Thân kính tặng anh chị T
với niềm cảm thông sâu sắc…
Ông khách vừa bước chân ra khỏi nhà, thì Thu – con trai đầu của ông Thiết cũng vừa dắt xe vào. Treo chiếc mũ bảo hiểm lên vách, Thu quay lại nhìn ông Thiết – giọng khô khốc: “ Lại khách với khứa! Ngày nào cha cũng trà nước ngồi tiếp hết người này đến người khác? “
- Chứ mầy kêu tao phải làm gì nữa khi đã ở gần tuổi tám mươi? Bạn đến thăm mầy không thấy quý sao? Người không bạn bè như vỏ ốc khô lăn lóc…
- Mấy đồng lương hưu của cha cũng chỉ đủ để mua trà thuốc…
- Nhưng tao và mẹ mầy cũng chưa hỏi xin tiền của vợ chồng mầy kia mà? – Ông Thiết lại nổi nóng như bao lần.
Thu cười gằn: “ Ông không lo, rồi cũng có ngày làm khổ hết đứa này, đến con khác cơ mà! “.
Ông Thiết muốn lập lại lời đã đôi lần nói với Thu – “ tao có chết đói, cũng không xin tiền của vợ chồng mầy…” – nhưng bổng đồi giọng dịu dàng:
- Con yên tâm đi!
Thu vẫn giọng như lưỡi dao chỉa vào ông: “ Cha không nhìn thấy khối người bảy, tám mươi còn đẩy xe ba gác, đi xe đạp thồ, bán bong bóng dạo đó sao? “
- Mầy muốn tao làm y như vậy? – Ông cười nhạt.
Nhìn thấy Thu vẫn còn đứng nguyên ở góc tủ chưa chịu rời - im lặng, ông buột nhắc lại điều đã nói với đám con nhiều lần, như lời tâm sự nhạt nhẽo với chúng: “ Lúc nhỏ đi học, gắng học – rồi lớn lên đi làm việc, gắng nuôi bầy con ăn học thành người, không thua kém bạn bè, có công việc làm để tự nuôi thân ồn định – tao bây giờ không làm nổi thêm gì nữa. dù muốn làm cũng không được nữa rồi! “
Giọng Thu như nhát dao chém vào thớt:
- Sao ông không nhìn sang nhà ông Đại, ông Hân, ông Ngọc?
- Thì sao?
- Nhỏ hơn tuổi cha, người ta tạo dựng cho con cái nhà cao cửa rộng- xe nhỏ xe to, sống đời vua chúa – còn những đứa con của cha thì sao? Sao ông không so sánh với những người ấy chứ?
Ông Thiết với tay bưng tách trà nguội – uống một hớp, cười xì một cái như chiếc bong bóng bị thủng : “ Con lại nói theo giọng ấy nữa thì cha chịu thua rồi. con ơi!” – Ông lại uống tiếp cho hết chỗ nước trà còn lại trong tách – như để nuốt trôi nỗi buồn đi – lại cười – như tự nói với chính nổi cô độc của mình trong bao tháng năm qua: “ Nuôi con ăn học cao cũng chỉ mong sau nầy chúng biết sống, biết “ăn ở” có đạo lý với đời, chứ đâu ngờ biết lý luận biện chứng giỏi để hạch sách cha mẹ - người thân và xa rời bà con ? – kết cục là vậy thôi! Đứa nào cũng rặt một giọng đòi hỏi, oán trách; chưa hề một lần tự hỏi chính mình …“.
Thu đã bỏ ra phía nhà sau – có lẽ, để dùng cơm trưa với vợ con đang chờ. Thu đi, bà Tâm từ trong phòng bước ra – kéo chiếc ghế thấp, ngồi bên cạnh ông – liếc nhìn ông bằng đôi mắt thương cảm vô vọng - giọng thì thầm: “ Ông hãy nhịn đi, chúng còn trẻ người non dạ chưa hiểu thấu hết sự đời cơ mà! Cải với tụi nó làm gì cho chúng ghét?” – “ Chúng đã có thương kính gì tôi đâu mà bà kêu sợ chúng ghét kia chứ? Nếu có chút tình thương yêu, chúng đã không nói những lời cay đắng , bạc nghĩa vậy rồi!”.
