Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.221.801
 
Lệ Đá Xanh
Trần Thanh Hà

Thanh Tâm Tuyền

 

Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi.

 

Bài thơ Lệ Đá Xanh đã được nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc và nhạc sĩ Phạm Đình Chương lấy ý viết  thành nhạc phẩm Nửa hồn thương đau.

 

 

NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI

 

Triết học phương Tây đến bây giờ đã trở thành quen thuộc và có những tác động không nhỏ đến đời sống văn nghệ nước ta. Một số nhà văn đã trình làng vài tác phẩm mang hơi hướng Hậu Hiện Đại ( tuy khái niệm Hậu Hiện Đại vẫn còn nhiều tranh cãi) nhưng sự thật thành công không đáng kể. Thế nhưng từ những năm 60 thi đàn Việt Nam đã xuất hiện những dòng thơ mang cảm quan Hậu Hiện đại gắn với tên tuổi – Thanh Tâm Tuyền.

 

Là một nhà lý luận, tiếp nhận trực tiếp các luồng tư tưởng và văn học phương Tây nên không chỉ là người đầu tiên chủ trương đưa Freud vào văn học, say mê Nietzsche, nghiên cứu triết học hiện sinh mà ông còn thể hiện trong sáng tác. Sự cách tân táo bạo về mặt hình thức trong thơ Thanh tâm Tuyền đã được Thụy Khuê đề cập trong chuyên luận Cấu trúc thơ và bài viết của Đỗ Lai Thúy với nhan đề : Thanh Tâm Tuyền đi tìm tiếng nói. Nghiên cứu của hai tác giả đã khẳng định nhờ phá vỡ những hình thức có sẵn hay tính cách đứt đoạn của hình ảnh và cấu trúc xô lệch của ngôn từ…Thanh Tâm Tuyền đã làm nên những vần thơ nổi loạn, đầy sáng tạo, đầy cá tính.

 

Bài Lệ đá xanh nếu nhìn về hình thức ta cũng có thể nhận ra những dòng thơ tự do đến hỗn loạn, những câu chữ dài ngắn đan xen, những hình ảnh trái ngược đồng hiện…tất cả như những mảng màu, những mảnh vỡ trong kiệt tác của Picasso. Đó là đặc điểm chung của nghệ thuật thế kỷ XX - làm nổ tung văn bản nghệ thuật . Cũng có thể nhận xét như Đỗ Lai Thúy : Thơ Thanh Tâm Tuyền, với nỗi buồn sâu thẳm, với sự hốt hoảng và sự cuồng nộ của nó, vẫn nằm trong phạm trù văn chương hiện đại. Nhưng xét một mặt nào đó ( và riêng bài thơ này) ta vẫn nhận ra cảm quan Hậu Hiện Đại trong thi phẩm. Mặc dù thái độ đối với sự đổ vỡ của thực tại không vui vẻ tưng bừng như hôm nay; nhưng cái nhìn về thực tại, tư duy nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền thì đến  bây giờ nhiều người không sánh kịp.

 

Xét cho cùng sự đổi thay về phương thức biểu đạt đều khởi nguồn từ quan niệm về con người của thi nhân. Thanh Tâm Tuyền không chỉ có cái nhìn mới về thế giới và con người mà dường như cảm thức về con người trong triết học phương Tây đã ăn vào máu thịt để những vần thơ viết tình yêu trong một đêm dầm dề mưa đổ vẫn mang màu sắc triết lý. Hay có thể với quan niệm tình yêu là phương tiện của hành động mà trong lời tựa Liên đêm mặt trời nhìn thấy ông viết : thế giới tuyệt đối của ái tình bị phá vỡ, những thần tượng sụp đổ. Tình ái cũng bị làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức. Vậy nên, viết về tình yêu, nơi con người hiện lên sống động và chân thực nhất, Thanh Tâm Tuyền vẫn thể hiện một cái nhìn về thực tại , cách nhìn thế giới như một sự hỗn độn, nơi không còn bất kỳ tiêu chuẩn giá trị và định hướng ý nghĩa nào ; là “cơn khủng hoảng niềm tin” vào những giá trị đã từng tồn tại trước đó. Đây là cảm quan Hậu Hiện Đại.

Con người chưa bao giờ đáng thương như trong thế kỷ này. Không còn niềm tin, đánh mất tôn giáo, nháo nhác đi tìm bản thể…nhưng không rơi lệ như trăm năm trước vì lệ có lẽ cạn kiệt rồi hay phải trở thành một cái tôi khác mạnh mẽ cứng cỏi cho một cái tôi cô đơn, đau buồn dựa dẫm. Nên lệ không là dòng mà là đá :

 

Tôi biết những người khóc lẻ loi

Không nguôi một phút

Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình

Em biết không

Lệ là những viên đá xanh

Tim rũ rượi.

