Nhà sư loay hoay với cái bếp điện, “Trà quý mà bạn hiền đi B’Lao về cho tôi bữa hôm ấy đây, chưa có dịp pha một ấm nào. Trời mưa, có trà ngon uống với bạn hiền là đệ nhất hạng.” Nhà sư đã sửa xong cái bếp điện. Đặt cái ấm nhôm lên bếp điện, nhà sư lại loay hoay ở chỗ cắm điện; ổ cắm cũng trục trặc sao đó. Bây giờ tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện ở lưng tường có chóa chụp màu xanh lục che bớt ánh sáng. Ngọn đèn này khiến tôi nhầm lẫn ánh sáng của căn phòng, vẫn xanh mờ như lúc nãy, ánh nắng được lọc qua đám cây cảnh trên bệ cửa sổ. Hơi lạnh lùa vào căn phòng; đôi lúc gió tạt, phủ trên mặt bàn lấm tấm những hạt bụi nước.
Tôi nhìn ánh lửa của bếp điện loe đều quanh dưới cái ấm đun nước. Nhà sư đi vào phía trong; ở lại trong đó khá lâu, chắc hẳn lại loay hoay với ấm chén gì đó để pha trà. Một mình tôi phía ngoài căn phòng, nghe tiếng rào rào như ai ném liên hồi những mớ đá răm lên mái tôn. Tiếng rào rào ngưng lại giây lát, rồi tiếp tục; sau đổ ào rất mạnh. Mưa nghiêng ngả bên ngoài cửa sổ. Bầu trời một màng đục lờ, mềm mại vữa dần, rơi xuống khoảng không mù mịt; mưa đổ từ tấm màng rất dày lớp. Những tiếng chân chạy ngoài hành lang. Tiếng một người la lớn: “Sao tui cứ mang banh ra là ổng đổ mưa.” Tiếng huýt gió; tiếng hát: “Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt… Trời không mưa tui cũng lạy trời mưa…”
*
Hình như cánh cửa ra vào bị lỏng, và tiếng động lập cập do cơn gió xô đẩy. “Ai đó?” Nhà sư lau mấy cái chén uống trà, hỏi bâng quơ. Tôi nói: “Có lẽ là mưa đá đập vào cánh cửa.” Tiếng động rõ rệt, không còn là tiếng lập cập để ngỡ cơn gió xô đẩy nữa. Tôi đoán chừng ai đấy gõ cửa; có thể chú tiểu ở phòng kế cận vừa đi đâu về, mang trả nhà sư cái vòng khóa xe đạp. Tôi tới mở cửa; chiếc áo mưa kéo một đường dài thõng đen sũng nước, cô gái đứng sát bên ngoài cánh cửa, đến nỗi tôi tưởng đã chạm phải cô gái choàng áo mưa rồi chăng.
Nhà sư cười lục cục trong cổ họng, nói: “Cô Th. rét cóng ngoài cửa, bọn này lại cứ nghĩ tiếng gõ cửa là tiếng mưa đá đập vào.” Cô gái treo áo mưa ngay bên trong cánh cửa; lúc này tôi nhìn được dáng vẻ thanh thoát của cô gái. Chiếc áo dài cô gái vận màu sậm thấm ướt nhiều chỗ, những chỗ ấy trở nên sậm màu hơn. Nước mưa đằm trên tóc nhỏ xuống, khuôn mặt lấm tấm những hạt nước mưa, cô gái trông càng trắng, trắng nhợt ra. Nhưng không phải vì vậy, không phải vì tất cả những thứ ấy. Vì sao đó tôi không biết, khuôn mặt cô gái khiến tôi chột dạ ngỡ ngàng. Một khuôn mặt xa lạ mà quen thuộc.
“Mới pha trà xong, vừa đủ ngấm rồi; cô Th. tới thật đúng lúc… gọi là gì nhỉ?… à, phải rồi, cô Th. tới đúng giờ hoàng đạo!” Nhà sư nói vậy; nhà sư kiêm nhà chiêm tinh mà. Cô gái tới ngồi trên chiếc ghế tôi ngồi khi nãy, sát bên cửa sổ; tóc cô gái vẫn ướt như lúc vừa xuất hiện. “Ngồi xuống đây, bạn hiền,” nhà sư kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế vừa lấy ở đâu ra. Nhà sư cũng đã có một chiếc ghế đặt bên cạnh, không rõ trước đấy những chiếc ghế này ở xó nào trong căn phòng.
Cô gái cầm chén trà nóng bốc khói, những ngón tay gầy nhợt nhạt. Tôi muốn ngỏ lời đổi chỗ cho cô gái; nơi cô gái ngồi sát bên cửa sổ, những cơn gió lạnh không ngớt lùa vào; nhưng tôi vẫn ngồi bất động.
Cô gái hỏi nhà sư: “Thầy viết gì thế?” Nhà sư chỉ cười lục cục trong cổ họng; bàn tay cầm cây bút thỉnh thoảng gạch xóa trên quyển vở dày trang. Tôi biết nhà sư đang viết những dòng thơ, gọi là thi hóa một bộ kinh Phật; tôi trả lời cô gái, thay nhà sư như vậy. “Kinh Ngọc,” nhà sư nói tên bộ kinh đang thi hóa. Cô gái cười hồn nhiên, nói: “Khi nào thầy thi hóa xong, cho phép Th. được kinh hóa trở lại nhé.” Nhà sư càng cười dấn, tiếng cười lục cục xô đẩy nhau trong cổ họng; chén trà ở bàn tay trái của nhà sư hình như rung theo.
