Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.902
 
Sinh Hoạt
Kinh Dương Vương

Khi Lâm tỉnh dậy, dù trời chỉ mới sáng mờ, chàng thấy Mây cũng đã rời khỏi giường rồi. Hầu như sáng nào cũng dậy, Mây luôn luôn thức trước chồng trong khi Lâm còn ngủ, hoặc đã thức nhưng vẫn còn nhắm mắt nằm nán lại thêm chốc lát. Trong khoảng thời gian một chốc đó, đủ cho Mây làm xong công việc buổi sáng rồi. Nàng quét nhà, lau nhà, nấu nước pha trà, giặt áo quần, lấy nước ở giếng...khi Lâm và Ưu Đàm dậy thì đã thấy trên bàn có thức ăn điểm tâm: hoặc cháo đậu đen, xôi hay cơm chiên. Mây hay đọc câu thơ “nằm gắng cũng không thành mộng được” của Hàn Mặc Tử để đùa tật dậy muộn của chồng. Lâm tự chữa, gọi đó là thời gian chàng “dệt mộng”. Những “giấc mộng ngày xanh” của chàng. Mây tủm tỉm cười bông đùa chồng:

- Tuổi anh  đang “Hạ trắng” chứ đâu đã “Thu vàng” mà lo dệt “Mộng ngày xanh”. Còn những bảy năm nữa anh mới đến... tuổi bốn mươi!

 

Mây nói đúng, Lâm nghĩ. Tuổi chàng đang thời “Hạ trắng” thật. Nhưng với cái tính lúc nào cũng thấy mình trẻ thơ, cho dù là chàng còn bị cuộc đời vật nhiều phen đau điếng đi nữa, tâm hồn chàng có lẽ cũng chỉ “ướm vàng” là cùng, chứ chưa đến nỗi “Thu vàng” đâu mà lo.

- “Ướm vàng”, nghĩa là hơi vàng vàng, Lâm nghĩ với những ý tưởng trào phúng. Vàng lai rai, sơ sơ, vàng một tí ti thôi. Tức trái cây vừa qua thời kỳ sung mãn nhất, làn da căng bắt đầu ưng ửng – như má các cô gái dậy thì, như da trời lúc hừng đông – tức là chín hườm, mà người ta quen gọi là “già” (Than ôi! Sao lại gọi là “già” nhỉ, trong khi trái cây đang ở vào thời kỳ đẫy nhất, tốt nhất, ngon lành nhất? Sao lại bất công với trái cây như vậy? Già đây chắc có nghĩa là già dặn, là trưởng thành, chứ không như con người, đã bị gọi là già thì có nghĩa là tóc đã bạc, lưng còn, gối mỏi, da nhăn, má cóp, răng rụng – hết ăn ổi, nhai xương sụn..! Là bị phế thải, bị loại ra rất nhiều lãnh vực.

 

Như vậy thì hườm hườm cũng chưa đến nỗi chín, dĩ nhiên là còn lâu lắm mới đến lúc chín rục, chín rã, thối da, sút cùi. Phương chi ở tuổi tứ tuần đó người ta còn gọi là “tuổi hồi xuân”-  và là tuổi “bát hoặc” của cụ Khổng đấy. Yên trí như vậy rồi,  nên Lâm lấy làm thưởng thức khoảng thời gian “dệt mộng ngày xanh” ấy lắm. Khoảng thời gian sau một giấc ngủ đẫy, sức khỏe được hồi phục, nằm mơ mơ màng màng, tha hồ nghĩ chuyện trên trời dưới biển. Nhưng thường thì sau khi thả trí tưởng tượng rong chơi thỏa thích, Lâm hoạch định chương trình làm việc trong ngày, để khi thức dậy là bắt tay vào ngay, một cách hăng hái. Cho nên lối nói “dệt mộng ngày xanh” của Lâm, nếu không phải là một ý hướng lạc quan, tích cực trong hiện tại thì cũng chỉ là một lối đùa mình để chữa thẹn với vợ về cái tật hay dậy muộn của chàng thôi, chứ không hề có chút gì gọi là “già nua hóa”, “âu sầu hóa” đời sống cả. Mà Lâm thì chắc mẩm rằng lối nói đó là cách biểu lộ một tiềm thức về lòng khao khát sống, khao khát đổ mồ hôi trong công việc, trong sự xây dựng lý tưởng Lâm ấp ủ – mà chàng gọi đùa là “lý tưởng gieo mầm”, nó biểu lộ một lòng thiết tha với con người và cuộc sống – Ôi! Cuộc sống bát ngát ánh sáng và bao la bóng tối. Vả chăng, trên cõi đời này, có biết bao người cũng dậy muộn – có khi còn muộn hơn cả chàng nữa – mà chắc gì họ có một “giấc mộng ngày xanh” để dệt, hay chỉ một đầu óc trống rỗng và thân  thể nhọc mệt sau đêm thức truy hoan? Nếu họ có chăng một giấc mộng để dệt, Lâm tin rằng giấc mộng đó không xanh, mà vàng, vàng úa, vì tâm hồn họ đầy ắp những con số, những sấp giấy bạc đã ở trong tủ sắt họ hay còn ở túi người. Như thế thì nản lắm.

 

Lâm xoay mình nằm nghiêng, mắt lim dim, chàng lắng tai nghe những tiếng động do Mây gây ra trong khi làm việc để đoán xem nàng đang ở vị trí nào và nàng đang làm gì. thoạt tiên là những tiếng động lục đục, tiếng chân Mây đi đi, lại lại dưới nhà bếp, rồi một lúc sau, chàng nghe tiếng nước khua động trong thùng phuy, đổ ra thau thì biết là Mây đã quét tước xong, sửa soạn lau nhà.

 

Tiếng chân Mây đi vào, dằn mạnh và nhanh, tiếng thau nước chạm xuống mặt đất ở ngạch cửa sau rồi cánh cửa được mở hé ra. Một chút ánh hồng của ngày mới chớm lọt vào phòng. Mây dời thau nước vào nhà rồi khép cửa lại ngay để tránh cho Lâm khỏi bị chóa mắt. Mây không hề trách chồng những hôm dậy muộn mà còn khuyến khích “anh ngủ thêm chút nữa đi”, nàng biết rằng đêm trước chồng đã làm việc khuya.

 

Mây thường đi ngủ sớm. Buổi chiều, cơm nước xong thì mặt trời đã sụp. Mây rửa chén, dọn dẹp bếp núc, tắm rửa cho con, ngâm áo quần... Nếu không bận may hay đan thuê thân chủ muốn lấy gấp cần phải thức đêm để làm, thì Mây lên giường với con. Lâm làm việc ở phòng ngoài, nghe vợ và con đùa nghịch, cười vang với nhau ở phòng trong – chỉ cách bức vách ngăn – Đôi khi Lâm cũng có tham dự vào những trò vui đó: kéo cưa lừa sẻ, nu na nu nống, ép nhong nhong, chi chi chành chành, nhưng chỉ một lúc những tiếng cười im bặt: hai mẹ con nàng đã ngủ. Mây không hài lòng về tình trạng sức khỏe đó của nàng. Mây thường nói với chồng:

“Em cũng muốn thức để cùng làm việc bên cạnh bố lắm chứ, nhưng sao...” Mây cười ngập ngừng.

“Nhưng sao em ríu cả mắt lại, phải không?” Lâm ghì đầu vợ vuốt tócvà hôn lên má nàng. “Con gà mái yêu dấu của bố. Thì hãy ngủ sớm đi, cưng. Anh không buồn em đâu”. Lâm tựa bên má chàng vào một bên tóc Mây, giọng thật nồng nàn âu yếm.

“Em giống như một con gà mẹ, sống ở một vùng đất sỏi đá, cả ngày phải dắt con đi bươi quào kiếm miếng ăn, lại còn dành phần để nuôi chồng. Khi mặt trời lặn, con no, chồng đủ rồi thì gà mẹ mệt nhừ. Vậy thì mẹ có quyền đi ngủ sớm để lấy sức. Một ngày mai nhọc nhằn đang chờ mẹ. Đành rằng có mẹ ngồi bên thì anh vui lắm, nhưng anh không được ích kỷ, anh phải nghĩ đến sức khỏe của mẹ, gà mái của bố con anh”.

 

Mây sung sướng, hai mắt long lanh, chớp nhanh. Nàng đặt hai tay lên vai chồng, cúi xuống hôn tóc chàng rồi tựa hờ cằm lên một bên vai, giọng vừa âu yếm vừa dỗ dành:

“Bố làm việc nhé, nhưng đừng thức khuya quá. Em vào ngủ trước với con, đừng buồn em nghe”. Nàng hôn chồng lần nữa, hít thật sâu, thật hết lòng, tựa như má chồng có mùi thơm.

 

Có những hôm Mây nằm đọc sách trên giường, ngay cạnh bàn viết của Lâm, cố chiến thắng cơn buồn ngủ để thức cùng chồng, nhưng lần nào cũng thất bại và Lâm phải bế nàng vào giường. Nhất là từ vài tuần nay, Mây trở nên mệt mỏi hẳn – dường như có triệu chứng nàng sẽ cho Lâm thêm một người bạn nhỏ – nên sau một ngày với công việc, giấc ngủ đối với nàng trở thành một nhu cầu cấp bách.

 

Hai tay ôm cổ chồng, giọng ngái ngủ, Mây nói lúc Lâm đặt nàng xuống giường:

“Bố ơi! Em hư... hư quá hả bố. Em xin lỗi bố nhé”.

 

Lâm không trả lời, hôn phớt lên má vợ, vỗ vỗ lên tóc nàng, kéo chăn đắp lên người và Mây chìm vào giấc ngủ bên cạnh đứa con trai yêu quí của hai người.

 

Hình như Mây đã lau nhà xong. Cánh cửa xuống nhà bếp lại được mở hé rồi khép lại ngay. Nàng liếc chừng xem chồng đã thức chưa. Thấy Lâm vẫn còn nằm im, nàng yên trí là tất cả những tiếng động nhỏ do công việc nàng gây ra không ảnh hưởng đến giấc ngủ  của chàng. Mây bưng thau nước thẳng ra vườn sau tưới lên luống rau khoai.