 

Cô đơn, cô đơn tuyệt đối là thân phận con người thời hiện đại. Đáng lẽ theo tự nhiên, theo cơ chế sinh học thì việc khóc luôn có tác dụng giải tỏa stress bởi  khi khóc con người nguôi ngoai, u sầu vơi cạn. Thế nhưng, những giọt lệ lại tìm đường chảy về tim để tích tụ, đông cứng thành những viên đá xanh trĩu nặng. Hành trình này trái với tự nhiên và điều đó cũng đồng nghĩa là lệ rơi càng làm cho nỗi khổ đau chồng chất. Hay đó còn là một hình ảnh khác của con người hiện đại – đánh mất hết độ nhạy cảm trong tâm thức làm người. Dù hiểu thế nào thì vẫn thật thảm thương và xa xót. Những câu thơ đau khôn tả, diễn đạt cực mạnh về nỗi cô đơn. Thụy Khuê cho rằng Thanh Tuyền đã mạo hiểm để liên kết những vật vô cơ như đá, với hữu cơ như nước mắt, cùng sinh vật huyền nhiệm như trái tim con người. Song, có thể thấy cách liên kết này không phải mạo hiểm mà là điều tất yếu dưới một cái nhìn về thế giới là hỗn độn, phi lý. Mảnh đất riêng biệt của tình yêu không tồn tại nên “ việc gặp gỡ giữa cái ô và cái máy khâu trên bàn phẫu tích” là hiển nhiên. Thanh Tâm Tuyền đã chọn được những hình ảnh tương phản nhất, đối chọi nhất để biểu đạt như : trái tim với viên đá xanh ( Lệ đá xanh)  tấm lòng với kè đá ( Bao giờ)  khuôn mặt em với cẩm thạch ( Đêm)…Ta nhận ra hai phạm trù hoàn toàn đối lập : một bên tượng trưng cho cái đẹp, cho tâm hồn, cho xúc cảm phải đối mặt với một bên lạnh lùng, tàn nhẫn, vô tri. Thế giới là như thế - chỉ là những mảnh vỡ, sự hỗn tạp, mất ranh giới…

 

Mất bên ngoài, loài người đi tìm bên trong và lấy tình làm cứu cánh. Nhưng ngay cả trong tình yêu nỗi hoài nghi cũng đã ăn mòn  hoen gỉ. Thời đại Phục Hưng, thơ ca lãng mạn đã khoác cho nữ thần Tình ái chiếc áo nhiệm màu, trái tim người được vỗ về an ủi vì còn nơi để tôn thờ, nâng niu; Nhưng, đến giờ con người mất sạch : từ cái đẹp đến tình yêu và người tình. Ba khổ thơ tiếp nối là cuộc hành trình con người đi vào miền trống rỗng :

 

Đôi khi anh muốn tin

Ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể

Mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em

Đến ngày cuối

 

Nhà thơ đặt cận kề hai hình ảnh sao và mắt để biểu đạt cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp không thể bị phá hủy, tiêu diệt. Vậy mà, tất cả dần mất hết, chỉ còn mỗi trời sao con người cũng không dám tin sự tồn tại vĩnh hằng của nó. Bầu trời sao không chỉ là hiện thân của cái đẹp mà còn biểu trưng cho giấc mơ. Loài người dẫm chân trên thế giới đổ nát, điêu tàn bao giờ cũng ngóng vọng lên trời sao để tìm niềm hy vọng, để gửi gắm ước ao. Bi đát thay, trong không gian mơ mộng đó, trong cõi tiềm thức tưởng như bất khả nhận thức đó thì nỗi hoài nghi vẫn công phá không xót thương. Vượt ra ngoài trời, ngoài nhận thức thì ý niệm về cái đẹp, về hy vọng cũng bị đổ vỡ. Con người mất bên ngoài, mất bên trong nên phải đi tìm một miền đất khác :

 

Đôi khi anh muốn tin

Ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế

Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em

Nguồn sữa mật khởi đầu.

