11.
Văn Hóa Việt Nam
THỜI TỰ CHỦ
“Quan san hiểm yếu minh kinh hoạch
Khê giản phiên bình quảng phủ tồn
Bạch thủ Lạng châu nguy chế trị,
Nhất khâm trung xích tắc càn khôn.”
(“Thượng Ngao” – Phạm Sư Mạnh)
Núi non hiểm trở, kế hoạch phải rõ ràng
Bản mường ở nơi khe suối phải được quan tâm vỗ về,
Bạc đầu vì lo việc bố phòng ở châu Lạng
Một tấm lòng trung đỏ thắm cả trời đất. [1]
[ 36 ] Tự chủ, một điều kiện tốt cho văn hóa bản địa
Nhìn vào những phần đất mà các dân tộc thuộc chủng Cổ Mã-Lai sinh trưởng, người ta thấy ngay vị trí Việt Nam dễ để dân tộc Lạc Việt này tự chủ: Chúng ta ở giữa các dân tộc thuộc Bách Việt. Các dân tộc phía Bắc chúng ta tiếp cận những dân du mục Hán Mông. Các dân tộc phía Tây và Nam chúng ta tiếp cận các dân tộc Ấn Độ, hoặc sống trên trăm ngàn hòn đảo giữa đại dương. Thực tế, chúng ta cũng đã hàng nghìn năm giữ được quyền tự chủ: 938-1958.
Tự chủ lại là điều kiện tốt để bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Những triều đại cai trị dân tộc trong thời đại ngàn năm tự chủ này đã thành công và thất bại thế nào trong lãnh vực văn hóa bản địa? Trước hết, chúng ta xét qua những thành công, tức là những khai triển đúng nhờ tình trạng tự chủ của dân tộc:
1.Một ý thức tập thể mạnh: Tổ Quốc và Đồng bào.
Mỗi lần đánh đuổi được Bắc quân xâm lăng, chính quyền chiến thắng biểu lộ gần gụi dân hơn, thân thương hơn. Công việc làm ăn ổn định hơn, cảm nghiệm hạnh phúc gia đình và hòa khí xóm làng hơn… người dân có ý thức hơn về tình nghĩa dân tộc và trật tự xã hội tự chủ, nên sức mạnh dân tộc càng ngày càng tăng. Lòng yêu nước ngày càng nồng ấm. Hơn thế, người dân Việt Nam còn tin tưởng như kiện tướng Lý Thường Kiệt rằng đây chính là phần Giang Sơn mà Trời dành cho dân tộc mình:
Nam quốc Sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Do đó, họ an tâm và quyết chí bảo vệ và phát triển.
2. Chính trị quân chủ từ từ thống nhất hơn và guồng máy chính quyền được kiện toàn hơn.
Từ chế độ quận huyện rời rạc, đồng bào chỉ thống nhất trong tay triều đình phương Bắc, Ngô Quyền xưng vương, sau trận Bạch Đằng đuổi quân Nam Hán, năm 939, ông mở một tổ quốc vững bền với kinh đô Cổ Loa.
Người anh hùng quá cố, chứng cũ lại tái diễn, chúng ta bị loạn Thập Nhị Sứ Quân; may mà Đinh Bộ Lĩnh qui tụ được mười hai sứ quân đó, thành một nước mang theo lý tưởng lớn lao “Đại Cồ Việt”. Lần đầu tiên trong lịch sử, năm 968, một người Việt Nam tự xưng Hoàng Đế: Đinh Tiên Hoàng với thủ đô Hoa Lư…
Từ nay, Triều đại có thể thay thế, nhà vua có thể lật đổ, nhưng quan niệm về Tổ quốc và Chủ quyền dân tộc sẽ muôn đời tồn tại. Quân xâm lược có thể tới, gian khổ có thể chồng chất… những người Việt Nam sẽ muôn đời là chủ đất Việt Nam. Lịch sử bắt đầu thành món ăn bổ dưỡng cho những thế hệ cháu con. Cũng từ đây, niềm tự hào dân tộc phát sinh làm nên một trong những dòng sông phúc lợi:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều,
Bát ngát sông kinh muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một mầu,
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu…
Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng [2] Nhị-thánh [3] bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.
Khi ấy:
Thuyền tầu muôn đội, tinh kỳ phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói…
Khác nào khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì [4] giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi
Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa nổi.” [5]
3. Người Việt Nam chứng tỏ kiên cường, bất khuất
Gần như không có kẻ thù nào sát nách, con dân Trung quốc phát triển mạnh trong hai lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử. Những bộ tộc của Hoàng Hà hiếu chiến đã thống nhất Trung Hoa và từng ngàn năm đô hộ Việt Nam, nên vẫn chưa dễ từ bỏ mộng xâm lăng. Vì thế, trong thời gian thống nhất tự chủ, các triều Ngô, Lê, Lý, Trần vẫn phải tập họp nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Bắc phương. Tuy thế, vì lòng yêu nước sống động hơn, nên những cuộc chiến tàn khốc hơn càng ghi đậm đà chiến thắng cho Việt Nam và đau đớn ê chề cho Trung Quốc.
