Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.204.959
 
Arlequin – Anh Hề
Nguyễn Hồng Nhung

(Trích tiểu luận triết học: Biên bản bí mật)

HAMVAS BÉLA - Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

 

 

1.

Khi Romeo yêu Roza, chàng nhậy cảm hơn một chút, nhưng vẫn xử sự và nói năng như tất cả mọi người. Chàng bắt đầu mê sảng, từ giây phút quen Julia. Chàng nói những câu kỳ lạ, sử dụng những ẩn ý kỳ lạ. Đôi khi quái gở, nhiều lúc vớ vẩn, phần lớn vô nghĩa. Chàng yêu càng say đắm bao nhiêu, hành vi và lời nói của chàng càng điên rồ bấy nhiêu. Ngôn ngữ của chàng, đột nhiên so với những kẻ khác cao hơn hẳn một bát độ.

 

Hămlet lúc chưa gặp hồn ma của cha mình, chàng hơi âu sầu nhưng xử sự và nói năng hệt như những kẻ khác. Từ giây phút nhìn thấy cha, chàng bắt đầu mê sảng. Thật là một nỗi ngạc nhiên quái đản! Cũng từ giây phút ấy, té ra không phải chàng, mà là mọi kẻ khác mê sảng, chàng mới là người ăn nói tỉnh táo.

 

Những người khác tiếp tục sử dụng không mảy may ngờ vực ngôn ngữ của họ, còn Romeo và Hămlet nghe những lời vô nghĩa này một cách khó chịu. Nhưng chúng ta, những kẻ chứng kiến khung cảnh kịch tính có một không hai này, không gì đánh lừa bên trong chúng ta được nữa.

 

Chúng ta biết rất rõ, Romeo và Hămlet  nói năng tỉnh táo, còn những kẻ khác mê sảng hoặc ngộ nhận. Chúng ta biết, Romeo và Hămlet chơi chữ, sử dụng những từ ngữ kỳ lạ với những ý nghĩa câu chữ kỳ lạ, vì, như Shakespeare viết, thế gian như thể bị lật nhào, còn ngôn ngữ của họ như thể nhảy cao hơn hẳn một bát độ.

 

Trong khi những kẻ khác tiếp tục nói năng lệch lạc, ngộ nhận một cách không mảy may ngờ vực, thì Romeo và Hămlet bắt đầu sử dụng những ngôn từ đo chính xác tình huống.

 

Tình huống nào vậy? Câu hỏi ngu xuẩn. Tình huống đang có chứ tình huống nào? Toàn bộ những kẻ khác tuyệt đối không hiểu gì cả. Có việc gì vậy? Câu hỏi ngu xuẩn. Việc đang xảy ra chứ còn việc gì. Những kẻ khác tưởng đang nói về một mức độ nguy hiểm, thậm chí gây tác hại, thậm chí bị cấm của một sự tồn tại nào đây. Nhưng chúng ta, những kẻ chứng kiến khung cảnh kịch tính có một không hai này, không gì đánh lừa bên trong chúng ta được nữa.

 

Ta thừa biết, chẳng có mức độ nào ở đây. Những kẻ khác so với Romeo và Hămlet đang sống trong trạng thái không-tồn tại. Trong giây phút Romeo quen và yêu Julia, trong giây phút Hămlet gặp hồn của cha mình, trong giây phút thế gian bỗng lật nhào, những kẻ không có thật bỗng biến thành có thật. Và khi đã là cái có thật, họ bắt đầu nói năng và sử dụng những ngôn từ đo chính xác tình huống, đúng như những kẻ hiểu chính xác tình huống.

 

Không có bất kỳ một mức độ đáng sợ, thậm chí gây tai hại, thậm chí nguy hiểm nào xảy ra. Không có sự nói năng mê sảng nào ở đây. Không có tình huống càng điên bao nhiêu càng mê sảng bấy nhiêu. Đấy chỉ là người ta tưởng thế. Chúng ta, những kẻ chứng kiến khung cảnh kịch tính có một không hai này, chúng ta biết, những kẻ khác không đáng bàn, trong vở kịch chỉ mỗi Romeo và Hămlet là những kẻ có thật.

 

2.

 

Chưa bao giờ có đủ cơ hội thuận lợi để tiến hành sự phân biệt cần thiết từ lâu này. Nghệ thuật, thứ mang tính chất hình học và trí tuệ, gần như mang phong thái của Pitago và cổ điển, nhưng mọi giá nó tồn tại từ một cảm hứng trật tự nào đó, nên bên trong nó, tỷ lệ, sự chắc chắn và một tri thức được phản ánh.

 

Bởi vậy nghệ thuật này có thể gọi là orfikus, không chỉ vì Orpheus tìm ra, mà vì trong Hy lạp cổ điển châu Âu Orpheus là đỉnh cao nhất. Nghệ thuật Ai cập cũng là orfikus, từ nhiều góc độ: nghệ thuật Tây tạng, Trung quốc, Toltek, Gotik, Phục hưng cũng vậy.

 

Nghệ thuật orfikus là nghệ thuật kiềm chế, mà ví dụ lớn nhất là Yantra Đông phương. Nó sắp xếp các sức mạnh mà nó tiếp cận. Bởi vậy mục đích lớn của mọi orfika là sự hài hòa. Và bởi vậy cổ điển Hy lạp mang tính chất thông thái,  hình học, có tỷ lệ, và bởi vậy nó xuất xứ từ cảm hứng của trật tự, và ở cấp độ cao nhất.

 

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật bên cạnh những khoảnh khắc có sự sắp xếp, quy củ và kiềm chế còn có khoảnh khắc gợi tưởng. Đây là thứ nghệ thuật phép thuật (magia) kỳ bí, thứ đôi khi bùng phát, và ở châu Âu nó gần như đã hạ gục orfika.

 

Nghệ thuật phép thuật không kiềm chế mà gợi tưởng. Không tri thức mà tưởng tượng. Không tồn tại trong sự hài hòa mà trong cảm hứng ngây ngất. Không tìm kiếm sự chắc chắn mà tìm đến chủ nghĩa kích động (enthuziazmus). Nó giải phóng những sức mạnh mà nó tiếp cận.

 

Tác phẩm điển hình là Divina Commedia – Thần khúc (Alighieri Dante, 1265-1321), một trong những đỉnh cao của nghệ thuật orfikus. Nó sắp xếp và kiềm chế toàn bộ sức mạnh từ đáy địa ngục đến thiên đường cao nhất.

 

Tác phẩm phép thuật điển hình là Những con quỷ của Dostoiepxki. Đây là tác phẩm, trong đó nhân vật Stavrogi đang nói chuyện bình thản với vị tướng, nhưng bỗng nhiên không lý do và hoàn cảnh đặc biệt nào, đứng lên, bước lại gần vị tướng và cắn vào tai ông ta.

 

„ Âm nhạc nói chung là một sự khủng khiếp- Tolstoi viết - nó là cái gì mới được cơ chứ? Tôi không biết. Âm nhạc là cái gì? Nó làm gì? người ta nói âm nhạc tác động khủng khiếp, nhưng tuyệt đối không bằng cách nâng cao linh hồn. Không tác động bằng cách nâng cao hoặc hạ thấp linh hồn, mà một cách kích động linh hồn. Dưới tác động của âm nhạc, có vẻ như tôi hiểu cái tôi không hiểu, tôi có khả năng làm một cái gì đó  cái tôi không có khả năng.”

