Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.466
 
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 8
Đỗ Tư Nghĩa

PHẦN V: ƯỚC MƠ &  MỤC ĐÍCH.

 

49. NHỮNG GIẤC MƠ LỚN.

 

Đôi khi, những ước mơ của tôi có vẻ như không thể nào thực hiện được.

 

Đó là điều có thể hiểu được. Cố vấn tinh thần của tôi, ông Toda, đã một lần bảo tôi, “ Việc giới trẻ nâng niu những giấc mơ mà có vẻ như hầu như quá lớn, là hoàn toàn tốt đẹp.  Cái mà chúng ta có thể thành tựu trong một kiếp người, luôn luôn là một mảnh nhỏ của cái mà ta muốn thành tựu. Bởi vậy, nếu bạn khởi hành với những hy vọng quá nhỏ bé, thì, có thể, sau cùng bạn sẽ không thành tựu được gì cả.”

 

Dĩ nhiên, nếu bạn không làm những nỗ lực nào, thì những giấc mơ của bạn sẽ không đưa lại cái gì ngoài những mộng tưởng đơn thuần. Nỗ lực, sự làm việc chăm chỉ, cái đó là chiếc cầu nối những giấc mơ của bạn với thực tại. Những ai nỗ lực đều đặn, họ sẽ ngập tràn hy vọng. Và hy vọng, đến lượt nó, khởi sinh từ những nỗ lực không ngừng. Hãy ôm giữ những giấc mơ của bạn, và tiến về phía trước càng xa càng tốt. Hãy khởi hành bây giờ, trong khi bạn còn trẻ.

 

 

50. ĐẠT TỚI TIÊU ĐIỂM.

 

Tôi không chắc về cái mà tôi muốn làm với đời tôi. Làm thế nào tôi có thể trở nên tập trung hơn?

 

Mặc dù không chắc chắn về tương lai của bạn, đó là điều tự nhiên; song điều hệ trọng, là bạn hãy cố đạt được một cái gì đó – bất cứ cái gì. Ý nghĩ về cái đó có thể gây cảm giác bị tràn ngập. Nhưng như một câu châm ngôn cổ xưa, “ Cuộc hành trình một vạn dặm bắt đầu với một bước đi đơn lẻ.” Việc khám phá ra những cùng đích và những giấc mơ của chúng ta bắt đầu với bước đầu tiên : quyết định tìm kiếm chúng. Từ đó, ta tiến hành từng bước một – nhích dần từng chút qua những nỗ lực hằng ngày.

 

Ngôi sao chạy bộ Emil Zatopek của Tiệp Khắc, người đoạt giải cuộc đua Marathon Olympic dành cho nam vào năm 1952, thấy sự luyện tập của mình quá vất vả, đến nỗi nhiều lúc anh ta thường nhủ thầm, “ Mình chỉ cần chạy tới được tới cái cột điện kế tiếp.” Rồi, khi tới đó, anh ta lại tự nhủ thầm, “ Ồ, mình chỉ cần tới được cái cột điện kế tiếp,” và tự đẩy mình xa thêm một chút nữa. Những nỗ lực kiên trì này, để tự thách thức mình, sau cùng dẫn anh đến thắng lợi.

 

Bởi vậy, hãy làm một cái gì đó! Hãy bắt đầu một cái gì đó! Trong khi nỗ lực kiên trì, bạn sẽ bắt đầu thấy những mục đích của bạn hiện như là tiêu điểm. Bạn sẽ khám phá ra sứ mệnh của bạn – cái sứ mệnh mà chỉ riêng bạn mới có thể chu toàn.

 

Thật là quan trọng, chẳng hạn,  để phát triển những kỹ năng trong những lãnh vực mà bạn ưa thích. Cái chìa khóa là có một cái gì đó mà bạn có thể tự hào về, một cái gì đó mà bạn sẵn sàng thử thách. Nó có thể là việc xuất sắc trong toán học, một ngoại ngữ, một môn thể thao, một hoạt động ngoài chương trình, kết bạn hay làm công việc tình nguyện. Những người xung quanh bạn thường biết bạn nhiều hơn bạn tự biết mình. Do vậy, nếu bạn có đủ dũng cảm để hỏi xin lời khuyên của họ, thì bạn có thể tìm thấy những cánh cửa dẫn vào những khả tính mới, mở ra một cách không mong đợi.

 

Người có những mục đích vững chắc, là người ở phía trước rất xa so, với người không có mục đích nào. Đặt ra những mục đích, là khởi điểm mà từ đó bạn bắt đầu kiến tạo đời bạn. Cho dù những mục đích của có bạn thay đổi trong khi bạn bước đi, thì chúng cũng không kém phần quan trọng. Tuổi trẻ là thời gian phấn đấu để phát triển và tự định hình mình, một thời để thử thách và rèn luyện về mặt tâm linh, tri thức, và thể lực.

 

Một nền tảng vững chắc là cốt tủy cho mọi sự. Không có tòa nhà nào có thể đứng được, nếu không có một nền móng. Trong cuộc đời, điều tương tự cũng đúng. Và thời gian để xây dựng cái nền móng đó là bây giờ, trong tuổi trẻ của bạn. Như nhà văn Pháp Romain Rolland đã ghi nhận rằng, một kim tự tháp không thể được xây từ chóp xuống.

 

 

51. ĐỦ TRÍ LỰC.

 

Nếu tôi không đủ trí lực để thực hiện những giấc mơ của tôi, thì sao?

 

Người ta nói rằng, tối đa chúng ta chỉ dùng khoảng ½ trong số những tế bào não của ta trong suốt đời ta. Vài học giả thậm chí còn chủ trương rằng, chúng ta chỉ dùng dưới 10% trong số chúng. Nói khác đi, hầu như không có ai dùng bộ não của mình đến hết tiềm năng của nó.

Tôi cũng đã nghe nói rằng, bộ não tiếp tục tăng trưởng cho đến những năm đầu của tuổi 20. Về mặt đó, thì ta phát triển trí năng của ta được bao nhiêu trước độ tuổi 20,  việc ấy sẽ ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của đời ta – mà việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của những năm niên thiếu của ta.

 

Dĩ nhiên, toàn bộ tương lai ta không tùy thuộc vào những điểm số của ta tại trường, cũng như những con điểm tốt của ta không tự động bảo đảm hạnh phúc, và những con điểm tồi không chắc là sẽ đưa tới sự bất hạnh.

 

Bạn không được phép tự hạ thấp chính mình. Tiềm năng con người là một điều kỳ diệu. Nếu bạn tự nhủ thầm rằng, bạn không đủ trí lực, thì bộ não của bạn sẽ thực sự trở nên lười biếng. Thay vào đó, hãy tự nhủ với xác tín rằng, “Bộ não của tôi đang ngái ngủ bởi vì tôi hầu như không sử dụng nó. Do vậy, nếu tôi chỉ cần làm một nỗ lực nào đó, tôi có thể làm bất cứ điều gì.” Trong thực tế, điều này đúng. Bạn càng sử dụng bộ não của mình, bạn càng trở nên thông minh hơn.

 

52. HÃY ĐI THEO TIẾNG GỌI

                TRÁI TIM BẠN.