4. Trong chiến tranh, quân dân Việt Nam vẫn biểu lộ tinh thần Nhân đạo và Cao thượng.
Trong Bình Ngô Đại Cáo, Ức Trai đã thay dân Việt Nam cho biết: Mình chỉ tự vệ, không muốn sát hại, dù là kẻ thù xâm lược. Thắng, mình tha bổng Thần-vũ chẳng giết làm gì ! Chúng biết kính nể là đủ: Cấp cho năm trăm chiếc thuyền để về, lúc qua sông mà vẫn còn mất vía…
5. Chiến tranh Cạnh sinh hoặc Đấu tranh sinh tồn
Vừa thiện chiến, vừa phong phú và có điều kiện làm ăn phát triển, người nông dân Việt Nam tất nhiên không muốn vượt cao nguyên và rừng núi Bắc phương hoặc phía Tây, cũng không thể tràn xuống biển Đông, Nam tiến là con đường duy nhất.
Sau khi đánh Tống và an bang, Lê Đại Hành chinh phạt Chiêm Thành vì bắt giam sứ giả. Đinh quân phá thủ đô Yudrapura (Trà Kiệu) và bắt Chiêm Thành chịu triều cống, rồi mới rút về; nhưng nông dân không ít ở lại Địa lý châu, mà nay các vùng thuộc Quảng Bình. Bởi kinh đô Chiêm Thành đã phải dời vào Vijaya (Phật Thệ / Bình Định ngày nay). Lý Thái Tôn 1044 sẽ “trị tội” tân đô Vijaya này và bắt 5.000 người Chiêm về khai thác vùng rừng núi Nghệ An. Hơn hai chục năm sau, tức 1069, Lý Thánh Tông dẫn nông dân vào làm ruộng Quảng Trị rồi ! Chế Mân với đường lối cộng sinh dâng hai châu Ô và Ri để cưới công chúa Huyền Trân năm 1306, hoặc trái lại, Chế Bồng Nga hung hăng tấn công đến tận Thăng Long, cũng không đổi được dòng lịch sử. Năm 1402, Hồ Quí Ly đã có thể nhìn nông dân Việt Nam khai thác châu Tư, châu Nghĩa, và Cổ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
6. Phục viên sau chiến tranh, sau phục vụ
Không thiếu những vị tướng tài, những vị mưu sĩ giỏi, xong việc liền vui thú ẩn dật:
Hàn Lâm học sĩ Lý Tử Tấn đến thăm Nguyễn Trãi và ghi:
Lý Tử Tấn đề Ức Trai bích
Tâm kính tương phùng khởi ngẫu nhiên
Biệt khai thành thị nhất lâm tuyền
Ưu du lễ nhượng an nhân trạch
Xuất nhập khiêm cung lạc tính thiên
Lại tán đình tiền duy thảo sắc
Khách lai trúc ngoại hữu trà yên
Công dư thoái thực phần hương tọa
Họa trục trương cầm lạc tuế niên.
(Lòng gương chọn chỗ há tình cờ
Thành thị riêng bày một cảnh thơ
Lễ độ ung dung nhân nghĩa giữ
Kính nhường đi đứng tính tình ưa
Lại về, sân đất trơ màu cỏ
Khách đến, rào tre nổi khói trà
Xong việc đốt hương ngồi lặng lẽ
Phiếm đàn, nét họa tháng ngày qua.)
[Trần Thanh Mai dịch] [6]
7. Tín ngưỡng và tôn giáo phát triển, đồng hành.
Từ khởi thủy, người Lạc Việt chúng ta vẫn sùng kính tổ tiên và giữ “đạo ông bà”, nhưng khi giao lưu văn hóa Việt-Trung, người ta tiếp nhận thêm giáo thuyết, rồi tổ chức tôn giáo Phật, Nho, Lão. Giáo lý và cả những niềm tin bình dân do bốn dòng tín ngưỡng ấy thấm vào và chi phối thật nhiều trong đời sống các tầng lớp nhân dân.
Về tổ chức chính quyền, hiển nhiên không thể theo Lão hay Phật, mà chỉ theo học thuyết Nho giáo: Quân-sư-phụ… nhưng về tôn giáo, có triều đại ủng hộ Nho, có triều đại ủng hộ Phật. Nho giáo không có nhiều thần thánh, nên chỉ Văn Miếu là đủ. Tu Nho cũng chính là tự luyện nên người quân tử Tu tề trị bình, vì thế mỗi làng không cần cơ sở chung nào khác một ngôi đình làng. Trái lại, Phật giáo đại thừa thì có biết bao thần thánh và cần bao nhiêu chùa chiền cho đủ ! Do đó, chúng ta thấy còn thật nhiều ngôi chùa cổ kính trải gió sương thế kỷ, mà thành danh lam thắng cảnh. Thế kỷ XV, Thiên Chúa giáo, hoặc Công giáo, tuy lăng lẽ theo nho sĩ Việt Nam và giáo lý viết bằng hán văn từ Trung Hoa vào Việt Nam, nhưng chỉ ồn ào và bị triều Lê trung hưng ngăn cấm khoảng giữa thế kỷ XVI. Bởi tôn giáo mới này có vẻ khó dung hoà với các tôn giáo trước đây, đặt căn bản trên suy luận nguồn cội và ấp ủ bằng lòng biết ơn. Thêm vào đó, Kitô giáo chỉ dạy con người có một Thiên Chúa là cha, coi mọi người bình đẳng, huynh đệ. Làm sao chấp nhận được trong văn hóa xã hội nho giáo « quân, sư, phụ ». Khi chính quyền Lê trung hưng quyết đấu tranh với nhà Mạc là lúc Lê Huyền Tông (1663-1671) hai lần cấm Đạo Kito
