Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.883
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6
Tuấn Giang

Chương II

MỐI QUAN HỆ LÀN, ĐIỆU, BÀI BẢN, HƠI CẢI LƯƠNG

 

 

1. Sự hình thành, ra đời các làn điệu, bài bản:

Ngay những buổi đầu dựng nước, nhân dân ta đã tạo dựng một đời sống văn hoá tinh thần nguồn cội, đó là đạo lý, ý thức cộng đồng các dân tộc. Từng bước xây dựng đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá tinh thần, có lối sống văn hoá ứng xử để lại cho đời sau: “Chung lưng đấu cật, uống nước nhớ nguồn, một cây làm chẳng nên non”…Là lối sống nhân nghĩa, hợp quần, đạo lý đoàn kết trở thành ý thức cộng đồng. Qua đấu tranh để tồn tại trước thiên nhiên, xã hội, đầy gian khổ, hy sinh xương máu, đem lại cho mỗi người những bài học giá trị tinh thần: tình yêu quê hương, yêu con người, nhân nghĩa, thuỷ chung. Những tình cảm cao đẹp ấy, là bản lĩnh sức mạnh vươn tới lý tưởng “chết trong hơn sống đục”, thoát khỏi vòng tục luỵ để mình mãi là mình. Một dân tộc từ dựng nước đến hôm nay, không ngừng vươn dậy, sáng tạo ra truyền thống văn hoá, phong phú, đặc sắc của mỗi vùng miền, hợp thành nhân cách con người Việt Nam, bất khuất, kiên cường qua mọi thời đại.

Truyền thống văn hoá Việt Nam là kết tinh của những cái đã mất để còn lại một tinh thần sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước, quá các nền văn minh đất Việt. Những tư liệu lịch sử, khảo cổ học, văn bia, sử sách, trống đồng… từ thời đại đồ đá cũ, đất Việt là một trong những cái nôi của quê hương loài người. Khoa khảo cổ học đã xác nhận người vượn ở Bình Gia, Lạng Sơn, những công cụ đồ đá Núi Đọ, Thanh Hoá…kéo dài từ trung du ven sông Hồng hoang sơ đến miền duyên hải biển Đông. Họ là những bộ lạc nguyên thuỷ, có nền kinh tế thô sơ sống bằng nghề săn bắt, hái lượm của người Việt cổ. Dấu tích con người thị tộc Việt cổ, tìm thấy nhiều nơi từ miền núi trung du, dọc theo ven biển Hạ Long đến Nha Trang, kéo dài tới bán đảo Cà Mau, họ đã để lại những dấu tích trong hang động cả khắp miền đồng bằng Nam Bộ. Những truyền thống văn hoá: văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Gò Mun, văn hoá Đông Sơn. Mỗi nền văn hoá là bước phát triển kinh tế, chính trị, xã hội còn lại trong ý thức người xưa, sản sinh ra các hình thức nghệ thuật trong sinh hoạt cộng đồng, lâu ngày thành lề thói, bảo lưu truyền tụng và trên các di vật. Sự hình thành những bầy người nguyên thuỷ có một quá trình tồn tại, tạo dựng ra những thời đại văn hoá. Từ thời đại đồ đá đến đồ đồng thuộc văn hoá Đông Sơn, là giai đoạn rực rỡ của nền văn minh Lạc Việt để lại trong quá trình dựng nước. Những dấu tích trống đồng Đông Sơn trải rộng khắp mọi miền đất nước, kéo dài đến Campuchia, Philippin, Thái Lan, đặc biệt những phát hiện mới vào năm 2001 ở Vân Nam, Trung Quốc…cho thấy những trống đồng Đông Sơn có bản sắc Việt Nam, nhưng lại nói lên luận thuyết ban đầu: Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới, nơi khởi hình nhân loại. Việt Nam có một truyền thống văn hoá, đạo lý Việt Nam, nền văn hoá Đông Sơn là nguồn cội của văn hoá Việt.

Văn hóa Đông Sơn nơi khởi hình ra loại hình văn nghệ dân gian đã tìm thấy trên các dấu tích trống đồng, đây là nét đặc trưng quan trọng để nghiên cứu xác định các loại hình văn hoá, nghệ thuật nguồn gốc Việt cổ. Nền văn hoá ấy, hình thành từ hình thức diễn xướng dân gian như một nhân chứng lịch sử, là những dấu tích văn hoá, nghệ thuật tin cậy khi nghiên cứu nghệ thuật diễn xướng dân gian. Nghệ thuật diễn xướng dân gian là tiền sân khấu, trải qua bốn giai đoạn phát triển văn hoá: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn là một quá trình tồn tại trên các mảnh vỡ lịch sử văn hoá vật chất. Song song tồn tại cùng văn hoá vật chất là văn hoá tinh thần còn những đốm sáng trong lịch sử của bốn thời đại văn hoá: bộ lạc nguyên thuỷ, cư dân Văn Lang, Âu Lạc, Hùng Vương. Ngày nay còn lưu truyền nhiều truyện cổ tích, thần thoại từ đời Hồng Bàng, vua Hùng Vương thứ nhất. Lần theo dấu tích văn hoá vật chất, cùng với sự hoạt động văn hoá tinh thần, là những chứng lý về sự ra đời các hình thức văn nghệ dân gian của những bộ lạc nguyên thuỷ từ phản ánh tự nhiên, đến tư duy lãng mạn. Đó là những cảm hứng sáng tác đơn sơ khắc trên đồ đá cũ, đến cấu trúc các truyện cổ tích, thần thoại, là một quá trình phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật. Những truyền thuyết lịch sử như Đẻ trăm trứng, Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Nỏ thần An Dương vương, Chử Đồng Tử, Sự tích trầu cau, Thạch Sanh... “Nội dung các truyện cổ tích, thần thoại, phản ánh quá trình dựng nước, hình thành nòi giống, dòng tộc, phong tục tập quán, văn hoá giao tiếp, lối sống nhân cách làm người.

