Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.383
 
Văn-Hóa Việt-Nam 10
Nguyễn Thế Thoại

5.

 

VĂN HOÁ VIỆT NAM

THỜI ĐỒ ĐÁ

 

Muốn thực đúng, không thể nói rằng “Văn hoá Việt Nam thời đồ đá”, mà phải nói rõ rằng: di chỉ nền văn hoá thời đồ đá trên vùng đất của Dân tộc Việt Nam hôm nay. Vì “ngã kim nhật tại toạ chi địa cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi ”.

 

 

[ 20 ]     Những khởi đầu lởm chởm

 

Vạn vật luôn bị thời gian và tha vật xói mòn, cuốn trôi. Con người với những công trình vật chất cũng không thể thoát quy luật biến di đó.

 

Chính vì thế mà khi đi xa, thật xa về quá khứ để tìm khởi điểm, con người luôn gặp một vùng “lởm chởm”: Đây đó một vài mô lớn nhỏ nổi cao hơn nhiều ít trên mặt bằng quá khứ.

Tìm về di tích văn hoá lớp người tiên khởi trên vùng đất hiện nay mình sống, chúng ta phải gặp như thế thôi. Nhóm tác giả của cuốn “VĂN HOÁ VIỆT NAM tổng hợp 1989-1995” [1] đã viết dưới tựa đề “Những trang sử không tên tuổi”:

 

Kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất cách đây đã 2 - 3 triệu năm cho đến khi Nhà nước đầu tiên ra đời cách đây mới 5 - 6 nghìn năm, một thời kỳ rất dài con người sống trong chế độ công xã nguyên thuỷ với những trang sử không tên tuổi. Trong lịch sử Việt Nam, những trang sử không tên tuổi như vậy cũng đã kéo dài hàng chục vạn năm, mở đầu với những người vượn nay hoá thạch tìm thấy trong động Bắc Sơn, những di tích sơ kỳ đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hoá) (có người đang nghi vấn?), ở lưu vực sông Đồng Nai, cho đến những di tích đầu thời đại đồng thau.

 

Từ năm 1960, với việc phát hiện di tích sơ kỳ thời đại đá cũ Núi Đọ (Thanh Hoá) đã khẳng định con người có mặt trên đất nước ta từ 30 ngàn năm trước. Song ở núi Đọ chưa tìm thấy di cốt người, mà chỉ có những công cụ lao động như rìu tay, công cụ chặt thô sơ bằng đá mà thôi.

Cũng trong những năm 60, nhiều cuộc khảo sát khai quật đã được tiến hành trong các hang núi đá vôi. Cùng với hàng ngàn mảnh xương răng động vật hoá thạch tìm thấy trong các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 21 chiếc răng người hoá thạch trong năm hang. Đây là những tư liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu quá trình hình thành con người trên đất nước ta.

 

Người vượn Thẩm Khuyên, Thẩm ồm

 

Dãy núi đá vôi dọc quốc lộ 13 từ Lạng Sơn đi Bình Giã, có hai hang đá liền nhau cách huyện lỵ khoảng 5km: Thẩm Khuyên và Thẩm Hai. Trong hai mùa khai quật 1964-1965, ta đã phát hiện được 10 chiếc răng người hoá thạch.

 

Qua quan sát cũng như qua các chỉ số đo đạc, các nhà khảo cổ cho biết những chiếc răng này vừa có những đặc trưng gần với người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus), như răng nanh có dạng răng cưa, các răng đều có đai răng, mặt nhai răng hàm mòn phẳng, răng hàm dưới không có gò ngang và đều có năm núm, lớp men mặt ngoài thấp hơn mặt trong v.v. lại vừa có vài đặc trưng – tuy không rõ lắm – gần với người Néanderthal như: răng hàm dưới có xu hướng gần một hình khối vuông, núm metacunus và hypocunus có sự tiêu giảm rõ rệt.

Qua đó, các nhà khảo cổ và nhân chủng cho rằng những chiếc răng này là của người vượn thuộc loại hình người đứng thẳng (homa erectus), đang tiến hoá, tồn tại cùng thời với người vượn Bắc Kinh.

 

Cùng với những chiếc răng người hoá thạch này, còn phát hiện được nhiều răng của đười ươi (pongo), gấu tre (ailuropo da), voi răng kiếm (stegodon) và vượn khổng lồ (giganto pithecus) v.v. có niên đại trung kỳ Pleistocence cách ngày nay khoảng 30 vạn năm.

