Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.623
 
Giêsu Con của Con người
Nguyễn Ước

Lời giới thiệu


Trong bộ sách 25 cuốn (20 tập) Kahlil Gibran do Nguyễn Ước biên dịch, Công ty Sách Thời Đại phối hợp với NXB Văn học xuất bản, phát hành vào dịp Hội chợ  Sách tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2012, có cuốn Giêsu Con của Con người (Jesus Son of Man). Để thuận tiện cho đọc giả, đặc biệt Kitô hữu, đón nhận cuốn đó, chúng tôi xin giới thiệu lời Dẫn nhập của dịch giả (NƯ) ở phần mở đầu cuốn sách dày hơn 300 trang đó.

 

Dẫn nhập

 

Kahlil gibran từng kể ông thấy mình nhiều lần nằm mơ gặp mặt và trò chuyện với Giêsu. Khi thì cùng ngồi với nhau trước một ngôi mộ của người Phoenixia bên ngoài làng Bsharri. Khi thì cùng ngả lưng trên cỏ. Khi thì cùng chia nhau nắm rau cải xoong bên bờ suối. Có lẽ từ lòng yêu mến con người Giêsu, từ cảnh mộng và hoài bão suốt đời người và từ những tự tin về mức độ am hiểu truyền thống cùng truyền thuyết của Kitô giáo thời sơ khai và am hiểu tiếng A-ram là ngôn ngữ của Giêsu dùng khi rao giảng, Gibran bỏ ra 18 tháng trời để thể hiện cuốn Giêsu Con của Con người (Jesus The Son of Man), viết thẳng bằng tiếng Anh và xuất bản năm 1928, với các tranh minh họa của mình, do chính tay ôngï đưa vào.

 

Theo thần học Kitô giáo, Giêsu là Con Thiên chúa, là Thượng đế và là con người; ngài “được sinh ra mà không phải tạo thành.” Công đồng Calcedonia năm 451 của Giáo hội Kitô tuyên bố rằng trong bản vị của Giêsu không chỉ có bản tính thiêng liêng mà còn có bản tính loài người cùng hiện hữu trong sự toàn vẹn; Thiên chúa thật xuất hiện trong con người thật.

 

Từ thế kỷ đó tới nay, tuyên bố ấy đều được mọi tông phái Kitô giáo bảo lưu kể cả Công giáo La Mã, Chính thống giáo và những chi phái Tin Lành. Và luôn cả Kahlil Gibran, tuy đôi khi các phát biểu của ông về luân hồi, thần linh bản địa, và ảnh hưởng của Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, v.v. lên tư tưởng ông khiến người ta hoài nghi tính chính thống trong đức tin của ông.

 

Đối với Gibran, trước hết Giêsu là Thượng đế. Trong truyện ngắn Gã Giuhanna khùng, nhân vật chính lớn tiếng cầu nguyện trước đám đông rằng, “Ôi Giêsu, xin xót thương người nghèo bị áp bức, những kẻ tới đây hôm nay để tưởng nhớ sự Phục sinh của Ngài... Xin hãy xót thương họ vì họ nghèo khổ và yếu đuối.” Thứ đến, Giêsu con người của Gibran hoàn toàn thích đáng với thần học Kitô giáo.

 

Giêsu sống đời thật sự một con người chứ không chỉ xuất hiện bề ngoài với hình dạng con người, không giả bộ khoác lấy cuộc sống loài người. Giêsu với bản tính loài người sống cuộc sống con người thật, thân mật, tử tế, cởi mở, thương yêu, đồng cảm trong tiếp nhân xử thế, trang trọng can dự vào những nỗ lực để cải thiện trần gian thành nơi đáng sống hơn cho mọi người, cũng là chốn ở khắp mọi nơi của Thượng đế.

 

 

Giêsu là một con người sống trong vòng tay thân nhân bè bạn, sống trên phố giữa làng như mọi người với mọi người. Giêsu sống giữa cuộc đời và thiên nhiên, được yêu thương và yêu thương từng người, từng ngọn gió, lá cây cọng cỏ, trong từng cử chỉ, lời nói. Giêsu tha thứ cho hết thảy mọi người trừ kẻ đạo đức giả. Và Giêsu nỗ lực chiến đấu trong yêu thương, làm chứng cho tình yêu tới độ chảy hết máu mình ra.

