Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.202.850
 
Tình Xưa
Đặng Kim Côn

Ông Hải tắt máy chiếc xe Honda, dựng trước sân một căn nhà gạch, bước vào nhà.

 

Căn nhà lặng lẽ. Một người đàn bà dưới bốn mươi đang ngồi đút cơm cho đứa con gái chừng bốn, năm tuổi ăn, ngước mặt nhìn ông, cũng lặng lẽ, nếu không có cái ánh mắt sáng lên thật nhanh thay lời chào thì giống như họ không quen.

- Chú đâu rồi?

Và không đợi mời, Hải ngồi xuống một chiếc ghế đẩu của một bộ bàn chữ U nơi phòng khách.

- Chắc chiều hay tối gì Ba mới về.

- Cháu là…?

Chị vẫn chăm chú vào đứa con, trả lời mà không ngẩng đầu lên:

- Út của Ngọc. Đứa lớn là con trai.

Người đàn bà tên xưng Ngọc đặt chén cơm xuống đi-văng, lau nhanh miệng con, nói nhỏ:

- Lại chào cậu đi con.

Đứa bé bước rụt rè đến trước mặt Hải:

- Thưa cậu tới nhà con chơi.

Ông vuốt đầu bé:

- Con giỏi quá.

Rồi hỏi trổng:

- Ba cháu?

Người mẹ đứng dậy, bước lại vừa bồng con vừa trả lời, run run, không giấu được nỗi xúc động:

- Ngọc đã trở về đây rồi…

Và chị nói tiếp:

- Ngồi một mình nha, Ngọc tắm rửa cho mấy đứa nhỏ nó ngủ chút.

- Bảo Ngọc…

 

Hải lắp bắp không nhớ định nói gì tiếp. Bảo Ngọc dẫn con ra phía sau nhà. Hải ngồi nhìn vẩn vơ. Cái lồng chim yến phụng mấy chục con đủ màu sắc của chú Quí, cha chị, đặt ở góc nhà, đang không lặng lẽ, con thì rỉa lông, con thì dùng mỏ quặm lấy mấy thanh lồng bằng sắt để leo từ từ lên nóc lồng, con thì hót ríu rít, tiếng ríu rít trầm bỗng của những lời thơ mang mang mực tím một thời, những buổi sáng bồi hồi mở những mảnh giấy còn ngái ngủ, những dòng thơ ngô nghê quyến luyến, có cặp đang nựng nịu, âu yếm nhau như không biết có Hải đang sốt ruột, nôn nao cho lần hội ngộ bất ngờ này…

 

“Ngọc đã trở về đây rồi!” không có nghĩa là Ngọc đã về với ông, nhưng rõ ràng cái câu nói dứt khoát ấy có nghĩa là Ngọc sẽ không còn ở “trong ấy” nữa. Có phải vậy không? không phải là Ngọc đã ấm êm, hạnh phúc như Hải vẫn mong sao? Hải không nghĩ là phải xảy ra nông nỗi nào dù loáng thoáng có lúc ông nghe chú thím than van cái anh con rể “không nên” sao đó. Hải nghĩ, có phải định mệnh muốn bắt anh phải dày vò với lỗi lầm mình ngày trước? Sao tuần rồi đến thăm chú Quí, ông đã không nghe chú nói gì? Và nếu sáng nay, giữa giòng người nhộn nhịp trên chợ, họ đã không tình cờ chạm mặt nhau, cả hai cùng mở to đôi mắt thảng thốt lắp bắp gọi tên nhau, thì liệu chú có sẽ nói cho anh biết là em đã về không? (lâu nay hai chú cháu đã rất ít khi nhắc tới cái bóng giữa hai người, dù cả hai đều hiểu đó là cái cầu nối tình thân). Có phải chúng ta hoàn toàn không thay đổi gì trong mắt nhau suốt gần hai mươi năm không gặp? Hay là chúng ta đã không phải nhìn thấy nhau bằng mắt? Chuyện gì đã xảy đến với em?

