Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.596
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 10
Tuấn Giang

Chương IV

NHỮNG ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ CỦA CA NHẠC CẢI LƯƠNG

 

 

1. Những ưu điểm ca nhạc cải lương

 

Quy luật phủ định của tự nhiên, phản ánh những ưu điểm, hạn chế mọi  hiện tượng, cái già cũ bị đào thải để cái mới nẩy sinh. Nhân loại đã trải qua các thời đại văn minh: văn minh Hy Lạp, Lưỡng Hà, đồ sắt, đồ đồng, công nghiệp và văn minh công nghệ. Mỗi nền văn minh để lại những dấu ấn văn hóa lịch sử sáng tạo trí tuệ. Ngày nay, nền văn minh công nghệ: công nghệ sinh học, công nghệ gien, công nghệ điện tử siêu dẫn…đưa con người tới những nấc thang tột đỉnh bản năng và trí tuệ. Trong bài hát, Trịnh Công Sơn đã không nhầm khi thốt lên lời ca:

 

Chúa đã bỏ loài người

Phật đã bỏ loài người

Còn em! Em đến tìm tôi

Khi những con sông đã cạn nguồn rồi…

 

Loài người đang sống trong xã hội hiện đại, cái tôi “quyền lực” đã thay đổi tất cả, đảo lộn mọi đạo lý truyền thống, dù ở đâu đó mỗi quốc gia, cộng đồng, cả nhân loại đang ngăn chặn, bảo vệ truyền thống, cội nguồn. Nhưng cái bản năng con đang phát triển cùng cái người trí tuệ đỉnh cao, những lối sống thời hiện đại lan tràn khắp hành tinh, hưởng lạc thoả mãn cái tôi cô quạnh, lạnh lùng, gấp gáp. Lối sống thực dụng, cho hiện tại đang làm cả nhân loại vần xoay để sống cho mình, dù cái văn minh nhân loại trong thời công nghệ hiện đại đang nổi lên như mặt trời rực rỡ, cả hành tinh là một mái nhà chung, con người sát cạnh bên nhau đùm bọc, chở che, khắc phục hiểm hoạ thiên nhiên. Tính cộng đồng đẩy lên hàng đầu của sự phát triển tài năng, trí tuệ, văn hoá, khoa học, văn minh. Nhưng những điều thương tâm lại diễn ra hàng ngày như thường gặp công lý chợ trời, cái ta làm hơn cả cái ta theo. Ta chưa biết trời còn xanh hơn trời xanh, trong thời đại thông tin mỗi người cần những lời nói thật. Đó là chân lý khoa học. Nhưng chân lý thời nào cũng như vàng trong đá, ngay những người làm khoa học xã hội với nhau, đã mấy ai thoát khỏi cái tôi đố kỵ để khoa học trong sáng. Nếu biết sợ người đời nhìn thấy tim đen của cái tôi trắc ẩn, hẳn nhiều cuộc thẩm định công trình nghiên cứu khoa học ngành văn hoá, một uỷ viên Hội đồng Khoa học sẽ không lái cả Hội đồng phủ nhận cái này, công nhận cái kia, còn gì là tiêu chí khoa học vì một người nói xuôi, nói ngược đều là “cái chuẩn” của khoa học xã hội. Một xã hội từ lâu như có thói quen sản sinh ra nhiều người nói giỏi, còn thực hành lại hiếm thấy, đây là cái mạnh đi cạnh cái yếu, cái ưu và những hạn chế. Phải chăng là một ảnh hưởng của lối sống “hội nhập”? Nhìn lại truyền thống đạo lý, văn hoá những gì còn lại chỉ là kinh nghiệm răn đời, răn người, nhưng ai biết truyền thống xưa có những điều không thể mất, không bao giờ mất. Ngay những người như là đại diện của trí tuệ khoa học văn hoá lại tự đánh mất mình, mất luôn truyền thống văn hoá làm người, lẽ ra điều ấy chỉ có ở những người ít học, những nông phu, nô bộc. Tiếc thay, nó lại nằm ngay ở những nhà trí thức khoa học. Nếu về thôn quê, lên Đồng Văn, Mèo Vạc, đỉnh Mã Phì Lèng, ta còn nghe câu hát dân ca, những lời ru ngọt ngào, thấm đậm tình người cao đẹp, mang hơi ấm tình đời. Cái hơi thở âm nhạc ấy, còn vang vọng cả trong làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương. Đó là nét đẹp văn hoá truyền thống, là điều không thể mất, không bao giờ mất, là nét thuần phong mỹ tục Việt Nam còn âm vang vào ca nhạc cải lương. Trong xu thế hội nhập khoa học, văn hoá, các trào lưu ca nhạc nhẹ thế giới, lối sống thẩm mỹ hiện đại như những đợt sóng thần trào lên hòn đảo nhỏ bé, tưởng như đã nhận chìm tất cả, nhưng không! Truyền thống tốt đẹp của ca nhạc cải lương vẫn còn đó, bởi đã là truyền thống không thể nào xoá đi trong cái hội nhập xô bồ của cơn sóng vật chất vẩn đục, sau “bão lũ” cái truyền thống lại hiện ra. Những ưu điểm của làn, điệu, bài bản cải lương là:

- Mô hình cấu trúc mở, cấu trúc khép kín và chuyển hoá mô hình giai điệu làn, điệu, bài bản.

Cấu trúc âm nhạc mô hình là lẽ tự nhiên của các hình thức âm nhạc nhân loại, nằm trong quy luật tiến hành giai điệu cấu trúc một bản nhạc. Nhưng có cấu trúc mở, cấu trúc khép kín là điều chỉ có thể có một, không có cả hai mô hình trong một bản nhạc. Những hình thức âm nhạc có cả hai mô hình cấu trúc giai điệu chỉ còn là âm nhạc fonclore, những bản nhạc chuyên nghiệp không bao giờ có. Mô hình cấu trúc mở của làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương, dựa trên hệ thống thang âm lòng bản có những âm chủ, âm quan trọng là cái bất biến của lòng bản như điệu Lý con sáo có cấu trúc giai điệu lòng bản: rề pha son la đô rế. Đây là những âm không thay đổi của lòng bản. Nhưng lòng bản là những âm lòng, âm ruột, những âm bản, âm gốc. Khi hát lên không chỉ có năm âm mà nhiều âm luyến, láy, thêu lướt xung quanh những âm lòng bản ấy. Nếu hát năm âm ruột mới chỉ ra cái khung của bài, còn cái hồn của bài Lý con sáo lại nằm ở những âm ngoài âm ruột. Những âm ấy, làm bài Lý con sáo nghe ngọt mùi, đậm chất dân ca cải lương. Những âm nằm ngoài âm ruột, âm gốc của điệu Lý con sáo là âm của người hát, những ai hát dân ca Nam Bộ, hát cải lương đều biết ca những âm phụ ấy. Những chuỗi âm thanh ấy, là mô hình cấu trúc mở của làn, điệu, bài bản cải lương. Ưu điểm, hay thuận lợi của ca nhạc cải lương là hệ thống mô hình cấu trúc mở, cấu trúc mở là điều kiện tiếp nhận hiện đại, viết lời ca mới mang hơi thở thời đại, thoát khỏi lối ca cổ. Nhờ có cấu trúc mở là sự chuyển hoá mô hình làn, điệu, bài bản. Sự chuyển hoá mô hình là chuyển dịch âm thanh giai điệu hơi nhạc từ điệu nọ qua điệu kia. Sự chuyển hoá mô hình, giai điệu thuận lợi cho việc đặt lời ca mới, nếu ở lòng bản lời cổ âm kết của một câu nhạc dứt khoát phải kết ở âm chủ (âm hò). Nhưng khi viết lời ca mới hoàn toàn thay đổi, câu ca cổ kết ở hò, lời ca phải là thanh huyền, bằng câu: Nay đã gặp lại em dưới đêm hoa rực rỡ ánh sao trời. Nhưng trong lời ca mới câu kết lại đặt ra cho người ca phải có âm vần trắc: anh nguyện đứng bên em hát vang bài ca giữ đất. Nốt nhạc ấy là âm lứu, vẫn là âm chủ nhưng đã hoán đổi vị trí cho nhau, tạo mô hình mới trong chuyển hoá cấu trúc âm nhạc. Những ưu điểm  của cấu trúc mô hình mở và chuyển hoá mô hình, tạo ra những giai điệu mới, thuận lợi xử lý bài ca, đáp ứng tư duy âm nhạc mới. Những thuận lợi tiếp nhận ngôn ngữ văn học mới vào làn, điệu, bài bản cải lương từ cấu trúc mở đến chuyển hoá mô hình, có hai ưu điểm lớn là hoán đổi vị trí bậc âm chủ và các âm lòng bản khác. Ngoài sự hoán đổi còn có một chuỗi âm thanh nằm ngoài âm lòng bản, là hai hệ thống mở của mô hình ca nhạc cải lương. Những ưu điểm ấy, làm phong phú sự diễn tả cảm xúc giai điệu ca nhạc cải lương, tiếp nhận các hình thức ca nhạc hiện đại vẫn bảo tồn truyền thống, đó là ưu điểm của cấu trúc mở dựa trên nền khoa học mô hình cấu trúc khép kín, là tính cố định của làn, điệu, bài bản.