Những truyền thuyết, cổ tích, thần thoại, là bài bản đầu tiên hình thành cấu trúc những tác phẩm văn học dân gian. Từ bài bản ấy, là cái gốc ra đời các hình thức văn nghệ dân gian, phản ánh những hình thức trình diễn văn nghệ dân gian trên trống đồng của thời đại đồ đồng. Từ đó, tìm về cội nguồn văn nghệ dân gian là nghệ thuật diễn xướng dân gian, hình thành từ văn hoá tinh thần cư dân nông nghiệp. Đó là nguồn gốc của các loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật diễn xướng dân gian có năm thành tố: văn học, âm nhạc, nhảy múa, người kể chuyện và khán giả. Thành tố đầu tiên hình thành nghệ thuật diễn xướng là âm nhạc, bởi âm nhạc gần với biểu hiện của ngôn ngữ từ tiếng hát, hú, hò, dô…đều có nhịp điệu âm thanh âm nhạc.

Âm nhạc có tính bao trùm, nhịp điệu, tiết tấu, tiếng gõ trên vật thể…khi nói đến nhịp điệu có múa, nên âm nhạc và múa xuất hiện đầu tiên khi còn là bầy người nguyên thuỷ, họ dậm chân nhảy múa, xua đuổi thú dữ, mừng chiến thắng, ra hiệu đi săn, những biểu hiện tình cảm…là thể hiện nhịp điệu của múa. Múa và âm nhạc, là hai thành tố khởi nguồn một hình thức sinh hoạt văn nghệ múa có hát, hoặc là hét, là một cách bày tỏ diễn kể. Diễn kể bằng ngôn ngữ tiếng nói, bằng động tác, là những phát hiện đầu tiên của diễn xướng, là hạt nhân hình thành trò diễn, diễn xướng. Nhịp điệu múa ra đời làm phong phú nghệ thuật diễn kể, hai thành tố âm nhạc và múa làm nên một phần nghệ thuật diễn kể.

Nghệ thuật diễn kể phát triển kể chuyện tự do, biểu hiện bằng tiếng nói, nhảy múa, mô tả những sự việc diễn ra xung quanh cuộc sống con người nguyên thuỷ. Lúc đầu nghĩ sao nói vậy, thấy gì kể ấy, họ là những bản sao chép của tự nhiên. Nhưng trong quá trình trình diễn, họ có những thay đổi, thấy động tác hay, câu nói, tiếng hát dài có nhịp điệu được người xem hưởng ứng cùng ứng diễn theo, hoặc hò hét đồng tình. Đó là sự khởi hình xuất hiện chủ đề tác phẩm. Từ yêu cầu của người hâm mộ, hoặc của người diễn kể, khi ngôn ngữ phát triển, những tiếng hú, lời thoại ngắn cùng những động tác nhại lại sự mô tả câu chuyện... được thay bằng lời kể chuyện. Có người kể chuyện, là có câu chuyện, chủ đề cốt truyện, nhân vật và người xem, đó là nghệ thuật diễn xướng. Nghệ thuật diễn xướng ra đời từ sau bầy người nguyên thủy, khoảng từ đời vua Hùng thứ nhất. Từ bầy người nguyên thuỷ cư trú trên đất Việt đã có diễn xướng, nhưng đó là giai đoạn hình thành, họ là bản sao của tự nhiên. Khi xuất hiện chủ đề trò diễn, với năm thành tố tham gia vào trò diễn, đó là hình thức diễn xướng dân gian. Trò diễn xướng dân gian tiền sân khấu, có nguồn gốc hình thành từ bầy người nguyên thuỷ xuất hiện diễn xướng dân gian, đến đời Hùng Vương thứ nhất hoàn thiện một hình thức diễn xướng, có năm thành tố nghệ thuật, qua ba giai đoạn hình thành, phát triển.

- Giai đoạn hình thành trình diễn sơ khai, là những yếu tố ngôn ngữ, động tác biểu hiện, tiến lên hình thành bài bản, gọi là trò nhại, bởi họ bắt chước mô tả tự nhiên.

- Giai đoạn ra đời nghệ thuật diễn kể, ban đầu lớp diễn tập thể, chưa có câu truyện, trò diễn. Những hiện tượng ấy, là khởi nguồn của trò diễn, nhưng khi vào lễ hội có ứng diễn, nhảy múa, ca hát, kể chuyện, đến đây xuất hiện vai trò cá nhân. Đó là người kể chuyện, là nghệ thuật độc diễn, từ đó có người xem và phát triển các loại hình nghệ thuật mới nằm trong diễn xướng dân gian.

- Giai đoạn cuối cùng, phát triển các hình thức diễn xướng dân gian, theo tiến trình ra đời các hình thức diễn xướng, nhằm đạt những mục đích khác nhau, xác lập các loại diễn xướng riêng.

