Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.341
 
Chút Huế: Vườn xưa
Hà Thủy

 

 

Ngồi nhìn nắng mùa Đông nhàn nhạt qua cây lá ở sân sau nhà, nghe bản nhạc lại chợt nhớ đến những khu vườn đã sống thuở thiếu thời. Theo phong tục truyền thống "con so về nhà mạ" nên tôi sinh ra ở quê ngoại, lên sáu mới về quê nội, cả hai nơi đều được sống trong những khu vườn chứa nhiều kỷ niệm nho nhỏ của tuổi thơ. Đã quá lâu, hình ảnh cũng khá mơ hồ chỉ còn lại những cảm giác váng vất khi nhớ về.

 

Quê ngoại là một thị trấn cổ và nhỏ, có một ngôi chợ khá lớn nằm bên con sông nhỏ có chiếc cầu ván đóng đinh đơn sơ, một bến sông cũng là chợ cá và hai dãy hàng quán nằm hai bên con đường nhỏ được tráng nhựa một đoạn, vài chiếc xe chở khách đi thành phố nặng nề cũ kỹ đậu trên đường, chỉ có vậy còn chung quanh là làng mạc, ruộng đồng. Nhà ngoại ở tận cuối làng gần kề những cánh đồng lúa mênh mông đứng nhìn không thấy làng bên kia. Vườn ngoại rộng, lũy tre bao quanh, ngỏ vào hẹp giữa hai hàng cây thấp, khoảnh sân nhỏ, ngôi nhà gỗ thấp, dưới mái hiên nhà treo đầy những giò phong lan, những lồng chim đủ loại, một cái thú của ông ngoại là đi bẩy chim khắp vùng và nhiều nhất là chim cu, giữa buổi trưa yên ắng nhìn nắng chói loà trên mặt chiếc sân lát gạch, nghe tiếng gù gù của những con chim cu thêm văng vẳng tiếng hò ru con từ nhà hàng xóm cứ gây buồn buồn vô cớ cho cậu bé mới lên năm. Khu vườn sau khá lớn, hồi nhỏ thì thấy rộng mênh mông và nhớ chưa từng đi hết cả vườn, vườn nông thôn nên trồng toàn cây trái rau quả, chỉ có vài bụi hoa dại cạnh hàng rào. Nhỏ quá nên chẳng có kỷ niệm gì, có chăng là nhớ được ăn nhiều trái cây, những sáng sớm nghe tiếng chim ríu rít, tiếng lóc cóc móng ngựa gõ xuống mặt đường, tiếng lục lạc của chiếc xe thổ mộ chạy trên con đường đất dọc hàng rào chở hàng hóa và khách từ làng xa đến thị trấn.

 

Làng nội ở ngoại ô thành phố, chỉ cách trung tâm thành phố hơn hai cây số, nửa nông thôn nửa thành thị. Ông nội là quan về hưu nên khu vườn được chăm sóc cẩn thận, đẹp và hài hòa theo một chuẩn mực của Huế xưa, thỉnh thoảng được theo ông nội thăm những người bạn thấy vườn nhà nào cũng na ná giống nhau chỉ khác về độ rộng và chi tiết, cũng chiếc cổng gạch, rồi là bình phong, bể cạn, hòn non bộ, giàn hoa trước mặt nhà, những chậu cây kiểng được uốn thành hình long phụng, cũng mai, lan, cúc, trúc tứ quân tử biểu tượng cho bốn mùa, hai góc vườn trước có hai chiếc am nhỏ không biết thờ ai chiều nào cũng nhang khói, ngày mồng một, rằm lại cúng thêm hoa quả, chè xôi. Vườn nội cây cối xum xuê đầy đủ các loại hoa và cây trái, rau quả, nhớ mùi thơm dịu dàng của hoa sói, hoa mộc lan mỗi sáng hái vào cho ông nội ướp trà, mùi thơm nồng của hoa hàm tiếu, thơm ngát của hoa dạ lý hương về đêm. Nhớ cây vải trạng với chùm gốc lớn, phủ rợp một khoảng rộng ở vườn sau, những ngày hè nóng nực nằm dưới gốc cây mát mẻ ngủ thiếp giữa tiếng ve râm ran, lại nhớ chiếc ao hẹp cuối vườn chạy dọc theo lũy tre dày, mỗi mùa mưa đầy nước thả những chiếc thuyền giấy nhỏ, nhớ cả mùi nồng nồng của hơi đất khi nắng lên sau những cơn mưa. Cả một tuổi thơ gần như sống trọn trong khu vườn, cùng hoa lá cây trái bốn mùa thay đổi, với những tháng ngày chiến tranh chưa khốc liệt. Khi ông nội mất đi vườn cũng tiêu điều dần, điều rất lạ lùng là ngày ông mất theo tục lệ không rõ từ đâu tất cả những cây ông trồng đều được  quấn khăng tang trắng, vậy mà chỉ không lâu sau những cây hoa hay cây trái được ông tận tay chăm sóc và thích nhất cũng lần lượt khô dần rồi chết cho dù vẫn được chăm sóc cẩn thận, vận mệnh con người và cây cối gắn bó nhau đến khó tin.

