Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.100
123.230.094
 
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 5
Đỗ Tư Nghĩa

PHẦN IV:  HỌC TẬP

 

26. MỤC ĐÍCH CỦA HỌC TẬP.

 

Học tập chăm chỉ tại trường có ý nghĩa và mục đích gì? Khi ta còn trẻ, thì có gì sai trái nếu ta có một thời gian vui thú ?

 

Những câu hỏi đó gợi tôi nhớ đến một câu chuyện hài hước. Một doanh nhân Nhật Bản đi tới một hòn đảo tại Nam Thái Bình Dương, ở đó ông ta thấy những đứa trẻ đang thư giãn trên bờ biển. Ông nói với chúng: “ Đừng lãng phí thời gian nữa. Các cháu hãy đến trường ngay và khởi sự học tập!”

 

Chúng đáp lại, “ Tại sao chúng cháu nên đến trường?”

“Nếu các cháu đến trường và học chăm,” người đàn ông nói, “các cháu có thể được những con điểm tốt.”

“Tại sao chúng cháu cần những con điểm tốt?” Lũ trẻ hỏi.

“À, nếu các cháu đạt điểm tốt, các cháu có thể vào một trường đại học tốt.”

“Và cái gì sẽ xảy ra, nếu chúng cháu vào một trường đại học tốt?”

“Nếu các cháu tốt nghiệp từ một trường đại học có uy tín, các cháu có thể làm việc cho một công ty lớn hay phục vụ trong một công sở danh tiếng. Các cháu có thể kiếm lương cao và có thể bước vào một cuộc hôn nhân tốt.”

“Rồi, sao nữa?”

“Các cháu có thể sống trong một ngôi nhà đẹp và tận hưởng cuộc đời.”

“Rồi sao nữa?”

“Các cháu có thể làm việc rất chăm chỉ, cho con cái theo học một trường tốt và rồi về hưu.”

“Và sao nữa?” Lũ trẻ chất vấn.

“Rồi các cháu có thể đến một nơi ấm áp dễ chịu và thư giãn vào mọi buổi chiều.”

“Nếu đó là mục tiêu,” lũ trẻ đáp, “ thì chúng cháu không cần phải đợi. Chúng cháu đã đạt được nó rồi!”

 

Bởi vậy, tại sao chúng ta phải tiêu tốn quá nhiều thời gian và năng lượng cho việc học tập? Chúng ta sống đời mình với mục đích gì? Tiền bạc để làm gì?

 

Nếu lý do duy nhất để sống là có được tiện nghi dễ dãi, thì có thể không cần phải làm những nỗ lực căng thẳng như thế để vào một trường tốt hay tìm một chỗ làm tốt. Những trường tốt và chỗ làm tốt không tự động ban cho bạn hạnh phúc và sự thảnh thơi. Cho dẫu bạn chạy đuổi theo chúng, không có gì bảo đảm là bạn sẽ hạnh phúc nếu bạn đạt được nó.

 

Chỉ bằng cách đối đầu với những thử thách của đời, bạn mới có thể hiện thực hóa cái tiềm năng của mình và hưởng hạnh phúc. Mục đích của đời ta là chu toàn một sứ mệnh – một sứ mệnh của ta và chỉ của riêng mình ta, và cố hết sức để giúp những ai đang khổ đau. Để làm như thế, bạn sẽ cần sức mạnh và tính cách. Đó là lý do tại sao tôi thường trực nhấn mạnh điều này: bằng cách làm việc chăm chỉ và tự thử thách mình bây giờ, bạn sẽ có một vụ mùa bội thu trong tương lai.

 

Khi tôi còn là một thanh niên, tôi có một người bạn, anh ta dễ dàng xuất sắc trong mọi thứ và được mọi người rất thán phục. Do vậy, bạn có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của tôi, khi, 25 năm sau, tôi nhận một lá thư từ một người bạn khác bảo tôi rằng, người này rốt cuộc đã sống “một cuộc đời buồn thảm mà chỉ có thể mô tả như là địa ngục, đầy rẫy những thất bại về tài chính và những vấn đề gia đình.”

