Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.230.973
 
Ôm Đĩ Mất Tiền
Lê Văn Thiện

Chú Năm Hàn nhắn tôi đến gặp chú. Việc gì chưa rõ, nhưng đứa bé đưa tin nói: “Gấp lắm, đến ngay hôm nay”… Tôi ngồi đợi chú ở phòng khách. Người nhà đem trà, thuốc ra mời. Đã gần 8 giờ nhưng chú Năm còn ngủ. Tôi không thấy lạ, đối với chú “mặt trời mọc hai sào còn ở nhà đủng đỉnh uống trà” là chuyện thường ngày.

 

Chú Năm Hàn là em út của ba tôi. Trước kia chú nghèo nhất trong gia đình ông tôi và trong cả họ. Chú có nhiều “cái nhất” đáng buồn: đông con nhất, nhà cửa xập xệ nhất, thường gặp chuyện xui xẻo nhất.

 

Sinh thời, ba tôi không thích chú Năm, thường nhận xét về chú bằng giọng nghiêm khắc, thiếu cảm tình. Ông nói, rạch ròi – theo cách của các viên chức viết thông báo – để chúng tôi thấy các nhược điểm của chú Năm, với chủ ý răn dạy, sợ chúng tôi bước giẫm lên dấu chân gồ ghề của chú.

         

“Một là, không biết tính toán làm ăn, việc gì cũng lao vào theo kiểu cầu may. Không biết quan sát, phân tích, phán đoán cách làm việc của bà con xung quanh nhằm rút ra những bài học, đem các tinh hoa về áp dụng cho mình.

 

Hai là, lười nhác, chậm chạp, lúc nào cũng uể oải, ì ạch bám đuôi thiên hạ. Sống ở quê mà theo giờ hành chính, chủ nhật nghỉ. Sáng thì mặt trời mọc hai sào còn ngồi trước thềm khật khưởng uống trà. Cuốc cày phơn phớt, sợ đau đất. Làm ngại mệt, chưa nóng lưng đã về.

 

Ba là, thiển cận, không phòng xa. Kiếm được một ngàn là phủi chân nằm nghỉ, ăn tiêu cho hết ngàn đó mới chịu làm tiếp. Không có tiền gạo dự phòng, mỗi khi trong nhà lỡ xảy ra xui rủi là chạy quáng quàng khắp nơi cầu cứu, vay mượn”.

 

Rồi, bao giờ cũng vậy, ông gút lại: người như chú ấy sẽ đói khổ triền miên, nghèo suốt kiếp thôi.

Những điểm trên ba tôi nói chính xác, nhưng câu kết luận, kỳ quái thay, hiện nay không còn đúng nữa!

 

Cách đây chín năm, Hà Sơn – đứa con sáng sủa lanh lợi nhất của chú Năm – bằng con đường đi chui đã vù thẳng sang Pháp. Cũng như tám anh em trong nhà, Hà Sơn chỉ được học đến cuối cấp một. Nhưng, lạ làm sao, sống ở cái xứ văn minh giàu có ấy, chỉ vài năm Sơn đã phất to. Nghe đâu nay nó là chủ của một quán ăn bề thế ở một thành phố lớn. Người ta đồn, Hà Sơn gặp may nhờ cờ bạc. Lại có người nói, tất cả số của cải ấy xuất phát từ người vợ, một cô nàng gốc Khơ-me Sóc Trăng đen đúa, nhỏ bé. Thực hư ra sao chẳng ai kiểm chứng được, có điều “thằng Sơn Còi giàu to” là sự thật.

 

Ngoảnh đi ngoảnh lại, như trong cổ tích, chú Năm Hàn đổi lốt, trở nên giàu sang, lọt vào nằm trong giới tai mặt của làng Tân Dân. Giờ đây chú đã có những “cái nhất” sáng giá: nhà cửa lộng lẫy nhất, xe cộ xịn nhất, làm ăn vững vàng mạnh vốn nhất.

