Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.506
 
Bác Sĩ Mụt Ruồi
Trần Minh Nguyệt

Câu chuyện bắt đầu từ việc mẹ tôi bị cao huyết áp, và tiểu đường vào bệnh viện Thanh Phước để khám. Hai lần đầu tiên, Mẹ về khen bác sĩ ở bệnh viện rất thân tình, nhẹ nhàng, chịu khó lắng nghe, tư vấn, cũng như việc cho thuốc và hướng dẫn cách uống thuốc. Dường như mẹ tôi vui, nên huyết áp điều hòa,  lượng đường cũng thấp hơn. Mẹ tôi đi đâu cũng khen ngợi về bệnh viện, về đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện cả, dù mẹ chỉ mới tiếp xúc với một bác sĩ trực tiếp khám cho bà là bác sĩ Phát, và một vài cô y tá. Nhưng bà luôn khẳng định là không có ở đâu đội ngũ bác sĩ , y tá dễ thương, thân tình như ở bệnh viện này. Nhiều khi bà khen quá, tôi cũng đâm ra ngưỡng mộ họ, cũng muốn một lần xuống khám bệnh tiếp xúc với họ thử xem thế nào?.

 

Cho tới một buổi chiều nọ -  xảy ra cuộc tranh luận gay gắt với cậu Thơm – Anh em cô cậu ruột với bà. Cậu ấy nghe bà ca mãi về điệp khúc “lương y như từ mẫu” của đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện - cậu ta phản đối:

  • Cô nói vậy cũng không đúng, bác sĩ cũng tùy người thôi, bệnh viện Thanh Phước tôi lạ gì chứ? Có bác sĩ tốt thì thật tốt, còn người xấu thì tôi chắc không có bệnh viện nào bằng đâu?
  • Anh nói sao? Em đến khám hai lần rồi, mà lần nào cũng vậy mà, em không nói sai đâu? - Mẹ tôi cải. ngừng lại một lúc - và nói thêm:
  • Bệnh viện dù nhỏ, không đầy đủ thiết bị, máy móc như bệnh viện tỉnh, bệnh viện thành phố, nhưng thái độ phục vụ thì khỏi phải chê. Và cũng không phải chờ đợi lâu, hay đi khám bệnh lấy số thứ tự từ 2h sáng nữa.

 

Cậu Thơm trầm ngâm một lúc - buông thõng:

  • Vậy cô từ hồi đi khám bệnh giờ đã gặp Bác Sĩ Hùng chưa? Lúc nào gặp, cô sẽ thay đổi điệp khúc “ lương y như từ mẫu” ngay mà!.

 

Trong khi cậu Thơm tôi dẫn chứng nhiều điều không hay về bác sĩ Hùng và một số y tá, mẹ tôi vẫn khăng khăng tin vào ý nghĩ của mình. Và khi cậu về rồi, mẹ tôi phân bua với tôi: “ Cậu mầy khó chịu thật đó, bác sĩ, y tá như vậy mà còn chê cái nổi gì nữa? Họ như là bà mẹ hiền chăm lo cho con mà!”. Tôi không biết nói gì - chỉ im lặng, mỉm cười. Cảm thấy mẹ tôi thật thà, chân phác quá!

 

Không lâu sau đó,  mẹ tôi đi khám bệnh định kỳ, và giáp mặt với vị bác sĩ tên Hùng mà cậu Thơm có lần nhắc đến kia. Và lần khám bệnh này về, khác với các lần trước, mẹ trở nên trầm ngâm hẳn, mẹ chỉ nói với tôi về bệnh của mẹ thôi, và không nói gì thêm nữa. Nhưng chiều hôm đó dường như mẹ không chịu nổi những ấm ức trong lòng. Mẹ tìm tôi như để chia sẻ:

  • Sáng nay bác sĩ Mụt Rùi khám cho mẹ!
  • Là ai vậy? mẹ quen à?
  • Đâu có! là bác sĩ đáng ghét mà cậu con nhắc tới đó mà…
  • À! Ra vậy. Nhưng tên gì mà nghe lạ quá vậy mẹ?

 

Mẹ cười:

  • Không phải! Ông ta tên là Hùng, nhưng trên mặt hắn có một cái mụt ruồi rất kỳ cục nên mẹ gọi vậy cho bõ ghét.

Tôi bật cười vì tên mẹ đặt cho gã - mẹ tôi cũng cười theo.