 

Bạn có thể hỏi, làm thế nào biết được tương lai của minh? Tôi tin rằng, bởi vì đã được cưng chiều và tán tụng quá sớm, bạn tôi đã không bao giờ học biết thế nào là lao động chăm chỉ, hay thế nào là phấn đấu để thành tựu một cái gì. Anh ta không bao giờ học biết thế nào là một cuộc đời có chiều sâu đích thực và thực chất. Vì nghĩ rằng, mọi sự mà anh ham muốn chỉ đơn giản rơi vào tay mình, anh ta không bao giờ tự thử thách mình, thậm chí còn cố sức để tránh phải nỗ lực căng thẳng nữa.

 

 

27. THIẾU THỜI GIAN.

 

Với việc đến trường, bài làm về nhà, những công việc lặt vặt và những yêu cầu khác, tôi không có thời giờ rảnh. Tình hình này đang làm cho tôi cảm thấy bị hạn chế.

 

Mặc dù không phủ nhận áp lực của thời gian biểu, một đôi khi, tôi tin rằng nếu bạn xem những điều mà bạn đề cập chỉ như là những yêu cầu khó chịu, làm mất thời gian của bạn,  thì đó là một cái nhìn không đúng. Nếu bạn nghĩ như thế, là bởi vì bạn thích được tự do nhiều hơn.

 

Bạn có một cơ hội đến trường và học tập. Bạn xem việc đến trường như là một quyền lợi, hay là một cái gì đó mà bạn bị cưỡng bách phải làm? Như là một hoạt động có tính giải phóng, hay một cái gì đó bóp nghẹt bạn,  không cho bạn làm cái mà bạn muốn? Tất cả tùy thuộc vào triết lý cá nhân của bạn, tùy thuộc vào sự khôn ngoan của bạn. Nếu bạn thụ động, bạn sẽ cảm thấy bị đánh bẫy và không vui, thậm chí trong những môi trường tự do nhất. Nhưng nếu bạn có một cách tiếp cận chủ động, và thử thách những hoàn cảnh của bạn, thì bạn sẽ tự do, cho dù tình huống của bạn có thực sự bó buộc đến mấy đi chăng nữa.

 

Bạn càng mạnh mẽ, bạn càng tự do. Một người không có nhiều sức chịu đựng, sẽ có những khó khăn lớn khi leo thậm chí một ngọn đồi nhỏ. Một bệnh nhân, có thể không xoay xở được việc ấy. Nhưng một người mạnh khoẻ, có sức lực, có thể leo lên một ngọn núi một cách dễ dàng, với niềm say mê. Để leo lên những ngọn núi – những mục đích của đời bạn – điều hệ trọng là phải phát triển sức mạnh của bạn. Hãy xây dựng một bản ngã đủ mạnh, để mà bạn có thể chủ động tại trường và trong những sinh hoạt ngoài học đường. Nếu bạn có sức mạnh và năng lực, bạn sẽ có tự do.

 

Điều tương tự cũng đúng với thể thao hay âm nhạc. Để chơi môn thể thao hay nhạc cụ [đã chọn] một cách thuần thục, bạn phải đạt được một mức năng lực thích đáng, bạn phải được chuẩn bị để làm vài hy sinh, để có thể  luyện tập tới mức độ cần thiết.

 

Những đứa trẻ mắc những bệnh nghiêm trọng, hay sống trong những đất nước bị chiến tranh tàn phá, thường không thể đến trường, cho dù chúng muốn. Nhiều đứa trẻ trong những hoàn cảnh may mắn hơn, chúng thực sự có cơ hội đến trường, lại không bao giờ nhận biết một cách đầy đủ, là chúng thực sự tự do như thế nào. Có cơ hội đến trường – khi bạn có thể rèn luyện đời bạn cho rất nhiều cái mà bạn có thể muốn làm trong tương lai – là một dấu hiệu của sự tự do lớn nhất. Và không nhận thức được điều đó là một sai lầm.