 

Đã định thức dậy hẳn, nhưng Lâm cảm thấy còn luyến tiếc giấc ngủ – đêm qua chàng làm việc đến quá nửa đêm – nên Lâm nằm gắng lại và chợp đi một giấc ngắn, đến khi thức giấc thì trời đã sáng trắng. Lâm lắng tai nghe, nhưng nhà hoàn toàn vắng lặng, có lẽ Mây đã đi khỏi. Hôm nay chủ nhật, Mây đi chợ. Lâm nhớ lại, chiều qua lúc hai vợ chồng dắt con đi dạo, Mây đã nói với chàng. Nàng hỏi Lâm cần gì thì ghi ra giấy. Nàng vừa lấy được tiền công thuê hai bộ quần áo và hai chiếc áo len.

 

Lâm ngạc nhiên:

“Mai lại chủ nhật rồi à, em?”

“Vâng. Có gì không hả bố?”

“Không. Anh thấy thời gian qua mau quá”.

“Anh đâu có để ý đến ngày tháng, ngày tháng đối với anh chỉ là thời gian tâm lý. Cứ say mê công việc thì bố thấy thời gian qua nhanh”.

 

Mây nói đúng. Từ ngày tự ý rời bỏ cái tập thể mà trong đó chàng thấy đời sống mình bị bóp nghẹt, trong đời sống mới chàng hầu như quên hẳn ý niệm về thời gian vật lý. Đúng hơn, chàng không còn bị lệ thuộc vào thứ thời gian chạy theo kim đồng hồ mà trước đây chàng phải luôn luôn để mắt nhìn. Thứ thời gian nô lệ nằm trong mệnh lệnh kẻ khác.

 

Bây giờ Lâm làm chủ những giây phút trong đời chàng. Chàng có quyền sống đời mình như ý muốn. Chàng không đuổi theo thời gian và cũng không còn bị thời gian rượt đuổi. Thời gian của chàng bây giờ không phải là những giây, phút, ngày, tháng...mà chính là sự đắm chìm trong đam mê công việc, trong đó chàng không ngớt khám phá chính mình mỗi lúc, là sự buông thả thoải mái thể xác và tâm hồn trong cuộc nghỉ ngơi, vui chơi, trò chuyện cùng vợ con, tụ họp bạn bè bên ấm trà, ghế rượu. Thời gian là chính hơi thở, nhịp đập của trái tim chàng. Là một hiện tại được tiếp nối, luôn đổi mới mà trong đó mọi hành động, tư tưởng, tình cảm được nối kết một cách chặt chẽ để trở thành một – đời sống với tất cả ý nghĩa của nó, bền bỉ, sống động, thuần nhất và liên tục từ lúc mới nở đến khi chung cục. Bình minh là dấu chỉ lúc thời gian đó khởi đầu. Chàng chào đời, mở mắt tiếp nhận tia sáng đầu tiên của mặt trời và nó chỉ chấm dứt một lần duy nhất khi mắt chàng từ bỏ vĩnh viễn ánh sáng nơi trần thế chìm vào một cõi đêm bất tận.

 

Lâm ngáp dài, vặn người, bẻ các ngón tay kêu côm cốp. Ánh sáng lọt qua khe cửa Mây khép hờ in một bóng mờ trên bức vách. Tiếng kêu của những chú dê con trong vắt, lanh lãnh  len vào phòng.

“Trời sáng tỏ rồi!” – Lâm nghĩ thầm.

Chàng tung chăn, nghiêng người qua ngắm con, hôn phớt lên đôi má phính rồi mạnh dạn xuống khỏi giường. Trời lạnh hơn mọi hôm, Lâm định mặc thêm áo, nhưng chàng làm những cử động nhẹ, một lúc máu chạy đều và người chàng ấm hẳn.

 

Lâm ra nhà sau – một cái chái nhỏ làm bếp – trên bàn ăn Mây đã để sẵn hai chén cơm chiên đậy dĩa, một bên có hai chiếc muỗng nhỏ và chén nước mắm dằn lên một mảnh giấy: “Bố con cúc cu, em đi chợ sớm. Bố và con ăn sáng đi nhé. Em đã ăn rồi. Ăn xong hai bố con nhớ... uống nước. Hôn hai cục cưng – Em”

 

Liếc qua giòng chữ của vợ, Lâm chợt mỉm cười.

“Ăn xong hai bố con nhớ... uống nước”, Lâm nhắc lại trong trí. Lời dặn của Mây thật chí lý vì nàng vẫn thường âu yếm trách chồng: “Anh chỉ nhớ và lo chuyện dưới đất”. Câu chuyện “nhớ uống nước” đã thành ra một giai thoại của hai vợ chồng. Chiều hôm đó, bỗng nhiên Lâm trở nên bẳn gắt, chàng nói với Mây là chàng quên một điều gì rất quan trọng, rất khẩn cấp, chàng phải nhớ ra, nếu không... nhưng Lâm nhớ không ra, chàng quay quắt khổ sở.

 

Mây thương hại chồng, khuyên chàng nên bình tĩnh rồi trí nhớ sẽ trở lại. Để làm dịu cơn bực dọc của Lâm, Mây pha cho chàng một ly cối nước chanh tươi bỏ nhiều nước đá. Uống xong, Lâm cảm thấy dễ chịu hẳn và khám phá ra ngay cái điều quan trọng đã khiến chàng trở nên bực bội, nhưng Lâm xấu hổ không thú với Mây. Bữa cơm trưa hôm đó Mây nấu canh rau đay ăn với mắm cà pháo. Gặp món tủ, phá lệ thường, Lâm ăn luôn một lèo tám bát cơm – Mây lè lưỡi – và vét cho đến kỳ hết sạch cả bát mắm cà mới chịu thôi.

 

Đấy cái lý do quan trọng và khẩn cấp đấy. Là chàng cần gấp một lượng nước tương xứng để dung hòa số muối trong mắm cà mà chàng đã tống khứ vào bao tử một cách quá... sự điều độ.

Nhưng sau bữa ăn, Lâm thiếp một giấc ngắn và vừa thức dậy là chàng bắt đầu làm việc ngay, rồi bị công việc lôi cuốn Lâm không nghĩ đến việc uống nước nữa, mãi đến lúc chàng cảm thấy “quên một điều gì quan trọng và khẩn cấp”. Về sau kể lại chuyện đó Mây đã ôm đầu Lâm vò cho tóc chàng rối tung lên “Cho đáng đời bố”. Hai vợ chồng nhìn nhau cười đến chảy nước mắt.

 

Chàng mở cửa bếp bước ra sàn nước.

“Ô! Một buổi sáng tươi mát và rực rỡ!”. Lâm reo thầm.

Không vội rửa mặt, chàng đi thăm vườn rau. Khu vườn của hai vợ chồng chỉ rộng độ mười thước vuông thôi, nhưng họ đã trồng đủ các thứ rau. Ngoài một lối đi nhỏ, không chỗ đất nào còn bỏ trống: ngay bên cạnh sàn nước là một luống rau muống luôn luôn có nước rửa chén  mỗi ngày nên rất tốt, vừa cắt hôm trước thì vài hôm sau các chồi non đã đâm lên tua tủa xanh rờn. Mỗi tuần có  thể cắt ba lần, mỗi lần vừa nấu một nồi canh hay luộc được một dĩa đủ cho hai vợ chồng và bé Ưu Đàm. Kế luống rau là hàng bạc hà – cũng lấy nước ở sàn nước – nẩy nở rất nhanh, thỉnh thoảng Mây cắt nấu canh chua với ít rau thơm, rau diếp, ngò tàu, húng lũi, mọc chen lẫn chi chít, dưới bóng mát của các lá bạc hà. Thẳng góc với luống rau muống, vồng khoai lang lá tròn hình trái tim luôn luôn xanh mướt, những đợt khoai tròn múp bò vượt cả ra ngoài lối đi. Rau khoai luộc suông chấm với nước mắm chanh ớt tỏi hay xì dầu đều rất bắt miệng, nấu canh tôm càng tuyệt. Chiếm một khoảng đất rộng hơn cả, chạy suốt bề dọc vườn là một rò trồng ba loại: cà tím dài – có   thể nướng, dầm mỡ hành chấy, nước mắm hay thái lát nhúng – bột, chiên ăn với nước mắm ớt tỏi, rau sống đủ loại – cà bát – có  thể um, cho nhiều lá tía tô vào hay muối nén, muối sởi – phần còn lại Lâm gieo mồng tơi, ăn hết lứa này gieo lứa khác. Là mồng tơi nấu canh chung với mướp hương, bắp non không cần cá thịt chỉ cho vào một ít muối cũng đủ ngọt bể nồi, một vị ngọt tinh khiết, khoáng đạt, được ăn với cà bát nén thì bao nhiêu cơm cũng thiếu. Người Việt Nam mà chưa ăn món đó thì chưa gọi là người Việt Nam  được. chạy song song với rò này, còn một rò khác hẹp bề ngang hơn, Lâm trồng theo mùa, khi thì cà chua, khi thì dưa leo, cải bẹ xanh, xà lách. Chung quanh vườn, phía trong hàng rào, để ngăn bầy dê háo ăn của người hàng xóm, chàng làm khoai mì, những cây mì mọc lên chen chúc thân đan lại với nhau thành một hàng rào cây thiên nhiên dày. Củ mì nhiều đến nỗi đội rồng lên làm nứt nẻ mặt đất. Ở bốn góc vườn, bốn cây đu đủ sai trái. Mỗi tuần Lâm hái năm sáu quả, có khi hàng chục, ăn và đãi bạn bè. Đây là bốn cây đu đủ Lâm trồng thí nghiệm bằng thân cây mẹ – không dùng hạt giống – và chàng đã thành công, không còn sợ trồng nhằm cây đực nữa.

 

Ngoài khu vườn rau, Lâm có được sáu bụi chuối. Bốn bụi chuối mốc, hai bụi chuối ba hương. Đến mùa, mỗi bụi có thể cho từ hai đến ba buồng. Ngoài ra Lâm còn trồng năm gốc mít, ba gốc xoài, ba gốc ổi, mười gốc măng cầu ta và xiêm. Mây bàn:

“Mình đâu có ở đây lâu mà bố trồng mấy thứ đó cho mất công”.