Ba giai đoạn hình thành, phát triển diễn xướng dân gian, xác định phân loại các hình thức trình diễn, các thể loại diễn xướng: cá nhân, tập thể, lao động, vui chơi, tín ngưỡng, phong tục, luật thiêng… là sự ra đời các hình thức ca, hát, bài bản, theo các loại diễn xướng riêng, đáp ứng các loại công chúng. Đó là nguồn gốc các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, là sự hình thành đầu tiên các thành tố nghệ thuật ca, hát, là những bước phát triển khác nhau của nghệ thuật âm nhạc. Đó là nguồn gốc làn điệu, nguồn gốc hát bài bản. Như vậy nguồn gốc ca có từ lúc xuất hiện ngôn ngữ loài người nguyên thuỷ cùng với các loại làn điệu. Hát là sự phát triển thành giọng điệu trong sự phát triển bài bản của nghệ thuật diễn xướng dân gian. Nghệ thuật hát ra đời hoàn chỉnh nghệ thuật diễn xướng dân gian, khác với lúc hình thành trò nhại, trò diễn bắt chước tự nhiên của người nguyên thuỷ. Đó là nguồn gốc ca, hát, khởi hình trò diễn xướng dân gian trên sân khấu của bầy người nguyên thuỷ, đến chế độ các vua Hùng ra đời các hình thức diễn xướng truyền thuyết, thần thoại, có cấu trúc tư duy lãng mạn. Nghệ thuật diễn xướng dân gian ra đời trong sự tổng hợp kỹ năng ca, hát, còn truyền lại đời sau, hình thành các hình thức nghệ thuật dân tộc, bản địa. Đó là những nhân tố kỹ năng hình thành nghệ thuật ca nhạc sân khấu dân tộc.

 

1.1. Khái niệm làn, điệu, bài bản, hơi.

Làn điệu là một thuật ngữ nghệ nhân quen gọi cho các điệu hát, làn hát trong một số thể loại sân khấu, thường thấy ở chèo, kịch hát dân ca. Nhưng trong sân khấu kịch hát không phải chỉ có thế, tất cả sân khấu kịch hát Việt Nam đều có hai hệ thống: làn điệu và bài bản. Dù rằng trong tuồng và cải lương, không ai gọi là làn điệu, nhưng đều có hai hệ thống làn điệu, bài bản với những cấu trúc âm nhạc khác biệt nhau. Trong chèo không ai gọi là bài bản chèo, chỉ gọi là các làn điệu chèo, nhưng ở chèo cũng có hai hệ thống bài bản, làn điệu khác nhau. Những cách gọi ấy, là thói quen của ngôn ngữ như dưới thời bao cấp bước vào mậu dịch bách hoá, họ đề tấm biển: “Nghỉ ăn cơm”. Nếu nghỉ ăn cơm thì phải bán hàng chứ, sao lại ngồi ăn xì xụp với nhau? Thời mở cửa, nhiều báo chí lên tiếng cấm không cho những bảng quảng cáo treo ngang, hoặc ở trên chương trình ca nhạc. Khi nhìn lên bảng lô gô, chỉ thấy còn chương trình ca nhạc là: Kotex Style, chẳng hiểu đó là gì?…Nhưng ai cũng hiểu? Thói quen ngôn ngữ là ký hiệu thông tin, nên nghệ nhân chỉ gọi là làn điệu chèo, mà không gọi làn điệu và bài bản chèo. Không gọi làn điệu và bài bản cải lương mà chỉ gọi bài bản cải lương là đủ. Nhưng các nhà nghiên cứu thì phải rạch ròi khái niệm: bài bản, làn, điệu, là những thuật ngữ khác nhau, không thể là một, có phân biệt rõ nguồn gốc thuật ngữ mới xác định bản chất các hình thức âm nhạc sân khấu dân tộc.

Thuật ngữ làn điệu từ điển tiếng Việt thông dụng trang 381, làn điệu (of a song).

- “Lối hát riêng đặc trưng cho từng thể loại dân ca”. Thuật ngữ làn nhiều người bàn tới, có người nói khá sáng tỏ, có người nêu ra lại lẫn lộn, mẫu thuẫn với chính mình. Bằng nhiều cách dẫn giải đã thấy, làn, điệu, bài bản là những thuật ngữ có những khái niệm khác nhau. Nhạc sĩ Đôn Truyền trong cuốn “Đến với nhạc chèo”, do Viện Sân khấu phát hành năm 2001, tác giả lý giải về làn, điệu chèo từ trang 19 đến 24 để giải thích làn, điệu. Ông viết: “…Đó chính là hơi nhạc (air musica) được gọi là làn. Làn không định hình trong một thể cố định. Có thể ví làn như một chất lỏng, không có hình dáng, khi đựng vào cái chén thì có hình cái chén; khi đựng vào cái chai thì có hình cái chai. Làn theo khổ thơ mà hát lên, thơ dài thì hát dài, thơ ngắn thì hát ngắn. Cấu trúc của thơ theo thể lục bát, tứ tuyệt hoặc các dạng biến thể thì làn cũng thích ứng theo… Làn là sản phẩm của nghệ thuật ứng tác, ứng diễn tự do theo phương thức dân gian. Điệu cũng lấy từ chất làn nhưng cấu trúc chặt chẽ, định hình nghiêm chỉnh, có sử dụng kỹ thuật cao hơn. Có khi dùng điệu vào hát “bàn” (đồng ca) để tả bối cảnh, để bình luận, giới thiệu, nhấn mạnh vào sự việc nào đó. Có khi dùng điệu cho đơn ca để mô tả tâm trạng, tính cách nhân vật”.