 

Những thuận lợi của ca nhạc cải lương góp phần phát triển sân khấu cải lương trước nhịp sống thời đại, đáp ứng công chúng hiện nay.

 

1.1. Tiếp nhận hiện đại.

 

Truyền thống ca nhạc dân ca, tuồng, chèo, mọi sự tiếp nhận hiện đại là ép duyên, trên thế giới chỉ có các nước thuộc phe XHCN mới có chuyện cải tiến, cách tân các hình thức nghệ thuật cổ vào cuộc sống mới. Phương thức này không sai, nhưng chưa hẳn là đúng vì sự cách tân ấy, ngày nay chèo cổ, tuồng cổ không còn như mong muốn, phần lớn là chèo, tuồng cải biên có các hình thức: chèo cải biên(1), ca kịch chèo. Tuồng cải biên, ca kịch tuồng. Những quan niệm nghệ thuật của các nước phương Tây kể cả Á Đông thuộc hệ thống tư bản trước đây, họ không cải biên các hình thức nghệ thuật cổ. Những hình thức nghệ thuật cổ giữ nguyên là dân gian, dân tộc cổ xưa như các loại rối cạn: rối bóng, rối que, rối dây, rối tạo hình, các loại kịch cổ đại…Vào những năm cuối thế kỷ XX, Ấn Độ, Trung Quốc lại cách tân các hình thức nghệ thuật cổ như Kinh kịch, Việt kịch diễn kỹ thuật cao, kết hợp nhảy Disco, Ráp, Hip hop, thể dục nhịp điệu, xiếc vào kịch hát. Ấn Độ biến những bài dân ca, những vũ điệu Rayana thành rock, rap, disco, hip hop…nhưng bằng nghệ thuật điêu luyện, tinh xảo, nhuần nhuyễn cái cổ với cái hiện đại được công chúng đồng tình. Qua những dẫn giải ấy, có thể thấy cái cổ tiếp nhận hiện đại có ép duyên hay không chưa chắc đã đúng, bởi sự thành công nằm ở kỹ thuật hoà nhập tân cổ, đó là con người sáng tạo ra sự kết duyên ấy. Một là bảo tồn vốn cổ, luôn đào tạo những người tiếp tục sự nghiệp hát dân ca cổ, diễn tuồng, chèo theo cổ nhân. Hai là đào tạo thế hệ trẻ, tiếp nhận sâu sắc vốn cổ, tiếp nhận sâu sắc những thành tựu nghệ thuật hiện đại, từ đó, mới sáng tạo tân cổ giao duyên để nghệ thuật có sức sống trong lớp công chúng mới. Những cách làm của ta hiện nay quả là ép duyên, qua những bài dân ca đặt lời mới sống sượng, thô thiển bẻ cong giai điệu dân ca, nghe không vào, không ít hình thức diễn tuồng, chèo, cải lương… hiện đại chưa tới. Đây là những việc làm chưa được công chúng đồng tình, nguyên nhân nằm ở những hạn chế của con người sáng tạo, còn thiếu kỹ thuật hiện đại để nâng cao các hình thức nghệ thuật cổ.

 

Nhìn lại gần nửa thế kỷ cải biên nghệ thuật cổ từ dân ca đến tuồng, chèo, cải lương khoảng năm 1958 – 2005, có biết bao nhiêu nghìn lượt bài dân ca đặt lời mới, mấy trăm vở tuồng, chèo, cả ngàn vở cải lương đề tài cuộc sống mới. Chúng ta còn lại gì trong cái gia tài cải biên đồ sộ ấy. Những bài dân ca đặt lời mới phát ra rả trên đài phát thanh hằng ngày chẳng ai thuộc bài nào, tác giả đã có lỗi vì cũng đặt lời mới cho gần trăm bài dân ca phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Còn lại những vở tuồng, chèo, cải lương đề tài cuộc sống mới thành công là bao nhiêu? nhưng nhìn lại vốn ca nhạc cổ có thể trả lời ngay ! Tất cả các bài dân ca các dân tộc lời cổ nhiều người thuộc, họ không chỉ hát những bài dân ca dân tộc  họ, còn hát cả những bài dân ca của dân tộc khác. Những bài dân ca lời cổ do những người sưu tầm đầu tiên dịch lời từ nghệ nhân có sức sống kỳ lạ . Bài Ru con dân ca Tây Nguyên, thật mộc mạc, hồn nhiên, không văn hoa, cao siêu, nhưng ai cũng thích lời ca:

 

Em ơi ! Em ngủ cho ngoan

Để mẹ đi chặt cây chuối nơi xa

Em nằm ngủ cho ngoan

Ngoài rừng xa cha đang đi kiếm măng non

Nin đi hỡi em ơi

Em nằm ngủ cho ngoan

Nơi xa mẹ nhặt được nhiều ngọn rau non

Đừng khóc nữa hỡi em ơi.

 

