Đã hơn mười một giờ trưa, mặt trời mùa hạ lên ngang đỉnh đầu, ông Thiện vẫn còn loay hoay xếp đặt lại những thùng hàng nhỏ, to mới nhập về bỏ bề bộn trong cửa hàng. Ở tuổi thất thập, lại là thương binh, sức khỏe yếu phải làm những công việc khuân vác nặng nhọc, miệng ông thở phì phò, mặt mũi đỏ phừng, mồ hôi tuôn ra chảy từng hàng trên khuôn mặt gồ ghề, nhăn nheo của ông trông rất tội nghiệp. Cái cửa hàng tạp hóa của nhà ông mở ra tính đến nay tròn một năm. Mọi công việc tính toán, bán mua hàng ngày trong cửa hàng do một tay ông xoay xở. Vợ con phó thác cho ông. Ngoài việc trông coi nhà cửa, bán hàng, ông Thiện còn phải đi chợ, nấu ăn cho cả gia đình. Vợ, con gái, con rể hàng ngày đi làm công sở, trưa, tối về chỉ việc ngồi vô bàn ăn uống no nê rồi ngủ nghỉ, đến giờ đi làm. Vợ con không phải bận tâm bất cứ công việc gì trong gia đình, kể cả những công việc nhỏ nhặt như quét dọn nhà cửa, rửa chén bát sau mỗi bữa ăn... Từ lâu ông Thiện đã biến thành một “ô sin”.
- Ổng làm cái quái gì mà giờ này bếp núc còn lạnh tanh, cơm nước chưa có. Bộ ổng cho cả cái nhà này bữa ny nhịn đói sao? - Điểm mang một vẻ cau có, giận dữ quát mắng ông Thiện:
- Hôm nay hàng về nhiều, bố phải xếp đặt cho gọn gàng nên chưa rảnh tay nấu ăn. Các con nghỉ ngơi uống nước chờ bố một lát, bố đi nấu ngay đây.
- Chờ, chờ đến bao giờ. Đúng là kẻ ăn hại. - Ông Thiện nghe con gái buông ra những lời nói hỗn xược, ông giận lắm! Nhưng với bản tính hiền lành ông cố nén cơn bực tức, ôn tồn nói:
- Bố nhận lỗi, bố đi nấu ngay đây. - Ông Thiện quơ vội chiếc rá treo trên tường bếp, mở thùng lấy gạo. Điểm chạy lại, giật rá gạo trên tay ông hắt toẹt ra nền nhà, gạo bắn tung tóe, trắng xóa khắp nhà, chỉ tay vào mặt ông Thiện:
- Khỏi cần ổng nấu. Bữa ny vợ chồng tui đi ăn quán. Ông là một kẻ vô dụng, lười biếng. - Đến lúc này thì ông Thiện không nín nhịn được:
- My nói với bố my như vậy được sao? - Ông tiến lại, đứng trước mặt Điểm, giơ tay tát nhẹ vô mặt Điểm một cái. Điểm đã bù lu bù loa:
- Á, á! Ông đánh tui hả? - Điểm tóm ngay lấy chiếc ghế đẩu đặt ở góc nhà lia mạnh vô người ông Thiện. Bị một cú đánh mạnh vô chân, ông Thiện ngã gục xuống sàn nhà, nằm sóng xoài, đau đớn. Hiền, chồng Điểm vội chạy lại ôm lấy ông Thiện: “Bố ơi, bố có sao không? Hiền vội bế bố vợ đặt lên giường. Quay về phía vợ, nghiêm mặt nói:
- Sao em lại hỗn láo, dám đối xử với bố như vậy? Điểm tỉnh bơ:
- Ổng ấy không phải bố tui. Mẹ con tui từ lâu đâu còn có tình cảm chi với ổng ấy.
Nắn nắn hai ống chân ông Thiện, Hiền phát hiện ống chân phải của ông đã gãy, xương kêu lạo sạo. Hiền hoảng sợ liền gọi xe cấp cứu đưa ông vô bệnh viện.
Ông Thiện được các bác sĩ chuyên khoa săn sóc tận tình. Nhưng vết thương quá nặng, chân phải của ông đã từng bị thương trong chiến tranh, cú va đập mạnh lần này xương ống chân gãy vụn, không thể cứu chữa. Giải pháp tối ưu là phải loại bỏ chân phải.
