Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.191
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 7
Tuấn Giang

1.3. Cấu trúc thang âm, điệu thức, làn điệu, bài bản cải lương.

 

Mô hình cấu trúc lòng bản, làn, điệu, bài bản đã trình bày hình dáng giai điệu các loại ca nhạc cải lương, nhưng đó chỉ là cấu trúc hình thức, còn cái ruột chỉ rõ tên gọi các hình thức ca nhạc cải lương lại nằm ở phần thang âm, điệu thức. Thang âm, điệu thức là sự sống còn của hơi nhạc, của phong cách các loại ca nhạc cải lương, nhạc đàn ca, nhạc sân khấu kịch hát Việt Nam. Đó là bản sắc phong cách nhạc truyền thống Việt Nam. Các nhà nghiên cứu âm nhạc hiện đại, đang lao vào những hình thức âm nhạc dân tộc bản địa, họ quên mất dòng âm nhạc châu Âu từng làm bá chủ thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu ghi từng thước băng xương máu ở các bộ lạc dân tộc châu Phi, châu Á, bởi họ tìm thấy những tinh thần văn hoá vô giá. Những tiếng hát các nghệ nhân cuối cùng của một dân tộc được ghi bằng những thổ âm hoang dã, cổ đại để được thấy một dòng âm nhạc xa xưa. Các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đã chạy theo trào lưu ấy từ thập kỷ 90, xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu trẻ đi sâu khám phá các hình thức ca nhạc tuồng, chèo, cải lương. Trên thế giới đã xuất hiện hai trào lưu nghiên cứu âm nhạc, một phương pháp nghiên cứu âm nhạc học (musicology), ngay phương pháp nghiên cứu này cũng có những phương pháp khác nhau khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu, nhưng vẫn đi sâu phân tích tác phẩm âm nhạc mà cấu trúc thang âm, điệu thức là một mục đích khám phá khoa học. Còn phương pháp nghiên cứu dân tộc âm nhạc học (Ethno musicologye) là một bộ môn nghiên cứu mới lạ ở nước ta, bởi phương pháp nghiên cứu này đặt môi trường âm nhạc trong bối cảnh xã hội học. Các nhà nghiên cứu phải có vốn văn hoá, tri thức tổng hợp từ khoa học tự nhiên đến các chuyên ngành khác, sự hiểu biết sâu sắc các tôn giáo, phong tục, tập quán dân tộc, khảo cổ học, âm thanh, tin học…đây là một yêu cầu cao của người nghiên cứu mong rằng giới âm nhạc trẻ Việt Nam có thể thực hiện trong tương lai. Vì muốn nghiên cứu toàn diện vốn ca nhạc truyền thống Việt Nam, cần nhiều phương pháp nghiên cứu để tìm đến một chân lý khoa học nhằm bảo tồn vốn dân ca cổ nhạc dân tộc. Sau đổi mới, đất nước ta mới có điều kiện giúp các nhà nghiên cứu đi sâu vào những giá trị văn hoá tinh thần, đặc biệt là âm nhạc và sân khấu dân tộc, nhưng còn nhiều thiếu sót ngày trong giới nghiên cứu là những người thẩm định các công trình khoa học để đem đến cho đất nước những giá trị khoa học. Từ lâu các nước trên thế giới hết sức quan tâm coi trọng bảo lưu những giá trị văn hoá dân tộc, từ giới sáng tác đến nghiên cứu hết sức quan tâm âm nhạc cổ truyền bằng sáng tác, phổ biến ca nhạc mới trên thang âm, điệu thức nhạc cổ. Phong trào nhạc lãng mạn châu Âu, nhiều nhạc sĩ lấy giai điệu cổ nhạc làm đề tài cho các tác phẩm mới, là một hình thức bảo lưu bằng sự phát triển. Nhiều nhà khoa học đã quan tâm tới âm nhạc giải trí, nhưng là bảo tồn vốn cổ nhạc. Năm 1869, ông Charles Coros, người Pháp đầu tiên phát minh ra máy hát. Sau đó, ông Thomas Edison, người Mỹ phát minh ra máy ghi âm, đến năm 1892, ông Berliner phát minh ra đĩa hát thay cho ống đĩa của các nhà phát minh trước. Nhưng đến năm 1918, mới có đĩa hát xuất hiện trên thị trường là công nghệ âm nhạc giải trí mới của loài người, nhưng còn là kỹ thuật bảo lưu các hình thức âm nhạc. Đến ngày nay, những công nghệ hiện đại tin học, các loại ghi âm, đĩa mềm…là những phương tiện chính xác, giúp ta đo định âm thanh, bảo lưu vốn âm nhạc ngày càng có độ chính xác khoa học cao. Đó là sự chuẩn mực xác lập âm thanh, điệu thức các hình thức âm nhạc dân tộc, hiện đại.

