Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.212
123.205.715
 
Thư gửi một bạn văn
Hoàng Xuân Hoạ

Thơ thời trận mạc ư? Thứ này thì có đấy, nhiều là đằng khác. Trong tập Trót một thời yêu I và II HXH tôi chỉ đưa vào đôi ba bài. Bài mà thiên hạ “ngửi” được, như các bài: “Bàn tay đợi bà tay, Trên chốt Mèo Nai I và II viết năm 1968 – 1969; Tết uống cùng đồng đội, Hai người đàn bà chờ đợi, Sự ám ảnh” còn lại đã đốt đi cho đỡ bực mình! Bởi, sau khi Bắc - Nam thống nhất, tưởng đất nước sẽ yên bình, người nông dân sẽ được trở về tự do cầy ruộng, người công nhân tiếp tục với những “Ca Binh Mình” (Lý Phương Liên) trong thanh bình tươi sáng, người trí thức được tự do thể hiện hiểu hiết của mình, lòng mình, chính kiến của mình. Nhưng đâu phải thế, “chiến tranh như một căn bệnh tâm thần” (Nguyễn Hoài Vân), như lũ quỷ đói, trơ bộ mặt thớt tiếp tục tấn công dân lành nơi biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Hết đời ông cho chí đời cháu liên tục phải cầm súng đi đánh nhau để giữ đất, giữ biển, giữ trời? Ngay cả bây giờ cũng đã hết đánh nhau đâu cơ chứ! Con cháu của nhiều gia đình vẫn phải hàng ngày cầm súng nhăm nhăm trấn giữ từng khe đá, mô đất trên bốn bề biên giới, vùng biển mà canh chừng, cảnh giác với yêu ma, quỷ tặc vẫn nhòm ngó rình rập.

 

Một nước nhỏ như Campuchia, tài nguyên chắng có gì ghê gớm ngoài mấy ngôi đền Angkor Wat, AngKor Thom để kinh doanh du lịch; Biển Hồ sống được là nhờ dòng sông Mê Công đổ nước vào trung hoà dòng chảy cho ngươi dân quanh đây hứng, đón ít tôm, cá để sinh tồn. Vậy mà đất nước này bị hết thế lực nọ đến thế lực kia xốc lách lôi kéo, lái kèo hết ngả Đông sang ngả Tây dẫn đến việc người trong một nước băm chém lẫn nhau gây lên nạn diệt chủng làm hàng triệu người dân lương thiện không còn quyến được sống, phơi thây trên những cánh đồng chết bi thảm, đau thương? Đã có thời kẻ viết những dòng này được sống cạnh một số người Campuchia tập kết sau hiệp định Giơ ne vơ 1954 về Đông Dương. Nói chung là họ tốt bụng, hiền như đất; nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy chẳng thấy họ hiềm khích với ai bao giờ. Họ sinh hoạt giản dị, ăn mặc và cả ăn uống không mấy cầu kì. Thích uông rượu là im lặng ngồi uống với nhau cho vui không hề mượn chén để sinh sự. Bắt được con cá suối, thậm chí con rắn hổ mang bành là xâu vào que nướng chín vàng làm mồi nhâm nhi uống với nhau cả chiều Chủ Nhật để quên đi nỗi nhớ vợ con, nhớ mảnh ruộng, nhớ hàng cây thốt nốt ngọn cao đụng trời xanh ra những buồng qủa sai trĩu trịt (họ thường tự hào kể về thứ cây thốt nốt như vậy).

 

Cái thế giới này, một thế giới hỗn hào đáng ghét. Lúc thì quân đội NATO bênh vực tộc người Albania ào ào đem máy bay dội bom đạn xuống đầu người Serbia, lúc liên quan do Anh - Mỹ cầm đầu trương lên ngọn cờ chống khủng bố để tấn công Afghastan, Iraq, Libya. Họ lại đang tiếp tục bày binh bố trận với với Syria, Iran hòng lái những nước này nằm trong quỹ đạo của họ! Tôi không ủng hộ những chế độ mà người ta cho là độc tài, ham quyền cố vị như các nhà chính trị trên thế giới hò hét để lấy cớ xông vào can thiệp lật đổ. Dù cho có lật đổ được chính phủ độc tài này để lập lên một chính phủ khác thì chắc gì cái chính phủ sau đó đã tốt hơn, mang lại đời sống cao hơn cho toàn thể nhân dân nước đó? Chỉ thấy sau cuộc lật đổ đó là hàng trăm, hàng nghìn thậm chí hàng vạn người dân vô tội bị chôn vui trong bom đạn, đổ nát, là máu là nước mắt của dân lành chảy đỏ hoen mặt đất!?