- Sao không?
- Ý bà muốn nói, lâu lâu chúng đã gởi cho bà một ít tiền chứ gì? – Ông Thiết nhìn vợ - nét mặt tê lạnh
- Thì cũng đỡ khổ…
Ông Thiết chợt cười lớn một tiếng – rồi lại nhìn đứng lên mặt vợ, đôi mắt đầy bất trắc, chua xót: “ Hơn hai mươi mấy năm nuôi chúng ăn học biết bao nhiêu là tiền của, mồ hôi – nước mắt, mà thỉnh thoảng chúng chỉ gởi cho bà nhúm tiền, thì bà đã mừng húm lên rồi!”
- Cũng là cái tình của con chứ ông?
- Đúng vậy! Tôi không nói đến tiền ít nhiều, mà chỉ nghĩ đến thái độ sống, cách cư xử của chúng – là tôi đã cảm thấy nuốt không trôi nữa rồi…Bộ chúng tưởng chút tiền bạc, quà cáp ấy là sự thi ân to lớn lắm sao – giọng ông bổng nhỏ dần – đôi khi chỉ cần một câu nói dịu dàng, cảm thông - cũng là điều chia sẻ quý báu rôi!
Bà Tâm kéo chiếc ghế gần vách – dựa lưng, thở dài:
- Ông có tiếng là học rộng hiểu nhiều, nhưng hiểu biết không bằng mấy bà ngoài chợ…
- Bà nói vậy là sao?
- Ông hãy ra ngoài chợ mà nghe mấy bà ấy nói…
- Trời ơi! Tôi đâu phải là kẻ ăn không ngồi rồi chuyên đi ra chợ tụ tập để nói ba chuyện tào lao?
- Sao lại tào lao?
- Chứ còn gì nữa?
- Tôi cũng chẳng phải người ngồi lê đôi mách, nhưng đi ngang qua – thỉnh thoảng nghe mấy câu – cũng …chí lý lắm!
- Bà đã nghe câu gì – ông Thiết quay nhìn vợ - thử nói nghe một câu xem?
- Không rõ trước đó họ bàn về chuyện gì, nhưng lúc tôi xách giỏ đi qua – nghe một bà mập mập lớn tiếng, giọng chắc nịch: “… thuở trước con cái nể sợ cha mẹ - ngày nay cha mẹ nể sợ con cái”- nghe vậy – tôi vừa đi, vừa nghĩ – “ …rồi nàng dâu kính nể mẹ chồng, nay thì mẹ chồng kính nể nàng dâu giống như tôi vậy!”…
Ông Thiết im lặng giây lâu – đôi mắt trở nên ngơ ngác, lơ đãng nhìn ra đường. Giọng ông yếu lạc di như có gì đang vướng trong cổ: “ …rồi thầy cô nể sợ học trò, chồng nể sợ vợ, sự thật nể sợ giả dối, chân lý nể sợ gian tà…Sao bà không nói luôn đi? “.
- Tôi không nói – bà Tâm thở dài, mà cuộc sống đã nói vậy, ông hiểu chưa?
- Tôi có tai, còn đôi mắt sáng, sao lại không thấy?
- Đã vậy, sao ông còn buồn giận, còn cải nhau với tụi nhỏ hoài mà không biết im lặng?
- Tôi tưởng rằng bà đã hiểu, không dè…
- Hiểu thế nào đây?
- Tôi làm vậy, cũng bởi chúng là con của tôi – là tình thương yêu của tôi và bà bao năm, bà nghe rõ chưa? – ông nhìn lướt lên khuôn mặt khô héo của vợ - cười, hơn mấy chục năm dạy học, hôm nay bà đã quên hết cả rồi!
- Tuổi già là vậy mà ông? Tuổi già thường có những cái mà người không cảm thông cho là lẩm cẩm – nhưng mà, rồi ai ai cũng sẽ có ngày lẩm cẩm như vậy thôi! Như bài thơ tôi nghe lỏm được của mấy bà ngoài chợ truyền tai nhau vậy thôi!