Thang âm, điệu thức là những thuật ngữ âm nhạc mọi người sử dụng quen theo cách hiểu cụ thể trình bày trên nhạc bản phổ, muốn biết thang âm cần đọc các giai điệu cơ bản của bản nhạc lên, còn muốn biết điệu thức phải căn cứ vào khoá biểu của bản nhạc. Sau đó, đọc giai điệu lên, dùng phương pháp phân tích kết cấu câu, đoạn, qua cảm giác để xác định điệu thức. Điệu thức là một từ ghép, điệu là giọng điệu của bản nhạc, giọng điệu ấy, là điệu trưởng hay điệu thứ. Điệu thứ mầu âm tối, điệu trưởng mầu âm sáng. Ngay trong một tên gọi đã có hai thuật ngữ, giọng và điệu. Giọng có khác điệu không, lại là một lối sử dụng thuật ngữ theo thói quen giọng = điệu. Chỉ có điệu khi gọi là giọng, người ta hay nghĩ tới giọng hát, còn điệu người ta nghĩ tới điệu thức của bài hát. Nên có những cách gọi khác nhau, có người gọi bài hát này viết trên giọng đô trưởng, có người lại nói bài hát kia viết trên điệu đô trưởng, hoặc gam đô trưởng, cung đô trưởng…Có nhiều tên gọi khác nhau, dù là giọng, điệu, là gam, là cung…nhưng cái ngữ nghĩa cuối cùng xác nhận là bài hát ấy viết ở giọng đô trưởng, điệu thức trưởng…Nhưng vì sao còn gọi là điệu thức? Điệu thức là từ ghép nhịp điệu và khúc thức, một thói quen của tên gọi từ dòng âm nhạc Trung Hoa, nên ta hay ghép từ, chỉ cần điệu là đủ, còn thức là khúc thức của bài hát, nhưng lại đi ghép vào điệu thức thật khó hiểu? Hay đây là cách chơi chữ của những nhà nghiên cứu tiền nhiệm. Còn thang âm, thuật ngữ này có vẻ dân tộc hơn, bởi thang là cái thang của người dân hay leo trèo lên cao. Thang ghép với âm, giống như những bậc thang của âm thanh. Nếu muốn biết thang âm một bài nhạc tài tử, cải lương không phải cứ đọc mà ra. Bí quyết ấy, nằm ở phương pháp tổng hợp để tìm ra thang âm. Thang âm một làn điệu, bài bản là phần giai điệu của bài ca, bài hát ấy. Muốn biết thang âm một bản nhạc có bao nhiêu âm, chỉ cần ghi toàn bộ các nốt nhạc có trong bài nhạc, xếp theo thang âm trên dòng kẻ của khuông nhạc từ âm thấp nhất đến âm cao nhất. Sau đó, đọc toàn bộ những thang âm đã sắp xếp lại, ta sẽ được một thang âm của  bài nhạc. Bài nhạc Bà chúa con cua nhạc chèo, nếu xếp lại có thang âm, năm âm: rề, pha, son, la, đô, rế. Năm âm này nằm trong toàn bộ giai điệu bài Bà chúa con cua, nếu thêm, bớt một nốt nào trong thang âm ấy, không phải là thang âm, âm nhạc bài Bà chúa con cua. Còn điệu thức của bài, một số người ghi ở giọng rê thứ, như trên khoá biểu có dấu xi giáng, tính xuống một quãng bốn là giọng pha trưởng, nhưng đọc giai điệu lên lại không phải là pha trưởng, đến đây phải sử dụng cảm giác âm nhạc xem chủ âm hút về đâu. Theo thứ tự thang âm của bài thì chủ âm hút về rê, đây là chủ điệu của bài là điệu thức rê thứ, đó là giọng song song của pha trưởng. Tính xi xuống pha, pha tính xuống quãng ba là điệu rê thứ. Hay bài Lý trăng treo, nằm trong các bài Lý dân ca Nam Bộ, trong những bài giọng vặt cải lương, có thang âm: rề, pha, son, la, đô, rế. Thuộc loại thang âm năm âm. Còn điệu thức của bài Lý trăng treo là điệu rê thứ…Hoặc bài Lý con sáo, có thang âm năm âm: sòn, là, xi, rê, pha, són. Điệu thức bài Lý con sáo là điệu son trưởng, đây là một loại dân ca Nam Bộ, năm trong các điệu lý. Thang âm điệu thức là cấu trúc mô hình đặc biệt tạo ra mầu âm, phong cách, hơi nhạc dân ca các miền. Thang âm, điệu thức là đặc trưng xác định làn điệu, bài bản ca nhạc.

Thang âm là những bậc âm xếp theo nguyên lý từ thấp lên cao của một bài bản, làn, điệu, còn điệu thức là giọng điệu của một bài bản, làn, điệu, nhằm xác định tính chất bài bản khi ca, đàn. Tính chất thang âm, điệu thức liên quan đến hơi nhạc, cái hơi nhạc là đặc trưng của một hoặc một nhóm bài bản, xác định bởi các yếu tố, âm tựa, chữ nhạc (nốt nhạc) thang âm, điệu thức. Nếu người ca, đàn, đổi âm tựa, là đổi thang âm, đổi điệu thức hoặc gần như đổi điệu, trong âm nhạc gọi là chuyển điệu, ly điệu là pha hơi khác không còn giữ nguyên hơi nhạc ban đầu. Bảo vệ hơi, thang âm, điệu thức, là bảo vệ nét giai điệu đặc trưng của một bài bản, hoặc một nhóm làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương và nhạc truyền thống Việt Nam.