 

Đây là di tích của người vượn hiện biết sớm nhất trên nước ta. Muộn hơn người vượn Thẩm Khuyên là người vượn Thẩm Ôm. Trong lớp trầm tích màu đỏ ở hang Thẩm Ôm, thuộc huyện Quý Châu (Hà Tĩnh), các nhà khảo cổ đã phát hiện được 5 chiếc răng người hoá thạch.

Căn cứ vào hoá hoá thạch quần thể động vật ở đây, các nhà cổ sinh vật cho rằng những chiếc răng này cách ngày nay từ 14 đến 25 vạn năm.

 

Đây là những người vượn muộn nhất sống trên đất nước ta. Những tư liệu này vô cùng quan trọng để tìm hiểu quá trình chuyển biến từ Homo erectus sang homo sapiens là vấn đề đã và đang được các nhà nhân chủng học trên thế giới hết sức quan tâm.

 

Người cổ Hang Hùm

 

Hang Hùm ở dãy chân núi đá vôi thuộc huyện Lục Yên (Hoàng Liên Sơn), hiện nay nằm trong vùng ngập nước hồ Thác Bà.

 

Từ các mùa khai quật năm 1963-1964, các nhà khảo cổ Việt Nam và CHDC Đức đã phát hiện được trong lớp trầm tích màu vàng ở Hang Hùm 4 răng người hoá thạch gồm 2 răng hàm dưới, 2 răng hàm trên.

 

Những chiếc răng này có kích thước tương đối lớn, lớn hơn răng người Thẩm Ôm. Song về hình dáng lại rất gần với răng người khôn ngoan (homo sapiens).

 

Dựa vào hoá thạch quần động vật cùng phát hiện được ở đây, các nhà cổ sinh vật cho rằng những chiếc răng đó có niên đại hậu kỳ pleistocence, cách ngày nay từ 8 đến 14 vạn năm.

Đáng chú ý là những chiếc răng này cùng thời với người Néanderthal, mà có nhiều yếu tố của Homo sapiens.

 

Răng cổ Hang Hùm là hoá thạch người có nhiều yếu tố Homo sapiens sớm nhất trên đất nước ta. Tư liệu này rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu quá trình sapiens hoá của con người trên đất nước ta cũng như trên thế giới.

 

Người khôn ngoan Kéo Lèng

 

Kéo Lèng là một hang nhỏ cách Thẩm Khuyên 3km về phía huyện lỵ. Hang nằm sát ngay chân núi chứa đầy xương răng động vật hoá thạch, giống như là một “kho xương”.

 

Cuộc khai quật năm 1965 ở đây đã phát hiện 2 chiếc răng hàm trên một mảnh xương trán.

Xét về hình dáng và kích thước răng cũng như xương trán, người Kéo Lèng không khác biệt gì lắm so với người hiện đại và người thời đại đá mới.

 

Đây là hoá thạch người khôn ngoan (homo sapiens) thực sự. Dựa vào hoá thạch quần động vật ở đây, các nhà cổ sinh vật cho rằng người Kéo Lèng sống vào hậu kỳ Pleistocence cách ngày nay 2 - 3 vạn năm…” [2]

 

 

[ 21 ]     Di tích thời Tân Thạch ở Lũng Hoà

 

Một buổi đào đất để xây dựng thêm lớp học, tháng Tư năm 1963, thày trò trường phổ thông cấp II Lũng Hoà nhặt được một số búa rìu bằng đá và những mảnh đồ gốm thô sơ, liền báo lên cấp trên và được lệnh ngưng việc để kịp thời nghiên cứu. Vì nhiều điều kiện khiến phải hoãn việc khảo cổ và vì ước tính diện tích khai quật rộng, nên trường được lệnh di tới nơi khác.

Từ 14.11.1965 đến 01.04.1966, hai ông Hoàng Xuân Chinh và Nguyễn Đình Tấn chịu trách nhiệm khai quật bốn hố, tổng diện tích 365 m2. Kết quả nhận thấy:

 

1.Những lớp đất

 

Lớp trên mặt, dày 0,10 - 0,15m phù sa pha cát mịn, màu xám trắng. Lớp đất này được cày bừa và bón phân rất tốt, rất tơi. Trong lớp này, phát hiện một số búa, rìu đá, vòng đá, đá cuội, một ít mảnh gốm thô và một số mảnh sứ hiện đại.

