Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.321
 
Chút Huế: Vôi đá trên thành
Hà Thủy

Thành phố đang ở có gốc là thuộc địa Tây Ban Nha, buổi chiều Đông lái xe ngang qua khu downtown với những ngôi nhà kiến trúc Âu Châu cũ có nhiều nét gần gũi với Huế, cũng màu sơn vàng úa, những khung cửa sổ gỗ xanh, nâu và những con đường dọc hai hàng cây cũng nho nhỏ buồn buồn. Khung cảnh như một chứng tích vàng son của ai đó không dưng lại khiến nhớ về Thành nội Huế của những tháng ngày xưa cũ với nhiều kỷ niệm, nhớ đến nao người.


Thành nội đối với tôi vẫn như trái tim của Huế, bí ẩn và gây nhiều cảm xúc từ thuở thiếu niên cho đến khi trưởng thành. Tôi ở ngoại thành gần phố chợ trung tâm, tuổi mới lớn, hồn nhiên, yêu đời phơi phới nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần vào Thành nội, vừa qua cửa thành là thấy tâm hồn đã khác, lòng chợt dịu đi và man mác một nỗi quan hoài không có căn cứ, có lẽ cái cảnh vật gợi nhớ một thời đã qua, tuy chưa lâu lắm đã thành lịch sử, chỉ còn lại di tích là những con đường nhỏ nhắn ngang dọc, những ngôi nhà cổ kính rêu phong trong những khu vườn cây cối um tùm đầy những miếu thờ nhỏ, thần linh như hiện diện khắp nơi, huyền bí và rờn rợn. Đi giữa lòng Thành nội nhất là vào buổi xế chiều, dọc theo những con đường bên tường thành cũ rêu phong mới cảm nhận được thế nào là cái đẹp của tịch lặng, của mang mang tiếc nuối, của lòng chùng xuống không rõ vì đâu cho dù ai là người sôi nổi, lừng lẫy giữa đời thường, dường như cái không khí u uất của tiền nhân đã nén lại đậm đặc trong cái không gian này đến nổi cả ánh đèn đường cũng hiu hắt, âm u hơn nơi khác; dưới bóng hoàng hôn, Đại Nội hoang phế vẫn sừng sửng uy nghi, vẫn như còn ẩn chứa bên trong bao điều bí mật cung đình ngày xưa.


Nhớ hồi học những năm đầu trung học, có thằng bạn cha làm thủ từ nhà ở ngay trong Đại Nội, nhà hiếm muộn con trai, khi sinh nó ra xâu lỗ tai như con gái để đánh lừa ma quỷ hay bắt mất con trai nên bạn bè gọi là “S. xâu lổ tai”, mỗi khi nghĩ học tôi vẫn thường cùng mấy thằng trong lớp vào nhà nó chơi và đi lang thang, nghịch ngợm trong Đại Nội, có khi đá banh trên sân trước điện Thái hòa mà đâu biết rằng chỉ cách vài chục năm trước là nơi ông cha phải đi đứng nghiêm chỉnh khi bước vào đây để bệ kiến long nhan, có khi lại tò mò vào những căn phòng nhỏ nơi ở của những cung nữ ngày xưa sau này mới biết là nơi chôn cuộc đời của biết bao nhan sắc, có khi thay nhau lên ngồi ngai vàng làm vua hay vào phòng chứa gươm giáo hồn nhiên múa may lung tung…Khi lớn hơn mỗi chiều đi học về tôi vẫn thường cùng vài thằng bạn đạp xe lang thang khắp nơi và rồi có một sự quyến rũ vô hình nào đó cuối cùng bao giờ cũng là vào Thành nội trước khi về nhà. Đến một ngày khi có những bóng hình những người con gái hiện diện thì cái bình yên trong lòng cũng chớm ngỗn ngang, đa đoan với quyến rũ mới của tuổi dậy thì.