“Tôi nghe thầy nói anh Đăng là nhà văn nhà thơ các thứ.” Cô gái nhìn tôi chăm chú, vẻ chờ đợi tôi xác nhận. Tôi vội lắc đầu. Cô gái không rời cái nhìn chăm chú, và nói: “Anh lắc đầu phủ nhận làm gì. Tôi đã đọc truyện ngắn của anh rồi, trước khi thầy cho tôi biết anh là nhà văn nhà thơ nữa kia… Nhân vật nữ của anh luôn luôn là Th., ít nhất trong bốn năm truyện ngắn mới đây, Th. cả trong thơ của anh nữa… Anh viết tắt tên cô gái ấy, nhưng không chừng tôi biết cả họ tên cô ấy đấy.” Nhà sư dừng bút gạch xóa trên quyển vở dày trang, nói nhanh: “Ông bạn hiền của tôi mà khôn cũng đáo để. Biết bao nhiêu cô có tên bắt đầu bằng chữ Th., thế là cô nào cũng ngỡ mình là nhân vật của nhà văn Nhữ Đăng. Cả cô Th. đến thăm thầy một chiều mưa đây nữa, cũng ngỡ thế phải không?”
Tôi nhìn cô gái và nói: “Th. là nhân vật có thật, một phụ nữ tôi quý trọng, một nhân vật ám ảnh tôi. Tất nhiên Th. không thể ngăn tôi viết về cô ấy, một khi tôi muốn viết; và với người đọc, Th. vẫn cứ là nhân vật tiểu thuyết, nghĩa là nhân vật hư cấu. Chính tôi ưa thích viết tắt tên của cô ấy. Tôi cũng biết rõ điều này: Th. chưa từng khoe với bất cứ ai những truyện ngắn tôi viết, dù truyện ca ngợi cô ấy.” Cô gái nói nhỏ giọng: “Viết tắt tên nhân vật, càng làm tăng thêm bí ẩn của nhân vật.” “Không phải ý muốn của tôi như vậy, dù Th. có thể có những nỗi niềm bí ẩn mà tôi không thể biết, không ai có thể biết, biết cũng chẳng để làm gì.” Tôi nói, tự thấy câu nói mang vẻ lãnh đạm lạnh lùng sao đó.
“Cô Th. cùng bọn này đang uống trà của nhân vật tiểu thuyết Th. mua tặng đấy,” nhà sư cầm chén trà chậm rãi đưa rộng trong không gian màu xanh lá cây; tiếp tục cười lục cục trong cổ họng. Tôi có cảm giác cô gái chạnh lòng gì đấy; chút vẻ hờn tủi thoáng trên khuôn mặt, khuôn mặt xa lạ mà quen thuộc. Liền sau tôi nhớ lại truyện ngắn viết dở dang; mấy ngày này tôi tiêu phí thì giờ vào những chuyện đâu đâu, để trang giấy trống lỏng.
Đấy là một chuyện có thật, đã xảy ra với tôi cách đây nhiều năm. Một chuyện không thành chuyện; chỉ là dáng hình, ảo tượng, đi qua khoảnh khắc đời tôi. Một thoáng chốc đầy ý nghĩa đã vụt bay đi mất dạng, cô gái mà tôi gặp trong vườn cây rộng rinh của ngôi chùa cổ thời gian tôi ở Huế; ở đó, hình như vậy, hoặc ở một nơi nào tương tự. Cô gái ngồi trên chiếc ghế đá đối diện, cách chiếc ghế đá tôi ngồi một hàng cây. Tôi nhìn cô gái, có cảm giác chắc chắn cô gái ấy sẽ là người làm thay đổi cuộc sống ủ dột của tôi; tôi rất muốn gặp gỡ quen biết. Cô gái thì thỉnh thoảng như ngẫu nhiên nhìn về phía tôi, nhưng tôi thấy được vẻ chờ đợi của cô gái. Tôi rất muốn tới chỗ cô gái, nhưng tôi ngồi bất động. Một lúc nào đấy, tôi quyết định bước sang bên ghế đá đối diện. Cô gái đã rời chỗ lúc nào, thật nhanh, như ánh chớp. Liên tiếp nhiều ngày sau, tôi trở lại ngôi chùa cổ, không hề thấy cô gái một lần nào nữa.
*
“Xe gắn máy bạn hiền để lâu ở dưới mà chả khóa gì cả, không chừng mọc cánh bay đi mất đấy,” nhà sư nhắc tôi. Tôi đi qua lối hành lang dài dặc, xuống nhiều bậc cấp nữa mới tới sân. Ai đấy đã chuyển xe của tôi vào nhà để xe của tu viện. Lúc tôi lên lại căn phòng của nhà sư, cô Th. đã ra về. Nhà sư nói: “Cô Th. bảo đã từng gặp bạn hiền, trong vườn cây một ngôi chùa ngoài Huế cách đây lâu lắm rồi, có lẽ bạn hiền không còn nhớ đâu.” Tôi hỏi nhà sư, bao giờ có thể gặp lại cô Th. Nhà sư cười lục cục trong cổ họng, vừa lắc đầu vừa nói: “Chả biết bao giờ. Có thể là lâu lắm, có thể là chả bao giờ… Cô Th. bảo ngày mai phải về với đứa em ở B’Lao. Hai chị em, hai kẻ song trùng, đã xa cách nhau tới hơn chục năm trời…” Tôi đứng sững trước mặt nhà sư, trong căn phòng màu xanh lá cây. Tôi nghe dòng thác đổ, trôi phăng mọi vách ngăn rào cản cuộc sống kêu đòi. Nhân vật của tôi ở B’Lao có lần đã nói sơ qua một bi kịch trong gia đình; người chị của Th. đã phải rứt ruột ra đi, từ mùa xuân mười mấy năm về trước.
Cuối tháng 3.2012