 

Hiển nhiên lớp đất này đã bị cày xới, đào nhiều lần, nên di chỉ cổ thời và hiện đại pha trộn.

Lớp đất màu xám đen, dày 0,20m - 0,40m. Trong lớp này thấy nhiều dụng cụ bằng đá như búa, rìu, đục, mũi tên, bàn mài đá cuội, đồ gốm. Cũng thấy 3 ngôi mộ gạch thời Bắc thuộc, hai ngôi mộ là những chum úp vào nhau – gọi là ủng quan táng – và một ngôi mộ đất. Ngoài ra còn thấy 12 ngôi mộ đào sâu xuống cát, 2 hố sâu tròn, trong đó chứa cổ vật, có lẽ là kho chứa lương thực hoặc nông cụ.

  • Lớp thứ ba màu hơi vàng xám, phân bố không đều. Cứng, dày từ 2cm đến 10cm. Không thấy có cổ vật nào.

 

2. Di chỉ ở Lũng Hoà

           

Di chỉ Lũng Hoà nói chung, thuộc thời kỳ đồ đá, gồm dụng cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đá, một số đồ gốm và những… hậu sự:

2.I. Dụng cụ

Gồm búa, rìu, đục, “chì lưới” v.v.

1.         Búa rìu, có thể chia ba loại:

  • 115 chiếc búa kiểu tứ diện, chế tạo bằng đá spilite, ngoài có lớp màu xanh xám mỏng. Tất cả được mài rất nhẵn, nhưng phần lớn đã bị vỡ, gãy.
  • 2 chiếc rìu có tay để tra cán, hình dạng khác nhau.
  • 1 chiếc búa rìu lưỡi xéo. Kiểu này bằng đá thật hiếm thấy. Nhưng búa rìu đồng kiểu này thì gặp khắp vùng Đông Nam Á. Có thể thời kỳ đồ đồng đã lấy kiểu này.

2.   Đục, phát hiện 4 chiếc đục, đều bằng đá spilite.

3.   Đồ để ghè và đập. 4 chiếc làm bằng đá cuội, nắm rất vừa tay và dễ chịu.

4.   “Chì lưới”, chỉ thấy một chiếc, có đục 4 đường lõm chung quanh để cột vào lưới cho chắc, khi thả chìm xuống nước.

5.   Bàn mài, có tới 80 chiếc bàn mài làm bằng sa thạch, hầu hết đã bị vỡ. Có bàn nhám để mài phác, có bàn mịn để mài láng.

2.2. Vũ khí

   Gặp rất ít, gồm mũi tên và mũi dáo.

 

  1. Mũi tên bằng đá:

 

  • Một chiếc dài 5,5cm, rộng 1,5cm. Bằng đá màu trắng ngà, hình lá liễu mài nhẵn rất đẹp.
  • Một chiếc dài 6,30cm rộng 1,80cm, đá màu đen, cũng hình lá liễu.
  • Loại mũi tên hình tam giác, không có cán như hai mũi trên, giữa dày, hai cạnh mỏng, toàn thân mài nhẵn, dài 3,50cm, dày 0,20cm.

 

2.2.2.    Mũi dáo: hai chiếc làm bằng đá màu xanh, đã bị vỡ.

 

2.3.       Đồ trang sức

Từ những hầm khai quật khảo cổ, người ta lượm được 49 mảnh vòng bằng đá, không một chiếc nguyên vẹn, tất cả chỉ chừng 1/3 hoặc 1/4 vòng. Nguyên liệu là những loại đá khác nhau: amphibolite, quartzite, spilite. Chế tạo rất tinh vi, chứng tỏ kỹ thuật cao của thời kỳ đồ đá.

2.4. Đồ gốm

Đồ gốm di chỉ Lũng Hoà gồm chén bát có chân tương đối cao, nồi và suốt để se chỉ.

Hầu hết đồ gốm đây thuộc loại gốm thô, và bể nát gần hết. Đa số màu xám, một ít hồng sẫm. Tuy bể nát, nhưng đồ gốm Lũng Hoà vẫn rất cứng, nghĩa là người sản xuất đã có lò nung khá cao độ. Đa số cũng được sản xuất bằng bàn quay, đáy và miệng đồ dùng còn ghi dấu bàn quay. Hình dạng đều tròn; nhưng những hình trang trí lại rất phong phú.