 

Đôi khi tôi đâm ra bối rối giữa cái mà những người khác muốn cho tôi và cái tôi muốn cho chính mình.

 

Nhiều lần bố mẹ – hay bạn hữu có thiện ý –  có thể cố thuyết phục bạn đặt ra một mục đích mà với nó bạn không cảm thấy thoải mái. Mặc dù họ có thể có trong trí những điều mà bạn quan tâm nhất – và rất cần phải biết cám ơn họ và xem xét cái mà họ nói – nhưng bạn phải lắng nghe trái tim của chính bạn.

 

Điều quan trọng nhất, là bạn có thể hiện thực hóa những tiềm năng của bạn tới mức nào, và bạn có thể đóng góp bao nhiêu vào hạnh phúc của kẻ khác. Để làm điều này, bạn phải rèn đúc một cá tính mạnh mẽ. Bạn cần xây dựng cho mình một nền tảng và trở nên mạnh mẽ.

 

Bạn có thể nói rằng, bạn muốn có một gia đình hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải được đặt xuống cho bạn trên một cái đĩa. Bạn sẽ trở nên hạnh phúc chừng nào bạn phát triển được một cái “lõi nội tâm” (inner core) mạnh mẽ. Bạn có thể nói rằng, bạn muốn trở thành một người nhân ái, nhưng để thể hiện lòng nhân ái thực thụ, bạn phải mạnh mẽ.

 

Thật là quan trọng, nếu bạn nếm trải niềm vui có được do sống với những nguyện vọng tươi mới, và thường xuyên tăng trưởng, trong khi bạn phấn đấu để thực hiện những giấc mơ và những mục đích mà bạn đã quyết tâm theo đuổi. Nói khác đi, ta phấn đấu để đạt tới cái bản ngã tốt đẹp nhất của mình khi theo đuổi một mục đích vốn cho phép ta phát triển viên mãn và tận dụng cá tính độc đáo của ta.

 

Ta có thể sống một cuộc sống viên mãn khi ta làm việc để tiến về một mục đích lớn. Lãnh tụ chính trị và tinh thần của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, là một tấm gương tuyệt vời. Khi còn là cậu bé, Gandhi rất hay cả thẹn. Luôn bị ám ảnh bởi những tên trộm, những bóng ma, và những con rắn tưởng tượng, ông không thể ngủ mà không để đèn sáng. Hướng nội, luôn lo lắng rằng người ta sẽ trêu cợt mình, ông phấn đấu để thóat khỏi nó trong nhiều năm, và đã gặp nhiều thất bại. Và tuy thế, như chúng ta đã biết, Gandhi tiếp tục con đường của mình, và trở thành lãnh tụ vĩ đại của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, và cũng là biểu tượng toàn cầu cho việc đạt tới hòa bình bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động.

 

53.  ĐỪNG BAO GIỜ BỎ CUỘC.

                                           

A. Một đôi khi, tôi thật khó mà tiếp tục bước đi khi vấp phải quá nhiều trở ngại.

 

 

Nếu có những giấc mơ lớn, bạn sẽ không bị bị chao đảo bởi những cú va vấp nhỏ trên đường. Ngay cả khi bạn chịu một thất bại, nếu bạn có thể giữ những mục đích của mình,  thì bạn vẫn có thể có những lý do để không bỏ cuộc. Hãy tiếp tục tiến lên, cho dù nhiều lúc bạn cảm thấy, “ Tôi không thể đi xa hơn được nữa.”

 

Sự “bại trận” trong đời là gì? Nó không chỉ đơn giản là phạm một sai lầm; bại trận có nghĩa là bỏ cuộc giữa khó khăn. Thành công thực thụ trong đời là cái gì? Thành công thực thụ có nghĩa là chiến thắng trong cuộc chiến với chính bạn! Những ai kiên trì trong sự theo đuổi những giấc mơ của mình, bất luận những rào cản nào, là những kẻ thắng cuộc trong đời, bởi vì họ đã khắc phục được những nhược điểm của họ.

 

Từ chối đứng lên có nghĩa là bại trận. Những kẻ chiến thắng thực thụ, là những người đứng lên mỗi lần họ ngã xuống.

 

Bạn tôi, Orlando Cepeda, là một vận động viên bóng chày xuất sắc, nổi tiếng trong nhiều năm, chơi chủ yếu cho San Francisco Giants. Vào năm 1958, anh là vận động viên trẻ xuất sắc của năm; và năm, 1967, là vận động viên xuất sắc của hiệp hội bóng chày quốc gia. Anh đạt thành tích tổng cọng 379 home run [1] và được chọn 11 lần để chơi trong  trận đấu toàn ngôi sao (all – star game).   Anh là một trong những cầu thủ “đáng gờm” nhất trong những hiệp hội bóng chày có đẳng cấp vào những năm ’60. Mọi người đã nghĩ rằng, anh sẽ vào được Nhà Danh Dự (The Hall of Fame). [2] Nhưng sau khi giải nghệ,  có một bước ngoặt đã đưa anh tới chỗ tồi tệ. Anh bị bắt vì tội sử dụng ma túy.

 

Bạn không thể vào Nhà Danh Dự chỉ đơn giản bằng cách có một kỷ lục bóng chày siêu đẳng. Phẩm chất, nhân cách cũng được xem xét trong quá trình bình chọn và xét duyệt. Sau khi bị bắt giữ, Orlando hoàn toàn bị bỏ quên bởi hội đồng xét duyệt của Nhà Danh Dự.

 

Vào năm 1982, một người bạn giới thiệu tư tưởng của Nichiren cho anh. Một thử thách mới bắt rễ trong đời anh khi anh học cách đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ từ bỏ những giấc mơ của mình. Anh không chỉ dốc sức vào việc thay đổi đời riêng của mình, để trở thành tốt hơn, mà còn giúp những người trẻ bắt đầu lại đời mình. Anh không bao giờ đánh mất ước mơ sẽ vào được Nhà Danh, nhưng cái lý do đằng sau nó đã thay đổi. Anh muốn vào trong Nhà Dan Dự như là một tấm gương để động viên người khác cải thiện đời mình. Orlando kết giao với nhiều bạn và có nhiều đóng góp cho The Giants như là một loại đại sứ thiện chí, nhất là anh khuyến khích nhiều cầu thủ trẻ thuộc khối Latin. Những nỗ lực kiên trì  của anh để cải thiện đời mình được công nhận bởi Hội Đồng Nhà Danh Dự – hội đồng này gồm một nhóm chủ yếu là những nhà báo thể thao, cầu thủ bóng, và ủy viên chấp hành các đội bóng – và vào năm 1999, anh được vẻ vang có tên trong Nhà Danh Dự.

 

B.  Tôi có thể nói gì với những bạn tôi, họ bỏ cuộc khi đối mặt với một vấn đề?

 

Trước hết, bạn có thể động viên họ rằng, nếu họ biết vấn đề [khó khăn] của họ là cái gì, thì họ đã đi được nửa đường trong việc giải quyết nó.