 

Tôi nhớ đến một câu chuyện mà tôi mới nghe gần đây, về một chàng trai trẻ đã bị ung thư xương; anh rất đau đớn và mất khả năng hoạt động.  Trong hai năm cuối cùng của đời mình, với toàn bộ thân thể bị đặt vào trong một cái khuôn bởi vì nhiều cái xương bị gãy,  anh ta thăm viếng những trường trung học địa phương trong cái xe lăn, để nói chuyện về những tác hại khủng khiếp của việc sử dụng ma túy. Anh ta thường nói với những học sinh: “ Bạn muốn hủy hoại cơ thể bạn với nicotine, rượu hay heroine? Bạn muốn làm tan nát nó trong một cuộc đụng xe? Bạn bị trầm cảm và muốn nhảy từ trên cầu xuống? Vậy, hãy trao cơ thể bạn cho tôi! Hãy để cho tôi có nó! Tôi muốn nó! Tôi muốn nó! Tôi sẽ lấy nó! Tôi muốn sống!”.

 

Trong suốt cuộc chiến tranh tại Yugoslavia cũ, theo một bản tường thuật, những đứa trẻ nói về những ước mơ của chúng. Một đứa nói, “Em đã có nhiều ước mơ, nhưng chiến tranh đã cướp đi của em tất cả chúng.” Và một đứa khác nói, “ Ước mơ của chúng em là sống một cuộc sống bình thường với bạn bè của chúng em, có thể đến trường.”

 

Trong những năm gần đây, dân tộc Rwanda của châu Phi đã trải qua một cuộc nội chiến ác liệt và tàn bạo. Trong một gia đình, những đứa trẻ mất cả cha lẫn mẹ; chỉ có chúng và Bà của chúng còn sống sót. Một trong những cậu trai lớn hơn đã bỏ học để săn sóc những đứa khác. Cậu quá buồn vì đã không còn được đến trường, đến nỗi cậu thường hay khóc suốt đêm. Những đứa em khác của cậu, những đứa vẫn còn được đi học, thường chia sẻ những bài học của chúng với cậu khi cậu từ nơi làm việc trở về nhà.

 

Nhưng nếu đó là toàn bộ câu chuyện, thì chúng ta sẽ phải kết luận rằng, mọi sự tùy thuộc hoàn toàn vào môi trường của ta. Nhưng mà không phải vậy. Cuộc đời và thân phận con người không quá đơn giản như vậy. Tự do thực thụ thì có quan hệ với nội tâm của mỗi người. Một người có một đời sống nội tâm rộng lớn, thì họ rất tự do, cho dẫu bị giam nhốt trong một nhà tù chật hẹp, tù túng nhất trên thế gian.

 

Natalia Sats, cựu Chủ Tịch Nhà Hát Âm Nhạc Quốc gia Maxcơva dành cho Thiếu Nhi, người đã chiến đấu chống lại sự áp bức và đã bị tù, cũng đã biến xà lim thành một nơi học tập. Bà động viên những bạn tù chia sẻ kiến thức chuyên môn của họ với nhau. Một người thuyết trình về hóa học; một người khác dạy y học. Bà Sats, bản thân là một ca sĩ và phục vụ các chương trình giải trí, hát những ca khúc và ngâm những bài thơ của Aleksander Pushkin, truyền cho mọi người lòng dũng cảm và niềm hy vọng.

 

Tôi chắc rằng bạn biết câu chuyện của Helen Keller. Lúc 18  tháng tuổi, bà bị mù và điếc. Bệnh điếc cũng khiến cho bà khó nói năng. Nhưng bằng cách làm việc cùng với cô giáo của bà là Anne Sullivan, sau cùng, bà học đọc, viết và nói, và bà tốt nghiệp trường College Radcliffe tại Boston.

 

Chắc chắn không ai bị hạn chế như bà : bà  không thể nói, nghe hay nhìn. Thế giới của bà là một thế giới của bóng tối và im lặng. Nhưng bà xua đuổi bóng tối ra khỏi trái tim bà. Vào năm lên 9, sau cùng Helen nói được câu đầu tiên, “Trời ấm.” Suốt quãng đời còn lại của mình, bà không bao giờ quên sự kinh ngạc và niềm vui mà bà trải nghiệm vào khoảnh khắc đó. Bà đã thành công trong việc bứt ra khỏi cái nhà tù của sự im lặng mà đã giam nhốt bà.