 

2.5. Cổ Mộ

Đặc điểm di chỉ Lũng Hoà là những ngôi mộ cổ.

Ngoài những ngôi mộ thời Bắc thuộc hoặc mới hơn, người ta tìm được 12 ngôi mộ cổ thời đồ đá mới. Trong lớp đất thứ hai. Nói chung, các ngôi mộ này đều đào theo hình chữ nhật, hướng Tây Bắc, Đông Nam. Huyệt để táng những ngôi mộ này là loại có tầng cấp.

Có mộ dài 3,75m, rộng 2,30m và sâu 5,23m. Càng sâu, huyệt càng vào cấp nhỏ hơn; đáy hình lòng máng hoặc bằng phẳng.

Có huyệt dài 2,95m rộng 2,50m và sâu 3,70m.

Trung bình các mộ dài 3,20m, rộng 2,00m, sâu 2,50m đến 3,00m. Mỗi cấp rộng 15 - 30cm.

 

Không thấy quan tài trong huyệt. Có lẽ người xưa dùng vật gì để bao thi thể, hoặc đặt vào thân cây mềm, đã khoét vừa tử thi; nhưng hàng ngàn vạn năm đã làm tiêu hết. Hầu hết các xương cũng tiêu. Gần như chỉ còn lại xương ống chân, ống tay, vài đốt xương ngón và vài đốt xương sống. Rất ít huyệt còn một phần xương hông, sọ và xương hàm. Dầu không đủ để nhìn biết di hài của nam hoặc nữ, cũng biết đầu hướng về Đông Nam.

Trong mỗi mộ chỉ an táng một người.

Hầu hết trong đó còn chôn theo đồ đá, đồ gốm và đồ tuỳ táng. Người ta tổng hợp được:

 

2.5.1.    Đồ đá:

 

44  búa rìu, 87 bàn mài , 40 vòng trang sức

4 chuỗi hạt        , 03 đá cuội có dấu đẽo mài.

 

2.5.2.    Đồ gốm

 

Không kể những mảnh bình, chén bát v.v. gặp thấy trong lớp đất trên mộ, ngay trong mộ cổ còn thấy chôn theo thi thể người quá cố:

Hầu hết các mộ, ở phía chân tử thi đều có 1-2-3 răng hàm dưới của heo.

Trong một ngôi mộ có tới 12 răng hàm bò.

 

2.5.3.    Vật tuỳ táng

Các vật tuỳ táng thường gồm có:

-       Đồ bằng đá: Búa, rìu, đục, bàn mài, vòng tay, hạt chuỗi

-       Đồ gốm: nồi, bát, suốt se chỉ. Hầu hết đều được trang trí bằng răng lược, hoặc chấm chỉ.

 

 

[ 22 ] Con người của di chỉ Lũng Hoà,

của Văn Hoá Phùng Nguyên

 

Những di vật giống như trên cũng gặp thấy ở Văn Điển, ở Cổ Nhuế, tức Phùng Nguyên. Do đó, một số nhà khảo cổ đề nghị đặt tên Văn hoá thời đó là Văn Hoá Phùng Nguyên. Cũng không thiếu người muốn một địa danh bao trùm hơn và minh bạch hơn: Nền văn hoá Sông Hồng. Vì sao ? Vì thực ra các cổ vật này được tìm thấy rải rác trong cả vùng châu thổ sông Hồng, từ thượng nguồn Hoàng Liên Sơn xuống đồng bằng Thái Bình và lưu vực sông Mã, ra tận Hải Phòng.

 

Đọc qua các cổ vật, chúng ta nhận ra những nét nào về con người chủ thể của nền văn hoá đó?

 

1.Sinh hoạt

 

Di chỉ Lũng Hoà (văn hoá Phùng Nguyên) cho thấy đất phù sa và dụng cụ nông nghiệp, xương heo, xương bò: Con người rõ ràng đã ra khỏi cảnh chỉ biết hái lượm thực phẩm sẵn có. Họ đã tiến tới một bước dài tự chủ và làm chủ thiên nhiên. Người Phùng Nguyên làm nghề Nông và chăn nuôi gia súc. Họ cũng săn bắn và đánh cá, vì còn di tích mũi tên, lao, chì lưới và búa rìu v.v.

