Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.170
 
Văn-Hóa Việt-Nam 18
Nguyễn Thế Thoại

 

                                    PHẦN IV

 

                                    VĂN HÓA VN.

THỜI TOÀN CẦU HÓA

 

 

  1. Giao Lưu Văn Hóa Việt Âu
  2. Văn Hóa VN. thời toàn cầu hóa
  3. Bảo tồn di sản văn hóa

 

 

                        12.

                        GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT ÂU

 

Nói đến đài kỷ niệm dựng ở Hà nọi năm 1941 để ghi ơn giáo sĩ  Alexandre de Rhodes, Học giả Nguyễn Văn Tố đã viết :’Mỗi khi chúng ta đi qua giữa cảnh trí này, chúng ta sẽ tưởng niệm cùng một lúc cụ Hàn Thuyên, cha đẻ chữ Nôm, và vị giáo sĩ Dòng Tên, ngoài việc hoàn thành chữ Quốc Ngữ, còn cống hiến cho ta những tài liệu quan trọng về lịch sử ngôn ngữ Việt Nam” [1].

 

Đối chiếu Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes, học giả Nguyễn Văn Tố muốn chúng ta lưu ý đến công trình tiên phong của Hàn Thuyên trong việc phát động nền văn học chữ Nôm và của Alexandre de Rhodes trong việc phát động nền văn học chữ Quốc Ngữ “. [2]

 

 

 

[ 41 ] Giao lưu văn hóa Việt-Âu thời Nguyễn

 

Mấy thế kỷ trước Nguyễn triều, vua Lê và Chúa Trinh, vua Mạc và chúa Nguyễn có xin người Âu giúp, cũng chỉ là xin cho một vài giáo sĩ, nhiều hơn là xin giao thương , mà thứ hàng đắt giá nhất là vũ khí và quí nhất là một hai giáo sĩ làm cố vấn khoa học, thiên văn trong triều. Mở đầu thời Nguyễn là xin giúp quân đội, rồi tới giai đoạn không những không nhờ, còn kháng chiến, mà vẫn bị quân Tây phương đàn áp và văn hóa Tây phương tràn vào.

 

1.         Bối cảnh lịch sử

 

Cứ xét bối cảnh Quốc Tế và Việt Nam, chúng ta thấy dễ hiểu cung cách hãnh xử của mấy ông vua Nguyễn Triều và trào lưu tiếp biến văn hóa .

 

1.1.       Bối cảnh quốc tế

 

Khi Âu-châu đã đi vào kỹ nghệ hoá và ngoại thương, Trung Hoa và Á Đông vẫn hì hục theo nông nghiệp thủ công.

 

Đầu thế kỷ 16, Bồ Đào Nha sau khi đặt đầu cầu ở Ấn Độ, đã tiến sang chiếm Malacca, rồi định đặt cơ sở ở Quảng Đông [3], nhưng không thành công. Ít chục năm sau, họ đổi chiến thuật hùng hổ thành ngon ngọt, nên thuê được Macao (Áo Môn) làm thương cảng. Tiếp theo, người Tây Ban Nha, người Anh và Bồ Đào Nha cùng đưa thuốc lá từ người Mỹ da đỏ vào tập cho người Tàu da vàng hút. Sau đó, người Anh đưa một thứ sản phẩm Ả-rập qua Ấn Độ để truyền vào Trung Hoa: Nha-phiến. Buôn nha-phiến là mối lợi lớn nhất người Anh kiếm được qua thương trường Ả-rập – Ấn-độ – Trung-hoa.

 

Nha-phiến còn là một ngòi nổ thử sức Đông - Tây.

 

Năm 1838, Tổng đốc Lâm Tắc Từ dâng sớ về triều:

Nếu không cấm tiệt được nha phiến thì chỉ vài chục năm nữa, trong nước không còn lính để chống địch, mà cũng không đủ tiền cung cấp binh nhu ”.

 

Vua Đạo Quang liền ra lệnh nghiêm cấm và nghiêm phạt tới mức tử hình, phái Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đi Quảng Đông thi hành. Người Anh chống trả. Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất dẫn tới hòa ước Nam Kinh: Trung Quốc phải mở cửa Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải, còn Hồng Kông thì Trung Quốc tặng Anh quốc luôn 99 năm !

Trung Quốc loạn lớn, Tây phương quậy phá thêm. Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai [4] dẫn tới hòa ước Bắc Kinh: Thuốc phiện được bày bán công khai, người Âu Mỹ hưởng quyền lãnh sự tài phán.

 

Nga đã thừa cơ hội Âu Mỹ quần thảo Trung Hoa để mở trận Đông tiến, bảo hộ Mãn Châu và lan dần ra tới biển [5].