 

Gần hai mươi năm ấy, không phải là họ đã già đi? Không phải những nét vui tươi, tinh nghịch ngày ấy đã không còn chút dấu vết nào sót lại nơi họ? Họ không cao lên, hay mập ốm chút nào sao? Chỉ là giống như mới chiều qua, rồi một đêm, rồi một giấc ngủ, mở mắt dậy, họ lại thấy nhau. Có điều, là bất chợt thấy nhau. Trong tim họ, họ vẫn vậy. Khác chăng là cái giấc ngủ ấy dài quá.

 

Không thể dừng lâu giữa giòng người, xe như nước ấy, trước khi lách tay lái sang một bên, một lời (mà ông nghe vẫn ngọt), nhanh, dịu, lọt kịp vào tai “lát xuống nhà…”

 

Chắc “mấy nhỏ” của Ngọc đã ngủ. Chị bưng ly nước chanh lên đặt trước mặt Hải và ngồi đối diện với ông. Hai cánh chỏ tay chị dựng lên bàn cho mười ngón tay đan nhau làm giá cho chiếc cầm tựa lên đó. Chị mở tròn đôi mắt (đôi mắt to, đen, không biết tự bao giờ đã trở nên xa xôi mệt mỏi, nhàn nhạt mấy vết quầng thâm) nhìn sững vào mặt chàng. Cái nhìn dịu dàng, sâu thẳm, làm cho Hải thoáng chút bối rối, hỏi nhỏ:

-Ngọc không uống?

 

Bảo Ngọc lắc đầu nhè nhẹ. Thốt nhiên, mấy giọt nước mắt rơm rớm ra mi, lờ lững lăn xuống má. Cùng lúc, thoáng trên môi chị một nụ cười chua chát không giấu giếm. Hải hốt hoảng :

-Ơ hay, Ngọc làm sao vậy?

-Không…

 

Đôi tay Bảo Ngọc rũ xuống bàn, để mặt nàng úp lên đó, thấy rõ chị đã rất cố gắng giữ không cho tiếng nấc bật ra môi. Như chiếc xe phải thắng gấp, hai vai Bảo Ngọc rung lên cơ hồ cả người chị muốn rã ra từng mảnh. Hải ngồi chết trân nhìn chị khóc, lính quýnh đôi tay, đôi tay đã qua thời vụng dại, đã từng nhiều phen biết lợi dụng thời cơ, và cũng đang muốn nhích tới, muốn vượt qua cái khoảng trống ngắn trên mặt bàn chỉ cách một ly nước chanh, muốn luồn mấy ngón tay vào mái tóc đã ngắn bớt đi kia. Mái tóc ngày xưa dài dưới lưng quần, mái tóc mà từ rất xa cũng không khó nhận ra một Bảo Ngọc đơn giản, hiền dịu và cũng rất chân thành…

 

Từ xa ấy, Hải đã kịp nhận ra, người con gái mặc áo dài trắng ôm cặp ngồi sau một quân nhân trên chiếc xe Honda hai bánh chạy phía trước đó không phải là Bảo Ngọc sao? Cái mái tóc dưới eo ấy, cái dáng mảnh khảnh xinh xắn ấy, và nữa, chiếc Honda Dame thường ngày của nàng. Hải run bắn lên, chàng đã khao khát cái vị trí của người lính ấy biết bao. Có bao giờ Bảo Ngọc đã cho phép chàng được lái chở nàng đi? Chiếc xe vẫn chạy chầm chậm phía trước, và chàng cũng đang cố để không vượt qua mặt hai người. Không thể để họ nhìn thấy mình, chàng nghĩ. Hình như họ vừa đi vừa nói chuyện?