Sự hình thành làn, điệu, khởi nguồn từ một hình thức diễn xướng dân gian nguyên thuỷ là các hình thức nói có ngữ điệu, hành động diễn kể, đến thời Hùng Vương thứ nhất, xuất hiện các trò diễn xướng dân gian, ra đời các làn, điệu ca, ngâm, hát. Những hình thức âm nhạc dân gian ấy, là khởi hình của nền ca nhạc dân gian Việt Nam, sau này phát triển thành các hình thức ca nhạc phong tục,  nhạc lễ, nhạc đám, nhạc vui chơi giải trí, nhạc sân khấu. Nhìn ngược lại thời gian, làn, điệu, ca, hát có nguồn gốc lâu đời, từ sinh hoạt văn hoá, lao động, giải trí, ca, hát, diễn kể. Nhưng mỗi một hình thức sân khấu dân tộc lại hình thành theo một thời gian khác nhau, cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, ra đời các làn, điệu, ca, ngâm, hát, nói khác nhau. Có loại khó xác định chính xác thời gian, nhưng dùng phướng pháp quy chiến từ nguồn gốc các loại trò diễn, các thể loại văn học, ca, múa… vẫn xác định được ra đời từ thời đại nào của một hình thức sân khấu. Bằng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, dựa vào những phân tích tư liệu khách quan sẽ xác định được các hình thức sân khấu lâu đời của nhân loại và dân tộc. Những hình thức ca, ngân, làn, điệu, khởi hình sớm nhất là ngôn ngữ kỹ thuật đầu tiên hình thành ca - hát, hình thành âm nhạc dân ca các dân tộc, các vùng miền. Sau này tiến lên trò diễn xướng dân gian, ra đời các hình thức sân khấu như một nguyên lý hình thành sân khấu dân tộc. Sân khấu cải lương sinh sau, hiện nay còn những người đang sống ở thế kỷ XXI, là nhân chứng của các hình thức ca, hát, làn, điệu, bài bản do ai sáng tác. Tuy vậy, sân khấu cải lương đã không vượt qua sự hình thành từ một trò diễn xướng dân gian, là trò diễn carabộ. Từ carabộ, có bước quá độ tiến lên sân khấu cải lương, không phải tự nhiên ra đời ngay sân khấu cải lương. Nhân sự hình thành, ra đời sân khấu cải lương lại nghĩ tới tuồng, duy có tuồng từ trên trời rơi xuống thành tuồng ngay, thành một hình thức sân khấu kinh điển. Tìm nhiều nguồn tư liệu trong dân gian, sách cổ không thấy tuồng hình thành từ dân gian, trên các văn bia cũng không có. Tuồng không hình thành từng bước như múa rối, chèo, cải lương. Các hình thức nghệ thuật dân tộc của ta còn thấy nhan nhản trong các văn bia, sách cổ, nhưng tuồng thì không. Nếu tìm trong sách cổ chỉ thấy vài dòng nói tuồng là do Lý Nguyên Cát dạy cho dân Bắc phần diễn tuồng. Dù rằng tuồng có tuồng pho, tuồng dân gian, nhưng tuồng pho lại có trước rồi mới đến tuồng dân gian do các nhà nho sáng tác sau này? Không hiểu tuồng hình thành từ đâu mà có, tuồng lại sinh ra ngoài những quy luật phát triển của sân khấu Việt Nam, là từ cung đình xuống dân gian. Còn sân khấu cải lương sinh sau, có nhiều ảnh hưởng tuồng, nhưng làn, điệu không phải hình thành từ thời nguyên thuỷ, cũng không phải từ làn điệu tuồng, mà làn điệu cải lương từ cải cách hát bội. Đầu tiên tạo ra điệu từ hát Nan, hát Khách mà nói có nhịp. Đó là nói lối của cải lương trong trò diễn carabộ. Từ nói lối đến nói dặm, nói thơ, ngâm thơ, ngâm Kiều, lẩy Kiều, ngâm thơ Lục Vân Tiên … là các nghệ nhân Ba Đắc, Ba Đĩnh, …  sáng tác ra  hàng loạt làn cho ca nhạc cải lương. Những làn ấy, là kỹ thuật ca đầu tiên để tiến lên kỹ thuật hát. Giọng ca là ca làn, bởi kỹ thuật nói, ngân, ngân theo nhịp điệu chứ không phải khuôn nhịp, nên hết sức tự do. Kỹ thuật phát âm, lấy hơi, nhả chữ tự nhiên, thô sơ chưa phải kỹ thuật hát, đó là ca làn. Còn hát điệu là hát các điệu dân ca, bắt đầu từ năm 1920, vào cải lương từ đó tiến dần lên hát bài bản, hát tân nhạc. Bài bản sinh sau nhất, các nghệ nhân đàn ca tài tử, cải lương gọi là bài bản. Những sáng tác bài bản của các nhạc công đàn ca tài tử, có cả ca sĩ, tác giả kiêm diễn viên như Mộng Vân, Tư Chơi.. Sáng tác bài bản vào cải lương có từ bài Vọng cổ của ông Sáu Lầu, sau đó đến các bài bản khác. Những bài bản trong cải lương đều có tên người sáng tác, thậm chí có cả năm tháng, nhưng do điều kiện thời gian không tiện thống kê ra. Nhiều nhà tư liệu như Trần Việt Ngữ, Thanh Hiền, Đỗ Dũng, Duy Lân (tác giả), Trương Bỉnh Tòng… còn giữ tư liệu, chỉ có số ít bài không có tác giả và năm tháng. Làn cải lương ra đời từ năm 1914 đến năm 1918, do cô Ba Đắc, Ba Đĩnh…cũng nhiều diễn viên sáng tác ra trong trò carabộ lên sân khấu cải lương. Điệu do các cô và nhiều nghệ sĩ khác lấy dân ca Nam – Trung Bộ vào cải lương. Còn bài bản do ông Sáu Lầu cùng nhiều người sáng tác vào năm 1920. Bài bản, là những tên gọi để phân biệt những sáng tác với các làn, điệu có trước của ca nhạc cải lương.

 

2. Chức năng, làn, điệu, bài bản hát cải lương.

 

Đặc tính ngôn ngữ ca, hát cải lương có ngôn ngữ âm điệu, tiết tấu riêng biểu hiện nội dung, hình thức làn, điệu, bài bản. Là những hình thức âm nhạc độc lập, xác định hệ thống âm điệu, biến hoá dựa vào âm tựa để có tính độc lập, và sự hoà nhập khi cần thiết. Ngôn ngữ làn, điêu, bài bản, có thang âm, điệu thức riêng đặc trưng từng hình thức, thể loại ca hát.