Phần trích dẫn trên, tác giả phân biệt rõ sự khác biệt giữa làn và điệu, nói thì dài nhưng quy tụ lại, làn không định hình về giai điệu âm nhạc, còn điệu định hình âm nhạc, có cấu trúc chặt chẽ nhịp, phách, diễn tả ý tưởng chủ đề bằng âm nhạc. Tác giả đã ví von: “Làn thì theo sát lời thơ (ở đây thơ là chị, nhạc là em). Điệu khác với làn ở chỗ nhấn mạnh vai trò âm nhạc hơn (nhạc là chị, thơ là em)”. Qua phân tích của tác giả chưa chỉ rõ làn, điệu do nghệ nhân để lại, là vốn ca hát chèo cổ, hay do nhạc sĩ thời nay soạn ra? Nếu nhạc sĩ thời nay soạn ra có nên gọi là làn, điệu không? Nhiều nhạc sĩ, tác giả soạn chèo có vẻ thống nhất với nhau: gọi những sáng tác mới là “làn, điệu chèo mới”. Tác giả Đôn Truyền coi làn, điệu là danh từ riêng như tên gọi các bài bản cải lương: Vọng cổ, Văn Thiên Trường…hoặc như các điệu chèo cổ: Sắp qua cầu, Đường trường, Lới lơ…nên đã viết hoa tên gọi Làn và Điệu. Nhưng theo quan niệm nghệ nhân : làn, điệu không phải là tên gọi riêng chỉ một làn, một điệu hát. Làn là chỉ nhiều bài ca ngâm, có giai điệu âm nhạc nhưng chưa định hình, cấu trúc chặt chẽ nhịp, phách như điệu. Còn điệu có giai điệu định hình như những ca khúc, chữ điệu là danh từ chỉ chung cho các loại bài có cấu trúc âm nhạc chặt chẽ. Do đó, làn, điệu là danh từ chung không phải viết hoa, như tên riêng của các điệu chèo. Vì là danh từ chung, nên các nghệ nhân quan niệm làn là những hình thức ngâm thơ, nói thơ, kể hạnh, ngâm kể, nói xử, nói lối…Những hình thức âm nhạc này, gọi là làn, còn những điệu hát trở thành bài hát ca nhạc cổ là hệ thống các điệu: hát Sắp cổ phong, Sắp qua cầu, Sắp chợt…hệ thống các điệu đường trường có: Đường trường trong rừng, Đường trường duyên phận, Đường trường chông chênh… Những người làm chèo cổ còn quan niệm điệu, có điệu chuyên dùng, điệu đa dùng. Điệu chuyên dùng là những điệu hát tính cách, dành riêng cho những nhân vật có cá tính như điệu Con gà rừng, hoặc Hát xuôi hát ngược, hay điệu của các vai hài, thày bói…Còn những điệu đa dùng là hát chung cho mọi người, hoặc nhiều vai sử dụng đến khi có hoàn cảnh thích hợp như các điệu sắp, đường trường, hát Vỡ nước…Từ quan niệm cổ nhân đã định hình các làn, điệu chèo cho các vở chèo cổ, không có sáng tác thêm các làn điệu mới. Tuy nhiên, quá trình phát triển chèo cổ, các nghệ nhân đã sáng tác ra các làn, điệu chèo, nhưng đến khi ra đời sân khấu chèo từ dân gian đến chèo Nguyễn Đình Nghị đã định hình số lượng làn, điệu cho một hình thức sân khấu chèo. Chỉ từ ngày đề ra cách tân chèo cổ, các nhạc sĩ mới nhảy ào ào vào sáng tác bài hát trong các vở chèo mới, thậm chí có những vở chèo cổ cũng cách tân, sáng tác làn, điệu mới, nhưng hướng thử nghiệm ấy không thành công. Nguyên nhân, các nghệ sĩ chèo xưa họ sáng tác làn, điệu mới vào chèo theo phương thức dân gian (phương thức dân gian là truyền miệng), mỗi người sáng tạo một chút, người nọ truyền lại người kia, lâu ngày mới hoàn chỉnh thành một điệu ra nhập chung vào các điệu hát chèo. Còn các nhạc sĩ ngày nay, sáng tác theo phương thức tư duy cấu trúc âm nhạc phương Tây, chỉ mượn âm điệu các làn, điệu chèo cổ để xây dựng chủ đề giai điệu, cấu trúc cho bài hát của mình giống âm hưởng làn, điệu chèo, hoặc mang hơi hướng chèo. Có bài hát gần giống một điệu chèo, có bài là ca hát mới, những hình thức sáng tác ấy, không hoà nhập vào vốn làn, điệu chèo làm sao lại gọi là những điệu chèo mới? Theo quan niệm cổ nhân, khi một làn điệu chèo được gọi là làn điệu, phải sử dụng trong nhiều vở như hệ thống có sẵn của các làn điệu chèo cổ. Những hiện tượng sáng tác các ca khúc mới vào các vở chèo cổ chưa có, hoặc hiếm có một bài hát được “kết nạp”, “gia nhập hội” những làn, điệu chèo cổ. Một thí dụ điển hình là cố tác giả Tào Mạt, người làm chèo nghệ nhân cuối cùng của thế kỷ XX, ông sáng tác những bài hát mới vào các vở chèo Bộ ba bài ca giữ nước, nhưng những bài ấy cũng không được “kết nạp” vào vốn làn, điệu chèo cổ. Bởi chỉ có những vở trong bộ ba vở chèo của ông hát, đến những vở khác không ai sử dụng nữa. Muốn chuyển thể, hoặc viết những vở chèo mới, các tác giả kịch bản chèo chỉ sử dụng vốn làn điệu chèo cổ đặt bài ca cho vở mới. Nhiều nhạc sĩ sáng tác 10 bài, 19 bài cho một vở chèo mới, khi vở diễn xếp xó, những bài hát ấy chỉ còn ý nghĩa thanh toán tiền nhuận bút là người viết giỏi, viết nhiều ca khúc mới mà thôi. Những bài hát của các nhạc sĩ làm chèo mới tính từ năm 1956 đến nay, chưa có sáng tác mới nào được “gia nhập hội” những làn, điệu chèo cổ của một hình thức ca hát sân khấu chèo. Do đó, không thể gọi những sáng tác mới của các nhạc sĩ là làn, điệu chèo mới, hãy gọi là những sáng tác ca khúc, hoặc những bài hát mới cho các vở chèo mới.