8. Kiến tạo văn hóa vật thể và tinh thần.
Giai đoạn Lý Trần, tức thời tự chủ thống nhất, có nhiều công trình còn di chỉ. Trước hết là Thăng Long, Hoàng thành gồm hai lớp, bảo vệ nhiều cung điện bề thế. Tiếp đến là bao nhiêu chùa chiền, mà ngày nay còn di lại một số báu vật cho ngành du lịch và khảo cổ: chùa Một Cột, chùa Giạm, tháp Báo Thiên, tháp Chương Sơn v.v. Sử gia Lê Văn Hưu ghi một hiện tượng rất lạ thời họ Trần:
“Nhân dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa.”
Cùng với nghề nông phát triển và dân cư sinh hoạt, việc đắp đê được qui hoạch hẳn hoi, thêm chức hà đê sứ. Thiết lập thủ đô Thăng Long 36 phố phường cũng đòi hỏi kỹ thuật đê sông Hồng.
Nhiều nghề khác cũng tiến bộ, như: nghề gốm, nghề sứ, nghề đúc đồng và chạm khắc trở thành tinh vi. Nghề dệt vải và dệt lụa nổi tiếng ở phường Yên Thái. Hàng Đào nghề nhuộm. Thành phẩm của những nghề trên đẩy mạnh việc buôn bán trong và ngoài nước.
Văn hóa tinh thần cũng phát triển trong thời Tự chủ và tự cường.
Đạo Ông Bà thêm những biểu hiện tôn kính anh hùng liệt sĩ. Chính từ thời này, để tương đối với Hoa Nam, người ta “tìm lại” và “viết lại” nguồn gốc dân tộc với Con Rồng cháu tiên. Phổ biến chuyện Một Bọc trăm con, để tạo hiệp nhất các dân tộc. Tuy nhiên, những lỗ hổng còn lớn :Triều đình không chỉ lập phả hệ 18 đời vua Hùng và đề cao Con Rồng Cháu Tiên, mà còn bắt tuyên thệ trước Thần Đồng Cổ (Trống Đồng, tượng trưng thần tổ là Thần Sấm) để quan dân đều trung hiếu.
Đạo Nội với Tứ Bất tử đều nói lên sự phối hợp giữa thần thánh và con người, giữa quí tộc và bình dân…. Vị thần nào cũng lo phúc đức cho đời.
Ngành Văn hóa phụng tự từ đó phát sinh: thi ca, múa hát và cúng tế trong lễ hội, trong hiếu hỉ. Những lễ hội lại gợi hứng cho ca, vè, thi, phú, tuồng chèo và lên đồng, coi bói.
Tuy Tam tứ giáo đồng nguyên và song hành, nhưng nhà Lý chú trọng tới NHO giáo hơn. Triều Lý lập Văn Miếu (1070) thờ Thánh Hiền, lập Quốc Tử Giám (1076) đào tạo nho sĩ quí tộc, mở khoa thi Thái Học sinh để tuyển hiền tài… Hán học trở thành con đường hứa hẹn dẫn tới giàu sang.
Triều đại sau – Nhà Trần – tất nhiên phải làm gì cho khác để thu phục nhân tâm. Thi Thái Học sinh trở thành thi Tiến Sĩ. Tránh Nho sĩ bước đầu gièm pha chuyện thay đổi chủ, Triều Trần ra mặt ủng hộ Phật giáo hơn. Khuynh hướng này không chỉ để lại chùa và tháp, còn để lại nhiều tác phẩm văn học đậm đà hương vị Thiền. Văn chương chữ Hán đời Trần cũng đáng hãnh diện về những tác phẩm hàm ý đề cao Dân Tộc như Đại Việt Sử Ký, Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái…
Chính ngôn ngữ văn học đời Trần cũng thêm một ngành quan trọng: CHỮ NÔM. Nhờ thứ chữ này, mà người bình dân không đọc nổi, chỉ nghe cũng có thể thưởng thức thi văn của thức giả trong dân tộc mình. Tuy còn lệ thuộc Hán văn về tự dạng và luật thơ, những chữ Nôm đã thực sự giúp chúng ta có một nền văn học tự chủ đáng tự hào. Thiên Chúa Giáo là bộ phận sử dụng chữ Nôm nhiều nhất và nhiều thể loại văn nôm, trong khi văn học chừ Nôm của nho gia chỉ là văn vần. Một giáo sĩ Majorica cũng viết tới ba bốn chục tác phẩm !