Ca, hát cải lương, có ba hình thức: làn, điệu, bài bản, cấu trúc thành vốn ca nhạc cải lương là một thể loại âm nhạc sân khấu. Ca nhạc cải lương tạo thành bốn mảng, ca, hát, ca làn, hát điệu, hát bài bản, hát tân nhạc. Bốn mảng âm nhạc khác nhau kể cả bài hát mới, nhưng là một thể thống nhất : ca, hát cải lương, đây là nét đặc biệt của vốn ca nhạc cải lương. Mỗi mảng ca nhạc có tính độc lập, lại có tính hoà nhập, đó là bản sắc cải lương. Những hình thức âm nhạc gọi là làn, có âm thanh giai điệu cấu thành đường nét giai điệu do quan hệ quãng tạo thành làn, không có khuôn nhịp, chỉ có nhịp mạnh, nhẹ, với những âm ngừng nghỉ ngân dài, lên bổng, xuống trầm… Làn là đặc tính ca nhạc cải lương. Đặc tính ca nhạc của làn là nhạc tự sự trữ tình, phổ vào các thể thơ. Có đặc điểm biến hoá linh hoạt, một câu ngâm thơ cải lương có thể phổ vào văn xuôi, thơ, câu nói thường… đều bẻ cong vào làn. Làn biến một câu văn xuôi, câu nói thường thành một làn trong cải lương. Làn nhạc ấy, muốn ca, ngâm, nói lối, nói thơ đều ngọt mùi, hấp dẫn. Đây là ngôn ngữ đặc trưng của làn. Làn bẻ tất cả các thể thơ, văn xuôi, nói thường thành giai điệu âm nhạc, không có khuôn nhịp, khi ca làm sáng tỏ một âm điệu, màu âm cải lương, hoặc hơi cải lương.Chức năng của làn trong cải lương có vị trí quan trọng làm cầu nối từ những hình thức ca, hát đơn giản nhất, đến nghệ thuật hát phức tạp. Không có làn, không thể biến những lời thoại khô khan, những thể thơ văn biền ngẫu thành giai điệu âm nhạc hấp dẫn. Nhưng chỉ để hấp dẫn người nghe những áng văn thơ khô cứng thành lời ca mùi mẫn, êm tai chưa phải là chức năng quyết định của làn. Làn có ba chức năng:

- Làm cầu nối các hình thức âm nhạc cải lương.

- Tạo mầu âm ca hát chung, thành hơi cải lương

- Biến những áng văn chương thành giai điệu âm nhạc ngọt mùi, hấp dẫn.

Làn là những hình thức âm nhạc đầu tiên tạo ra âm nhạc sân khấu cải lương, thiếu làn sân khấu cải lương như thiếu cấu trúc hoàn chỉnh một ngôi nhà, một hình hài, diện mạo. Làn không được ghi thành bài trong vốn ca nhạc cải lương, không có tên gọi trong ca nhạc cải lương, nhưng kịch bản cải lương nào cũng cần có. Làn xuất hiện từ mở màn đến các đoạn nối trong vở, nối cảnh, nối lớp, nối các nhân vật, nối giữa các xung đột tâm lý, tình huống, tính kịch… Làn không được giới cải lương xếp loại, đặt tên, nhưng xem cải lương ở đâu cũng gặp làn. Làn có thể xuất hiện ngay mở đầu vở trong hình thức lẩy Kiều, ngâm thơ, hoặc xuất hiện ở những lớp xen giữa gợi cảm trữ tình, hay những hình thức nói lối, nói thơ trước khi hát bài bản… Không có làn không thể liên kết những tình tiết vở diễn thành một mầu âm ca nhạc cải lương. Thiếu làn, kịch bản cải lương sẽ là những miếng ghép vụng về giữa điệu và bài bản, vở diễn  bị kịch nói hoá, hoặc một vở kịch pha hát điệu, hát bài bản cải lương.

Điệu trong hát cải lương, là những điệu lý, lý dân ca các miền, lý mới sáng tác như Lý Mỹ Hưng, Đoản Khúc Lam Giang, Lý Phúc Kiến… Những điệu dân ca các vùng miền, các dân tộc. Khi nội dung kịch bản cho phép, người chuyển thể toàn quyền đưa các điệu dân ca kể cả dân ca nước ngoài, cái tài là sự kết nối bài ca sao cho hấp dẫn, phù hợp nội dung và đặc biệt là tâm lý tình cảm nhân vật. Chức năng của các điệu dân ca là những bài hát ngắn, có tính pha mầu âm nhạc, đôi khi là có những chỗ thay đổi hoàn cảnh tình huống, hoặc tình cảm nhân vật. Điệu là một tiếng nói âm nhạc làm thay đổi màu sắc, không khí vở diễn đôi khi là sự đổi mới trong diễn biến câu chuyện kịch bằng một điệu hát dân ca. Những điệu dân ca vận dụng vào kịch bản cải lương có chức năng:

- Làm sáng tỏ không gian sân khấu một vùng miền

- Gợi tả phong cảnh thiên nhiên, tình cảm nhân vật

- Tạo mầu sắc âm nhạc mới, là điểm nhấn của lớp diễn bằng âm nhạc.

Muốn thành công sử dụng những điệu lý, những điệu dân ca, người viết lời cần chuẩn bị tình cảm, tình huống để nhân vật hát, nếu không điệu chẳng có giá trị, còn làm hại vở diễn. Điệu là một mầu sắc âm nhạc đặc sắc trong hát cải lương, không có điệu vốn ca hát cải lương thật nghèo nàn bi thảm. Điệu làm những bài dân ca tươi sáng, sống động mang hơi thở các vùng miền, làm phong phú vốn ca nhạc cải lương. Điệu làm sống dậy kịch bản sân khấu cải lương những tình cảm mới, cảm xúc âm nhạc mới lạ, là sức sống hiện thực của sân khấu cải lương.