Trở lại quan niệm làn điệu của kịch hát dân tộc, cổ nhân xác định khái niệm rõ ràng làn là những giai điệu âm nhạc chưa định hình, các làn cải lương gần như chèo, đó là loại: ngâm thơ, nói thơ, nói dặm, nói lối, nối đếm, lẩy Kiều, ngâm thơ Lục Vân Tiên, nói thơ Nam Bộ…Những hình thức âm nhạc này, nằm ngoài bài bản cải lương, trong cải lương cổ nhân không gọi là làn điệu cải lương, họ chỉ có một tên gọi là bài bản cải lương. Trong vốn bài bản cải lương lại không có hình thức âm nhạc kể trên, những hình thức ấy nằm ngoài bài bản, nên các nghệ nhân thường nói bẻ làn, nắn điệu. Theo quan niệm cải lương có khái niệm về điệu, gọi là điệu như điệu Vọng cổ, Vọng Kim Lang, các điệu lý…Nghĩa là quan niệm bài bản và điệu giống nhau về cấu trúc âm nhạc có giai điệu giống một bài hát, không ở thể tự do như làn.

Giới cải lương mượn chữ điệu từ những điệu lý, dân ca Nam Bộ. Chữ điệu để phân biệt với bài bản, đây là sự khác nhau giữa điệu và bài bản. Điệu là các điệu lý, du nhập vào vốn ca nhạc cải lương từ năm 1920 đến nay. Chữ điệu trong cải lương sử dụng rộng rãi là nhập các điệu hát mới như các điệu lý dân ca Bắc – Trung – Nam, các điệu dân ca không chỉ có lý. Vốn ca nhạc dân gian, là những bài dân ca, đều gọi là điệu. Điệu khác với bài bản, điệu chỉ những bài dân ca đưa vào cải lương. Bài bản cải lương là vốn bài bản cố định như ba Nam, bốn Oán, bảy Ngự…đó là vốn bài bản cải lương. Những cách gọi tên, sử dụng thuật ngữ của cổ nhân đã thống nhất những quan niệm: làn là những loại ca ngâm không định hình, nhịp phách, cấu trúc âm nhạc, còn điệu, và bài bản có cấu trúc định hình giai điệu âm nhạc như những ca khúc, có câu đoạn rõ ràng.

Quan niệm hơi nhạc, không phải là làn, bởi hơi nhạc theo cách gọi của cổ nhân là hệ thống những bài bản, làn, điệu có chung một màu âm, tiết điệu gần nhau gọi là cùng một hơi. Trong ca nhạc cải lương, các nghệ nhân quan niệm có các hơi: Xuân, Ai, Bắc, Oán. Những bản hơi Xuân có Nam Xuân, Đảo ngũ cung…Hơi Bắc: những bản Bắc như Lưu thuỷ, Xuân tình, Phú lục, Tây Thi,…Từ quan niệm ấy, nhìn sang chèo, có thể gọi hơi theo quan niệm thời nay như vở ấy có hơi chèo, vở kịch ấy có hơi cải lương. Ông sáng tác bản nhạc này có hơi nhạc nhẹ, có hơi tuồng, hơi dân ca…đó là quan niệm cách gọi bao trùm, ý nghĩa của thuật ngữ hơi. Còn trong chèo, cổ nhân chèo không xếp loại các hơi chèo, nhưng các cụ không quan niệm hơi là làn, bởi làn là danh từ chung, hơi cũng là danh từ chung, nhưng về khái niệm và tên gọi hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau. Làn là chỉ những hình thức âm nhạc, ca ngâm, nói “ chưa định hình giai điệu âm nhạc, còn hơi lại chỉ cái e chung màu âm của những bài bản, những điệu, cả làn, có màu âm giống nhau, gọi là hơi. Thuật ngữ làn trong từ điển là: Of a song, còn hơi là A little, a whit pht. Một chút ít hơi. Chuyện mang hơi hướng thần thoại (trích trang 336, sách đã dẫn). Như sách Từ điển Tiếng Việt đã chỉ rõ hai khái niệm làn và hơi, là hai thuật ngữ khác nhau. Làn chỉ là lối hát riêng đặc trưng cho từng thể loại dân ca, còn hơi là “hơi hướng” như “có hơi hướng người thành thị”. Qua những ví dụ ấy, đã thấy làn và hơi là hai khái niệm khác nhau không thể gọi làn là hơi như ông Đôn Truyền quan niệm. Những dẫn giải về làn, điệu, bài bản đã xác nhận là những thuật ngữ khác nhau, vì làn là những loại ca ngâm không có giai điệu rõ ràng. Nhạc sĩ Tú Ngọc đã vẽ ra sơ đồ làn có giai điệu âm nhạc là loại “Làn điệu để chỉ những trổ hát, những đoạn hát, những bài bản mang phong cách hát, ngâm…Về bản chất giai điệu, hát ngâm là loại giai điệu nhạc, vận hành theo kiểu đường sóng, liên tục, gắn với dạng tiết tấu không nhịp (không khuôn nhịp)(1). Nhận định của Tú Ngọc làm sáng tỏ làn là loại âm nhạc không có nhịp, tức là gạch nhịp trong khuôn nhạc, còn nói là không có nhịp cũng không đúng, bởi lẽ tự nhiên trong cuộc sống cái gì cũng có nhịp. Tầu hoả chạy cũng có nhịp mạnh, nhịp nhẹ, máy nổ cũng có nhịp, người đi bộ cũng có nhịp, khi nói chuyện trong ngữ điệu đã có nhịp. Nhịp tạo ra bởi thời gian của các âm, nên làm gì đều có nhịp. Nhịp có nhịp mạnh, nhịp nhẹ, trong âm nhạc gọi là phách, do đó làn vẫn có nhịp, các hình thức ngâm thơ, nói lối…đều có nhịp, nhưng do cách ngân nga, nhấn, láy của các âm, tạo ra độ dài ngắn khác nhau, không thể phân nhịp theo kiểu gạch nhịp như một bài hát. Ông Tú Ngọc đã mở vòng đơn chữ khuôn nhịp là đúng. Đây là dạng âm nhạc tự do, có tính tự sự, mỗi lúc nói một khác, ngân một khác, nếu gạch nhịp sẽ làm mất đi cái hay của người diễn kể. Hình thức âm nhạc này, là dấu tích duy nhất của âm nhạc dân gian tồn tại trong các hình thức kịch hát, tuồng, chèo, cải lương. Vì làn và điệu là tên gọi hai hình thức âm nhạc, cấu trúc hình thức khác nhau, nghệ nhân mới nói bẻ làn, nắn điệu. Làn thì bẻ được, bởi giai điệu của làn hết sức tự do, nó là nét hình sóng, nên có thể bẻ cong sang cái khác, bởi nó không có khuôn nhịp mới bẻ từ ngâm sang hát một làn điệu chèo nào đó. Còn điệu không bẻ được, nếu bẻ cong đi, hoặc gẫy theo một điệu khác là phá vỡ khuôn nhịp, phá vỡ giai điệu của điệu, làm hỏng điệu hát. Nên điệu chỉ nắn chữ, nắn âm cho hợp với giai điệu âm nhạc đã quy định cố định trong điệu hát. Trong những điệu cải lương, điệu Vọng cổ là một loại nắn điệu, trong nói lối, trong hát Vọng cổ sử dụng kỹ thuật nắn điệu để hát từ Vọng cổ qua các điệu lý, sang ca khúc mới. Vì thế, cần phân biệt bẻ làn, nắn điệu là kỹ thuật ca, hát của sân khấu dân tộc, làm sai những nguyên lý bẻ lan, nắn điệu là làm hỏng vốn bài bản, làn điệu ca nhạc sân khấu kịch hát.