 

Coi bộ Bảo Ngọc ngồi phía sau cũng khá lúng túng, tay trái ôm cặp, tay phải vịn thật chặc chiếc yên xe. Chắc là mới quen, chứ nếu lâu thì sao nàng không ôm eo ếch anh chàng cho dễ chịu. “Hai anh chị” ghé vào một quán café, chết chửa, lại đúng vào cái quán mà Hải ăn dầm nằm dề ở đây. Trống ngực Hải đánh liên hồi như trống hát bội lúc mấy tay cầm chầu sắp sửa “thướng thẻ”. Bình tĩnh. Bình tĩnh. Hải tự nhủ. Dựng xe kề xe hai người, chàng vuốt ngực. Có lẽ mặt mình đang tái lắm. Chàng bước thật nhanh vào quán, ngang qua bàn hai người đang ngồi ở sát vách, may quá, Bảo Ngọc đang ngồi quay lưng ra lối đi, đối diện với tay lính nên không thấy Hải. Hải đi thẳng ra phía sau, khu pha chế, vỗ vỗ ngực một lần nữa cho hạ hỏa, nói với cô chạy bàn “để mình lo cho”, rồi đủng đỉnh bước lên chỗ hai người, đứng ở đầu bàn giữa hai người, đặt tấm thực đơn lên bàn, cúi đầu chào:

-Thưa, anh chị uống gì ạ?

 

Như chợt giật mình, khuôn mặt đẹp ấy thảng thốt ngước lên, mở to mắt nhìn chàng. Hải quay về phía người lính để khỏi phải nhìn Bảo Ngọc. Gã lính không nhìn thực đơn, nói:

- Cho ly đen đá, Ngọc uống gì?

Không nghe tiếng Bảo Ngọc trả lời, anh ta nói luôn:

- Hay là uống đá chanh đi. Cho ly đá chanh.

 

Hải quay đi, và cũng không lâu sau đó, cô chạy bàn (lúc này cũng đang sửa soạn kiêm luôn cái nhiệm vụ két-sê) chuyển cho Hải cái khay thức uống để chàng mang đặt lên bàn hai người “khách”. Người lính lại lên tiếng, nói trổng:

- Cho một gói Cotab và một hộp diêm.

Hải cố tình “dạ” nho nhỏ. Và sau cái lần đặt gói thuốc cùng bao diêm quẹt lên bàn, chàng bước thẳng ra cửa. Có một điều không ngờ, Bảo Ngọc đã phá cái không khí “trịnh trọng” ấy:

- Hải ngồi xuống uống nước. Để Ngọc giới thiệu…

 

Nhưng Hải không nghe thấy gì nữa. Chàng bước thật nhanh. Thoáng thấy dáng Bảo Ngọc loạng choạng bước theo:

- Hải…

Hải không muốn cái vở kịch đó có hậu. Hải không muốn câu chuyện khác với sự hình dung của chàng. Hải lao xe vun vút về nhà, lục hết những trang thơ chép bằng giấy vở của Bảo Ngọc ra châm lửa đốt. Vừa đốt vừa đọc lại một lần cuối cùng “Đừng để nắng xuân nhạt màu hoa thắm, Đừng để lá rơi ngập lối thu vàng…”. Không hiểu. Không muốn hiểu. Không muốn nghĩ ngợi, nhức đầu. Bất giác nghe buồn đâu kéo tới như mây xám chiều đông. Anh hùng lưu huyết bất lưu lệ, “Ô hay, nước mắt đâu mà sẵn…”. Không có gì cả. Buồn một chút thôi, cười lên đi.

 

Đang ngồi thừ ra nhìn đống tro tàn còn hâm hấp khói thì Bảo Ngọc đến. Hương, bạn cùng lớp Bảo Ngọc, chở nàng đến bằng chiếc Velo Solex của Hương. Chiếc Dame kia chắc để thằng đó đi rồi. Hải mời họ vào bàn ngồi, Hương cười cười:

- Hờn anh giận em kiểu gì đến nỗi lái xe không nổi, nó bắt Hương chở giùm nó đây.

Hải nhát gừng:

- Ai làm gì thì biết.