Bài bản là những sáng tác chuyên nghiệp của các nhạc công, diễn viên từ ca nhạc tài tử đến cải lương, sáng tác vào vốn hát tài tử, cải lương. Vì thế, vốn bài bản còn dấu tích nhiều loại bài, có bài thuộc loại buồn oán thán, than vãn, có bài nhạc vui, có bài mang tên các nhân vật kể chuyện tâm sự…Nhưng cái tài của những bài bản sáng tác xưa, là dù viết cho một nhân vật, cho một vở diễn mang tên riêng, sau này lại hoà vào vốn bài bản cải lương, đây là cái đặc biệt của ca nhạc, các nhạc sĩ ngày nay không ai, hoặc chưa có ai làm được. Trong vốn ca nhạc chèo, (1)Viện Sân khấu có công sưu tầm, thẩm định, lựa chọn khá công phu được mấy trăm bài hát sáng tác  mới, gọi chung là làn, điệu chèo mới, nhưng chẳng có làn nào, điệu nào được “gia nhập” vào vốn ca nhạc chèo đã định hình làn, điệu của chèo. Nếu phân biệt rõ thì những sáng tác mới ấy, chỉ là bài hát mới chẳng phải làn, càng không phải điệu. Bởi làn của chèo là những hình thức ca, ngâm, nói thơ, ngâm kệ, ngâm Kiều, ngâm Sổng…còn điệu là những bài sáng tác của cổ nhân thuộc hệ thống các điệu hát chèo, tạo thành những hơi nhạc chèo, như hơi Sắp, hơi Làn thảm, hơi Đường trường…Nhìn lại những sáng tác mới của các nhạc sĩ vào những vở cải lương, hoặc tuồng từ năm 1960 đến nay chẳng ai sưu tầm làm gì, bởi những bài hát mới ấy không có vị trí trong vốn ca nhạc cải lương, hay tuồng. Không cần làm cái việc “dã tràng xe cát”. Những việc làm ấy, chỉ để tiêu tiền cho hợp lý vào dịp cuối năm, còn giá trị sử dụng rất hiếm. Nhưng những sáng tác mới trong vốn bài bản cải lương, dù là viết riêng cho một nhân vật, một vở diễn có các bài: Văn Thiên Tường, Khổng Minh toạ lầu, Mạnh Lê Quân, Chiêu Quân…đã trở thành vốn ca nhạc cải lương. Nguyên nhân: Những sáng tác ấy, viết theo phương thức sáng tác ca nhạc dân gian, là phương pháp sáng tác phù hợp với hình thức sáng tác có sẵn trong vốn bài bản cải lương. Đó là nói về phương pháp sáng tác phù hợp cách làm, còn phù hợp về cấu trúc hình thức một bài bản. Những bài bản mới phù hợp với vốn bài bản cũ trong hình thức cấu trúc, phương pháp sáng tác, còn phù hợp về hơi nhạc, màu âm, hoà cùng vốn bài bản có sẵn của cải lương. Còn đặc điểm có tính quyết định nữa tuy viết riêng cho một nhân vật, nhưng nội dung âm nhạc lại mang tâm trạng chung, nhân vật nào có hoàn cảnh như thế đều vận dụng vào hát phù hợp. Một bài bản trở thành bài bản của vốn ca nhạc cải lương là phương pháp sáng tác dân gian truyền bằng miệng, phương pháp này khá quan trọng trong hình thức cấu trúc âm nhạc, chung mầu âm, nhịp điệu, nằm trong một hơi cải lương, có chung nội dung tâm trạng nhân vật. Bằng những điều kiện như trên, bài Văn Thiên Tường có hơi Oán, nằm trong hệ thống những bài Oán, tâm trạng tự sự buồn. Bài Chiêu Quân, nằm trong hơi Oán, tâm trạng buồn thương, chia ly…Còn những sáng tác mới của các nhạc sĩ thời nay, dù viết cho các vở tuồng, chèo, cải lương…Không thể hội nhập trong vốn ca nhạc có sẵn của bài bản, chèo, tuồng, cải lương…vì những bài hát mới không có những đặc điểm chung của bài bản, nên không hội nhập vào vốn bài bản có sẵn của các hình thức sân khấu kịch hát. Những sáng tác mới của các nhạc sĩ mãi mãi là những bài hát chỉ nằm ở một vở diễn, không bao giờ là bài bản của vốn ca nhạc sân khấu kịch hát. Bởi những bài hát ấy, còn thiếu những điều kiện hội nhập, những bài bản cải lương do cổ nhân tạo dựng, có chức năng:

- Diễn tả tâm trạng nhân vật.

- Giải quyết những mâu thuẫn, xung đột lớn.

- Là những bài bản chủ đạo trên sân khấu cải lương.

Bài bản của cải lương, có vai trò quan trọng, quyết định đặc trưng ca nhạc cải lương trong mối quan hệ bài bản với làn, điệu.

 

2.1. Mối quan hệ làn, điệu, bài bản.

 

Làn điệu, bài bản có mối quan hệ qua lại, chặt chẽ, thống nhất trong kịch bản cải lương. Làn là những khúc nhạc dạo nối làn với điệu. Làn nối với bài bản, làn nối với ca tân nhạc…

