Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.539
 
Lại bàn về giống chim
Vương Trung Hiếu

Trên nhavantphcm.com.vn có bài “Trả lời ông Vương Trung Hiếu về chuyện chim” của tác giả An Chi, trích đăng lại từ Đương Thời số 41 (65)/2012. Bài này nhằm phản biện bài “Trao đổi về giống chim” của tôi đăng trên vanchuongviet.org. Ý kiến của ông An Chi theo tôi là chưa thỏa đáng, vì thế tôi tiếp tục trao đổi lần nữa.

 

Trước hết, chúng tôi xin phép trình bày theo cách của ông An Chi. Thứ nhất là về thái độ, thứ hai là về kiến thức.

ông An Chi cho rằng tôi đã “đã không sòng phẳng và lịch sự” khi ông ấy muốn biết bản chữ Nôm nào thì tôi lại bảo ông ấy “liên lạc với ông Nguyễn Hùng Vĩ để biết chính xác hơn.” Ông An Chi viết: Chính ông Hiếu phải liên lạc với tác giả Nguyễn Hùng Vĩ để trả lời cho chúng tôi mới phải lẽ chứ! Thưa ông An Chi, tôi giới thiệu người để ông liên lạc là quí rồi. Tại sao ông lại buộc tôi phải liên lạc với tác giả Nguyễn Hùng Vĩ để trả lời ông? Thái độ như thế có thể xem là lịch sự không?

 

Bây giờ đến phần mà ông An Chi gọi là “kiến thức”.

- Khi tôi nói rằng tôi không phải là người duy nhất sử dụng từ “dịch”, rồi đề nghị ông An Chi vào Google gõ cụm từ “chữ Nôm dịch sang tiếng Việt”, “dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ” để xem tôi nói đúng không thì ông An Chi viết: “Về cái cụm từ 6 chữ “chữ Nôm dịch sang tiếng Việt” của ông Hiếu, Google thông báo đã tìm được 399.000 kết quả, trong đó chỉ có kết quả sau đây là có đúng nguyên văn 6 chữ của ông. Đó là bài “Trao đổi về giống chim” của Vương Trung Hiếu. Lại gõ thêm cụm từ 10 chữ “dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ” của ông vào đó, Google trả lời là tìm được khoảng 295.000 kết quả, trong đó chỉ có 2 kết quả có đúng nguyên văn cụm từ 10 chữ của ông Hiếu: một thì cũng là bài “Trao đổi về giống chim” của Vương Trung Hiếu; còn địa chỉ kia là bài “Gia Định thành thông chí” trên Wikipedia. Có lẽ ông Hiếu đã lấy “cảm hứng” từ bài này của Wikipedia cho cái cụm từ què quặt của ông chăng?”.

 

Xin thưa với ông An Chi rằng ông nên tìm hiểu thêm về cách tìm từ khóa chính xác trên Google, một điều mà quá nhiều người biết, chỉ có ông là thuộc loại “nhập môn” Internet. Khi tìm ra vài trăm ngàn kết quả với “6 chữ, 10 chữ” của tôi chứng tỏ ông chưa biết cách tìm kiếm trên Google. Chính vì thế ông đã sa vào “mê hồn trận”, bị rối rắm, để rồi đi đến nhận định sai. Ông chỉ cần gõ đúng từ khóa cần tìm trong hai dấu ngoặc kép thì sẽ biết. Thí dụ: chữ Nôm dịch sang tiếng Việt”, và “dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ. Tra cứu như thế ông sẽ thấy có kết quả sau:

 

- “ toàn văn phiên bản chữ Nôm dịch sang tiếng Việt Kim Vân Kiều truyện”. (Trích phần tóm tắt của mục “Truyện Kiều : Bản Nôm Duy Minh Thị / Nguyễn Du”, trang web Thư viện quốc gia Việt Nam).

 

- “Việc dịch tập sách này cũng đòi hỏi kỹ năng dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ  (trích từ diễn đàn của Quangngai.net)

 

Thế đấy, đâu chỉ có bài “Trao đổi về giống chim” của tôi và bài “Gia Định thành thông chí” trên Wikipedia như ông An Chi đã liệt kê. Dĩ nhiên khi tìm từ khóa càng dài thì có thể số lượng kết quả (hit) sẽ ít dần đi và ngược lại.