 

Những lời nói trên đây của Tolstoi đặc trưng cho âm nhạc phép thuật (magia) của Bethoven. Âm nhạc tác động linh hồn bằng cách kích động. Không nâng linh hồn lên, hoặc hạ thấp xuống mà kích động. Âm nhạc Bethoven là âm nhạc gợi tưởng. Là âm nhạc phép thuật, giống như tác phẩm của Doxtoiepxki là tác phẩm phép thuật.

 

Đây là thứ nghệ thuật kích động, đối ngược với nghệ thuật kiềm chế linh hồn, là thứ nghệ thuật phép thuật, đối nghịch với nghệ thuật orfikus, khi tôi có khả năng làm một cái gì đó mà tôi không có khả năng, khi tôi hiểu một cái gì đó mà tôi không hiểu. Đấy là phép thuật. Đấy là sự ngây ngất, là trí tưởng tượng và là chủ nghĩa kích động.

 

Nghệ thuật orfikus đặt mọi vật vào vị trí của nó và tạo cân bằng, duy trì kỷ luật và tác động bằng cách nâng linh hồn lên, giống như bản anh hùng ca của Pindar (Nhà thơ Hy lạp cổ k.522 TCN), hoặc Divina Commedia –Thần khúc, hoặc nhạc của Bach, hoặc đền thờ Parthenon ( Hy lạp cổ )hoặc tranh của Raffael.

 

Nghệ thuật phép thuật là thứ nghệ thuật gợi tưởng đến bề sâu và phá vỡ sự cân bằng, tác động đến linh hồn một cách kích động, như vở Faust, hoặc những bản sonett của Bethoven, tranh của Van Gogh, tượng của Michelangelo.

 

Biểu tượng của nghệ thuật orfikus là pha lê, còn của nghệ thuật phép thuật là dòng nước xoáy.

 

Orfika là câu nói sau đây của Thánh Kinh:” Ban đầu Thượng đế dựng lên trời và đất”.

 

Phép thuật là câu nói sau đây của Tolstoi:” Đời sống chỉ bắt đầu khi con người không biết cái gì sẽ tới.”

 

Khi Romeo làm quen với Julia, và khi Hămlet gặp hồn của vua cha, cùng lúc và đột nhiên, trong một khoảnh khắc họ từ trạng thái kiềm chế bước sang trạng thái kích động. Những mối quan hệ trong sự tồn tại của họ biến đổi trong giây lát. Không sống trong tinh thể pha lê nữa mà trong dòng nước xoáy. Thế giới bị lật nhào, Shakespeare nói.

 

Đấy là chủ nghĩa kích động (enthuziazmus), đấy là trí tưởng tượng và niềm cảm hứng. Không bao giờ còn trật tự nữa. Tôi đã hiểu một điều gì tôi không hiểu. Đời sống chỉ bắt đầu nếu tôi không biết cái gì sẽ xảy ra.

 

 

Romeo và Hămlet nhận ra một điều gì đó có tính chất quyết định. Những người khác cân nhắc và tính toán một cách sai lầm, họ thu hẹp, tàn úa và phủ nhận. Cái gì? Câu hỏi ngu ngốc. Cái đang có. Hình như Romeo và Hămlet bị điên thật sự. Không đúng. Đời sống chỉ bắt đầu khi con người không biết cái gì sẽ tới.

 

Sự tồn tại không có tác dụng vỗ về. Tuyệt đối không nâng lên mà kích động. Con người đột nhiên tin rằng nó có một khả năng mà nó không có. Không bao giờ còn trật tự bình an, và  kỷ luật, sự hài hòa,  quyền lực kiềm chế nữa. Trái lại có một sự mê sảng, say đắm, một sự gợi tưởng, và chủ nghĩa kích động, và phép thuật, và cảm hứng ngây ngất.

 

3.

 

Bây giờ ta nói đến những nhân vật lớn của sự sống người. Một nửa xuất xứ của những nhân vật này, cứ cho là người mẹ, là niềm cảm hứng của dòng nước xoáy. Hay ở nhân vật của Shakespeare, cứ cho là đấy là người cha.

 

Một từ ngữ cơ bản: vaulting ambition. Có thể dịch là sự hãnh tiến, là bản năng quyền lực, là kẻ nuôi mộng lớn. Các nhân vật điên rồ nhất của lịch sử là như vậy: Richard III., Macbeth, Antonius, Caesar và Coriolanus.

 

Bản năng quyền lực có một logic đặc thù. „Befehlen ist Seligkeit –Ra lệnh là một hạnh phúc ”-như Goethe nói. Một sự ngây ngất không diễn tả nổi, khi con người ra lệnh. Trở thành quyền lực. Có thể biến thành kẻ say cuồng khi được ra lệnh.

 

Richard III. chắc chắn biết nhiều về điều này. Macbeth còn biết nhiều hơn. Nếu kẻ nào đứng chắn đường họ, họ giết. Nhưng nếu ai biết về vụ giết người này, cần phải giết nốt kẻ ấy. Máu, máu. Vẫn luôn luôn có kẻ đứng chắn đường và vẫn luôn luôn có kẻ biết một điều gì đó, vẫn luôn luôn cần sợ một kẻ nào đó. Cần phải giết tất cả. Đấy là vaulting ambition.

 

Giờ đây có quá nhiều kẻ đứng chắn đường và cần phải sợ quá nhiều kẻ, bởi vậy không thể làm gì khác ngoài việc giết, giết liên tục. Đấy là bản năng của quyền lực. Giết Duncan, nhưng vì thế, cần phải giết cả Banquot, cần phải giết con người này bởi vậy cần phải giết toàn bộ gia đình Macduff. Quyền lực rốt cuộc khi nào trở nên vững chắc? Đấy là vaulting ambition.

 

Trong màn đầu tiên của vở kịch „Timon ở Athén” của Shakespeare, Timon sống trong sự điên cuồng của quyền lực, y giàu có, đầy thế lực, cai trị và ra lệnh. Nhưng khi đánh mất gia tài, ngay phút ấy y bị tất cả mọi người bỏ rơi. Đấy là nhân vật Timon ở Athen của Shakespear, kẻ nhìn thấy không một tế bào nào của thế giới lại không thẩm thấu cơn khát quyền lực.

 

Đến đoạn giữa của vở kịch, khi Timon còn lại một mình, bị bỏ rơi, nghèo khổ, bị khinh bỉ, kẻ ăn mày trong một khu rừng, y không là gì khác ngoài hình ảnh một sự phê phán thế giới điên cuồng của quyền lực.” Tất cả xiên lệch, không có đường thẳng trong thế gian xấu bẩn của chúng ta, chỉ có sự bất lương là thẳng”. Y sống trong hang đá, ăn rễ cây và nhảy múa làm trò chống lại „vaulting ambition”.

Đây là sự phê phán của Macbeth và Richard III. và Caesar.

 

Timon là: Madman so long, now a fool- Điên quá lâu, bây giờ là kẻ ngốc.

 

Timon là cái quá độ duy nhất có thể giữa tham vọng và một cái gì vượt qua tham vọng. Cái gì là cái vượt qua tham vọng? Điên quá lâu, bây giờ là kẻ ngốc. Anh hề -Arlequin.  

 

Là con người duy nhất chiến thắng sự điên cuồng của quyền lực. Là kẻ duy nhất cầu nguyện cho người sống trên thế gian bằng những lời lẽ khác thường:” the plague of company light upon you –  bệnh lây lan dân chúng hãy rơi vào mày.”

 

„Tao chỉ có một niềm kiêu hãnh duy nhất: tao không phải là mày” Nếu tao trong sạch, tao nhổ vào mày.