 

Con người sinh ra có một lần, chỉ được sống có một lần, ai thọ lắm đến trăm tuổi là cùng (mấy ai sống nổi trăm tuổi?). Thanh niên trai tráng đang tuổi ăn tuổi lớn đã bị ấn khẩu súng vào tay bắt ra trận để đánh nhau! Nói chung, lúc nào cái thế giới này cũng lộn tùng phèo chuyện chém giết, cá lớn nuốt chửng cá bé, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, dù không muốn anh vẫn phải tuân phục thanh gươm trong tay kẻ cầm quyền, kẻ tư tưởng ác, dạ ác. Chỉ người dân vô tội bị chết oan chết uổng, cuối cùng chẳng đi đến đâu và họ chẳng được tí chút lợi lộc nào ngoài sự chết chóc, mẹ mất con, vợ mất chồng? Chỉ béo bở đám chính trị gia phệ bụng, hạng người này luôn  “tự đặt mình lên trên đồng loại để vớt hết váng sữa của nồi sữa loãng mà đồng loại chỉ được phép đứng nhìn chứ không có để mà húp…” (VTH – Bạn cũ).

 

Vị nào lên ngôi báu rồi cũng lại tham nhũng như nhau cả! Cái ngân quỹ từ cấp xã trở lên chỗ nào cũng xủng xẻng những đồng tiền, dự án này dự án kia được rót về từ đồng tiền đóng thuế của người dân, cả vốn vay của nước ngoài nữa. Dư dả tiền của thế tội gì họ không “tham”. Ông này không “tham” thì ông khác lên “ngôi” cũng “tham”. Khổ thế! Có lần chúng tôi nhẩm tính cho vui: Nếu mỗi người dân một ngày chỉ để ra một đô la, thì một trăm triệu dân, vị chi một ngày các vị có chức có quyền đã có một khoản tiền rất lớn để mà tham nhũng thì tội gì các vị ấy “khách sáo” khi có quyền chức trong tay?

 

- “Bây giờ anh còn tay bây giờ anh còn chân bây giờ anh còn mắt

bây giờ anh chưa đui mù chưa câm điếc chưa què quặt

nhưng biết mai anh còn đủ không

và cả trái tim anh nữa

biết còn rung động

hay im lìm

ngừng đập.

Nhiều lúc anh tự hỏi không biết chiến tranh để làm gì

không biết để làm gì

nhưng dù không biết để làm gì đi nữa

hãy nhớ hôn anh một lần đi

em nhé.”

 

Đây là thơ của một người lính mà trước 30 - 4 - 1975 gọi là phía bên kia. Đó là nhà thơ Triều Uyên phượng, anh mới qua đời vào ngày 6 tháng 6 năm 2011, tại Sài Gòn.

 

Thưa bạn, nếu ngày ấy, những năm 1960 – 1990 thế kỉ trước mà đọc được những vần thơ trên thì có lẽ tất cả chúng ta đều đổ dồn mắng mỏ đó là thơ phản động, không là thơ của người yêu nước! Còn bây giờ đọc nó thì chẳng còn là vấn đề gì nữa, còn thấy rất đau. Đau vì nó đã nói đúng tính chất, bản chất thực của chiến tranh. Điều ấy, giờ đây mọi người đều nhận ra: chiến tranh là không cần thiết, chẳng bao giờ người dân lương thiện cần thiết chiến tranh trừ khi đất nước bị xâm lăng cần phải chống trả.

 

Trong một cuốn sổ tay khác, tôi không muốn đốt vì nó còn những ghi chép kỉ niệm khác cùng một mẩu ghi chép chưa thành thơ, gần đây khi dọn nhà mới sờ thấy. (Xin được chép lại nguyên văn):

 

Chiều nay trên đồi chốt Phu Khăm

mảnh bom tấn phạt bay đầu (út)(*) Hiển

lăn xuống chân đồi, cả tiểu đội tìm mãi không ra

đoạn thông hào tổ Sơn (bông) giữ chốt

biến cả đâu sau loạt bom rơi

trên cành thông buông thõng mớ ruột ngư­­ời

kều xuống chôn, phải tranh nhau cùng lũ quạ.

cánh tay (mế) Rì mắc ngang vách đá

ngón út còn đeo chiếc nhẫn đuya ra.

cẳng chân Còi (toe) vẫn nguyên vết chàm da chó vá

C­­­ường (bạo) vớt dư­­­ới lòng suối lên

lúc chiều tà xuống vác nư­­­ớc ăn về chốt.

đồi Phu Khăm ch­­ư­a đầy nửa tay dao quăng

mà tiểu đội mình bốn thằng nằm lại.