- Kế tiếp, khi tôi viết là “dịch (hay dịch âm)” thì ông An Chi khăng khăng bảo rằng “ta chỉ có thể “phiên âm” (chứ không “dịch”) chữ Nôm sang chữ quốc ngữ”. Thưa ông An Chi, ông đã cắt bỏ cụm từ “dịch âm” của tôi rồi. Nhìn chung, ông biết một mà không biết hai. Đối với chữ Nôm, tùy theo chữ, người ta có thể phiên âm hoặc dịch âm và cả chú giải nữa. Bởi vì, trong một chữ Nôm, nó có thể mang nhiều âm, nhiều nghĩa, đôi khi lên tới hàng chục nghĩa khác nhau.

 

 

Do chữ Nôm phức tạp như thế nếu ta chỉ dùng cách phiên âm thì chưa đủ đâu, ông An Chi. Trên Internet, có hàng chục, hàng trăm người dùng từ “dịch âm” như tôi đấy. Ông chỉ cần gõ từ khóa “dịch âm” + “chữ Nôm” sẽ thấy kết quả khiến ông ngạc nhiên. Về cách tra cứu thì ông  đã biết thêm, tôi chẳng cần dẫn chứng dài dòng làm gì.

 

- Ông Chi viết: “ông Hiếu không phân biệt được hiện tượng “lịch đại” với hiện tượng “đồng đại”. Chuyện của ông Nguyễn Ngọc San là chuyện lịch đại còn chuyện giữa ông Hiếu với chúng tôi là chuyện đồng đại. Ông Hiếu chỉ cần đọc ngữ học đại cương thì sẽ rõ.

 

Nhận xét của ông An Chi khiến tôi cảm thấy buồn cười. Để tìm ra cái đúng người ta có thể chứng minh bằng những cách khác nhau, chứ tại sao chỉ là một. Mặt khác, tôi e rằng ông Chi không hiểu đúng khái niệm “lịch đại” và “đồng đại”. Tôi xin trích những điểm chính nói về hai khái niệm này trong Bách khoa toàn thư Việt Nam: lịch đại là “một phương diện của việc nghiên cứu ngôn ngữ học, tức nghiên cứu sự phát triển lịch sử của các hiện tượng ngôn ngữ và cả hệ thống ngôn ngữ”; còn “đồng đại”, trong ngôn ngữ học, là việc nghiên cứu ngôn ngữ ở một trạng thái, một giai đoạn lịch sử trong sự phát triển của nó, đối lập với lịch đại.

 

Với hai định nghĩa trên, vấn đề đã trở nên quá lớn, không thật sự thích hợp và cần thiết cho việc trao đổi giữa tôi và ông An Chi. Có lẽ ông ấy cố tình dùng từ “kêu cho to” để bạn đọc chú ý mà thôi! Trong trường hợp, nếu cho rằng GSTS Nguyễn Ngọc San viết “Đa đa có thể biến âm thành DA DA” và giải thích bằng ngữ âm là hiện tượng “lịch đại” thì ông An Chi lại tự mâu thuẫn với chính mình. Bởi vì trước đây, trong bài “ Cái gia gia chẳng là…cái gì cả” ông An Chi cũng đã dài dòng giải thích ngữ âm cho từ “đa đa”. Vậy, cả hai ông đều dựa vào “lịch đại” đấy chứ. Thế sao bây giờ ông An Chi lại bảo rằng “Chuyện của ông Nguyễn Ngọc San là chuyện lịch đại còn chuyện giữa ông Hiếu với chúng tôi là chuyện đồng đại.” Điều này quả thật là tiền hậu bất nhất. Ông An Chi lại đi xa hơn nữa với giọng kẻ cả: “nếu trong phần biện luận của mình mà ông San lại lấy lịch đại làm đồng đại thì chính ông San nên xem lại phương pháp của mình”. Không biết vị Giáo sư Tiến sĩ ấy nghĩ gì khi nghe một trung-cấp-bút-sĩ lên lớp như vậy? Bỗng dưng tôi nhớ đến một câu ngạn ngữ của Trung Quốc: 最破的車輪, 發出最大的響聲 (Cái bánh xe hỏng nặng nhất phát ra tiếng kêu to nhất).