Một bài dân ca hay, lời ca mộc mạc, dung dị, hồn nhiên, chỉ nghe một lần đã nhớ, nhưng vẫn bài ca ấy, đọc hàng chục lần lời mới chẳng lưu lại lời ca nào. Người nghe chỉ nhớ lời cổ, lời ruột của bài dân ca. Đây là cái cổ tự nó không bao giờ mất đi, dù đã được cải biên dị dạng thì cái cổ vẫn là văn hoá vĩnh cửu. Những bản ca nhạc cải lương không nằm ngoài tính bảo cổ, vĩnh cửu dù đã cải biên, đặt lời mới. Mỗi bài, mỗi làn điệu có tới ngàn lượt đặt lời mới, nhưng lời cổ, giai điệu cổ vẫn còn mãi là ca nhạc cải lương trong một khuôn mẫu kịch bản. Những dẫn giải về nghệ thuật diễn cải biên chèo, tuồng, cải lương nghệ thuật đặt lời ca cho những bài bản cổ đã cho thấy mức độ tiếp nhận hiện đại khác nhau. Những bài dân ca, ca nhạc cải lương dù đặt lời mới, đáp ứng nhu cầu mới vẫm không làm mất đi giá trị thẩm mỹ văn hoá truyền thống. Còn những vở diễn nằm ở kỹ thuật diễn viên, khi cách tân đã phá bỏ nghệ thuật diễn cổ, biến các hình thức sân khấu cổ thành một hình thức sân khấu khác. Nhiều vở cải lương đề tài cuộc sống mới, qua tay đạo diễn biến thành những vở kịch nói cải lương, nhiều người gọi là cải lương bị kịch nói hoá, hoặc kịch cắm bài ca. Mức độ tiếp nhận hiện đại rất khác nhau, giữa kỹ thuật biểu diễn và nghệ thuật ca. Nguyên nhân sự khác nhau ấy, vì âm nhạc là nghệ thuật tâm linh, cái nghệ thuật thấm sâu vào linh hồn người nghe. Những ấn tượng cái hay, cái đẹp chỉ nghe một lần không bao giờ quên, là ý tưởng thiêng liêng được lưu giữ ở tâm linh con người. Còn nghệ thuật diễn là ngôn ngữ hành động, nhìn trực tiếp bằng mắt, qua đó mới xúc cảm từ một hệ thống hành động, nên dễ quên đi bởi con người phải tiếp xúc qua nhiều loại ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Dù đều là tiếp nhận hiện đại, ở ca nhạc không quên cái cổ, ở biểu diễn lại quên nhanh cái cổ. Đây là sự khác biệt giữa nghệ thuật của cái tai là âm nhạc, và nghệ thuật của đôi mắt là hành động kỹ thuật diễn viên. Vì thế, những ưu điểm ca nhạc cải lương là tiếp nhận hiện đại nhanh, nhưng không mất đi những mực thước thẩm mỹ ca nhạc truyền thống Việt nam, làn, điệu, bài bản cải lương. Mức độ tiếp nhận hiện đại ca nhạc cải lương còn ưu điểm hoà quyện, nhuần nhuyễn với các hình thức ca nhạc hiện đại. Đây là những phẩm chất tốt đẹp của ca nhạc cải lương mà tuồng chèo không thể có. Nếu dàn nhạc tuồng chèo đánh ráp, Disco… nghe thật ngớ ngẩn, dù nội dung kịch bản cho phép nhưng sẽ không thể hoà nhập giữa nhạc tuồng, chèo với các dòng nhạc hiện đại. Nhưng làn điệu bài bản cải lương lại hoà nhập, sự hoà nhập ấy nằm ở hai hình thức biến hoá trong ca nhạc. Một là kỹ thuật ca nhạc tân cổ giao duyên, chắp nối các điệu cổ với điệu tân, đây là kỹ thuật ca thay đổi âm tựa nắm chữ, chuyển hoá mô hình để hoà cổ vào tân. Hai là, hoà tân vào cổ, nghĩa là cải lương hoá những hình thức ca nhạc, hoặc nghệ thuật diễn hiện đại vào cải lương, bị biến dạng hiện đại sang cải lương. Đây là hai phương thức tiếp nhận hiện đại vào cải lương, mỗi phương thức là những hình thức tiếp nhận hiện đại có mức độ khác nhau từ nguyên xi đến hoà nhập. Phương thức hoà tân vào cổ, là những đặc điểm kỹ thuật ca nắn chữ, nhả chữ, với những bài ca tân nhạc không thể chuyển đổi mô hình giai điệu được. Mỗi bản nhạc sáng tác hiện đại có chuẩn mực từng nốt trên giai điệu, không thể thay đổi vị trí âm thanh, dù là âm chủ không thể nâng lên, hay hạ xuống một quãng tám, nếu thay đổi vị trí âm chủ là phá vỡ cấu trúc giai điệu bài hát, đây là sự khác biệt giữa bài bản và bài hát tân nhạc. Kỹ thuật nắn chữ bằng cách thêm nhiều âm luyến láy xung quanh nốt nhạc của bài tân nhạc, là cải lương hoá bài tân nhạc, người hát hát đúng bản Rock, Rap, Hip hop  … Vì nắn chữ, nên chất cứng rắn, sự chính xác đã mềm đi, từng cao độ đã bị lái đi thành những âm lơ lớ của cải lương làm những bài ca tân nhạc ấy mềm đi, mang nặng lối hát  mùi của ca nhạc cải lương. Sự tiếp nhận hiện đại là thế mạnh ca nhạc cải lương, từ ca nhạc đến nghệ thuật diễn là sự đồng tâm, đồng lực. Nghệ thuật diễn tiếp nhận hiện đại trên sân khấu cải lương khác với âm nhạc, nếu âm nhạc có mô hình hệ thống mở và khép kín thì nghệ thuật diễn không có hành động cấu trúc mô hình. Ngôn ngữ diễn là ca và bộ, âm nhạc đi với hành động, gắn kết ngôn ngữ âm nhạc với ngôn ngữ hành động là sự thể hiện hiện đại. Vì sân khấu cải lương ra đời vào đầu thế kỷ XX, so với thời đại phong kiến lúc ấy là nghệ thuật hiện đại, còn hiện nay nhìn lại nghệ thuật cải lương lúc ấy là thời cận đại, nên tính hiện đại có nhiều nhân tố hiện đại trong ngôn ngữ hành động diễn. Nghệ thuật diễn cải lương giầu nhân tố hiện đại, bởi hành động ra bộ là những động tác như thực, gần với hiện thực. Nghệ thuật diễn cải lương gần với hành động kịch, là hành động xung đột hiện thực. Nên nghệ thuật ca và bộ của cải lương đã tiếp nhận ngôn ngữ hiện đại, khá nhuần nhuyễn vào ca và ngôn ngữ hành động. Ngôn ngữ hành động các loại hình nghệ thuật như các loại nhảy Rock, Ráp, Breakdance vào cải lương sẽ mềm đi, bởi hành động ra bộ theo điệu ca, hành động diễn cũng ngôn ngữ cải lương. Cái gốc của ngôn ngữ cải lương là mô tả hiện thực, minh hoạ hiện thực, ra bộ, làm mềm đi hành động diễn. Còn ca cải lương làm mềm đi những bài ca tân nhạc, dựa vào mô hình chuyển hoá âm hình dựa trên thang âm ruột của bài ca bằng cách thêm những âm phụ để mềm hoá giai điệu mô hình bài ca tân nhạc.

 

Những ưu điểm bài bản, làn, điệu cải lương có hệ thống nhạc mô hình, gồm hai hệ thống: hệ thống mở và hệ thống khép kín đã tiếp nhận các hình thức ca nhạc hiện đại vào sân khấu, vẫn bảo tồn bản sắc ca nhạc cải lương. Giá trị mỹ học có tính truyền thống ca nhạc cải lương nằm ở hệ thống mô hình lòng bản bằng những âm bất biến, là hệ thống mô hình khép kín. Nếu không có mô hình khép kín, hệ thống mở sẽ làm mất đi bản chất ca nhạc cải lương.

 

1.2. Những hạn chế của làn, điệu, bài bản.

 

Âm nhạc là thanh sắc, thanh là âm thanh, săc là mầu sắc âm thanh. Mầu sắc âm thanh là đặc tính của âm nhạc, nên âm nhạc liên quan đến hội hoạ. Mẫu thẩm mỹ cổ điển, là giá trị tinh thần cao của âm nhạc, mỹ thuật, người ta ví bảy nốt nhạt tương ứng bằng bảy màu của hội hoạ: đô đỏ, son hồng, pha vàng, la xanh, si chàm… Nhờ có thanh sắc, người nghe cảm nhận đặc điểm âm nhạc. Mầu sắc âm thanh là đặc trưng các  loại hơi nhạc, hình thành cấu trúc giai điệu tác phẩm. Hơi nhạc thể hiện bản sắc làn, điệu, bài bản, mỗi hình thức có những ưu điểm và hạn chế. Đây là quy luật tồn tại của một hiện tượng, hay sự vật. Âm nhạc cải lương có nhiều ưu điểm nổi bật ở hai đặc tính, tiếp nhận hiện đại, bảo vệ bản chất ca nhạc thẩm mỹ nghệ thuật cải lương, nhưng những hạn chế không nhỏ. Những hạn chế ấy, thể hiện ngay trong những ưu điểm lại là những hạn chế của từng làn, điệu, bài bản. Những hạn chế của ca nhạc cải lương tính bất ổn định ở những mô hình thuộc hệ thống mở, ca nhạc cải lương tiếp nhận quá đà nhiều hình thức âm nhạc xa lạ với thẩm mỹ dân tộc không có giới hạn. Nhờ sự chuyển hoá mô hình, nhiều khi bị lạm dụng thành thứ âm nhạc lai căng, không còn bản chất thẩm mỹ. Những hạn chế này, không phải do bản thân những hình thức cấu trúc âm nhạc gây ra, càng không phải vì sự vận động tự thân của một hiện tượng âm nhạc. Nguyên nhân nằm ở phía người sử dụng âm nhạc, sân khấu cải lương. Ca nhạc cải lương từng bị lên án là thứ âm nhạc vàng vọt, ủy mị, vong bản, mất nước, lai căng…

 