 

Lâm cười tự nhiên:

“Mình chưa kịp ăn thì người đến sau mình ăn, em lo trái cây chín htối không được hân hạnh vào nằm trong bao tử con người à? Cứ tưởng tượng sau này, khi họ ăn xoài, ăn mít, ăn ổi... họ hỏi nhau: “Ai trồng mấy thứ cây này ở đây nhỉ?” có người quen với chúng ta còn ở lại trả lời:

“Của hai anh chị Mây – Lâm đó. Hai vợ chồng nay đã về... ở rồi”.

- Anh chị ấy có công trồng cây mà không được hưởng, nếu biết chỗ chúng ta tìm cách gởi cho anh chị mấy quả mít, vài chục xoài...”

 

Mây tươi ngay nét mặt:

“Ừ, bố nhỉ. Tưởng tượng họ ăn và nhớ đến vợ chồng mình, sung sướng quá”Lâm cũng vui theo vợ, chàng đùa:

“Mà mẹ xem, mít, xoài, ổi thì đúng chỉ là “gu” của ‘những cô Mây’ mà thôi”

 

Mây lườm chồng, cười cười:

“Thì đó là “thực phẩm trần gian” của các cô mà lỵ”.

Khi Lâm bước ra khỏi khu vườn nhỏ của chàng thì một cơn gió sớm vừa thổi tới. Cây lá trong vườn lao xao như bày tỏ một cử chỉ và những lời chào mừng. Đầu hôm đêm qua, bầu trời đầy sao, Lâm còn kéo Mây và chỉ cho chàng ngắm sao thần nông, vậy mà đến nửa đêm, trời bỗng trút một trận mưa rào không tiếc nước. Hai vợ chồng thức dậy hứng đầy năm phuy. Mây sung sướng nói:

“Nước mưa mát tắm mịn da lắm bố ơi”.

 

Lâm nắm cánh tay Mây, ghé miệng vào tai nàng thủ thỉ:

“Mịn da em thì cũng mát da anh vậy, há em?”

Mây cười dịu dàng:

“Bố lúc nào cũng ham hố. Em không tắm nữa đâu, em chỉ rửa mặt thôi”

“Mịn da mặt thì môi anh mát, lo gì”.

“Em chỉ uống.”

“Thế càng tốt. Mẹ mát dạ thì anh được tất”.

 

Mây phì cười:

“Anh chỉ có tài cố đấm ăn xôi”.

Sau một cơn mưa tâm hồn con người luôn luôn cảm thấy được xoa dịu, thảoi mái hơn, nhất là khi ta được ngắm một thiên nhiên tươi mát trải ra trước mắt. Những bãi cỏ hàng ngày có vẻ xơ xác đầy bụi mà ta chỉ mong chúng biến đi khuất mắt thì cơn mưa đem lại cho chúng một bộ mặt mới, một dáng vẻ khả ái khiến chúng ta ân hận về ý nghĩ trước đây. Những tàn cây rào rạt lá xanh, những chiếc lá non được nước mưa rửa sạch xanh lên một mầu mơn mởn còn đọng những giọt nước mưa trong vắt long lanh trong nắng, đem lại cho tâm hồn Lâm một niềm vui thầm lặng.

 

Nếu bạn đang đau khổ, tôi khuyên bạn nên để cho tâm hồn bạn đắm chìm trong màu xanh tươi mát của thiên nhiên sau một cơn mưa, tôi tin rằng bạn sẽ được an ủi rất nhiều.

 

Sáng sớm hôm nay, khi đứng trước vẻ tươi mát của khu vướn nhỏ, Lâm sung sướng như chính tâm hồn chàng được tắm trọn vẹn một cơn mưa, tâm hồn Lâm trở nên mới mẻ, run rẩy trong một cảm xúc thanh khiết.

 

Lâm ngắm nhìn say sưa từng chiếc lá khoai, lá cà, từng nụ hoa cà tím nhạt, hoa mướp vàng...cả đến những bụi cỏ mồng gà đã lén mọc len vào vồng khoai cũng với ánh mắt hết sức bao dung – những lúc khác thì không được với chàng, Lâm nhổ ngay tức khắc. Mặt trời lên nhưng còn nằm khuất sau một đám mây nền vàng chói lọi, bắn lên nền trời xanh những tia sáng hồng hình nan quạt. Phản quang dịu dàng từ bầu trời hắt xuống chảy tràn lên cây lá trong vườn khiến tất cả các sắc độ của màu lục rực lên cực độ như tự mỗi chiếc lá đều phát ra ánh sáng của chính mình. Đứng ngắm một lúc lâu không chớp mắt Lâm thấy như tất cả các sắc lục đang họp đàn, cùng nhau nhảy múa, dìu nhau đi trong một vũ khúc thầm lặng, vui tươi, nhưng cực kỳ dịu dàng đằm thắm. Cả ngàn giọt nước mưa còn đọng lại trên lá là những con mắt nhỏ trong veo, nháy nháy, chớp chớp như ngầm bảo cùng chàng cơn mưa buổi tối đã khiến chúng sung sướng lắm. Vũ khúc vô ngôn mà chàng đã nghe thấu là: “Hỡi chủ nhân rất dễ thương của chúng tôi. hôm qua chúng tôi được tắm mưa thỏa thuê. Nước mưa tưới lên thân  thể chúng tôi mát rượi, thấm sâu vào lòng đất hòa tan các đạm chất, rễ cái rễ con của chúng tôi tha hồ hút lấy chất bổ dưỡng nuôi thân  thể mình. Chủ nhân dễ thương hãy nhìn chúng tôi đây thì rõ – da thịt chúng tôi xanh ngát nõn nà như vừa mới tô phấn “Đông Quân”.

 

Nghe hoa lá khoe tươi, chàng cười thầm nghĩ: “Các em vô ơn bạc nghĩa thật, mỗi ngày ta cũng tưới các em hai lần bằng nước giếng, dễ thường các em quên hết không nhớ lấy một chút công ơn của ta sao?”. Vừa nghĩ vậy,  Lâm nghe khúc vô ngôn của hoa lá lại tiếp theo như để trả lời chàng. “Không phải chúng em quên công lao của chủ nhân đâu. Chúng em sẽ còn nhớ mãi những đôi nước giếng của người đã tưới chúng em cùng với những giọt mồ hôi. Nhưng sự sung sướng của chúng em hôm nay không do ý chúng em muốn. Đó là một ân huệ của thiên nhiên mà chúng em không mong mỏi. Đó là một ơn phước, hỡi chủ nhân đáng mến, đáng kính. chúng ta có thể nhận được những ân huệ ngoài sự cầu mong. Và chính điều đó sẽ làm cho chúng ta sung sướng. Xin chủ nhân hãy cùng chung vui với niềm sung sướng của chúng em cơn mưa rào hôm qua đem lại.

 

Không. Cơn buồn chỉ thoáng qua tâm hồn chàng như một bóng mây nhẹ lướt qua một thung lũng mùa xuân tưng bừng cỏ hoa đang chan hòa ánh nắng. Niềm hân hoan vẫn rộn rã trong lòng chàng, đám mây che mặt trời hé mở, một tia nắng vàng dọi thẳng xuống khoảnh vườn làm sáng rực lên. Tất cả lá cây trong vườn như đồng loạt mở những đôi mắt và nở một nụ cười lớn. Lâm lấy hơi dài huýt sáo một khúc nhạc vui, trước đó một giây chưa có trong óc chàng. Lâm múc nước ra thau rửa mặt. Chàng bụm từng bụm lớn vỗ vào mặt, nước mưa thấm vào từng chân lông. Lúc Lâm súc miệng, bị sự quyến rũ của vị ngọt và mát của nước mưa mới hứng, chàng uống luôn một ca đầy. Lâm có cảm tưởng như trông thấy những ngụm nước trôi qua cổ họng, xuống thực quản rồi đọng lại ở dạ dày và tức thì hơi mát tỏa ra thấm nhuần trong các mạch máu. “Điểm tâm! Điểm tâm!” vừa lau mặt lại bằng khăn ướt vắt ráo, Lâm vừa lẩm bẩm, giọng chàng đầy âm điệu như muốn phổ mấy tiếng đó thành một khúc hát.

Lâm trở vào, miệng lại huýt sáo, ngồi vào bàn ăn phần cơm của chàng. Chàng chan thêm nước mắm chanh, trộn đều. Tiếng huýt sáo chỉ chấm dứt khi chàng đưa muỗng cơm đầu tiên lên miệng. Trong hoàn cảnh riêng của chàng, buổi sáng được ăn điểm tâm, bất luận là thứ gì đã là một hạnh phúc lớn. Phương chi  cơm chiên, khoai luộc, xôi đậu đều là những thức ăn ngon và bổ dưỡng cả. Lâm nhai kỹ những hạt cơm chiên. Mây chiên cơm thật ngon, cơm thấm rất vừa miệng. Có những hạt cơm cháy dòn, nhai vỡ ra thơm phức. Ăn xong, chàng mang chén ra bỏ vào thau rửa. Lâm định lấy rổ hái một ít rau diệu và rau dền cơm, những thứ này không cần trồng, mọc đầy trong vườn, chợt có tiếng Ưu Đàm gọi thật lớn:

- Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?

“Hoàng tử thức rồi”.

 

Lâm nghĩ trong khi giặt chiếc khăn ướt lau miệng, vội vàng quay vào đón con. Ưu Đàm là con trai đầu của hai người vừa được hai tuổi rưỡi, đi vững và nói sõi. Họ vẫn quen gọi em là Cúc cu và Ưu Đàm thì tự xưng mình  là “chúc chu”. “Mẹ ơi, chúc chu ăn chơm”. “Mẹ ơi, chúc chu uống nước”. “Mẹ ơi, chúc chu ị”... Tuy nhiên, em vẫn còn nhớ những tên cũ của em:Cu Tuất, Cu chó, Cưng, con trai... và bây giờ em được gọi bằng rất nhiều tên mới nữa. Nào là “Thằng Cuội” khi Mây dạy em bài “Thằng cuội ngồi gốc cây đa”, nào là “Thằng bờm” khi Mây dạy con bài “Thằng bờm có cái quạt mo”. Khi tắm xong được quấn một chiếc khăn bông quanh người từ cổ xuống chân thì em lại có tên là “ông sãi áo vàng” hay “ông sãi áo đỏ”, tùy theo màu khăn em quàng. Khi em tỏ ra lanh lợi khôn ngoan trước tuổi thì em được mẹ mắng yêu là “ông nỡm” hay “lõi tì” và khi em mè nheo để đòi bánh kẹo em lại được gọi bằng tên “Em bé khóc nhè”.