 

Chú Năm dậy, rửa mặt mũi, chải tóc, cạo râu, thay quần áo mất nửa tiếng. Kế đó chú ra ngồi đối diện tôi, chẳng nói gì, khề khà uống trà hơn nửa tiếng nữa! Biết tính chú, tôi không vội, không hỏi. Dễ gì bỏ được một thói quen đã ăn sâu vào xương tủy hơn 60 năm! Dường như bon chen, chụp giựt chưa hẳn lúc nào cũng hay? Và chậm lụt, rề rà đâu phải lúc nào cũng về bét!

 

Sau tất cả các nghi thức “trà đạo” dềnh dàng, chú Năm cho tôi biết tin vui: Hà Sơn gửi tặng tôi một mớ đô la. Ái chà, đô la! Mừng quính, tôi cảm ơn chú Năm rối rít! Trước tới nay Sơn cũng đã tặng quà tôi nhiều lần, nhưng chỉ là một lọ dầu gió, vài cục xà phòng, một hai chiếc áo thun rộng thùng thình đầy hình chim cò!. “Do đâu nay tự dưng nó cho ta nhiều tiền?”. Tôi suy đoán, ra sức động não để tìm nguyên nhân. “Chắc nó nhớ lại thời nhỏ đã từng chơi thân với ta, nhớ lại những ngày hai đứa cùng nhau đi bẫy chim, gài thỏ?... Hay nó nhớ cái ơn ta đã kèm cặp dạy nó học trong những tháng hè?”.

 

“Đừng cảm ơn chú, hãy cảm ơn thằng Sơn, bởi chính là tiền của nó!... Có điều, chú muốn nói, bạc tiền của bản thân ta làm ra thì ta tiêu pha cách nào tùy ý. Nhưng đây là tiền bà con, của ơn nghĩa, ta nên dùng sao cho hay, cho đúng cách!”.

 

Tôi ngồi ngay ngắn, hai tay để trên đùi, chăm chú nghe chú giáo huấn. Chú nhìn ra sân, nói chậm, rành mạch, tuồng như đã nghĩ kỹ, sắp xếp sẵn.

 

“Cháu nên biết rằng, dù ở bên Tây, nhưng mỗi đồng bạc kiếm được người ta cũng phải đổ ra biết bao mồ hôi, sức lực. Chỉ có bọn gian trá, bất lương mới làm được tiền dễ dàng, đó là thứ tiền nổi trôi, hôi hám! Cháu nghe rõ chưa?”.

 

Tôi “dạ” khá lớn.

“Cháu là người hiểu biết, nên chú không nói nhiều, chỉ tóm tắt vào mấy điều sau đây:

“Trước tiên – chú đằng hắng – Phải biết nhìn xa trông rộng, ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai, làm được mười đồng thì chỉ nên ăn năm, còn năm cất vào tủ, đề phòng khi sảy chân, mất việc, đau ốm… đúng không?”.

 

Tôi “dạ” sốt sắng.

“Kế tiếp là – chú lại đằng hắng – luôn chăm chỉ, năng nổ. Để ý nhận biết ngay những hiện tượng, ngành nghề mới, tốt, xuất hiện trong xã hội. Vươn lên không mệt mỏi, đi trước mọi người, kịp thời chớp lấy những cơ hội mà duyên may đưa tới cho ta. Nên nhớ, may mắn, tốt đẹp chỉ đến với kẻ nào biết đón chờ nó… Cháu rõ chưa?”.

 

Tôi dạ, dạ và gật liền mấy cái.

“Sau nữa là, phải quan sát xung quanh, làm theo những cái tốt của thiên hạ, tránh vết xe đỗ của họ… Làm ăn, mọi việc đều tính kỹ, chu đáo, chi li, không chạy theo những thứ mình chưa nắm chắc, nhưng cũng không lờ đờ, chần chừ, nằm chờ sung rụng”.

 

Chú lớn tiếng gọi Dung – con gái chú – bảo dọn bữa điểm tâm. Tôi trực nhận ra, tình cờ những điều chú vừa dạy tôi khá giống những khuyết điểm mà chú mắc phải ngày trước, ba tôi đã từng chỉ rõ!