Sân khấu cải lương từng bị nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: cải lương không có ngôn ngữ riêng. Cải lương là “cái dạ dày trâu”. Cải lương là một thứ “cải lương”, kịch nói một tý, kịch Tây, kịch Tầu, nhảy múa, kịch câm, ca nhạc nhẹ… mỗi thứ một tý. Cải lương là một thứ không có bản sắc riêng. Thực tiễn cải lương đã từng diễn như thế, lỗi này ở người thực hiện, là những tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa… Muốn khắc phục những hạn chế này, không khó, thực tiễn nền sân khấu cách mạng đã khẳng định sân khấu cải lương có bản sắc riêng. Đó là phát huy mạnh mẽ những ưu điểm chất ca nhạc trữ tình, cái bi, cái hùng tráng, cái hài. Cái bi không bao giờ vượt quá giới hạn là yếm thế, bi quan tan vỡ, mất phương hướng. Cái bi xen lẫn cái hùng, hài, cái trữ tình làm đẹp thêm chất mỹ cảm văn hoá dân tộc. Những điều chỉnh cân bằng bốn đặc điểm ca nhạc, tạo ra bản sắc riêng ca nhạc sân khấu cải lương. Tính cân bằng trong mỗi trạng thái của các hiện tư­ợng, sự vật, ngay cả con ngư­ời và trong thế giới tự nhiên luôn là sức mạnh. Cân bằng là sức mạnh! Tuy nhiên không thể lúc nào, cái nào cũng cân bằng, chính xác. Nh­ưng trong bốn đặc điểm ca nhạc, nghệ thuật cải lương có ba đặc điểm vô hại là: trữ tình, hùng, hài. Cái bi là con dao hai l­ưỡi, sử dụng quá liều sẽ bị hại. Sự cân bằng tương đối, nghiêng về ba đặc điểm cơ bản: trữ tình, hùng, hài, thì cải lương vẫn có bản sắc riêng, đem lại cảm xúc lành mạnh cho công chúng. Còn cái bi, cái trữ tình biết sử dụng đúng liều, lại là thế mạnh của cải lương. Mọi bí quyết thành công trên sân khấu cải lương nằm ở kịch bản sân khấu cải lương. Đây là công trình khoa học, thi pháp sân khấu, tập thể tác giả kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hoạ sĩ, đồng sáng tạo một hình thức nghệ thuật sống động là tác phẩm sân khấu. Đây là sự tồn tại một hình thức sân khấu tổng hợp, các tác giả kể cả diễn viên là tác giả của sự sáng tạo từng vai diễn, hoàn toàn chỉnh sửa mới đưa ra công chúng, sẽ không bao giờ có vở cải lương thứ phẩm. Những hạn chế của nghệ thuật cải lương có nhiều, còn nằm ngay ở từng làn, điệu, bài bản.

 

Hạn chế của làn là âm nhạc tự do, không có giai điệu cụ thể trên khuôn nhịp, vì thế đến nay làn chưa đ­ược ghi thành bản nhạc để truyền lại cho mọi người. Nên ng­ười sử dụng làn lại toàn quyền lái từ làn nọ qua làn kia, từ trong sáng vui tư­ơi sang bi ai, sầu thảm. Một vở cải lương có nhiều cái sầu thảm lại làm hại vở diễn, đem đến công chúng thông tin sai lạc về chất âm nhạc dân tộc. Bởi làn là chất âm nhạc dân ca, dân gian, Nam Bộ có làn của ca nhạc dân gian Nam Bộ, Bắc có làn của dân ca đồng bằng Bắc Bộ… Mỗi vở có thể sử dụng nhiều làn dân ca vào vở diễn. Nhưng không dựa vào thuyết cân bằng, ca nhạc cải lương sẽ là một thứ lai tạp không có bản sắc. Làn là dễ hoà nhập, thuộc mô hình thệ thống cấu trúc mở và chuyển hoá mô hình, làn dễ sa đà làm mất phong cách riêng truyền thống ca nhạc dân ca Nam Bộ. Nếu làn giữ đúng phong cách dân ca Nam Bộ, qua các hình thức: Nói thơ Nam Bộ, Hò Đồng Tháp, Lẩy Kiều, Ngâm thơ Lục Vân Tiên… là những làn đặc trưng ngôn ngữ, thang âm bản địa ca nhạc Nam Bộ. Nguồn gốc bản địa ấy, có giá trị cội rễ, bất biến đến mức khi ca nhạc cải lương tiếp nhận những bản nhạc lễ như­ tám bản Ngự, ba bản r­ước, một số điệu lý dân ca miền Trung đã bị Nam Bộ hoá để hoà nhập vào vốn ca nhạc cải lương. Hình thức Nam Bộ hoá ấy, từ kỹ thuật ca nắm chữ, chuyển đổi dấu giọng, chuyển hoá mô hình, biến những bản nhạc miền Trung thành âm nhạc có quan hệ láng giềng với dân ca Nam Bộ, ca nhạc cải lương. Ngay vốn ca nhạc cải lương có nhiều làn, điệu, bài bản, tiếp nhận từ nhiều nguồn âm nhạc ở các địa phương khác nhau đã bị cải lương hoá theo màu sắc, âm thanh ca nhạc Nam Bộ. Cái gốc ca nhạc cải lương Nam Bộ đã chi phối toàn bộ sân khấu cải lương, tạo thành phong cách cải lương kéo dài từ lúc ra đời sân khấu cải lương năm 1918 đến năm 1995. Cả ba miền Bắc - Trung - Nam, ca cải lương, nói lời thoại cải lương theo thổ âm Nam Bộ. Mãi tới năm 1980, nổ ra nhiều cuộc tranh luận trên báo chí, cải lương Bắc nên ca tiếng Bắc hay Nam? Nhiều nghệ sĩ danh tiếng cải lương Bắc lên tiếng, các đoàn cải lương Bắc dần từ bỏ lối ca, nói lời thoại tiếng Nam Bộ, đoàn cải lương Bông Sen trắng Nghệ An đến hội diễn 1995 còn ca, nói lời thoại tiếng Nam Bộ, là đoàn ca tiếng Nam bộ lâu nhất của cải lương các miền. Đến Hội diễn sân khấu cải lương năm 2000, các đoàn cải lương Bắc không nói lời thoại, ca tiếng Nam Bộ, nhưng tới nay còn không ít nghệ sĩ Bắc ca tiếng Nam Bộ khi trình diễn bài lẻ. Những thực tiễn nghệ thuật ấy, khẳng định cái gốc ca nhạc, nghệ thuật  cải lương bản địa Nam Bộ có sức mạnh đặc biệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các đoàn cải lương sinh sau cải lương Nam Bộ. Điều ấy, khẳng định ca nhạc cải lương, sân khấu cải lương, có phong cách, ngôn ngữ đặc trưng riêng là đặc điểm văn hoá, nghệ thuật Nam bộ. Ca nhạc là cái gốc thổ âm, tâm lý, bản ngữ Nam Bộ mà vốn âm nhạc đầu tiên là làn. Làn là vốn ca nhạc dân ca Nam Bộ từ trong đời sống văn hoá dân gian, phát triển vào ca nhac cải lương.

 

Làn là một biểu hiện đặc biệt của ca nhạc dân ca Nam Bộ có nhiều ưu điểm, nhưng những hạn chế làn dễ hoà nhập tiếp nhận, chuyển hoá tới nhiều dòng nhạc xa lạ. Người sử dụng làn là các nghệ sĩ ca, diễn cần thể hiện đúng đặc điểm ngôn ngữ dân ca Nam Bộ, đó là nguồn gốc âm nhạc đặc sắc nhất của ca nhạc cải lương.

 

Do những hạn chế của điệu, điệu có cấu trúc câu đoạn ngắn gọn, có khuôn nhịp, nhịp điệu được ghi trên bản nhạc. Điệu khác xa làn, làn tới nay chưa được ghi thành bản nhạc, nghĩa là vào thời hiện đại, văn minh khoa học cao, trên thế giới không có dòng âm nhạc nào còn nằm ngoài những bản nhạc ghi thành bản phổ để xuất bản. Nhưng ở Việt Nam tới nay, vẫn còn một dòng âm nhạc nghệ thuật fonclor nằm trong môi trường tự nhiên của đời sống văn hoá dân gian là làn. Còn điệu đã chuyên nghiệp hoá, trở thành những bản nhạc kinh điển của ca nhạc cải lương. Điệu là những điệu lý, những điệu mới sáng tác vào vốn ca nhạc cải lương. Những đoản khúc ngắn của điệu chỉ đáp ứng tình cảm nhỏ, đó là những hạn chế.

