Một luồng gió lạ mang tên Đặng Thân vừa cho ra mắt tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] tại Trung tâm Văn hóa Pháp (l’Espace) ở Hà Nội ngày 7/1 năm 2012 này. Tha hương, xa ánh sáng kinh kỳ của Thủ Đô ngàn năm, hẳn tôi mù tịt, chưa được nhìn tận mặt, chưa được ngửi tận mũi mùi mực của một tác phẫm được coi là mốc mới cho một thời văn chương hậu-Đổi Mới, một thời hậu hiện đại, bớt tính nông dân, bù trừ bằng tính văn chương đô thị (?). Tham khảo tường thuật (bản gốc) của eVăn về Tọa đàm”[1] hay “bản ngọn”,[2] chúng ta thấy khá đông những nhân vật nổi tiếng. Trích: “Chủ trì buổi Tọa đàm là nhà đạo diễn, nhà văn Đỗ Minh Tuấn. Bài tham luận của ông có tên gọi “Cuộc tỉ thí giữa Hitle và Giun đất”... ví cuộc “tỉ thí” đó như một cuộc song thoại, một cuộc “so găng” văn hóa Đông-Tây với những mô tả khá li kì. Kết thúc bài viết khá dài, Đỗ Minh Tuấn kết luận về trường hợp Đặng Thân bằng những lời có cánh: “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là khu vườn lạ, một sắp đặt văn hóa tâm linh tạo nên một khu vườn văn chương lổn nhổn, rườm rà và rất nhiều cạm bẫy, nhưng khá thú vị. Một quyền lực nghệ thuật hậu hiện đại không biết từ đâu đã bỗng nhiên ngự trị trên mảnh đất còn hoang sơ, khiến cho khi lạc vào khu vườn đó, con chim nào cũng phải hót lên, dù đó là tiếng hót gọi đàn vì cảm thấy lạc lõng bơ vơ xa lạ, hay tiếng hót hân hoan của kẻ tìm thấy mảnh đất hoang để xây những tổ ấm văn chương mới cho bầy đàn mình.”
Dẫu chưa được tiếp cận cuốn tiểu thuyết nổi ba đào gây sóng gió này, tôi từng có dịp đọc truyện, thơ và phê bình-nhận định văn học của Đặng Thân trên vanchuongviet.org hay damau.org. Xin nói ngay, văn cách của Đặng Thân rất ấn tượng. Nhân dịp này, tôi hân hạnh được đàm đạo đôi điều với nhà văn Đặng Thân.
Ít có dịp chuyện trò, đây là lần thứ hai tôi tiếp cận với một nhà văn để nghêu ngao chuyện viết và lách. Lần đầu, tôi ‘phỏng vấn’ nhà văn Nguyên Ngọc đâu cách đây gần một thập niên. Dĩ nhiên, chuyện với ông xoay quanh ‘đổi mới’ cái nền văn học minh họa mà ông góp tay vào. Lần này, tôi lại chạm mặt với ‘đổi mới’, nhưng là sự đổi mới trong văn phong và văn cách ở thời văn hoá mạng. Nói chuyện với một nhà văn, tôi xin gợi những câu hỏi cổ điển mà ông J-P Sartre từng nêu ra trong cuốn Qu’est -ce que la littérature. Đó là những chuyện “muôn năm cũ” như:
ND: Anh viết để làm gì?
ĐT: Thưa anh, tôi trước hết viết để chơi. Cũng vì cuộc sống quanh tôi trong mắt tôi nó rất đau buồn, u ám, tù đọng, cứng nhắc. Vì vậy mà tôi sống như cư sỹ, ít giao du và khá là lánh đời. Tôi tìm vui trong những trò chơi bời câu chữ. Cuộc chơi này có đem lại cho tôi hưng phấn, và cái đó cần cho nhu cầu sống của tôi, tức là tôi luôn rất cần sự hưng phấn trong tồn tại của mình. Sau này, tôi nhận ra càng ngày càng nhiều người tìm thấy hưng phấn trong sự hưng phấn của tôi.