 

Kế tiếp, ông An Chi bảo rằng tôi “chỉ cần đọc ngữ học đại cương thì sẽ rõ” khiến tôi càng ngạc nhiên hơn.

Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì cụm từ “ngữ học đại cương” của ông An Chi chính là ngôn ngữ học đại cương mà sinh viên khoa Văn nào cũng phải học. Suy cho cùng, ngữ học ấy chỉ là điều mới lạ đối với ông thôi, ông An Chi ạ.

 

- Khi tôi viết trong quyển Hán Việt từ điển trích dẫn, mục (chá, giá) viết như sau: 1. (Danh) Chá cô chim đa đa, chim ngói, gà gô. § Mình nó to như chim cưu ,… Ta quen đọc là giá. Sau đó tôi nói thêm là Quyển từ điển Thiều Chửu cũng nhận định như thế. Ông An Chi lại cho rằng Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu thì chỉ ghi như sau: “ chá. Chá cô . Chim chá cô. (…)Tục ta quen đọc là chữ giá.” Từ điển của Thiều Chửu không hề giảng chá cô là “chim ngói”.

 

Không biết ông Chi dựa vào bản Hán – Việt từ điển nào của Thiều Chửu, còn khi tôi viết “quyển từ điển Thiều Chửu nhận định như thế” là dựa vào ý kiến của ông Đặng Thế Kiệt. Trong mục Phàm lệ của quyển Hán Việt từ điển trích dẫn, ông Đặng Thế Kiệt cho biết đã tham khảo nhiều từ điển (sách in) và các trang từ điển trên Internet rồi nhấn mạnh thêm: “Từ điển này phát triển từ những dữ kiện thâu thập trong bản điện tử của "Hán Việt Tự Điển Thiều Chửu". Có thể tôi đã chủ quan không kiểm chứng lại, tuy nhiên, trước đây tôi đã tra cứu thêm những trang web khác mới dám khẳng định, và dưới đây là những dẫn chứng đó:

 

- Trong Anonymous.online (1), cả ba mục “chá cô, gia cô, giá cô” đều ghi chữ Hán là 鹧鸪 và cùng giải thích là “ chim chá cô (giá cô), chim ngói, gà gô.

 

- Trong Tangthuvien.com (2) và nguyendu.com (3) đều định nghĩa như sau: Chá cô 鷓鴣 chim chá cô, chim ngói, gà gô. Ngày xưa bảo nó bao giờ bay cũng bay về hướng nam, cho nên các lời thơ ca bị thiên bị đày về phương bắc hay mượn nó mà ví dụ mà khởi hứng. Tục ta quen đọc là chữ gia.

 

- Ông Chi viết tiếp: “Tác giả của quyển Hán Việt từ điển trích dẫn, nơi ông Hiếu gửi gắm lòng tin tuyệt đối, đã không hề quan tâm đến nguyên tắc sơ đẳng của một quyển từ điển song ngữ. (…). Tác giả của nó dùng tiếng Việt để giảng danh từ chá cô của tiếng Hán mà lại nói rằng “mình nó to như chim cưu ”thì có mấy người Việt Nam biết được con “chim cưu ”là cái thứ chim gì!

 

Dĩ nhiên giải thích càng rõ ràng, chính xác và dễ hiểu thì càng tốt, nhưng nếu người nào cũng bắt bẻ chi li như ông An Chi thì mấy ai “dám” biên soạn từ điển nữa? Sau đó ông Chi lại dẫn chứng: Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) giảng đa đa là “gà gô” mà gà gô là “chim cùng họ với gà, nhưng cỡ nhỏ hơn, đuôi ngắn, sống ở các sườn đồi núi thấp, ăn sâu bọ”.