 

1..2.      Bối cảnh Việt Nam

 

“Người hùng Đông phương” là Trung Hoa đã bị xâu xé như thế, mấy nước nhỏ như chúng ta [6] không thể không bị giày vò, nhất là khi chúng ta đang tan nát vì nạn ngũ quyền : Trịnh, Mạc, Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Phúc…

 

Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh thua Tây Sơn, nhân quen một người Pháp làm giám mục đạo Da-tô, tên là Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine), bèn nhờ Bá Đa Lộc xin chính phủ Pháp giúp khí giới, binh lính để diệt Tây Sơn. Bá Đa Lộc vui vẻ nhận lời. Nguyễn Ánh giao hoàng tử Cảnh và quốc ấn cho Bá Đa Lộc để làm tin.

 

Năm 1787, Bá Đa Lộc vào yết kiến vua Louis XVI. Pháp đương gặp lúc quốc khố rỗng không, chẳng giúp được gì cả. Bá Đa Lộc phải xuất tiền mua khí giới và mộ lính chở sang Việt Nam vừa lúc cách mạng 1789 nổ ra ở Pháp.

 

Từ đó, thế lực Nguyễn Ánh mạnh lên; khi thắng được Tây Sơn, thống nhất quốc gia, lên ngôi vua, ông không quên ơn người Pháp, đối với họ có biệt nhãn, cho họ tự do buôn bán và truyền đạo.

Trong thời Minh Mạng, sự giao thiệp Việt Pháp có phần nhạt nhẽo,[7]  tới đời Tự Đức thì hai bên hóa ra thù hằn nhau. Nguyên nhân là Pháp muốn chiếm nước ta. Tự Đức hiểu dã tâm đó, ra lệnh cấm đạo.

Năm 1858, dưới triều Nã Phá Luân đệ tam, liên quân Pháp – Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng rồi Gia Định. Năm 1862, triều đình phải cắt cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Việt, năm 1867, mất luôn ba tỉnh miền Tây nữa. Cao Miên trước vẫn thần phục ta, lúc đó bị Xiêm quấy nhiễu, Pháp can thiệp, ép Xiêm phải để Pháp bảo hộ Cao Miên.

 

Năm 1870 (triều Tự Đức), Pháp phải cắt hai tỉnh Alsace và Lorraine cho Phổ, càng nóng lòng muốn kiếm thêm thuộc địa để bù lại, tỏ thái độ xâm lăng rõ ràng, gởi quân đội viễn chinh qua với mật lệnh: “Bắc Việt tiếp giáp với những tỉnh Tây Nam Trung Hoa, ta nên chiếm giữ lấy để cai trị ở Viễn Đông được chắc chắn”. Năm 1873, Pháp tấn công Bắc Việt, thành Hà Nội thất thủ, nhưng quân Pháp vẫn chưa hoàn toàn thắng thế. Năm 1883, Pháp lại tấn công Bắc Việt một lần nữa, chiếm Hà Nội rồi vô chiếm luôn Thuận An. Năm sau, nhà Nguyễn ký một hiệp ước chịu để nước Pháp bảo hộ và chủ trương việc ngoại giao.

 

Muốn bắt nhà Thanh nhận chủ quyền của mình ở Việt Nam, Pháp tuyên chiến với Trung Hoa và thắng nhiều trận trên biển (Phúc Châu và Đài Loan) và trên bộ (Tuyên Quang) [8].

Lịch sử còn ghi lại:

 

Với hòa ước Patenôtre (1884) ký giữa Pháp và triều Nguyễn, với hòa ước Thiên Tân tiếp đó của Pháp và Thanh triều, Pháp “chính thức được nhìn nhận” (!) là chủ của thuộc địa Nam Kỳ và Bảo hộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ Việt Nam, Lào và Cambodge.

 

2.         Đặc điểm văn hóa giao lưu Việt-Âu thời này

Thật nhiều đặc điểm của thời văn hóa Việt-Âu giao lưu, chúng ta chỉ điểm ra một số quan trọng:

 

2.1.       Không nhất quán

 

Văn hóa Âu Á thật là quá khác nhau, nên khi gặp nhau, đều đòi hỏi cố gắng. Gần như suốt quá trình gặp gỡ cả mấy trăm năm, luôn luôn có hai khuynh hướng hoặc tình cảm pha trộn: Lợi dụng và chống đối, ngay cả khi từng bộ phận lớn hoặc nhỏ gắng dung hòa hoặc thích ứng văn hóa. Có khi bùng lên mãnh liệt, khi khác lại âm thầm len lỏi vào cuộc sống. Bùng lên bằng cải cách do chế độ mới chủ trương. Bùng lên bằng phong trào bình Tây sát Tả, bằng sắc chỉ và đạo dụ cấm đạo. Những len lỏi vào cuộc sống, người ta vẫn lai rai nhận thấy nhiều ít qua thi văn, qua sự lựa chọn kiểu nhà cửa hoặc phương tiện tiêu dùng, qua cả những công việc hiếu hỉ của người dân.

