Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.447
 
Cảm hứng.
Trần Kim Trắc

- Đây! Phăng teo xong cả rồi! Giấy trắng mực đen, thằng chả ký, tôi ký. Qua tòa án là xong ngay, đường ai nấy đi...


Khách là ông Sinh - bạn của cả hai vợ chồng nhà thơ Ý Xuân - ngỡ ngàng, khi nghe chính người trong cảnh ngộ báo tin, không biết cân đo tình cảm thế nào để ứng xử chia vui hay chia buồn.

 

- Bạn không phải lo cho mình. Không vui vẻ thì chia tay để khỏi nhàm chán vậy mà, coi như một dịp để mình có thêm đề tài làm thơ.

 

- Rồi con cái, nhà cửa, tính sao đây?


- Con gái tất nhiên ở với mẹ, cháu năm nay hăm hai, sắp tốt nghiệp đại học. Mẹ con mình vẫn ở đây - lầu 5, chung cư này. Còn ông ấy, cha mẹ mới đi xuất cảnh, để lại cho con cái nhà mặt tiền phố thị, ở tầng trên, tầng dưới cho thuê khỏe re. Mình không quan tâm tới đòi hỏi nhiêu khê, tòa án họ khó đặt bút ký - (cười) Mình vẫn ở lầu 5 này, nhưng từ nay các bạn nhớ phôn trước khi đến, chứ gõ cửa đột ngột e gặp lúc có bồ đến thăm không lẽ giấu vào nhà tắm.



- Vậy ông ấy có tự nguyện không, ai đi dễ dàng để tuột khỏi tay một người đẹp tầm cỡ?


- Hôm mình đưa giấy cho ổng ký, ổng chộp bút ký ngay. Miệng còn nói cám ơn! cô thả con thú hoang về lại với rừng. Ý nói là người đẹp ở ngoài đời không thiếu. Một kiểu tự ái rất đàn ông ấy mà!

 

Cô con gái buông bút từ phòng trong bước ra.

 

- Ba không tự ái đâu mà làm thật đó má! Hôm rồi con có đến thăm ba, thấy trên tầng 2 một phòng triển lãm tại gia treo đặt khung kính toàn là chân dung phụ nữ đẹp. Con hỏi họ là bồ của ba đấy sao? Ba bảo tất cả đều hơn là bạn nhưng không phải chịu trách nhiệm với ai cả vì họ đều đã có chồng. Má đến đó, má cũng phải ghen thôi!

 

- Xí! Đã hiểu cái cố tật của ông rồi còn ghen làm gì nữa cho mệt.



- Nếu muốn tìm ba cháu, bác đến số nhà.... đường....., nhưng bác đừng vào mặt tiền, theo lối ngăn đi riêng ra phía sau, khỏi phải bước qua ngăn bán hàng của người ta, mất công chào hỏi. Bác cứ đi theo con hẻm bên ngoài giữa hai dãy nhà nối liền đường lớn và con hẻm song song. Bác vào ngõ vắng chừng 20 m có trổ một cái cửa hông mới khoét, vừa đủ lách người qua. Nơi ấy ăn thông vào cầu thang để đưa rước bao nhiêu người tình một cách kín đáo.

 

***


Khách phôn trước hẹn đến thăm. Đến giờ hẹn, cánh cửa ngách kéo vào trong, khách theo chân chủ nhà bước lên cầu thang ánh sáng mờ mờ như bước vào một hang động. Lên đến nơi ánh sáng rực rỡ, lầu l một nửa để tiếp khách, một nửa là xưởng họa, giá vẽ, bột màu, cọ sơn, lon hộp, giấy cuộn bừa bãi, đi phải chọn bước.

 

Qua tuần trà, chủ khách đưa nhau lên tầng thượng xem tranh. Bức nào cũng xứng đáng đưa vào gallery hoặc lên bìa báo.

 

- Từng này người đẹp ngồi mẫu cho bạn ư?

 

- Mình hình dung lại để họa thôi. Chỉ khi nào có tiếng gõ cửa đột xuất, không tránh đi đâu được, mới bảo chị em ngồi khỏa thân trên ghế làm mẫu, tự nhiên như thật thôi, ai bắt tội mình được. Họa sĩ đang làm việc mà! Giữa đàn ông với nhau cả, mình không giấu ông, bồ ruột phôn là tới, tất cả của mình đó.