 

Người ta có khuynh hướng thiếu ý chí. Đi theo con đường ít trắc trở nhất, đó là bản chất con người. Một phương pháp mà bạn có thể gợi ý cho những ai thiếu ý chí hay động cơ nội tại,  là mỗi lúc hãy tập trung trên một nhiệm vụ – nó có thể là bất cứ cái gì – và bám theo nó cho đến khi họ đã tuyệt đối thoả mãn rằng, họ đã làm hết sức mình. Bước đầu tiên dẫn đến bước kế tiếp.

 

Cuộc đời là một cuộc đấu tranh trường kỳ với chính mình. Nó là một trò kéo co giữa việc tiến về phía trước hay quay lại phía sau, giữa hạnh phúc và bất hạnh. Những cá nhân xuất chúng, họ không trở nên vĩ đại qua một đêm. Họ tự đặt mình vào kỷ luật để vượt qua những nhược điểm, khắc phục sự thiếu nhiệt tình và thiếu động lực cho đến khi họ trở thành những kẻ chiến thắng thực thụ trong đời.

 

54. CỦNG CỐ QUYẾT TÂM CỦA BẠN.

 

Tôi cảm thấy có sự giảm sút trong quyết tâm và sự sốt sắng làm việc chăm chỉ của mình.

 

Bất cứ ai mà đã từng làm một quyết tâm,  thì họ cũng dễ thấy rằng, sức mạnh của lòng quyết tâm đó phai nhạt đi với thời gian. Cái khoảnh khắc mà bạn cảm thấy sự quyết tâm của mình bị sa sút, hãy làm một quyết tâm mới. Hãy tự nhủ thầm, “Không sao, mình sẽ khởi đầu lại từ bây giờ!” Nếu bạn ngã xuống 7 lần, hãy đứng dậy lần thứ 8 để tiếp tục. Đừng bỏ cuộc khi bạn cảm thấy nản chí – hãy đơn giản tự vực mình lên và làm mới quyết tâm của bạn. Quyết tâm của ta đôi khi có thể chao đảo, nhưng điều quan trọng là ta không đâm ra nản chí và bỏ cuộc mỗi lần như vậy. Nhận thức rằng mình đã trở nên lười biếng, là bằng chứng rằng ta đang phát triển.

 

 

55. TẦM QUAN TRỌNG CỦA

            LÒNG DŨNG CẢM.

 

Đôi khi tôi sợ phải theo đuổi điều tôi muốn.

 

Lòng dũng cảm là rất quan trọng. Việc ta có lòng dũng cảm  hay không,  có một ảnh hưởng rất to lớn trên tương lai đời ta. Người có lòng dũng cảm là người hạnh phúc.

 

Nói thẳng ra với một người bạn mà bạn cảm thấy họ đã phạm một sai lầm, giúp một người đang gặp khó khăn, thậm chí nêu những câu hỏi trong lớp – những điều này có vẻ như chỉ là những điều vặt vãnh, nhưng thực ra, chúng rất hệ trọng. Những điều nhỏ bé cũng có tầm quan trọng của chúng. Tuy vậy, cái có vẻ như là một hành vi dũng cảm bé nhỏ, cũng là lòng dũng cảm. Điều quan trọng là sẵn lòng đi một bước về phía trước.

 

Nếu người lớn có những vấn đề, thì giới trẻ cũng vậy. Chừng nào mà ta còn sống, ta sẽ đối mặt với đủ loại vấn đề. Nhưng bất luận cái gì xảy ra, ta chỉ đơn giản phải sống với lòng dũng cảm và dũng mãnh tiến lên, luôn hướng về tương lai. Không ai có thể thóat khỏi những thực tế của đời thường. Cuộc đời và thế giới mà ta đang sống, giống như một biển cả bão táp; ta phải làm con đường của mình qua đó, bị va đập bởi bởi đủ loại kinh nghiệm. Đây là một phần không thể tránh của số phận con người..

 

Tất cả chúng ta đều có những hy vọng và ước mơ của riêng ta, cách sống của riêng ta, những lý tưởng và niềm vui riêng, những nỗi khổ, những nỗi đau, phiền muộn của riêng ta. Cho dẫu những giấc mơ của ta có tuyệt vời đến mấy đi chăng nữa, những lý tưởng của ta có cao cả mấy đi chăng nữa, những niềm hy vọng của ta có lớn mấy đi chăng nữa, thì, sau cùng, ta cần lòng dũng cảm để biến nó thành một hiện thực – khi đối mặt với những khổ đau và trở ngại. Bất luận cái gì xảy ra, ta phải tiếp tục sống, và tiếp tục làm việc để tiến về phía những lý tưởng và những mơ ước của mình. Những ý tưởng hay những kế hoạch lớn nhất của ta, lòng từ bi vô biên của ta đối với người khác – tất cả những điều này sẽ không đi tới đâu, trừ phi ta có lòng dũng cảm đưa nó vào hành động. Không có hành động, thì như thể là chúng chưa bao giờ hiện hữu.

 

Những người dũng cảm  là những người có sức mạnh để dũng mãnh tiến về phía trước, một cách trầm tĩnh băng qua những thăng trầm của đời, và tiến một cách vững chắc về chóp đỉnh của những mục đích và ước mơ mà họ đã chọn. Lòng dũng cảm là một tài sản hùng mạnh. Những ai thiếu dũng cảm, sẽ đi lạc khỏi con đường đúng đắn và ngã quỵ trước sự vô cảm, tính tiêu cực và những lối đi có tính hủy hoại. Họ chạy trốn khó khăn, chỉ tìm cách sống cuộc đời tiện nghi dễ dãi. Do vậy, những ai thiếu lòng dũng cảm, sẽ không thể tận tụy cho hạnh phúc của người khác, cũng như không thể tự cải thiện mình, hay thành tựu cái gì quan trọng hay bền vững. Có thể nói, cái đầu máy của họ đã bị hỏng.

 

Nhà thơ Goethe của Đức tuyên bố rằng, mất tài sản và thanh danh thì không quan trọng, bởi vì bạn luôn có thể bắt tay vào việc thu hồi lại chúng; trái lại, mất lòng dũng cảm  là mất hết mọi thứ. Trong một bài thơ nhan đề, “ Zahme Xenien VIII”, ông viết:

 

Tài sản bị mất – mất ít!

Chỉ tự mình phản tỉnh

Và kiếm những cái mới.

Danh dự bị mất – bị mất nhiều!

Chỉ cần kiếm một danh tiếng tốt

và người ta sẽ đổi cách nhìn của họ.

Lòng dũng cảm bị mất  -  mất tất cả!

Tốt hơn, thà đừng bao giờ được sinh ra đời.

 

Nếu bạn huy động lòng dũng cảm của bạn để thử thách một cái gì đó, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Sẽ buồn biết bao, nếu bạn trải qua đời mình, với niềm mong ước, “Ước chi tôi đã có thêm một chút dũng cảm.” Bất luận cái kết quả như thế nào, điều quan trọng là đi một bước về phía trước trên con đường mà bạn tin là đúng. Không cần phải lo lắng về những gì mà kẻ khác có thể nghĩ về bạn. Dù thế nào đi nữa, đó là cuộc đời của bạn. Hãy sống thực với chính mình.