 

2.2..      Đối kháng văn hóa

 

Có thể nói: Đối kháng văn hóa, khi chúng ta tiếp xúc với Tây phương, khởi đầu là do “ý thức hệ”. Chúng ta chủ trương con người có sống theo luân thường đạo lý – nói rõ hơn là sống trong tam cương ngũ thường – thì mới đúng đạo làm người. Còn người Âu Mỹ thì theo Bình đẳng, Tự do, Huynh đệ, theo tiêu chuẩn Tin Mừng, hoặc theo chủ trương sức mạnh của đế quốc từ ngàn xưa.

Hiển nhiên có những người thực tâm “vì đạo lý” hoặc vì ý thức hệ; nhưng cũng thật nhiều người  – nhất là những người nắm quyền trong xã hội và gia đình – chỉ dựa vào tam cương ngũ thường để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và giai cấp họ. Phía Âu Mỹ chính thức dựa vào sức mạnh đế quốc tiên tiến, nhưng không thiếu những con người thực sự vì giáo lý Tin Mừng [9] mà quyết tâm truyền Đạo và truyền bá văn hóa Tây phương.

 

Đối kháng còn mang riêng nghĩa chống đối vì yêu nước thương dân Việt Nam. Giáo sư Lê Văn Chưởng viết:

 

Chống lại Âu hóa hay nói một cách khác là ý thức đề kháng văn hóa ngoại xâm. Ý thức này phát xuất từ lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam mà trong giai đoạn này được thể hiện bằng cuộc chiến đấu của Nguyễn Tri Phương đã chặn đứng bước tiến xâm lăng của Pháp ở Đà-nẵng (1858). Ý thức để kháng ngoại xâm như một thác nước chảy ngầm cho nên khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Việt luôn gặp sức kháng cự của nghĩa quân và của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Trương Đinh, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Trung Trực… Ở Bắc Bộ và Trung Bộ thì do sự lãnh đạo của Hoàng Diệu, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám… Và, các phong trào chống Pháp như Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, mà đỉnh cao là sự ra đời của mặt trận Việt Minh…” [10]

 

Nếu muốn gọi những người như Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng v.v. là nhà ái quốc thì đúng; còn những vị như Tôn Thất Thuyết, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, dù có ái-quốc thì cũng chủ yếu là Trung-Quân. Phong trào Cần Vương cũng thế. Ngay cái tên của nó cũng nhắm tới ông vua, dù là ông vua chưa trưởng thành, bất xứng. Mà trước đó, những người “ái quốc” nhận là phong trào Văn Thân. Nhưng “Văn Thân ” vẫn là khẳng định đấu tranh vì ý thức hệ nho giáo – có thể hoặc không đồng nghĩa với “yêu nước, thương dân”, vì hai phạm trù này giáo huấn Khổng Mạnh dành cho nhà vua., không cho đại chúng nhân dân.

 

Phải tới những người, vì noi gương Nhật Bản, mà chủ trương Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục Duy Tân mới không còn là đấu tranh vì ý thức hệ nho giáo nữa. Nhưng, những người này lại không chủ trương chống Đạo hoặc giáo huấn Bình Đẳng Tự do, không chủ trương dùng bạo lực như những người và phong trào trước đó. Những người thuộc ba phong trào này không thực sự chống văn hóa Âu Mỹ; chỉ chống về phương diện chính trị thực dân và về một số nét văn hóa Tây phương mà chúng ta coi là lố lăng hoặc ngược với bản sắc dân tộc.

 

2.3.       Cấm Đạo (Công giáo)

 

Một trong những hành động mãnh liệt và được lặp lại nhiều lần trong mấy thế kỷ, có khi lôi cuốn thật nhiều người Việt Nam… là việc Cấm Đạo Kito, với những lời mạ lị sâu độc. Người ta không thể hiểu đúng, nếu chỉ hiểu theo quan niệm chính trị hoặc từ giác độ tôn giáo. Phải nhìn và phân tích việc cấm Đạo theo tầm nhìn văn hóa, người ta mới hiểu thấu và hiểu đúng.

 

Phần thư khanh nho ” thời Tần Thủy Hoàng đâu phải thực chất có mục tiêu cấm Nho giáo hoặc nho học. Thực ra, đó chỉ là để bảo vệ ngai vàng Tần Thủy Hoàng và ghế thừa tướng Lý Tư. Tần vẫn dùng chữ Nho và sách Nho do họ nhuận sắc hoặc biên soạn., nhưng thừa tướng Lý Tư và Tần Thỉ Hoàng muốn các nho sĩ của họ và phục vụ cho họ thôi.