 

Đây đang nói về các nhân vật lớn của nhân loại. Một nửa phần xuất xứ của loại nhân vật này là sự ngây ngất của dòng nước xoáy. Một nửa xuất xứ của loại nhân vật này là sự chiến thắng, sự hãm phanh  nỗi điên cuồng của quyền lực „Điên quá lâu, bây giờ là kẻ ngốc.”

 

4.

 

Bản năng quyền lực tưởng rằng, trên đỉnh thế gian là ngai vàng của Đấng Toàn Năng và nó muốn ngồi vào đó. Đồ ngu xuẩn. Tại sao anh hề lại cười nhăn nhở? Bởi anh hề biết rằng Thượng đế không ngồi trên ngai vàng. Ngai vàng để đó.

 

Truyền thống cho rằng Thượng đế tạo ra ngai vàng trong ngày đầu tiên tạo dựng thế gian tại Araboth, trên thiên đường cao nhất. Nhưng không bao giờ ngồi trong đó. Ngài cho phép Sabbath-Ngày Lễ vào ngày thứ bảy được ngồi trên ngai vàng.

 

Cả trái đất chỉ anh hề biết điều này.

 

Kẻ đầy tham vọng ngu xuẩn tưởng Thượng đế mình khoác áo choàng tay cầm thiên trượng ngồi trên ngai vàng, và ra lệnh, với niềm tin: ” Befehlen ist Seligkeit- Ra lệnh là hạnh phúc”. Chỉ những kẻ đầy tham vọng mới tin rằng ra lệnh là cảm hứng ngất ngây lớn nhất trên quả đất.

 

Anh hề cười lăn lộn và không dấu nổi sự riễu cợt. Nếu được dâng ngai vàng anh hề sẽ đặt lên đầu mình cái mũ gắn chuông, sẽ cười hô hô hô, sẽ đứng lên cái tay vịn của ngai vàng và chìa cái mũi dài ra khoe.

 

 Thật khoái trá khi nhìn những kẻ chạy xuôi ngược lưỡi thè lè tranh giành và dẫm đạp lên nhau, những kẻ phản bội và sát thủ, những kẻ vàng vọt đến tận xương vì ghen tỵ và sôi lên vì trả thù, thật là cảnh hài hước địa ngục cái gọi là lịch sử, với sự cuồng dại mất trí vì ngai vàng, hay đúng hơn vì quyền lực.

 

Quyền lực thế gian không phải là Thượng đế mà là thần tượng. Ngai vàng! Quyền lực! Có thể nếu một lần cần phải tự nô đùa, Thượng đế sẽ cho phép một kẻ nào đó ngồi lên ngai vàng. Có thể ngài trao vai trò này cho một kẻ Chống Thiên chúa. Sẽ cực kỳ hài hước, ta sẽ tha hồ cười đến chừng nào hết chịu nổi.

 

Anh hề cười nhăn nhở. Như thể cũng muốn ngồi lên ngai vàng, như hết thảy, và tin rằng có thể biến thành kẻ độc tài và ra lệnh. Befehlen ist Seligkeit- Ra lệnh là hạnh phúc.

 

Anh hề đứng ngoài tham vọng. Chàng ta học được bài học từ Timon rằng trên thế gian này tất cả đều cong, chỉ có sự bất lương là thẳng. Nhưng anh hề không nhún nhảy. Anh hề đứng ngoài tham vọng. Đứng ngoài lịch sử. Một con người không thay thế được. Kẻ không có đôi.

 

Vua Lear già hiểu điều đó, và ngài không thể thiếu chàng ta lấy một giây. Khi anh hề không có đó, vua kêu lên: Thằng điên của ta đâu? Chàng hề của ta đâu? Ê! như thể cả thế giới ngủ yên! Vua Lear già biết rằng không có sự yên ổn nào lớn hơn ở bên cạnh một kẻ chẳng những không muốn ngồi lên ngai vàng, mà còn cười vào mũi những kẻ muốn đẩy hắn lên ngôi.

 „ Anh hề đây, châu báu đây”-Goethe đã nói.

 

Đây là châu báu dấu kỹ, là tiếng cười dành cho thần tượng và những kẻ sùng bái thần tượng. Đây là giọng cười lớn và khoái trá trên cái không là gì của bản năng quyền lực. Đây là anh hề.” Chẳng há đây là một anh chàng không hiếm hoi, thưa ngài? He is as good as anything and yet a fool”.

Đây là anh chàng hiếm hoi nhất của thế gian và là một trong những nhân vật lớn của nhân loại. Đặc sệt chất đặc thù, như những kẻ điên khùng khác, như một anh hề -Arlequin.

 

5.

 

Một thân sinh của Arlequin-anh hề, mẹ chàng, là cảm hứng của dòng nước xoáy. Đời sống chỉ bắt đầu, khi con người không biết, cái gì sẽ đến. Thân sinh kia của Arlequin-anh hề, cha chàng, là giọng cười dành cho bản năng quyền lực.

 

Điên đã lâu, giờ đây thành đồ ngốc. Arlequin nói năng giống Romeo khi quen  Julia, như Hămlet sau khi đã gặp hồn ma của vua cha. Các mối quan hệ trong sự tồn tại của họ thay đổi. Họ sản xuất những lối chơi chữ, sử dụng những từ ngữ quái gở, và còn quái gở hơn khi phát triển cái lưỡi, khi khoe cái mũi dài và lắc chuông treo trên đỉnh mũ. Đúng như mọi kẻ, thậm chí bị điên.

 

” Thật tai hại, khi một thằng điên không biết nói lấy một câu thông minh, khi bọn thông minh điên rồ như thế.”

 

Thế là đủ. Giờ đây ta cần đi thẳng vào bản chất của vấn đề. Arlequin là một nhân vật chính của sự sống con người. Và là một trong những anh chàng hiếm hoi nhất của thế gian. Tại sao? Tại Arlequin là nghịch lý? Không. Hoàn toàn không như vậy.

 

Logic ngôn ngữ của Arlequin là nghịch lý. Tại sao? Tại vì nó ngược đời?. Giải thích như vậy quá ít. Nhưng: đúng là Arlequin-anh hề nhận thức được rằng logic của sự tồn tại là nghịch lý.

Trước tiên chàng ta từ bỏ tình huống đấu tranh. Không tham dự cuộc tranh đấu vì quyền lực. Giọng cười của chàng ta cũng là một dấu hiệu của sự bất hợp tác này như cái mũ đính chuông leng keng và những câu tiếu lâm cùng những trò hề.

 

Arlequin không phải kẻ đầy tham vọng. Chàng ta không buộc mình vào của cải, chức tước, lý thuyết, vào ăn uống cũng không, chàng cũng chả thiết bất kỳ một loại nghề nghiệp hoặc tri thức nào. Chàng ta không chinh phục bất cứ ai.

 

Arlequin- anh hề Tự do. Bởi vậy chàng ta là một trong những nhân vật chính của sự sống và vì thế hiếm hoi. Giọng cười của anh hề cũng là một dấu hiệu của sự tự do, giống như cách chơi chữ và trò nhào lộn cùng giọng cười haha-hô hô. Một kẻ từ bỏ tình huống tranh đấu, kẻ ngồi phệt  giữa phiên chợ giời, và thiu thiu ngủ sau một trận quay cuồng nhảy nhót, kẻ đó tồn tại trong một hoàn cảnh nghịch lý.

 

Ở Tây Tạng người ta nói tinh thần giống như con lạc đà. Nếu định gìm cương nó lại, nó sẽ phi mười phương cùng một lúc, nhưng nếu để mặc nó, nó không buồn động đậy.

Logic của tinh thần là nghịch lý, bởi logic của sự tồn tại là nghịch lý.