Làn, điệu, bài bản quan hệ với nhau trong cấu trúc kịch bản cải lương, là chất bột, hay chất keo nối với bài bản. Vì thế làn chuyển hoá màu âm cùng hơi nhạc kết với điệu hoặc với bài bản. Khi đứng độc lập là làn, thì làn sẽ có âm điệu, hơi nhạc riêng như hơi Sa mạc, hơi lẩy Kiều, hơi ngâm thơ Nam Bộ, nhưng khi kết dính với điệu, bài bản, những hơi ấy chuyển hoá phù hợp với tính chất của điệu và bài bản. Phương thức chuyển hoá bằng cách thay vị trí âm tựa, nhờ chuyển đổi âm tựa, đã chuyển thành các hơi có quan hệ gần nhau, hoặc giống nhau cùng mầu âm. Khi ngâm điệu Sa mạc, để vào ca điệu Lý Con Sáo dân ca Nam Bộ…Người ca sẽ chuyển đổi âm tựa từ sa mạc chuyển sang lối nói thơ, ngâm thơ có làn hơi dân ca Nam Bộ, để bắt vào hát điệu lý nào đó mang màu âm dân ca Nam Bộ. Sự bẻ hơi, chuyển làn có giá trị dẫn cảm xúc nghe ngọt mùi hồn nhiên từ hai làn điệu ca nhạc khác hơi, xa lạ thành cùng hơi, cùng điệu, cùng bài bản. Sự ổn định hài hoà tính chất âm nhạc ấy, quyết định tạo ra ở vị trí các âm tựa. Âm tựa của làn, là những bậc âm quan trọng trong mô hình giai điệu. Âm tựa là các âm ngừng nghỉ, ngân dài ở các kết câu, kết đoạn, giữa câu, giữa đoạn hay đầu câu nhạc…Âm tựa là những âm có quan hệ từ âm chủ tới các âm giai ở vị trí chính giai điệu thành làn. Chỉ cần thay đổi một, hai âm của làn là bẻ làn nọ qua làn kia để nhập vào bài bản. Làn và điệu, là những khúc nhạc ngắn, những khúc nhạc ấy có giá trị liên kết với nhau tạo những đoạn nhạc diễn tả sân khấu, đáp ứng yêu cầu kịch bản. Nhờ có làn, điệu, bài bản là những hình thức âm nhạc đặc biệt, liên kết với nhau trong quan hệ như một tác phẩm âm nhạc làm cho sân khấu cải lương có sức hoà nhập với các loại đề tài. Làn, điệu, bài bản trong cải lương có cấu trúc âm nhạc đặc biệt ở sự bẻ làn, nắn điệu khi ca hát, nhờ vào kỹ thuật dân gian ấy đã hoà nhập với các dòng nhạc đương đại và cải lương hoá các dòng nhạc bằng ba thủ pháp kỹ thuật:

- Bẻ làn

- Nắn điệu

- Thay đổi vị trí các âm, tạo tính chất giai điệu mới.

Những thủ pháp kỹ thuật ca hát ấy, tạo thành mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất làn - điệu – bài bản.

Làn là những hình thái giai điệu ca cải lương chắp nối mọi lời ca, lời thoại khi cần thiết đáp ứng các trạng thái sân khấu. Điệu chuyển hoá các màu sắc tình cảm, là sự ứng biến linh hoạt của vốn các điệu hát cải lương, tạo sự phong phú khi diễn tả các tình huống sân khấu, tình cảm nhân vật. Bài bản là sự hoàn chỉnh của vốn ca nhạc cải lương, đặc biệt bài Vọng cổ là sự kỳ diệu về diễn tả các tình huống, trạng thái tình cảm nhân vật. Bài Vọng cổ là tổng hợp kỹ thuật ca – hát – nói của ca hát cải lương. Từ ngày có bài Vọng cổ đã trở thành bài hát chủ đạo của vốn làn, điệu, bài bản cải lương. Bài Vọng cổ là bài nhạc đặc trưng ca nhạc cải lương, có tính chất quyết định đến mức không có Vọng cổ bất thành cải lương. Đây là một bản nhạc, hơi nhạc điển hình của ca nhạc cải lương mà các hình thức sân khấu: tuồng chèo, kịch dân ca không thể có. Tuy nhiên, bỏ bài Vọng cổ đi chỉ chắp nối các làn, điệu, bài bản vẫn thành một kịch bản cải lương, đậm đặc chất cải lương, nhưng khi trình diễn, công chúng và cả giới diễn viên sẽ không đồng tình. Bởi đây là một thói quen thưởng thức âm nhạc, ai đi xem cải lương cũng chỉ hào hứng đón câu Vọng cổ xuống hò để cổ vũ người diễn. Diễn viên nào vào vai cũng muốn xin người chuyển thể, đạo diễn cho ca một câu Vọng cổ. Thực tiễn sân khấu gắn kết các diễn viên chính, phụ đều có câu Vọng cổ, còn ai không có coi như mình bị thiệt thòi, không có dịp đến với công chúng.

Vốn ca nhạc cải lương phong phú, có tính chuyển hoá, hoà nhập và riêng biệt, là đặc điểm độc đáo của làn, điệu, bài bản. Làn là hình thức âm nhạc bắc cầu, liên kết các mối quan hệ làn với điệu với bài bản và các hình thức nói, hát, tạo sự nhuần nhuyễn một kịch bản cải lương. Vốn làn, điệu, bài bản cải lương là sự diễn tả đặc tính sân khấu bằng âm nhạc, làm nền tảng hình thành cấu trúc kịch bản, biểu hiện, diễn tả cùng người diễn viên là đặc tính ca nhạc cải lương. Ca nhạc cải lương có mối quan hệ gắn kết truyền thống giữa làn, điệu, bài bản với tính hiện đại là các loại hình nghệ thuật đương đại. Chỉ có vốn bài bản, làn, điệu và nghệ thuật diễn mới hoà nhập, dung nạp được các hình thức nghệ thuật hiện đại nhất của mọi thời đại vào cải lương. Nhờ đó, sân khấu cải lương phát triển khắp mọi miền đất nước.