 

Cuối cùng, Giêsu không khổ đau vì bị hành hạ, không chết một cách bi thương, thất bại, chua xót trên thập giá, mà là dũng cảm uy nghi, đúng với phong thái một vị vua Nước trời, một vương quốc tinh thần, tọa lạc trong tâm hồn loài người. Ở đó, con người không phải mang mặt nạ ngụy trang, con người sống trong mộc mạc yêu thương và người không sợ hãi người. Kẻ sống trong Nước trời của Giêsu là một “con người”, không như một “persona” (công dân La Mã), một “individualis” (cá nhân Hi Lạp) trong một quốc gia có đất đai lãnh thổ với chủng tộc và quyền lực trần gian. Giêsu sống giữa thế gian, cùng với loài người xây dựng Nước trời trong lòng người để, theo cách nói của Gibran, “làm cho tâm hồn con người thành đền thờ, linh hồn thành bàn thờ và tâm trí thành tư tế.”

 

Vì trong bản vị Giêsu có bản tính loài người nên mỗi người chúng ta có giá trị vô biên và mọi người chúng ta sở hữu một phẩm giá vô song. Hệ luận của nó là tự thân con người có giá trị phẩm tính, hoàn toàn không liên quan tới lượng tính.

 

Nói cách khác, vì Giêsu Thượng đế cũng là Giêsu Con người nên con người có thượng đế tính và như nhau. Không ai có quyền tự xem mình là “xứng đáng làm người hơn kẻ khác” do bởi mình có của cải, địa vị xã hội, học thức, đức hạnh hay dung mạo xinh đẹp, sức khoẻ dồi dào hơn. Và người này không là nô lệ hay công cụ của người kia.

 

Vì Giêsu Con Thiên chúa cũng là Con của Con người, thật sự làm người, nên mọi người đều bình đẳng trong quyền con người, không sợ hãi nhau và không thờ ơ cuộc đời. Mọi người sống với nhau theo quả vị anh chị em của nhau, với lòng tử tế, cùng nhau cải tạo môi trường thành chốn tốt đẹp hơn để sống với nhau trong yêu thương. Vì nhân ái với nhau, tiếp tay nhau sống hạnh phúc tức là thờ phụng cụ thể Thượng đế, góp phần tích cực vào công cuộc sáng thế đang tiếp diễn của Thượng đế.

 

Bối cảnh lịch sử của cuốn Giêsu Con của Con người là xứ Palestine thời bị Đế quốc La Mã thống trị. Sống bên trong và bên cạnh các thành phố văn hóa Hi La, người Do Thái ở bản địa hay di dân tản mác khắp những thành phố ngoại quốc, ven bờ Địa trung hải, đều kiên định với đức tin vào Giavê cùng tuân giữ Lề luật Mô-se có từ hơn ngàn năm trước, được ghi chi tiết trong Ngũ kinh và thấm nhiễm sinh hoạt quanh năm. Họ tự xem mình là “dân tộc được Giavê Thượng đế ưu tuyển và biệt đãi”. Cuộc sống tôn giáo của họ nghiêm ngặt, đầy kính sợ một Đấng Giavê toàn năng, cực kỳ khắc nghiệt, đầy ganh tương và thẳng tay thưởng phạt.

 

Vùng đất Palestine (bằng 1/26 diện tích Việt Nam) bị chia làm ba miền quản lý với ba vị vua chư hầu, đều là con của Herod Đại đế, nhưng dưới quyền tổng quản của một tổng trấn La Mã cai trị tỉnh Xyria, trong đó có cả Palestine và Phoenicia (tiền thân của Li-băng). Tuy thế, người La Mã khôn ngoan; họ công nhận quyền tự trị của Do Thái giáo với toà án xét xử tối cao là Thượng Hội đồng (hay Hội đồng Công nghị) gồm các trưởng lão và kỳ mục Do Thái, dưới quyền chủ tọa của Thượng tế Đền thờ Giêrusalem như một thủ lĩnh tinh thần và lề luật của dân tộc.