 

Tuy nhiên, là con người, đôi lúc bà cũng cảm thấy cô đơn và nản lòng bởi những giờ đằng đẵng mà bà phải trải qua trong việc học;  bởi vì, bà phải học bằng tay [1] một cách vất vả, trong khi những học sinh khác đang hát, nhảy múa và vui chơi. Trong Chuyện Đời Tôi, bà viết:

 

“Tôi trượt nhiều lần, tôi té ngã, tôi đứng im, tôi chạy đụng vào cái mép của những vật cản nằm ẩn giấu, tôi mất bình tĩnh, rồi tìm lại được, và bình tĩnh hơn. Tôi tiếp tục lê bước, tôi tiến lên một chút, tôi cảm thấy phấn khởi, tôi trở nên hăm hở hơn, leo cao hơn, và bắt đầu thấy chân trời đang mở rộng. Mọi chiến đấu là một chiến thắng.”

 

 

38. BỎ HỌC.

 

 

Tôi biết một bạn nào đó đã bỏ học, và tôi quan ngại về cái sẽ xảy ra cho anh ta.

 

Quan tâm về sự an vui của người khác là dấu hiệu của một người đã tiến hóa. Có nhiều cách để biểu đạt mối quan tâm của bạn. Bạn có thể, tùy thuộc vào tình huống, cho bạn ấy biết rằng bạn đang lo lắng về bạn ấy, hoặc, rằng bạn đang mong gặp lại bạn ấy tại trường. Bạn có thể viết thư cho bạn ấy hay gọi điện. Tình huống chắc hẳn sẽ không thay đổi ngay lập tức. Song những lời đơn giản như, “Mình đang mong gặp lại bạn ở trường; thiếu bạn, mọi sự sẽ không còn như cũ” có thể làm cho bạn ấy dễ dàng trở lại khi bạn ấy sẵn sàng. Nói khác đi, hãy làm phẳng phiu lối đi cho bạn ấy và khiến cho bạn ấy cảm thấy được chào đón.

 

Một phụ nữ trẻ bảo tôi rằng, cô ghét năm đầu tiên tại trung học, bởi vì cô không thể nào kết bạn được. Cô quyết định bỏ học vào đầu học kỳ hai, nhưng rồi một bạn cùng lớp gọi điện động viên cô và mời cô dùng bữa trưa tại trường. Cảm động và được khích lệ bởi lòng tốt của người bạn cùng lớp – và không muốn làm buồn lòng bạn ấy – từ đó ngày nào cô cũng đến trường. Cô nói, bây giờ họ là bạn thân nhất của nhau, nói chuyện với nhau về mọi thứ.

 

Có nhiều lý do, bao gồm cả bệnh tật, tại sao người ta có thể không đi học. Một số người có thể không mong muốn theo đuổi lối đi của nền giáo dục truyền thống, hay hoàn cảnh của họ có thể ngăn cản, không cho họ làm thế. Một học sinh, mà tôi quen, đâm ra chán trường trung học và tìm thấy một chỗ làm mà cậu ta thích. Cậu là một công nhân xuất sắc, khiến cho những ông sếp phải quý trọng.

 

Giống như cậu, nhiều người sống rất thoả mãn với những lựa chọn mà họ đã làm. Và cái đó là tốt. Tuy nhiên, riêng tôi, tôi hy vọng rằng bạn sẽ hoàn tất trung học và, nếu có thể, đại học. Bạn có thể học hàm thụ, trường chuyên nghiệp, hay thi để lấy bằng tương đương trung học.