[ 37 ] Văn hóa Việt Nam thời giành nhau làm chủ
Từ sau nhà Trần tới ngày bị Pháp đô hộ, nhân dân chúng ta không được tròn một thế kỷ thanh bình và thống nhất lãnh đạo. Tình trạng an-ninh chính trị thiếu, sẽ suy giảm kinh tế, xã hội; nhưng văn học nói riêng và văn hóa nói chung không hẳn xuống theo.
1. Bối cảnh lịch sử và văn hóa Hồ - Hậu Trần
Để giảm áp lực trong nước do những thần dân trung thành với Trần triều và để làm nhẹ ảnh hưởng Trung Quốc, nhà Hồ dời đô về Thanh Hóa và gọi là Tây Đô [7], với quốc hiệu là Đại Ngu. Ngay từ khi phò Lê, Hồ Quí Ly đã biểu lộ tài cao với những mộng ước to lớn cho dân tộc về kinh tế và văn học:
Hạn điền: mỗi chủ đất chỉ được làm chủ dài nhất là mười năm, rồi chính quyền xét cấp lại.
Hạn nô: ấn định về nô lệ và những người làm công cho một chủ nhân.
Tiền giấy, được họ Hồ sử dụng là thuộc vào lớp tiên phong của nhân loại. Thật là tiện lợi.
Về văn học, Quí Ly phê bình kinh điển Nho học, ấn định chữ Nôm là văn tự chính thức. Ông cũng mở thêm trường tại các lộ, phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông. Ông tổ chức lại các kỳ thi và các môn thi.
Họ Hồ thất bại, vì các cận thần và cựu thần nhà Lê nhìn ông là chuyên quyền, tiếm quyền và giảo quyệt, nên tích cực hoặc tiêu cực chống đối. Vì thế, khi Trương Phụ và Mộc Thạnh đem hơn hai trăm ngàn quân sang đánh, năm 1407, cha con Hồ Quí Ly đều đại bại và bị bắt.
Con cháu và vua tôi nhà Trần nhảy ra chớp thời cơ để giữ quyền tự chủ. Đáng tiếc, các ông Hậu Trần cũng chỉ chống đỡ được bảy năm với Giản Định Đế [8] và Trùng Quang Đế [9], rồi đất nước chúng ta bị Triều Minh trấn áp.
2. Cưỡng bức văn hóa thời Minh.
Rút kinh nghiệm dùng bạo lực cả ngàn năm trước không thành công, Triều Minh sau chiến thắng vội rút võ quan về, để dùng văn trị. Văn quan Hoàng Phúc được trao quyền.
“Nắm quyền cai trị được gần một tháng, tháng Chín năm đó (1414) Hoàng Phúc bắt các phủ huyện, châu dựng văn miếu, lập đàn tế lễ hàng năm thờ xã tắc Phong Vân, Sơn Xuyên và các thần theo phong tục Trung Hoa. Hắn còn đặt ra luật cấm trai gái nước Việt cắt tóc ngắn. Phụ nữ phải mặc quần dài áo ngắn theo phong tục phương Bắc. Cũng tháng Mười năm ấy, theo lời bàn của Tham nghị Bành Đạo Tường, Hoàng Phúc đã cho mở trường học tiếng Trung Hoa và ra sức lôi kéo mua chuộc sĩ phu, thầy thuốc, tăng đạo, để phục vụ nền đô hộ.
Năm Ất Mùi (1415), Hoàng Phúc cấp lộ phí, cho người đi theo phục dịch và bắt các quan cai trị các địa phương phải đón tiếp long trọng những người Việt sang Kim Lăng thụ phong chức tước để về nước làm việc cho chính quyền đô hộ…
… Ngoài việc đào tạo và mua chuộc các quan chức, Hoàng Phúc còn thực hiện âm mưu thiêu hủy những bi ký của những người Việt từ trước để lại, một số có giá trị lớn chúng đưa về Bắc. Hàng năm nhà Minh còn bắt các địa phương Đại Việt phải cống nạp những nho sinh trẻ, những thợ thủ công lành nghề để đưa về Kim Lăng, hòng hủy diệt dân tộc Đại Việt…” [10]
Đối phó với cưỡng bức văn hóa, người Việt đa số đoàn kết bảo tồn văn hóa truyền thống và đòi chủ quyền dân tộc, mà kết quả đời đời ghi nhớ là cuộc thắng lợi của nhà Lê.
3. Tiếp biến văn hóa thời Sơ Lê
Vừa khi thành công kháng chiến, các triều vua Việt Nam ưa du nhập nhiều nét văn hóa Trung Hoa, vừa để tô chuốt cho “thiên mệnh đế vương”, vừa để che đậy mặc cảm dân tộc nhược tiểu.
Đầu năm Mậu Tuất [11], Lê Lợi và các bạn chính thức dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Thừa hưởng tài sản tinh thần và vật chất từ bốn đời. “Truyền thuyết kể rằng:
Lớn lên Lê Lợi làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát ‘đế vương’ ở động Chiêu Nghi. Sau đó một người phường chài là Lê Thận bắt được một lưỡi gươm cũ, khi đưa vào tay Lê Lợi thì thanh gươm không phải mài mà sáng như gươm mới. Trên gươm có khắc hàng chữ triện, Lê Lợi biết là một thanh gươm quí. Hai ngày sau vợ Lê Lợi ra vườn hái rau lại bắt được một quả ấn báu cũng khắc mấy chữ lối triện, trên lưng quả ấn khắc tên họ Lê Lợi. Ngày sau nữa lại bắt được cái chuôi kiếm ở gốc cây đa, có khắc hình con rồng, con hổ và hai chữ “Thanh Thúy”, đem lắp vào lưỡi kiếm đã bắt được thì vừa vặn không sai chút nào.