 

Triết gia và nhà thơ Đức thế kỷ thứ 18 Friedrich Schiller đã nói, “ Những ai mạnh mẽ khi đứng một mình, họ có lòng dũng cảm thực thụ.” Tôi đã trân quý những lời đó từ khi tôi còn trẻ.

 

Mù quáng đi theo đám đông thì thật là sai lầm. Đi theo một cái gì đó mà không có suy nghĩ chín chắn, chỉ vì mọi người đang làm nó, dẫn đến sự lười biếng và sự vô cảm tinh thần. Và cái đó thật là nguy hiểm.

 

Chúng ta không được phép để cho mình bị dẫn đi lạc lối. Không bao giờ ta được phép từ bỏ sự cam kết của ta với hòa bình, lòng mong ước học hỏi và lòng yêu nhân loại của mình. Đưa những lý tưởng này vào thực hành và quảng bá chúng rộng ra những người khác, là một hành vi dũng cảm. Lòng dũng cảm nằm sâu bên trong chúng ta. Chúng ta phải huy động nó từ đáy sâu của đời mình.

 

 

56. DŨNG CẢM & LÒNG TỪ ÁI.

 

Một cách chính xác, lòng dũng cảm là gì?

 

Chúng ta có thể tìm thấy biểu hiện của lòng dũng cảm trong nhiều lãnh vực của nỗ lực con người, như dũng cảm để tham gia vào một cuộc mạo hiểm; dũng cảm để đạt thành tích xuất sắc trong thể thao, nhưng đây chỉ là một khía cạnh của lòng dũng cảm. Thực hiện những trò nhào lộn liều lĩnh hay là một chiến binh, là một kiểu dũng cảm rất khác với cái mà ta đang nói tới. Một sự trình diễn nguy hiểm, có thể trông giống như sự dũng cảm, nhưng nó không có nền tảng đạo đức nào cả. Sự bạo động thể xác là thiếu trí tuệ, thiếu sự ân cần với người khác và [thiếu] tinh thần hợp tác, là những cái cốt yếu cho mọi con người. Nó hoàn toàn xa lạ với cái mà con người nên phấn đấu để đạt tới.

 

Dũng cảm là sức mạnh để sống đời mình theo cách đúng đắn, đi theo con đường đúng. Nó có thể mang nhiều hình thức – chẳng hạn, nghĩ về cách tốt nhất để đạt tới hòa bình cho đất nước và thế giới,  và rồi hành động để làm cho điều đó thành hiện thực. Đó là lòng dũng cảm sinh ra từ niềm xác tín. Hay nghĩ về cái mà bạn có thể làm để góp phần vào hạnh phúc của nhân dân và rồi làm việc để đạt tới mục đích đó. Đó là lòng dũng cảm của tình yêu nhân loại. Trên cương vị là một bậc bố mẹ hay một thầy (cô) giáo, khám phá ra cái mà bạn có thể làm cho những đứa trẻ mà bạn có trách nhiệm phải chăm sóc, và rồi thực hiện nó; hay, nghĩ về cách làm thế nào bạn có thể hỗ trợ bằng hữu của mình và theo đến cùng – đó là lòng dũng cảm không phô trương  của đời sống hằng ngày.

 

Loại dũng cảm quan trọng nhất, là lòng dũng cảm được cần đến để sống tốt mỗi ngày. Thí dụ, dũng cảm để học chăm chỉ hay để tạo lập hoặc nuôi dưỡng tình bạn tốt, bền vững – loại dũng cảm này hướng đời ta theo một hướng tích cực. Loại dũng cảm này có thể không hào nhoáng, nhưng nó thực sự quan trọng.

 

Những người đang có vị trí nổi bật, trong ánh đèn mầu, những người luôn có vẻ như đang làm những điều lớn lao, quan trọng, thì không luôn luôn dũng cảm. Và không cần phải nói rằng, chiến tranh [3] và áp bức không phải là những hành động dũng cảm,  mà là của sự hèn nhát.

 

Những ai mà không có lòng dũng cảm, họ dễ trở thành những kẻ ăn cắp, áp bức, giết người và gây thương tật, đe dọa con người bằng vũ khí, khiêu chiến. Họ làm những điều xấu ác bởi vì họ là những kẻ hèn nhát. Sự hèn nhát thì nguy hiểm. Lòng dũng cảm chân chính có nghĩa là thực hiện những hoạt động công chính và lợi lạc; nó có nghĩa là sống một cách lương thiện. Đây là loại dũng cảm quý giá nhất.

 

Về cơ bản, dũng cảm là một vấn đề của lòng kiên nhẫn. Niềm mong ước của người mẹ muốn nuôi con lớn lên thành người tốt, bất luận khó khăn nào bà phải làm để thực hiện nó, là một hình thức dũng cảm cao thượng. Phía bên kia của lòng dũng cảm, là lòng từ bi. Chúng là hai mặt của một đồng tiền. Dũng cảm chân chính thì luôn được hỗ trợ bởi lòng từ bi; không có gì xấu ác hay nham hiểm đằng sau nó. Nếu có một ý định xấu nào, bạn có thể chắc rằng, nó không phải là lòng dũng cảm thực thụ. Một tình cảm của người mẹ dành cho con mình, là một thí dụ hoàn hảo của lòng dũng cảm và lòng từ bi.

 

Và thực ra, nếu ta hành động với lòng dũng cảm, ta thấy rằng lòng từ bi của ta dành cho kẻ khác thực sự trở nên sâu sắc hơn. Lòng dũng cảm là đức hạnh tối hậu cần phấn đấu để đạt tới.

 

 

PHẦN VII:    LÒNG TỰ TIN

 

57. GIỮ HY VỌNG.

 

Đôi khi tôi cảm thấy quá vô vọng và bi quan. Tôi phải làm gì để tăng cường lòng tự tin của mình?

 

Trước hết, xin hiểu rằng đời thì dài! Bây giờ mọi sự có ra sao, thì nó cũng sẽ không kéo dài mãi mãi. Cho dù bạn có những vấn đề, cho dù bạn đã phạm những sai lầm hay làm những điều mà bạn hối tiếc, thì toàn bộ tương lai của bạn vẫn nằm phía trước bạn. Đừng lo lắng quá về mọi trở ngại hay vấn đề. Trên hết, đừng tuyệt vọng hay bị ngã gục do sự thiếu kiên nhẫn của bạn.

 

Không có cái gì là vô vọng cả. Sai lầm tệ hại nhất mà bạn phạm phải khi còn trẻ, là từ bỏ một ước mơ, không dám tự thử thách mình vì sợ thất bại. Quá khứ là quá khứ và tương lai là tương lai. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, nhắm vào mục tiêu và tự nhủ thầm, “ Mình sẽ khởi sự từ hôm nay!”, “Mình sẽ bắt đầu lại từ khoảnh khắc này!” Hạnh phúc trong đời không tùy thuộc vào việc mọi sự tiến hành tốt đẹp ra sao trong tuổi trẻ của bạn. Bất luận bạn phạm bao nhiêu sai lầm, bạn luôn luôn có một cơ hội khác. Hãy nuôi tham vọng và tiếp tục phấn đấu tiến về tương lai. Nếu bạn không vui với những kết quả của bạn tại trung học, hãy cố hết sức tại đại học. Nếu kết quả tại đại học cũng không thỏa mãn bạn, vẫn còn hy vọng sau khi tốt nghiệp, trong khi bạn tự thử thách mình ở cương vị là một thành viên tích cực của xã hội. Thành công thực thụ trong đời, nó sẽ không tự phát lộ ra cho, đến khi bạn tới tuổi 40 hay 50. Nếu bạn gặp những thất bại trên đường đời, hãy tiếp tục với một tinh thần chiến đấu ở độ tuổi 40, 50, 60 và 70.