 

Không ai dám sống một mình. Số đông phần lớn vì thế cố tham dự, cố hòa hợp, nịnh bợ, giải thích, mặc cả, dối trá, kéo bè cánh, hùn hạp. Cộng đồng không được gây dựng  do bản năng huynh đệ, mà cộng đồng được tạo dựng cho cá nhân, bởi nỗi sợ hãi phải sống một mình.

 

Không ai dám sống một mình. Người ta nghĩ ra đủ trò để giữa họ có một cái gì chung với nhau. Họ bám chặt vào nhau bằng cả mười đầu ngón tay, và cũng bằng tỷ lệ ấy họ tách rời nhau nhanh như sao sa. Há chẳng đặc biệt sao? Nếu một người nào đó bảo mình đang cô độc, trong một giây nỗi lo sợ đó biến mất  vì trong một giây đó trong cộng đồng ai cũng muốn gặp hắn.

 

Tại sao? Tại logic của cộng đồng là nghịch lý, như logic của sự đơn độc là nghịch lý, và logic của ngôn ngữ là nghịch lý, bởi logic của sự tồn tại là nghịch lý.

 

Linh hồn cũng nghịch lý, bởi trong tận cùng sâu thẳm, nó không phải con thú mà là ngọn lửa trời trong sạch. Lịch sử cũng nghịch lý, bởi thuở khai thiên lập địa không phải từng có người rừng và loài vượn gorilla, mà từng có một thực thể mang trí tuệ phát triển cao.

 

Sự sống con người và các nguyên tử thực thể của nó là những sự trong sạch nguyên vẹn, giống như tư tưởng và lương tâm đầu tiên, và tình yêu thương.

 

Nếu mi bắt mi chống lại tính cách của chính mình, nó sẽ trả thù. Tính cách bị lăng mạ kiểu gì cũng trả thù.

 

Nhưng nếu cưỡng bức chống lại cái tinh thần của mi, nó không trả thù. Cái tinh thần bị lăng mạ im lặng, im lặng sâu sắc, không động đậy, không trả lời, không lên tiếng, không ra hiệu, và không trả thù. Đấy là sự trả thù của nó.

 

Tại sao? Tại logic của tinh thần là nghịch lý. Arlequin sống trong nghịch lý này. Ở bên ngoài lịch sử, hay nói đúng hơn ở giữa trọng tâm của lịch sử. Một cách khác thường, đồng nghĩa với ý nghĩa logic nghịch lý, trong một số phận cho phép tưởng tượng ra thế nào cũng được. Không có nghiệp, hay đúng hơn là thứ nghiệp mở đối với chàng ta. Prepared for all events -Chuẩn bị cho tất cả các tình huống có thể-. Trong  không điểm, hay là điểm sôi. Tại sao? Tại logic của sự sống là nghịch lý.

 

Con người giật mình nếu thấy một kẻ khỏe mạnh, vui vẻ, vô tư. Một kẻ thích cười đùa, trêu chọc, ăn ngon, ngủ kỹ khiến họ không yên. Họ tưởng họ sẽ bị mất phần, nếu thấy một kẻ sung sướng. Họ tưởng nếu có một kẻ sống mạnh mẽ hơn họ sẽ bị thiệt phần sống. Bởi thế, cần phải ghen tỵ với nó, cần phải tiêu diệt nó đi. Bởi vì nó sống mất phần của hàng trăm kẻ khác nữa.

 

Thực ra, ngược lại thì có. Nếu một kẻ nào đó sống tích cực hơn ta, những sức mạnh lớn hơn được giải phóng từ hắn, khiến cuộc sống của ta cũng mạnh lên, sâu sắc hơn và nâng cao hơn. Đời sống không thể hết. Không thể sống hết đời sống dành cho cả kẻ khác nữa . Đời sống, càng cho đi nhiều bao nhiêu, sự sung túc của nó đổ về càng tăng lên bấy nhiêu   

 

Tôi sống càng tích cực bao nhiêu, tôi càng tạo nhiều khả năng bấy nhiêu cho người khác cũng sống tích cực như thế, để sự xuất hiện những con người mạnh mẽ, vô tư và khỏe khoắn tăng lên bấy nhiêu.

 

Logic của đời sống là nghịch lý, bởi logic của ngôn ngữ, của sự cô đơn, của cộng đồng, của số phận và tinh thần là nghịch lý.

 

Cảm hứng của nhà thơ là trạng thái tất nhiên của đời sống? Đúng. Chủ nghĩa kích động là trạng thái tất nhiên của đời sống? Đúng. Tại sao? Bởi logic của sự sống là nghịch lý. Kẻ điên là kẻ thông thái? Kẻ thông thái điên? Anh hề là kẻ thông thái? Đúng. ” Thật tai hại, khi một thằng điên không biết nói lấy một câu thông minh, khi bọn thông minh điên rồ như thế.”

 

Không có thực thể nào thông minh hơn một anh hề. Trạng thái bình thường của đời sống là sự điên rồ. Tinh thể xoáy. Đúng ra mà nói, kẻ ăn nói đúng đắn nhất là kẻ mê sảng. Bởi vậy kẻ bị bản năng quyền lực quắp lấy, tiêu phí cuộc đời vào đó, sẽ đánh mất toàn bộ. Bởi vậy kẻ ngồi bệt bên đường quốc lộ và thiu thiu ngủ, kẻ đó thắng tròn vẹn.

 

Đời sống chỉ bắt đầu, nếu con người không biết cái gì sẽ tới. Đời sống không có tác động vỗ về. Bởi vậy Thượng đế tạo ra ngai vàng nhưng không hề nghĩ đến việc ngự trên ngai vàng. Bởi vậy Arlequin- anh hề cười nhăn nhở trên cả thế gian hài hước này.

 

Sự sống thể hiện theo hướng kẻ nào định giữ nó lại thì nó bốc hơi trên tay kẻ đó, nếu đem reo rắc khắp nơi, sự sống giàu có sẽ ngả vào lòng nó. Thế gian không biết điều này.

Và bởi thế Goethe nói: Die Welt ein einzig grosser Tor – Thế gian là thằng điên duy nhất, lớn nhất. Foolery does walk about the orb, like the sun, it shines everywhere –Sự điên rồ dạo chơi tự do trên thế gian, như mặt trời chiếu sáng khắp nơi.

Còn Arlequin – anh hề là kẻ tỉnh táo duy nhất.

 

6.

 

Tất nhiên nơi nào xuất hiện một con người như vậy, nơi đó sẵn sàng cho một vụ bê bối. Nhân gian không chút nghi ngờ gì về bản chất nghịch lý của sự sống. Chỉ ở những điểm tương đối nhậy cảm, người ta cảm thấy, có một cái gì đó không ổn trong toàn bộ.

 

Ví dụ người ta tưởng rằng thế là mạnh, thế là nhiều, mà không biết rằng một cái gì đó càng nhiều, cái đó sẽ càng yếu. Thế gian tưởng càng nói nhiều về một điều gì đó, điều đó càng đúng. Ví dụ, vì tất cả mọi người điên rồ nên kẻ tỉnh táo, đấy mới là một thằng điên, cần phải đánh cho nó một trận.

 

Cả thế gian không hề biết rằng, họ nằm trong trạng thái không-tồn tại đối với Arlequin-anh hề, như các nhân vật khác của vở kịch so với Romeo và Hămlet. Arlequin tồn tại, và những kẻ khác so với chàng hề, không hề tồn tại.