 

Ưu Đàm hiểu tất cả những tên đó để chỉ em nên được hỏi một trong mấy tên trên em đều chỉ ngón tay vào người mình. Ưu Đàm đã đạt đến một trình độ hiểu biết mà Mây và  Lâm không ngờ và đó cũng là một sự lầm lẫn chung của các bậc cha mẹ. Chúng ta hay khinh thường con trẻ, cho rằng các em không biết gì. Thực ra, các em biết nhiều hơn chúng ta tưởng và chính chúng ta mới là những người ít biết về các em. Sở dĩ chúng ta có sự lầm lẫn đó vì thường các trẻ em không đủ từ ngữ và chưa biết  cách diễn đạt một cách khéo léo sự hiểu biết của mình. Ngay như ở những người lớn chúng ta còn gặp những trường hợp tương tự. Không nói ra, đâu có nghĩa là không hiểu biết. Lâm nhận thấy hồi hai tuổi, Ưu Đàm đã biết tổng hợp các yếu tố của một sự kiện, phân tích để rồi rút ra một kết luận. Rút kinh nghiệm ở Ưu Đàm, Lâm nghĩ rằng sự giáo dục con trẻ phải được bắt đầu ngay từ lúc các em vừa mở mắt chào đời. Các bà mẹ xưa đã biết dạy con từ trong bụng mẹ, “Chiếu trải lệch không ngồi, miếng không vuông không gắp”. Khi biết mình đã có thai.

“Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?”

 

Ưu Đàm lại cất tiếng gọi to hơn. mỗi buổi sáng vừa mở mắt ra Ưu Đàm liền gọi mẹ, gọi thật to, thật rõ ràng dù Mây còn nằm bên cạnh hay đã thức.

Mây trả lời:

“Mẹ đây con. Con trai của mẹ thức rồi hả?” Nàng hôn con. “Dậy nào!”

Ưu Đàm lật người ngồi ngay dậy, thúc lại mẹ vì Mây chưa tỉnh ngủ hẳn, còn nằm nán:

“Dậy với Ưu Đàm, mẹ ơi! Trời sáng rồi”.

 

Em đưa hai tay ra:

“Chúc chu ‘chéo’ mẹ dậy, mẹ ơi!”

Mây phì cười, đưa hai tay về phía con rồi gượng dậy theo đà kéo của con. Nàng ôm con vào lòng hôn chùn chụt đôi má phính hồng. Nàng nói trong khi mặt còn vùi vào cổ con:

“Con trai cưng của mẹ lớn rồi, nó mạnh quá. Nó kéo mẹ dậy, giỏi ghê”.

Ưu Đàm bá cổ Mây hôn thật kêu lên hai bên má, trên trán, mũi và cằm. Lâm lim dim mắt nhìn hai mẹ con. Mây nhìn chàng rồi bảo con:

“Lại kéo bố dậy đi con. Bố ngủ nướng xấu quá.”

“Bố ngủ nướng xấu quá, hả mẹ”. Ưu Đàm nói theo rồi ngập ngừng  tiến lại phía chàng. Lâm làm bộ ngủ nhưng hé mắt nhìn con. Ưu Đàm nhìn chàng đăm đăm, đôi môi hồng chúm chím cười, ánh mắt tỏ vẻ ái ngại. Em quay lại nhìn Mây hỏi ý kiến. Em nói nho nhỏ:

“Bố còn ngủ, mẹ ơi!”

 

Được trớn, Lâm đùa thêm. Chàng há miệng làm như người say ngủ rồi phát ra những tiếng ngáy khò... khò thật lớn. Biết chồng đã thức nên Mây giục con thêm:

“Ưu Đàm lại gọi bố dậy, mau lên. Nói với bố trời sáng rồi”.

Ưu Đàm tiến lên lại, nhẹ nhàng ngồi xuống, đập đập bàn tay hồng nhỏ nhắn lên ngực Lâm:

“Bố thức dậy, bố ơi. Trời sáng rồi”

 

Lâm ngáy to thêm. Mây mách nước ngầm. Nàng vuốt mũi mình rồi chỉ về phía Lâm.  Ưu Đàm quay lại làm theo lời mẹ. Lâm hỉnh mũi lên khịt khịt mấy cái. Hai mẹ con Mây cười dòn. Bỗng nhiên Lâm nghe mũi chàng nhồn nhột như có một con bọ chui vào, chàng hắt hơi mạnh, đột ngột mở mắt ra, cố trợn cho to thêm. Ưu Đàm sờ sợ, vội chạy lại ôm chặt cổ mẹ rồi ngoái lui nhìn bố cười khanh khách. Em vừa mới chọc một ngón tay vào lỗ mũi Lâm theo dấu hiệu ngầm của Mây.

“Ha...ha..ha..hà ...hà..ha”. Đột nhiên Lâm cười một tràng dài nhai theo giọng cải lương khiến hai mẹ con Mây giật mình. Rồi chàng đưa hai tay về phía con:

“Nào, Ưu Đàm lại kéo bố dậy. Không thôi bố ngủ nữa”.

 

Ưu Đàm chạy lại đưa hai tay ra. lâm nắm gọn lấy hai bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của con. Ưu Đàm ra sức kéo, chân trước chân sau, mặt đỏ rần mà Lâm vẫn cứ nằm ì.

Em quay lại mẹ phụng phịu:

“Mẹ ơi! Bố ăn “chơm” nhiều, nặng quá, mẹ “chéo” bố đi mẹ”.

Mây khuyến khích:

“Con kéo bố lại đi”

“Không, chúc chu không “chéo” bố nữa đâu, mẹ ơi”

“Con trai mẹ lực sĩ, mạnh lắm mà. Lúc nãy con kéo mẹ dậy được đó”.

 

Mây đưa mắt ra hiệu cho Lâm gượng dậy theo đà kéo của Ưu Đàm. Nhưng khi em đưa hai tay ra lại, miệng cười cười, chân thủ thế, Lâm vội chụp lấy kéo con ngã sấp lên người chàng hôn lên mặt mũi con túi bụi rồi ôm gọn lấy tấm thân  thể bé nhỏ tròn trịa ngồi bật dậy, nâng lên cao, đầu hai cha con đội cả nóc mùng.

 

Chiếc mùng giăng thấp, giây căng thẳng nên đứt cả bốn mối và úp chụp cả ba người vào trong. Họ loay hoay như những con cá vui tươi khi cùng bị rơi vào lưới. Ưu Đàm tưởng có trò chơi mới, cười ròn rã. Lâm trở vào nhà thì Ưu Đàm đã ngồi dậy rồi, còn đang dụi mắt. Thấy bố, em nhoẻn miệng cười. Lâm đưa mặt sát lưới mùng nhăn nhó làm trò cho Ưu Đàm cười thêm. Lâm hỏi con:

“Con trai bố mẹ thức dậy hồi nào vậy?”

“Dạ. Mẹ đâu rồi, bố?”. Thấy vắng mẹ, Ưu Đàm hỏi ngay.

“Mẹ đi chợ rồi. Lát nữa mẹ về, mẹ mua xôi cho con”.

“Mẹ mua rau, mua thịt cá nữa hả bố?”

“Ừ! Mẹ mua đủ thứ cho con ăn”

“Bố ăn nữa, mẹ ăn nữa chớ, bố?”

“Đúng! Con trai bố mẹ giỏi quá. Nào, con lại hôn bố rồi đi rửa mặt. Bố đút cơm chiên con ăn.”

“Ăn “chơm” chiên hả bố, không ăn xôi của mẹ à?”

“Có chứ! Con ăn cả hai thứ”.

 

Ưu Đàm chạy lại hôn lên má, lên trán, lên mũi Lâm, đến cái cằm thì em ngần ngại. Em nhìn Lâm cười chúm chím, sờ những sợi râu mọc lún phún. Em nói:

‘Râu bố làm đau miệng “chúc chu”.

Lâm nín cười, nài nỉ:

“Thôi, con hôn chỗ dưới mũi bố cũng được”.

Ưu Đàm ngần ngại một chút, em cúi xuống chu môi hôn thật nhanh rồi quay đi phủi miệng lia lịa:

“Râu bố dính miệng chúc chu, bố ơi!

“Xạo. Làm gì có”

“Chúc chu xạo hả bố”

 

Lâm bế Ưu Đàm lên, không trả lời, chàng biết mình vừa lầm lẫn. Đứng dưới giàn mướp, Lâm lau mặt cho con bằng khăn ướt. Ưu Đàm với tay sờ những trái mướp thòng xuống vừa tầm tay. Em nhìn theo đường bay những chú ong bầu đen nhánh.

“Con ong kêu u u, bố ơi!”

Em tươi cười thích thú.

“Đúng! Con ong kêu u u”

“Con ong ăn bông nữa, bố ơi”

“Không phải, con ong hút mật hoa”

“Mật hoa ở đâu, hả bố?”

“Mật hoa ở trong hoa, ngọt như nước đường”

“Đường ăn chè, hả bố”

“Đường để nấu chè đậu xanh cho con ăn”.

Đám mây che mặt trời đã trôi qua. Mặt trời hồng lộ rõ lấp lánh. Ưu Đàm bị chói, vội quay mặt đi.

“Mặt trời mở mắt thức dậy rồi, bố ơi! Mặt trời làm cay mắt con”

 

Lâm sửa:

“Không phải, mặt trời mở mắt thức dậy đâu con, mặt trời mọc. Không phải cay mắt mà chói mắt. Mặt trời làm chói mắt con. Cúc cu nhớ chưa?”

“Dạ. Chói mắt quá”

Ưu Đàm rất sẵn sàng lưu ý và lập lại đúng những lời Lâm dạy. Rồi em lại phát biểu:

“Ông trời đổ chả trứng nữa, hả bố?”

“Đâu nào?”

“Kia kìa, bố ơi. Bố lấy cho chúc chu ăn đi”

 

Ưu Đàm đưa tay lên chỉ một đám mây đã trở nâu vàng ửng như một miếng trứng chiên.