Ông Thiện nằm viện suốt ba tháng, bà Sảo, vợ ông chỉ vô thăm một lần. Bà vô mang cho ông được hai hộp sữa quá đát, vỏ hộp đã rỉ vàng và một ký cam, ngồi chưa đầy ba mươi phút bà đã vội ra về, viện lý do bận tiếp khách của công ty. Sữa quá đát, cam héo lại đắng ông Thiện không ăn, để lăn lóc trên mặt tủ. Việc thăm nuôi ông Thiện những tháng ngày nằm điều trị trong viện đều do Hiền, con rể ông và đồng đội ông. Đồng đội của ông như ông Thành, ông Hồng, bà Của... thay phiên nhau hàng đêm có mặt trong bệnh trò chuyện với ông.
Ngày ra viện, ông Thiện trở về nhà cùng với cặp nạng gỗ. Vừa bước vô vỉa hè, nhìn lên thấy cửa nhà đóng kín, khóa hai chiếc khóa bự. Trên cửa treo một tấm bảng đen, chữ viết bằng sơn trắng: “Nhà cần bán gấp. L.H. số điện thoại...”.
Nhìn hai chiếc khóa bự cùng tấm bảng giao bán nhà, lòng Thiện quặn đau, ông ngồi bệt xuống vỉa hè, vẻ mặt rầu rĩ, nước mắt ứa ra, “Thế là hết, hết cả rồi!” ông lẩm bẩm nói với chính mình.
Đồng đội hay tin ông Thiện không còn nhà để ở, vợ con đã bỏ rơi. Ông Thành, một người bạn thân thiết, người cùng tiểu đội với ông khi hai người còn sống trong quân ngũ, ông Thành đưa ông Thiện về sống trong gia đình mình một thời gian ngắn, sau đó cùng với Hội Cựu chiến binh phường lên làm việc với Sở Thương binh Xã hội đưa ông Thiện vô sống trong trại điều dưỡng của tỉnh.
*
Sau 1975, Thiện về quê, là thương binh loại 1/4. Thiện đau lòng nhìn thấy cả khu phố đổ nát hoang tàn, nhà cửa của gia đình mình bị bom đạn máy bay Mỹ thiêu trụi từ giữa năm 1972, cha mẹ và anh chị em đều chết trong trận bom ngày ấy. Không nhà cửa, không cha mẹ, anh chị em ruột thịt, Thiện khoác ba lô từ giã Hà Nội, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, lên tàu vô Đông Hà, nơi chiến trường Thiện cùng đồng đội từng sống chiến đấu suốt mười năm, kiếm tìm đồng đội, nhờ đồng đội giúp cho một nơi để làm bến đậu. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, Thiện vào làm trong một xưởng cơ giới của thị xã. Là thương binh, sức khỏe yếu nhưng Thiện làm việc rất chăm chỉ. Vốn là một thợ sửa chữa xe máy trong quân đội, Thiện đã phát minh, cải tiến làm ra được nhiều máy móc nông cụ hữu ích cho nhà nông, được bà con nông dân tin dùng. Sản phẩm của xưởng bán được nhiều, đời sống của anh chị em công nhân ổn định. Cựu chiến binh Lê Đức Thiện được mọi người quý mến. Thiện là một chàng thanh niên Hà Thành, đẹp trai lại có tài, tính nết hiền hòa, chân thật, nhiều chị em công nhân trong xưởng muốn bày tỏ tình cảm với Thiện. Thiện biết mình bị thương, theo bác sĩ cho biết, Thiện không còn chức năng làm bố, Thiện định bụng ở độc thân suốt đời. Nhưng anh em đồng đội khuyên Thiện cần phải xây dựng gia đình để sau về già có chốn nương tựa. Không có con thì xin con nuôi, cốt sao có người thương yêu mình là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Đồng đội giới thiệu Võ Thị Sảo, cán bộ phòng Thương nghiệp thị xã cho Thiện. Sảo là một cô gái sống độc thân, cha mẹ mất sớm, anh chị em trong gia đình đã yên bề gia thất. Sảo nhan sắc ở vào bậc trung bình. Làn da trắng, mịn màng, gương mặt tròn, sắc sảo. Ở tuổi “băm” gặp được Thiện, Sảo ưng ngay. Anh chị em trong xưởng, cùng với đồng đội đã xúm lại, tổ chức đám cưới cho Thiện và Sảo. Một đám cưới đời mới đầu tiên ở một thị xã vừa sau 1975 được tổ chức ngay trong trụ sở của xưởng. Bạn bè, đồng đội đến dự rất đông.