  • Mẹ thấy sao? Cậu Thơm nói đúng chứ?
  • Cậu con nói chưa hết con người của ông ấy đâu. Gã có một bản mặt lầm lì, trơ trơ như được nặn bằng sáp và lạnh băng như đá tảng, và đặc biệt là bên mép phải của gã có một cái mụt ruồi to tướng như con mòng bò vậy - trông rất kì quái lắm – nhìn vào gương mặt của gã đã thấy ác ác sao đó. Đúng là tướng hiện tâm mà!
  • Mẹ thật là…- Tôi cười, người đâu mà xấu quá vậy? Tôi trêu bà bằng cách ngâm nga hai câu ca dao của người xưa:

“ Thương ai, thương cả lối đi

Ghét ai, ghét cả tông ti họ hàng”

 

Tôi chồm tới ôm lấy vai mẹ, lắc khẻ và nói nhỏ: “Mẹ con là vậy mà, đúng chứ? “

Mẹ hất tôi ra và mắng yêu: “ Thôi đi cô, chỉ giỏi bênh cho người ngoài thôi”.

Tôi mỉm cười - lắc đầu.

 

Một ngày tôi về muộn, nhà tối mù mờ, mẹ tôi đắp mền nằm yên trên giường, ba tôi ngồi ở ghế sa lông bên cạnh với vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng xen lẫn tức giận. Tôi cứ nghĩ là chắc ba, mẹ tôi tranh cải về việc gì đó, và tôi không muốn đổ thêm dầu vào lửa, nên xuống bếp dọn cơm - không có cơm hay bất cứ thứ gì cho bữa ăn tối, điều này không bao giờ xảy ra trước đây. Cơ quan tôi cách nhà khoảng 20km, vì vậy trưa tôi hay ở luôn tại cơ quan, chiều sẩm tối, hoặc có hôm công việc nhiều tối mịt mới  vác xác về đến nhà. Khi về nhà, vì mệt tôi thường chỉ muốn nằm dài trên nệm lăn qua lăn lại mà tôi hay nói đùa với gia đình là nằm lăn lăn đề lấy năng lượng tiếp tục cho cuộc chiến đấu những ngày tiếp theo. Tôi không phải làm công việc gì ở nhà cả, từ việc nấu nướng hay dọn dẹp. một tay mẹ tôi lo lắng, cáng đáng mọi thứ. Ba tôi nói vọng xuống từ nhà trên:

  • Con nấu cơm giúp đi, mẹ mầy đau rồi!
  • Con biết rồi! Tôi càu nhàu.
  • Mẹ mầy chiều nay đi khám bệnh một chút nữa là chết rồi, con à!

Tôi bỏ nồi cơm mới lấy gạo xong, chạy lên nhà trên - hoảng hốt:

  • Mẹ đau gì vậy ba?
  • Huyết áp chứ gì? Huyết áp cao quá nên xỉu ngay ở bệnh viện.
  • Huyết áp cao cũng bởi thằng cha bác sĩ Mụt rùi thôi! - Giọng mẹ tôi phẩn nộ.
  • Sao vậy mẹ?
  • Gã mà làm bác sĩ cái nỗi gì? Bác sĩ mà chẳng có chút đạo đức bình thường của một con người, xem bệnh nhân như cỏ rác vậy? Tao lớn tuổi bằng cô bác của gã - mới nói: “Tôi bị huyết áp và tiểu đường nhưng tiểu đường thì ổn định rồi, chỉ còn huyết áp - thưa bác sĩ!”. Nói vậy có gì đâu, vậy mà gã la lên như giẫm phải lửa: “Bà im đi, biết gì mà nói, nếu biết thì bà về nhà mà tự chữa, đến đây làm gì?”. Mẹ tức quá không dằn được cơn giận trào lên cổ - cải lại: “ Thì tôi có khai bệnh, Ông mới biết chỗ mà khám cho nhanh, cho chính xác chứ? Nếu ông bắt người bệnh câm không nói năng gì, ông biết khám những gì?”. Mặt gã tối sầm lại, và từ từ biến sắc trắng bệch - cái mụt ruồi bên mép giật giật liên hồi. Gã quắc đôi mắt sắc như lưới dao cạo nhìn tao và hét lên: “ Bà ra ngoài! Về nhà mà tự chữa đi, ở đây tôi không chữa cho người dám cải lại bác sĩ như bà!”. Vừa nói gã vừa kéo tao ra khỏi phòng - tao uất quá nên huyết áp tăng vọt, tao không gượng được nữa té xụm xuống trước cửa phòng của gã. Hai cô y tá tái mặt, dìu tao vào phòng cấp cứu và huyết áp của tao lúc đó là 210/100. Vậy mà khi y tá chạy vào báo với gã, gã chỉ đến nhìn qua tao một thoáng, lẩm bẩm gì đó tao nghe không rõ và bỏ đi - không quay lại nữa. Tao sợ chết nên nhờ một người quen ra nhà thuốc tây trước cổng bệnh viện mua viên huyết áp - loại huyết áp mà tao hay uống. Sau khi uống thuốc khoảng 30 phút, tao khỏe hơn một chút, ra đón taxi về nhà.
  • Bác sĩ gì mà kì lạ vậy? Bác sĩ giết người à? – Tôi nóng lòng, căm tức la lên khi nhìn thấy gương mặt mẹ bơ phờ, tái xanh - đầu tóc rủ rượi.