 

Điệu có hạn chế âm nhạc cố định, có tính bác học, khó chuyển dịch, thay đổi tính chất âm nhạc để hoà nhập vào các dòng nhạc mới. Đây là tính bảo cổ của điệu. Điệu là những đoản khúc bị giới hạn bởi sự diễn tả sẽ không sâu sắc, dứt khoát một điều gì khi mà những sắc thái tình huống, tính kịch đòi hỏi. Tính chất buồn, vui, hùng tráng, bi của điệu quá ngắn, chưa đủ sức diễn tả những tình cảm, tâm trạng lớn. Những hạn chế, giới hạn của điệu là:

- Mô hình khép kín

- Diễn tả những đoản khúc nhỏ

- Tính bảo cổ

 

Những hạn chế của điệu, bởi những mô hình giai điệu khép kín đã khẳng định một đặc tính ngôn ngữ ca nhạc cải lương, cái giới hạn là những đoạn khúc nhỏ lại thuận lợi khi diễn tả những xung đột nhỏ, dù không đáp ứng tình huống sân khấu, tình cảm lớn tâm trạng nhân vật. Tính bảo cổ là một giới hạn sân khấu cải lương khó cách tân khi tiếp nhận cái mới, nhưng nhờ sự bảo cổ ấy lại là một trong những đặc điểm giữ vững bản chất ca nhạc cải lương Nam Bộ. Những hạn chế của điệu chỉ sử dụng diễn tả những khúc dạo đầu của các trạng thái sân khấu, nhân vật không có sức diễn tả sâu sắc một tình cảm, chưa đáp ứng sự thoả mãn cảm xúc.

 

Những hẫng hụt, giới hạn của điệu, lại là ngòi nổ cho bài bản, đến bài bản, người nghe thoả mãn nhiều tình huống, tâm trạng  tình cảm thẩm mỹ âm nhạc. Nhưng bài bản lại không đáp ứng mong muốn công chúng, bởi bài bản quá dài. Cấu trúc câu dài, với tiết tấu lê thê của bài bản, là một giới hạn làm nhiều người không thích cải lương, đặc biệt giới trẻ và phần đông những người trí thức. Bài bản có nhiều thuận lợi, ứng dụng các tình huống tính kịch, tâm trạng nhân vật … Bài bản là loại âm nhạc tự sự dài dòng, sâu sắc, cổ. Bài bản có mô hình khép kín là hơi nhạc lớn - đặc biệt hơi Oán. Hơi Oán là hơi nhạc nổi bật của vốn ca nhạc cải lương. Hơi Oán là một giới hạn, sử dụng quá liều sẽ phản thẩm mỹ. Hơi Oán là những thuận lợi ưu việt, nếu sử dụng đúng liều. Nghĩa là có giới hạn của cái bi ai, buồn thảm, là chất âm nhạc trữ tình, mầu sắc nổi bật của ca nhạc cải lương.

 

Những hạn chế của bài bản là:

- Cấu trúc giai điệu dài dòng

- Mô hình khép kín

- Bảo cổ.

 

Cấu trúc câu đoạn giai điệu dài dòng , nhịp điệu lê thê hầu như gần hết các bài bản chỉ sử dụng từng câu đoạn, hiếm có điều kiện sử dụng cả bài bản. Bài bản là những nội dung lớn, diễn tả dài dòng, nhiều khi không phù hợp với diễn biến của cuộc sống con người mới. Những giới hạn này, là thế mạnh của bài bản ca nhạc, sân khấu cải lương thiên về những đề tài dân gian, dã sử… Những bài ca cổ, những vở diễn cổ luôn là sự thành công cao của ca nhạc, sân khấu cải lương. Mô hình giai điệu khép kín là sự ổn định của bài bản, nhưng không thể hoà nhập, tiếp thu cái mới. Bảo cổ truyền thống, dựa trên mô hình khép kín giai điệu bài bản, không dung nạp những bài ca mới. Truyền thống là một thói quen lâu đời, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cải lương chưa xếp vào loại sân khấu truyền thống. Điều ấy, có thể đúng, nhưng với ca nhạc cải lương là vốn làn, điệu, thì không. Bởi làn, điệu ra đời từ trong dân gian, cách đây ít nhất là ba bốn trăm năm đủ để khẳng định là một truyền thống. Làn, điệu là những bài dân ca Nam bộ, ra đời cùng với sự khai phá, lối sống cộng cư ở miền đất phương Nam. Những bài dân ca Nam Bộ là những nét văn hoá cộng đồng lâu đời, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, làm nên bản sắc ca nhạc phương Nam. Những bài bản mới sáng tác, nhưng cách đây khoảng 100 năm, lại kế thừa từ vốn làn, điệu dân ca Nam Bộ. Bài bản là một hình thức âm nhạc kinh điển của nền ca nhạc dân gian tài tử, Nam Bộ. Những hạn chế của làn, điệu, bài bản là cấu trúc mô hình giai điệu khép kín, bảo cổ, nhiều bài bản giai điệu dài dòng, nhịp điệu trùng lặp nhiều câu đoạn chưa phù hợp với nhịp điệu cuộc sống mới. Chất bi luỵ của bài bản, đặc biệt là bài Oán, nếu bị lạm dụng làm cho chất âm nhạc cải lương bi ai, trở thành phản thẩm mỹ. Nhưng những ưu điểm của làn, điệu, bài bản, có những hình thức âm nhạc riêng. Mỗi hình thức vận dụng đúng vị trí, đúng liều sẽ thành công trong diễn tả tình cảm, tính cách, tâm trạng nhân vật. Mỗi hình thức làn, điệu, bài bản là một thể loại cấu trúc âm nhạc, đáp ứng tình huống sân khấu. Những ưu điểm lớn của ca nhạc cải lương, giữ vững bản sắc ca nhạc dân tộc, bản địa. Sự cấu trúc giai điệu mô hình có hệ thống mở, sự chuyển hoá mô hình…là những điều kiện tiếp thu cái mới, đáp ứng con người nhịp sống thời đại.

 

1.3. Mô hình lòng bản, đặc trưng ca nhạc cải lương

 

Mỗi loại hình nghệ thuật có quy luật cấu trúc ngôn ngữ riêng để phản ánh hiện thực cuộc sống, âm nhạc là nghệ thuật âm thanh, nhưng đi sâu vào mỗi thể loại âm nhạc lại có những hình thức cấu trúc riêng, phản ánh đặc trưng ngôn ngữ, hình thức thể loại. Ca nhạc cải lương có nguyên tắc cấu trúc riêng của hệ thống làn, điệu, bài bản. Qua làn, điệu, bài bản, phản ánh đặc trưng ca nhạc cải lương. đặc trưng (specific trait characteristic), là nét riêng tiêu biểu của một hiện tượng, sự vật, nhờ những nét riêng ấy để phân biệt các sự vật, hay các hiện tượng của tự nhiên. Ca nhạc có những nét riêng, về hình thức cấu trúc giai điệu có loại không có khuôn nhịp rõ ràng, loại có nhịp điệu rõ ràng. Đó là cấu trúc giai điệu làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương. Một nét đặc trưng cấu trúc hình thức âm nhạc khác với ca nhạc tuồng, chèo. Cấu trúc hình thức là nét đặc trưng riêng, mang nội dung ngôn ngữ âm thanh, giai điệu âm nhạc. Nói tới âm nhạc là quy luật cấu trúc ngôn ngữ âm thanh, nhưng không bao giờ giống nhau, dù bài nhạc nào đều không thoát khỏi bảy nốt nhạc, là bảy âm thanh. Nếu một giai điệu có hai âm, đã không thoát khỏi một trong bảy âm của âm thanh âm nhạc, là những quy định của âm nhạc. Nhưng tất cả những bản nhạc lại khác nhau, là quy luật cấu trúc giai điệu nằm ở sự hình thành quãng và tiến hành các quãng. Mỗi quãng cho cảm xúc mầu âm, tính chất giai điệu khác nhau. Nghe lối tiến hành bài Hành quân xa của Đỗ Nhuận khác bài Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, dù đều chung một hình thức thể loại âm nhạc là bài hát hành khúc. Nhưng nét giai điệu Hành quân xa, sắp xếp các quãng là: rề son son lá son rề son là rê…Tiến hành giai điệu, cấu thành quãng bốn, liền bậc, quãng hai, quãng hai, quãng bốn…Còn bài Cùng nhau đi hồng binh, cấu trúc giai điệu: rề son son rề son…(cùng nhau đi hồng binh), là quãng bốn, liền bậc, quãng bốn…Hai bài hành khúc của Đỗ Nhuận và Đinh Nhu viết khá giống nhau về lối cấu trúc, tiến hành giai điêụ là nhảy lên quãng bốn (mở đầu rề son), tiếp đó tiến hành liền bậc, nhắc lại âm son, nhưng sau đó là khác nhau. Sự khác nhau chỉ có một quãng đã tạo ra ngôn ngữ đặc trưng giai điệu âm nhạc, có hai bài hát hoàn toàn khác nhau. Đó là ngôn ngữ đặc trưng mỗi thể loại âm nhạc của mỗi tác giả khi sáng tác, tạo ra phong cách riêng từ hình thức cấu trúc giai điệu âm nhạc. Ngôn ngữ đặc trưng nằm ở sự sắp xếp các quãng trên giai điệu bài hát.