ND: Anh tìm vui trong trò chơi bời câu chữ để thoát khỏi(?) một hiện thực đau buồn, u ám, tù đọng và cứng nhắc. Hiện thực đó là gì? Và anh cứ thế viết, đang viết và còn viết, vậy có nghĩa là cái hiện thực đó vẫn tồn tại? Đọc anh, tôi đôi khi liên tưởng đến những con cung quăng trong một vũng nước tù đợi giờ hóa... muỗi. Vũng nước đó là cái hiện thực ngột ngạt quanh anh? Cuộc chơi câu chữ như thế không thay đổi được gì. Hệ quả: sự hưng phấn anh đề cập vì vậy cũng thoảng qua như gió như mây, thậm chí người đọc có thể ngờ là chuyện nói ra để làm dáng, chọc cười, gây chút không khí trong một bàn tiệc “hiện thực” nhạt nhẽo bất khả “nhậu” mãi mà không chán.
ĐT: Thực ra là tôi không có ý muốn thoát khỏi hiện thực nào cả. Tôi nghĩ ai cũng phải đương đầu với hiện thực bằng cách nào đó, mọi cuộc chạy trốn đều vô nghĩa lý (về mặt giá trị sống trần tục, mang tính định mệnh nào đó, trong những giá trị địa văn hóa). Cái hiện thực đau buồn, u ám, tù đọng và cứng nhắc không chỉ có ở quê hương tôi, dân tộc tôi. Tôi đã ra nước ngoài và trực tiếp thấy những hiện thực như thế trong những hình thức khác. Cái hiện thực mang tính thế gian ấy làm cho tôi thấy cuộc chiến khốc liệt giữa Con Tạo và Con Người. Con Tạo dường như không bao giờ muốn Con Người được mãn nguyện, những người sống sáng tạo mặc nhiên là đã phải chấp nhận một cuộc như thể là “duel” với Thượng Đế. Trong các cuộc tỷ thí phần nhiều Thượng Đế thắng cuộc (tất nhiên, đó là đấng toàn năng), thế nhưng những ý niệm mà con người sáng tạo để lại đều là những tài sản lớn cho hiện thực hiện tại và tương lai, cho Con Người mai sau. Về phần mình, tôi đã đương đầu với hiện thực bằng cách bổ sung cho nó (hiện thực đời tôi) bằng một thế giới ý tưởng của mình. Ý thức (và siêu ý thức) ắt hẳn là năng lượng. Cái “mớ” hỗn hợp đó không hẳn là vô giá trị, cũng như văn chương nhân loại cùng những tư tưởng của Con Người chưa bao giờ là vô nghĩa cả.
ND: Rất thông cảm... Đúng là nhân loại đang chênh vênh ở ngưỡng thiên niên kỷ này. Nay, bốn biển thành một cái ao tù khổng lồ, trong đó ở biển Đông có cái vũng lầy Việt Nam, cung quăng đang vươn lên thành muỗi với những giá trị sống ngày một mòn mỏi, thậm chí có thể bị triệt tiêu bời sự vô minh. Và từ đó, là vô đạo, cái đạo làm người. Nhưng có phải vì Con Tạo không? Con Tạo với anh là gì? Ông Trời, Thượng Đế? Mỗi khi Con Người bơ vơ trong một hệ qui chiếu vì thế giới vật chất bức bách (nghèo, đói, chết chóc, chiến tranh, vv...) thì Con Người quay sang Con Tạo - một ý niệm - để tìm ra sức thoi thóp trong phó mặc. Đó chính là, theo cái hiểu nông cạn của tôi, nguồn gốc của mọi thứ tôn giáo, thần quyền. Như vậy, xếp Con Tạo và Con Người như hai lực đối kháng có thật ổn không? Vùng vẫy ra khỏi vũng lầy hiện thực, nhà văn dũng cãm đương đầu một mình bằng sáng tạo. Điều chắc chắn cần, nhưng liệu có đủ không? Xin góp ý, vũng lầy là vũng lầy chung, là xã hội quanh ta, là môi trường trong đó ta sống. Và ý thức chỉ thành năng lượng khi con người tỉnh thức hành động mong thoát khỏi cái vũng lầy hiện thực. Văn chương Đặng Thân mang lại những tỉnh thức nào, và nó có là động cơ trở thành năng lượng hay không?
ĐT: Quan niệm của tôi: đừng đem những lý tưởng, dù hay hớm đến tuyệt đỉnh, ra làm giàn lửa tự thiêu mình.