Lâm cười:

“Không phải ông trời đổ chả trứng con à. Đó là đám mây. Mặt trời chiếu lên đám mây có màu vàng. Chả trứng thì mẹ con đổ vào chảo trên bếp chứ. Con nhớ chưa?”

“Dạ. Con nhớ”.

 

Thứ ngôn từ vỡ lòng của con đôi lúc khiến Lâm bàng hoàng,  nó mở ra cho chàng những chân trời mới lạ mà chàng không còn được nhìn thấy. Lâm tiếc rẻ hết sức, nhưng đời sống với những lề thói đã hình thành ngôn ngữ theo một qui ước chung mà chàng không thể đi ngược lại và cũng không thể để con chàng trong thế giới ngôn ngữ đó.

Có đêm hai vợ chồng dắt Ưu Đàm đi dạo ngoài trời. Em nhìn lên bầu trời đầy sao nói với mẹ:

“Nhiều mắt nhìn con, mẹ ơi!”

“Có ai đâu con?”

Ưu Đàm chỉ cho Mây những vì sao. Nàng dịu dàng giải thích cho con:

“Người ta gọi đó là những vì sao, con à”

 

Dĩ nhiên Lâm đồng ý hoàn toàn lối giải thích hợp lý của vợ, nhưng chàng muốn đẩy trí tưởng tượng theo lối suy luận của con. Chàng nghĩ, nếu chúng ta tin rằng, ở cõi xa xăm đó là thế giới của những linh hồn những người đã từ bỏ kiếp sống trần thế, chúng ta không biết họ sinh hoạt ra sao. Nhưng có điều ta được biết do vài sự tình cờ là họ luôn luôn mơ ước được trở lại thế giới của chúng ta quê hương cũ của họ, nhưng  không sao thực hiện được. Nỗi ước mơ đó lớn lao đến nỗi những cơn thao thức trong giấc ngủ ban đầu nay đã trở thành những đêm trắng chờ mong. Không biết làm gì hơn, đêm đêm tất cả mọi người dành thì giờ nhìn xuống trần gian. Lâu dần, việc đó trở thành một thói quen, một lối giải trí lý thú duy nhất của họ. Và những vì sao mà chúng ta thấy hàng đêm chính là mắt họ.

Một đêm khác, Ưu Đàm lại reo lên:

“Mẹ ơi, mặt trăng thắp đèn”

 

Hai người cùng ngước nhìn mặt trăng vừa lên khỏi rặng cây trước mặt. Mây sửa lại cho con nói đúng:

“Phải nói “Mặt trăng  lên” hay “mặt trăng mọc”, chứ không nói “mặt trăng thắp đèn” nghe con”

 

Lâm nói thẳng ý nghĩ với Mây:

“Mẹ à, giá như chúng ta có thể tin rằng trên mặt trăng có một giống người. chúng ta rất ít biết về họ nhưng họ rất xót thương những đêm dài tẻ nhạt của địa cầu. Họ làm đêm hoa đăng ở thế giới của họ để gởi ánh sáng đến cho chúng ta. Như vậy nói theo ngôn ngữ của con quả thật là một ý tưởng đầy thi vị, hả em”.

 

Mây cười vỗ thích thú:

“Nếu anh muốn anh cứ nói. Nhưng anh chỉ nói với “thi sĩ tí hon” của anh thôi. Chứ với người ngoài họ sẽ cưới bố. Họ không chịu đâu bố ơi vì...lạ tai quá”

“Cả đời anh, anh chỉ thích cái gì mới lạ”.

“Nhưng lạ vừa vừa thôi. Lạ quá mình sẽ không được mọi người chấp nhận, khó sống.”

“Mỗi ngày nếu không cảm thấy có điều đổi mới thì đời sống còn gì ý nghĩa”

 

Liếc nhìn vẻ mặt chồng đăm chiêu, Mây cười tủm tỉm:

“Suốt mấy năm nay em chỉ thấy anh mặc mãi vài bộ đồ kiểu...cổ điển. Em bảo may thêm anh nằng nặc không chịu...Còn ăn thì “gu” của anh là rau muống luộc chấm tương, cà nén.. chẳng thấy anh đổi mới thêm gì cả”.

Lâm cũng đùa lại Mây :

“Đó là căn bản, cái phần tinh túy của tinh thần “nhật tân hựu nhật tân” đó mẹ ạ”.

Đã định quay vào cho con ăn cơm, nhưng thấy khí trời mát mẻ, Lâm bế Ưu Đàm đi một vòng quanh vườn cho con xem cây lá. Ưu Đàm rất th1ich làm vườn. Em hay quanh quẩn theo chân Lâm mỗi buổi chàng ra vườn làm việc. Em tìm nhổ những cọng cỏ nhỏ đem lại khoe bố để được ngợi khen. Sáng nay quan sát các lá cây còn ướt, những vũng nước nhỏ còn đọng lại trên lối đi, Ưu Đàm quay lại hỏi Lâm:

“Bố ơi, ông trời đái to lắm hả bố?”

“Ông trời đâu có đái con”

“Sao có nước ướt nè bố?”

“À, phải nói là trời mưa, con à”.

“Ông trời mưa hả bố?”

“Ừ. Trời mưa to lắm”

“Ông trời uống nước ở đâu vậy bố?”

Lâm ngập ngừng:

“Ở ngoài biển con à”

“Ông trời uống nước mặn quá, hả bố”. May quá, Ưu Đàm đã có lần được trông thấy biển và tỏ ra còn nhớ.

“Ừ. Thôi mình vào ăn cơm, nghe con”.

 

Cơm chiên nguội, hơi khô nên Ưu Đàm nuốt có vẻ khó. Lâm vừa đút cơm cho con vừa để mắt trông Mây đi chợ về. Hai bố con ngồi trên băng gỗ kê trước hiên nhà. Ưu Đàm trông thấy Mây trước, khi nàng còn ở xa. Nàng cười toe toét, đưa tay vẫy con. Ưu Đàm reo lên:

“Bố ơi, mẹ về kìa bố”.

 

Em chạy ra đón mẹ, miệng hoan hô:

“Mẹ về rồi! Mẹ về rồi! Hoan hô mẹ! Bố ơi! Hoan hô mẹ!”

Em chạy ra ngõ thật nhanh, đôi chân nhỏ cử động thoăn thoắt, hai mông tròn núng nính. Lâm cũng để chén cơm bước ra theo con, lòng vui vui vì chính chàng cũng có ý mong Mây về.

Mây đi chậm, cái xách trên tay nàng đầy ắp. Từ xa, thấy hai bố con, Mây đã cười tươi. Đến nơi, sau khi trao giỏ cho Lâm, Mây  ngồi thụp xuống, Ưu Đàm nhào tới ôm cổ mẹ rồi vội xê ra, hai tay ôm má nâng mặt Mây lên, mắt mở to, em hỏi một cách ngạc nhiên và trịnh trọng:

“Mẹ đi chợ về, hả mẹ?”

“Ừ, con, mẹ đi chợ về. Ở nhà con có khóc nhè với bố không?”

“Không, mẹ ơi, chúc chu không khóc nhè với bố”.

 

Hai mẹ con nói chuyện ríu rít như đã xa nhau lâu ngày vừa mới gặp lại. Mây hỏi con đủ thứ chuyện xảy ra trong khi nàng vắng nhà. “Bố làm gì, con làm gì, có nhớ mẹ không”. Ưu Đàm, bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt – mà chỉ có Lâm và Mây hiểu được – đã kể lại không sót chút gì.

 

Cuối cùng em kết luận:

“Bố đút cơm chiên cho Ưu Đàm ăn”.

“Ồ! Con trai mẹ giỏi quá. Thế bố cho con ị chưa?”

“Chưa, em à. Lâm trả lời thay con.

“À, bố hư quá hả con”

“Dạ. Ưu Đàm tán thành lời mẹ ngay. Bố hư mẹ ơi. Bố chưa cho Ưu Đàm ị bô”

“Ừ, bố hư, nhưng con trai mẹ lớn rồi, con làm được, không cần nhờ bố nữa”.

“Không cần nhờ bố, hả mẹ?”

 

Ba người đi vào nhà, Ưu Đàm nắm tay mẹ kéo.

“Đi mẹ ơi! Đi mẹ ơi!”

Lâm nhìn vợ, mặt Mây ửng hồng vì mệt, mồ hôi lấm tấm làm bết tóc trên trán và hai bên thái dương. Chàng lấy khăn tay lau mồ hôi cho Mây, âu yếm hỏi:

“Mẹ đi bộ về hả? Sao không về xe thồ cho khoẻ, mẹ? Cái xách nặng quá”.

“Em ráng xách được, bố à. Đâu có xa mấy. Ba chục bạc để mua xôi cho con”.

 

Nghe nhắc đến mình kèm theo tên một món ăn, Ưu Đàm lên tiếng ngay: “Mẹ mua xôi cho con, hả mẹ?”

“Ừ. Thằng Bờm nó thính tai quá”.

Mây sờ vành tai con.

“Xôi thằng Bờm đâu mẹ?”

“Trong giỏ. Tí nữa vào nhà mẹ lấy xôi cho Bờm nhé. Bờm có thương mẹ không?”

“Thường mẹ Bờm để trên đầu”.

Ưu Đàm lấy tay chỉ lên đầu.

Mây liếc nhìn chồng hãnh diện rồi cúi xuống bế bổng con lên:

“Con trai mẹ ngoan quá, giỏi quá. Thương mẹ con để trên đầu hả?”

“Dạ”

“Thế thương bố con để đâu?”

“Thương bố để trên đầu”

 

Lâm nhìn hai mẹ con cười sung sướng.

Chúi mũi để xem Mây soạn đồ trong giỏ đi chợ ra là cái thú của hai bố con Lâm, lần nào cũng vậy. Lâm tò mò hỏi giá hàng từng món “để theo dõi giá thị trường”, còn Ưu Đàm thì chờ quà và để được đưa tay sờ mó thứ này thứ nọ, lần nào hai bố con cũng bị rầy vì cái tính hay táy máy chân tay.

 

Mây vừa lấy rổ để bên giỏ đồ ăn thì hai bố con đã sà xuống ngồi xổm bên cạnh rồi. Mây cảnh cáo Ưu Đàm, mặt thì liếc về phía Lâm.

“Con để mẹ soạn đồ, đừng thò tay vào, cá dơ, tanh lắm. Ngoan mẹ cưng, nhé”

Ưu Đàm cầu thân:

“Mẹ mua rau hả mẹ?”