 

Sơn, Rì, Còi ơi có nghe tao gọi

ba nắm cơn lăn lóc ba nơi

ruồi đen, nhặng xanh bu đậu

lẫn mảnh thít người chưa kịp nhặt đem chôn…

 

Do tôi không muốn bị ám ảnh từ những cái chết của đồng đội ngày xưa trong từng giấc ngủ, khi vui Tết nhất, sống trong yên bình, sát Tết gói nồi bánh chưng hàng yến gạo nếp; khi ốm, bạn bè, người thân tới thăm cho mỗi người một túi qùa, gộp lại tôi có hàng chục kylôgam đường, sữa để bồi dưỡng cho chóng hồi phục. Mỗi khi như thế, nhìn đống đường, sữa tôi lại sực nhớ tới những đồng đội đã hy sinh. Lúc sống, họ ốm đến vàng da mặt. Sau cơn sốt rét rừng môi khô rộp, muốn có vài hạt đường để ngậm cho lại sức mà chẳng đào đâu ra một thìa ở giữa rừng. Đêm đi húc chốt địch, chiều vẫn gây ngấy sốt. Báo cáo trung đội trưởng là mình đang sốt không thể tham gai chiến đấu được. Trung đội trưởng gọi y tá đại đội đến khám! Y tá đặt bàn tay lên trán người đó không thấy nóng “bỏng” tay nên cho rằng người đó vờ ốm để thoái thác nhiệm vụ. “Ốm” để không đi công đồn! Kiểu cặp nhiệt độ bằng bàn “tay” thay nhiệt kế của y tá chiến trường đã giết chết lòng chân thực, lòng tự giác, tự trọng của người lính. Chính từ sự ức chế đó gây hỏng trận đánh, gây ra cái chết cho bao đồng đội. Bạn bảo tôi có nên viết những chuyện như vậy thành thơ được không? Cả việc một ông cán bộ cao cấp khi đi chiến trường, lúc nào cũng phải một tiểu đội vẩn tải thay nhau khiêng võng, võng ông ta hành quân! Ngồi trên võng để hai người lính khiêng leo dốc  vã mồ hôi, bở hơi tai người lính vậy mà ông ta còn ra điều có lòng thương hại: “Đây là các cậu khiêng pho tài liêu của… chứ không phải  khênh con người tớ! Sau này con tớ chúng nó sẽ khênh võng lại các cậu”! Anh lính vận tải thủ thỉ kể lại lời ông cán bộ cao cấp với tôi xong anh bèn chua một câu: “Có mà đời con mình lại phải khiêng con ông ta thì có”!

 

Hồi đó nghe mấy chiến sĩ vận tải thường khiêng võng cho ông cán bộ kia kể lại tôi vẫn cho thế là đúng nhiệm vụ được phân công…! Giờ, nghĩ lại chuyện ấy thấy buồn cười.

 

Gì thì gì, là người dân cũng không thể trốn chạy được thực tại, phải tuân thủ lệ làng, luật nước. Chỉ muốn sòng phẳng rằng những thứ lệ làng, luật nước kia sao cho công bằng với tất cả mọi người, mọi nhà đừng để cứ ai có tiền thì có trong tay lệ làng, luật nước như nó đã từng tồn tại.

Bạn, “Chu choa” mắng tôi rằng: “vườn đời đủ đầy nội, ngoại, nheo nhéo đưa gọi nội, đứa chào ông thậm chí có đứa khoanh tay gọi cụ trẻ, mà cụ trẻ còn nói chuyện yêu, dù là bằng thơ thì cũng e là  “ mất nết”. …”. Gần đây tôi đọc được một câu thơ của Antoine Hubert - nhà thơ Ca na đa: “Tình yêu/ là bộ sưu tập những trạng thái cô đơn” (dẫn theo Lê Khánh Mai).

 

Có một định nghĩa từ phương Tây: Thơ là phi thực, là sự nói dối... Và cũng xin được thẳng thắn, già không được quyền yêu, không được quyền làm thơ về tình yêu ư?  Lại thưa, ngay cả Putskin, Tago cũng l àm thơ tán gái đó thôi. Có điều Putskin, Tago tán gái có cấp bậc, tán gái bằng thơ cao cấp. Thế thôi. Còn thứ HXH tôi chẳng biết làm gì hơn, đành phải “mất nết” bịa ra tình yêu để làm thơ, để chống xi troét (tress) vậy cho… dzui!

 

Dù sao thì tôi cũng xin cảm ơn bạn đã đưa ra những lời khen với một vài ý mà bạn cho là tạm được ở thơ tôi.

Cảm ơn bạn!

 

Hoàng Xuân Hoạ
Số lần đọc: 1969
Ngày đăng: 10.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Putin Rơi Lệ - Huỳnh Văn Úc
Đánh giặc - Vũ Ngọc Anh
Đặng Thân đã tạo ra một thế giới nghệ thuật đi xa hơn những gì nhiều nhà văn hàng đầu khác đã làm[*] - Phạm Xuân Thạch
Trí thức … bại là an ? - Vũ Ngọc Anh
Thân Phận Trí Thức - Vũ Ngọc Anh
Mùa Xuân Miến Điện - Khuất Đẩu
Trí thức làng Vũ Đại - Nam Dao
Giáo sư TQ gọi dân Hong Kong là 'đồ chó' - Khuất Đẩu
Con Tem Rồng Trung Quốc Hù Dọa Ai? - Khuất Đẩu
RỒNG … có thực không ? - Vũ Ngọc Anh