 

Kinh nghiệm của tôi sau hơn 27 năm, đã dạy cho tôi nhận thức được một cách rõ ràng những khuôn mẫu con người (human pattern), mà từ đó, sự chiến thắng hay chiến bại được quy định.

 

Nhiều trong số những người nổi tiếng nhất trong lịch sử, họ không hề có dấu hiệu xuất chúng trong tuổi trẻ của họ. Người ta biết rõ rằng, Winston Churchill đã gặp nhiều thất bại tại trường. Mahatma Gandhi cũng không phải là một học sinh xuất sắc; ông có tính rụt rè, lại diễn thuyết dở.

 

Bởi vậy, đừng quá nghiêm khắc với chính mình. Bạn vẫn còn trẻ – một công trình đang diễn tiến và vẫn còn đang phát triển. Phát triển và cải thiện, là một quá trình tuyệt vời. Hãy chỉ đơn giản tiếp tục tiến lên một cách ngoan cường, để tìm con đường của bạn về phía trước, mặc dù sự khổ và nỗi đau : khổ đau là một phần của tuổi trẻ và quá trình trưởng thành của bạn. Thật vậy, đó là cách duy nhất để phát triển.

 

Điều quan trọng là đừng mất hy vọng. Mất hy vọng, về một phương diện, cũng giống như sống trong mùa đông của tâm hồn. Nhà thơ lãng mạn Shelley đã nói, “Nếu mùa đông đến, thì có thể nào mùa xuân còn ở xa đằng sau?” Cho dẫu mùa đông có dài và khắc nghiệt tới đâu chăng nữa, mùa xuân luôn đến theo sau. Đây là quy luật của vũ trụ, quy luật của sự sống.

 

Điều tương tự cũng đúng với chúng ta. Giả sủ rằng, ta đang chịu đựng một mùa đông vô tận, thì chúng ta cũng không được phép từ bỏ hy vọng. Bao lâu mà chúng ta có hy vọng, thì mùa xuân vẫn đang ở gần. Nó nhất định sẽ đến.

 

Mùa xuân là mùa nở hoa. Tất cả mọi sự có một vẻ đẹp độc đáo riêng và một sự phát triển riêng. Mỗi người có một sứ mệnh riêng, cá tính riêng, và cách sống riêng. Thật quan trọng để nhận ra chân lý đó và tôn trọng nó. Đây là trật tự tự nhiên của vạn hữu. Đó là cách mà thiên nhiên làm việc trong thế giới của những loài hoa – và trong thế giới của con người – những loại hoa khác nhau nở hoa một cách hòa điệu trong sự phong phú đa dạng và đẹp đẽ của chúng.

 

58. TIỀM NĂNG THỰC THỤ.

 

Tôi thường hay so sánh mình với người khác và cảm thấy nản lòng.

 

Vâng, những người trẻ thường rơi vào thói quen này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều sau đây : Đừng tự so sánh bản thân mình với những người khác. Hãy sống thực với con người của bạn và tiếp tục học tập với tất cả sức lực của bạn. Cho dù bạn bị chế nhạo, cho dù bạn chịu những thất vọng và thất bại, hãy tiếp tục tiến lên và không ngã gục. Khi bạn phát huy nghị lực và có cái quyết tâm mạnh mẽ, tức là bạn đã đi được nửa đường tới chiến thắng. Thay vì tự so sánh mọi niềm vui và nỗi sầu của bạn với người khác, hãy tập trunng vào việc vượt qua những hạn chế của bạn trong tình huống hiện thời của bạn. Những ai có thể thực hiện được điều này suốt cuộc đời, họ là những kẻ chiến thắng thực thụ, những thiên tài thực thụ.

 

Khi bạn giữ vững những niềm tin của bạn và sống thực [4] với chính mình, thì nhân phẩm và giá trị của bạn sẽ tỏa sáng. Khái niệm về “hiện thực hóa tiềm năng bẩm sinh của bạn” nói đến cá tính được tinh lọc nhất của bạn. Nói khác đi, nó có nghĩa là, làm hiển lộ bản chất thực của bạn và trở thành ngọn lửa soi sáng cho đời.

 

59. ĐƯƠNG ĐẦU VỚI

       NHỮNG VẤN ĐỀ.

 

Khi tôi đối mặt với những vấn đề, sự chạy trốn đôi khi có vẻ như là giải pháp dễ dàng nhất.

 

Dĩ nhiên, bạn có thể chạy trốn. Bạn có tự do làm như vậy. Nhưng đó là một tự do rất nhỏ, rất tí hon. Nó chỉ đưa tới một cuộc sống rất khó khăn, một cuộc sống mà trong đó bạn sẽ bất lực, yếu đuối và hoàn toàn thất chí.

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự “tự do” này, còn có một tự do lớn hơn. Tiểu thuyết gia Nhật Eiji Yoshikawa viết, “ Nhân cách lớn được rèn qua gian nan.” Chỉ bằng cách tự mài giũa mình qua những khó khăn lặp đi lặp lại, mà bạn có thể dựng xây một bản ngã lấp lánh, chói sáng như viên ngọc. Khi bạn đã phát triển một trạng thái hiện hữu như vậy, sẽ không có gì làm bối rối bạn. Bạn sẽ tự do. Bạn sẽ chiến thắng. Sự gian nan, thậm chí, sẽ trở nên thú vị . Dám chấp nhận những thử thách cam go – cái đó tự thân nó đã là một tự do bao la.

 

Tự do là tương đối. Bạn có thể chạy trốn công việc và những khó khăn, tự tuyên bố mình là một tâm hồn tự do, nhưng bạn không thể chạy khỏi chính mình – khỏi những nhược điểm, nhân cách và số phận của chính bạn. Nó giống như cố chạy trốn cái bóng của chính bạn. Càng không thể chạy khỏi sự khổ của lão, bệnh, tử, vốn có trong số phận con người. Bạn càng cố tránh gian nan, chúng càng theo đuổi bạn một cách ngoan cố, giống như những con chó săn đuổi theo sau gót chân bạn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn nên quay đầu lại và đối mặt trực diện với những rắc rối của bạn. Muốn mọi sự tuyệt đối tiến hành theo cách của mình, đó là điều bất khả. Thực ra, nếu không có những trở lực mà cuộc đời đưa lại, thì chắc hẳn ta sẽ không biết là tự do có giá trị như thế nào.

 

Bạn nên sống tuổi xuân của bạn như hoa hướng dương quay mặt về phía mặt trời. Như là một mùa của sự tăng trưởng, tuổi trẻ là một thời của cả niềm vui lớn lẫn nỗi khổ lớn. Nó đầy rẫy những vấn đề và những lo lắng đủ loại. Nhưng thay vì chạy trốn chúng, chìa khóa là hãy tiếp tục tìm kiếm mặt trời, thách thức nỗi đau và nỗi thống khổ, vì khổ đau là một phần của việc trưởng thành.