 

Dưới ách La Mã, người Do Thái từng khởi nghĩa và thất bại, nhưng họ tin ngày giải phóng nhất định tới vì Kinh thánh đã hứa từ dòng họ David sẽ xuất hiện Đấng Cứu thế. Tâm trạng dân chúng sôi sục chờ ngày vị “chân mạng đế vương” ấy xuất hiện, phục hồi thời đại hoàng kim của David và Solomon, đồng thời hoàn thành sứ mệnh cứu thế của dân Do Thái. Tầng lớp lãnh đạo tinh thần của dân chúng là các tư tế, người quí tộc Xa-đốc và hàng ngũ Pharisêu trí thức và đạo hạnh nghiêm ngặt, gồm một số tư tế, các thầy giảng, học giả, kinh sư, luật sĩ, v.v. những hạt giống ngàn năm của Do thái giáo. Tầng lớp ấy chống đối trong lòng, thỏa hiệp ngoài mặt với người La Mã để bảo vệ đặc quyền của giai cấp và duy trì sinh lộ cho dân tộc cùng tôn giáo.

 

Trong bối cảnh đó, Giêsu xuất hiện. Nói theo sách Tân ước, ngài thuộc dòng dõi David đúng với lời tiên tri trong Cựu ước. Ngài lớn lên từ Nadarét, một làng nhỏ gần như vô danh trên sườn đồi và làm thợ mộc cho tới năm 30 tuổi. Ngài đến từ miền Galilê phương bắc quê mùa bán lương bán giáo, nói chung một ngôn ngữ A-ram với vùng giáp ranh là xứ Li-băng, nơi hai ngàn năm sau xuất hiện Kahlil Gibran.

 

Gibran cho rằng qua ngôn ngữ và những truyền thuyết có từ thời Kitô giáo sơ khai còn lưu lại trong ký ức người Li-băng, ông có thể hiểu tận tường Tân ước (vốn được viết bằng tiếng A-ram hoặc tiếng Hi Lạp), làm nổi bật bản tính con người dễ mến dễ gần gũi của Giêsu cùng cái chết dũng cảm trên thập giá, và đặc biệt nhất, trình bày thông điệp tình yêu đầy lạc quan, tinh thần tôn giáo phi cơ chế và kể cả dung mạo xinh đẹp của ngài. Giêsu Con của Con người không là một Thiên chúa khắc nghiệt và đáng sợ, mà là một Thiên chúa bao dung và đáng yêu.

 

Giáo hội Maronite của người Li-băng, trước khi hòa nhập vào Công giáo La Mã, từng có khuynh hướng tuy công nhận thượng đế tính và nhân tính trong bản vị của Giêsu nhưng cho rằng ngài chỉ sở hữu bản tính thiêng liêng (monophysism). Chính khái niệm đó khiến cho con người làm ra vẻ như đã hiểu Thượng đế là ai trong khi lý trí hữu hạn của loài người không thể nào thấu hiểu Thượng đế vì ngài là ðấng vô biên vô hạn. Thế nên, theo thần học Kitô giáo, thực tế con người chỉ biết Thượng đế là ai, không phải qua khái niệm chúng ta đã có về Thượng đế, mà là qua việc chúng ta học biết Giêsu, “qua Giêsu chúng ta biết Thượng đế”. Biểu thị của Giêsu là cơ hội để nhìn thấy chân chính và duy nhất mặc khải của Thượng đế.

 

Nếu hiểu như vậy, người đọc hẳn cảm thấy thoải mái khi lần theo từng trang của cuốn Giêsu Con của Con người. Ở đây, Gibran nỗ lực mô tả nhân tính sống động của Giêsu, để vừa mở lối cho người đọc nhìn thấy Thượng đế, vừa nhân tính hóa tôn giáo, thiêng liêng hóa con người và làm toả sáng thượng đế tính trong con người. Vì Thượng đế ở khắp nơi và con người là hình ảnh của Thượng đế. Như Gibran đã viết trong Vườn ngôn sứ (The Garden of the Prophet), “Thật rất khôn ngoan khi nói ít hơn về Thượng đế, đấng chúng ta không thể thấu hiểu, mà nói nhiều hơn về nhau, kẻ chúng ta có thể thấu hiểu. Tuy thế tôi muốn các bạn biết rằng chúng ta là hơi thở và là hương thơm của Thượng đế. Chúng ta là Thượng đế, trong hoa và rất thường, trong quả.”