 

2.2. Mô hình bảo tồn, phát triển.

 

Ca nhạc cải lương có ngôn ngữ đặc trưng là: ngôn ngữ ca nhạc cải lương, không hoà tan, không lẫn với bất cứ hình thức âm nhạc nào, đó là đặc điểm màu âm, thang âm, điệu thức, tiết tấu cải lương. Những nét chung ấy là làn, điệu, bài bản cải lương, mỗi bài là một hình thức cấu trúc âm nhạc khác nhau, biểu hiện nguồn gốc thể loại. Vốn ca nhạc cải lương hình thành từ ca nhạc tài tử lên sân khấu cải lương, tập hợp những hình thức âm nhạc hoàn chỉnh một thể loại sân khấu kịch hát có những bản nhạc sáng tác trở thành bài bản, những bản nhạc Tầu, những bản nhạc tài tử, những điệu lý và làn. Khi sân khấu cải lương phát triển từ năm 1921, đến nay đã khẳng định sự giao lưu, du nhập các hình thức âm nhạc hiện đại vào cải lương là một lẽ tự nhiên. Đây là sự khác biệt của sân khấu cải lương với các hình thức sân khấu khác của nền sân khấu Việt Nam. Sự du nhập các loại hình nghệ thuật mới, đáp ứng công chúng là cần thiết, nhưng phải bảo toàn bản sắc sân khấu cải lương. Quá trình phát triển cải lương đã có những bài học lịch sử, lúc bảo cổ, khi lai căng không còn là cải lương, đi ngược lại truyền thống thẩm mỹ dân tộc. Từ bài học lịch sử trong quá khứ, cần có mô hình bảo tồn, phát triển ca nhạc cải lương trong hiện tại là bảo tồn bản sắc ca nhạc cải lương.

Bản sắc ca nhạc cải lương là character, cái sắc thái riêng, đặc tính, đặc điểm ca nhạc cải lương. Đặc tính ca nhạc cải lương có nguồn gốc hình thành từ mười sáu bản Bắc, ba bản Nam, bốn bản Oán. Những bản nhạc ấy, có đặc trưng hơi là các hơi nhạc cải lương. Những hơi ấy, tạo thành nét đặc trưng thang âm, điệu thức ca nhạc cải lương. Hơi nhạc hình thành từ cấu trúc các bậc âm trong các làn điệu, là các bậc: I, II, III, IV, V. Những bậc âm ấy, tương ứng với các chữ nhạc: Hò, xự, xang, xê, cống. Hò trong bài bản là âm đầu, âm chủ của điệu thức, từ đó, có năm loại hò. Nghệ nhân xếp loại các âm hò: hò nhất, hò nhì, hò tam, hò tứ, hò ngũ. Khi sử dụng những âm hò vào đàn ca là bảo vệ bản sắc ca nhạc cải lương, thường hát ở các âm: hò nhất, hò nhì, hò ngũ hầu như không sử dụng. Vốn bài bải cải lương xây dựng trên các quãng đặc trưng của điệu thức năm âm, thường là các quãng giống nhau trong các giọng, điệu từ I đến V. Đó là các quãng: quãng 3T + 3t + 2T và 3t (3T + 3t + 2T + 3t), hoặc có các quãng: 2T + 3t + 2T + 3t + 2T… Hình thức cấu trúc các quãng âm nhạc trên như 3 trưởng (T) + 3 thứ (t)… có những điệu thức giống nhau, tạo cảm giác âm nhạc như nhau trong ngôn ngữ bài bản đặc trưng của ca nhạc cải lương. Nhờ có những quãng đặc trưng cấu trúc trên thang âm, có âm giống nhau mà khi nghe các bài bản cải lương cứ na ná mầu âm giống nhau, người ngoài nghề khó phân biệt điệu Giang Nam hay Cổ bản, Văn Thiên Tường…Thậm chí nghe câu nói lối, một điệu ngâm thơ Nam Bộ cứ có những âm giống điệu cổ bản, khi người diễn viên ca nối làn để bắt vào bài Cổ bản. Nghĩa là những làn khi hát vào điệu, hoặc bài bản, họ thay đổi âm tựa, đưa âm tựa của bài vào làn nghe cứ lẫn với nhau. Nếu không thay âm tựa, riêng những làn cải lương Nam cũng giống các bài bản ở màu âm. Riêng những bản nhạc Tầu, khi vào cải lương đã Việt hoá, nên có chung thang âm, điệu thức cùng bài bản cải lương. Đặc điểm những bản nhạc Tầu, có các quãng như trong thang âm trên, nhưng thêm âm cống là bậc sáu, trong khi nhạc bài bản cải lương chỉ có năm âm, đây là nét khác biệt của những bản Tầu. Đó là quãng mầu sắc của những bản nhạc Tầu, nếu bỏ quãng đặc trưng ấy, sẽ không còn hơi Quảng của những bản nhạc Tầu. Đây là những bí quyết khi chuyển làn, chuyển hơi, thích có hơi Quảng thêm quãng màu sắc, muốn biến những bản nhạc Tầu thành bài bản cải lương, bỏ quãng mầu sắc đi là được những điều theo ý muốn.

Nhìn lại tổng thể vốn bài bản cải lương là “cơ thể” chính của sân khấu cải lương có những bản nhạc Tầu, những bản cải lương có các quãng đặc trưng, đặc điểm giống nhau cơ bản trong các bậc âm. Là ngôn ngữ đặc trưng, hội tụ thành những  bài bản cải lương, có chung hơi nhạc là hơi cải lương. Ngôn ngữ hơi nhạc ấy, cấu trúc theo quy luật vận hành các bậc âm của thang âm, điệu thức âm nhạc năm âm Nam Bộ. Riêng những bản nhạc Tầu có sáu âm, âm thứ sáu là âm mầu sắc đặc trưng hơi nhạc Tầu. Phải phân biệt rõ thang âm năm âm Nam Bộ, vì năm âm nhạc Bắc Bộ là nhạc Bắc, năm âm trong làn điệu chèo là nhạc chèo…Nhạc Việt Nam có nhiều loại thang âm từ hai âm đến sáu, bẩy âm, nhưng phổ biến là thang âm nhạc năm âm, nhưng do hình thức xắp xếp các âm trên một thang âm từ quãng mà sinh ra các loại bài bản khác nhau, các vùng miền Bắc – Trung – Nam, có ngôn ngữ âm nhạc khác nhau.