Từ đó ông càng tin rằng vận nước đã được trao vào tay mình, càng chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp nuôi chí và chờ thời vận…” [12]
Sau hơn mười năm chiến đấu bằng binh khí và ngoại giao, nhất là luôn luôn đề cao nhân nghĩa, Lê Lợi lên làm Thuận Thiên đại vương của nước Đại Việt, nắm quyền xây dựng đất nước theo mộng ước của mình.
Theo lăng kính văn hóa, chúng ta thấy Đại Việt thời Hậu Lê đã có khả năng tiếp biến văn hóa tốt đẹp trong khoảng chín chục năm. Cũng chính nhờ tiếp biến văn hóa Việt Trung như thế mà nhiều vua thời Lê vinh quang.
3.1.Chính sách nông nghiệp
Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của nhân dân chúng ta. Để đủ sức tự cường, triều Lê cải tiến với việc phân điền, tỉnh điền và hộ đê. Vừa lên ngôi, Lê Thái Tổ đã cho kiểm kê hộ khẩu, làm sổ hộ, sổ điền và tiến hành việc quân điền. Tới đời Lê Thánh Tông thì chính sách quân điền đã thành đạt, tư tưởng trọng nông đã thật sự vào tâm não người nho sĩ:
Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.
3.2.Sinh hoạt văn nghệ nhân gian
Kẻ Sĩ đa số từ nông phát xuất và khi đời nghiêng bóng lại trở về nông. Khoảng cách giai cấp thật gần gụi. Thưởng thức văn nghệ và giải trí như cầm kỳ thi tửu họa… thì giai cấp nào cũng có. Tác phẩm Hí Phường phả lục của Lương Thế Vinh cho biết Tuồng và Chèo là hai loại hình văn nghệ sân khấu nhân gian đã phát triển rộng và cao.
3.3.Đào tạo nhân tài
Nhìn lại, chúng ta thấy gần như các triều đại tự chủ Việt Nam có ưu điểm này là biết chấp nhận nhân tài, đào tạo nhân tài bằng những phương pháp và qui tắc công khai, phổ biến cho toàn dân. Do đó, con vua, con quan hoặc con lê thứ đều phải học tập và dự thi. Khó có tình trạng:
“Con vua thì lại làm vua,
Con bác sãi chùa lại quét lá đa.”
Con bác sãi chùa hoặc con bần cố nông mà có chí tiến thủ, có tư chất và gặp điều kiện thích hợp, thì vẫn không bị dòng máu hoặc đảng phái cản trở, đến độ người người tâm niệm:“Ai giầu ba họ, ai khó ba đời”.
“Mùa Thu, tháng Tám [13], xây Văn Miếu, tô tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ hình Thất Thập Nhị Hiền… để bốn mùa cúng tế…” [14]
Năm năm sau, nhà Lý mở khoa thi Nho giáo đầu tiên. Rồi tiếp tục, tuy có thể “phép thi lúc này chưa có thể thức nhất định. Thỉnh thoảng có chiếu vua ban ra cho học trò trong nước vào kinh dự thi. Nhà vua thường tự coi thi ở sân điện…” [15]
Kể từ năm 1232, nhà Trần đặt ra học vị Thái Học Sinh cho thí sinh thành đạt, sau Lê đổi thành Tiến sĩ… Nho học thích ứng đã giúp nhân dân Việt Nam thêm nhiều người tài đức. Nhờ có nhiều nhân sĩ tài cao giúp đỡ như Ức Trai Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn… Lê Sơ đã tổ chức các khoa thi để tuyển chọn nhân tài phục vụ hoàng triều và nhân dân. Lê Thái Tổ mở đầu các khoa thi. Chúng ta đều hiểu tác dụng tôn quân của Khổng học. Nhân dân càng thấm nhuần châm ngôn “Quân-sư-phụ”, việc cai trị càng ổn định.
Tuy thế, phải nhận rằng thời Lê Sơ có nhiều nhân tài kiệt xuất. Ức Trai ngày nay được quốc tế nhìn nhận là nhà văn hóa lớn. Ai nghiên cứu văn chương Quốc âm cũng phải đọc tới Quốc Âm thi tập với 254 bài thơ của ông.
Lên ngôi mới 2 tuổi, nhờ Tuyên Từ hoàng thái hậu điều khiển triều chính, Lê Nhân Tông “Thần sắc anh tuấn, dung dáng đúng đắn, mỗi khi tan chầu, thân đến kinh diên đọc sách, mặt trời xế bóng về Tây mới thôi.” [16]
Lê Thánh Tông xứng đáng được ca tụng là Nguyên Soái của Tao Đàn với Nhị thập bát Tú. Là nhà thơ lớn và sáng tác phong phú, người tổ chức việc học và thi cử chu đáo nhất thời phong kiến Đại Việt. Cũng không bao giờ trong lịch sử Việt Nam người ta được thấy tình nghĩa thi văn nối kết vua tôi, thông cảm lãnh đạo và nhân dân như thời Hồng Đức.
