Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.226.810
 
Những người giữ đảo
Văn Thành Lê

 

Sự đời lắm lúc ngẫu nhiên đến lạ: Hai cha con đều từng ra giữ hai quần đảo của Tổ quốc. Ảnh

 

Sự đời lắm lúc ngẫu nhiên đến lạ. Cuối năm 1973, người cha ra Hoàng Sa, chẳng bao lâu sau khi về nhà thì nghe tin Trung Quốc cưỡng chiếm đảo. Đến phiên người con ra Trường Sa năm 1988 thì cũng lại bị ngay kẻ gây hấn 14 năm trước đó dùng vũ lực xua quân đánh chiếm đảo.

 

Ông Dương Thìn, người Hòa Cường, ngày đó đi lính địa phương quân VNCH. 3 tháng ra Hoàng Sa, ông bỗng chốc trở thành tay câu cá có hạng. Về, ông mang theo nhiều vỏ ốc, cần câu, lưỡi câu. Sau ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, 19-1-1974, ông chọn mấy cái vỏ ốc to, đẹp đặt lên bàn thờ, bên cạnh di ảnh của tổ tiên, mỗi rằm, mồng một lại thắp một nén nhang rồi trầm ngâm đứng nhìn về phía biển. Đôi lúc ông áp cái vỏ ốc vào tai như lắng nghe một điều gì đó. Nếu ông ra đảo chậm hơn 3 tháng nữa thì có khi ông đã không có cơ hội về lại đất liền…

 

Con trai ông, Dương Văn Dũng, khi đó mới tròn 8 tuổi, mấy cái vỏ ốc trên bàn thờ chưa gợi lên một điều gì. 13 năm sau, anh làm lính công binh Hải quân Đại đội 9, Trung đoàn 83, khi lênh đênh trên biển với tàu vận tải HQ 604 ngoài đảo Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa, mới ít nhiều hiểu vì sao cha anh lại quý những kỷ vật của biển đảo quê hương đến vậy.

 

Ngày 14-3-1988 đã trở thành một ám ảnh khó quên trong ký ức của Dũng. Mờ sáng hôm đó, hải quân Trung Quốc bất ngờ tấn công đảo, nã pháo, bắn cháy tàu HQ 604. Tàu công binh không địch lại với tàu chiến. Anh cùng đồng đội bị hất tung xuống biển sau những loạt đạn của kẻ chiếm đảo. Chìm sâu dưới làn nước loang máu đồng đội, anh nghĩ trước sau gì mình cũng vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi như anh em, cho đến khi anh ngoi lên được và bị lính Trung Quốc lôi lên trói một xâu với 8 đồng đội khác.

 

Đó cũng là ngày thiếu úy Hải quân Trần Văn Phương vì bảo vệ cờ Tổ quốc đã hy sinh dưới lằn đạn của những kẻ bất nhân. 64 người hy sinh nằm lại biển khơi, 9 người sống thì thì bị bắt làm tù binh đưa về Trung Quốc. Tin về đất liền: tất cả đã không còn nữa...

 

Dũng nhập ngũ năm 1987, năm sau, người em cô cậu ruột của anh là Lê Văn Dưỡng, trời xui đất khiến sao cũng đi lính hải quân. Dưỡng nhập ngũ ngày 8-3-1988, trong lúc huấn luyện quân sự ở Hội An, không hiểu vì sao cấp trên lấy Hoàng Sa - Trường Sa làm mật khẩu hành quân. Được hơn một tuần thì Dưỡng nghe đơn vị thông báo tình hình Trường Sa, trong đó có tên anh mình trong số những chiến sĩ hy sinh. Dưỡng được đơn vị cấp phép về lo tang cho anh mình.

 

Dưỡng chơi ghi-ta khá hay. Lúc đó, khi Vùng 3 Hải quân đóng ở Đà Nẵng dựng tiết mục nói về gương hy sinh giữ cờ Tổ quốc của thiếu úy Trần Văn Phương, Dưỡng tham gia văn nghệ, viết bài hát tự biên Người yêu anh lính thủy với điệp khúc: Đảo khơi anh có nghe, anh có nghe em hát. Em hát về những gì? Về anh, anh lính Hải quân. Tuổi xuân nơi biển sóng phong ba, dù vất vả nhưng vẫn hồn nhiên giữ biên cương Tổ quốc. Đó cũng là cách Dưỡng chia sẻ tình cảm với những người đồng hương Hòa Cường ngày đó chọn làm lính Hải quân.