 

Cấm Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam từ thời Lê Trịnh đâu phải vì sợ người Bồ hoặc Tây chiếm đất đai. Ngay đến Cảnh Thịnh cấm Đạo cũng hoàn toàn không phải vì thương dân thương nước. Cấm Đạo thời Nguyễn đa số vì thấy tín đồ không “cắn cỏ phục tùng” vua quan, vì sợ người tín đồ bị Pháp lợi dụng mà xâm chiếm chủ quyền của triều đình.

 

Đấy là một sai lầm lớn khi khởi đầu với Minh Mạng, Thiệu trị. Sai lầm đó có thể giồn một số người sang hàng ngũ chống đối… Dầu sao, số đó chỉ chiếm tỉ lệ thật nhỏ :

Viễn cảnh dân chúng, trước hết là giáo dân nổi dậy hưởng ứng đoàn quân “giải phóng” chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các giáo sĩ. Và phải chủ quan đến mức cuồng tín thì mới dự kiến phát động được quần chúng nhân dân một nước đứng lên “vũ trang khởi nghĩa” hưởng ứng một quân đội nước ngoài đến nã súng chẳng những vào thành lũy của vua quan mà cả vào nhà cửa, ruộng nương của họ! Riêng giáo dân, dù từ lâu, họ là nạn nhân của một chính sách phân biệt đối xử có lúc nghiệt ngã đến mức vô nhân của một chế độ phong kiến. R. de Genouilly nhận xét về các “làng công giáo” ở Gia Định: “Đáng lẽ họ phải tỏ ra nồng nhiệt với chính nghĩa của chúng ta. Cứ qua kết quả mà xét, sự nồng nhiệt đó đã không có”; giáo dân “luôn luôn đứng bên lề” [11]

Cứ đọc các châu bản nhà Nguyễn cũng thấy có nêu lý do cấm đạo vì lỗi luân thường đạo lý (nho giáo) hoặc một vài trường hợp vì nghi ngờ mưu phản (phản Nguyễn triều, nhất là phản chính hoàng đế đương quyền). Do đó, khi nhà cầm quyền thực mạnh, hoặc hoàn toàn không hy vọng lấy được chủ quyền lại, thì cũng không nói gì truyện cấm Đạo nữa.

 

Việc cấm Đạo hôm nay tại một số nước cũng cùng những nguyên nhân đó.

 

 

[ 42 ] Tiếp biến văn hóa Việt Âu thời Nguyễn

 

Có thể thấy việc tiếp biến văn hóa Âu - Việt diễn ra mau lẹ hơn tiếp biến văn hóa Ấn - Việt với Phật giáo hoặc Hoa Việt với Nho giáo.

 

1. Về văn hóa vật thể

Văn hóa vật thể là những nét dễ thấy nhất và dễ ảnh hưởng.

 

  1. Xây dựng Hạ tâng cơ sở

 

Ngay từ những thập niên cuối thế kỷ XIX, nghĩa là sau khi đặt vững quyền cai trị, người Pháp đã bắt đầu lo những xây dựng cơ bản , như: Hệ thống giao thông đường bộ và thủy liên tỉnh và giữa các huyện, tổng. Hải hành và đường bộ xuyên Việt là hai công trình có quy mô lớn đầu tiên. Sau hai tuyến ngắn đường sắt Saigon - Mỹ Tho và Lạng Thương - Lạng Sơn, tới đường sắt Saigon - Hà Nội.

 

1.2. Phương tiện giao thông

 

Cùng với đường, phương tiện giao thông cải tiến và đổi mới: không còn chỉ là gồng gánh cho bình dân hoặc lừa ngựa cho quí tộc. Nông dân thêm cộ bò, rồi xe kéo, xe đạp. Đầu thế kỷ XX, người ta thấy xe “ôtô” của các quan về đến huyện, đến tổng. Sau đó là ôtô-hàng hoặc xe đò chở hành khách. Đường sông đường biển đã xuất hiện canô và phà chạy bằng máy hơi nước.

 

1.3. Nghê nghiệp

 

Các nghề truyền thống như nông và ngư nghiệp, thủ công nghiệp cũng được cải tiến thẩt nhiều. Tiêu thụ mạnh hơn, vì thị trường trong nước tăng nhờ giao thông thuận tiện. Còn thêm những thị trường lớn trong khối Đông Dương và Liên Hiệp Pháp.

 

Có thể nói : Nội thương và ngoại thương đã chính thức phát triển và được nhân dân ham thích hơn cả nông lâm ngư ngiệp. Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn Chợ Lớn có bề thế đô thị. Nam Định, Hòn Gai, Qui Nhơn, Biên Hòa, Mỹ Tho…là những thị trấn nổi tiếng.

Nếp sống thành thị từ từ hiện ra khác hẳn nông thôn và lôi cuốn hơn nhiều.