 

Nhưng vài người trẻ, vì những lý do khác nhau, bỏ học và tìm kiếm sự thử thách của họ ở nơi nào khác. Điều quan trọng với họ, là tiếp tục tiến về phía trước. Mỗi người trong chúng ta là con người của riêng ta – không ai thay thế được; ta không nên tự so sánh mình với những người khác. Hãy tiếp tục tiến lên, cho dẫu chỉ bằng một hay hai bước, trong một thể cách trung thực với chính mình. Những ai sống đời họ trọn vẹn, không bị dao động bởi dư luận ồn ào xung quanh họ, là những kẻ chiến thắng trong đời. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Đừng bao giờ mất hy vọng.

 

 

29. TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐIỂM SỐ.

 

Cho dù tôi đã gắng sức, tôi có nhiều điểm kém và điểm trung bình. Phải chăng điều này có nghĩa rằng tôi là một kẻ thất bại?

 

Dĩ nhiên, có được một nền giáo dục chính quy là quan trọng, song tiềm năng con người thì không quá bị giới hạn đến nỗi nó có thể được đo lường chỉ bằng một năng khiếu là có trí nhớ tốt. Những điểm số chỉ là một phương tiện  để phát hiện viên ngọc tại trung tâm của đời bạn. Bởi vậy, tôi hy vọng, bạn sẽ không tự đánh giá mình chỉ trên những con điểm hay cái trường mà bạn theo học.

 

Gần đây, người ta nói rằng EQ [chỉ số cảm xúc] thì quan trọng hơn là IQ [chỉ số thông minh]. Điều này chứng thực cho tầm quan trọng của những phẩm chất con người có phạm vi rộng lớn như lòng từ ái, hay tinh thần chiến đấu ngoan cường, mà không có chỉ số IQ nào có thể đo lường được. Vì lý do này, thật là dại dột khi nghĩ rằng, những con điểm của bạn vào tuổi 16 hay 18 hay bất cứ cái gì, sẽ quy định phần còn lại của đời bạn. Thật ra, tiềm năng con người thì phong phú hơn thế rất nhiều. [2]

 

Cố nhiên, việc học tập của bạn là quan trọng. Song những điểm kém hiện tại của bạn không kết án bạn phải chịu một tương lai mờ mịt.  Nếu bạn nghĩ theo cách này, bạn sẽ ngăn cản chính mình trong việc nuôi dưỡng những năng lực của bạn. Nếu bạn từ bỏ việc cố gắng khai quật viên ngọc trong đời bạn, thì sự phát triển cá nhân của bạn sẽ ngừng lại. Đây là một điều cần phải tránh bằng mọi giá.

Một số học sinh được nhận vào những trường đại học, nhưng lại không học hành chăm chỉ tại đó. Có một số bạn trẻ trở nên hợm hĩnh và kiêu ngạo. Thế giới cần những lãnh tụ – chứ không phải là những elitist [3] Những bạn khác ngừng phấn đấu cho sự phát triển cá nhân sau khi bước vào một công ty lớn hay trở thành kẻ thư lại, bác sĩ, hay luật sư. Một vài người tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu,  thậm chí còn làm ăn phi pháp. Nhiều người, khi đã đạt được những mục đích cá nhân, lại quên làm việc cho những người khác.

 

Thực ra, việc tốt nghiệp và kiếm được một chỗ làm chỉ là sự khởi đầu, không phải là đích đến cuối cùng. Nhưng nhiều người chỉ nghĩ về cái mà họ muốn trở thành, chứ không nghĩ đến cái mà họ có thể đóng góp cho xã hội. Một nhân cách lớn không bị qui định bởi bối cảnh giáo dục hay địa vị xã hội.

 

Tương lai của bạn tùy thuộc vào những nỗ lực mà bạn làm và việc bạn có đi đúng đường hay không. Điều quan trọng không phải là việc bạn ra sao khi so với người khác, mà là việc bạn thế nào so với con người của bạn ngày hôm qua.