 

- Từng này người cơ à! Đáng nể thật đấy.

 

- Mình vừa phát hiện ra một chân lý: Ai hay đàn ông ly hôn lại có giá! Mình râu tóc xồm xoàm, có ga -lăng, đẹp trai đâu, cũng chẳng biết làm thơ tình như cô ấy, ăn nói như bổ củi, hồi nào muốn chinh phục một cô nàng khó còn hơn tìm tiên. Bây giờ chỉ có một miếng mồi thả câu: “Vợ mình bỏ mình rồi, hôm nào đến nhà mình nhé!” “Địa chỉ của mình đây. Đi bộ tới, đừng đem xe theo!” “Chỉ thế thôi mà có tiếng gõ cửa - Ăn mày tình yêu cũng phải biết làm động lòng để cho người ta thương hại chứ!

 

- Thú thật! mình bị cú sốc quá lớn khi bất ngờ hay tin hai bạn chia tay. Chị ấy xinh đẹp và thanh lịch hiếm có, là nhà thơ lại là nhà nghiên cứu có thể đăng đàn diễn thuyết. Sao bạn bỏ uổng vậy?

 

- Ai chẳng dại một lần để suốt đời phải trả giá. Không biết mới lầm, bây giờ rõ lại... thôi. Hồi cưới nhau, mình tự hào là kẻ giỏi tìm hiểu. Đụng vào cảnh ngộ mới hay mình dốt. Hồi ấy lớn lên mà tự khoác cho mình vai trò tìm hiểu có khác nào tự đặt lên vai một ba lô hành lý về nghệ thuật hiểu người. - Làm như anh là cán bộ tổ chức không bằng! (cười). Mà có tìm hiểu cái quái gì - Si tình, khoái quá nhảy đại vào thôi mà! Tình yêu làm gì có lý lẽ, nó thuộc về trái tim loạn nhịp. Tôi hỏi anh, bây giờ anh vợ con đề huề, hạnh phúc xanh tươi, vậy kinh nghiệm tìm hiểu của anh hồi đó như thế nào?

 

- Không hơn gì anh đâu! Nếu tôi nói thật tất cả về tôi, có lẽ bà ấy dứt khoát không đồng ý. Không có nhầm lẫn làm sao có hôn nhân? 

 

Sự nhầm lẫn có lẽ đỡ nghiêm trọng hơn, nên ta trở lại với câu nói của Baudelaire: “Thế giới con người chỉ tiến bước bằng sự hiểu lầm. Và chỉ nhờ sự hiểu lầm mà con người đồng thuận. Nếu không may người ta hiểu rõ nhau người ta không thể hòa hợp được”.

 

Chất liệu để đến được với hôn nhân là sự nói dối. Năm mươi/năm mươi, anh là một nửa của em, em là một nửa của anh, còn một nửa kia để ở đâu?

 

Cửa ngách không chốt nên Thu Minh- con gái của họa sĩ - đến tự lúc nào đứng chỗ khuất đợi nghe câu chuyện, cô bất ngờ xuất hiện:

 

- Thưa bác! Cháu thấy ba cháu họa nhiều chân dung phụ nữ, nhưng giá ba cháu tự họa chân dung của mình với tất cả tính cách và ham muốn...

 

Họa sĩ sững người nhìn con gái.

 

- Dễ thôi con ạ! Bột màu xám thiếu gì, ba sẽ tô thêm dưới bức chân dung tự họa một bóng đen. Nếu cần sẽ viết thêm cái bóng ấy hai chữ ích kỷ, chữ in. Ngôi nhà một người ở này của ba phủ một màu cô đơn. Kẻ cô đơn có khác nào một ẩn sĩ lều tranh. Xưa nay thánh nhân, chính khách mưu lược thường xuất hiện từ những túp lều cô đơn, tư tưởng lớn tích tụ từ sự suy nghiệm trong cô đơn ấy để thiên hạ đi cầu đi rước. Có cô đơn mới trở thành triết gia để được nhìn lại chính mình. Anh ạ, trong cái ý ta vừa bàn “có nhầm lẫn mới có hòa hợp” có cả sự nhầm lẫn với chính mình nữa.

 

- Má nói với con một nhận xét mà chính ba cũng không dám nói ra - không biết con có nên nói không.