 

Khi chiến tranh Peloponnesos nổ ra ở Athén, thiên hạ rùn rùn chuẩn bị. Người ta hớt hải xuôi ngược, khoa trương vũ khí, dồn thúc đám đông, từ biệt lẫn nhau, kêu gào xô đẩy. Arlequin- anh hề già có tên Diogenes nhìn thấy vậy bèn đi lăn một thùng đựng rượu trên một đường phố chính. Lăn về phía trước mười vòng,  lăn ngược về phía sau mười vòng. Một cách cực kỳ hoan hỉ và mẫn cán.

Thằng hề kia làm cái gì vậy? Người ta hỏi. Tôi nhìn thấy mọi người hớt hải chuẩn bị- Arlequin trả lời- tôi cũng không muốn bị tụt hậu.

 

Logic của sự tồn tại là nghịch lý. Khi Thượng đế tạo ra con người xong, ngài cũng tự ngạc nhiên. Thượng đế nói: Ta đã tạo dựng trong thể xác nó có cả tinh thần, bởi vậy trong tinh thần nó cũng có cả thể xác (Jacques Bénigne Bossuet).

 

Bản thân sự tồn tại cùng lúc vừa là chủ thể vừa là đối tượng. Bởi vậy nó nghịch lý. Cái khoảnh khắc con người chủ thể biến bản thân mình trở thành đối tượng, khoảnh khắc đấy là ngôn ngữ. Bởi vậy nghịch lý là ngôn ngữ. Bởi vậy nghịch lý là cái tôi.

 

Tôi trong nhân danh tôi là tôi, nhưng không phải vì tôi, không thế chỗ và không thay thế được tôi. Bất kỳ ai cũng có thể làm bất cứ cái gì thay tôi, nhưng không ai tồn tại thay tôi và không thể nói họ là tôi khi nhân danh tôi. Nhưng nếu tôi cho rằng tôi chính là tôi, tôi sẽ đánh mất chính bản thân mình và sự tồn tại của tôi cũng mất. Nhưng nếu tôi cho đi chính bản thân tôi, tôi sẽ thắng cuộc và sự tồn tại của tôi lấp tràn bằng sự tồn tại giàu có.

 

Không thể tưởng tượng bê bối nào nhức nhối hơn khi Arlequin bước vào cái thế giới đầy tham vọng, giữa buổi ăn mừng ánh hào quang giả dối của lũ sát thủ và quân phản bội. Toàn bộ những Richard III, những Macbet, những Caesar và Antonius đều sững sờ.

 

Một kẻ dám đến đây, kẻ không hề có chút lý luận cũng như cái gọi là mục đích sống, kẻ không có ý định trở thành một thị dân mẫu mực, kẻ cười vào đạo đức và không hề tôn trọng đám giàu có lẫn đám có quyền lực. Thật là một kẻ kỳ quái!

 

Till Ulenspiegel, khi  từ trên núi xuống, khóc, bởi nghĩ rằng, cần phải đi lên, và khi đã đi lên, cười, bởi nghĩ rằng sẽ lại phải đi xuống. Có thể làm gì với một kẻ điên- một anh hề như vậy?

 

Pie Đại đế bước đến gần Diogenes và bảo: Hãy cầu xin một điều gì đi, ta sẽ cho. Arlequin-anh hề già trả lời: Nhà ngươi hãy đứng sang một bên, đừng che mất bóng nắng.

 

Xua đuổi hề? chàng ta cười. Không cho hề ăn? chàng ta cười. Chế nhạo hề? chàng ta cười. Đánh cho hề một trận? chàng ta cười nhiều hơn. Khóa trái hề lại? Là lúc chàng ta cười khoái trá nhất.

 

Cái gì vậy, tại sao lắm kẻ sợ ta đến thế? Cả thành phố, cả một quốc gia sợ. Các vị vua, những cố vấn rậm râu, các tướng lĩnh, cảnh sát và lũ giàu có, tất cả đều sợ anh hề. Các bà mẹ giấu vội vã các cô con gái. Người ta hạ lệnh cho lũ con trai trốn xuống nhà kho. các nhà bác học bực bội, các vị linh mục quay lưng. Thật là bê bối. Tại sao vậy?

 

7.  

 

Hai Arlequin –anh hề  lớn nhất của châu Âu là Shakespeare và  Rabelais. Ông già Powys là một ông thày lớn về trí tuệ con người thời hiện đại đã viết một cuốn sách vĩ đại về Rabelais, trước ông chưa ai có thể viết về đặc tính nghịch lý và phép thuật của sự sống nhiều đến thế.

 

Arlequin- anh hề, ông nói, thực ra là một hài nhi vũ trụ, bé bỏng, một đứa trẻ non nớt, một Heracles bé nhỏ không biết chút gì và cũng không muốn biết gì về logic của thế giới tham vọng và chiếc áo choàng bắt buộc của nó. Đấy là kẻ có mỗi một việc quan trọng là sung sướng trong ngây ngất cảm hứng của đời sống và hưởng thụ đời sống.

 

Bảo trì hành vi này không cần đến những rắc rối, phiền hà, sự ngần ngại, sự hổ thẹn. Hãy thưởng thức và đừng để cho kẻ khác quấy rầy mi khi đang thưởng thức. Bí mật của đứa bé con là nhìn thấy bí ẩn của thế gian như là thế gian, đối với nó tất cả hoàn toàn thừa, cái gọi là triết học, cái được đặt tên là tôn giáo.

 

Đây là sức mạnh và vẻ đẹp của đời sống Pantagruel. Đấy là sự dung tục thần thánh và tục tĩu thiên đường của Rabelais. Đây là chủ nghĩa kích động  (enthuziazmus) của khoái cảm ẩm thực và là ngày lễ Saturnalia của khoái cảm say men.

 

Đây là dục vọng ngây ngất vô tội, bởi đời sống ngọt ngào và xinh đẹp. Đây là điều mà Shakespeare gọi là midsummer madness- cơn điên giữa mùa hè trong Giấc mộng đêm hè.

 

Đấy là cái vì sao chúng ta cần đến thế thức ăn, rượu ngon, cái hôn và tình yêu, vì sao cần đến thế giấc ngủ ngon lành, nắng ấm, hoa, cuộc dạo chơi, cũng như vì sao chúng ta không cần sự hớt hải, quằn lưng trong lao động, không cần sự giả dối, sự quan trọng hóa vấn đề, không cần đến khoa học rậm râu và tôn giáo vàng vọt giấy da Pergament. Bởi vậy chúng ta cần trước hết là hòa bình, sự cao thượng, sự tươi tỉnh, tiếng cười, sự công bình, và bởi vậy chúng ta không cần sự bất lương, sự ầm ĩ, sự xô đẩy chen chúc, chiến tranh và bạo lực.

 

8.

 

Chúng ta có những ký ức không quên về Ai cập cổ. Hai mươi hai bức hình; cái ngày nay người ta dùng làm hai mươi hai con bài, hai mươi mốt tấm ảnh đánh dấu bằng chữ và con số từ một đến hai mươi mốt. Hai mươi hai tấm ảnh, con bài Tarot, thể hiện hai mươi hai mức độ nhập định của Ai cập cổ.

 

Những bức hình như: vua (quyền lực- vaulting ambition), bánh xe (bánh xe của số phận), sự may mắn (vòng quay tròn), nạn nhân, sự vượt ngưỡng (thần chết). Bức hình cuối cùng trong tập bài không chữ và con số là anh hề.