 

Câu hỏi là, làm thế nào ta có thể sống hạnh phúc, trong một thể cách phù hợp với bản chất thực của mình, luôn hướng về phía trước và tiến lên. Giả sử rằng bạn bị lạc trong rừng. Bạn muốn tìm đường ra và tới một đại dương, nhưng không biết phải đi đường nào.Bạn phải làm gì? Câu trả lời là, tiếp tục di chuyển về phía trước. Sau cùng, bạn sẽ tới một con sông, và khi bạn đi theo con sông xuống hạ lưu, bạn sẽ tới đại dương.

 

Còn trẻ có nghĩa là phải vật lộn với đủ loại vấn đề. Nó có nghĩa là giải quyết chúng, mặc dù mọi

khó khăn, đẩy sang một bên những đám mây đen của tuyệt vọng và tiến về phía mặt trời, về phía hy vọng. Sức mạnh và sức bật như thế, là những con dấu chứng thực cho tuổi trẻ.

 

Điều quan trọng là tiếp tục di chuyển về phía trước. Trong khi phấn đấu với những vấn đề khác nhau, điều hệ trọng là bạn tiến lên – cho dù chỉ là một hay hai bước. Nếu bạn làm như vậy, về sau, khi nhìn lui, bạn sẽ thấy rằng bạn đã thực sự băng qua khu rừng trong một thời gian rất ngắn.

 

 

30. VÀO MỘT ĐẠi HỌC TỐT.

 

Cho dù ta thực sự học chăm chỉ, cũng khó mà vào một đại học tốt.

 

Không được học ở đại học mà bạn chọn lựa, chắc chắn là một điều thất vọng. Nhưng, về lâu về dài, thì việc tốt nghiệp từ một trường đặc thù nào đó, cũng không quan trọng mấy. Bối cảnh học thuật không phải là tất cả; những ai khởi hành dưới những hoàn cảnh khó khăn và tiếp tục bước đi để trở thành những người có tính cách, có thể là những nguồn hy vọng và cảm hứng cho nhiều người. Điều cốt yếu là bạn tiếp tục nghiên cứu và học tập.

 

Một khi bạn đã được nhận bởi một trường – cho dù nó không phải là lựa chọn đầu tiên của bạn và bất luận là xã hội xét đoán nó ra sao – điều quan trọng là bạn quyết định rằng cái trường mà bạn theo học là nơi lý tưởng để bạn học tất cả những gì mà bạn muốn học. Về lâu về dài, thì thái độ này hữu ích hơn nhiều. Và đừng để cho lòng tự tin của bạn bị xói mòn bởi những dư luận của người khác.

 

Vâng, nếu có một trường đại học mà bạn muốn vào, thì hãy tiếp tục học chăm chỉ, chăm chỉ hơn những người khác gấp nhiều lần. Vui chơi và mơ mộng sẽ không đưa bạn tới đâu cả. Những suy nghĩ như : “ La cà với bạn bè tôi thì quan trọng hơn”, hoặc, “ Tôi sẽ không nhọc sức với công việc ngoài chương trình,” – sẽ không đưa bạn tới đâu cả. Không có cái gì vĩ đại được thành tựu, mà lại không có nỗ lực nghiêm túc. Trong việc học tập, không có con đường nào dễ dàng cả. Hãy học thật chăm đến mức làm ngạc nhiên mọi người. Nỗ lực to lớn đó sẽ trở thành một kỷ niệm tuyệt vời, cao cả, và viên mãn của tuổi trẻ bạn. Nó sẽ là một huy chương danh dự đáng tự hào.

 

Nâng niu một ước mơ về cái mà bạn muốn làm – một cái gì đó thích hợp với bạn – đó là quyền của bạn với tư cách là một con người, và tiếp tục tự thử thách mình để đạt tới, đó là bổn phận của bạn.

 

Mục đích của việc học không phải là việc bạn theo học đại học nào, mà là tinh thông một lãnh vực nào đó có thể đóng góp vào việc tự làm phong phú chính mình. Có một châm ngôn, “Không học tức là tự hạ thấp chính mình.” Cái làm cho ta thành con người, đó là khả năng học tập.