 

Ca nhạc cải lương có ngôn ngữ đặc trưng không giống các hình thức ca nhạc tuồng, chèo, bởi sự hình thành từ cấu trúc giai điệu, làn, điệu, bài bản. Hệ thống làn, điệu, bài bản, chia thành các hơi nhạc. Những bản hơi Bắc trong sáng vui tươi, có cấu trúc các quãng khác những bài bản hơi Ai.

 

Những bản hơi Nam: buồn thương, hoài niệm, vấn tâm, đau xót, ảm đạm.

Những bản hơi Ai: xót xa, bi thương, sầu thảm.

Hơi Xuân: trong sáng, nhẹ nhàng, Bản Nam đảo hùng tráng…

Hơi Oán: da diết, lâm ly. Hơi Vọng cổ: mùi mẫn, ngọt ngào, tha thiết, hoặc sầu thảm, buồn thương, hùng tráng (đây là do kỹ thuật hát để thể hiện nội dung).

Hơi nhạc chia nhỏ đến từng bài, nhưng đặc trưng ca nhạc cải lương là bốn hơi: Xuân – Ai – Bắc – Oán.

 

Có hai hơi vui, hai hơi buồn, giống như quy luật âm dương sáng, tối. Nhưng mức độ vui ở mỗi hơi khác nhau, buồn mỗi hơi có cung bậc khác nhau, giống như sáng có bình minh, đang trưa, chiều. Tối có: sẩm tối, hoàng hôn, nửa đêm, gần sáng… Đặc trưng ngôn ngữ ca nhạc cải lương nằm ở hệ thống cấu thành thang âm, điệu thức làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương. Những làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương, hình thành năm thang âm, điệu thức ca nhạc cải lương. Đó là ngôn ngữ đặc trưng ca nhạc cải lương bao gồm các giọng điệu:

 

- Hò I: hò xự xang xê cống lứu – Tương ứng với: đồ rề pha son la đố.

- Hò II: xự xang xê cống lứu – Tương ứng với: rề mi son la đô rế.

- Hò III: xàng xê cống lưu ú xáng – Tương ứng: mì son la đô rế.

- Hò IV: xề công lưu u xáng – Tương ứng: son là đô rê mí.

- Hò V: công lưu ú xáng xê cống – Tương ứng: sòn là đô rê mí son.

 

Những điệu thức này, là nguyên tắc cấu thành các thang âm giai điệu trong bài bản, làn, điệu ca nhạc cải lương. Nếu lấy bất kỳ một bản nhạc trong vốn ca nhạc cải lương chọn các âm xếp lại, sẽ có kết quả nằm ở một trong năm thang âm trên thuộc về những thang âm đặc trưng của ca nhạc cải lương. Nếu lấy bài Lưu thuỷ đoản xếp lại sẽ có thang âm: xự xang xê cống ú lứu (rề mì son la đô rế) thuộc thang âm hò II. Xếp cùng loại thang âm hò II, có các bài: Bình bán vắn, Mẫu tầm tử, Lưu thuỷ, Tẩu mã…Đặc trưng ca nhạc cải lương có năm thang âm tương ứng với: đồ rê mi son la đố, là thang âm năm âm của điệu thức dân ca Nam Bộ. Năm bậc âm cơ bản là ngôn ngữ đặc trưng ca nhạc cải lương thường là những bậc âm kết của làn, điệu, bài bản. Đó là đặc tính giai điệu ca nhạc cải lương. Những bài bản, làn, điệu, cấu thành các quãng giai điệu đặc trưng không đổi, tạo ra âm hưởng, hơi nhạc cải lương. Năm thang âm, điệu thức ấy, là mô hình cấu trúc giai điệu của 68 bài bản, làn, điệu ca nhạc cải lương. Theo nhạc sĩ Thanh Nha sưu tầm công bố năm 1959, còn theo tác giả sưu tầm, tới nay có khoảng 85 bài bản mới bổ xung cho vốn ca nhạc cải lương hiện đại có nhiều bài mới sáng tác rất phổ biến trong các vở cải lương mới.

 

2. Tính truyền thống hiện đại của ca nhạc cải lương.

 

Sáng tạo tập thể là nguồn gốc nghệ thuật Ponclore toàn nhân loại về các nền văn hoá, nghệ thuật truyền thống, thể hiện tình cảm, ý thức dân tộc. Nghệ thuật dân gian các dân tộc sản sinh cùng với nền kinh tế xã hội, là hiện thân tư tưởng thời đại. Thi pháp Foaclore là tổng các phương tiện nghệ thuật, tạo nên một hiện thực nghệ thuật bằng các biểu tượng lý tưởng hoá các sự kiện, nhân vật như những truyện thần thoại, những mơ ước thiên thần… tạo ra sức bay bổng khác thường. Những tưởng tượng phong phú ấy, không phải ngẫu nhiên, là sự tương hợp khác thể thời đại với các phương tiện biểu hiện của nghệ thuật Foaclore. Hệ thống thi pháp Foaclore với phép đối lập phân cực, đối xứng: thiện - ác, cao cả - thấp hèn… là những nội dung thường gặp trong các câu chuyện dân gian như : Tấm Cám, Thạch Sanh, Mỵ Châu – Trọng Thuỷ, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh… phản ánh hiện thực bản chất các thế lực xã hội đang chống đối nhau để đến hồi kết cục theo tâm nguyện con người. Những đề tài tình yêu và bất hạnh, giầu sang, nghèo hèn, hạnh phúc, ấm no và đói khát… thể hiện những xúc cảm trữ tình trong mỗi con người. Nhưng nghệ thuật Foaclore đã mô hình hoá hiện tại bằng tính khái quát, điển hình lý tưởng hoá… là những hạn chế, nhưng là những bí quyết tạo nên sức sống của các bài dân ca trong nền âm nhạc dân gian. Những biến động mới của nhịp sống hiện đại, nghệ thuật Foaclore gia nhập các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, quần chúng … tác động ảnh hưởng sâu sắc đến nền nghệ thuật chuyên nghiệp. Đó là một điều kiện thúc đẩy truyền thống văn nghệ dân gian, gia nhâp hệ thống thẩm mỹ nghệ thuật hiện đại.

 