 

Theo Mary Haskell, cuốn Giêsu Con của Con người được Kahlil Gibran ấp ủ suốt hai chục năm. Quả thật đây là tác phẩm dài nhất của ông, có thể đã được ông nghiền ngẫm từ thập niên 1910 nhưng thật sự khởi công từ giữa năm 1926 tới tháng 12 năm 1927 là lúc ông gởi bản thảo cho Haskell biên tập. Cũng theo Haskell, cuốn này đã lấy hết sức khoẻ của Gibran. Hai năm rưỡi sau ngày sách xuất bản, ông qua đời.

 

Nội dung Giêsu Con của Con người là 79 lời kể của 70 nhân vật đương thời – trong đó chỉ khoảng một nửa có tên trong Tân ước – về những gì họ chứng kiến và cảm tưởng của họ liên quan tới Giêsu như một bậc tôn sư điểm đạo và một con người dễ mến và đầy thương yêu. Người thứ 71, đến từ Li-băng 19 thế kỷ sau, là Kahlil Gibran.

 

Nói cho cùng, đây là một tác phẩm văn học, mang tính tâm linh tôn giáo với đầy đủ quyền năng sáng tạo của một văn thi sĩ; tác giả của nó cũng không tìm kiếm sự công nhận chính thức của bất cứ giáo hội nào. Nó có khả năng làm cho người đọc cảm thấy gần gũi quí mến Giêsu, góp phần củng cố đức tin, làm sáng lên lòng mộ đạo có sẵn của mình để ao ước sống tích cực hơn và thèm được yêu người yêu đời hơn.

 

Và theo nhận xét của nhiều người, những điểm chính trong Giêsu Con của Con người không mâu thuẫn với sách Phúc âm tuy có thể làm chạnh lòng một số tín hữu của tôn giáo cơ chế. Từ ngày lưu hành tới nay, nó cũng không gặp phản ứng bất lợi của giới thần học chính thống Kitô giáo tại Bắc Mỹ.

 

Còn về tính nghệ thuật của nó, có thể nói phần nào như Joseph P. Ghougassian trong cuốn Kahlil Gibran: Đôi cánh tư tưởng (Kahlil Gibran: Wings of Thought) rằng, “Vẻ đẹp của cuốn Giêsu Con của Con người ở trong cách diễn đạt chan chứa thi vị và trong sự tưởng tượng tràn đầy sáng tạo được Gibran phô bày qua những ý nghĩ và những hành động của Đức Giêsu. [.] Cuốn Giêsu Con của Con người có sự quyến rũ của nó, và bất cứ ai cũng có thể đọc nó kể cả người không là tín hữu, với cảm tưởng không bị bắt buộc phải ôm ấp đức tin Kitô giáo.”

 

Bản tiếng Việt Giêsu Con của con người được chuyển ngữ dựa theo bản tiếng Anh Jesus The Son of Man của Nhà xuất bản Alfred A, Knoft, New York, ấn hành lần đầu năm 1928. Phần ghi chú là của chúng tôi.

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2432
Ngày đăng: 02.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh - Nguyễn Văn Hầu - Võ Công Việt
“Vách đá cheo leo” – Tâm thế của người cầm bút: Bao dung & Hàm súc. - Trần Hữu Dũng
Bản Tin Và Điện Mừng - Huỳnh Văn Úc
Tình dục luôn đắt hàng. - Nguyễn Thị Hải Hà
Nhân Đọc “Ấn Tượng Văn Chương Phương Nam” (*) - Huỳnh Như Phương
Đọc Thơ Xuân Ly Băng. - Phan Chính
Rất ngắn về N bài thơ ngắn - Lý Đợi
Đọc Tập Thơ Thứ 4 “ Cho Dẫu Phù Vân “Của Hoàng Lộc - Mang Viên Long
Chuyện một thời Ra đi có trật tự - Lê Hải*
Đường Dương Tường Nghiêng… - Hoàng Hưng
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)