 

1.4. Kiến trúc

 

Kiến trúc nhà cửa của thị dân là những khu phố , những ngôi nhà khang trang mang dáng dấp Tây phương. Nổi hơn nữa là những cơ sở của chính quyền như Phủ Toàn quyền, dinh Thống đốc, Tòa án, Bưu điện, nhà Hát, nhà Ga, Bến Xe v.v. Các cơ sở giáo dục còn được biết đến nhiều hơn : Đại Học Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác Cổ, các trường Cao Đẳng và Trung học Kỹ Thuật… các cơ sở từ thiện, bác ái, bệnh viện, nhà thương, viện tế bần, cô nhi viện, nhà dưỡng lão v.v.nhất là các nhà thờ và nhà dòng Công giáo.

 

2.Về Văn hóa Phi Vật Thể

 

Văn hóa phi vật thể quan trọng hơn và cũng biến chuyển hơn

 

2.1. Chữ Quốc Ngữ

 

Không chỉ là vì nhu cầu truyền đạo, mà còn vì tiến trình của nhân dân Việt Nam, các giáo sĩ – nhất là Alexandre de Rhodes - đã tận tâm với việc sáng chế và hoàn thành kiểu viết ngôn ngữ Việt Nam bằng mẫu tự la tinh, sớm được gọi là Quốc Ngữ .Nếu học theo kiểu xưa, người ta phải nhớ chừng tám chục ngàn chữ Nôm, mới đọc được các loại sách. Mẫu tự la-tinh và cách ghép vần quốc ngữ đơn giản  đến độ một người khiếm thị, chỉ dùng xúc giác đầu ngón tay - cũng có thể học đọc và viết trong mấy tháng. Việc đơn giản đó càng rút ngắn thời gian hơn nữa cho nghề in ấn và phổ biến kiến thức.

 

Năm 1651, nhà in của Tòa Thánh Roma cho ra đời hai tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes ;

 

  • Phép giảng tám ngày …
  • Từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha –Latin

 

“ Đó là hai tài liệu xác thực đầu tiên về chữ quốc ngữ và văn quốc ngữ nữa “ [12]

Khởi từ nhu cầu dùng mẫu tự latin để sinh hoạt với chúng ta [13], các hế hệ giáo sĩ ngoại quốc và các thày giảng (nho sĩ tòng giáo) đã từ từ hoàn thành một trong mấy loại chữ viết toàn hảo bậc nhất : Chữ Quốc Ngữ. Về điểm này, lích sử dân tộc chúng ta và dân tộc Đức có một trang rất giống nhau. Giáo sĩ truyền giáo theo mẫu tự latin để sáng chế cho dân tộc “quê hương thứ hai” của họ một lối chữ viết.

 

Các thừa sai truyền Đạo ở Nhật Bản và Trung Hoa cũng đã làm thế, nhưng họ không thành công, lối viết của họ không phổ biến được. Về trước : Trung Hoa đã có tự hào về chữ Nho và vẫn ngày thêm đơn giản hóa. Nhật cũng đã thành công nhiều trong việc đơn giản hóa chữ nho làm  chữ Nhật. Về sinh hoạt thừa sai, giáo sĩ tại hai nước trên không gặp được cảnh sống “gia đình” như giáo sĩ tại VN. Sống với Thày giảng và “anh em nhà Đức Chúa Trời”.

 

Hẳn là suốt mấy trăm năm, chữ mà sau được coi là “Quốc ngữ” chỉ thông dụng trong phạm vi những người công giáo  hoặc trực tiếp liên hệ với họ. Tác phẩm quốc ngữ xưa nhất của người Việt Nam là của linh mục Philippê Bỉnh, người đã ở lại Âu châu từ 1796 tới 1830. Tác phẩm của Ngài còn tại thư viện Vatican.

 

Vì muốn bảo vệ đạo Nho và chữ Hán mà quan lại triều Minh Mạng từng dâng sớ xin cấm Đạo và tiêu huỷ hết tài liệu chữ quốc ngữ :

“ Các sách vở viết chữ mọi rợ cũng phải đốt hết. . .[14]

“ Đến sau khi Nam Việt Nam thành thuộc địa (1867), chính phủ đem chữ quốc ngữ dạy ở các trường học. Các nhà tân học bấy giờ như Trương Vĩnh Ký, Paulus Của, cũng dùng chữ quốc ngữ để viết văn. Ở Trung Việt bấy giờ có ông Nguyễn Trường Tộ xin triều đình thông dụng chữ quốc ngữ, nhưng trong buổi hán học thịnh hành lời đề xướng của ông không ai để ý đến. Đến đầu thế kỷ 20 thì các nhà học giả Bắc Việt như Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính cũng bắt chước văn sĩ Nam Việt mà dùng chữ quốc ngữ để viết sách viết báo.