 

Giọng ba tôi đã bình tĩnh – gắng an ủi và trấn an bà:

- Bà hãy yên tâm nằm nghỉ ngơi cho khỏe đi, đừng tức giận gã làm gì? Ngày mai, tôi sẽ viết thư góp ý gởi đến sở y tế, giám đốc bệnh viện, và đài truyền hình…chứ không thể dung túng cho con sâu này!

  • Con đồng ý với ba – giọng tôi cương quyết, phải làm vậy, thì những hậu quả đáng tiếc mới không xảy ra cho những bênh nhân khác nữa, ba à! Có lẽ, trong cuộc đời làm bác sĩ của gã, cứu người thì ít – mà giết người thì nhiều?
  • Thôi, bỏ đi ông! Kiện tụng mà làm gì, tôi không muốn “nổi tiếng” đâu - Mẹ tôi phản đối.
  • Tại sao ông ấy lại ác cảm với mẹ như vậy? Lần nào khám bệnh, gặp ông ấy, không có chuyện này, cũng chuyện kia? - Tôi phân vân.
  • Đâu phải mình tao? Người nào cũng vậy cả, ai hắn cũng hạch sách, quát tháo, nhưng những bà con nông dân chất phác - không biết rõ gì về thuốc men, bệnh tật – luôn im lặng nhẫn nhục - hắn bảo sao làm y vậy nên không bị tình cảnh như tao thôi.

Mẹ bổng im lặng một chút - nói như phân trần:

  • Tao cải lại với gã có ích gì? Sáng nay. ở nhà tao vừa mới thử đường xong, lượng đường vẫn bình thường nên mới nói vậy như lời tâm sự thôi…
  • Thôi mẹ mặc kệ gã đi – tôi đã trở lại trạng thái bình thường - lần sau nếu trúng gã khám, mẹ không khám nữa, bỏ về - là xong…
  • Không đâu, tao có cách riêng của tao rồi – Giọng mẹ tôi tỉnh táo - cha, con mầy đợi mà xem nhé.

 

 

Một buổi chiều, sau khi đi khám bệnh về. vẻ mặt mẹ tôi rất hân hoan -  và lạ hơn là mẹ cứ tủm tỉm cười suốt.

  • Hôm nay có gì mà vui vậy mẹ? Gặp bác sĩ Phát à?
  • Không phải! Là bác sĩ Mụt Ruồi...
  • Vậy sao mẹ vui thế? Tôi tròn mắt ngạc nhiên

Mẹ tôi bật cười thành tiếng:

  • Có nhiều chuyện vui lắm. Tao vừa điều tra ra gã là “bác sĩ 100”!
  • Bác sĩ 100 là sao? Mẹ nói gì con không hiểu?
  • Mọi người gán cho gã cái biệt danh này vì nghe đâu khi gã thi vào trường Y tây nguyên, thi 3 môn, một môn một điểm, và hai môn còn lại là zero.
  • Không phải đâu mẹ, vậy làm sao gã đậu chứ? Tôi chống chế. Trường y đào tạo những người chăm lo cho sức khỏe và sinh mệnh của con người nên khó vào lắm…Dù có mấy loại ưu tiên đặc biệt dành cho gã – ít ra cọng 3 môn cũng được…10 chứ? Nên gọi gã cái biệt danh “bác sĩ 10”

 

Mẹ không tranh luận với tôi mà tiếp tục kể:

-   Tao vừa chơi khăm gã một trận...

  • Gì vậy mẹ? – Tôi nao nức. kể con nghe đi?
  • Khi cô y tá gọi tao vào phòng đo huyết áp xong, vẫn giọng lạnh băng như cũ hắn hỏi tao:
  • Lại bệnh huyết áp à?
  • Không phải! Thưa bác sĩ
  • Vậy bà đau gì?
  • Tôi bị táo bón, đã bí và không đi được gần hơn một tuần rồi

Gã không nói gì - cúi xuống bàn hí hoáy viết đơn thuốc cho mẹ, chỉ có một loại thuốc duy nhất: 20 gói “Sorbitol”.