 

Tôi hiểu rằng khi trích dẫn thì ông Chi cũng đã gởi gắm lòng tin (chẳng biết có tuyệt đối hay không) vào tài liệu của mình. Tuy nhiên, cách giải thích của ông Hoàng Phê cũng chỉ dừng ở mức phổ biến kiến thức chung chung, chứ không thể bao hàm toàn bộ khái niệm gà gô, vì đây là một khái niệm rất rộng. Do đó, ông An Chi đừng khoe sách của mình rồi chê tài liệu tham khảo của người khác. Trên thực tế, “gà gô là danh từ chung chỉ nhiều họ, chi hoặc loài chim khác nhau có hình dáng bề ngoài giống gà, sống định cư, kiếm ăn riêng lẻ hoặc từng đôi, thích sống trong các bụi cây và đồi cỏ tranh, làm ổ đẻ trứng dưới đất. Riêng chi Francolinus hiện biết 41 loài khác nhau. (Wikipedia). Chúng tôi liệt kê một số loài gà gô thuộc những chi khác để ông An Chi tham khảo thêm: gà gô đen (Melanoperdix niger Tetrao urogallus), gà gô mào (Rollulus rouloul), gà gô rừng mỏ dài hay gà gô mỏ dài (Rhizothera longirostris), gà gô tuyết (Lerwa lerwa), gà gô đá (Ptilopachus petrosusAlectoris graeca), gà gô lia (Tetrao tetrix)…

 

- Trước đây, tôi viết rằng ông An Chi đã so sánh hết sức khập khiễng khi dùng cụm từ “tam vị nhất thể” để nói về chim ngói, đa đa và cuốc. Bởi vì, trong giáo lý Công Giáo, khi nói “tam vị nhất thể” là nói về Đức Chúa Lời gồm có ba ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

 

Ông An Chi phản bác: “Sự so sánh – đúng ra, là so sánh ngầm, là ẩn dụ – của chúng tôi không kỳ dị chút nào đâu, ông Hiếu. Khi đã là ẩn dụ thì tam vị không còn là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh nữa. Ở đây, nó là ba loài chim riêng biệt (chim ngói, chim đa đa và chim cuốc), bị ông nhồi thành một con chim duy nhất, thành nhất thể, mà tất nhiên ta cũng không thể biết tên là gì – và hình thù của nó ra sao – nên mới hoá ra … kỳ dị.

 

Viết như thế thì ông An Chi chưa hiểu rõ thế nào là ẩn dụ. Ông chỉ biết ẩn dụ là “so sánh ngầm”, nhưng lại không biết rằng giữa hai đối tượng phải có sự tương đồng mới sử dụng phép ẩn dụ được. Bởi vì “ ẨN DỤ là biện pháp dùng tên gọi của đối tượng này làm tên gọi của đối tượng khác dựa trên sự liên tưởng về mối tương đồng (có tính chất hiện thực hoặc được tưởng tượng ra) giữa hai đối tượng về mặt nào đó (như màu sắc, tính chất, trạng thái, vv.). (Định nghĩa của Bách khoa toàn thư Việt Nam). Dựa vào chức năng, ta có thể chia ẩn dụ thành ba loại, đó là “ẩn dụ định danh”, “ẩn dụ nhận thức” và “ẩn dụ hình tượng/ẩn dụ tu từ”. Loại ẩn dụ mà tôi và ông Chi đang bàn chính là ẩn dụ tu từ, thường được dùng trong văn chính luận cũng như trong thơ ca. Thí dụ trong câu: "Giá đành trong nguyệt trên mây, Hoa sao hoa khéo đoạ đầy bấy hoa" (Truyện Kiều). "Hoa" ở đây là từ mang hàm nghĩa ẩn dụ, dùng để chỉ người nữ có nhan sắc, bởi vì hoa có sự tương đồng với phụ nữ, ít nhất là ở vẻ đẹp. Còn khi nói “tam vị nhất thể” là nói về Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, khái niệm này đâu có sự tương đồng với chim ngói, chim đa đa và chim cuốc. Do đó không thể thực hiện phép ẩn dụ được, còn nếu cố tình so sánh thì đâm ra khập khiễng như tôi đã viết ở phần trên. Vậy, phải chăng ông An Chi đang chế ra loại ẩn dụ thứ tư, gọi là “ẩn dụ dầu gội đầu ba trong một”?