 

Năm 1906 chính phủ Bắc Việt đặt Hội Đồng Cải Cách Học Vụ ( Conseil de perfectionnement de l’enseignement ) sửa lại chương trình và bắt đầu dùng Việt Ngữ làm một môn giáo khoa phụ. Năm 1908 ở Trung Việt đặt Bộ Học để thi hành việc cải lương ấy. Thế là Việt Ngữ đã được chính phủ thừa nhận đem dùng ở trong học giới. Đến năm 1915 vầ 1919 ở Bắc Việt và Trung Việt bỏ khoa cử. Từ đó Việt Ngữ có địa vị trọng yếu trong chương trình học vụ mà lần lần thông dụng trong khắp ba xứ “ [15]

Một khi người Việt Nam rộng rãi tiêp nhận thì nhờ lối viết và học đơn giản này trong một giai đoạn nhất định, người ta vượt xa mau lẹ hơn những dân tộc quanh mình.

 

Một thiên kỷ chữ Hán cho đồng bào chúng ta thâu lượm được nhiều kiến thức không bằng nửa thế kỷ quốc ngữ ! Nhiều tác phẩm Hán Nôm của cha ông chúng ta và những tác phẩm ngoại quốc được phiên âm và phiên dịch. Cùng với một số trường có chương trình Pháp, hoặc nhận ngoại ngữ Pháp, thật nhiều tác phẩm văn học Pháp cũng dễ dàng qua quốc ngữ để đến với dân ta. Sau đó, Pháp văn thành chuyển ngữ để người Việt Nam đọc và học tác phẩm của các dân tộc Âu Mỹ.  Thế là chúng ta được dẫn tới nhiều ngành văn học chưa hề có trong lịch sử Hán văn : thư từ, báo và tạp chí.

 

Ngay trước khi có “Công báo quốc ngừ Gia Định Báo”, tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ [16] thì nhà in đã được xây dựng ở Miền Nam [17]. Từ nay, các sách Đạo Công giáo không cần in nhờ Nazareth Hong Kong nữa.

 

2.2. Chính Tư Tưởng và Tinh Thần.

 

Con người sống trong bối cảnh văn hóa không những có khả năng từ từ biến đổi môi trường, mà còn có phương tiện để dễ dàng tiếp nhận những tư tưởng mới. Thế là tinh thần con người cũng từ từ biến đổi.

 

Nói chung, nhiều người Việt Nam trong giao thoa văn hóa Việt Âu nhận ra rằng “biển học” của nho gia không mênh mông như các cụ đồ tưởng. Nho học sâu hơn rộng. Tam cương ngũ thường có bảo đảm phần nào trật tự trong cuộc sống con người và xã hội, nhưng cũng bóp nghẹt và trăng trói nhiều năng lực, khi nó không đồng dạng nho giáo.

 

Giống như nhóm Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu bên Trung Quốc, một số Nho Sĩ Việt Nam đọc hán văn của họ và đọc sách báo mới cũng cảm nghiệm nhu cầu đổi mới xã hội Việt Nam. Phan Bội Châu cùng anh em Duy Tân Hội trong Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương Đông Du giúp nước. Lương Văn Can và Nguyễn Quyến hướng dẫn Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.. Lớp trẻ có học càng mau lẹ tìm Tự do, Bình đẳng, Dân chủ, Nhân đạo. Tự Lực Văn Đoàn với những nhà thơ nhà văn trẻ, Tây học, đã đấu tranh mãnh liệt bằng nhiều cách, nhất là “tiểu thuyết luận đề” , để nhân dân Việt Nam “theo mới, hoàn toàn theo mơí không chút do dự” [18]

 

Họ có công gây ý thức  văn hóa Dân Tộc :

“ Một đổi mới quan trọng nữa là sự ý thức mạnh mẽ về quốc gia, về dân tộc trong quan niệm làm văn học. Xưa lịch triều, nho gia coi Hán học là quốc học, Hán tự là “chữ ta”, văn chương Trung Hoa là văn chương mình. Cũng vì vậy nên các cụ đã phần nào chểnh mảng với việc sáng tác quốc văn. Bước sang hiện đại, mất nước, rồi bừng tỉnh trước thế giới năm châu, ý thức quốc gia về chính trị cũng đưa người Việt Nam đến ý thức quốc gia về văn học. Người ta công kích tổ tiên đã đi học mướn viết nhờ và lo xây dựng lấy một quốc học chân chính. Vì vạy mà ngay từ đầu, cả các nhà nho cũng cương quýết dứt bỏ chữ Hán, triệt để hoan nghênh chữ quốc ngữ, dùng quốc ngữ để viết văn. Cũng nhờ vậy mà sau tuy bị Pháp đô hộ, chuyên dạy cho học thuật Pháp, chữ Pháp, người ta không đi đến lập lại cái lầm xưa, lấy chữ của kẻ thống trị làm chữ của mình, mà vẫn lo nuôi dưỡng ngành quốc văn, chuẩn bị cho nó một chỗ ngồi trong một ngày mai độc lập. . .” [19] 

 

Nhờ các khoa học vật lý và nhân văn, tâm nhìn của người Việt Nam không còn bị đóng khung trong sách Nho và Trung Hoa vĩ đại, mà bắt đầu nhìn ra thế giới và vũ trụ.