 

Đừng bao giờ đầu hàng trước thất bại. Để cho một hạt giống nẩy mầm, nó phải huy động một nỗ lực khổng lồ để bứt ra khỏi cái vỏ bọc cứng của nó. Cái mầm đó phải dũng cảm nỗ lực xuyên qua lớp đất dày, để vươn lên tiếp xúc với bầu trời xanh trên cao. Những gian lao mà bạn trải qua bây giờ, sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của bạn. Bởi vậy, điều quan trọng là tiếp tục dũng mảnh tiến về phía trước, bất luận con đường có trở nên gian khổ và đau đớn đến mấy đi chăng nữa.

Tuổi trẻ là thời gian để phát triển một tinh thần kiên trì. Và những ai tiếp tục phấn đấu cho sự cải thiện, họ sẽ mãi thanh xuân, bất kể họ là ai. Ngược lại, những ai không làm như vậy, thì cho dù họ đang ở tuổi thanh xuân, sẽ vẫn là những kẻ già nua và yếu đuối trong tâm hồn.

 

Đời là một chiến trường, bạn phải chiến đấu để chiếm được sự tự do tối hậu và vô hạn. Ta nên sử dụng những xu hướng tiêu cực và những khổ đau như là bệ phóng để đạt tới hạnh phúc, để tự rèn đúc đời ta, tiến về một trạng thái tự do bao la.

 

60. HÃY PHÁT TIẾT TINH HOA CỦA BẠN.

 

Tôi không thích nhân cách của tôi. Có thay đổi được không?

 

Nhiều người tin rằng nhân cách được quy định bởi số phận hay di truyền, và chúng ta không thể thay đổi gì nó được. Sự thực là, hầu hết mọi người đều đau khổ về một mặt nào đó của nhân cách mình. Nhưng bạn phải nhận thức rằng, chỉ đơn giản lo lắng về những vấn đề của bạn, sẽ không thay đổi được gì. Khi bạn nhận biết về những thiếu sót của bạn, bạn sẽ bắt đầu biết cách kiểm soát chúng và thay đổi hành vi của mình.

 

Thật vậy, nhân cách của con người rất đa dạng. Có một kho từ vựng để mô tả những nét nhân cách và tính cách. Người ta nói rằng, tiếng Anh có tới 18 ngàn danh từ và tính từ mô tả tính cách.

 

Không ai có nhân cách hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta, không có ngoại lệ, đều có những khuyết, nhược điểm. Không thể tránh được, bạn sẽ không thích những mặt nào đó của nhân cách mình. Nhưng thật rồ dại khi bị ám ảnh bởi những cảm tưởng như thế và đâm ra tự ghét mình, hay cảm thấy mình bất xứng. Điều này chỉ ngăn cản sự tăng trưởng của bạn mà thôi.

 

Sự hướng nội không khiến cho người ta bất lực, cũng y như tính nóng nảy, dễ nổi cáu không khiến cho người ta trở thành vô dụng. Thí dụ, sự rụt rè của một người có thể được chuyển hóa thành những phẩm chất quý giá như tính thận trọng và sự khôn ngoan,  trong khi sự thiếu kiên nhẫn có thể khiếu người ta hoàn tất công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ta nên sống đúng với bản chất của mình. Bởi vậy, cho dù nhân cách căn bản của ta có thể khó thay đổi, ta có thể có những nét tích cực của nó.

 

Nhân cách của bạn giống như một dòng sông. Tại một điểm nhất định nào đó, những bờ của dòng sông thì hơi bị cố định. Cũng cách tương tự, cá tính của một người không thay đổi nhiều. Nhưng chất lượng của nước trong dòng sông có thể thay đổi. Nó có thể cạn hay sâu, bị ô nhiễm hay trong sạch, có nhiều cá hay không có cá. Trong khi dòng sông của ta không thể trở nên một loại sông hoàn toàn khác, ta có thể, qua làm việc chăm chỉ, thanh tẩy nó để nhiều loại cá sẽ vui sướng bơi trong nó.

 

Tính cách của ta không quy định hạnh phúc hay bất hạnh của ta. Đúng hơn, chính bản chất của đời ta và cách mà ta đã sống, mới là cái quyết định hạnh phúc của ta. Mục đích của giáo dục, cũng như tất cả nỗ lực của ta hướng về sự tự cải thiện và phát triển, là phát huy cái bản chất đó. Đó là mục đích của cuộc đời. Một dòng sông chảy quanh co, nhưng không bao giờ ngừng chảy. Đây là cái cách vận hành tự nhiên của sự vật. Tương tự như vậy, nếu bạn nỗ lực liên tục, thì nhân cách của bạn sẽ cải thiện dần dần, vững chắc. Chìa khóa là tiếp tục tiến về phía trước và không bao giờ ngừng lại.

 

Tất cả mọi dòng sông, bất luận những khác biệt của chúng, đều chảy không ngừng và không yếu đi – để , sau cùng, ra tới biển. Nếu chúng ta cũng tiếp tục nỗ lực kiên trì, rốt cục chúng ta sẽ tới đại dương hạnh phúc của chúng ta và kẻ khác. Ta sẽ nếm được mùi vị của tự do vô biên và hiện thực hóa tiềm năng của chính mình, trong khi ta cổ xúy và động viên cá tính của người khác.

Điều quan trọng, là làm mọi sự mà bạn có thể làm. Bạn sẽ ngạc nhiên hơn bất cứ ai trước mức độ thành tựu của bạn. Bạn sở hữu tiềm năng vô hạn như thế.

 

61. TỰ NHIÊN & DƯỠNG DỤC.

 

Có phải con người của chúng ta thì bị quy định bởi gene, môi trường, hay cả hai?

 

Tôi nghĩ rằng, đó là một tổng hợp, một chút của cả hai. Và, dĩ nhiên, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên chủ đề này. Tuy nhiên,  về cơ bản, chúng ta là kiến trúc sư đời riêng của  mình. Quan trọng hơn, là biết rằng chúng ta là kiến trúc sư cho phần còn lại của đời mình.

 

Từ “tính cách” (character) phát sinh từ chữ “charakter”, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “khắc chạm” hay “gây ấn tượng trên.” Từ một quan điểm khoa học, nhân cách và cấu tạo thể xác có thể bị quy định – ở chừng mực nào đó – bởi những gene di truyền. Nhưng chỉ biết chừng đó thôi, thì sẽ không thay đổi được gì. Điều quan trọng là ta làm gì để tự cải thiện mình.

 

Hiện tại và tương lai là những cái quan trọng. Đó là lý do tại sao những cái mà ta làm ngay bây giờ, thì lại  quan trọng đến như vậy. Nhân cách cũng được những nhà tâm lý học nhìn bằng nhiều cách khác nhau. Một quan điểm nhìn nhân cách như những vòng tròn đồng tâm. Bản chất cơ bản nhất của ta nằm tại cái “lõi” của ta. Xung quanh nó [cái lõi] là nhân cách cơ bản được hình thành suốt thời thơ ấu bởi thói quen và tập quán. Bao quanh cái vòng tròn đó, là cái phần mà ta tạo lập ra để đương đầu với những hoàn cảnh khác nhau.