Thành nội, con đường H.Th có người con gái một lần tình cờ bắt gặp rồi theo sau buổi tan trường hằng tháng trời ròng rã bất kể mưa lạnh hay nắng khô người, tuổi trẻ nản lòng bỏ cuộc chỉ còn nhớ lại được nụ cười dấu sau chiếc nón và cũng quên nhanh. Thành nội, những chiều rũ thằng bạn thả bộ đi dọc theo con đường nhỏ thẳng tắp vào Tây Lộc vào nhà thăm người yêu, khổ sở phải nói năng nghiêm nghị với cha mẹ nàng, bối rối với thứ đường tình không có lá hoa, chỉ một đường đi đến đích đành phải chia tay. Thành nội, một dáng Kiều và gương mặt thanh thoát, một lần liều lĩnh vào nhà sau lưng chợ nhỏ, nhớ mãi sự bối rối và sợ hãi đến bật khóc của người con gái khi gia phong quá nghiêm nhặt khiến ân hận mãi. Thành nội, quán café mang tên loài hoa, chị cashier nhan sắc đã mãn khai, ánh nhìn gây mê đắm, ngày báo tin xa Huế, được nắm chặt bàn tay, ánh mắt như nói không cần phải tìm lá “Diêu bông”, tuổi trẻ đường tình trí nhớ ngắn ngủi, ngậm ngùi rồi cũng mau quên. Khi tuổi hai mươi tôi gần như xa hẳn Huế, những lần trở về thăm thường ngắn ngày nhưng bao giờ cũng vào Thành nội, dẫu bạn bè ngày xưa đã ly tán vẫn đi lang thang trên những vĩa hè cũ tìm một chút bình an sau những bận rộn, mệt mỏi mưu sinh, rồi do hoàn cảnh những lần trở về thưa dần cho đến ngày xa xứ thì Huế chỉ còn trong tâm tưởng.


Lần về lại Huế sau gần 20 năm lại vào Thành nội, những bồn chồn xao xuyến biến mất nhanh, cái không gian yên ắng, thâm trầm, huyễn hoặc không còn nữa, những “dấu chân xe ngựa” mới đã phá nát tan tành những cảm xúc ngày xưa. Vẫn biết là mỗi thời mỗi khác để thích ứng nhưng sao trong cái không gian nầy những sinh hoạt phồn hoa, trần tục cứ như là những kẻ phá phách, phá phách đến tận cung đình, một chốn thâm nghiêm, trêu ngươi giả vua giả hậu. Đi lang thang mãi và rồi may thay vẫn còn tìm được một vài nơi chốn còn nguyên vẹn dấu tích ngày nào, một chỗ có lần ông chú viết mấy câu thơ đầy cảm khái,


đây cửa Hữu lời ca xưa còn đậu

tiếng chuông chùa kinh kệ mãi ngân nga

cửa thành Tây về xóm vắng ngoại ô

đường đất đỏ chạy dài như thảm máu”,


Nơi đây tường thành loang lổ rêu xanh, hoang phế đã gây một nổi quan hoài như có người bạn, nhà thơ Ngữ An, một lần trở về đã viết,

 

“ thuở về gõ tay sầu trên thành quách

nghe hồn dâu bể đọng rêu xanh

trăm năm chưa tận đời sao tận

quận chúa em nay đã biệt thành

 

thuở một ngày lang thang trong nội

để nghe mưa nắng nói lời chi

nắng mưa chỉ nói lời hoang phế

chỉ nói lời người bỏ nhau đi”,


Dường như nơi đây thời gian như lặng lẽ đứng lại, những tường thành, cổng thành vô tri đó cứ vận vào người biết bao nổi niềm. Lâu lắm rồi có người nhạc sĩ viết về Thành nội, có hai câu, “Đường về Thành nội hàng cây lá xanh/ Vôi đá trên thành đã tan tành”, vôi đá tan tành, có tan tành thì tan tành theo tâm cảnh của mỗi người; qua thời gian, thời cuộc với những lớp sóng phế hưng thành quách nào không hư hao, nhưng là một cái đẹp tự nhiên của hoang phế, hồn còn lẫn quất trong phế tích, còn đó vững vàng như chứng tích một thuở vàng son, chỉ e rằng một ngày không xa cái thực dụng của đời sống sẽ xâm thực dần, chỉ còn để lại một xác không hồn. Đời người cũng hư hao, đôi khi hư hao đến tận cùng, nhưng với tôi những kỷ niệm một thời với Thành nội là vôi đá của tâm hồn khó tan tành trừ khi không còn ký ức./.

 

Hà Thủy
Số lần đọc: 2305
Ngày đăng: 28.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bánh Căn Trên Phố Sài Gòn - Lê Ký Thương
Mười Một Năm, Cũng Chỉ Là Khoảnh khắc - Lữ Quỳnh
Nhớ Một Tiếng Đàn Lạ - Hà Thủy
Cát Đá và Hoa - Cao Thu Cúc
Nhớ Nhà Văn Hóa Đặng Tiến Nam - Nguyễn Anh Tuấn
Kỷ vật Hồ trường - Trần Trung Sáng
Bà nội tôi - Lâm Bích Thủy
Bềnh Bồng Trên Bè “Nhà Hàng” Đực Nhỏ - Phạm Nga
Kỷ niệm đầu tiên và lưu niệm cuối cùng với dịch giả Chu Trung Can - Đặng Thân
Sài Gòn-Những Ngày Không Thứ - Hà Thủy