-
Guồng máy cai trị
Bộ máy nhà nước quân chủ đó cũng thường xuyên được đổi mới, nhờ đường lối tiến và cử của các khoa thi và các trường thi. Tầng lớp sĩ phu hiển đạt, từ đời Lê Thái Tông, 1442, được khắc tên vào bia đá để ở Văn Miếu, sau khi bảng vàng và áo mão vinh qui, thường tham chính bên cạnh và nhiều khi thay quí tộc. Nhiều nho sĩ không hiển đạt, trung thành với nghề giáo, vẫn thấy được trò cũ của mình thành rường cột đất nước.
3.5.Tận tâm vì Gia Đình, vì Tổ quốc.
Những vua như Lê Thánh Tông, khi từ trần mới 56 tuổi, mà để lại 14 con trai, 20 con gái… thì không hẳn vì họ đuổi theo sắc dục mà quên giáo dục con hoặc lo cho dân tộc. Sinh con, giáo dục con là thước đo lòng yêu dân. Chính Thánh Tông tự thuật:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc Trời dám trễ đâu
Trống dời canh còn sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
Đối với họ, bảo vệ gia phong mới bảo vệ Đất Nước:
“Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì người đó sẽ bị trừng trị nặng.”
Chính từ thời này [17] chúng ta có địa đồ Đại Việt, rồi Đại Việt Sử ký Toàn thư và Thiên Nam dư hạ tập…
3.6.Pháp trị
Văn trị theo đạo làm người, gia đạo và tình làng nghĩa xóm đã là tốt, nhưng với đông đảo quần chúng thuộc đủ mọi điều kiện sống khác nhau, không thiếu những người ác tâm phá hoại và những người yếu đuối dễ bị cuốn theo. Xã hội cần Luật pháp. Do đó, khi có được luật pháp, người ta coi như một chặng đường mới, sáng tỏ hơn:
“Trước kia, việc kiện tụng trong nước phần nhiều đều rất phiền nhiễu, phép quan thường câu nệ, cố làm cho khắc nghiệt, khiến cho nhiều người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy đó làm thương xót, bèn sai quan Trung Thư san định ra luật lệnh, châm chước cho thích hợp với thời thế, chia ra thành môn loại và điều khoản khác nhau, gọi là Hình Thư của một triều đại, khiến cho ai xem dễ hiểu. Sách làm xong, vua xuống chiếu cho ban hành, dân đều lấy làm tiện. Đến đây, việc xử án được thẳng thắn, rõ ràng, cho nên vua [18] mới cho đổi niên hiệu mới là Minh Đạo và cho đúc tiền Minh Đạo.” [19]
Phải nhận rằng Pháp trị thời đó khá nghiêm minh hoặc quân chủ mà “dân chủ” – có thể hơn bây giờ? – ta mới thấy pháp quan mà dám xử cả hoàng thái tử Lý Long Xưởng.
Nếu đời Lý có Tô Hiến Thành thì đời Trần có hai luật gia nổi tiếng là Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn.
Nhưng nổi tiếng nhất và là bộ luật trước nhất còn giữ lại được đến nay: Luật Hồng Đức, công bố năm 1483, với 721 điều đáng kể. Đào Duy Anh viết: “Đời Lê Thánh Tôn châm chước pháp luật nhà Tùy và nhà Đường soạn thành bộ luật Hồng Đức gồm có hình luật và hộ luật, lại định riêng kỳ xử việc nhỏ và kỳ xử việc lớn…” [20]
Chúng ta có thể tự huyễn hoặc không khi tạm kết một thoáng nhìn lại văn hóa thời Lê Sơ:
Trên cơ sở văn hóa dân tộc hoặc là văn hóa bản địa, văn hóa thời Lê Sơ đã du nhập và thích ứng thật nhiều nét văn hóa Nho giáo qua giới sĩ phu.
[ 38 ] Văn Hóa Việt Nam thời buổi phân tranh
Khi nhà Lê suy sụp, tình hình chính trị xã hội Việt Nam để lại những trang sử huynh đệ tương tranh: Lê - Mạc, Lê - Mạc - Trịnh, Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn.
1.Bối cảnh lịch sử
Sau gần tám chục năm cầm quyền, xét chung nhà Lê tỏ ra xứng đáng và nhân dân phát triển.
Lê Túc Tông lên ngôi ngày 6 tháng 6 năm Giáp Tý [21]. Tháng 11, sai sứ lên đường sang Trung Quốc; nhưng sứ chưa qua biên giới đã phải triệu hồi, vì Túc Tông qua đời. Ông đã căn dặn: Con thứ hai của Hiến Tông là Tuấn, người hiền minh nhân hiếu, có thể lên ngôi chính thống…. Nếu thân vương nào tiếm ngôi trời thì người trong nước giết đi…”
Thái hoàng Thái hậu, thân mẫu Hiến-tông và bà của Túc Tông, là người muốn đặt Lã Côi Vương, vì Tuấn con của kẻ tỳ thiếp, không xứng đáng. Khi thành Lê Uy Mục, Tuấn giết bà và một số đại thần như Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật… Tuy thế, điều đáng tiếc hơn nữa là Tuấn mê đắm tửu sắc cũng như sát nhân. Sứ giả nhà Minh đã phải than:
An-nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giáng quỉ vương.