  • Phí cả một buổi đi khám bệnh -Tôi cười nói
  • Nhưng vẫn thấy vui con à. Còn thuốc huyết áp, tiểu đường mẹ mua ở ngoài vậy, cũng rẻ thôi…Mẹ đâu cần gã “bố thí”

 

Thời gian sau đó, cứ đi khám bệnh mà gặp phải bác sĩ Mụt Ruồi là mẹ tôi khai đi khai lại mỗi một bệnh là “ Táo bón lâu ngày”. Và mỗi lần như vậy được thêm mấy chục gói Sorbitol. Và lâu ngày vị bác sĩ kia cũng lờ mờ nhận ra là mẹ tôi đang chơi xỏ gã - gã tức giận, mặt tím tái nhưng không biết phải làm gì ( vì mẹ tôi vẫn giọng nói ngọt ngào – lễ phép, một câu dạ, hai câu thưa..).

 

Tôi  vừa chạy xe về tới cổng, đã thấy mẹ ra đón với vẻ mặt rạng rỡ và nụ cười có vẻ mãn nguyện lắm. Tôi chưa kịp hỏi mẹ đã kể:

  • Sáng nay, mẹ đã dạy cho gã ta một bài học- làm cho gã bị bẻ mặt, và chấm dứt luôn cái cách riêng của mẹ để “đáp lại” cho việc làm vô tâm, vô trách nhiệm của gã con à!
  • Mẹ lại nghĩ ra cái trò gì nữa vậy? – Tôi áy náy. ngừng lại thôi mẹ, vậy là quá đủ với gã rồi.
  • Trò gì đâu? Vẫn là “bệnh cũ” thôi mà, nhưng mẹ diễn đi diễn lại nhiều lần quá, hắn thấy tức giận và xấu hổ...
  • À! Mà lần này kịch bản có khác một chút –Giọng bà thản nhiên, mấy lần trước vẻ mặt mẹ bình thường khi vào khám, lần này mẹ làm bộ nhăn nhó như “ khỉ ăn ớt vậy”. mẹ ôm bụng rên hừ hừ.

Gã thấy mẹ, mặt biến sắc, nhưng cũng gằn giọng hỏi:

  • Lần này bà đau gì?
  • Thưa bác sĩ! Táo bón…
  • Lại táo bón? Bà giỡn mặt với tôi hả? Mời bà ra khỏi phòng cho.
  • Mẹ đứng lên nhưng không ra khỏi phòng ngay, mà quay lại nhìn gã, nói tỉnh khô:
  • Tôi bị táo bón, đau bụng - tôi nhăn nhó. bác sĩ cũng bị táo bón à? Sao mặt bác sĩ nhăn quá vậy, trông rất là khó coi.
  • Bà quá lắm, bà ra khỏi phòng nhanh lên.
  • Đúng là sự thật thì mất lòng. Bác sĩ hãy cầm gương soi mặt mình xem, lúc nào với bệnh nhân, bác sĩ cũng nhăn nhó, lạnh tanh như vậy đó.
  • Bà …. Gã không nói hết câu - đứng lên. đẩy mẹ ra khỏi phòng và đóng sầm cửa lại.

 

Đúng là mẹ tôi – một cô giáo dạy triết đã nghỉ hưu – gần tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi, mà vẫn nghĩ ra được cách “ đối xử” làm quái lạ như vậy để dạy người. Không biết rồi vị bác sĩ Mụt Ruồi kia có thay đổi thái độ đối xử với bệnh nhân hay không? Nhưng mẹ tôi thì đi đâu cũng kể những chuyện về gã như một nỗi buồn không vơi./.

 

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 1883
Ngày đăng: 27.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kiều - Nguyễn Đình Bổn
Ví Dụ 1 - Đoàn Thạch Biền
Đẹp Và Ảo - Lê Văn Thiện
Chuyện mơ ngủ - Hòa Văn
Ở Một Nơi Nào - Nguyễn Đạt
Nguyễn Ơi - Đặng Hồng Quang
Chuyện Tình Xóm Ven Sông - Nguyễn Hữu Duyên
Quê Cha - Trần Yên Hòa
Lộn Ngược - Mang Viên Long
Hơn - Sức - Võ Xuân Phương
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)