Trở lại sự thay đổi cấu trúc bậc âm cơ bản những bản nhạc Tầu qua lối ca biến hoá âm tựa, tạo thành màu âm ca nhạc cải lương, đây là bí quyết thành công của phương pháp cải lương hoá những bài bản khác lạ vào cải lương. Hình thức cải lương hoá các hình thức nghệ thuật đương đại vào cải lương, trở thành phương thức cải lương hoá của nghệ thuật cải lương khi tiếp nhận các hình thức nghệ thuật mới. Sân khấu cải lương có hai bước, một là nếu hình thức nghệ thuật mới có nhiều người hâm mộ quá thì bước thứ nhất tiếp thu nguyên bản, nguyên xi, bước thứ hai mới cải lương hoá. Nhưng có lúc ngay khi tiếp nhận hình thức nghệ thuật mới đã cải lương hoá. Còn thông thường các hình thức nghệ thuật mới vào cải lương bao giờ cũng bị cải lương hoá: cải lương hoá ở phần âm nhạc, cải lương hoá trong kỹ thuật diễn. Hai hình thức cải lương hoá này, là phương thức đặc trưng của sân khấu cải lương qua quá trình tiếp nhận các hình thức nghệ thuật mới.

Phương thức (Gro Cedaare), là phương pháp, hình thức tiến hành đã giới thiệu hình thức ca thay đổi âm tựa. Đặc trưng ca nhạc cải lương khi ca chuyển âm tựa chuyển mô hình sẽ tạo ra chuyển hơi, chuyển làn, điệu, bài bản trong sự liên kết mối quan hệ bài bản với làn, với điệu, hoặc điệu với làn và bài bản hay bài hát sáng tác đương đại. Bí quyết ấy là: nói hơi nào ca, hát hơi ấy. Âm nhạc mô hình ca hát cải lương là:

- Ngôn ngữ làn.

- Ngôn ngữ điệu.

- Ngôn ngữ bài bản.

Ngôn ngữ ấy, là những âm của thang âm, điệu thức, làn, điệu, bài bản cải lương cần bảo tồn:

- Mô hình thang âm bài bản cải lương.

Cần bảo tồn mô hình thang âm các bài bản ca nhạc cải lương, vì bài bản là cơ thể sống của vốn ca nhạc cải lương, chỉ cần bảo tồn vốn bài bản, qua cấu trúc mô hình thang âm là bảo tồn toàn bộ vốn ca nhạc cải lương. Trên sân khấu cải lương vốn bài bản là những hình thức âm nhạc chủ đạo của ca nhạc cải lương, mọi kỹ thuật ca, hát đều nằm ở vốn bài bản mà bài Vọng cổ là tiêu điểm của bài bản. Bảo tồn mô hình thang âm bài bản cải lương, là bảo tồn các bài, các điệu cải lương, vì làn, điệu đều xoay quanh vốn bài bản cải lương, nên cần giữ vững đối tượng chính của ca nhạc cải lương. Bảo tồn mô hình thang âm, bài bản là bảo tồn phương thức cải lương hoá các hình thức ca nhạc mới vào cải lương. Phương thức cải lương hoá bao giờ cũng diễn ra đồng bộ từ ca nhạc đến biểu diễn. Ngôn ngữ biểu diễn đặc trưng của cải lương là bộ. Ra bộ là nghệ thuật diễn những động tác minh hoạ hiện thực cuộc sống có tính mô tả, đi theo điệu bộ cùng ca hát, minh hoạ lời ca bằng động tác tượng hình, ngôn ngữ tượng thanh, tượng hình, là những hình thức diễn đi liền với nhau, là đặc trưng ngôn ngữ diễn cải lương. Ngôn ngữ diễn ấy, diễn ra cùng âm nhạc, nếu âm nhạc tiếp nhận cái mới nguyên xi, nghệ thuật diễn cũng sao y bản chính. Khi âm nhạc cải lương hoá, nghệ thuật diễn cũng biến đổi, biến những hình thức nghệ thuật mới như múa ba lê, nhảy nhịp điệu, hoặc những hành động diễn của kịch nói…Những động tác múa, nhưng có tính cải lương, làm nhẹ đi những động tác ba lê, nhảy nhịp điệu, biến những động tác hành động kịch thành ra bộ cải lương, có tính cách điệu cao hơn ngôn ngữ hành động con người thật của kịch nói. Đó là quá trình cải lương hoá có tính tổng hợp của sân khấu cải lương.



(1)  Sưu tầm năm 2000

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 2890
Ngày đăng: 09.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài nhớ Cao Đông Khánh - Đinh Cường
cầm cỏ đi chơi - Du Nguyên
Chính Nó - Vũ Trọng Quang
thư gởi tháng mười - Trần Kỳ Phương
Dấu /Một Nửa /Hạt Mưa - Văn Công Mỹ
thơ xuân tạ lỗi tuy hòa /bất chợt Đà Lạt ở Long Thành - Nguyễn Đăng Trình
Cánh Đồng Bất Nhân - Lê Vĩnh Tài
Nhạc Xanh và Tượng Đài /Đoá Hoa Muôn Màu - Cao Thu Cúc
Trăng Xanh Ca /Hoà Âm - Ngô Nguyên Nghiễm
Bài tháng hai /Bên trời - Đinh Cường
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)