 

Hiện nay chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin. Nếu bạn không tiếp tục học suốt đời, bạn sẽ bị tụt hậu. Phát triển một đức lý suốt đời về học tập là một điều kiện bắt buộc của những nhà lãnh đạo tương lai. Những bế tắc mà xã hội đối mặt hôm nay, thực ra, là những bế tắc của những nhà lãnh đạo của nó. Và thường khi, lý do giải thích cho điều này, là họ đã ngừng học tập. Họ thiếu tinh thần và tâm trí rộng mở để lắng nghe những ý kiến của thế hệ trẻ,  để dung nạp và thực thi những điều  có giá trị.

 

Giáo dục là một nỗ lực suốt đời; do vậy, tốt nghiệp từ một trường đại học thì không đủ. Một ai đó có lần đã nói rằng, chúng ta học từ đại học chỉ vào khoảng 1/10 trong số những cái mà ta cần trong đời, bất luận là trường học đó có uy tín ra sao. Tất cả các bạn đều đối mặt với cái thách thức này: làm sao để chiến thắng trong một xã hội chú trọng đến khả năng thực thụ hơn bao giờ cả. [4]

 

Đôi khi nó đơn giản như câu chuyện về con thỏ và con rùa. Một số người là thỏ, và những người khác, là rùa. Những người mà cuối cùng chiến thắng một cách vững chắc và liên tục, là những người tiến bước về phía trước cho đến khi họ đến đích. Hoàn tất cuộc đua, tự nó đã là một chiến thắng.

 

 

31. SỢ THẤT BẠI.

 

Tôi sợ những gì người khác nghĩ về việc học hành của tôi tại trường.

 

Kẻ thù lớn nhất của việc học tập – bất luận ta đang học khoa học, toán, nghệ thuật, ngoại ngữ hay bất cứ môn học nào khác – là sự sợ hãi. Khi ta sợ bị chế giễu, bị coi thường bởi những người khác về những hạn chế của ta, thì sự tiến bộ trở nên rất khó khăn. Chúng ta phải dũng cảm. Bởi vậy, nếu ta bị người khác cười nhạo thì sao? Bất cứ ai chế giễu những người đang cố gắng hết sức mình, chính người đó nên xấu hổ.

 

Không cần phải tự so sánh mình với những người khác. Điều quan trọng là sự phát triển của riêng ta, cho dù chỉ nhích lên mỗi lúc một chút. Ta nên phấn đấu thường trực để khai quật và mài giũa viên ngọc bên trong mình. Có vô số thí dụ về những người không xuất sắc tại trung học, nhưng khi bước vào xã hội và thu được kinh nghiệm sống, họ đã khai quật được một quặng mỏ phong phú của tiềm năng vốn bị giấu kín.

 

 

32. ĐI LÀM  HAY VÀO ĐẠI HỌC ?

 

Tôi nghĩ rằng, tôi thích làm việc và kiếm tiền sau khi tốt nghiệp trung học hơn là vào đại học.

 

Đi làm việc hay không, sau khi tốt nghiệp trung học, đó là một quyết định mà bạn phải làm sau khi thảo luận kỹ với gia đình bạn. Tôi biết nhiều người chỉ có trình độ văn hóa phổ thông trung học, nhưng họ đang có những đóng góp tuyệt vời cho xã hội.

 

Tuy nhiên, đối với những học sinh trung học hiện nay, tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục việc học của họ. Tôi mạnh mẽ động viên bạn có được một nền giáo dục đại học. Tuổi trẻ là thời gian lý tưởng cho việc học tập. Không nghi ngờ gì nữa, việc học tập bây giờ sẽ chứng tỏ là một tài sản vô giá trong đời.

 

Khi tôi còn là một học sinh, nước Nhật đang ở trong chiến tranh. Cho dù tôi muốn học, cũng thật hết sức khó khăn. Trong chiến tranh, việc học tiếng Anh bị cấm bởi vì nó được xem như là một “ngôn ngữ của kẻ thù.” Sau chiến tranh, thật cũng khó mà học, bởi vì hầu hết thời gian của chúng tôi được dùng vào việc kiếm sống. Tuy nhiên, tôi muốn học; do vậy, tôi theo học một trường ban đêm. Tôi ngấu nghiến bất cứ cuốn sách nào mà tôi đặt tay lên. Cái mà tôi học lúc bấy giờ đã khắc ghi trong tôi, và tôi dùng nó trong mọi lúc.