Những quan niệm: làn, điệu, bài bản, hơi, là những thuật ngữ chỉ những hình thức âm nhạc khác nhau, không thể lẫn lộn, cái nọ như cái kia. Những thuật ngữ nghệ nhân sử dụng trong sân khấu truyền thống, mỗi thuật ngữ có một ý nghĩa riêng, làn khác điệu, bài bản khác ca ngâm, hơi khác làn, bẻ làn khác nắn điệu…Có tìm về nguồn gốc của thuật ngữ mới hiểu đúng bản chất đặc trưng các hình thức ca nhạc sân khấu, từ đó mới có hướng sáng tạo đúng sự phát triển sân khấu dân tộc. Nhạc sĩ Đôn Truyền đã sai lầm ở trang 20, sách đã dẫn, ông viết: “…Hơi nhạc/air…, được gọi là làn”. Những dẫn giải về các khái niệm thuật ngữ đã đưa ra các tiêu chí tương đối cụ thể về ý nghĩa mỗi thuật ngữ: làn là một hình thức âm nhạc không có khuôn nhịp, phát triển theo hình sóng, phụ thuộc vào thơ ca và người diễn kể. Điệu là thuật ngữ thường sử dụng trong hát chèo, điệu là những bài có cấu trúc giai điệu trong những khuôn nhịp, là những bài ngắn, khoảng bốn đến tám câu nhạc. Bài bản sử dụng trong cải lương, không gọi là điệu, hoặc ít gọi, bởi bài bản có cấu trúc giai điệu, khuôn nhịp bài bản riêng, mỗi bài bản dài từ tám đến hai mươi câu nhạc, có bài dài tới bốn mươi, năm mươi câu như: Nam ai, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam…có bài là bài bản, vừa là điệu như bài Vọng cổ…Bài Vọng cổ có ba tố chất làn, điệu, bài bản, bởi sự cấu trúc âm nhạc lúc là ca, ngâm, khi là hát, lúc là bài bản, đó là sự đặc biệt trong âm nhạc bài Vọng cổ. Còn tiêu chí của hơi nhạc được xác định ở phương pháp tư duy nhạc cổ truyền. Lớp nghệ sĩ nhạc tài tử, sáng tác những bài bản mới dựa theo hơi nhạc từ một bài hơi Oán, sáng tác tiếp thành sáu bài Oán… Hơi có thể chuyển đổi từ hơi Oán sang hơi Quảng mà dàn nhạc cải lương từng hoà tấu dàn nhạc pha hơi Quảng và nhiều hơi khác, đây là một phương pháp hoà tấu dàn nhạc cải lương ở những năm cải lương diễn kịch bản Tầu

Hơi là âm hưởng, hình tượng âm nhạc có tính thực tiễn sáng tác, biểu diễn bài bản ca nhạc tài tử, cải lương theo các hơi : Xuân, Ai, Bắc, Oán, tạo thành hệ thống bài bản ca nhạc tài tử, cải lương. Hiểu đúng thuật ngữ biểu hiện khái niệm, là những rắc rối trong ca nhạc dân tộc, nếu không làm sáng tỏ, nhiều nhà lý luận còn lẫn lộn thuật ngữ. Sự lẫn lộn ấy, dẫn đến hiểu sai phương pháp tư duy sáng tác, biểu diễn, ca nhạc dân tộc, nên cần có những tiêu chí tương đối để xác định khái niệm thuật ngữ: làn, điệu, bài bản, hơi nhạc… là những khái niệm khoa học, nguồn gốc ca nhạc truyền thống Việt Nam.