2.3. Phương Pháp Đào Tạo

 

Có Những nhà Nho được ca tụng tầm cỡ bác học. Nhưng nhìn kỹ, trải ngàn năm nho học, chúng ta chỉ có được năm ba người kịêt xuất như thế. Nhận định sâu hơn, phải thấy rằng các vị đó dù sáng tác một khối lượng tương đối lớn, nhưng không đa diện và thiếu độc đáo. Lãnh vực xuất sắc là sử địa, lễ nhạc tiền nhân. Thật khó tìm được tác phẩm lý luận phê bình hoặc nghiên cứu khoa học.

 

Trong giao lưu văn hóa Âu Mỹ Việt Nam, thế giới văn nghệ và khoa học vừa đông, vừa đa tài hoặc biệt tài, khiến kinh ngạc cả những nước tiên tiến.

 

Thành quả đó, nhờ phương pháp đào tạo Âu Mỹ vừa cởi mở, vừa thúc đẩy khai phá. Thế hệ thầy không sợ, mà còn mong trò hơn mình, sung sướng đón nhận từng ý kiến bất đồng của trò, để cùng xem xét lại.

 

Ngay từ thời manh nha văn học quốc ngữ tại Nam Kỳ, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã được người Pháp và người Anh ca tụng.

 

Thí dụ J.Bouchot viết về Petrus Trương Vĩnh Ký :

“ Ông (Petrus Ký) đọc và nói rành được 15 sinh ngữ và cổ ngữ Đông Tây phương, trong số đó ông viết được 11 thứ”.

 

J.Thompson, nhà du lịch Anh còn nhận xét kỹ hơn nữa :

“ Petrus Ký là giáo dân Nam Kỳ và giáo sư trường thông ngôn Sài Gòn. Ông là một ngoại lệ đặc biệt trong đám dân bản xứ. . Ông theo học trường trung học công giáo Pê Năng, và tôi không bao giờ quên sự kinh ngạc của tôi khi được giới thiệu với ông. Petrus Ký ngỏ lời bằng một thứ tiếng Anh rất khá, với giọng pha một chút Pháp. Tiếng Pháp ông cũng nói được, mà nói không kém thuần tuý và tao nhã . Tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý đối với ông cũng quen thuộc như những tiếng nói Đông Phương. Một hôm, tôi đến thăm thấy ông đang soạn tập ‘Phân tích đối chiếu những sinh ngữ trên thế giới’.Cuốn sách ông đã để công nghiên cứu từ mười năm. Ông có bên tay tất cả một kho sách hiếm và quí mà ông đã thu thập được, phần ỏ Âu châu, phần ở Á châu. Vào buổi tối, một ông Cố Đạo đến góp chuyện với chúng tôi, và lúc tôi ra về, để lại cho hai ông tranh luận bằng tiếng La-tinh về một vấn đề thần học”. [20]

 

Là nhà chính trị, Trương Vĩnh Ký còn là nhà văn. Ông Long Điềm tính ra Trương Vĩnh Ký viết từ năm 26 tuổi (1862) tới ngày từ trần (1898) được 118 sách ! [21]

 

Ngày nay nhìn lại, chúng ta thấy chỉ sau một phần tư thế kỷ “cách tân văn hóa”, nhiều người Việt Nam đã tốt nghiệp, trở thành giáo sư trong nước hoặc trong những trường đại học, cao đẳng nói tiếng Anh Pháp Tây Ban Nha trên thế giới.

 

Thế mà những tiến bộ ấy và bản chất thông minh của chúng ta vẫn chưa đủ chuẩn bị cho dân tộc chúng ta tiến vào kỷ nguyên văn hóa điện tử. Tiếng Pháp và nhất là chữ quốc ngữ là phương tiện tốt ; nhưng chính sách cai trị của Pháp không tốt. Thực chất nó nhằm khai thác dân tộc chúng ta. Muốn thế, như bất cứ “lực lượng khai thác” nào, nó dùng mọi cách tuyên truyền cho chúng ta thấy mình quá hèn yếu trong khi  chúng  quá uy hùng và tiên tiến. Công giáo Việt Nam, tuy mang bản chất bình đẳng, huynh đệ và tự do trong ThánhThần, nhưng hội nhập vào môi trường Nho Phật và nông thôn Việt Nam, nên lo vun trồng thuận thảo và khiêm tốn hơn nghĩ tới đấu tranh công bình, bác ái. Vì thế, chính Công giáo trong giai đoạn này cũng chưa giúp được nhiều, cũng chẳng làm chứng được bao nhiêu.