 

- Được, con cứ nói!

 

- Khi con nói với má lúc này ba chuyên họa chân dung người tình, má hỏi mái tơ hay mái già. Con thấy sao nói vậy, đều trên tuổi băm, nhiều bà bốn mươi nhưng còn đẹp, không có thiếu nữ. Má buông một câu: “Không là mệnh phụ hồi xuân cũng là bà góa phải không? Một kiểu ranh ma rất đàn ông: Ngoại tình với gái có chồng nhỡ có gieo bầu cũng là con người ta do vợ người ta sinh ra, khỏi lo. Dại gì bồ nhí gái tơ nhỡ mang bụng bầu thì lãnh đủ”.

 

Người cha không rời khỏi ghế, nhưng lắc đầu thở ra. Má mày tinh lắm, cái gì cũng thấy như moi ruột gan người ta để ra ngoài.

 

- Đây rồi - người bạn lên tiếng- Nguyên nhân xa nhau đưa đến ly hôn là chỗ này. Hồi trước còn hiểu nhầm nên cưới nhau, còn bây giờ hiểu nhau quá rồi nên chối bỏ nhau chứ gì? Người phụ nữ như vợ ông vừa là nhà thơ vừa là nhà xã hội học, hồi còn trẻ thơ ca tươi tắn nhưng chưa nồng, thời gian nâng thơ phú lên tầm cỡ điêu luyện, tâm lý con người hiểu như đi guốc vào tâm địa người ta, nói xin lỗi, chị ấy vẫn giữ cái cá tính bản năng là người phụ nữ hay tranh tụng, nên ông ló ra thói gì là bà ấy bóc trần ra ngay, ông cứng họng nên nổi khùng - đàn ông chịu không nổi nếu biết mình không còn được tin cậy. 
Hồi chưa cưới nhau thì đường mật sơ-ri, bà chúa của lòng anh, cục cưng... cưới nhau về rồi là bà xã, bà chằn, mụ ấy, lão ấy, hắn ta. Lúc ấy người ta mới nói thật, mà hiểu sự thật thì hôn nhân biến thành bong bóng xà phòng.

 

Trong tình yêu của người đàn ông, chính giác quan đòi hỏi thèm khát chi phối, sự hấp dẫn tình ái và nói chung tình yêu chinh phục, tình yêu chiếm hữu, tình yêu ích kỷ và tất cả thứ tình ngoài lý trí.

 

Vì tình yêu đàn ông bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài ưa thích, say mê bóng dáng yêu kiều, sự làm duyên, lời ăn tiếng nói...

 

Còn người phụ nữ được chinh phục bởi vóc dáng cây tùng cho mình núp bóng hoặc bị hấp dẫn vì tài hoa “một nét cọ thôi đã phác thảo được bóng của nàng trên trang giấy”, có đầu óc thông minh hoặc có chiến công hiển hách, nhưng làm sao thấy được những tính chất bản năng được che đậy rất kỹ.

 

                                                            ***

Thu Minh về nhà hỏi mẹ, vì bà là nhà thơ nên cô mượn thơ ca người xưa.

 

- Mẹ ơi! Có phải: Ầu ơ! Ở xa không biết mới lầm - Bây giờ rõ lại nên... mẹ đã bỏ ba phải không?

 

- Cần gì phải rõ lại, tự ổng bộc lộ chân tướng mình thôi. Bây giờ tự do trong cô đơn rồi, càng hiện nguyên hình là lười biếng, ham hưởng thụ và ích kỷ.

 

- Nhưng mẹ có cái sai vì hồi ấy còn trẻ tuổi, là được cưới nhau rồi là đã chủ quan cho rằng tìm hiểu xong rồi, sau hôn nhân không cần tiếp tục tìm hiểu nữa để đóng cửa dạy nhau cùng hoàn thiện, đến chừng rõ lại rồi mới hay là hết thuốc chữa.

 

Thu Minh cầm tập thơ mới in của mẹ, nâng niu trong lòng tay:

 

- Con đã đọc tập thơ mới này của mẹ rồi. Nhiều ý tưởng hơn các tập trước nhưng không thấy thích bằng các tập trước. Con cảm thấy nội dung tập này tính nhiều, tình ít, trách nhiều hơn yêu, có phải cảnh ngộ sau ly hôn chi phối cảm xúc của mẹ?

 

- Con này! Phê phán như bà cụ non!

 

- Con sắp tốt nghiệp khoa báo chí rồi mà mẹ. Con đang lấy trường hợp của ba mẹ để làm gương soi cho tương lai đấy!

 

***


Một hôm Thu Minh đến thăm cha, thấy trong ngăn kéo của ông có một đôi giày trẻ con ba tuổi - trong lòng sinh nghi. Sau đó khi lái xe qua đường Trương Minh Giảng trông thấy chiếc xe hai bánh màu đỏ trông quen quen dựng dài dài theo bãi giữ xe trước nhà trẻ. Trờ tới một đoạn lại thấy cha đang ngồi trong quán cà phê gần đó. Cô dừng xa nấp sau cái ô tô đi đón trẻ quan sát. Bốn giờ mười lăm phút, bảo vệ mở cổng. Bố mẹ nào vào đón con ấy. Cô thấy cha mình cầm cái hộp đựng giày trong tay dừng ngoài song sắt bờ rào nhìn vào. Một đứa bé rời tay mẹ chạy đến bước lên cái nấc thang chơi cầu trượt. Mẹ chờ con một lúc mới dắt tay dẫn đi. Cô thấy cha xô tới định ôm bé vào lòng, nhưng người mẹ nghiêm nét mặt kéo con tránh đi, ra hiệu bằng ánh mắt về phía bên kia lề đường - có người đàn ông là cha cháu đang ngồi trên yên chờ. Ông như người bị hụt hẫng, săm soi gói quà trong tay đau khổ vì máu mủ của mình nhưng là con người ta, ông đến lấy chiếc xe màu đỏ ra phóng đi.

 

Cô con gái đến nơi thấy ông nằm dài trên ghế sô - pha, buồn rười rượi.

 

- Ba làm sao vậy, ba ốm à?

 

- Ốm đau gì đâu!

 

Cô nhìn thấy hai chiếc giày trẻ con buộc dính vào nhau treo trên giá vẽ.

 

- Ba mua giày tặng ai mà treo ở đây?

 

- Cứ để yên đó. Chuyện của ba, con đừng mó vào!

 

- Vậy con về đây!


Thu Minh xách túi bước ra, tiếng dép khua theo cầu thang.

 

Ông nén nỗi đau thầm kín chồm lên hé cửa sổ nhìn xuống ngõ hẻm, theo dõi con dắt xe ra với nỗi đau thầm kín - Không rõ con có giận mình không? Dù sao cũng là em của nó kia mà!

Chuyện gia đình giữ cho trong gia đình mình biết thôi đã là khó, chuyện riêng tư giữ cho mỗi mình biết thôi càng khó hơn. Sự thật chết mang theo xuống mồ ấy nó cứ ro rại trong lương tâm, nghĩ tới là tăng huyết áp. Còn con gái ruột của ông, nay mai tương lai sẽ là nhà báo, hằng ngày sáng chiều đúng giờ là nó nắn ghi - đông cho xe dong ruổi qua con đường cổng nhà giữ trẻ quan sát xem trong bãi giữ xe có chiếc xe hai bánh màu đỏ, xem bố nó có ngồi quán cà phê cóc chờ giờ đưa đón trẻ? Nếu phát hiện ra là nó dừng lại nấp ở một nơi để xoi mói tìm sự thật, không phải để đăng báo mà để chia sẻ nỗi đau máu chảy ruột mềm. Nó thấy ông lần đến song sắt hàng rào đứng ngoài nhìn vào để dõi theo cái mầm sống do mình gieo lớn lên từng ngày, trong khi mẹ nó lôi nó đi nhanh để tránh đối diện với ông vì sợ chồng mình phát hiện.

 

Ngoại tình là vụng trộm, nhưng đến chết nó vẫn là sự thật, nó cần được che đậy như ôm một căn bệnh nan y, ôm trong người thì đau đớn, còn mổ xẻ giải phẫu lấy ra e tánh mệnh khó an toàn.

Thôi đành cứ để mọi người sống với ta qua sự hiểu nhầm vậy?.


***


Giữa đêm lặng, dưới ánh đèn bàn, nhà thơ Ý Xuân ngồi trước trang giấy. Viết được hai câu nhập đề, cô đặt bút xuống, luồn cả mười ngón tay vào mái tóc, đọc đi đọc lại dòng chữ từ ngòi bút do chính tay mình vẽ ra.

 

Con mình mà vợ người ta


Ngậm nghe thì khổ, nói ra đau lòng.



Bất giác nhà thơ nhớ tới lời con gái. “Con đã đọc tập thơ mới in của mẹ, nhiều ý tưởng hơn nhưng đọc không thấy thích bằng những tập trước, chẳng lẽ bi kịch gia đình đã nắn dòng cảm xúc của mình sang một khuynh hướng khác đắng cay và hận đời.

 

Cô vò tờ giấy vất vào sọt rác: “Chẳng lẽ thơ mình biến thành loại thơ châm biếm tầm thường! Cảnh ngộ éo le đã làm vẩn đục tâm hồn trong sáng khi làm thơ của mình rồi ư?

Chiều hôm sau, như thường lệ, cô con gái nắn ghi - đông đi qua trước cổng nhà trẻ, cô vẫn phát hiện chiếc xe màu đỏ và bố đang ngồi chờ. Nép vào sau cái ô tô đi đón trẻ, cô thảng thốt thấy mẹ mình đứng lẩn vào giữa các bà mẹ đi đón con. Khi cánh cổng mở, mẹ cũng vào như mọi người nhưng đến chỗ con voi phục bằng đá gần cầu trượt, bà đứng đó đợi chờ.

 

Theo thói quen khi mẹ dắt tay ra đến nơi, cậu bé rời tay mẹ chạy theo vòng xoắn ốc lên cao. Khi sắp bắt đầu trò chơi, bé nhìn xuống thấy nụ cười của người phụ nữ làm quen đang vẫy tay cho em lấy lòng can đảm. Bé hồ hởi đáp lại qua nét mặt rạng rỡ. Bé ngồi xuống, thõng hai chân ra trước tự thả trôi. Bé lập tức được đón vào lòng tay của nhà thơ: “Bé ngoan lắm, giỏi lắm, xinh lắm. Cháu mấy tuổi)?

 

Mẹ của cháu sung sướng thấy có người yêu thích con mình.

 

- Nào ngoan, nói đi con...

 

- Thưa cô, con ba tuổi.

 

- Chị cho phép tôi chụp cho cháu tấm ảnh kỷ niệm.

 

Người mẹ phủi bụi cho con, sửa áo xống cho đẹp.

 

- Xong rồi! Đẹp lắm! Nào lại đây cô bế, cho mẹ xách các thứ.

 

Chị bế bé theo mẹ cháu băng qua đường đến nơi người chồng đang ngồi trên yên, vô tư chờ đợi. Chị đặt lên má bé một nụ hôn, giao cháu lại cho mẹ, chào từ giã rồi mở cửa bước vào chiếc taxi đang chờ với mặc cảm tội lỗi vì mình đã thả con thú hoang về rừng.

 

Trong lúc ấy, họa sĩ đứng nhìn qua song sắt hàng rào, chứng kiến toàn cảnh không bỏ sót chi tiết nào.

 

Một bàn tay đặt lên vai ông - ngoái lại, ông nhìn thấy con gái mình. Nó an ủi ông: Không sao đâu ba, má chỉ tìm lại cảm hứng để làm thơ.

Trần Kim Trắc
Số lần đọc: 2276
Ngày đăng: 30.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bức tranh để lại - Anh Đức
Chuyến lưới máu - Anh Đức
Khơi mạch - Anh Động
Bên hàng Cù Oanh - Anh Động
Nhầm lẫn - Hoàng Thu Dung
Trúng số - Hoàng Thu Dung
Không phải là trò chơi - Hoàng Thu Dung
Tóc ngắn - Minh Châu
Bạn đồng hành - Minh Châu
Cây thước kẻ của thầy Hiệu trưởng - Phương Nam
Cùng một tác giả
Cảm hứng (truyện ngắn)
Kẻ trộm tình (truyện ngắn)
Ông thối bà thiu (truyện ngắn)
Thư đi thư lại (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Con cá bặt tăm (truyện ngắn)
Ừ đi! Ừ! (truyện ngắn)
Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn)
Cảm hứng. (truyện ngắn)
Trực giác (truyện ngắn)
Con mắt thứ ba (truyện ngắn)