 

Khi lớn lên thì chỉ sống toàn nơi phố thị xứ khác, những khu vườn xưa qua chiến cuộc và thời thế đã biến mất hay không còn nguyên trạng nay chỉ còn trong tâm tưởng, có gặp được những khu vườn dù lớn và đẹp thì cũng không giống vườn xưa, mỗi nơi mỗi cảnh vườn khác biệt nên hồn vườn mỗi khác. Duy chỉ nhớ một lần xuống chơi với bạn bè ở tận miền Tây Nam bộ, một chiều rủ nhau vào uống quán cà phê trong một sân vườn, vừa bước vào cổng đã có cảm giác quen thuộc, từ ngôi nhà cho đến sân vườn đều mang đậm nét Huế, hỏi một hồi mới biết chủ nhà ngày xưa quê ở đây, ra thi và làm quan gần suốt cả đời ở Huế, khi về hưu trở lại quê hương và mang theo luôn cả phong cách xứ kinh thành vào đây, thật hiếm có ở một nơi cách xa ngàn dặm và quá khác biệt phong tục tập quán địa phương, ông chủ quán là cháu chắt đời sau lại chưa hề nghe hay biết Huế là xứ nào cả.

 

Ngồi nhớ những khu vườn xưa khi đang nghe bản nhạc Vườn xưa. Vườn xưa trong bản nhạc của người nhạc sĩ tài hoa là một vườn xưa khác, một vườn xưa không cụ thể chẳng biết nơi đâu, ở đâu cũng có thể có và chỉ là một phối cảnh của một mối tình nhưng không hiểu sao cứ nghĩ rằng là vườn ở Huế, có lẽ người nhạc sĩ là người Huế, người nữ ca sĩ chất giọng cũng mang đầy âm hưởng giọng Huế. Bản nhạc có giai điệu chậm buồn, lời ca diễn tả người trở lại vườn xưa tìm người con gái, nay cửa đóng then cài, đã hờ hững và đi lấy chồng, buồn, luyến tiếc, chỉ có vậy nhưng với lời ca giản dị mà đầy ẩn dụ, những “về nơi bế bồng”, “thuyền chở thuyền quyên”, “loài hoa trắng hồng” đã khiến bản nhạc nghe mụ cả người. Đôi khi có những liên tưởng rất kỳ quặc đầy cảm tính, nghe nhắc vườn xưa của một mối tình lại lan man nhớ về những mảnh vườn trong ký ức, chẳng liên hệ gì với nhau, mà cũng chẳng có người con gái nào trong những khu vườn ngày xưa cà. Hay là ở một tuổi tình nầy tình nọ hỗn mang thì tình nào cũng là tình nên vườn nào cũng là vườn xưa cả./.

 

 

Hà Thủy
Số lần đọc: 2529
Ngày đăng: 16.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thời Áo Trắng - Cẩm Loan
Cái Chết Bức Bối Của Một Nhà Thơ - Phạm Nga
Tháng Ba, Vía Bà Ngũ Hành - Phạm Nga
Thấp Thoáng Trong Mây Bắt Gặp Bà Bà - Minh Nguyễn
Tiếng Kèn Đồng Ứa Lệ - Đinh Cường
Trịnh Công Sơn, Uống Chung Ly Rượu Này - Đinh Cường
Dương Kiều Minh tràn ngập âm thanh mê đắm và khoái cảm - Nguyễn Linh Khiếu
Chút Huế: Vôi đá trên thành - Hà Thủy
Bánh Căn Trên Phố Sài Gòn - Lê Ký Thương
Mười Một Năm, Cũng Chỉ Là Khoảnh khắc - Lữ Quỳnh