 

 1.2. Mô hình lòng bản,  làn, điệu, bài bản cải lương.

Sự giáo dục âm nhạc nước ta bị nô lệ nền âm nhạc phương Tây, nhạc Trung Hoa, tuy nhiên, nền âm nhạc nào văn minh, đồ sộ, chúng ta đều học hỏi, nhưng không thể quá đề cao nhạc nước ngoài đến tự ti về nhạc Việt. Nền văn hoá âm nhạc nhân loại từng bị nền âm nhạc mạnh hơn thống trị dưới thời trung cổ, nền âm nhạc kéo dài từ cổ Hy Lạp đến La Mã, hàng chục thế kỷ tiếp nối tới cổ điển, lãng mạn và cận đại, đưa âm nhạc châu Âu độc chiếm toàn thế giới. Nhưng sang thời hiện đại, vai trò âm nhạc châu Âu không còn là lý tưởng của các dòng âm nhạc hiện đại. Những nhà lý luận âm nhạc toàn thế giới lại tìm kiếm những điều mới lạ chưa được, hoặc ít được biết tới bởi mỗi dân tộc, mỗi dòng nhạc đều có hệ thống riêng. Những hệ thống âm nhạc riêng ấy, là quá trình lịch sử tạo dựng ra từ trí tuệ của bao thế hệ dân tộc. Mọi người đã tìm đến những hệ thống ít người được biết đến, không còn thái độ kỳ thị xem nền âm nhạc này nhỏ, nên âm nhạc kia lớn, văn minh hơn…Trong lịch sử văn hoá nhân loại không có nền văn minh dân tộc này thấp hơn dân tộc kia, nên muốn tìm hiểu một nền âm nhạc của một dân tộc, một hình thức sân khấu, cần nghiên cứu hệ thống cấu thành các nền văn hoá, âm nhạc, nghệ thuật. Khi nghiên cứu sự hình thành và phát triển ca nhạc cải lương, là tìm về nguồn gốc, sự cấu thành dòng âm nhạc cải lương.

Những phần trên, làm sáng tỏ các khái niệm thuật ngữ, nguồn gốc hình thành các loại ca, hát, dàn nhạc tài tử, dàn nhạc cải lương, các mô hình phát triển, những đặc điểm kỹ thuật ca, hát, dàn nhạc cải lương. Nhưng có một thành tố quan trọng có tính quyết định, định hình một hình thức ca nhạc tài tử, cải lương chưa nói tới. Hình thức ấy, tạo thành hơi nhạc, tạo thành làn điệu… của ca nhạc cải lương. Đó là lòng bản trong các bài bản từ ca nhạc tài tử đến cải lương. Lòng bản là một thuật ngữ nghệ nhân thường sử dụng, một danh từ Hán nôm đến nay quen tai như là ngôn ngữ Việt thường dùng. Theo Từ điển tiếng Việt trang 35, chữ bản là đơn vị cư dân, bản là tờ giấy, bản là bản vẽ và bản gốc…Chữ bản mà nghệ nhân sử dụng với chữ lòng có thể bắt đầu từ hai nghĩa là bài bản và cái bên trong, cái lõi. Theo Từ điển tiếng Việt trang 407, lòng có nhiều nghĩa: 1. Những bộ phận trong bụng. 2. Bụng của con người. 3. Bụng con người biểu trưng tình cảm. 4. Lòng sông, lòng bàn tay, xanh vỏ đỏ lòng. Những thuật ngữ lòng là chỉ cái bên trong một hiện tượng, sự vật nào đó. Do đấy, có thể hiểu thuật ngữ lòng bản là cái lõi bên trong của một giai điệu âm nhạc. Trên một bản nhạc có nhiều âm giai cấu thành, nhưng có âm gốc (gọi là âm chủ), âm cơ bản, không thể thiếu được. Nếu thiếu những âm đó không còn là giai điệu một bản nhạc, nên thuật ngữ lòng bản là chỉ những âm gốc, âm ruột, (âm chính) của một bài bản âm nhạc. Những âm ấy, liên kết thành các quãng giai điệu, tạo ra mô hình lòng bản, đó là âm nhạc mô hình trong ca nhạc tài tử, cải lương. Khái niệm lòng bản, là bản gốc. Ngày xưa, cổ nhân chỉ chép những nốt nhạc lòng bản bằng chữ nhạc có gạch nhịp, sau đó người đàn, ca thêm rất nhiều nốt xoay quanh những âm lòng bản ấy. Đó là âm nhạc mô hình, âm nhạc mô hình xây dựng trên trục âm thanh lòng bản và phát triển quanh trục âm thanh ấy, tạo mô hình giai điệu bài bản âm nhạc. Thuật ngữ mô hình không có trong quan niệm nghệ nhân, các nhà nghiên cứu âm nhạc sau này đặt tên cho sự phát triển âm nhạc ấy theo lý thuyết mô hình như Hoàng Châu ký, Mịch Quang... đặc biệt có một công trình khoa học công phu, sâu sắc của Thế Bảo lấy tên đề tài: Lòng bản – Yếu tố mô hình trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Công trình đã trình bày lý thuyết mô hình, thực tiễn các loại mô hình trong âm nhạc. Thuật ngữ mô hình, ngày nay sử dụng phổ biến trong các ngành sản xuất, mô hình đồ chơi trẻ em, mô hình nhà ở, mô hình ô tô, máy bay… Khái niệm mô hình có mô hình hình thức, mô hình khoa học, đây là hai loại thiết kế mô hình khác nhau. Một loại mô hình mô phỏng cái có thực trong đời sống, là các loại đồ chơi cho người lớn, trẻ em. Một loại mô hình khoa học là những cái có thực, có giá trị xử dụng, nếu làm giả không thể sử dụng được như mô hình ô tô, máy bay…là kiểu dáng chế tạo theo mẫu để vận hành vào cuộc sống, hoặc các mô hình nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu âm nhạc mô hình là công nhận thực tiễn sáng tác, biểu diễn của ca nhạc tài tử, cải lương, nhưng làm để bảo tồn mô hình âm nhạc dân tộc trong phát triển ca nhạc cải lương trước cuộc sống mới. Vì thế, nghiên cứu âm nhạc mô hình là khoa học nghiên cứu hiện đại, áp dụng vào nghiên cứu âm nhạc dân tộc, tìm ra những cái riêng, chung của ca nhạc cải lương trong sự phát triển sân khấu cải lương.