Thiện và Sảo sống với nhau một năm đầu rất hạnh phúc. Khi cuộc sống gia đình đã ổn định, vợ chồng Thiện tính đến chuyện xin con nuôi. Thiện bàn với vợ:
- Em à, cuộc sống của vợ chồng mình giờ đã đi vào nề nếp, có nhà cửa khang trang, thu nhập của hai vợ chồng đã có của ăn, của để. Chúng mình nên xin một đứa con về nuôi cho ấm cửa, ấm nhà. Ý em thế nào? - Sảo không thích xin con nuôi. Sảo nghĩ con nuôi nó không mang dòng máu của mình, lớn lên nó không chung thủy, bỏ mình thì công cốc. Khác nào công dã tràng.
- Em không muốn xin con nuôi. Em muốn con của chính em sanh ra cơ.
Ở thập niên tám mươi của thế kỷ trước, ngành y học của nước ta chưa phát triển, công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm chưa có. Thiện đồng ý cho vợ đi tìm kiếm một đứa con bên ngoài.
- Anh bằng lòng cho em đi tìm một đứa con mang dòng máu của em. Nhưng em phải hứa với anh một điều: tuyệt đối giữ kín chuyện, không tiết lộ cho bất kỳ ai hay. Sau này đứa con lớn lên nó sẽ vĩnh viễn không biết tên tuổi, gốc gác cha đẻ của nó.
- Em không hứa, lời hứa không có sức nặng bằng lời thề, em xin thề! Lời thề danh dự của một người vợ thủy chung. Anh bằng lòng chưa? - Sảo gục đầu vô vai chồng, lòng bồi hồi, xao xuyến!
Ít lâu sau Sảo mang bầu và sanh ra một cô con gái bụ bẫm. Anh em trong xưởng, bà con lối phố và anh em đồng đội của Thiện ai cũng phấn khởi tới chúc mừng cho Thiện và Sảo.
Đứa con sanh ra có sự chăm sóc chu đáo của cả hai vợ chồng, lớn rất nhanh, càng lớn càng xinh đẹp, thông minh. Hai tuổi đã biết bi bô gọi bố, gọi mẹ. Thiện mừng lắm! Hàng ngày đi làm, chiều về cứ quấn quýt bên con không rời nửa bước. Thiện đặt tên cho con là Điểm, Lê Thị Mộng Điểm, Thiện đặt tên cho con như vậy là muốn con lớn lên học giỏi, bài vở luôn được điểm cao.
Mộng Điểm lớn lên trong tình yêu của bố mẹ, của các chú, các bác, bạn bè của bố mẹ. Mộng Điểm được mang một lý lịch hồng, là con của thương binh, cựu sĩ quan quân đội nhân dân, việc học hành ở trường, ở lớp được các thầy cô chăm sóc tận tình. Học xong phổ thông trung học, Điểm thi đỗ vô trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Năm năm trời Điểm học trong thành phố, vợ chồng Thiện dành dụm chăm lo chu cấp cho con không thiếu một thứ gì. Thiện đã bỏ các thói quen sinh hoạt hàng ngày như cà phê, thuốc lá, uống trà... dành tiền cho con ăn học. Sự chăm lo của bố mẹ dành cho Điểm, làm chúng bạn trong khoa phải ghen tị. “Khiếp, con Điểm được ông bô, bà bô lo cho như vậy thì sướng quá đi rồi. Hỏi trong khoa ai bằng. My chỉ còn thua con vua quan thôi đấy!” - Bọn bạn của Điểm thường nói vậy.
Tốt nghiệp đại học, nhờ có sự quen biết rộng của bố, giám đốc Ngân hàng tỉnh là bạn cùng chiến đấu của bố, Điểm được nhận vô làm việc ở Ngân hàng tỉnh. Cũng thời điểm này Sảo được bổ nhiệm lên chức trưởng phòng công thương của thị xã. Ở tuổi ngũ tuần nhưng nhìn Sảo vẫn còn mỡ màng, ăn diện vô trông còn trẻ như thời xuân sắc. Sảo tỏ ra không còn mặn mà với Thiện, Sảo thường xuyên vắng nhà, chiều nào cũng đi tiếp khách, bỏ chồng ở nhà lủi thủi ăn cơm một mình. Điểm cũng chẳng mấy khi ăn cơm ở nhà.
