảm cúm mấy bữa, Tư Mi ra nắng quả y như lời vợ nói. Chú bị nhảy mũi và nôn ho liền liền. Đến mẫu đất đã sạ lúa cao sản, chú ngồi xuống xem xét. Nước sâu tới đầu gối, trong veo mắt mèo, lọt cây kim cũng thấy. Hạt lúa giống đóng chong đong đưa trên mặt đất, ba càng thò ra vụng về, mấy mầm lá nhỏ xíu cong cong quờ quạng, chơi vơi, chới với. Tư Mi vụt nảy người giật mình đơm đớp! Cái dáng chới với trong lòng nước của thằng cháu ngoại té xuống mương bữa nọ. Tư Mi bụm mặt. Trời ơi, phải cứu nó! Chú buông mặt ra, trừng mắt nhìn sâu vào lòng đất. Loài cá rô đồng kéo lội hàng bầy tìm hạt giống lúa mà ăn. Có những con dừng lại, cong mình xắn vào mấy mầm mạ non. Những cụm mạ kềnh càng bị long rễ từ từ phình lên. Nhiều cọng mạ đã nổi lên kết thành dề cùng bọt nước, bông cỏ và bã mục bị từng lượn sóng con đùa vào mé bờ dập dềnh, chập chã. Tư Mi quơ cây leng đuổi bầy cá rô. Chúng bỏ chạy, để lại phía sau mấy cuộn nước bùn cong queo. Lại thêm nhiều mầm mạ nổi lên vì khuấy động. Nhứt định phải khơi mạch ngang bờ cho nước bên trong xả ra kinh. Cứ khơi, bà ấy có hay thì chuyện đã rồi. Nếu bả quát tháo thì mình... cự lại! Ức quá, không nhịn được nữa rồi! Tư Mi xác định lại một lần nữa cho dứt khoát tư tưởng, rồi chú xách leng đi băng băng lên đầu mẫu đất, chỗ gần con kinh lớn.

 

Đến lùm cây trâm bầu rậm, Tư Mi nghe đầu nặng mắt hoa thêm. Chú dừng lại, ngồi nghỉ mệt. Vừa dựa lưng vào gốc trâm bầu, Tư Mi bỗng nghe có tiếng ai ho ngoài đầu bờ mẫu. Vẹt cành cây nhìn ra, chú thấy rõ ràng là Chín Cho. Thằng cha ấy làm gì lom khom chỗ đó? Nhứt định là có chuyện rồi. Tư Mi nhẹ lách mình bước ra, xách leng rề lại. Chín Cho vẫn không hay biết gì, cứ ngồi gằm đầu cầm cây dao yếm khơi luồn ngang bờ mẫu của Tư Mi thành một lỗ mạch cho nước từ trong ruộng thoát ra kinh. Cũng là khơi mạch nữa! Nhưng Chín Cho khơi mạch lần này... Tư Mi thấy cảm động quá! Mắt chú bỗng nghe ram ráp nóng. Tư Mi bước tới hỏi :

 

- Chú mày làm gì đó ?

 

Chín Cho giật mình, bật lên. Thấy Tư Mi cầm cây leng đứng lù lù trước mặt, anh cắn răng, từ từ lùi lại, rồi đứng dậy. Tay Chín Cho cầm con dao yếm thủ thế sẵn sàng nghinh chiến. Đối phương dùng leng tấn công thì anh phải tự vệ. Nhưng Chín Cho thấy Tư Mi cười:

 

- Khơi mạch? Khơi cái lỗ có bây lớn ăn nhằm gì ?

 

Nói xong, Tư Mi cầm cây leng xắn bầm bập vào bờ đất. Chín Cho cũng xáp lại. Kẻ dao, người leng đào xắn, nói cười hỉ hả. Họ vừa khơi đất vừa gạt mồ hôi để tháo nước cứu mẫu lúa giống cao sản.

Anh Động
Số lần đọc: 3116
Ngày đăng: 28.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trúng số - Hoàng Thu Dung
Không phải là trò chơi - Hoàng Thu Dung
Tóc ngắn - Minh Châu
Bạn đồng hành - Minh Châu
Cây thước kẻ của thầy Hiệu trưởng - Phương Nam
Chim trời cá nước - Phương Nam
Thiêu thân truyện - Nguyễn Trọng Nghĩa
“Anh đi anh nhớ quê nhà…” - Minh Trí
Bên khung cửa mùa xuân - Minh Châu
Mối tình của cây dạ lan hương - Thu Trang
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)