 

Mặc dù cốt lõi của nhân cách ta có thể giữ nguyên không thay đổi, những khía cạnh khác đôi khi có thể thay đổi, nhiều đến mức những người xung quanh ta có thể nhận xét rằng, ta có vẻ như đã trở thành một người hoàn toàn khác. Trong bất cứ trường hợp nào, ta phải sống thực với chính mình. Ta phải theo con đường của ta và cố hết sức mình để đóng góp vào xã hội. Giáo dục trang bị cho ta cái mà ta cần để làm điều đó.

 

62. CHUYỂN NGHIỆP [5]

 

Chuyển nghiệp có nghĩa là gì? Há chẳng phải là mọi thứ đều bị tiền định hay sao ?

 

Luật nhân quả nhấn mạnh khái niệm “nghiệp.” Nguyên lý này giải thích rằng, cuộc sống vào khoảnh khắc này bị chi phối bởi những quả tích lũy của những nhân được tạo ra trong quá khứ. Cái ta làm, cái ta nói, và cái ta nghĩ đều là những nguyên nhân. Cái khoảnh khắc mà ta làm một cái gì đó, nói một cái gì đó hay nghĩ một cái gì đó, một hiệu ứng được ghi lại trong đáy sâu của bản thể chúng ta. Rồi, khi gặp những hoàn cảnh thích hợp, hạt giống ấy trở nên hiển lộ. Những nét nhân cách thì được kết nối mạnh mẽ với nghiệp của ta. Điều đáng mừng là, không giống như định mệnh, nghiệp của ta có thể được thay đổi bởi những nhân mà chúng ta gieo từ khoảnh khắc này trở đi. Thực vậy, sự luyện tâm cơ bản là để liên tục chuyển đổi nghiệp của mình.

 

Ta có thể cải thiện một cách đáng kể tình huống hiện tại của mình, bằng cách làm một quyết tâm mạnh mẽ để tạo những nhân tốt hơn, từ nay về sau. Ta không cần phải tuyệt vọng, bởi vì tất cả những nhân tốt của ta sẽ, qua thời gian, mang lại một cải thiện đáng kể trong hoàn cảnh của ta.

 

 

63. NHÌN VƯỢT LÊN

     NHỮNG LỖI LẦM.

 

Làm thế nào tôi có thể tập trung trên những ưu điểm thay vì trên những lỗi lầm của tôi?

 

Những người hay phê phán chính mình, thường lo lắng về điều này – nó là dấu hiệu của một tính cách chân thành, đáng ngợi khen.

Thật khó mà nhìn chính mình một cách khách quan. Nhưng, hãy nhớ rằng, không ai chỉ có lỗi lầm hay chỉ có những điều tốt đẹp. Tất cả chúng ta có cả hai. Do vậy, ta nên phấn đấu để phát triển và trau dồi những phẩm chất  tích cực. Trong khi chúng ta phấn đấu như vậy, những thiếu sót sẽ dần giảm đi cho đến khi chúng không còn hiển lộ  nữa.

 

Có lẽ bạn có thể hỏi một ai đó mà biết rõ bạn – một  một người bạn, bố mẹ hay anh em – xem là theo họ nghĩ, thì bạn có những ưu điểm nào cần phát triển. Tôi chắc là họ sẽ kể tên nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ. Cũng vậy, nếu một ai đó thân thiết (gần gũi) với bạn chỉ ra những lỗi lầm của bạn, thay vì trở nên bị xúc phạm hay bực bội, sẽ lợi lạc cho bạn, nếu lắng nghe một cách trầm tĩnh và khách quan những điều họ nói, và nỗ lực để xem nó như là sự phê bình xây dựng. Một khi bạn có được một chỗ đứng trong xã hội, sẽ không có nhiều người trung thực như vậy với bạn.

 

 

64. HÀNH XỬ VỚI SỰ CHỈ TRÍCH.

 

Tôi thật khó mà không nghĩ về những điều làm đảo lộn tôi – nhất là khi tôi cảm thấy bị chỉ trích hay bị hạ nhục.

 

 

Tính nhạy cảm là một nét nhân cách. Trong tự thân, nó không tốt hay xấu. Nhưng nếu bạn có nét đó, bạn có thể biến nó thành tích cực.

 

Chẳng hạn, giả sử có một người bạn chỉ trích bạn, bạn có thể biến nó thành một điều tích cực, bằng cách nghĩ cặn kẽ về điều đã được nói, để sửa chữa một lỗi lầm có thể xảy ra. Tuy nhiên, bất luận người ta đã nói gì, thì chắc chắn đó không phải là một điều mà bạn cần phải lo lắng về. Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương, hãy dành ra một khoảnh khắc để chúc mừng chính bạn về việc đã có năng lực tự phản tỉnh và chịu đựng sự nhục nhã. Những người thờ ơ với lời chỉ trích, thường hay bỏ mất cơ hội để tự cải thiện.

 

Cố vấn tinh thần của tôi, Josei Toda, đã dạy tôi về điều này, cho tôi thấy rằng, cách tốt nhất để tránh mất lòng tự tin hay rơi vào trong sự tuyệt vọng không cần thiết khi gặp sự chỉ trích, là học cách trở nên một người biết lắng nghe. Thay vì trở nên phòng thủ hoặc suy nghĩ ngay rằng đời bạn đã trở nên vô vọng, hãy tự khích lệ để phát triển bản thân. Hãy lắng nghe một cách chủ động, để tìm thấy những gì thực sự hữu ích.

 

Sau khi đã sàng lọc kỹ càng, để rút ra những lợi lạc có thể có, điều hệ trọng là bạn quyết tâm không ủ ê nghiền ngẫm về nó, hay rút lui vào trong cái vỏ ốc của mình.

 

65. TÍNH RỤT RÈ CẢ THẸN.

 

Tôi quá rụt rè trong giao tiếp, và tôi không thích tự cưỡng bách chính mình.

 

Nếu bạn là kẻ ít nói,  sao không làm một người lắng nghe tuyệt vời? Bạn có thể nói với những người khác, “Xin nói với tôi về chính bạn. Tôi muốn nghe mọi thứ về bạn.” Nếu bạn cố làm cho người ta nghĩ rằng, bạn là một cái gì đó mà bạn không là, thì việc phát ngôn không gì khác hơn là một sự tra tấn. Bạn đang như thế nào, bạn cứ sống thực như vậy. Hãy để cho người ta biết con người thật của bạn – mọi thứ, thậm chí cả những cái mụn cóc  của bạn.

 

Một số người có tật ưa nói nói lan man một cách vô tâm, mà không nói điều gì ra hồn cả. Hình như một ngưới ít lời, thì khi họ nói ra, lời nói của họ có nhiều thực chất và chiều sâu hơn một người mà nói ra chỉ để nghe giọng nói của chính mình! Một người hành động một cách nhanh nhẹn và hữu hiệu, thì đáng tin hơn nhiều, so với người chỉ toàn nói suông thôi.