 

Tôi mau mắn, vâng dạ liền miệng! Còn biết làm sao bây giờ? Đây là tiếng nói của đồng tiền! Đừng tự ái, hãy kiên nhẫn! Sau 40 năm sống trên đời, tôi hiểu được nhiều điều về đức tính kiên nhẫn. Nếu sáng suốt, biết dùng nó đúng lúc, thì ta sẽ gặt hái được lắm lợi ích!... Tôi phải biết ơn Hà Sơn là đúng. Tôi nên “dạ” thật nổ, thật nhiều cũng đúng! Vì, dù chưa rõ tại sao Sơn cho mình nhiều tiền, nhưng trong đầu tôi mới nảy ra ý: nên cố gắng lấy lòng cha con chú Năm. Sắp tới đây có thể thằng Sơn lại nhớ đến ta, sẽ còn cho ta nhiều hơn nữa. Biết đâu đấy!

 

*

Dung bưng ra một tô bún giò và hai trái chuối. Tô bún khá to, chắc mới mua ở chợ làng.

“Con đi mời bác Hai, bác Ba, cô Ghi tối nay về đây để ba bàn chuyện”.

“Chuyện gì vậy, ba?”

“Đúng bảy giờ. Nói về việc cúng kính. Ý thằng Sơn là từ nay giỗ ông, bà nội sẽ tập trung lại, cúng tại nhà mình, không mạnh ai nấy giỗ như xưa giờ”.

“Chuyện này đã nói năm ngoái. Ý hay, nhưng chắc khó làm đấy”.

“Hôm trước nói phớt qua, nay gút lại… Ta gánh hết mọi chi phí. Các vị khỏi phải đem xôi, xách vịt gà bánh trái tới góp, trò bưng bê đó lạc hậu rồi”.

“Dạ, con hiểu”

“Cúng khác với nhậu nhẹt. Đó là lễ lạc, tập quán lâu đời. Giỗ chạp, tết tiết, cưới hỏi, anh em con cháu tề tựu về đông đủ mới bày tỏ được lòng tôn kính, sự biết trọng lễ nghĩa của mọi người. Và nó cho thấy, chúng ta biết cách gìn giữ sợi dây thân ái ràng buộc các thành viên của dòng tộc, phải vậy không?”. Chú Năm hỏi tôi.

“Dạ, chí phải!”.

 

Chú Năm cười, khen: “Mày nói giống hệt Hoài Linh!”.

 

Chợt điện thoại đổ chuông. Cái điện thoại nằm trên bàn thờ. “Chuyện gì đây?”. Chú Năm cầm máy lên. Một giọng nữ trẻ. Cô ta hỏi, sáng thứ ba chú Năm tính đi Qui Nhơn ăn cưới bằng xe gì. Hai người nói qua lại mất non hai chục phút. Tôi chờ nhận tiền, và muốn về, nhưng dường như chú Năm đã quên mất tôi! Chú cũng thích nói điện thoại, như bọn trai trẻ. Việc nhỏ, đơn giản thế này lẽ ra chỉ cần nói chừng năm phút. Dễ thấy, chú cố ý kéo dài cuộc trò chuyện, và khá quan tâm đến bề mặt, phần nổi của sự việc.

 