 

2.Kỹ thuật

 

Người Phùng Nguyên đã từ sơ kỳ tiến sang tân thạch. Họ có những dụng cụ được trau chuốt, khoan mài. Đồ gốm làm bằng bàn xoay, có trang trí hoa văn, nhất là các đồ trang sức bằng đá. Kỹ thuật biến sang mỹ thuật, người ta thích làm đẹp, vì thế, họ ưa dùng vòng. Tổng hợp, khảo cổ thấy:

117 mảnh vòng ơ           Lũng Hoà

390                                           Phùng Nguyên

567                                           Văn Điển

 

3.Tín ngưỡng

 

Không một biểu tượng thần thánh hoặc đền thờ nào khác những ngôi mộ cổ nói với chúng ta về tín ngưỡng tâm linh của họ.

  • Các ngôi mộ được đào thật sâu, rất tốn công nếu ta xét về đất và dụng cụ thời đó. Phải coi đó là cả một công trình dành cho từng người quá cố. Người thời đó tỏ ra kính tôn vong nhân.
  • Đào mộ quá sâu, đến độ phải có bậc cấp để đưa xuống, cùng với các đồ chôn trong mộ, cho các nhà nghiên cứu phỏng đoán là người quá cố được chôn ngay trong nhà hoặc sát cạnh nhà mình, để vẫn làm chủ, hoặc vẫn gần gụi thân nhân còn sống. Như vậy người cổ thời tin vong linh bất tử, hoặc tình yêu thương bất diệt?
  • Những đồ gốm chôn trong mộ là những dụng cụ thường ngày của một người: hai nồi, một bình, một hai bát chén và ba vật hình cốc nghiêng. Cạnh đó còn búa, rìu.

Tại sao? Vì người sống không dám dùng đồ mà người chết đã dùng trước đây? Hoặc vì người bên kia thế giới vẫn cần dùng, nên phải đưa theo?

  • Những mảnh vòng trang sức có trong tất cả các ngôi mộ. Vậy ra đàn ông, đàn bà đều trang sức? Hoặc những vòng đó có liên hệ gì với giao tế? với tín ngưỡng?

 

4.Thời đại và xuất xứ

 

Bằng phương pháp C 14, người ta biết được những di vật đồ đá kia hiện diện từ cuối thiên niên kỷ thứ 3 tới những thế kỷ gần Công nguyên. Đối chiếu lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy đồng thời các Hùng Vương và Nước Văn Lang gặp cuối dòng cổ thời đó.

Người Phùng Ngyên từ đâu tới? – Giáo sư Trần Quốc Vượng đặt câu hỏi và tự trả lời:

“Người Phùng Nguyên từ đâu tới? Trung Du? Đấy còn là một vấn đề nan giải. Đã có ý kiến (Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Chinh) cho rằng cái gốc Phùng Nguyên là từ vùng Thanh Nghệ [3]. Xứ Thanh có Cồn Chân Tiên ven núi Đọ. Xứ Nghệ có Lèn Vai v.v.

Trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên (như Gò Ghệ, Gò Dạ… cũng như Gò Mả Đống bên Sơn Tây) có đồ gốm Hoa Lộc của vùng ven biển xứ Thanh.

 

Rất nhiều di chỉ Phùng Nguyên có gốm xốp Hạ Long cùng bôn có nấc Hạ Long vùng ven biển Đông Bắc. Nhưng trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên lại cũng tìm thấy “qua đá”, “liễn đá” thời Thương-Ân (1600-1100 trước công nguyên) của văn hoá Trung Hoa.

 

Tôi thiên về ý kiến cho rằng người Phùng Nguyên tới trung du hay hội tụ về trung du từ các thung lũng phía Bắc (Tây Bắc, Việt Bắc và xa hơn nữa bên kia biên giới Việt Trung hiện tại) đem theo nghề nông trồng lúa nước vốn đã phát triển hàng ngàn năm trước đó ở các thung lũng và bồn địa giữa núi vùng Vân Quý, Quảng Tây – những ngày ấy còn là những lãnh thổ phi Hoa nhưng đã có giao lưu – tiếp xúc kinh tế văn hoá với miền Hoa Hạ ở Bắc (Hà Nam, Sơn Tây…)….