Sự phát triển mô hình trong cuộc sống đến mô hình giai điệu ca nhạc, là những khoảng cách không thể so sánh được, nhưng trong ca nhạc lại xuất hiện những loại mô hình riêng cấu trúc của từng loại âm nhạc. Dựa vào âm nhạc mô hình, người ca, người diễn tấu dàn nhạc cải lương chỉ cần thay đổi âm tựa, đã biến đổi hơi nhạc từ buồn sang vui và ngược lại. Sự chuyển hoá những âm cơ bản trong mô hình giai điệu âm nhạc, làm cầu nối liên kết giữa các bài bản, làn điệu với nhau, là sự gắn kết các hình thức ca nhạc của sân khấu cải lương.

Mô hình là một giai điệu bài bản, làn điệu cải lương chỉ cần ghi bằng chữ nhạc: hò xự xang xê cống…bằng những gạch nhịp để người ca theo tên các bài bản gạch nhịp nội, nhịp ngoại…ta có một mô hình giai điệu bài hát. Có thể vẽ lên nét giai điệu ấy, theo hình sóng thông qua cái cụ thể từng chữ nhạc, biểu thị các âm khu cao thấp, còn trường độ dài ngắn là phần gạch nhịp vào chữ nhạc. Qua đó, mô hình có thể xử lý theo hai phương pháp: một là chỉ ghi đường nét giai điệu không có nhịp, hai là ghi cả đường nét lẫn nhịp phách theo bài bản. Từ mô hình chữ nhạc, hoàn toàn chuyển thành âm nhạc bản phổ năm dòng kẻ để phổ biến các loại bản bản ca nhạc cải lương.

Dựa vào lòng bản vẽ lên mô hình bài bản có hai loại: một loại mô hình bài bản, làn, điệu giai điệu cho ca bằng mô hình lòng bản, hai loại mô hình lòng bản giai điệu cho dàn nhạc hoà tấu. Nghệ thuật ca, hoà tấu dàn nhạc đều dựa vào mô hình lòng bản để biến hoá từ âm cơ bản đến âm thêm, lướt, luyến láy, xoay quanh lòng bản, tạo ra sự phong phú kỹ thuật ca, hát, hoà tấu dàn nhạc và diễn tấu các loại đàn: ghi ta lõm, cò, kìm…

Nghiên cứu âm nhạc mô hình là những phát minh mới, công nhận sự phát triển ca nhạc, mô hình của nghệ nhân để vẽ lên những nét chủ đạo của mô hình cấu trúc bài bản, làn điệu ca nhạc cải lương. Đó là những hình thức biểu hiện giai điệu ca nhạc cải lương, qua quá trình hình thành, phát triển từ chữ nhạc chuyển thành ghi nhạc năm dòng kẻ. Nghiên cứu cấu trúc mô hình giai điệu, lòng bản các bài bản ca nhạc cải lương là xác lập các tiêu chí, phong cách bài bản, biểu thị qua hơi nhạc. Hơi nhạc cấu trúc từ âm gốc trong mối quan hệ phát triển từ âm chủ đến các âm cơ bản, tạo thành mô hình giai điệu, bài bản, làn điệu cải lương. Mô hình làn điệu cải lương là các hình thức ca, ngâm, nói thơ, nói dặm, nói lối…là loại mô hình giai điệu không có nhịp. Mô hình điệu là loại giai điệu có chủ đề âm nhạc, có câu đoạn rõ ràng nhưng ngắn, đó là các điệu lý, các bài dân ca. Loại mô hình điệu, có lòng bản gẫy gõn, tuỳ theo từng loại dân ca du nhập vào cải lương có loại ba âm, bốn, năm âm, bẩy âm…Mô hình loại bài bản cải lương là những bài dài, có mô hình âm nhạc rõ ràng trong cấu trúc lòng bản giai điệu cơ bản. Nhưng những loại mô hình bài bản có cấu trúc giai điệu phong phú, dài về câu nhịp cả tiết tấu. Mỗi hình thức ca nhạc cải lương từ làn, điệu đến bài bản đều vẽ ra những mô hình giai điệu trên lòng bản, biểu thị bằng mô hình, hoặc chuyển thành nhạc năm dòng để ca và hoà tấu dàn nhạc. Nghiên cứu biểu thị âm nhạc mô hình, là thể hiện hình dáng một bản nhạc có tính khoa học trên bản phổ, tiến đến quốc tế hoá ngôn ngữ âm nhạc. Người nước ngoài nhìn vào mô hình bản nhạc đều hoà tấu, ca được, tuy nhiên không thể phong phú bằng các diễn viên, nghệ nhân, nhưng ít ra họ cũng nhận diện được một hình thức âm nhạc. Nền âm nhạc dân gian toàn nhân loại đều phát triển trên cơ sở lòng bản, mô hình, từ mô hình sáng tạo ra những âm điệu mới. Mô hình, bài bản, làn, điệu ca nhạc cải lương là sự phát triển âm nhạc truyền thống, từ đó sáng tạo mới là sự hoà nhập truyền thống với hiện đại trong sự phát triển của ca nhạc mô hình.



(1) Ghi chú: Hát xoan – trang 161 – Viện Âm nhạc phát hành 1997

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3070
Ngày đăng: 05.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sống Chụ Son Sao 5 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 5 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 4 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 3 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 3 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 2 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 1 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)