ND: Tôi nhớ đến Cervantes và nhân vật Don Quixote. Hiện thực của Cervantes thời ông chắc cũng cứng ngắt, tù đọng và u ám. Nhưng ông nhìn ra địch thủ là những cái cối xay gió. Rồi ông hứa hẹn chiến thắng để dâng cho người đẹp yêu quí Dulcinea. Cối xay gió của Đặng Thân là gì trong cái hiện thực của mình? Nhà văn có thể thu mình vào công việc viết văn trong một hiện thực vắng bóng tha nhân, và không có một cái cối xay gió nào không?
ĐT: Những câu hỏi của anh thật hay! Thứ nhất, tôi thấy cái “cối xay gió của Cervantes” nó nằm trong cốt lõi, trong “ADN” của dân tộc tôi, và phần lớn nhân loại. Tôi dám chắc nhiều người trên đời biết sự thật đó; chỉ có phải làm gì thì luôn là một câu hỏi. Về mặt sinh học, tôi tin nếu các giống người khác nhau lai với nhau sẽ cho ra những con người có chất sống hùng mạnh hơn, hoàn thiện hơn. Trong đời sống tinh thần, tư tưởng cũng rất cần ngày càng nhiều những sự “lai giống” như vậy. Thậm chí, cần phải “lai giống” trước hết những chủng loại có vẻ đối lập chan chát với nhau nhất. “Cối xay gió” của hiện thực khách quan rất là chướng, nhưng tôi còn luôn thấy những cái “cối xay gió” (cái lớn nhất mang tên “già cỗi”) cực lì lợm bên trong tôi, xử lý bọn này mới là nan giải và mất nhiều thời giờ. Thứ hai, việc nhà văn thu mình vào công việc viết văn trong một hiện thực vắng bóng tha nhân là hoàn toàn có thể. Italo Calvino là một trong rất nhiều ví dụ. Sau khi ông mất, vợ ông có nói: “Italo không có bạn thân nào cả đâu. Ông ấy hoàn toàn sống bên trong đầu óc của mình.” Ông ấy đã sống và nghĩ ngợi trong cùng tột nỗi cô đơn của mình. Còn cái “cối xay gió” thì chắc rằng luôn có, có điều mỗi nhà văn đều có những cách riêng để “xử lý” chúng. Bản thân tôi thì tôi vẫn chủ trương “hòa” với cuộc đời, những khi lánh không phải là để xa, mà để nhìn nó rõ hơn, lại để nghĩ ra cách mà gần nó hơn, tạo ra sự “hòa” viên mãn hơn. Cái “hiện thực cuộc đời” luôn luôn là có thật, nhưng nếu có ai đó lờ nó đi thì cũng có thể coi là nó không có. Như vậy, ý thức có khả năng quyết định. Có điều, chẳng nên bỏ qua bất kỳ “giá trị sống” nào. Không ai muốn lãng phí đời sống của mình.
ND: Thế nào là hòa với cuộc đời, thưa anh? Cảm nhận của tôi: văn chương Đặng Thân “gây sự” đấy chứ. Nhưng anh chọn khá kỹ đối tượng để gây sự. Chắc chắn đối tượng đó không rõ nét là cái cối xay hóa ra những tên khổng lồ (không tim). Vì thế, hàng quán xập xệ của những người khốn khó không bỗng chốc thành những lâu đài, đời chẳng đổi, rồi ta cứ dài dài đi vào bóng đêm như những con gián đất? Thế thì làm sao tìm được Dulcinea?
ĐT: Một quan niệm khác của tôi: những lý tưởng, dù cứ “tự sướng” là chân lý tối thượng, mà phải dùng tới bạo lực để cố khẳng định mình đều là của nợ.
ND: Anh viết cho ai?
ĐT: Khi bắt đầu viết, tôi viết cho tôi. Cái “tôi” của tôi nó cũng chỉ phát triển từ một tình thái rất cá nhân cô đơn, cô độc và dị ứng với tất thẩy thế giới. Chả hiểu sao từ rất lâu rồi tôi đã dị ứng với phần lớn tất cả mọi thứ, mọi tư tưởng, quan điểm của mọi người nói chung. Tôi hầu như chẳng thấy tiếng nói nào đồng điệu từ bất kỳ phương trời nào. Càng những gì người ta cho là “chân lý” tôi lại càng thấy chúng thậm vô lý. Vì thế, có lẽ cái “tôi” đã thúc dục tôi viết ra những suy nghĩ “ngang ngược” của mình, để minh biện cho cái sự tồn tại “vô lý” của chính mình chăng.