Trong xã hội hiện đại, những biến động kinh tế, xã hội, nghệ thuật có thể tìm thấy những tiêu điểm của truyền thống văn nghệ dân gian gắn với nghệ thuật hiện đại. Đây là mối quan hệ truyền thống với hiện đại, đang trở thành mối quan tâm của thời đại về bảo vệ truyền thống và phát triển hiện đại của nghệ thuật dân gian. Đây là phạm trù nghệ thuật khó phân định truyền thống nghệ thuật dân gian với nghệ thuật dân gian. Nghệ thuật dân gian tới nay không tồn tại như nguyên sơ, là những di bản, dị bản khác xa với thế kỷ trước. Nên cái truyền thống chính là những dáng dấp, âm hưởng dân gian như ca nhạc tài tử, dân ca quan họ còn tồn tại trong hội làng, nhạc phong tục ở trong dân. Đó là dân gian hiện đại, bởi ca nhạc dân gian của lớp người có đời sống kinh tế, văn hoá hiện đại, nên gọi là: dân gian hiện đại. Đó là truyền thống văn nghệ dân gian tiếp nối vào nhịp sống thời đại mới, còn những hình thức lễ hội, hội Lim, nhạc hội đàn ca tài tử, hát quan họ du thuyền…đều là chế tác văn nghệ dân gian. Bởi họ có cả ban tổ chức lễ hội, đưa cả dàn nhạc đệm cho quan họ, có những đội quan họ luyện tập chuyên nghiệp đến hát… Những điều ấy, giống như các xí nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bắt chước Chùa Một cột, những con rồng Lý, Trần, Lê… như thực. Nhưng chỉ là tái sản xuất quá khứ ở tầm thấp, làm hàng giả lừa phỉnh khách du lịch, kiếm tiền từ truyền thống văn nghệ dân gian. Tính truyền thống, hiện đại là cái văn nghệ dân gian tiếp nối vào nhịp sống thời đại, xin đừng lạm dụng nó, coi đó là nghệ thuật dân gian nguyên thuỷ, bản địa quan họ, đàn ca tài tử, cải lương…Các nước XHCN xưa thường đặt ra đổi mới, cách tân văn nghệ dân gian, nước ta đã bị ảnh hưởng trào lưu ấy! Họ quên mất rằng văn nghệ dân gian có một hệ thống thẩm mỹ với những chuẩn mực cái đẹp lý tưởng dân tộc, thời đại. Cải tiến, cách tân, đổi mới văn nghệ dân gian, chẳng biến nó thành một nền văn nghệ khác, không què cụt, cũng mù loà. Chuyện nực cười ông Mác Tuyên cải tiến đàn bầu, gọi là Lạc cầm, càng cải tiến cây đàn bầu cứ lạc mãi không tìm được bản sắc của đàn bầu nữa. Nguyên tắc thẩm mỹ của đàn bầu là:

 

- Đàn một giây

- Những bồi âm

 

Nếu đánh mất một trong hai đặc điểm bản chất này, thì không còn là đàn bầu độc đáo của dân tộc Việt Nam. Ông Mác Tuyên cải tiến nhiều dây, đã làm mất cái độc đáo của đàn bầu dân gian chỉ có một dây mà diễn tả mọi cung bậc tình cảm mới hay. Những bồi âm chỉ đàn điện tử mới có, nhưng đàn bầu dân gian hoang sơ lại có, thế mới là cái độc đáo, cái hiện đại của đàn bầu Việt Nam. Đàn một dây, Ấn Độ, Nhật Bản, Châu Phi… nhiều nước trên thế giới có, gọi theo Hán ngữ là Độc huyền cầm, nhưng chỉ Việt Nam là hơn hẳn ở chỗ nhiều âm sắc, âm thật, âm bồi… kết hợp với kỹ thuật diễn tấu làm cho nó nổi bật trên thế giới. Đến nay, ông Mác Tuyên lại cải tiến đàn bầu, đàn ghi ta, thập lục… ba người đứng sát vào nhau đánh đàn Lạc cầm. Đúng là đã lạc quá, vừa xấu về hình thức, hỏng về nội dung, nhưng ông giáo sư Hoà Chương người ngoại đạo, lại ngợi ca sự lầm lạc ấy. Buồn cho đất nước thời kỳ đổi mới còn nhiều người tôn thờ, lạy tạ một cái miếu hoang. Có lẽ hơi quá đà về chuyện cải tiến đàn bầu, nhưng đó là một thứ hàng nhái dân gian để lừa phỉnh những chú “gà công nghiệp”, còn là nhà khoa học không bao giờ công nhận những sản phẩm sai lạc ấy. Ngày nay, phát triển nghệ thuật dân gian vào nhịp sống mới là phát triển truyền thống, bảo tồn truyền thống nghệ thuật dân gian.

Truyền thống là hệ thống thẩm mỹ nghệ thuật dân gian, truyền thống ấy là hiện thực nền văn nghệ dân gian có mặt trong các hình thức văn nghệ dân gian ứng dụng, tác động vào nền nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong vô vàn các hình thức văn nghệ dân gian, ca nhạc tài tử cải lương là một đặc phẩm văn hoá dân gian Nam Bộ.

 

2.1. Tính truyền thống làn, điệu, bài bản cải lương.

 

Tính truyền thống sân khấu cải lương bắt nguồn từ sự hình thành ca nhạc, sân khấu cải lương có hai đặc tính: Tính truyền thống, tính hiện đại. Tính truyền thống sân khấu cải lương ra đời từ trò diễn xướng dân gian carabộ, tiến lên sân khấu cải lương. Trò diễn carabộ bắt nguồn từ truyền thống văn nghệ dân gian, tiến lên sân khấu cải lương lấy câu chuyện kịch từ những áng văn học dân gian, cổ điển Việt Nam. Quá trình phát triển sân khấu cải lương kế thừa nhiều hình thức sân khấu Việt cổ, trong đó kế thừa ca nhạc dân gian truyền thống. Nên vốn ca nhạc cải lương là ca nhạc truyền thống Việt Nam, dân tộc, bản địa Nam Bộ.

 

Tính truyền thống ca nhạc cải lương là vốn làn, điệu, bài bản, cấu thành từ hai truyền thống âm nhạc Việt Nam: một là những làn, điệu, du nhập từ dân ca Nam Bộ và Trung Bộ vào sân khấu cải lương. Hai là những bài bản do các nghệ nhân, nhạc công đàn ca tài tử sáng tác, dựa trên truyền thống dân ca Nam Bộ, Trung Bộ. Những chất liệu âm nhạc ấy, là truyền thống ca nhạc, sân khấu cải lương tạo nên từ truyền thống âm nhạc, sân khấu cổ truyền Việt Nam. Nhưng qúa trình phát triển, sân khấu cải lương đã tiếp nhận nhiều nguồn gốc âm nhạc, sân khấu cải lương đương đại, sân khấu cải lương có nhiều đặc tính độc đáo trong một hình thức sân khấu dân tộc.

 

Tính truyền thống ca nhạc cải lương là bản sắc, ngôn ngữ đặc trưng ca nhạc cải lương, tạo thành sân khấu cải lương, là cái không bao giờ mất, nếu mất đi vốn làn, điệu, bài bản sẽ là một hình thức ca nhạc khác. Dù ca nhạc, sân khấu cải lương luôn cách tân, tiếp nhận cái mới, nhưng tính truyền thống là giá trị mỹ học muôn thuở của nghệ thuật cải lương. Sân khấu cải lương không ngừng phát triển theo nhịp sống mới, luôn tiếp nhận các hình thức nghệ thuật hiện đại, là một trong hai truyền thống đặc biệt của nghệ thuật cải lương.

 

2.2. Tính hiện đại của ca nhạc cải lương.

 

Tính hiện đại là sự phong phú của ca nhạc sân khấu cải lương, hình thành từ hai phía ca nhạc và sân khấu. Ca nhạc cải lương là những làn, điệu, bài bản cổ truyền nhưng giầu chất hiện đại. Tính hiện đại ấy, có trong các làn, điệu, bài bản, hình thành từ hình thức cấu trúc âm nhạc, những mô hình giai điệu hệ thống mở, sự chuyển hoá mô hình, kỹ thuật ca nắn chữ là phẩm chất nghệ thuật hiện đại.

 

Tính hiện đại ca nhạc sân khấu cải lương hình thành trong quá trình ra đời, phát triển sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương phát triển đã tiếp nhận tuồng Tầu, tuồng Tây, là sự hội nhập những tinh hoa của các nền văn hoá, nghệ thuật Đông – Tây, là tính hiện đại làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương. Tính hiện đại ca nhạc cải lương là:

 

- Tiếp nhận các hình thức ca nhạc đương đại

- Đặt lời mới trên mô hình giai điệu cổ nhạc

- Đáp ứng thẩm mỹ thời đại

 

Tính hiện đại ca nhạc, sân khấu cải lương luôn đổi mới phương thức thể hiện, chuyển hoá lòng bản, tiếp nhận tinh hoa các nền nghệ thuật đương đại. Ca nhạc, sân khấu cải lương luôn thể hiện hai đặc tính song song tồn tại : tính truyền thống, tính hiện đại. Tính truyền thống là các hình thức trình diễn trên nền ca nhạc cổ, sân khấu cổ, tính hiện đại vươn tới những sáng tạo mang tính thời đại, đáp ứng lớp công chúng mới.

 

Kết luận.