Ngày đi làm ở công sở, tối về Sảo chui vô phòng riêng đóng kín cửa, bật máy vi tính lên chát chít với bạn bè, không đếm xỉa chi đến Thiện, coi như Thiện không có mặt trong nhà. Sảo đã phản bội lời thề với Thiện, nói cho con gái biết rằng Thiện không phải là bố đẻ. Từ đó, con Điểm cư xử với bố có phần lạnh nhạt. Ngày Điểm đi lấy chồng, mẹ con Sảo không cho Thiện đến nhà hàng dự tiệc cưới. Họ hàng, bạn bè thắc mắc: “Sao hôm nay cưới con gái ông Thiện vắng mặt”. Sảo tỉnh bơ trả lời: “Ông ấy bệnh nằm liệt trên giường không đến được!”.
Tan tiệc cưới, về nhà hai vợ chồng Thiện cãi nhau một trận:
- Mẹ con bà tệ quá. Tôi không có công đẻ, cũng có công nuôi. Các cụ xưa đã dạy: “Cha sanh không tầy mẹ dưỡng” nỡ lòng nào bà... đối...
Thiện chưa nói dứt lời, Sảo đã lồng lộn tuôn ra hàng trang, những lời lẽ phũ phàng như gáo nước lạnh hắt vô mặt Thiện:
- Ông nuôi nó được ngày nào? Cái đồng lương công nhân còm cõi của ông nuôi mồm chưa đủ hỏi nuôi được ai. Tui cho nó mang họ của ông, cho nó kêu ông bằng bố chẳng qua tui muốn nó có một cái lý lịch trong sạch là con thương binh để có chút ưu đãi khi học hành, xin việc làm... Giờ nó tự lập được rồi, mẹ con tui cóc cần đến ông nữa. Ông tính đi, tiền của và cả cái mác thương binh của ông đáng giá bao nhiêu, ông ra giá đi, tôi trả sòng phẳng.
Nói xong, Sảo lên phòng mở két riêng lấy ra một sấp tiền, chạy xuống ném trước mặt Thiện, vội vã lên xe phóng đi trong đêm khuya khoắt. Thiện không nói được điều gì, ngồi bệt xuống sàn nhà, đưa tay sờ lên ngực thấy tim mình đau nhói!.
*
Sống trong trại điều dưỡng, ông Thiện được cán bộ, nhân viên trong trại phục vụ tận tình. Ông thấy người nhẹ nhõm, khỏe khoắn. Hàng ngày ông say sưa ra vườn tưới rau, làm việc cùng với mọi người. Một buổi tối mùa đông, ông đang ngồi xem tivi ở phòng khách cùng với bạn bè thì thấy Hiền, chồng của Điểm phóng xe máy vào tận sân trại điều dưỡng, hớt hải chạy vô tìm ông Thiện. Vẻ mặt buồn rầu, Hiền quỳ trước mặt ông Thiện:
- Bố, con xin bố bỏ qua mọi chuyện trước đây. Bố về với mẹ đi. Mẹ bệnh nặng lắm; mẹ bị ung thư gan ở giai đoạn cuối. Bệnh viện đã trả mẹ về nhà. Giờ mẹ đau quằn quại, vợ con lại sắp tới ngày sanh, không có người chăm sóc mẹ. Bố về với mẹ đi!... Hiền là thằng rể, con người đồng đội của ông Thiện. Vốn con nhà có giáo dục, được ăn học cao, Hiền sống rất lễ độ, cử xử với cha mẹ, họ hàng nghĩa tình thủy chung. Từ lâu nay ông Thiện rất quý cậu con rể, coi nó như chính con đẻ của mình.
Ông Thiện đứng dậy, ôm lấy Hiền, hai hàng nước mắt ông ứa ra. Ông vỗ vỗ nhẹ vô vai Hiền: “Con chở bố về nhà với mẹ kẻo đêm khuya, trời rét. Mẹ con là người yếu chịu rét. Hàng năm cứ về mùa đông bà ấy lại ho. Những trận ho kéo dài suốt đêm”. Anh chị em trại viên tiễn bố con ông Thiện ra tận cổng. Vẫy tay chào lưu luyến.
Nha Trang, cuối thu 2011