 

Trở lại với câu chuyện của Dũng. Anh có một đồng đội, đồng hương tên là Phan Văn Sự. Năm đó, khi chờ tàu trung chuyển từ Cam Ranh ra Trường Sa, Sự cứ mãi tỉ tê với anh về người cha đang bịnh nặng ở nhà. Lòng người trai giục Sự quyết tâm ra đi, nhưng lòng người con thì bảo Sự hãy ở lại. Đắn đo một hồi, Sự xuống giọng rủ anh… đi trốn. Anh bảo, mình đi đây là làm nghĩa vụ người trai, cha mẹ cũng lấy làm vinh dự, chừ mà bỏ trốn thì còn mặt mũi nào mà về quê hương nữa?! Mi ưng thì trốn một mình đi, đừng rủ rê tau.

 

Sự nghe lời, ra đảo. Trong trận chiến không cân sức đó, Sự hy sinh.

Đêm đầu tiên ở nhà tù Quảng Đông, Trung Quốc, Dũng mơ thấy bạn mình về, thân hình loang lổ vết máu, nước mắt ràn rụa, khản giọng kêu anh bắt đền. Hai đêm liền như thế. Đêm thứ ba, anh khấn vái giữa thinh không: Sự ơi, mi sống khôn thác thiêng, đừng kêu tau nữa. Mi chết là vì dân vì nước. Tau thân phận tù đày thế này cũng có sướng chi, thà chết theo mi còn được tiếng ở đời.

 

Từ đó, Sự không về nữa. Nhưng Dũng thì về, về lại quê nhà sau gần 4 năm chôn đời trong tù ngục. Ông Thìn, cha anh, khóc không thành tiếng, “cứ tưởng không còn thấy mi nữa”. Chân dung anh trên bàn thờ đã được dỡ xuống, thay vào đó là những vỏ ốc Hoàng Sa.

 

Rồi Dũng lập gia đình. Chồng làm thợ nề, vợ từng ngày chạy chợ, lam lũ nuôi ba đứa con ăn học, một trai hai gái. Hòa Cường chỉnh trang đô thị, gia đình anh tái định cư về Hòa Xuân, cha mẹ anh về Hòa Thuận Đông. Anh từ cõi chết trở về, nhưng số phận lại trớ trêu khi cướp đi mạng sống con trai anh trong một tai nạn giao thông. Sau chuyện đau buồn, cha anh càng rộc người vì bệnh thận, anh thì ngơ ngác như đánh rơi mấy chục tuổi đời.

 

Sự đời lắm lúc ngẫu nhiên đến lạ. Cuối năm 1973, người cha ra Hoàng Sa, chẳng bao lâu sau khi về nhà thì nghe tin Trung Quốc cưỡng chiếm đảo. Đến phiên người con ra Trường Sa năm 1988 thì cũng lại bị ngay kẻ gây hấn 14 năm trước đó dùng vũ lực xua quân đánh chiếm đảo. Chuyện đời của Dũng nổi trôi giữa bao điều nhớ - quên của thế sự. Hôm 22 tháng 12 vừa rồi, những cựu quân nhân “Chiến sĩ Trường Sa” nhập ngũ năm 1987 cùng lứa với anh đứng ra tổ chức buổi gặp mặt tại Đà Nẵng, khách mời là lứa 1988 của Dưỡng và lứa đàn anh 1985. Họ hát dăm câu, uống vài chén, ôn lại những điều phải nhớ và tự nhắc nhở nhau dù gì thì hãy đừng lãng quên.

 

Ông Thìn Tết này bước qua năm tuổi. Dũng vẫn tranh thủ buổi thợ hai lần mỗi tuần đưa cha đi viện chạy thận, thỉnh thoảng có Dưỡng về giúp. Những vỏ ốc đã mất sau mấy lần dọn nhà, chỉ còn lại hoài niệm Hoàng Sa trong ký ức tuổi 73. Những buổi gặp mặt hằng năm giữ lại ngọn lửa Trường Sa trong tâm tưởng thế hệ 6X, mỗi khi nghe dự báo thời tiết lại thấy nhoi nhói nhớ thương một thời lính đảo…

 

 

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 1781
Ngày đăng: 01.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thiên Đường Thứ Hai - Minh Nguyễn
Nhớ Một Dòng Sông - Mây Ngàn Phương
Ngôi Miếu Thờ “Những Thành Hoàng Làng Đội Mũ Cối” - Vũ Ngọc Tiến
Sống Với Kỷ Niệm - Phạm Văn Nhàn
Tháng 1 Năm 2011 Có Gì Đáng Nhớ - Mây Ngàn Phương
Theo Dấu Người Đi Mở Đất - Chế Diễm Trâm
Kim Tuấn, Chiều Đông Nào Nhung Nhớ - Đinh Cường
Lạc Lõng Dưới Trần Gian - Phạm Đình Trọng
Lên Với Xứ Hoa Đào - Xuân Tuynh
Về Rừng Ăn Cá Lóc Nướng Trui - Mây Ngàn Phương