 

Bạn ít nói hay nói nhiều, điều ấy không quan trọng nhiều cho bằng nội tâm của bạn có phong phú và có thực chất hay không. Nụ cười duyên dáng hay một cử chỉ hồn nhiên, nhỏ bé của một người với một trái tim phong phú, cho dù người ấy im lặng, sẽ “nói” một cách hùng biện nhiều hơn bất cứ lời nói nào. Và thường khi, những người như thế,  sẽ nói ra với thẩm quyền và sự tự tin vào khoảnh khắc hệ trọng.

 

Ta luyện tâm để chính mình trở nên hạnh phúc. Nhưng ta cũng luyện tâm vì hạnh phúc của những người khác. Điều này cho phép ta tiếp cận họ với lòng từ bi. Rồi, hoàn toàn tự nhiên, ta phát triển năng lực để nói – một cách tự do và tự tin – cái mà ta muốn nói.

 

66. SỰ NGƯỢNG NGÙNG BỐI RỐI.

 

Tôi bị bối rối, dễ bị “khớp”, và tôi thường lo lắng về cái mà những người khác nghĩ về tôi.

 

Sự rụt rè và cả thẹn là dấu hiệu của một bản chất nhạy cảm, dịu dàng. Có lẽ bạn đã nghe nói về Eleanor Roosevelt, một trong những phụ nữ được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong cuốn sách của bà, Học từ kinh nghiệm sống, bà viết, “ Nhìn về quá khứ, tôi thấy khi còn là một cô gái, tôi đã rụt rè và cả thẹn một cách bất thường ra sao. Bao lâu mà tôi để cho tính rụt rè cả thẹn của tôi thống trị, tôi bị tê liệt một nửa.”

 

Qua việc tự khép mình vào kỷ luật, bà Roosevelt khắc phục điểm yếu này. Giống như phần lớn những người có tính cả thẹn, bà luôn cảm thấy lo sợ cho chính mình; do vậy bà quyết tâm bẻ gãy những gông cùm này. Bằng cách liên tục thử thách chính mình, bà Roosevelt dần dần đạt được lòng tự tin. Bà đã có những biện pháp cụ thể nào? Hôm nay, những biện pháp tương tự sẽ giúp bạn.

 

Bà ngừng việc cố tạo một ấn tượng, ngừng bị ám ảnh bởi những điều mà những người khác nghĩ về bà. Thay vào đó, bà bắt đầu quan tâm đến sự an vui của người khác. Bà cũng hết lòng theo đuổi những sở thích của mình. Khi làm như vậy, bà học được rằng, người ta không hơi đâu mà chú ý cái mà những người khác đang làm;  và rằng, chú ý đến chính mình quá nhiều, đây thực sự là kẻ thù lớn nhất của ta. Sau khi nhận thức được điều này, sự ngượng ngùng bối rối của bà giảm bớt.

 

Thứ ba, bà nuôi dưỡng một cảm thức về mạo hiểm và một ước vọng được trải nghiệm cuộc đời. Bà duy trì một tinh thần linh hoạt để khám phá những cái mà đời ban tặng.

 

Điều quan trọng là, hãy đi cái bước đầu tiên đó. Việc dũng cảm vượt qua một nỗi sợ nhỏ, sẽ cho bạn lòng dũng cảm để đi bước kế tiếp.

 

Hãy vạch ra những mục đích. Dù mục đích nhỏ hay lớn, hãy làm việc để dần dần thực hiện chúng. Xin hãy nghiêm túc và tận tụy với những mục đích của bạn; bạn sẽ không đi tới đâu, nếu bạn xem nhẹ chúng. Một tinh thần tận tụy, nghiêm túc sẽ toả sáng như kim cương và làm xúc động lòng người. Đó là một ngọn lửa rực rỡ cháy bên trong.

 

Thật là vô lối nếu để bị dính kẹt trong cái vẻ bề ngoài. Nếu ta chân thành, người khác sẽ hiểu những ý định của ta, và những phẩm chất tích cực của ta sẽ tỏa sáng.

 

Hành động có nghĩa là như vậy. Nếu mục đích của bạn là bơi qua một đại dương mênh mông, mà bàn chân bạn đã cảm thấy lạnh trước khi thậm chí bạn phóng xuống nước,  thì bạn sẽ chẳng làm được gì. Thay vào đó, bạn cần tiến về phía trước, dán mắt vào cái đích của bạn ở đằng xa. Việc nhận thức muộn, sau khi sự việc đã xảy ra, có thể là quý giá, nhưng chấp nhận thất bại thậm chí trước khi bắt đầu, đó là tự đánh bại chính mình.

 

Nhà thơ Đức Goethe đã viết, “ Người ta trở nên hiểu biết chính mình bằng cách nào? Không bao giờ bằng sự trầm tư, suy ngẫm, mà thật ra, chỉ bằng hành động. Hãy tìm cách làm bổn phận của bạn, và bạn sẽ biết ngay lập tức nó như thế nào với bạn.”

 



[1] (bóng chày): Một cú đánh đưa bóng lọt qua hàng phòng ngự  của đối phương, cho phép đồng đội ghi bàn.

[2] Nhà kỷ niệm tại thành phố New York (Mỹ), có những pho tượng bán thân để tôn vinh những người Mỹ danh tiếng trong một hoạt động đặc thù nào đó. Cứ 5 năm, lại có 5 cái tên được chọn đưa vào.

[3]  Ở đây, chắc hẳn tác giả muốn nói đến chiến tranh phi nghĩa, xâm lược.

[4] True to yourself. Ở đây, có lẽ tác giả muốn nói: hãy sống với “phần tốt đẹp nhất” của riêng mình, không cần bắt chước ai khác. Tuy nhiên, ta cần biết, “ sống thực với chính mình” không phải là dễ. Bởi vì, trước hết, ta phải tìm hiểu để biết  “ Ta là ai?” Đây là một vấn đề rất quan trọng, không thể nói trong một vài câu được. Bạn đã bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi này chưa? Nếu chưa, thì bạn hãy thử đặt cho mình câu hỏi đó – vì đó là câu hỏi cơ bản mà bạn phải trả lời, và phải trả lời một cách cấp bách hơn cả! [ Dĩ nhiên, không ai có thể trả lời một cách triệt để câu hỏi đó. Nhưng một khi đã đặt cho mình câu hỏi đó, thì ta mới có cơ hội tìm hiểu mình để hiểu mình hơn].

[5] Karma. Đây là một thuật ngữ của Phật giáo. Từ này có ý nghĩa rất sâu sắc và phong phú. Ở đây, tạm hiểu: “ Nghiệp là những hành động mà ta đã làm trong quá khứ và hiện tại, kể cả những ý nghĩ của ta…” Nghiệp vận hành theo nguyên lý nhân quả.

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 1904
Ngày đăng: 26.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 7 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 6 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 5 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 4 - Đỗ Tư Nghĩa
“Nhà thơ Xuân Ly Băng – Cuộc đời và Tác phẩm” - Nguyễn Văn Hoà
Thể Loại Và Cấu Trúc - Mai Bá Ấn
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 3 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 2 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Thanh Thảo - Ông Hoàng Của Trường Ca - Mai Bá Ấn
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)