 

Anh hề, đúng vậy, không chữ và không số, phù hợp với một anh hề chính cống, thứ tự sau cùng, như một kẻ đứng ngoài cuộc chơi, kẻ không được tính đến, kẻ cần phải nhắc đến vì cảm hứng của cái toàn bộ, bởi chàng ta có mặt tại đây, không thể phủ nhận. Đấy là Arlequin-anh hề. Vẫn còn là tử tế, khi nhắc đến chàng ta. Ở Ai cập người ta vẫn còn coi trọng.

 

Tri thức về nhập định là linh hồn người khi đã đi hết con đường của tất cả các vương quốc có thể của số phận, sẽ cập bến không số, không chữ,  sẽ đến một điểm ngoài cuộc chơi, chỉ còn gắn bó với toàn thể vì  có thể cười lên tất cả.

 

Đấy là kẻ mà toàn bộ sự hiện hữu là midsummer madness- cơn điên giữa mùa hè. Có thể đây là một trò riễu cợt ác. Nhưng mọi giá kẻ này xử sự bằng một sự thiếu tôn trọng bất hủ và đủ khả năng để lật tẩy các nhà vua, để sàm sỡ với họ. Khi Stavrogin đang nói chuyện với vị tướng, bỗng đứng lên, đến gần và không báo trước, cắn ngay vào tai vị tướng.

 

Khi người ta nói với Arlequin-anh hề những điều thông thái ghê gớm, chàng ta rung chuông đính trên đỉnh mũ, và khi người ta hỏi, mi muốn gì để ta cho, chàng ta trả lời, tránh ra đừng che mất bóng nắng.

 

9.

 

Không chỉ những kẻ nhập định Ai cập nhắc nhở đến  tri thức  của Arlequin-anh hề. Phúc Âm gọi Arlequin-anh hề là một linh hồn nghèo. Phúc thay ai có linh hồn nghèo khó.

 

Tại sao anh hề lại đứng ở đỉnh cao nhập định của quân bài Tarot? Tại sao chàng ta không có ký hiệu, con số và chữ? Tại sao chàng ta đứng ngoài cuộc chơi mà vẫn, vẫn… tại sao vẫn mạnh nhất, mạnh nhất, hơn cả vua, hơn cả số phận hay thần chết?

 

Bởi vì mức độ điên của sự nhập định, mức độ thứ hai mươi hai, chỉ có Con Người đạt nổi, kẻ không bao giờ sợ hãi nữa. Không sợ: bị chết đói, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục, bị chê cười, hay bị hành hạ, bị khóa trái tù ngục hay bị đánh vỡ đầu. Trong anh hề không có chút kính cẩn nào với hệ thống khen thưởng hoặc ban phát tiền bạc. Anh hề không sợ sự chửi mắng và những giấc mộng, không sợ những thí nghiệm, những áp phích những súng đã nạp đạn, không sợ sẽ chết sớm hơn thời gian phải chết.

 

Mức độ cao nhất của nhập định- Tarot là anh hề, kẻ không bao giờ sợ hãi bởi bất cứ cái gì nữa. Và Arlequin- anh hề không sợ vì, như Powys viết, đứa trẻ Pantagruel thưởng thức cảm hứng ngất ngây của đời sống không sợ sệt và không ngượng ngùng, và không cho người khác làm phiền nó đang thưởng thức. Những đứa trẻ Mealosaurus như thế không có nhu cầu đến cái gọi là khoa học và sự thông thái.

 

 

 

Phúc thay cho những linh hồn nghèo khó, những kẻ hạnh phúc vì nghèo khó nhưng lại có nhu cầu khao khát tinh thần, thứ tinh thần trực tiếp và trong sạch, chứ không phải khoa học và sự thông thái. Thứ mà họ sống từ đó, cho họ sức mạnh từ đó: sự tươi tỉnh, sáng sủa, vui tươi, khỏe khoắn, say mê.

Tinh thần không phải là triết học và các lý thuyết. Tinh thần không phải là tri thức và sự thông thái. Tinh thần là sự thanh bạch của thế gian, được biểu hiện như sự vô tư, không sợ hãi, như lòng tin cậy, tình yêu thương, như sự hồn nhiên của đứa trẻ.

 

Nếu ai muốn nhìn thấy sự nghèo khó trong tinh thần, hay nói đúng hơn muốn nhìn thấy một con người sống trong nhu cầu tinh thần lành mạnh, hãy chiêm ngưỡng Velazquez Pablillos de Valladolid, hoặc Don Juan d’ Austria, hoặc đứa bé Hallecas, hoặc Geografus. Rất xứng đáng để chiêm ngưỡng.

 

Trên khuôn mặt này sẽ nhận ra anh hề của vua Lear và toàn bộ các anh hề của Shakespeare, bao gồm đến tận Touchstone, sẽ thấy Pantagruel, Diogenes, Till Ulenspiegel, Hodzsa Nasreddin, thậm chí sẽ nhận ra sự điên rồ của Romeo và Hămlet, sẽ thấy Timon ở Athen và sẽ hiểu ra logic nghịch lý của sự tồn tại, và sẽ hiểu luôn tại sao những kẻ sống trong nhu cầu tinh thần lành mạnh lại hạnh phúc.

Nếu có một kẻ đã đạt được đến nỗi hết sợ, hay nói đúng hơn, một kẻ chẳng bao giờ có thể giật mình vì bất kỳ điều gì, kẻ đó một mình y đã tự hạnh phúc.

 

Tự do tuyệt vời! Vô tư tuyệt vời! Không run rẩy và lo âu, không hoảng sợ từ bất kỳ bạo lực hoặc vũ khí nào. Nhưng chưa hết. Arlequin-anh hề không sợ hãi, ngoài ra luôn luôn sống trong một nhu cầu tinh thần, và từ một cội nguồn bí ẩn liên tục nhận được nỗi vô tư, lòng tin cậy, cùng sự tươi tỉnh và hồn nhiên, hay nói cách khác nhận được tinh thần.

 

Một con người như vậy đối với sự điên rồ quyền lực quả là hoàn toàn vô dụng. Kẻ đó có nói bất kỳ câu gì và làm bất kỳ điều gì cũng chỉ gây ra một vụ bê bối; như những điều Hămlet và Romeo và Timon, Pantagruel, Touchstone và Till Ulenspiegel đã làm. Đưa ai nấy vào tình huống khó xử.

 

Làm gì với anh hề bây giờ? Khinh bỉ? Chàng ta cười. Đánh đập? Chàng ta cười. Tống vào nhà tù? Chàng ta cười. Chàng ta không sợ. Chàng ta không thi hành những chuẩn mực cuộc chơi. Những lúc đó cần phải run sợ mới hợp lý? Chàng ta đứng bên ngoài cuộc chơi, không chữ, không số đánh dấu.

Không ngang ngửa dao động, bởi chàng ta đã quẳng hết thứ bấu víu. Đã hoàn toàn trao mình cho sự không chắn chắn, bởi theo logic nghịch lý của sự tồn tại thì  đứng trên những nguyên tắc vững như bàn thạch cũng thế.

 

Con người chỉ là quyền lực khi nó chả là cái gì. Một vị trí đáng nguyền rủa. Tất nhiên, không phải đối với Arlequin-anh hề, mà đối với thế gian. Thật là khủng khiếp sống như vậy, nếu một kẻ trong bất cứ khoảnh khắc nào cũng có thể đứng lên, không vì lý do gì ngoạm vào tai ngài hội đồng một cái. Thậm chí tai ngài giáo chủ cũng thế mà thôi.

 

Thật khủng khiếp cái nghịch lý phép thuật này của sự tồn tại. Kẻ điên- anh hề. Giống như là thằng ngu, ít nhất điều này thể hiện trên nét mặt kẻ điên-anh hề. Đây là kẻ nghèo khó trong tinh thần. Nhưng luôn luôn cười, luôn luôn vô tư và thiên đường là của chàng ta.