- Mấy bà ấy làm thơ? Gọng ông Thiết vừa ngạc nhiên, vừa thích thú.
- Chứ sao! Bà Tâm cười – Bây giờ ai cũng là thi sĩ hết trơn mà! Thơ của họ hay thơ của ai tôi chưa rõ, nhưng nghe thì thuộc liền, ngộ nghỉnh lắm!
- Bà còn nhớ không?
- Tôi chỉ nghe qua một lần là nhớ…
- Bà đọc tôi nghe coi?
- Nghe đây – Bà Tâm ậm ừ trong cổ để lấy giọng : “ Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà! “(1)
Như bao lần cùng nhau trò chuyện, sau những lời tâm sự rồi dần dần dồn nhau vào ngỏ cụt – cả hai ngồi yên lặng. Ông Thiết chợt nhớ đến buổi chiều hôm qua khi có Trang – em gái út của Thu ghé lại thăm; hai anh em đã xúm nhau dồn ông như dồn đàn vịt bằng những lời lẽ chê trách oan trái của mớ suy nghĩ tự mãn khôn khéo ngu ngốc – đã xem ông như một thứ rong bèo lêu bêu vô dụng - ông đã thét to lên : “ Chúng bay hãy im ngay!” – Thu đã trừng mắt, hếch mặt – nhìn ông: “ Ông định đánh tôi phải không? Nếu giỏi thì hãy đánh thử xem?”. Nhìn gương mặt đỏ gay của Thu – ông đã tỉnh lại – giọng ôn tồn: “ Các con cứ hỏi mẹ của các con đi rồi sẽ biết! Từ khi sinh các con ra, đến khi lớn – cha có khi nào đánh các con một roi nào không? Thuở sáu bảy tám mười tuổi không hề đánh các con – thì nay – sao lại có thể làm vậy?”.
Dường như biết chồng đang chìm vào sự nhớ tưởng đen tối chua xót – bà Tâm đứng dậy, khẻ cầm tay ông: “ Tôi đã dọn cơm xong rồi – ông vào ăn chứ kẽo nguội!”.- Bà mỉm cười – “ Mấy bà ngoài chợ coi vậy mà yên thân hơn những người học cao, hiểu rộng. Biết nhiều, khổ nhiều chứ có ích gì!”.
Ông Thiết bực mình:
- Bà nói vậy là thế nào? Sao cứ mang mấy bà ngoài chợ vào nhà hoải vậy?
- Tôi có đôi dịp chứng kiến, sau khi kể đủ thứ chuyện của nhà nầy, người kia – họ thường cùng nhau đúc kết một câu “kết thúc” buổi nói chuyện như bài học xử thế rất ngắn gọn…
- Chẳng hạn như câu nào?
- Tôi chỉ nghe được câu cuối cùng như thế này của một bà đã lớn tuổi, trông rất nho nhã: “ …Đời là vậy mà mấy bà – hễ cha mẹ giàu có, thì con cháu gần gũi, kính nể, vâng lời răm rắp; còn cha mẹ nghèo khó – con cháu xa lánh, khinh miệt, dù có van nài cũng không chịu nghe!”
Ông Thiết khẻ lắt đầu – chợt nhớ hai câu của bài tứ tuyệt người bạn lúc sáng ghé thăm đã đọc; “…Chẳng qua cái nợ mình còn/ Nợ còn – phải trả, chớ hờn trách chi!” (2). Ông mỉm cười…
Vịn tay vợ - đứng dậy. Ông thèm nói với bà một câu, nhưng nghĩ sao - vẫn giữ nó trong đầu như mọi hôm: “ Bà ơi! Khi mà tình thương yêu và đức hạnh bị xem thường. bị gạt bỏ ra khỏi đời sống - thì, cuộc đời này – tất cả đều lộn ngược! Rất diễm phúc cho tôi – trời thương, còn cho tôi con Thủy hiếu thảo - nghĩa tình… “
-
& (2) thơ NKT