Bảo Ngọc vẫn nhẹ nhàng:

- Anh con ông bác của Ngọc mà. Lúc nãy chịu ngồi xuống là hiểu ngay thôi.

- Sao từ đầu không mời, đợi người ta làm hề cho mấy người xem rồi mấy người mới tính chuyện giàn cảnh chọc gan tôi?

- Gì giàn cảnh?

- Tôi theo chiếc xe hai người lâu lắm rồi.

- Đủ rồi, tin hay không tùy Hải. Những gì cần nói thì Ngọc đã nói. Không phải một mình Hải có lá gan to. Nội cái chuyện đem những kỷ niệm ra đốt đi kia đủ để trời sập rồi.

 

Hương xen vào:

- Cho tui can hai ông bà. Êm đềm quá chắc thấy không vui. Cái tuồng này tụi lớp nghe được chắc nó chết tập thể vì bể bụng quá.

- Trời đã sập trước rồi, đừng có ăn được nói được. Mấy người đi về cho. Tôi không rảnh…

Bảo Ngọc giận tái mặt. Đến nước này thì đúng là không còn gì đáng nói. Giá như nàng và Hương đứng dậy ra về thì đỡ tủi hơn… Nhưng Bảo Ngọc hãy còn tần ngần… Còn Hải thì được thể làm tới, vùng vằng đứng dậy:

- Tôi có việc phải đi. Mấy người ngồi đó nghĩ cách nói dối cho hay đi.

 

Và chàng bỏ hai người ngồi chơ vơ đó, nổ máy xe, phóng đi.

 

Thế chiến 1, thế chiến 2 cũng đã xảy ra bắt đầu từ những chuyện nhỏ. Sẽ không có gì xảy ra nếu chiếc xe của Hải đã không tình cờ nhận ra mái tóc dài ngồi sau chiếc xe Dame chạy phía trước vào buổi trưa hôm ấy.

 

Sau này, khi họ đã xa nhau, ở ngoài đơn vị thỉnh thoảng Hải cũng có viết và nhận được thư thăm của nhau, chỉ là thăm hỏi, không ai trách móc gì ai, và cũng không nhắc gì tới kỷ niệm, hầu như quá khứ của họ đã bốc khói theo những bài thơ mộng mị năm nào. Có cái gì đó để họ thấy càng lúc khoảng cách giữa họ càng xa. Cái tựa một bài thơ Bảo Ngọc gửi cho Hải “Mưa Trên Cư Xá Minh Mạng” vô hình chung làm cho chàng Trung sĩ Hải hiểu được cái vị trí của chàng.

 

Tiếng khóc nho nhỏ của Bảo Ngọc cũng đủ tuôn tràn ra át tiếng kêu “rích rích” của mấy con chim yến phụng đang tình tự trong lồng.

 

Chú Quý, Ba của Bảo Ngọc, nhiều năm qua, vắng Bảo Ngọc, vẫn xem Hải như chiếc bóng của chị, dẫn hai đứa cháu ngoại vào. Hải đứng dậy chào, liếc thấy con gái đang gục đầu trên bàn, ông nói đùa với Hải:

- Đang xử án hả?

Ông bảo hai đứa cháu chào cậu. Đứa nhỏ ôm tay mẹ nó lay lay, lí nhí gì đó. Bảo Ngọc vẫn lì lợm không ngẩng đầu lên. Chú Quí sai mấy nhỏ lấy nước và thực phẩm cho chim, rồi ông hỏi Hải đến lâu chưa, ở chơi ăn cơm chiều với chú luôn. Thay vì trả lời, Hải nói như phân trần:

- Con cưng là con hư đó chú. Thôi đủ rồi đó, gái hư.

 

Chú Quý cười. Hải bước ra cửa, dứt khoát, không muốn để chú Quý nài ép:

- Con có việc bận, thưa chú con về.

 

*

 

- Đêm qua Ngọc đã lục tìm được tập nhật ký này. Cũng may là nó nằm trong tủ sách của ba nên không bị lũ mối mọt xếp vào danh sách văn hóa đồi trụy.