 

… Những chủ nhân Mã Lai cổ sinh sống ở ven biển Đông, chủ nhân các nền văn hoá Hạ Long (Đông Bắc) Hoa Lộc (Tây Nam, Thanh Hoá) đã đem tới trung du sau khi ngược sông Đáy, sông Lục Đầu – Cầu – Cà Lồ… những yếu tố Mã Lai cổ hay là Nam Đảo…” [4]

 

Hẳn là những di chỉ đồ đá rải rác thấy ở khắp nơi trong khu vực Đông Nam Á Châu này cũng có chung một chủng làm chủ nhân. Những ý kiến trên đều bỏ qua hướng mộ huyệt, mà người xưa gởi gấm tâm sự : Tất cả đều quay đầu về phía Đông Nam. Lá rụng về cội. Phải chăng họ muốn giờ chót hướng về vùng Đất Trời họ đã từ biệt để tới đất nước này ? Đó cũng là hướng di cư của cả hai đợt “chủng mông gô lích” hoặc “Mã Lai cổ “..Hoặc trái lại, đó là hướng mà những người ở đây lại muốn di cư tiếp sang Indonesia và Uc Châu ? Những nơi này cũng còn nhiều di chỉ của Văn Hoá Hòa Bình.



[1]     Ban Văn Hoá Văn Nghệ trung ương Hà-nội 1989, Trần Độ chủ biên.

[2]     Văn hoá VN tổng hợp 1989-1995 trang 34-35

[3]     Năm 1958, từ Sài Gòn, Hoàng Văn Chí (quê xứ Thanh) viết bài Nguồn gốc dân tộc việt Nam cực lực phản bác thuyết Amousseau – Đào Duy Anh cho người Việt là từ miền Trường Giang Hoa Nam di cư xuống. Ông cho rằng trung tâm văn hoá Đông Sơn là xứ Thanh và cho rằng tổ tiên người Việt-Mường từ xứ Thanh theo đường thượng đạo Thanh Hoá – Hoà Bình thiên di ra vùng Thác Bờ rồi xuôi dòng Đà-giang tới Trung du Vĩnh Phú, tạo nên miền Đất Tổ thứ hai (Đất tổ đầu tiên: xứ Thanh).

 

Cuối thập kỷ 70, từ Hà Nội, Phạm Đức Dương, Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Chinh, Bùi Văn Nguyên (đều quê Nghệ Tĩnh) sử dụng tổng hợp các tài liệu khảo cổ (gốm Phùng Nguyên, gốc từ hang động xứ Nghệ), truyền thuyết (Kinh Dương Vương Lạc Long Quân dựng đô ở chân núi Hồng Lĩnh [Ngàn Hống] đi tuần thú ra Bắc, lấy vợ lẻ, sinh ra vua Hùng ở Trung du Vĩnh Phú), ngôn ngữ (sắc thái tiếng Việt cổ được bảo tổn đậm đà ở vùng núi Nghệ Tĩnh Bình)… chủ trương sự thiên di của người Việt Mường cổ từ xứ Nghệ ra trung du Vĩnh Phú bao quanh vịnh Hà-Nội.

 

Năm 1979, từ Paris, Michel Ferlus (ngôn ngữ học) phản bác việc đặt gốc gác tiếng Việt Mường ở Trung du và châu thổ sông Hồng và do việc xếp tiếng Việt vào ngữ hệ Tày-Thái.

Ông cho rằng cái nôi của tiếng Việt Mường là ở phía Tây Trường Sơn, miền thượng trung lưu Mê-Kông, giáp ranh Quảng Bình – Nghệ Tĩnh.

Năm 1990, từ New York (Mỹ) Gerard Difflot (ngôn ngữ học) cũng ủng hộ cái nhìn của Michel Ferlus trên cơ sở nghiên cứu tiếng Thà Vựng – một dạng tiếng Việt Mường cổ

[4]     Trần Quốc Vượng, sđd. Trang  47-50

 

Nguyễn Thế Thoại
Số lần đọc: 2045
Ngày đăng: 01.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Hóa Phong Tục, Tập Quán Ngày Tết Qua Tâm Thức Vũ Bằng - Trần Hoài Anh
Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa - Nguyễn Đăng Trúc
Văn-Hóa Việt-Nam 9 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 8 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 7 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 6 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 5 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 4 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 3 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 2 - Nguyễn Thế Thoại