“Ừ. Nhưng con đừng mó vào”.

“Rau muống hả mẹ?”

“Đúng!”

Mây lấy hai bó rau muống ra. Ưu Đàm lợi dụng cơ hội thò vào lấy quả cà chua giơ lên:

“Mẹ mua cà chau nữa hả mẹ”

“Phải. Mây gằn tiếng. Con nhớ lời mẹ không. Bỏ cà xuống rổ cho mẹ”.

 

Lâm cười:

“Hai bó rau giá mấy vậy em?” Lâm hỏi.

“Bốn chục, anh ạ”.

“Đắt ghê hả. Mới lên giá nữa. Còn cà chua?”

“Em mua chỗ đó năm chục. Coi kìa. Con lại lấy su của mẹ nữa rồi. Có để xuống cho mẹ không?”

“Mẹ mua su cho Ưu Đàm ăn, hả mẹ?”

“Phải, nhưng con bỏ xuống cho mẹ đã”.

“Bao nhiêu năm trái đó, em”

“Em mua ký rưỡi, bảy chục đó anh”

 

Không được phá, Ưu Đàm thu hai tay để lên đầu gối ngoan ngoãn trông tội nghiệp. Miệng há hốc ra, mắt mở thao láo theo dõi từng động tác của mẹ. Lâm nhìn con, lè lưỡi chế nhạo. Cậu ta cười ngỏn nghẻn, đầu nghiêng qua, nghiêng lại.

“Mẹ có mua đậu hũ nữa. Chà chiên dòn chấm mắm chanh, ngon tuyệt. Bao nhiêu ba miếng đậu, vậy em?”

“Chín chục anh ạ. Coi nào. Bố ngồi yên đừng hỏi lôi thôi để em tính lại xem có đúng tên không nhé”.

 

Lâm ngồi yên. Ưu Đàm liếc nhìn lại Lâm ra điều “Bố cũng bị mẹ la”. Nhưng Lâm lên tiếng trước vẻ kinh ngạc của con:

“Hôm nay em mua thật nhiều đồ ăn, há em. Những món lạ”.

 

Thật vậy, ngoài những món “cổ điển” để cầm cự cho đến kỳ chợ sau, Mây còn mua một nải chuối ba hương, đường, đậu, nếp, bí ngô – hẳn là để nấu chè – các thứ rau sống, bún, tương...

“Còn một món nữa, lạ lắm, đố bố đoán được”. Mây vui vẻ nói.

Ưu Đàm không bỏ lỡ dịp may góp tiếng.

“Món lạ lắm, hả mẹ”

“Ừ, mẹ đố thằng Bờm luôn”

 

Hai bố con cứ ngồi ngẩn ra nhìn nàng, Mây tức cười. Nàng dở lớp lá chuối đậy đáy giỏ lên:

“Ồ! Cá lóc!” Lâm kêu lên sửng sốt. Một con cá lóc to!”

Hai mắt chàng mở lớn sáng trưng nhìn Mây kinh ngạc.

Ưu Đàm cũng bắt chước bộ điệu Lâm.

“Ồ! Cá lóc”. Em kêu lên rồi nhìn bố chờ đợi.

“Ký rưỡi hả em?”

“Đố bố cúc cu đó”

“Đố bố đó, hả mẹ?”

“Chịu”

“Chịu, bố chịu mẹ ơi!”

“Ký bảy”

“Hôm nay em xài sang ghê. Làm như nhà có kỵ”

Mây nhìn chồng sung sướng, nụ cười nàng có vẻ bí mật:

“Thỉnh thoảng em cũng xài sang cho bố ngán”

Ưu Đàm cười hùn:

“Cho bố ngán. Hì hì...Bố ngán mẹ, hả bố?”

Mây nhìn con, cười:

“Ừ, cho bố ngán mẹ con mình chơi, há con?”

“Dạ. Xôi của Ưu Đàm đâu rồi mẹ?”

“Đây đây. Mẹ quên, tội nghiệp con mẹ chờ nãy giờ”.

 

Mây mở gói bún, lấy cái bọc ny lông đựng xôi ra đưa cho con.

“Đây, xôi của Bờm đây. Thằng Bờm làm sao con”.

Mắt sáng rực, Ưu Đàm đưa cả hai tay đỡ lấy, nói tỉnh:

“Thằng Bờm cười, mẹ ơi”

“Đúng! Giỏi. Vậy con cười đi”.

“Hì.. hì..” Ưu Đàm cười liền – “Được xôi Bờm cười, hả mẹ. Hì hì...”

 

Mây bảo con:

“Bây giờ con trai đi chơi với H’ji, H’Bum nhé. Mẹ làm cơm xong gọi con về ăn nhé.”

Sau khi soạn đồ cất đâu vào đó, thấy Lâm đang còn đứng xớ rớ, Mây bảo:

“Anh có bận gì không? Đập giúp em con cá lóc đi anh”.

Lâm đứng nghiêm theo lối nhà binh:

“Tuân lệnh.”

‘Em cho phép bố nghỉ”

Hai người cùng cười. Lâm đi tìm một khúc cây.

“Con cá to quá hả em. Bao nhiêu tiền vậy?”

“Cũng rẻ thôi, anh ạ, anh đoán thử xem”.

“Bao nhiêu một ký?”

“Anh nói anh là con đầu lòng của má, sao anh khôn quá vậy? Hỏi như thế thì em còn đố làm gì”

 

Lâm cười cầu hòa:

“Không khôn sao lấy được vợ đảm như em. Thôi để anh đoán, bảy trăm, đúng không?”

Mây cười cười, chưa trả lời. Lâm hớn hở:

“Thôi, đúng rồi chứ gì”

“Không. Em cười anh nịnh em hay quá, làm em hết cả mệt”

Mà Mây sung sướng thực sự.

 

Tất cả sự đảm đang của nàng đều được chồng quan tâm cả, nàng còn mong gì hơn nữa? Mây ngẩng lên nhìn chồng:

“Anh đoán gần đúng. Tám trăm đồng đấy. Thấy anh thỉnh thoảng nhắc nhở đến món canh chua miền Nam nên em “gồng mình” mua về nấu cho anh ăn. Kể ra đối với nhà mình ăn thế này thì sang thật, nhưng mỗi năm được mấy lần? Bố đừng áy náy”

Trong khi Mây làm cá, Lâm ngồi ròng hai tay lên gối xem. Ưu Đàm ăn hết xôi cũng trở về đến bên Lâm ngồi xuống bắt chước y hệt điệu bộ bố.

 

Mây nhìn hai bố con, tức cười:

“Hai bố con làm gì mà ngồi thừ ra vậy?”

Lâm:

“Coi mẹ làm cá”

Ưu Đàm:

“Coi mẹ làm cá, hả bố. Hì hì..”

Mây:

“Trong Nam cá này nhiều lắm phải không anh?”

“Còn phải nói. Ăn không hết người ta làm khô, làm mắm. Ở miệt Hồng Ngự, đến mùa cá, dân vùng khác chở muối lên, chỉ cần một cái chài là tha hồ có cá làm mắm. Bao nhiêu lu muối là bấy nhiêu lu mắm...Cá lóc làm mắm thái mà trong Nam gọi là mắm một ăn ngon tuyệt. Lại còn lấy trứng làm mắm nữa”.

‘Cá này ở sông, hả anh?”

“Phải em ạ. Cá nước ngọt. Em biết không hồi nhỏ ở quê đi bắt cá hôi vui lắm. Có lần trên đường đi học anh gặp người ta tát đìa, anh dấu cặp sách vào bụi, ào xuống bắt hôi.”

“Hôi là gì anh?”

“Là mót. Người ta bắt xong rồi họ cho mình xuống bắt mót,  được thì mình lấy”.

“Anh bắt được nhiều không?”

“Nhiều thì không nhiều thường thường thì năm ba con cá sặc, cá rô thôi. Nhưng cũng có khi gặp may được cá to nấp trong hang cua hay dưới bùn sâu. Lần đó anh được một chú cá lóc to bằng con này.

“Sướng nhỉ”

“Anh quên cả đi học luôn. Mình lấm lem như nhuộm. Em biết thứ bùn ở đáy đìa không? đặc quện và đen sì như hắc ín vậy. Về nhà, thoạt trông thấy anh má tức lắm định đét đít, nhưng nhờ có con cá nên được tha. Còn ba chỉ cười nhưng sau đó bắt quì về tội bỏ học.”

Ưu Đàm nhìn chăm chăm vào miệng chàng nghe Lâm kể. Lúc chàng kể xong em đứng lên nâng má Lâm  lên kề sát mặt chàng hỏi, vẻ quan trọng:

“Bố được tha, hả bố? Ba Má đánh bố, hả?”

Lâm giải thích:

“Ba Má của bố tức là ông bà nội của con. Con gọi bằng ông nội, bà nội.”

“Ông nội, bà nội, hả bố?”

“Phải”

 

Hỏi xong, Ưu Đàm lại ngồi xuống coi mẹ làm việc. Nhưng em chỉ ngồi yên được một lúc, hai tay bắt đầu táy máy. Em chỉ vào con cá hỏi Mây đủ thứ. Mây vừa giải thích vừa ngăn không cho con sờ vào cá. Nàng nói luôn miệng:

“Chỗ này là vẩy cá con ạ. Nhưng con đừng sờ vào bẩn tay. Đây là cái kỳ. Cái này là đuôi. Ấy, ấy. Mẹ đã bảo, con đừng mó vào cá, tanh lắm. À, cái này là đầu, đây là mắt... Con ngồi yên, xê ra, ngoan như bố này, để mẹ làm rồi mẹ nấu canh chua cho hai bố con ăn”.

“Mẹ ăn nữa, mẹ ơi!”

“Ừ, thì mẹ ăn với hai bố con. Bây giờ con đi chơi đi, khi nào xong mẹ gọi về ăn.

“Không mẹ ơi! Con coi mẹ làm thịt cá. Nó chết rồi hả mẹ. Ai đánh nó chết hả mẹ?”