 

- Khi nhắc về Tam vị nhất thể ông An Chi bảo tôi rằng “cái tương ứng với tiếng Pháp Trinité và tiếng Anh Trinity trong tiếng La Tinh là Trinitas, chứ không phải “Trinus”. Còn nếu ông vẫn muốn dùng chữ này, thì phải nói Deus Trinus. Chúng tôi hy vọng ông sẽ không trả lời rằng mình đã viết đầy đủ là Deus Trinus nhưng do lỗi kỹ thuật nên chỉ còn có “Trinus”.

 

Khi nhận định tiếng Latin là Trinitas hoặc gọi là Deus Trinus thì ông Chi đã đúng, tuy nhiên không phải do lỗi kỹ thuật mà tôi viết là “Trinus”, bởi vì ông Chi đã cắt đi chữ “L” trong câu của tôi nên chỉ còn là “Trinus”. Trên thực tế, tôi viết “L. Trinus” là dựa vào câu dưới đây, tôi in đậm chữ L Trinus để ông tiện quan sát:

 

Từ “trinity” được định nghĩa như sau: trinity in this manner “ [state of being threefold, fr. L. Trinus threefold] the unity of Father, Son and Holy Spirit as three person in one Godhead according to Christian dogma”. (trích từ Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, ấn bản lần 11).

 

Thêm một dẫn chứng khác: trong mục “Tam vị nhất thể” của bachkhoatrithuc.vn, người ta cũng sử dụng từ L. Trinus”.

 

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc chữ “Trinus”, vì chữ này vốn là tính từ trong tiếng Latin, một chữ  làm cơ sở để tạo ra danh từ Trinitas. Do đó, để bảo đảm sự chính xác, nếu chú thích “Tam vị nhất thể” hay “Thiên Chúa Ba Ngôi” trong những bài khác, có thể tôi sẽ sử dụng từ Trinitas thay thế cho L. Trinus. Và trong trường hợp thật sự cần thiết tôi sẽ sử dụng những từ tương ứng khác, thí dụ như Dreifaltigkeit (Đức), Trinità (Ý), Santísima Trinidad (Tây Ban Nha), Trindade (Bồ Đào Nha), Teslis (Thổ Nhĩ Kỳ), Αγία Τριάδα (Hy Lạp), Sfânta Treime (Rumani) hay Света Троица (Nga)...

 

- Ông Chi viết: Trong lần trao đổi trước (bài “Không nên lẫn lộn các giống chim”), khi ngữ cảnh cho phép chúng tôi dùng lối nói dân gian thì ông Hiếu lại đem cách gọi khoa học ra để bắt bẻ. Còn ở đây, khi ta dứt khoát phải dùng cách nói khoa học thì ông lại chơi ngôn ngữ … bình dân. Nói mai vàng và mai chiếu thuỷ đều là mai thì cũng giống như nói cá chép và cá heo (động vật có vú) đều là … cá. Đây đâu có phải là khoa học.

 

Thưa ông An Chi, tôi nhắc lại để ông nhớ rằng tôi nhận xét hai loài mai ở Việt Nam là dựa vào  khoa học: mai vàng thuộc chi Ochna, họ Ochnaceae; mai chiếu thủy thuộc chi Wrightia, họ Apocynaceae”. Chúng là hai loài mai, có tên khoa học rõ ràng kia mà. Hai loài này có sự tương đồng với nhau ở chỗ: chúng đều là hai loài cây; trong khi đó cá chép là cá, còn cá heo là động vật có vú. Chúng đâu có sự tương đồng với nhau, thế mà ông lại so sánh chúng với mai vàng và mai chiếu thủy rồi bảo rằng tôi “chơi ngôn ngữ…bình dân”. Ông mới là người chẳng khoa học chút nào!