“Nên mướn xe bảy chỗ. Cậu tính rồi, đi gắn máy tốn xăng, lại mệt, bụi bặm… Đây ra đó hơn ba tiếng, đường đèo dốc quanh quẹo, không chạy nhanh được… Trưa ghé Tuy Hòa nghỉ, ăn uống… Với lại, xe bốn bánh lúc nào cũng oai hơn xe hai bánh! Sẵn dịp, ta ghé Phú Lâm thăm ông Bá, ổng nằm mẹp đã hơn hai tháng… Ờ, ghé chừng nửa giờ. Tất nhiên phải có quà. Vài hộp sữa, chục lon nước yến, đừng lo, để cậu mua… Nói là Qui Nhơn nhưng không phải ở phố, nó nằm tuốt luốt trên núi cao rừng sâu. Ờ, nếu về tối quá, mình sẽ tấp vô Qui Nhơn ngủ cho khỏe, vội chi… Thì ở khách sạn, khéo hỏi, chẳng lẽ ngủ ngoài chợ! Ôi, con ơi, sao cứ mở mồm là than thở tiền với bạc, có cậu đây, cậu bao tất!”. Chú Năm cười một tràng dài. Úp ống nghe xuống đùi, chú nói với tôi: “Con Thoa. Con ma le này ranh và kẹo lắm. Nó thuộc dạng người cúng tế sợ thần ăn hết chuối chè!”. Rồi chú lại nói điện thoại: “Hở, cái gì, cậu giống đại gia à? Da thịt gì con ơi! Cậu làm gì ra tiền, chỉ là ăn bám mấy đứa nhỏ, chúng nó cúp thì cậu ngáp thôi! Nhưng dù sao nay mình cũng có chút uy trong làng, nên phải chơi cho ngon, để chúng nó nể… Chúng nó là ai à? Là tất cả, là nhân dân! Con nên biết, bụng dạ con người hiểm hóc lắm, nếu ta giỏi hơn chúng, chúng ghét, ta kém thì chúng khinh bỉ, thế đấy!”.

 

Ngồi mỏi lưng, nhưng điều tôi muốn biết: sao bỗng dưng Hà Sơn cho mình nhiều tiền, tôi vẫn không hỏi được. “Một mớ đô la” cứ vang lên trong tai tôi không ngớt.

 

“Nhớ bảo thằng An, thằng Mãi bận đồ vest, mấy mụ thì áo dài. Đứa nào lùi xùi sẽ không được lên xe!”.

 

Cứ thế, chú nói, và cười, rổn rảng, khoái trá!

 

Xong vụ cưới hỏi, chú Năm quay sang tôi: “Giờ đây mày thấy chú còn thiếu thứ gì?”. Câu hỏi khó, tôi ngắc ngứ. “Nghĩ xem, chú thiếu gì?”. Thấy tôi bối rối, chú cười vang. Nghĩ mất mấy phút, tôi đáp: “Dạ, thiếu lời khen nồng nhiệt, sự ngưỡng mộ”. “Ngưỡng mộ là sao?”. “Dạ, là khen hết mức, hết lời”. Xoay tròn ly trà trong tay, chú Năm nói nhỏ: “Có lý, có lý. Mày nói y như thằng Sơn”. Chú ngồi im khá lâu. Chắc trí óc chú xoáy vào cái sự “ngưỡng mộ”! Rồi chú châm thuốc, kéo một hơi sâu, trầm ngâm nhìn ra sân, nói nhỏ, như nói cho mình nghe. Chú ôn lại chuyện xưa, ngày chú còn nhỏ.

 

Thủa đó, bên quê vợ chú Năm có một phú nông đa tài. Ông này có ba vợ, mười sáu con, nhà cửa to rộng, ruộng vườn bao la. Nhà ông như dinh quan. Ruộng ông toàn loại thượng đẳng, phải cần đến mười tá điền mới canh tác xuể. Nhưng sự hưng thịnh ấy chỉ trụ được ba mươi năm… Chiến tranh nổ ra. Bom đạn đến, tàn phá chết chóc tai ương đến. Mãnh liệt hơn bão tố. Mức khốc hại của nó ngoài sức tưởng tượng của những đầu óc giàu trí tưởng tượng. Cuối năm 1970, nếu là người lạ, gặp ông người ta sẽ tưởng đây là một anh nhà quê nghèo mạt, thiếu ăn kinh niên. Ông cựu phú nông vẫn còn ba vợ, nhưng mỗi người ở một tỉnh. Vườn ruộng vẫn còn nguyên, tất nhiên, nhưng của người khác. Ông ta xuống cấp rõ. Có điều, do lòng nhân ái, hoặc do thói quen, dân làng không gọi ông là “thằng”. “Thế đấy. Sự đời như mưa bóng mây, gió thoảng hoa rơi, phải không nào?”. Chú Năm hỏi tôi. “Dạ, chí phải!”. “Cho nên, nếu chịu khó quan sát, nhìn ngắm kỹ, ta sẽ thấy có nhiều thứ đáng sợ… Ngày tháng qua mau, mọi thứ lần lượt già cỗi, ngã lăn, đổ sụp, trắng xác!... Quên, rất dễ bị quên! Làm sao để, sau khi ta chết, thân xác bị vùi lấp, nhưng vẫn còn lại một chút gì, chứng tỏ rằng ta đã từng có mặt trên đời”.