 

 

33. KHÔNG CÓ TIỀN VÀO ĐẠI HỌC.

 

Gia đình tôi quá nghèo để cho tôi vào đại học.

 

Nếu những học sinh thuộc những gia đình túng bấn về tài chánh, mà vẫn muốn vào đại học, thì họ có thể theo học chương trình 2 năm tại trường cọng đồng địa phương [5] để khởi đầu tiến trình học tập – hay họ có thể vừa học vừa làm để hoàn tất phổ thông, bằng cách làm những công việc bán thời gian. Cũng có những học bổng, hay những chương trình cho học sinh vay. Sau cùng, tùy thuộc vào nỗ lực cá nhân của họ.

 

Thật là một thử thách khi phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực từng ngày. Thử thách càng lớn, thì sự phấn khởi và cảm nhận về sự thành tựu của ta càng lớn khi ta thành công. Bằng cách làm việc hết sức, ta có thể trở thành kẻ thắng cuộc; ta có thể trở thành một người có nhân cách lớn. Một cái cây, khi bị phô ra trước những cơn gió mạnh, thì rễ của nó cắm sâu hơn. Mọi sự đều vận hành theo cách này. Nếu không có những thử thách, ta trở nên lười biếng và hư hỏng; đời ta trở nên trống rỗng và khô cằn. Và sự trống rỗng có nghĩa là không hạnh phúc.

 

Tôi hy vọng bạn sẽ không quá bối rối đến mức không dám nhận một món tiền cho vay, hay sợ cái công việc cần phải làm để hoàn trả nó. Chính những người không có ham muốn học tập là những người nghèo. Những người ham học mới là người giàu có. [6]

 



[1] Bà phải đọc bằng chữ Braille, một hệ thống chữ nổi dành cho người mù: Trong khi người sáng mắt đọc bằng mắt, thì người mù phải dùng tay sờ vào các chữ nổi để đọc.

[2] Các bạn nào bị xem là “ học kém” tại trường, cũng đừng nên bi quan. Có thể, bạn có những tài năng khác mà bạn chưa khám phá ra.

[3] Elitist: Người ưu tú. Có lẽ, ở đây, tác giả muốn phân biệt người có “ khả năng thực thụ” với người chỉ có “ kiến thức hàn lâm”, có nhiều kiến thức, nhưng không biết áp dụng nó vào cuộc sống.

[4] Tôi biết có nhiều người đậu bằng C môn tiếng Anh, nhưng rồi, quên đi gần hết mọi cái đã học! Chưa kể, có rất nhiều tấm bằng đã được… mua với một số tiền nào đó ! Do vậy, trong việc tuyển dụng nhân viên, người ta chú trọng vào thực học, khả năng thực thụ, còn bằng cấp, họ chỉ… “ tham khảo” thêm mà thôi! Cho nên, nếu bạn có nhiều bằng cấp, nhưng bạn không thực sự có năng lực, thì chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ… thất nghiệp!

[5] Tác giả đang nói với học sinh tại Mỹ (hoặc Nhật).

[6]  Ở đây tác giả muốn nói đến sự “giàu, nghèo” về mặt tinh thần.

 

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 2102
Ngày đăng: 19.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 4 - Đỗ Tư Nghĩa
“Nhà thơ Xuân Ly Băng – Cuộc đời và Tác phẩm” - Nguyễn Văn Hoà
Thể Loại Và Cấu Trúc - Mai Bá Ấn
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 3 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 2 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Thanh Thảo - Ông Hoàng Của Trường Ca - Mai Bá Ấn
Chợ Tết Trong Tâm Thức Vũ Bằng Qua Thương Nhớ Mười Hai - Trần Hoài Anh
ROBERT FROST: Dừng Chân Tuyết Xuống Rừng Chiều - Nguyễn Đức Tùng
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 6 - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)