 

10.

 

Trên những bức vẽ bằng bút tus và tranh khắc gỗ của Trung quốc và Nhật bản, có thể gặp gỡ anh hề. Đôi khi chàng ta ngồi một mình, giống như Pablo de Valladolid và cười một mình. Chắc chàng ta đang nghĩ đến một vị đại diện chính quyền hoặc tôn giáo cao cấp và tự tiêu khiển một cách quái gở.

 

Đôi khi anh hề trong tranh ngủ gà gật để chứng minh đến cười nhăn nhở cũng không đáng. Có chỗ, các anh hề túm lại thành một đám, bẩn thỉu, rách rưới, chụm đầu lại với nhau và cười hô hố-ha há. Một anh hề chắc đang muốn thuyết phục đồng bọn hãy nổi lên một cơn điên chống lại ngai vàng, hãy xông lên phái trước, tấn công vào tận Araboth, đuổi Thượng đế ra, cướp lấy quyền lực thế gian, chiếm đoạt của cải vô tận, thúc quân đội bách chiến bách thắng chinh phục đến tận các vì sao.

 

Trong khi một anh hề đang hăm hở cân nhắc các lợi thế của quyền lực sáng chói này, thì hai anh hề khác suýt vỡ bụng vì cười. Sau cùng một anh hề cúi rạp xuống trước một anh khác và trịnh trọng: Thưa Tổng giám đốc! hoặc: Thưa Tổng thống! đúng thế! Tất cả phá ra cười. Thưa đức vua ngài có khỏe không? Thưa Thượng đế! Ngài có khỏe không? Cả đám hề suýt chết sặc vì cười.

Trong hình hài khiêm tốn hơn và gần gũi hơn có Assisi Ferenc, anh hề tuyệt vời của đám trẻ. Ở châu Âu không thể có ai giải phóng mình khỏi nỗi sợ hãi như Thánh Ferenc, kẻ tồn tại tràn ngập trong lòng tin cậy và sự âu yếm, trong nhu cầu tinh thần liên tục, trong sự vô tư và không sợ hãi cảnh nghèo khổ, cho dù là sự thiếu thốn hay chính sự chết.

 

Thánh Ferenc là người sống trong nhu cầu tinh thần, người luôn mỉm cười, hiểu tiếng nói của chim muông và giảng đạo cho cá. Ngài giảng những gì vậy? Thử nghĩ xem. Giảng về sự nghèo khó của linh hồn. Giảng về bí mật của mức độ thứ hai mươi hai của con bài Tarot, các người chớ mang con số và chữ, các ngươi hãy trở thành số không và hãy bước ra khỏi số phận, bởi lúc đó các ngươi sẽ mạnh nhất.

 

Như Sophocles đã nói: Ta chỉ là quyền lực, nếu ta không là gì cả. Hãy đừng có số phận. Số phận chỉ là chừng này: sự va đập. Chỉ là sự va chạm, sự tranh đấu, sự đau đớn, sự giận giữ, sự căm hờn, sự mong muốn, và điều này dẫn đến cuộc đấu tranh giành ngai vàng. Kẻ nào rơi vào cơn điên quyền lực, kẻ đó thua trận.

 

Thánh Ferenc giảng giải triết học của Touchstone và Pantagruel cho lũ cá. Triết học gì vậy? Nếu số phận đánh đập mi, hãy chịu đựng và hãy cười. Hãy giữ thẳng lưng và nói mày sẽ mệt nhanh hơn tao, trong sự đánh đập, cứ đánh đi. Cho đến khi số phận phải kêu lên tức tối, ta đã chiến thắng các vị vua, nhưng với tên hề này, ta thua.

 

11.

 

Một vài tác phẩm lớn của nghệ thuật vẽ Arlequin-anh hề, ví dụ như của Picasso, của Schumann, hoặc Stravinskij, hoặc Velazquez. Anh hề một mình, có cái nhìn gần như trống rỗng. Đấy là cái nhìn không đối tượng, tượng trưng cho sự buồn bã, như không thấy gì, hoặc đúng hơn không nhìn thấy cái gì.

Anh hề không sợ. Vì đã quá điên hoặc linh hồn quá nghèo khó. Hay dùng từ khác: vô tư và là con số không. Không có gì để sợ. Nhưng sự buồn bã vẫn nằm trong anh hề, như điểm đối nghịch lý của tiếng cười của chàng ta.

 

Picasso vẽ cái nhìn trân trân vào không điểm này trong nhiều bức họa, ví vụ  „Anh hề áo đỏ”, trong”Hai Arlequin” hoặc trong” Ba nhạc sĩ”. Nhưng gần như tất cả các họa sĩ chân chính đều quan tâm đến xiếc, như  anh hề của Shakespeare của  Molière của  Aristophanés đều gắn với nhà hát vậy.

 

Stravinskij trong  Petruska viết về điệu cười gắn với cái buồn sâu sắc của anh hề. Velazquez  vẽ trong „Những anh hề”, Schumann  trong Karneval và  Papillons, trong  Kreisleriana, và nhất là trong  Novellett. Schumann còn đưa ra một lý thuyết trong đó anh hề và nỗi buồn sống cùng nhau, hai thực thể này ông đặt tên là Eusebius và Florestan.

 

Mùa của Arlequin- anh hề là lễ hội hóa trang. Ông hoàng Karneval, cũng là ngày lễ Dionys là thời gian nghịch lý và phép thuật trong năm, khi con người trong trang phục anh hề nhảy múa, cười hát tưng bừng, ăn uống tưng bừng.

 

Đây là chủ nghĩa kích động linh hồn của Karneval và lễ hội Dionys, khi nghịch lý phép thuật của sự sống nổ tung, tháo chạy ra đường phố, bằng một cách thức nguyên thủy nào đó cho phép con người không vì lý do gì hết cắn vào tai nhau.

 

Khẩu hiệu của Arlequin-anh hề lúc đó: God is in his heaven – all right with the world- Chừng nào Thượng đế còn sống trên trời, chừng đó thế gian không có gì đáng sợ.

 

Nhưng chỉ sau chiếc mặt nạ. Cần đeo mặt nạ lên để không ai nhìn thấy. Và dưới cái mặt nạ là nỗi buồn bã, như dưới Eusebius là Florestan và như trên nét mặt các anh hề của Stravinskij, Velazquez và  Picasso là nụ cười vô hình trân trân.

 

Logic của sự sống là nghịch lý bởi vậy sau tiếng cười là nỗi buồn để tiếng cười tồn tại, và sau anh hề là nỗi buồn như lửa và như dưỡng chất của sự tươi tỉnh. Nỗi buồn không hề là sự sợ hãi, sự run rẩy, không hề là nỗi lo âu và sự hoảng hốt. Nỗi buồn là nỗi buồn. Không thể nhầm lẫn nó với cái gì và không nhiều hơn một cái tên bí ẩn và không thể xướng.

 

 

 

Nỗi buồn và sự huyền bí của anh hề. Ai không buồn, không thể là một anh hề chính cống. Không biết cách để trở nên dễ thương và nhẹ nhõm. Không biết cách trở thành Thánh Assisi Ferenc, hay chàng điên của Trung quốc hay Pantagruel và Till Ulenspiegel.

 

Kỳ diệu làm sao khi cả hai đặc tính này nằm trong phép màu của nghịch lý, cùng lúc điệu cười hô hô-ha ha và nỗi buồn sâu sắc đến tận tủy. Kẻ nào không biết đến nỗi buồn, kẻ đó không thể vô tư, không biết nhảy nhót và sản xuất những lối chơi chữ, và chế nhạo mọi đế vương.