Âm nhạc là nghệ thuật thời gian, ngôn ngữ là âm thanh xây dựng hình tượng, phản ánh hiện thực xã hội. Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật có quy luật cấu trúc lặp đi lặp lại thời gian, vượt mọi không gian, tồn tại trong môi trường xã hội dưới hai hình thức. Hình thức thứ nhất, âm nhạc tồn tại là đối tượng cảm tính, ghi lại bằng vật chất nẩy sinh trên cơ sở xã hội, có tính ổn định trên nét giai điệu ghi âm bản phổ. Nhờ tính ổn định ấy, âm nhạc phản ánh những giá trị thẩm mỹ thời đại, mang bản sắc văn hoá, lịch sử, xã hội. Đó là dấu ấn thời gian, đặc tính dân tộc bản địa của thế giới âm nhạc. Ngôn ngữ âm thanh, tạo ra từ văn hoá vật chất xã hội, nên mỗi thời gian có đặc tính ngôn ngữ riêng, âm nhạc cổ Hy Lạp âm thanh tinh thần tối thượng, âm nhạc cổ điển âm thanh âm nhạc trong suốt cao cả, âm thanh âm nhạc lãng mạn, cận đại, nhiều ngôn ngữ âm thanh tự nhiên đến ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, đầy chất âm thanh nhịp điệu công nghiệp máy móc, điện tử…Đặc tính thứ nhất, âm nhạc bộc lộ khuynh hướng, phản ánh hiện thực bỏ ngỏ trước xã hội một nền văn hoá. Đặc tính thứ hai, âm nhạc tồn tại bằng nghệ thuật biểu diễn trên sân bãi, trực tiếp trước đám đông, là phương thức tồn tại tác phẩm nghệ thuật có nhiều biến động. Dù âm nhạc vẫn tồn tại khách quan, tác phẩm là sự đan xen nhiều mối quan hệ văn hoá, xã hội, lịch sử, dân tộc…Nhưng những biến dạng không nhỏ của người biểu diễn truyền thụ trực tiếp đến công chúng, mỗi lần sáng tạo theo cảm hứng thẩm mỹ biểu diễn. Qua ba đặc điểm chung của âm nhạc: Ngôn ngữ âm thanh, hình tượng giai điệu, phản ánh cái đẹp cảm thụ trực tiếp, có tính độc lập khách quan, nhưng người biểu diễn đã hiện thực hoá những giai điệu âm nhạc theo cảm tính sở thích của các nghệ sĩ. Họ đã biến những khả năng chưa thể hiện của mọi giai điệu âm nhạc trên bản phổ thành cái cụ thể thẩm mỹ của những thời đại, sự diễn tả hình tượng giai điệu…trực tiếp đến công chúng những sức mạnh cảm nhận âm nhạc. Hai đặc tính ấy, biểu hiện giá trị âm nhạc tính ổn định, tính bất ổn định, mỗi đặc tính phản ánh một hình thức tồn tại của nghệ thuật âm nhạc, đó là một nền văn hoá xã hội.

 

Với tư cách là một nền văn hoá âm nhạc, mỗi trào lưu âm nhạc bộc lộ bản sắc dân tộc, lịch sử, tinh thần thời đại. Những đặc tính ấy, là ngôn ngữ, hình tượng giai điệu âm nhạc, qua hình tượng giai điệu, âm nhạc mang dấu ấn thời gian, không gian, là đặc tính ngôn ngữ gọi là nguồn gốc âm nhạc của mỗi tộc người ra đời từ tâm lý bản ngữ. Tâm lý dân tộc, tiếng nói là âm thanh dân tộc, có sắc mầu bản địa mỗi địa phương, phản ánh vào ngôn ngữ âm nhạc. Những đặc điểm ấy, khẳng định bản sắc mỗi trào lưu âm nhạc thuộc về các dân tộc, vùng miền, các thời đại khác nhau. Đó là những tiêu chí để khẳng định những đặc tính âm nhạc, cái nào là dân tộc, bản địa, cái nào là sự tiếp nhận mới trong nền âm nhạc một dân tộc, một vùng miền. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu các nền âm nhạc, bắt đầu từ nguồn gốc âm nhạc, đến đặc điểm ngôn ngữ giai điệu có quan hệ tới các điều kiện văn hoá xã hội. Qua các chương nói về sự hình thành âm nhạc bản địa Nam Bộ là: nền âm nhạc dân gian, tài tử Nam Bộ, ca nhạc cải lương đã khẳng định vốn làn, điệu, bài bản cải lương là ca nhạc gốc bản địa Nam Bộ của người dân phương Nam. Đó là nền văn hoá âm nhạc Nam Bộ. Những hiện tượng xuất hiện các bài dân ca Bắc Bộ, những bản nhạc cung đình Huế, có hơi nhạc dân ca Hời (Chăm pa)…chỉ là sự tiếp nhận, giao lưu các dòng âm nhạc khác vào cải lương, là sự hội nhập âm nhạc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Còn âm nhạc Nam Bộ, ca nhạc cải lương có đặc điểm ngôn ngữ thang âm, điệu thức riêng, có phương thức tồn tại riêng, dựa trên hai đặc tính của những nguyên tắc mỹ học. Đặc tính thứ nhất, tính ổn định là những lòng bản giai điệu làn, điệu dân ca Nam Bộ, có phương thức biểu diễn ca hát, phát âm riêng của thổ ngữ Nam Bộ. Đó là kỹ thuật chuyển hoá mô hình, nắn chữ, nhả chữ của ca cải lương mà các dòng ca nhạc khác nhập vào ca cải lương bị cải lương hoá theo nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Đặc tính thứ hai tính bất ổn định là nghệ thuật biểu diễn, thể hiện những đặc điểm âm nhạc Nam Bộ, qua kỹ thuật chuyển đổi dấu giọng các dòng âm nhạc tiếp nhận vào cải lương, tạo phong cách, bản sắc ca nhạc cải lương. Phong cách ấy, đến nay vẫn tồn tại độc lập là ca nhạc, sân khấu cải lương, có cấu trúc ca nhạc, dàn nhạc, các hình thức trình diễn riêng. Đặc biệt ca nhạc cải lương có quá trình phát triển sân khấu cải lương, là mỗi quan hệ biện chứng, tạo ra bốn đặc điểm ca nhạc cải lương: trữ tình – bi – hùng – hài. Bốn đặc điểm âm nhạc thể hiện bốn đặc điểm sân khấu cải lương, trở thành một hình thức sân khấu phát triển khắp cả nước. Dù hiện nay, sân khấu cải lương đang khủng hoảng, công chúng suy giảm ở mức cao, những vẫn tỏ ra là một hình thức nghệ thuật có công chúng đông hơn các thể loại sân khấu khác. Ca nhạc cải lương đang song song tồn tại cùng ca nhạc nhẹ, ở phương Nam như một phương thức tồn tại tác phẩm nghệ thuật bằng các chương trình ca nhạc trên băng đĩa tiếng hình, phát thường xuyên trong công chúng. Ca nhạc cải lương cần coi trọng tính trữ tình, chất anh hùng ca, cái bi hài, kết hợp với chất trữ tình, chất anh hùng ca, là nguyên tắc thẩm mỹ ca nhạc, sân khấu cải lương.

 

Những ưu điểm, hạn chế của ca nhạc cải lương là lẽ tự nhiên, nhưng giữa chúng có những nguyên tắc mỹ học của ca nhạc cải lương. Dựa vào những nguyên tắc mỹ học của nền ca nhạc dân ca Nam Bộ, dòng ca nhạc tài tử, cải lương, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của dòng âm nhạc dân tộc, bản địa vào sân khấu cải lương, đó là cái đẹp cao cả mà ca nhạc cải lương đã tạo ra. Ca nhạc tài tử, cải lương là hai hình thức âm nhạc khác nhau về sự phát triển, nhưng có chung nguồn gốc từ dân ca bản địa Nam Bộ, do đó cần bảo vệ tính truyền thống, tính hiện đại của ca nhạc cải lương. Đó là thiết thực bảo tồn, phát triển ca nhạc cải lương trước nhịp sống mới, đáp ứng công chúng đương đại, góp phần xây dựng nền ca nhạc sân khấu cải lương phong phú, dân tộc và hiện đại.

 



(1) Theo cách gọi tên riêng của tác giả.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3049
Ngày đăng: 01.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sống Chụ Son Sao 7 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - hết - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 11 - Tuấn Giang
Bài Phú Tặng Vợ - Kha Tiệm Ly
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 10 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 9 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 6 - Nguyễn Khôi
Sắc Tài Thán Phú - Kha Tiệm Ly
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)