 

Bảo Ngọc nói giọng đều đều, không vui không buồn. Mà đáng lẽ cái câu bông đùa ấy phải được đi kèm với một nụ cười, hay ít lắm cũng với ánh mắt hấp háy. Không biết là nếu cho chị một chút hạnh phúc sẽ có thấy được chị tươi vui lên không?

Hải hỏi vu vơ:

- Của ngày xưa hở?

Bảo Ngọc ngồi xuống bàn:

- Ngọc muốn Hải đọc.

- Đọc hết?

- Không cần, chỉ mấy trang, chỗ đã làm cho Hải vui. Hải uống café chứ?

 

Hải ngạc nhiên, nhưng riu ríu gật đầu:

- Mấy nhỏ đâu?

- Ông ngoại dẫn ra chợ cho bà ngoại khoe với hàng xóm…

Bảo Ngọc mở tập nhật ký, đẩy tới trước mặt Hải, rồi đứng dậy đi pha càfé. Trước mắt Hải, một quá khứ đã ngã màu, những trang chữ rất quen thuộc đang lội ngược giòng mực tím, nhảy nhót tung tăng như phố xá ngày xưa xôn xao những bước chân về lớp.

 

…Chỉ có một điều không ai biết là chiều qua em đã về nhà đóng cửa phòng, khóc. Lo bữa cơm chiều xong, em lại nằm bất động trên giường. Ba đi xa, má bán ở chợ về tối nên nghĩ là em bận bài vở không để ý tới em. Sáng nay em không đến lớp. Có thể nhỏ Hương đến trường đã phổ biến rộng rãi cái tin động trời ấy. Không ai dễ gì chịu bỏ qua một cuốn phim hấp dẫn giữa đám bạn tò mò, sôi nổi, rất ưa chọc phá và cũng rất thích thú trước những sóng gió của người khác. Đối với chúng, nắng rồi phải mưa và mưa để rồi nắng đẹp. Chúng nói tình học trò là những bản nháp của những áng văn hay. Cứ tẩy xóa đi rồi viết lại. Em không phải là chúng, anh yêu. Nhưng mà cái bốc đồng vô lý của anh đã làm cho em thất vọng. Đâu phải mới năm bảy tháng một năm gì, anh nhớ không, gần ba năm với tất cả những êm đềm phẳng lặng dễ thương nhất. Tất cả yêu thương ấy đã không cần phải nói ra bằng lời, bằng hò hẹn. Ngoại trừ có những lúc hai chúng ta sóng bước đến trường hay về nhà, lặng lẽ, như những người bạn học đi bên nhau, anh chưa hề nắm tay em, chưa hề hôn em một lần, mà như vậy không có nghĩa là tất cả bạn bè anh và em không biết chúng mình là gì của nhau. 1001 đêm kia, đã đủ làm cảm động một ông vua chưa từng hiểu gì người đối diện, đã lấy người con gái kể chuyện đó làm vợ, huống chi chúng ta, không phải là anh đã quá hiểu em sao? Anh ghen thật hay anh cố tình sỉ nhục em? Có thể em dùng chữ sỉ nhục là sai, nhưng chắc anh biết rõ là anh đang sỉ nhục hay hành hạ em. Sự bướng bỉnh cố chấp của anh đã làm em thất vọng. Nếu anh ấy là gì của em tại sao em phải hạ mình đến van nài anh? Mà nhất là bên em còn có Hương nữa (điều tủi nhục chính ở chỗ anh đã tạt những gáo nước lạnh vào mặt em ngay trước mặt Hương. Em có thể tha thứ cho anh được không?). Bạn bè, có thể nhiều đứa ganh tỵ với hạnh phúc của mình, nhưng chắc nó sẽ không tha cho em nếu quả thật em có một người khác.