 

Để lại chút tiếng tăm, “phải có danh gì” không mới. Nhiều người đã viết về ý đó. Tuy nhiên, như chú vừa nói, gió thoảng hoa rơi, tên tuổi sống thêm vài chục năm, hoặc hơn, rồi sau đó, thì sao?

 

Chú Năm hút thuốc, chậm, thông thả. Chẳng có gì phải vội. Ung dung là cốt cách của giới trưởng giả, quí phái! “May quá!”. Chú Năm vỗ trán: “Chú mới nghĩ ra ý này, mày xem được chăng? Ta sẽ xây tặng làng một nhà mát, bên cạnh đình, làm nơi dọn cỗ bàn đãi bà con trong các dịp kỳ yên, cúng tế… Cùng lúc, ta đóng vài chục bộ bàn ghế mới, mua vài trăm tô chén mới. Thế là dân quan, ai nấy đều mê!”. “Dạ, rất hay, mấy thứ đó ai cũng thích”. Tôi khen, chú Năm sướng ra mặt. Nhưng, ít phút sau, chú lại đưa ra lý lẽ mới, bác bỏ các ý trước. “Đúng tốt, nhưng mấy món đó đều nhỏ, vụn vặt, chỉ chục năm đã cũ, hư hao, họ sẽ quên ta ngay!”. May sao, đúng lúc cần, óc tôi nảy ra sáng kiến: “Hay là chú xây cho làng ngôi chợ?”. “Chợ à?”. Chú Năm đứng bật lên, vỗ tay khen: “Giỏi, thằng này tài!... Một chợ mới, thay chỗ cái chợ tênh hênh giữa trời. Sẽ tốn kém nhiều đây, nhưng quá cần, quá đúng!”.

 

Thế rồi, trong mười phút, chú vẽ ra ngôi chợ mơ ước, như người ngồi ôn lại một thần thoại rực rỡ. “Địa điểm có sẵn. Nó không cần to như chợ huyện, nhưng kiểu dáng phải mới và sang. Nó sẽ đẹp hơn chợ xã Vạn Khánh, Vạn Hưng. Ta sẽ nhờ thầy vẽ kiểu… Thầy gì vẽ? À, kiến trúc sư!... Nhà lồng xây cao ráo. Phân chia các khu đâu ra đấy, cá tôm không ngồi cạnh chè xôi bún bánh! Các dãy kệ hàng thịt cao hơn các kệ bán thức ăn chín. Bên này là khu tạp hóa, quần áo giày dép xoong chén. Bên kia là hàng rau đậu hoa quả. Chà, nhiều thứ, tức là sẽ mất khối tiền!... Chính mình sẽ đứng ra đốc thúc, trực tiếp theo dõi việc thi công. Không giao cho ai. Khó tìm ra người đáng tin cậy. Phải tránh cho được các hiện tượng bầm dập, cầu vừa khánh thành đã nứt nẻ, đường khai trương mới hai tháng đã xuống cấp!”. “Dạ, chú tính rất hay!”. Tôi khen, nhằm tăng thêm sự phấn khích cho chú, để lấy lòng. Có dịp ta nên ban tặng những lời khen ngợi, chẳng mất gì! Tôi nói: “Sẽ gắn tấm bảng đồng trước cổng, ghi tên người tài trợ, ngày xây”. “Đương nhiên phải vậy… Điều cốt lõi là, ngoài việc tiện nghi, đẹp, nó phải có tuổi thọ cao. Nếu làm chụp giựt, chỉ ít năm gió bão hất đổ sụp thì công cốc!”.