 

2.4. Phương pháp khai thác

Sẽ thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhìn thấy điều tai hại này cho người Việt Nam trong thời “tiếp biến văn hóa”. Đó là phương pháp khai thác thuộc địa của người Pháp.:” Chia mà Trị”. Họ tạo chia rẽ và phân hóa theo địa lý và lịch sử, theo tôn giáo và nghề nghiệp…

Hậu quả là đại đa số nhân dân VN. bị bóc lột đau đớn mà không sao đoàn kết được để vùng lên tự vệ.

 

“Vốn đầu tư của tư bản Pháp vào Việt Nam từ 1924 đến 1939 gấp hơn 6 lần từ 1898 đến 1918. Diện tích đồn điền cao su từ 17.000 héc ta năm 1917 tăng lên gần 100.000 hécta năm 1929. Giấy phép làm mỏ do chính quyền thực dân cấp năm 1914 là 257 chiếc, năm 1930 là 17.685 chiếc.

 

Để bảo đảm thu lợi nhuận thuộc địa tối đa, chính quyền thực dân Pháp thực hành thủ đoạn độc quyền kinh tế, độc quyền kinh doanh một số ngành công nghiệp nặng, độc quyền nắm phương tiện giao thông vận tải, độc quyền khai thác những mỏ có trữ lượng lớn, độc quyền chiếm đất lập đồn điền, độc quyền xuất nhập khẩu, độc quyền muối, thuốc phiện, rượu, độc quyền ngân hàng, độc quyền bán buôn “ [22] Cứ 1000 làng thì có đến 1500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Hằng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít  rượu cho 12 triệu người bản xứ. [23]

.

 

 

 

 



[1]  Nguyễn văn Tố. Tạp chí Indochine,số 41 ngày 12.6.1941

[2] Võ Long Tê “Lịch sử văn học công giáo Việt Nam” I.tr.227-228

[3] Năm 1517

[4] 1856-1860

[5] Nga sẽ đụng Nhật Bản

[6] Trừ Nhật Bản, vì Minh Trị thiên hoàng kịp thời canh tân

[7] Không chỉ “nhạt nhẽo”, Minh Mạng đã công khai muốn bãi nhiệm những công thần của Gia Long, dù là Pháp hay Việt. Minh Mạng đã lệnh cầm chân các thừa sai ngoai quốc bằng lệnh tập trung để “dịch sách”, lệnh trục xuất …

[8] Nguyễn Hiến Lê, sđd, tr. 100-102

[9] Mọi người là anh em, con một Cha, Thiên Chúa.

[10] Sđd, tr. 85-86

[11] Văn thư 4.3.1859, Bùi Thân Phượng trích trong “Vài vấn đề về bối cảnh lịch sử dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Nhâm Tuất 1862” trong “Một số vấn đề lịch sử Đạo Thiên Chúa trong lịch sử Dân Tộc Việt Nam”, Viện KHXH và BTG, Tp.HCM, 1988

[12] Phạm thế Ngũ “Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên “ q.III, ch.III. Quốc học tùng thư  1965

[13] Trước hết, các giáo sĩ dùng để dạy tiếng Việt cho những giáo sĩ mới tới. Thí dụ gs. Fr.de Pina dạy gs. Alex. De Rhodes.

[14] “Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam” ph.3 ch.12. do Một giáo sư sử học.

[15] Đào Duy Anh “Việt Nam Văn Học Sử” thiên thứ Tư, IX ngôn ngữ

[16] Năm 1868, Petrus Trương Vĩnh Ký là chủ bút

[17] Nhà in Tân Định năm 1863

[18] Một trong “Mười Điều Tâm Niệm” của Hoàng Đạo

[19] Phạm thế Ngũ “VN.văn học sử giản ước tân biên”, q.2, thiên 2.

[20] Mười năm du lịch ở Trung quốc và Đông Dương

[21] “Những sách của cụ TV.Ký” Tri Tân số 44 ngày 28.1.1911

[22] Hồ Chí Minh “bản án chế độ thực dân Pháp” Hà Nội 1980,tr.98

[23] Lịch sử Đảng Công Sản VN. Sơ thảo. Hà Nội 1984,ch.1 tr.28

 

Nguyễn Thế Thoại
Số lần đọc: 2053
Ngày đăng: 28.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn-Hóa Việt-Nam 17 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 16 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 15 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 14 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 13 - Nguyễn Thế Thoại
Nghiên Cứu Văn Hoá Từ Góc Nhìn Nhân Học Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải
Quan Điểm Của Các Nhà Nhân Học Về Vấn Đề Sử Dụng Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải
Văn-Hóa Việt-Nam 12b - Nguyễn Thế Thoại
Hành trình mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều - Hồ Bạch Thảo
Cấu Trúc Luận Trong Nghiên Cứu Biểu Tượng: Từ Ký Hiệu Học Đến Nhân Học Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải