Những ngày trai trẻ lang bạt kỳ hồ. Những đêm ngồi đàn đúm với bạn bè bên cốc rượu trong những quán nhỏ tối tăm. Nhìn về cuộc đời rộng lớn, khó lòng định hướng được tương lai, tôi vẫn thường thích nghe những câu thơ sang sảng:
“Hồ trường
Hồ trường
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương?
Nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương?
Mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương?
Ngọn Bắc phong vi vút, cát chạy đá bay
Rót về Nam phương?
Trời Nam mù mịt
Có người quá chén say như điên cuồng... “
Bài thơ Hồ trường viết từ bao giờ? Tác giả là ai? Thời ấy chừng như tôi không hề để ý. Chỉ biết rằng, đó là một bài thơ đầy tâm trạng của một chàng " Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc" . Đó là một bản tửu ca để sớt chia một Hồ trường cùng người tri kỷ.
Bạn tôi có người yêu Hồ trường đến độ ghép tên mình thành Ph. Hồ Trường. Khi chút men cay đã ngấm vào người, hắn chỉ ngâm độc những câu thơ Hồ Trường mà hắn không biết xuất xứ từ đâu. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cũng là một môn đệ của Hồ trường. Khi ngâm Hồ trường, mắt ông lim dim, hàm râu quai nón rậm rịt như xù lên giật giật :
”Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Thiên hạ mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một Hồ trường “
Có lẽ suốt thời gian dài, vẫn ít có tài liệu khẳng định chánh bản của bài thơ Hồ trường, nên phần lớn, nhất là tại Quảng Nam, nhắc đến tác phẩm này, nhiều người thường ngộ nhận cho rằng, Nguyễn Bá Trác là tác giả. Tuy nhiên, theo một bài viết của nhà thơ Đông Trình, dẫn lời học giả Nguyễn Văn Xuân (báo Tuổi Trẻ chủ nhật, 1998) cho biết, bài Hồ Trường do Nguyễn Bá Trác dịch lại từ một ca khúc của Trung Quốc. Về mặt văn bản học, do xuất xứ phức tạp của bài thơ (thực ra là lời ca) Hồ Trường, nên các bản đang lưu hành tại VN xưa nay có nhiều điểm khác biệt nhau. Dù vậy, đến hiện nay, nhìn nhận thế nào chăng nữa, thì Hồ trường vẫn gắn liền cùng tên tuổi Nguyễn Bá Trác. Đặc biệt, là bản thân ông, một kẻ sĩ đã lớn lên trong một bối cảnh xã hội vô cùng hỗn mang và thân phận chẳng khác “ Hồ trường... Biết rót về đâu?”.
Nguyễn Bá Trác sinh năm Tân Tỵ (1881) tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1906, NBT đỗ cử nhân. Hưởng ứng phong trào duy tân, Đông Du, ông sang Nhật du học. Sau khi chính phủ Nhật cấu kết với Pháp giải tán lưu học sinh Việt Nam, ông phải chạy sang Trung Quốc. Năm 1917, khi trở về Hà nội, ông làm chủ bút phần Hán văn cho Nam Phong. Sau, thôi làm ở báo Nam Phong, ông vào Huế làm Tá lý Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần phủ Quảng Ngãi, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định. Tháng 8 năm 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền, ông bị xử bắn công khai tại Quy Nhơn (Bình Định).
Nhắc về trường hợp của ông, sinh thời nhà thơ Quách Tấn nêu nhận xét: “ Nguyễn Bá Trác lúc theo cụ Sào Nam ở Hải ngoại và Nguyễn Bá Trác ra làm quan cùng thực dân Pháp là hai khúc sông trong đục khác hẳn nhau. Mà bài Hồ trương là nổi lòng khi chưa ngậm mùi danh lợi. Bởi lòng có thể dối được với nhân thế mà không thể dối được với văn chương. Vì sao vậy, vì văn chương phản chiếu tâm sự. Trừ phi tấm gương phản phúc tức văn chương không thành văn chương, thì tâm sự mới bị lệch lạc. Mà bài Hồ trường văn chương chân thực, không có chút giả tạo, nên đáng tin rằng lòng của Nguyễn Bá Trác lúc còn ở Hải ngoại chưa bị bùn danh lợi làm vẩn nhơ. Ít ra lúc làm bài Hồ trường, lòng Nguyễn Bá Trác lắng hết bùn danh lợi xuống dưới đáy sâu, nên văn chương mới được thanh tao thế ấy. Đó là mảnh gương phản chiếu khúc sông trong của quảng đời tha phương của Nguyễn Bá Trác” (Xưa và Nay số 298, tháng 12/2007).