Vận nước Nam còn dài bốn trăm năm
Mà sao ý trời cho vua quỉ xuống.
Cháu nội của Lê Thánh Tông là Oánh cũng bị “quỉ vương” tống giam đợi giết, đã vượt ngục vào Thanh Hóa và tháng 11 năm 1509 bất thần dẫn quân về chiếm hoàng thành, bức tử Lê Uy Mục và lên làm Lê Tương Dực [22]. Năm 1513, khi sang phong vương cho Tương Dực, sứ giả Minh triều là Trần Nhược Thủy và phó sứ là Phạm Hy Tăng đã cùng nhận xét:
“Quốc vương An-nam mặt thì đẹp, mà người lệch, tính thích dâm, làm vua lợn, loạn vong sẽ tới không lâu ”.
Không lâu, tháng Tư Bính Tý, 1516, cận thần Trịnh Duy Sản sai người đâm chết Lê Tương Dực, đón cháu bốn đời Lê Thánh Tông là Huệ, 11 tuổi, về làm vua Lê Chiêu Tông [23].
Chiêu Tông phải đến tận cung Mạc để phong Đăng Dung làm Thái Phó, Đăng Doanh làm Dục Mỹ Hầu. Phẫn uất, Chiêu Tông âm mưu chống Mạc. Mưu lộ, ông vua yếu đuối phải chạy trốn. Mạc và cận thần tôn chàng thanh niên 16, em Chiêu Tông là Xuân, làm Lê Cung Hoàng [24].
Khi chịu không thấu, ngày 15.6.1527, Lê Cung Hoàng phải “nhường ngôi” cho Mạc Đăng Dung. Chấm dứt 10 đời vua Lê với một trăm năm trị nước [25].
Chính khi Đăng Dung lên ngôi, Nguyễn Kim dựng nghĩa Cần Vương ở Thanh Hóa. Rồi khi Đăng Dung mất thì Đăng Doanh làm Thái thượng Hoàng cho Mạc Phúc Hải. Khi Phúc Hải chết sau sáu năm làm vua chọi gà và xướng ca, thì ở Thanh Hóa, Nguyễn Kim cũng bị đầu độc chết và binh quyền vào tay Trịnh Kiểm.
Mạc Phúc Nguyên lên ngôi năm 1546, nhưng trong triều phe phái anh em vẫn giành giựt, bên ngoài thì quân Lê Trịnh từ Thanh Hóa kéo ra đòi lại giang san.
Phúc Nguyên chết, chú bé Mậu Hợp lên làm vua suốt 29 năm, nhưng càng lớn lên chú càng ham tửu sắc, để cuối cùng bị quân Lê Trịnh bắt trong chùa cùng với hai kỹ nữ [26]. Rảnh tay phía Bắc, quân Lê Trịnh thấy bận tâm về phía Nam, vì từ năm Mậu Ngọ [27], Nguyễn Hoàng đã được làm trấn thủ Thuận Hóa, âm thầm thực hiện sấm Trạng Trình: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân ”. Từ tháng 2 năm Quí Dậu [28] lại được phong làm Thái Phó lo trấn giữ cả miền Nam.
Tuổi 89, Nguyễn Hoàng mới mất sau 4 con trai là Hà, Hán, Thành, Diễn. Người con thứ năm là Hải đang ở Bắc làm con tin, Nguyễn Hoàng trối vương quyền lại cho người con thứ sáu, 51 tuổi: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện lính để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời, bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dạy của ta ”.
Phật chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên cầm quyền năm Quí Sửu, 1613, thì năm Kỷ Mùi 1619 Trịnh Tùng đem quân vào bắt đầu những thập niên Trịnh Nguyễn phân tranh.
Lính vua, lính chúa, lính làng
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra
Giá vua bắt lính đàn bà
Để em đi đỡ chàng và bốn năm…
Nhờ có Đào Duy Từ hiến kế, Phúc Nguyên đã đắp xong Lũy Thầy và tổ chức quân đội khá qui mô.
Thời Nguyễn Phúc Lan [29], hai lần quân Trịnh vào đánh đều bị bại và phản công. Nguyễn Phúc Tần [30] dẫn quân chiếm tới 7 huyện ở Nghệ An của miền Bắc. Mãi tới năm Canh Tý [31] Trịnh mới khôi phục được.
Năm Kỷ Mùi [32], chúa Nguyễn “cho phép” cựu tướng triều Minh là Dương Ngạn Địch cùng Trần Thương Xuyên và ba ngàn gia thuộc vào khai phá vùng Gia Định, Mỹ Tho. Không lâu, khu vực này thương mãi phồn thịnh. Không chỉ thuyền buôn người Thanh, mà cả người Nhật Bản và Tây Phương cũng giao thương.