 

…Anh nhập ngũ rồi. Ba rất buồn chuyện này. Ba quý anh, nhưng kỳ vọng của ba về anh, em biết, cũng không nhỏ. Hôm đến trung tâm nhập ngũ thăm anh, em đã không khóc, và chắn chắn anh không biết khi trở về em đã ngất xỉu thế nào. Sức chịu đựng của em chỉ đủ để em đến nhìn anh thật sự đang muốn cho em đau khổ. Em bệnh la liệt đến cả tuần lễ. Anh to gan thật, cũng chả thèm giã từ em một tiếng. Có thật anh tin là em đã có người yêu khác sao? Dễ vậy sao? Bây giờ anh đang ở ngoài mặt trận, chúng ta vẫn viết thư cho nhau, vẫn có những bài thơ nói nhớ nói thương (dĩ nhiên, xa cách vẫn là đề tài nhiều hương vị nhất) nhưng em biết, có gì đó đang làm tình yêu mọc cánh.

 

…Cái que diêm nhỏ ấy đã làm cho nhà cháy thật. Vô lý, bây giờ hẳn anh đã hiểu em không có lỗi gì? Anh đã thấy sự bốc đồng của anh là con nít quá? Xin lỗi anh, em cũng là con nít mà, nhưng ba em thì lại là người lớn, người lớn có sự suy nghĩ của người lớn, anh là niềm hy vọng của ba nhưng em mới chính là trái tim của ba. Anh còn nhớ có một lần anh đến nhà thăm Tết, người bạn anh đã chụp cho chúng ta những tấm ảnh chung. Lần đầu tiên em đã cho phép mình hư như vậy, và em đã giữ gìn chúng như báu vật. Ba có biết nhưng không la. Giờ thì những tấm ảnh đó em không còn được giữ nữa. Ba đã “mượn” cất mất tiêu rồi…

Hải say sưa đọc, quên cả không để ý là Bảo Ngọc đã bưng ly café lên từ bao giờ, chị cũng ngồi vào chỗ hôm qua, cũng tư thế hai tay chống cầm, nhưng ánh mắt hôm nay không đăm đắm nhìn Hải mà nhìn bâng quơ xuống ly café. Hải vẫn còn tham lam đọc lan man đến những trang khác, không hiểu ông đang tìm kiếm lại mình hay tìm những vết sẹo trong tim Bảo Ngọc. Có điều chắn chắn là ông không muốn lỡ phải gặp một lầm lỗi nào của chị.

- Chuyện con nít cũng vui phải không? Uống café đi, đá tan lạt hết rồi đổ thừa Ngọc không biết pha.

- Chưa dám nói gì hết đó nha! Chuyện vậy mà kêu cũng vui. Hôm qua làm gì khóc dữ?

- Vui khóc.

- Đã có từng vui như vậy?

 

Ngọc đánh trống lảng:

- Coi thử café có vừa uống không.

Hớp một ngụm café, đặt ly xuống bàn, Hải hí hửng gật đầu:

- Dễ thương lắm

- Già đầu cứ như con nít.

Được trách yêu, Hải sung sướng lên mặt:

- Ai dám chửi Hải vậy?

 

Bảo Ngọc liếc thật nhanh, để lại đuôi mắt đằm thắm trong đôi mắt đầy ắp hạnh phúc của Hải. Bảo Ngọc nói lẩy:

- Ngọc tưởng Ngọc vẫn còn có quyền với tội phạm của Ngọc. Thôi thì, đàng hoàng chút được không?

- Thì nói café thôi mà. Hôm nay mà khóc nữa thì đôi tay này không còn khờ đâu đấy. Mà sao về đây vậy?

Bảo Ngọc nghiêm giọng:

- Giỏi thiệt. Mới nói bậy xong là làm bộ đánh trống lảng hỏi một câu. Mà công nhận Ngọc hư thật, chắc tại chửi không được nên khóc cho đỡ tức ngực, có muốn nghe trả lời không?

- Nghe thì muốn. Nhưng mà già không cho nói thì bao giờ mới trẻ lại được?