Hẳn nhiên, công và tội của Nguyễn Bá Trác sẽ còn nhiều điều cần bàn luận, trao đổi hơn nữa. Song vốn cảm xúc trước những lời thơ đầy tâm trạng của ông, tôi vẫn thường băn khoăn muốn đi tìm chén rượu Hồ trường liệu còn lưu lạc đâu đó trong thiên hạ và " xé gan bào cật" đến đâu?
Cuối cùng, sau nhiều năm tháng, nhờ sự hướng dẫn và giưới thiệu của cố họa sĩ Đỗ Toàn, hai kỷ vật cuối cùng của Nguyễn Bá Trác mà tôi tìm được lại không phải là một bầu rượu với chiếc cổ cao ngất ngưởng của những tráng sỹ Phương Đông mà chỉ là một bộ tách trà cổ, kèm một bình rượu... Tây. Thực ra đó là những cổ vật rất đẹp, rất quý hiếm, nhưng tôi vẫn không khỏi băn khoăn: Hồ trường là vậy đó sao?
Tác giả và ông Đặng Chi Khuê, người lưu giữ kỷ vật Hồ trường
Kỷ vật “Hồ trường” tại nhà ông Đặng Chi Khuê (Đà Nẵng)
Người giữ những kỷ vật này, ông Đặng Chi Khuê, vốn là một chủ hiệu sách và sưu tập đồ cổ trú tại đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Ông Khuê cho biết, đây quả nhiên là những kỷ vật của Nguyễn Bá Trác do cha ông lưu lại. Nguyên nhân, là xưa kia gia đình của cha ông ớ sát nhà NBT tại làng Bảo An, Điện Bàn. Sau khi NBT bị xử tội, những người của gia đình NBT tại quê nhà đã bán hoặc cho mọi thứ đồ đạc liên quan đến ông. Ông nói, có lẽ Hồ trường là cái tâm trạng bên trong của Nguyễn Bá Trác chăng?
Dẫu sao, tìm được kỷ vật của của người đã gắn liền tên tuổi cùng Hồ trường, một buổi sáng mùa xuân, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ chút niềm riêng uẩn khúc đắng cay của nhà thơ mang quá nhiều những bi kịch của chính mình, của thời đại.
Nào ai tỉnh
Nào ai say
Chí ta ta biết
Lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây...
1.
Đến nay, có ít nhất 5 bản in lời ca Hồ Trường, mà các bản có nhiều chỗ không giống nhau. Nam phương ca khúc là tên tạm đặt cho lời ca mà Nguyễn Bá Trác đã nghe được, chép lại và dịch thành lời ca Hồ Trường.
Nam phương ca khúc được đăng lần đầu tiên theo thiên ký sự Hạn mạn du ký (HMDK) của Nguyễn Bá Trác trên Nam Phong tạp chí phần chữ Hán số 30, trang 214 năm 1919. Về mặt văn bản, thì bài ca ấy không rõ tựa đề, không biết tác giả, Nguyễn Bá Trác chép lại toàn vẹn Nam phương ca khúc. Và khi Hạn mạn du ký được sang chữ Việt thì lời ca này đã được dịch rất thoát, tuy nhiên nó vẫn là “lời ca” minh hoạ cho văn cảnh ấy chứ không phải “bài thơ hồ trường” như nhiều người từng gọi.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc Phạm Hoàng Quân, gần đây, ông tình cờ sưu lục được tác phẩm gốc đã được Nguyễn Bá Trác dịch thoát thành bài thơ bất hủ Hồ Trường, trong lúc làm tổng mục lục cho phần Hán văn của Nam Phong. Ông cho biết: “Mặc dù trứơc đó mình có biết bài Hồ trường nhưng khi làm mục lục thì vô tình phát hiện bài “Hạn mạn du ký” bằng chữ Hán. Đọc lướt qua và khi dừng lại thì thấy có bài lời ca Hồ trường bằng chữ Hán ở đó. Khi gắn kết bài thơ lại tôi mới nhớ lại thì biết rằng đây là bản gốc của bài Hồ trường, bài mà ông Nguyễn Bá Trác dịch ra tiếng Việt. Bản dịch của ông Nguyễn Bá Trác dịch thẳng từ chữ Hán qua thẳng lời ca chữ Việt không có phiên âm thành ra nó hơi lạ một chút nhưng nội dung nó còn giữ được tinh thần
của bản gốc.
2
Bản dịch trên Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920
Sau đây là nguyên bản lời ca Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác dịch thoát trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay):
Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.