 

Chú Năm cười lớn, ban phát cho tôi thêm mớ lời khen: “Mày tốt, sáng dạ lắm!”. Tôi vui, nhưng sốt ruột. Tôi muốn cầm những tờ giấy bạc, muốn về!. “Ta tính thử xem, sẽ tốn chừng bao nhiêu?”. Không rành chuyện xây cất, tôi vẫn đáp bừa: “Dạ, nhiều tiền đấy, chắc cỡ bảy tám trăm triệu”. Chú Năm ngồi lặng giây lát, có lẽ chú đang làm các con tính trong đầu. “Hơi nặng, nhưng biết làm sao bây giờ… Nếu sợ mất tiền thì đừng ôm đĩ, phải không?”. “Dạ, chí phải!”.

 

Chú Năm lấy tiền đưa cho tôi, và chú nói ra điều tôi muốn biết: “Ý tưởng cần làm một cái gì để lưu lại tiếng thơm là của thằng Sơn. Nói thực, chú chưa nghĩ ra chuyện đó… Sơn nói, lâu nay ta tặng người này người nọ vài trăm ngàn vài triệu, nhẹ quá, xoàng, dễ bị quên, chẳng ai phục. Nay phải làm khác, chơi sang, vung mạnh tay, để có tiếng vang. Đây là đợt mở đầu, mày được bảy trăm đô. Bác Ba, cô Tư cũng bảy trăm, bác Hai tám trăm. Tháng sau tới lượt những vị khác. Ai cũng có phần, cứ thế, mỗi năm một lần! Cùng lúc, “ta sẽ tặng làng cái gì đó, ngon lành, đồ sộ, để mọi người đều sướng… ba nghĩ xem, nên tặng gì?”.

 

Tôi đứng lên, đội mũ, chào chú Năm. Chú Năm không gật đầu, không nhìn tôi, nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi vui mừng. Đã lâu, cả chục năm qua, tôi mới gặp chuyện vui thế này. Không làm đổ mồ hôi mà có tiền. Sơn sẽ tiếp tục tặng nữa, đều đặn, để mua danh! Đẹp như mơ!... Làm ruộng thu nhập thấp, bòn mót từng đồng, muốn có chục triệu phải đổ bao nhiêu công sức, và còn phải trông chờ may mắn… Ra đường, tôi quên ngay chuyên xây chợ. Tôi nhớ lại ý cũ: chú Năm muốn người ta nhớ mình vài chục năm, trăm năm, rồi sau đó thì sao? Và nhớ câu nhận xét của ông Cảnh, người không thích chú Năm: “Thằng Sơn làm trò gì mà giàu thế, đúng là dốt nát làm nên lịch sử!”. Dốt, bởi học lực Sơn chỉ là lớp 4! Rồi nghĩ, lát nữa đây ta sẽ báo tin vui cho mụ “hiền thê” cọc cạch như thế nào. Nên khéo léo, kín đáo, nếu nói to người ta cười cho. Có lẽ nên giấu chi tiết mỗi năm Sơn cho tiền một lần. Còn sớm, lỡ nó không giữ lời thì sao? Thêm nữa, vui quá, mụ ta có thể bay bổng lên mây, khó tìm ./.

 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 2289
Ngày đăng: 15.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngục Trung Ký Sự - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Kể Bên Ly Rượu - Phan Xuân Sinh
Mùi Lạ - Võ Xuân Phương
Theo đóm ăn tàn - Huỳnh Văn Úc
Luật Và Trái Cây - Cao Thu Cúc
Những ông Huyền Đức! - Nguyễn An Cư
Nếu Được... - Nguyễn Hữu Duyên
Rạng Đài Mây - Hòa Văn
Giọt Biên - Ngô Thị Ý Nhi
Lời Trăn Trối - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)