- Nữa! Nghe “trích ngang” đây: không còn gì nữa, về ngoại xin ăn, có gì cũng còn có gia đình.

 

Hải lợi dụng cơ hội, truy vấn:

- Có gì là có gì? Trong đó không có gia đình hở?

Bảo Ngọc lấp lửng:

- Không mà có hai đứa con sao?

- Huề vốn. Trả lời kiểu dễ tức ngực không.

Bảo Ngọc hỏi lại:

- Mấy đứa nhỏ Hải vẫn đi học chứ? Ngọc ít đi về nên cả chục năm mới nghe mẹ cháu mất.

 

Hải xa vắng:

- Biết sớm hơn để được gì?

- Xem con của Ngọc kìa, đứa lớn còn nhỏ hơn đứa nhỏ của mấy người.

- Chắc tại chung thủy với người xưa quá? Hay muốn đổ thừa tại người ta lấy vợ trước? Không lấy thì có còn ai bận lòng đâu!

- Mà bệnh sao chết vậy?

- Tại chồng bị nhốt kỹ quá, tận trong núi sâu, toàn là muỗi chống Mỹ, độc lắm, ở tù thì có chuẩn bị mùng mà người đi thăm thì không có, nên lên thăm về bị sốt ác tính chết. Đợt đó nghe nói thị xã mình chết ba bốn người gì đó.

- Kiếm mẹ khác cho con rồi phải không? Hình như Ngọc cũng biết người đó?

 

Hải trả bài:

- Biết còn hỏi. Có mong vậy không?

- Vui không?

- Vui chút chút, buồn chút chút.

 

Bảo Ngọc nhíu mày:

- Cũng huề vốn. Học trò thuộc bài nhanh đấy.

Chị muốn nói đùa cho vui, nhưng vẻ mặt chị thì như đã kéo cả người chị xuống đâu tận một vực sâu hun hút nào. Chị cắn môi, cố nhếch một nụ cười nửa miệng, mà lại không giữ nổi mấy giọt nước mắt vô kỷ luật đang lăn xuống môi. Không biết có phải vì bối rối nhớ lời “hăm dọa” mới rồi của Hải hay không mà chị vội chớp mắt cúi thấp đầu xuống. Hải bối rối hơn, nói một câu vớt vát vô duyên:

- Mình là anh em nhé!

Bảo Ngọc ngước lên, lắc đầu:

- Dẹp. Chỉ còn có hận thôi.

- Ngày ấy…

- Không là gì hết. “Hình như là…” vậy thôi.

 

Và chị hít một hơi thật sâu, như để lấy lại chút thăng bằng:

- Uống café đi. Ngon không?

- Ngon mà đắng. Uống miếng nhé?

Im lặng. Không khí như chùng xuống. Hai người không ai nhìn ai, cả hai cùng nhìn ly café, như muốn tìm trong đó những giọt ngọt đắng hai mươi năm nằm ở đâu đó.

Chặp sau, chừng như khó nén một tiếng thở dài, Bảo Ngọc lên tiếng:

- Trả nhật ký lại Ngọc.

 

Hải đẩy ly café tới, tiếc rẽ:

- Hải muốn giữ luôn?

 

Bảo Ngọc hớp một ngụm nhỏ:

- Không được.

- Vậy có trang nào mới viết đêm qua không?./.

 

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 2035
Ngày đăng: 07.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình bén duyên trâu - Mặc Tuyền
Chuyện ở hãng. - Trần Yên Hòa
Bàn tay trong một bàn tay - Trương Văn Dân
Đón Ba Về - Vĩnh Thông
Mộng trong giấc mộng - Trương Văn Dân
Những Mảnh Vỡ (30) - Nguyễn Thị Hậu
Tình Yêu Vẫn Song Hành - Lan Hương
Hai Trường Hợp, Một Cuộc Tình… - Mang Viên Long
Bác Sĩ Mụt Ruồi - Trần Minh Nguyệt
Kiều - Nguyễn Đình Bổn
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)