Nguyễn Phúc Trân chỉ cai trị bốn năm [33], nhưng lại là người chú trọng tới nhân dân hơn. Ông giảm thuế và chế định tang lễ cho nhẹ nhàng hơn. Con ông thì khác. Nguyễn Phúc Chu [34] không chỉ đòi dân đóng góp công sức và sinh mạng để mở đất qua Phan-rang, Phan-rí, Hòa Đa, tới tận Phiên Trấn…. Ông còn xây cất một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ Am. Nguyễn Phúc Chú [35] lên cầm quyền khi 30 tuổi và chỉ điều hành đất nước mười ba năm, nhưng thời gian này có hai dấu mốc văn hóa:
1.1.Đồng hồ công cộng
Ông cho đặt đồng hồ ở các dinh và các đồn duyên hải. Đồng hồ trước còn cần nhập từ Tây phương, sau Nguyễn Văn Tú đã chế tạo được.
1.2.Mạc Thiên Tứ và Chiêu Anh Các
Mạc Cửu được làm tổng binh trấn Hà Tiên từ năm 1708, con trai là Mạc Thiên Tứ được Nguyễn Phúc Chú cho cầm quyền thay cha từ 1736 với tước Đô Đốc Trấn Hà Tiên. Không chỉ chú trọng giao thương như cha, Thiên Tứ còn mở Chiêu Anh các, qui tụ văn nhân thi sĩ. Họ lưu tới 320 bài thơ của 25 tác giả gốc Hoa và 6 thi sĩ người Việt.
1.3. Khởi đầu kinh đô Huế
Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 25 tuổi [36], quyết xưng VƯƠNG. Năm Giáp Tí 1744 ông đúc ấn Quốc-vương và Kỷ Mùi chính thức tiến dần lên ngôi. Tại Phú Xuân, ông cũng bắt đầu kiến thiết quy mô: điện Kim Hoa và điện Quang Hoa, các gác Dao Trì, Triệu Dương, Quang Thiên, các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hòa, Di Nhiên v.v. Ở thượng lưu sông Hương, ông cho xây dựng phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ khắc họa rất tinh xảo. Tường trong, tường ngoài đắp rồng, hổ, lân, phượng, hoa cảnh…. Phú Xuân trở thành đô thị chính trị và văn vật.
Nguyễn Phúc Thuần, hoàng tử thứ 16 lên ngôi trong cảnh phế lập và bị cận thần uy hiếp. Người lộng hành chính là Trương Phúc Loan. Cảnh hãm hại trung thần, bán quan buôn tước và bóc lột nhân dân đều phát sinh từ đầu mối họ Trương này. Tại Tây Sơn, Bình Định, ba anh em Nguyễn Nhạc dấy binh và được nông dân nhiệt thành ủng hộ… Quân Trịnh thừa cơ đánh thốc vào. Tháng 12 năm 1774, quân Trịnh đánh úp Phú Xuân. Tây Sơn hoà với Trịnh để đánh vào Nguyễn. Phúc Thuần tự trận, Nguyễn Huệ chiếm Long Xuyên tháng 9 Đinh Dậu… [37] Cháu là Nguyễn Phúc Ánh, 17 tuổi, nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc che giấu, rồi chạy thoát ra đảo Thổ Chu, tập họp binh tướng. Năm chục chiến thuyền Anh đổ bộ chiếm lại và bố phòng Bến Nghé. Năm Canh Tí [38], Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi, dùng ấn “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo ”.
Chúng ta biết: Từ đó tới năm 1802, từ Nam Quan tới Cà Mau, loạn lạc và chiến tranh không trừ phần đất nước nào của chúng ta: Lê - Trịnh - Tây Sơn - Nguyễn Phúc, thêm vào đó những lực lượng ngoại quốc : quân Thanh xâm lược, quân Thái Lan, Bồ Đào Nha, quân Pháp trợ lực….
Giữa muôn vàn đổ nát, điểm văn hoá sáng chói nhất là sức chịu đựng kiên cường của dân tộc Việt Nam và việc định hình Chữ Quốc Ngữ..
[1] Tạ Ngọc Liễn dịch, trong “Chân dung văn hóa Việt Nam”
[2] Niên hiệu của Trần Nhân Tông từ 1293
[3] Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông
[4] Nơi Tạ Hiền nước Tấn phá quân Bồ Kiên nước Tần
[5] “Bạch Đằng Giang Phú” của Trương Hán Siêu, Tạ Ngọc Liễn trích trong “Chân Dung văn hóa Việt Nam”, Bến Tre 1999, tr. 100-101
[6] Tạ Ngọc Lễ, sđd. Tr. 165-166
[10] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, sđd. Tr. 143-144
[12] Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, sđd. Tr. 147
[13] Tức năm 1070, thời Lý Thánh Tông
[14] “Đại Việt sử ký toàn thư” bản kỷ, q. 3, tờ 5a
[15] “Lịch triều hiến chương loại chí” Khoa mục chí, q. 26
[16] Theo văn bia Mục Lăng do Nguyễn Bá Kỷ ghi.
[19] Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỉ, q. 2, tờ 31a
[20] Đào Duy Anh, sđd. Tr. 152