 

Thi nhân dìu tình yêu ra ngoài cõi sống, nhưng ngay cả ở trên nhân thế ở ngoài nhân thế tình vẫn không tồn tại. Trong thế giới của thượng đế nỗi hoài nghi vẫn len lỏi cấu xé hồn người. Con người càng nhận thức thì càng bi thảm vì ít ra trong cái ảo tưởng về một thế giới khác vẫn còn đọng lại niềm hy vọng. Con người tỉnh táo quá để nhìn vào nhiều thế giới cùng một đáp số - nothing. Không có vườn địa đàng, chẳng còn đôi môi em và cùng với những cái không ấy là không một sự khởi đầu đồng nghĩa với không sự sống. Nhà thơ như tra vấn người đọc, như tự hỏi mình : Con người sinh ra từ đâu? Đi về đâu? Tồn tại là gì?... Những câu thơ mang nặng triết lý của Heidergger về thân phận làm người.

 

Cái đẹp, tình yêu đã rời xa nhân loại, còn sự hiện diện của hữu thể; nhưng hữu thể có tồn tại không khi chính mình cũng phải tìm gọi tên mình thì một hữu thể khác có chắc còn hay không :

 

Đôi khi anh muốn tin

Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết

Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em

Vòng ân ái.

 

Con người hiện đại bấu víu vào chiếc phao cứu sinh cuối cùng là tình dục. Khi quay trở về với bản năng gốc con người như tìm ra sức mạnh bên trong của mình, như tìm được một hữu thể đồng điệu. Rất nhiều nhà văn Hậu Hiện Đại khai thác vấn đề này. Nhưng Thanh Tâm Tuyền còn nhìn ra ngay cả vòng ân ái cũng không có một hữu thể để sẻ chia. Mất dần, mất mòn – từ đôi mắt em, hiện thân của cái đẹp; từ đôi môi em, hiện hữu của tình yêu và từ cánh tay em, hiện diện một sinh thể…Nhà thơ đã nhiều lần thốt lên trong chới với : Em, hãy mở cửa trái tim. Nhưng, những trái tim yêu đã hóa thành sỏi đá.

 

Tất cả là sự hủy diệt. Tình yêu, điều tưởng chừng thiêng liêng, cao đẹp nhất trong con người đã chết. Trôi dạt về đâu? Cứu cánh ở đâu? Con người trần trụi giữa thế giới đầy oán thù và tội lỗi. Điệp khúc Đôi khi anh muốn tin như một tiếng khóc dài cho nhân loại tha hóa và sa đọa. Cấu trúc câu thơ đã mang một bi kịch nhức nhối : niềm tin không còn nhiều thì đôi khi hãy trở lại; nhưng trong cái  rất ít ỏi muốn tin lại  không thể tin ; cố dối mình để tin mà không được.

 

Lệ đá xanh tiểu biểu cho hồn thơ Thanh Tâm Tuyền : kết cấu tương phản, tư duy hiện đại, đậm triết lý mà vẫn giàu chất thơ. Chất thơ toát ra từ nhiều hình ảnh đẹp : trời sao, mắt em lấp lánh; trái cây vườn địa đàng, môi em ngọt ngào; cỏ hoa tinh khiết, tay em quyến rũ. Tuy nhiên, tất cả hình ảnh đẹp đó chỉ là quá vãng, không thực. Song càng đẹp bao nhiêu, càng quyến rũ bao nhiêu thì tứ thơ càng bộc lộ nỗi cô đơn, đau đớn của con người bấy nhiêu. Vì tất cả đã bị hủy diệt. Thành công của Thanh Tâm Tuyền chính là ở chỗ ông đặt ra sự tương phản nghiệt ngã giữa một thế giới hoa mộng đã bị mất đi cạnh một thế giới cô độc, trống rỗng đang hiện hữu trong mỗi người. Lời thơ vì thế không chỉ là kết quả của một tâm hồn giàu cảm xúc, là trái tim đầy tình yêu mà còn là một trí tuệ đi trước thời đại.

 

 

Trần Thanh Hà
Số lần đọc: 2693
Ngày đăng: 09.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai Bài Thơ Trong Thời-Cuộc Mà Như Ðứng Ngoài - Trần Văn Nam
"Phận đèn", tứ tuyệt thi Kinh Bắc... - Đặng Văn Sinh
Con chim chỉ được hót trong đêm - Nhật Tuấn*
Khúc Tình Buồn - Trần Thanh Hà
Phạm Chu Sa Mênh Mông Cõi Tình - Nguyễn Lệ Uyên
Một Vạt “Nắng trên đồi” - Chế Diễm Trâm
Đánh thức châu thổ - Trần Quang Quý
"Nguyễn Thị Lộ", một tiểu thuyết hư cấu hạ thấp phẩm giá vợ chồng Nguyễn Trãi - Đặng Văn Sinh
Nỗi Nhớ Quê Nhà Trong Thơ Lâmhảokhôi - Trần Phù Thế
Trăn Trở … Nguyễn Minh Châu - Chế Diễm Trâm