“Bố”

“Bố ác lắm hả mẹ”

 

Lâm và Mây ngạc nhiên cùng nhìn nhau thầm hỏi, nhưng Lâm nhớ ra, giải thích thì thầm vừa đủ cho Mây nghe:

“Bữa trước “anh ta” lấy cây đánh một con thằn lằn. Anh nói “con đừng đánh thằn lằn, như vậy ác lắm nghe con”. Bây giờ ảnh còn nhớ đem ra áp dụng vào trường hợp này đó. Mẹ coi gớm chưa?”

Mây nhìn con âu yếm mắng:

“Đúng là lỏi tì”

“Hì hì... Ưu Đàm lỏi tì, hả mẹ?”

“Không. mẹ nói bố”

“Hì hì... bố lỏi tì, hả bố”

 

Lâm bẹo má con:

“Bố mày, thằng chó con”

“Bố mày chó con. Hì hì...” Ưu Đàm béo vào má Lâm lập lại.

 

*

Suốt buổi nấu nướng, hai bố con cứ quanh quẩn dưới bếp và cả hai người đều tỏ ra là những tay chạy việc khá đắc lực. Khi thì Mây nhờ Lâm  làm việc này, khi thì sai Ưu Đàm làm việc khác. Thì giờ còn lại Ưu Đàm làm trò, đủ thứ trò, hát tất cả những bài em thuộc, rồi sáng tác những bài mới, cả nhạc lẫn lời. Điệu nhạc thì tùy hứng. Còn lời thì mô tả ngay bất cứ gì em thấy trước mắt hay tai em nghe được: đàn kiến bò, muỗi vo ve, thằn lằn bắt mồi, tiếng máy bay, tiếng còi xe... tất cả đều trở thành lời cho những bài hát của Ưu Đàm, dĩ nhiên là mỗi bài chỉ gồm vài ba chữ rất chính xác mà thôi. Còn thì là giọng ê a cả.

 

Thỉnh thoảng Ưu Đàm lại hỏi thăm mẹ xem đã làm thức ăn xong chưa. Mỗi lần hỏi em đều được Mây hứa hẹn chỉ trong chốc lát và nàng không quên tả bằng một vài lời giản dị cho em biết em sắp được ăn một món lạ và ngon mà em chưa từng nếm. Sau mỗi lần nghe lời hứa hẹn của mẹ, niềm vui của em tăng thêm qua những cử động nhanh nhẹn và lời hát líu lo mà Lâm nghe chẳng còn thành tiếng gì nữa.

 

Nhìn con Lâm thấy nó bày tỏ niềm vui đang rộn rã trong lòng một cách trung thực. Nó vui vì sắp được ăn ngon. Trong đầu óc con chàng không có một tí ti gì về điều gọi là triết thuyết về sự khoái lạc hay hưởng thụ cả. Niềm vui mà em bày tỏ trước việc được ăn thật hồn nhiên vô tội. Lâm nghĩ, phải chăng niềm vui mà con chàng biểu lộ đó là một bộ mặt khác không kém quan trọng của bản năng sinh tồn mà chúng ta, những người lớn không dám bày tỏ một cách thành thực mặc dù vẫn âm thầm chấp nhận. Được ăn ngon thì vui vẻ. No thì vui vẻ. Và trái lại. Lâm cũng cảm thấy một niềm phấn khởi y như bé Ưu Đàm vậy, có lẽ còn hơn thế nữa,vì trí tưởng tượng và hoài niệm của chàng về món ăn còn dồi dào hơn đứa bé. Nhưng Lâm không  thể bày tỏ niềm vui của chàng một cách hồn nhiên như con chàng được. Ở chàng điều đó trở thành một tính xấu, có vẻ lố lăng không xứng đáng với tư cách của một kẻ...  có giáo dục. Đành rằng thiên hạ không chủ trương thuyết khắc kỷ bao giờ, nhưng họ đã dạy cho chàng, không biết từ khi nào là phải khinh rẻ vật chất, mà miếng ăn là một tượng trưng rõ ràng cụ thể nhất cho vật chất, vậy chàng phải xem thường miếng ăn. Hoặc ít ra cũng phải biết tỏ vẻ lạnh nhạt – dĩ nhiên nhuốm đầy kịch tính – trước sức hấp dẫn của các món ăn quyến rũ, dù có thèm rỏ dãi đi nữa. Đó là một thảm trạng. Chàng đã từng gặp nhiều người trước mặt người khác thì ăn như mèo no, nhưng ngay khi có dịp được ở một mình thì ăn chẳng khác gì hổ đói.

 

Điều mà Lâm thực sự mong muốn là chàng cũng được bày tỏ một cách hồn nhiên những tình cảm làm xúc động tâm hồn chàng. Trong trường hợp này ước gì chàng cũng có  thể tỏ lộ sự sung sướng bằng cách ca hát, nhảy múa như con chàng vậy. Chàng cũng đã hỏng rồi, như bao nhiêu người đã mang những chiếc mặt nạ để sống, trong khi con người thật của chàng lúc nào cũng gào thét đòi khôi phục lại quyền sống thật của nó. Tại sao mỗi người trong chúng ta tự gán cho mình một vai trò phải thủ diễn, mà thường là một bộ mặt khép kín, dìm chết những tình cảm chân thật hồn nhiên?  “Yêu ai cứ bảo rằng yêu. Ghét ai cứ bảo rằng ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói ghét thành yêu” (Thơ Phùng Quán). Đó phải chăng chỉ là thế giới mộng tưởng của thi sĩ ?

 

Đột nhiên một chút niềm hứng khởi làm lòng Lâm  rộn rã. Chàng chồm tới ôm lấy Ưu Đàm nâng bổng lên rồi nhảy nhót, miệng phát thanh một bài hát thời trang mà thường ngày chàng vẫn không ưa. Chàng lướt tới bên vợ, bất ngờ cúi xuống hôn nhanh lên gáy Mây đã vén tóc cao. Mặc cho Mây  quay lại trố mắt nhìn hai bố con, Lâm cất tiếng hát:

“Cúc cu ơi. Sung là sung sướng quá đi à à a. mẹ cho là bố con a mình...ăn là canh chua...cá lóc cá lóc. Là bố con mình sung sướng quá đi ...cúc cu ơi”

Ưu Đàm phụ họa:

“Cá lóc. Cá lóc. Cúc cu ơi”

Làm được như thế, Lâm cảm thấy chàng sung sướng thật sự. Phải, Lâm có  thể mang mặt nạ để sống, với bất cứ ai nhưng Lâm  muốn phải chừa ra một người mà chàng thương yêu và thương yêu chàng. Người đó phải biết tất cả con người chàng, như là chàng, không áo quần ngụy trang, không một chút gì ràng buộc với những liên hệ xã hội, như là chàng: một con người.

Người đó là vợ chàng: Mây .

Mây nhìn chàng hỏi:

“Có gì mà hai bố con vui dữ vậy?”

Không trả lời, Lâm hếch mặt về phía bếp lò, hểnh mũi lên hít lấy hít để tay chỉ vào nồi cá luộc đã bốc hơi lên thơm phức.

 

Biết rõ niềm vui của chồng và con, Mây cảm động. Nàng cũng làm bộ xê dịch đôi mông qua lại như sắp sửa nhảy điệu Twist rồi thình lình đưa tay béo mũi Lâm một cái rõ đau.

 

*

Lâm muốn chú tâm để đọc nốt chương sách bỏ dở nhưng mùi thơm từ nhà bếp đưa lên làm tâm trí Lâm tan loãng. Lâm gấp sách lại, ngồi yên để mặc cho trí tưởng tượng làm việc. Lâm thấy trước mắt chàng nồi canh chua cá lóc nấu bằng mẻ, hương vị đậm đà và màu sắc  quyến rũ. Vị chua của mẻ dịu, ngọt hơn chanh hay dấm. Màu trắng đục của mẻ cũng gây một cảm tưởng về sự dồi dào dưỡng chất, trông lại có vẻ ngon mắt hơn là chất nước trong.

 

Mũi Lâm phập phồng hít thở mùi thơm ngào ngạt của hành, ngò, bắp chuối xắt thành sợi, những lát bạc hà xanh thái lát xéo. Trên mặt nước trắng đục bao phủ một lớp mỡ cá vàng. Những trứng cá vụn, tóp mỡ nổi xen lẫn, lập lờ. Điểm đây đó những khoanh ớt màu đỏ tươi làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ. Còn những khúc cá trắng nuột, nức nở bốc mùi thơm ngào ngạt Mây gắp để riêng trong một đĩa lớn cho khỏi vụn. Lâm thấy Mây đã mượn về một cái cù lao, như vậy hẳn là nàng sẽ múc qua để cho canh được nóng suốt bữa ăn.

 

Canh chua sẽ được ăn với bún. Trong chén đã để sẵn đủ thứ rau sống xắt nhỏ, cho lên ít bún, múc nước canh nóng chan lên vừa ngập. Nâng chén lên và một miếng lớn rồi gắp một miếng cá còn nóng hôi hổi chấm nước mắm, kẹp thêm khoanh ớt ăn kèm vào. Thong thảnhai kỹ... chao ôi! Thần tiên cũng sướng đến thế là cùng. Nghĩ đến đấy, nước miếng Lâm chợt ứa ra đầy miệng. Thực là ngửi hương biết vị, mà chưa được nếm vị cũng đã biết hương rồi.

 

Có tiếng Mây reo lên từ nhà bếp:

“Xong rồi, anh ơi! Xuống nếm lại giùm em xem có vừa miệng anh không?”

Đã nhỏm dậy khỏi ghế nhưng Lâm ngồi lại, trả lời vọng xuống:

“Em cứ nêm đi, vừa miệng em thì vừa miệng anh”.

Lâm chưa kịp xuống Mây đã múc đem lên một muỗng kê vào miệng chàng. Ý chàng không muốn nếm, để giữ cho vị giác ở trạng thái “trung lập”, lát nữa được tận hưởng hương vị của món ăn. Nhưng chiếc muỗng đã kề môi rồi Lâm không  thể làm khác được. Mây hớn hở quan sát, theo dõi những biến chuyển trên mặt chồng sau khi nếm muỗng canh trong khi Lâm yên lặng lắng nghe để đưa ra một lời quyết đoán chính xác. Mây có vẻ hồi hộp chờ đợi. Chỉ năm, mười giây lúc đó đối với nàng bằng cả một thời gian dài dằng dặc. Gương mặt Mây  ửng hồng vì hơi lửa, mồ hôi làm bết tóc, rịn ra chảy dài xuống hai bên má. Lâm thấy vợ đẹp lạ lùng, chàng muốn ghì cổ vợ xuống hôn hết sức, nhưng dằn lại kịp:

“Tuyệt vời”        

 

Cuối cùng Lâm tuyên bố. Mây rùn người xuống từ từ, một tay dằn lấy ngực.