 

Ông Chi viết: “Theo những chữ in nghiêng trên đây của ông (VTH) thì trước đây Đỗ quyên là cái tên dùng để chỉ các loài chim trong chi Cu cu, tức Cuculus; còn ngày nay nó lại được dùng để chỉ các loài cuốc trong các chi Amaurornis, Porzana thuộc họ Gà nước (Rallidae). (…). Chim cuốc thuộc chi Amaurornis (ĐQNN), còn cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột lại là ba loài thuộc chi Cuculus (ĐQTĐ) thì ta đâu có thể nói “ngang xương” rằng “ở Việt Nam, chim cuốc còn được gọi bằng những cái tên khác là cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột”! Không. Đây chỉ là một cách gọi độc đáo mang nhãn hiệu “Vương Trung Hiếu” mà thôi”.

 

Ông An Chi lại bắt bẻ chi li nữa rồi. Đỗ Quyên chính là chim cuốc, mà “trước đây Đỗ quyên là cái tên dùng để chỉ các loài chim trong chi Cu cu, tức Cuculus”. Khi tôi viết chim cuốc còn được gọi bằng những cái tên khác là cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột là dựa vào Wikipedia tiếng Việt:Chi Cu cu (danh pháp khoa học: Cuculus) là một chi bao gồm 16 loài chim mà trong tiếng Việt ngày nay gọi là cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột v.v.” Vậy tôi viết có cơ sở không? Là một người quan tâm tới ngôn ngữ, lẽ ra ông phải hiểu rằng ý nghĩa của từ có thể thay đổi theo thời gian, chứ không bất di bất dịch. Mặt khác, xin thưa với ông rằng chim cuốc không chỉ thuộc chi (giống) Amaurornis, chúng còn nằm trong chi Porzana nữa. Thí dụ như loài Cuốc lùn (Porzana pusilla), Cuốc nâu (Porzana paykullii), Cuốc ngực nâu (Porzana fusca). Còn “cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột” là những danh từ chung, có thể bao gồm hai loài trở lên hoặc có hai tên khoa học khác nhau, do đó không thể khẳng định cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột chỉ là ba loài thuộc chi Cuculus như ông đã viết. Điều này ông có thể kiểm chứng trong Danh mục chim rừng Cát Tiên (4). Thí dụ: Cu cu đen (Surniculus lugubris) thuộc chi Surniculus. Còn trong Sinh vật rừng Việt Nam (5), hai loài chèo chẹo sau đây không chỉ nằm trong chi Cuculus mà còn nằm trong chi Hierococcyx nữa: Chèo chẹo lớn (Hierococcyx sparverioides), Chèo chẹo nhỏ (Hierococcyx fugax nisicolor Blyth).

 

Cuối cùng, ông An Chi viết: “Mong bạn đọc và ông Hiếu thẩm định”. Vâng, tôi đã thẩm định và trả lời ông, phần còn lại là đánh giá của người đọc.

 

-----------

(1):http://annonymous.online.fr/HVDic/onldic_main.php?PronMode=0&HEXCodes=9E67%209E2A&Traditional=ON&Simplified=ON

(2):http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=55706

(3):http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:vkNXRfIcc7oJ:nguyendu.com.free.fr/langues/%26h196.htm+chim+ng%C3%B3i+%2B+g%C3%A0+g%C3%B4&cd=8&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

(4): http://agriviet.com/file/3-Danh-muc-loai-chim-viet-nam/

(5): http://www.vncreatures.net/chitiet.php?page=1&loai=1&ID=5440

 

 

 

 

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 3186
Ngày đăng: 21.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thuồng Luồng = Cá Sấu = Rồng (?!) - Vương Trung Hiếu
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Thìn Thần Long Rồng Rắn (phần 8A) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 3): Phiêu bạc hay phiêu bạt? - 2 - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 3): Phiêu bạc hay phiêu bạt? - 1 - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 2) - Nguyễn Cung Thông
A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật? - Nguyễn Cung Thông
Phải Chăng Giáo Sư Nguyễn Tài Cẩn Thấy Ngọn Mà Chưa Biết Gốc? - Hà văn Thùy
Ta nói tiếng Việt mà ta không biết - Nguyễn Cung Thông
Vai Trò Của Việc Học Chữ Hán Trong Nổ Lực Nâng Cao Chất Lượng Dạy Học Ngữ Văn Phổ Thông - Trầm Thanh Tuấn
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5A) - Nguyễn Cung Thông
Cùng một tác giả