ND: Tôi cảm nhận được sự cô đơn của anh. Phải chăng nó là điều kiện cần cho mọi sáng tạo của cái “tôi” dị ứng với thế giới bên ngoài “tôi”? Anh hưng phấn khi sáng tạo, và như anh nói, bạn đọc của anh cũng tìm thấy những hưng phấn riêng trong cái đọc. Bá Nha như vậy không chỉ “tự sướng” vì có (nhiều) Tử Kỳ biết lắng nghe. Đó chắc không tình cờ. Hình thức văn Đặng Thân khác thường. Thoại trong văn anh thật là đặc biệt. Như người đời nói, hình thức mới chuyển tải nội dung mới. Vậy nội dung mới trong văn Đặng Thân là gì?
ĐT: Thực ra tôi thấy mình thăng hoa khi cô đơn nhất. Thăng hoa xong mình lại thấy hết cô đơn, lại có nhu cầu tìm “đồng loại”. Sau khi “đồng sàng” với họ lại thấy mình bơ vơ… Có lẽ “bơ vơ” là một ám ảnh định mệnh nào đó của tôi trong cõi “đông đảo”, cuộc “dấn thân” là những khi muốn bơ vơ đến tận cùng... Cũng đã có Luận Ngữ khuyên xa từ trước: “người quân tử hợp quần mà không phe đảng”. Văn chương ư, dẫu đây là cõi có nhiều cảnh giới, cho dù nó “như kỳ cục cục tân” thì ngàn đời đâu khác được cái sự nghiệp tụng ca lòng yêu thương, như một thánh tích “sáng danh Chúa”. Văn chương nào cũng xiển dương “nhân” và “đức”, “nhân” cũng có muôn đường, “đức” cũng hiện ra vạn nẻo, và đây chính là đất cho văn chương thi triển mọi “đường, nẻo” sáng tạo trong cõi mênh mông của mình; thế nhưng, tự ngàn xưa các cụ (như Luận Ngữ có ghi) đã kinh tởm nhất là cái bọn “nhân đức vặt, khí khái xằng”.
ND: Sáng tạo thường phải phá đi cái cũ, làm mới lên, làm khác đi cái “sáo mòn” đã có. Anh từng nói rằng nếu ai cũng viết “cách tân” thì anh sẽ quay về sáng tác kiểu “cổ đại”. Với kỹ thuật số, hẳn sẽ có ngữ-net (ngôn từ mạng, kiểu em thik, anh iu, và những ký hiệu như :-) ...vân vân), và rồi hình thức này sẽ ngày một chiếm dụng không gian văn học. Ngày đó những Tử Kỳ sẽ bắt gặp một Bá Nha cổ điển? Và với nội dung “cũ”?
ĐT: Ngôn ngữ, chắc cũng không khác một cái cây, và là một cái cây vô cùng xum xuê lại bất khả hủy hoại trước lâm tặc cũng như ngữ tặc. Theo thời gian cái cây đó sẽ mọc thêm rất nhiều cành lá mới, và, mỗi khi thu sang đông về, nó cũng có vô vàn cành lá rụng. Tôi thì chỉ mong được làm nhựa cây, được chu du khắp mọi nơi trong cái cây đó. Khi thu về thì vui mắt cùng lá đỏ, khi đông đến thì thu giữ mạch sống cho gốc rễ, khi xuân sang thì tận hiến cho hoa rộ sắc để đến hè thì hân hoan cùng quả trái. Ước mong ấy tuy ngây thơ, giản dị nhưng nó vượt qua mọi thứ “cũ, mới”.
ND: Câu chuyện đã dài, chỉ tiếc là không được đối diện nhâm nhi một ly trà nóng với anh. Nhưng có duyên thì sẽ gặp, trái đất bây giờ nhỏ tí teo. Cám ơn anh, và nhân dịp đầu năm chúc anh mọi niềm vui đến từ sáng tạo.
THÁNG 2 NĂM 2012
_____________________________
[1] Link: http://vn.360plus.yahoo.com/dang-than/article?mid=1013
[2] Link: http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2012/01/10345-dang-than-gay-tranh-cai-vi-duoc-so-sanh-voi-nguyen-huy-thiep/