 

Nỗi buồn biến anh hề thành kẻ không biết sợ. Thành con số không. Bởi vì ta chỉ trở thành quyền lực khi ta chẳng là gì hết. Nỗi buồn biến anh hề thành con trẻ, thành niềm vui, thành linh hồn nghèo khó.

Tươi tỉnh là sự kỳ diệu lớn nhất của thế gian. Khi tươi tỉnh tồn tại từ nỗi buồn, nó còn là sự kỳ diệu lớn hơn nữa. Đấy là nghịch lý hấp dẫn nhất của sự sống. Là tri thức cao nhất của Arlequin-anh hề.

 

12.

 

Không thể học được bí ẩn của mức độ cao nhất của con bài Tarot thứ hai mươi hai, của anh hề có cái mũ đính chuông.

 

Đạt tới mức độ cao nhất, được giải phóng và không còn nỗi sợ hãi. Huyền bí của Arlequin-anh hề là cái không đem cho được, tất cả mọi người cần tự tìm kiếm, nếu đủ sức và đủ lòng dũng cảm. Và nếu đói khát nhu cầu tinh thần.

 

Không thể dạy tri thức của Pantagruel, của Till Ulenspiegel, của Hodzsa Naszreddin, của Diogenes, lẫn của Thánh Ferenc. Tại sao? Bởi vì bản năng quyền lực nằm trọn trong sự toàn vẹn của thế gian này, trong vòng của sự sở hữu.

 

Còn Thánh Ferenc và Touchstone sống trên thế gian. Toàn bộ thế gian này sống cùng Richard III, cùng tất cả các vị vua, các giáo chủ để một cái gì đó trở thành của họ, một cái mũ, một gia sản chẳng hạn. Các triết gia, các nghệ sĩ, gái bao, đàn bà. Quyền lực, chức tước, tên tuổi, tài sản, nhà cửa, tiền, đồ nữ trang, tri thức, áo quần. Bởi vì nếu đạt được một cái gì đó họ sẽ có một sở hữu lớn hơn, và mọi sở hữu trở thành một phần tham dự vào quyền lực ngai vàng thế gian lớn hơn.

 

Đấy là các thiên tài của sự sở hữu. Còn Arlequin- anh hề nhổ vào thiên tài. Nếu ai cho rằng Arlequin-anh hề là thiên tài đối nghịch với sự tồn tại, người đó quả là ngu ngốc. Sự tồn tại, sự sống không có thiên tài. Đấy là một sự phân biệt. Arlequin-anh hề nhổ vào sự phân biệt.

 

Toàn bộ sự sống dành cho tất cả mọi người và luôn luôn mở, ai muốn sống bao nhiêu tùy ý. Vô nghĩa nếu tôi có nhiều hơn. Tất cả mọi người có sự sống đủ như nhau và muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Không có chuyện sống mất phần của người khác. Thậm chí, tôi càng sống tích cực bao nhiêu tôi càng tạo khả năng cho người khác đạt tới sự sống tích cực đó bấy nhiêu.

 

Logic của sự sống nghịch lý như thế đó. Có thể nhận ra hành vi đối với  sở hữu của Arlequin-anh hề ngay. Sở hữu cá nhân không có ý nghĩa gì với chàng ta. Arlequin nghèo. Ở Ấn độ người ta gọi là sannyaszin. Chàng ta chui trong một cái bao rách, của cải có đúng một cái bát ăn. Bởi vậy chàng ta không có gì để sợ hãi và số phận tha hồ xô đẩy, chàng ta chỉ cười. Không thể lấy cắp cái gì từ chàng ta, bởi không thể cắp đi chính bản thân chàng. Không thể lấy sự sống của chàng ta, và cũng không cướp được.

 

Arlequin-anh hề hoàn toàn bình thản, bởi chẳng có gì để để mất được. Thánh Ferenc đã kết duyên cùng sự nghèo khổ. Sở hữu cá nhân là sự điên rồ cao nhất thế gian tìm ra. Những anh hề Nhật bản hoặc Trung Quốc bẩn thỉu và rách rưới, như Diogenes và Touchstone. Chưa bao giờ có một Arlequin-anh hề giàu có và quyền lực, và cũng sẽ không bao giờ có, bởi kẻ giàu có và quyền lực luôn luôn run rẩy.

 

Không có kẻ điên nào ngộ nghĩnh hơn một anh chàng run lẩy bẩy bị lấy mất một miếng kim loại rút trong túi ra bèn gào lên ăn vạ đòi gọi cảnh sát. Tất cả đều sống trong vòng sở hữu, không phải trong vòng của con số không như con bài Tarot chỉ ra.

 

Ta chỉ là quyền lực khi ta chẳng là gì hết. Một cái gì đó nghịch lý là sự sống. Trí thức của anh hề và sự nghèo khó của linh hồn là thiên đường. Những kẻ ăn mày rách rưới bẩn thỉu, những anh hề vô tư và vui vẻ, phi nhu cầu sở hữu.

 

Socrat-anh hề Arlequin dạo chơi trong thành Athen và nhìn thấy rất nhiều vải vóc, đồ trang sức trong một tiệm bèn nói: Ở đây có bao nhiêu thứ ta không cần.

 

Bi kịch của Job là không thể trở thành Arlequin-anh hề, khi đánh mất tất cả và vừa huýt sáo vừa ra đi.

 Arlequin-anh hề không phải là thiên tài. Không phải bên cạnh thiên tài của quyền lực, của tri thức và của nghệ thuật là thiên tài của sự sống. Phần lớn bên cạnh các thiên tài của nghệ thuật là thiên tài của sự tồn tại. Phần lớn anh hề không biết thiên tài là cái gì, giống như Don Juan d'Austria, chỉ ngây người và không hiểu tại sao lại hài hước với từ ngữ.

 

Hoặc nếu như anh hề hiểu được như Thánh Ferenc, chàng ta sẽ ngồi xuống, mỉm cười và bắt đầu thiu thiu ngủ. Hoặc hai anh hề giống nhau gặp nhau, sẽ chụm đầu lại và cùng phá ra cười ha haha.

Thiên tài! Đúng như Vua! hoặc Giáo chủ! Đấng anh minh Thượng đế! Con người nghe những từ này bắt đầu trở nên sợ sệt.

 

Thế thì tốt nhất hãy cứ sống rách rưới và đi ăn mày. Chừng nào Thượng đế vẫn còn ngự trị trên trời, chừng đó thế gian không có gì đáng sợ xảy ra.

                                                                         

( Budapest. 2012.02.22)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3263
Ngày đăng: 27.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu trong văn hóa - Nguyễn Đăng Trúc
Í-Ngĩa Sống Của Một Vật Và Sự Truyền-Thông Trong Xã-Hội - 2 - Nguyễn Quỳnh USA
Í-Ngĩa Sống Của Một Vật Và Sự Truyền-Thông Trong Xã-Hội - Nguyễn Quỳnh USA
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Bản Bi Kịch Oedipe-Vua Của Sophocle - Nguyễn Đăng Trúc
Thi hào Eschyle, Thân phận con người trong cuộc chiến giữa Tài và Mệnh - Nguyễn Đăng Trúc
Quyền-Lực Và Tự-Zo - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh - Nguyễn Quỳnh USA
Hòa bình trong văn hóa Việt-nam - Nguyễn Đăng Trúc
Sruti (Thiên Khải) Và Smriti (Ký Ức) - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)