“Trời! Anh làm em muốn rụng tim luôn”

Khi Mây cầm chiếc muỗng quay lui, thoăn thoắt trở lại bếp, Lâm muốn không hôn vợ để ngợi khen nàng.

 

Trên bàn ăn Mây đã dọn xong bát, đũa, và những món phụ: rau sống, nước mắm, ớt tươi xắt khoanh và một đĩa đầy bún sợi nhỏ. Mây đang tắm. Chỉ còn chờ nàng vào múc nước canh ra cù lao đem qua bàn nữa là...nhập tiệc. Để bớt nóng ruột, Lâm lên nhà trên ngồi đợi. Tuy có nôn nao – vì Lâm đã thấy đói cồn cào – nhưng Lâm  có một nổi thích thú trong thời gian chờ đợi. Chàng biết sự chờ đợi không lâu lắm nên chàng đủ can đảm để nghĩ rằng “kéo dài thêm chút nữa cũng không sao, càng đói ăn càng ngon!”

 

Tuy nhiên, Lâm lắng tai nghe tất cả những tiếng động vang lên từ nhà sau như là một lối để thời gian trôi đến chặng nào vậy. Trước hết là tiếng kẽo kẹt của cánh cửa nhà tắm được mở ra cho chàng biết Mây đã tắm xong. Tiếng chân Mây đi vào bếp, tới lui nhiều bận. Trong khi đó sau vườn có tiếng Ưu Đàm cãi nhau với cô bạn nhỏ hàng xóm, giọng cả hai gay gắt quyết liệt. Hình như cu cậu dành một món đồ chơi gì đó của cô bạn, hai đứa đang giằng co nhau. Rồi Lâm  lại nghe tiếng khua muỗng trong nồi nhôm lập lại nhiều lần. Lâm chỉ còn chờ Mây  lên tiếng mời là chàng xuống ngay để cầm đũa. Chợt ngoài vườn có tiếng ré lên của Ưu Đàm và tiếng chân em chạy vào hối hả. Rồi tiếng một vật gì rơi đánh xoảng và Mây kêu lên thất thanh:

“Trời ơi! Anh ơi”

 

Lâm phóng ba bước đã xuống đến bếp. Mây đang đứng giữa khoảng cách bếp nấu và nhà ăn, mặt tái mét, hai tay giơ lên với những ngón cứng đờ, mắt ướt đẫm nhìn Lâm  tuyệt vọng. Dưới chân nàng chiếc cù lao nằm nghiêng, mấy khúc cá văng mỗi nơi một miếng, nát nhè, nước canh, rau lẫn tro than bắn tung tóe ra chung quanh còn đang bốc khói nghi ngút.

 

Ưu Đàm thì đang ôm chặt lấy người Mây, giấu mặt vào mông mẹ, hai chân dậm thình thịch, miệng kêu “Mẹ ơi, mẹ ơi, đừng đánh con”. Ở cửa, cô bạn của Ưu Đàm tay cầm một que tre, mặt còn đỏ lên vì tức giận, nhưng đôi mắt đã trở nên lơ láo trước cảnh tượng vừa xảy ra. cô bé vừa rượt theo Ưu Đàm chạy vào đến đó. Ưu Đàm nhào tới ôm chặt lấy Mây, Lâm  phóng tới kéo Ưu Đàm xê ra, chỉ cho cu cậu thấy sự việc rồi vội vàng xem xét tay, chân Mây . May mắn, Mây không bị phỏng, Lâm dìu nàng ngồi xuống ghế rồi cũng ngồi cạnh nàng, ôm đầu nàng vào ngực. Lâm hết lời dỗ dành an ủi vợ nhưng Mây  không dằn được cơn nức nở:

“Đổ hết nồi canh chua của em rồi, bố ơi”

 

Mãi đến lúc hai vợ chồng cùng bé Ưu Đàm ngồi lại ăn bún chan nước mắm với vài miếng cá Mây tiếc rẻ gom lại nàng vẫn còn giọt vắn giọt dài đến nỗi nước mắt nàng rơi vào chén. Lâm  không giận con nhưng thương vợ, biết bao công khó và niềm vui của nàng dành cho chồng con bỗng tiêu tan cả. Niềm vui đó nàng phải đổi lấy bằng những đêm thức ròng rã để may, đan thuê.

 

Lâm nhìn con, thấy Ưu Đàm ngồi yên cúi mặt xuống chén, lẳng lặng ăn mà thương hết sức. Thường ngày cậu ta nói líu lo, mắt đảo khắp mặt bàn, chỉ tay hết món này đến món nọ chứ đâu chịu ngồi yên lành như vậy. Lâm lên tiếng để phá tan không khí nặng nề:

“Thôi bỏ qua đi, cưng. Con nó lỡ vô ý, vì bị đuổi gấp quá nên chạy vào cầu cứu mẹ, chứ đâu con cố ý làm ra như vậy. Em không thấy nó nhảy múa lúc em nấu nướng. À, nó cũng sung sướng chờ đợi thưởng thức món ngon của mẹ nấu... vì thương con, thôi hãy xem như đã ăn rồi”

 

Nghe bố nói, Ưu Đàm len lén nhìn mẹ để dò phản ứng, nhưng thấy Mây vẫn im lặng nên em lại cúi mặt xuống chén bún chan nước mắm.

Ráng ăn được một chén, Mây có vẻ nguôi nguôi. Lâm  pha trò:

“May lúc nãy em cố bắt anh nếm cho bằng được. Anh còn nhớ hương vị tuyệt vời đó...Em cũng có nếm đấy chứ? Có khi còn đến vài lần. Chỉ tội nghiệp con chưa được nếm lần nào món canh ngon của mẹ”

 

Mây quay nhìn Ưu Đàm đúng lúc em cũng ngẩng lên nhìn nàng. Thấy vẻ mặt buồn so tiu nghỉu của con Mây  thương quá, nàng chợt mỉm cười. Thấy mẹ cười, Ưu Đàm hớn hở quay sang khoe bố:

“Bố ơi, mẹ cười rồi”

Mây củng nhẹ lên đầu con:

“Thôi đi, ông nỡm”

Lâm nói với con:

“Con làm mẹ buồn đó, biết không?”

“Dạ biết”

“Con làm gì?”

“Chúc chu làm đổ thịt cá của mẹ”

“Ừ. Chúc chu giỏi lắm. Vậy bây giờ con nói với mẹ sao?”

Ưu Đàm lật đật tụt xuống đất đến trước mặt Mây vòng tay, cúi đầu nói:

“Con xin lỗi mẹ”

 

Mây quay mặt đi dầu nụ cười.

Ưu Đàm vẫn vòng tay cúi đầu xuống tận hai gối “ạ” một tiếng lớn rồi ngẩng lên nhìn mẹ chờ.

Mây chỉ có  thể giả bộ lạnh nhạt với con đến đó, nàng vội vàng cúi xuống bế con lên ôm chặt vào lòng, rơm rớm nước mắt. Một lúc sau Mây mới âu yếm dạy con:

“Lần sau con đừng làm mẹ buồn con nữa nhé!”

“Dạ”

“Con có nhớ lời mẹ dạy không?”

“Con nhớ”

“Nào, con hôn mẹ đi”

 

Ưu Đàm ôm cổ Mây hôn năm cái thật kêu lên hai má, trán, mũi và cằm nàng. Mây  nâng mặt con lên hôn lại. Lâm nói với hai mẹ con:

“Thôi chờ tiền bán tranh...“siêu thực” của bố vậy. Rồi chúng ta sẽ được thưởng thức canh chua cá lóc trong một dịp khác, lo gì. Lần sau, thì cá không nhảy ra khỏi nồi nữa đâu”

Mây ôm con để ngồi trên lòng mình, nàng tựa cằm lên đầu con nhìn Lâm mỉm cười. Lâm  bắt gặp lại nụ cười đầy vẻ bí mật của Mây sáng nay.

Mây cúi xuống như nói với Ưu Đàm:

“Bố Cúc cu hư quá, bữa tiệc hôm nay là để mừng hai năm ngày cưới của bố mẹ đó.”

 

Mây ngẩng lên nhìn chồng, ánh mắt thật nồng nàn, nhưng giọng nàng vừa gần gũi vừa lo lắng:

“Ngày 9 tháng 5, bố Cúc cu nhớ không?”

 

 

 

Kinh Dương Vương
Số lần đọc: 1824
Ngày đăng: 15.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Người Đen Bạc Đỏ Tình - Hà Thủy
Cặp Đôi Bi Tráng - Khuất Đẩu
Chú Gấu Bông - Hòa Văn
Thằng Người Gỗ - Đặng Hồng Quang
Khúc Tuyệt Mù - Nguyễn Đạt
Thị Xã - Trần Yên Hòa
Rượu Người - Võ Xuân Phương
Phóng Sinh Chữ Nghĩa - Phan Trang Hy
Chiếc lá - Hòa Văn
Như Một Dòng Sông - Nguyễn Hữu Duyên
Cùng một tác giả
Hoạt Cảnh (truyện ngắn)
Mén Ơi! (truyện ngắn)
Số Phận Lũ Sáo Nhà (truyện ngắn)
Những Giọt Nước (truyện ngắn)
Lão Hạ (truyện ngắn)
Đường Kiến (truyện ngắn)
Thầy Thích (truyện ngắn)
Diệu Kế (truyện ngắn)
Ngày Trọng Đại (truyện ngắn)
Phiên Chợ (truyện ngắn)
Thác Với Tình (truyện ngắn)
Mơ Dòi (truyện ngắn)
Chiên Lạc (truyện ngắn)
Những Mầm Non (tạp văn)
Mộ Ông Ðá (truyện ngắn)
Chuyến Xe (truyện ngắn)
Quà Sinh Nhật (truyện ngắn)
Thằng Điếm (truyện ngắn)
Tượng Than (truyện ngắn)
Phiên Tòa (truyện ngắn)
Sinh Hoạt (truyện ngắn)