Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.222.752
 
Sơn La Ký Sự 2
Nguyễn Khôi

 

Bài 8:

ĐÁM CƯỚI NGƯỜI THÁI

 

 

Ở người Thái: con gái khi lên 13 tuổi, trai 15 tuổi thường tổ chức nhuộm răng đen. Lấy cây “mạy cù”, mọc ở núi đá, đốt lên khói hơ vào miếng mai sắt thành dọt nước, trai gái nắm tay nhau, kể anh chị em. Trai lấy ngón tay miết giọt nước trên mai (cái mai đào đất) tra vào răng gái, gái tra vào răng trai. Sau đó hai người nắm tay nhau xuống thang đến bậc cuối, cùng nhảy xuống. Từ đấy trở thành trai gái thiếu niên. Từ đấy trở đi mới được ra chơi “Hạn Khuống” hát giao duyên tìm hiểu nhau (nghĩa là sang tuổi cập kê):

 

* Xíp pi ủa chắng dựt pên sao

Chái chắng dáo pên báo

Xíp xam chắng hụ thi bú

Xíp xí chắng hụ hú khẻo xóư chi son sao

Pánh há chắng hụ tắt xứa hổm nốm

Hụ hom phôn dệt chọng

Dóng Khửn khuống đang pháy

* Mười tuổi em đang lớn thành gái

Anh cũng lớn thành trai

13 tuổi em biết bắt cá suối

14 tuổi biết nhuộm răng đen làm duyên

Biết may áo che vú

Biết dành tóc làm độn

Óng ả lên sàn nhóm lửa

 

Khi 2 người tỏ tình gọi là “ổ báo sao”. Tiêu chuẩn là con gái phải biết se sợi, dệt vải, con trai phải biết đan lát những đồ dùng trong nhà. Gái sau khi có chồng con phải lo quần áo mặc, chăn đệm nằm cho chồng con. Trai phải lo tự túc đủ các thứ đồ dùng lặt vặt để đựng thóc gạo, rau, thịt cá, đồ dùng nấu cơm.v.v…

 

Tục cưới xin: Sau khi trai gái đã tìm hiểu “yêu nhau”, trai nói với bố mẹ đi tìm bà mối đến thăm dò nhà gái (gọi là pay chóm), thuận thì đi đến:

Lễ ăn hỏi: 1 đôi gà to, vài ba bát gạo, rượu, bánh kẹo, hoa quả đưa sang nhà gái. Ở Quỳnh Nhai cụ thể là:

 

Đồ lễ dạm hỏi gồm:

- Trầu 1 gói, vỏ trầu 1 gói, cau 5 kg

- Thuốc lào 1 - 2kg, thuốc lá 1 - 2 tút.

- Chè uống 2 - 3kg.

- Bánh kẹo tự chế 5 - 10kg.

- Hoa quả 5 - 10kg.

- 1 đôi gà (1 trống - 1 mái) 3 - 4kg.

- 1 con lợn 45 - 50kg

- Gạo nếp thơm (khẩu lương phửng ) 15 - 20kg.

- Gạo tẻ thơm (khẩu xẻ lạo lựu) 15 - 20kg.

- Rượu gạo: 40 - 50 lít.

Lễ dạm hỏi: (Lễ tham pặư).

Đội hình: 10 chàng trai + 5 cô gái sang nhà gái phục vụ cỗ bàn.

- Thách cưới: Khá nặng

Ở Mường La, Thuận Châu (thời 1900 - 1970) ngoài rượu thịt, còn là 1 máy khâu 5 con bướm (TQ) 1 xe Favorit (980đồng lúc bấy giờ: Lương phó ty có 80đồng)… ngoài ra là:

- Trầu 1 gói, vỏ trầu 1 gói, cau 5 kg

- Thuốc lào 1 - 2kg.

- Thuốc lá 100 - 200 bao.

- Bánh kẹo  5 - 10kg.

- Đường kính 5 - 10kg

- Hoa quả 50 - 100kg.

- Lợn béo 1 - 2 tạ

- Rượu gạo ngon 200 - 300lít.

- Gạo nếp ngon 1 - 2 tạ.

- Gạo tẻ ngon 1 - 2 tạ.

- Pa dăm (cá sấy rạch sườn) 10 - 20kg.

- Pa giẳng (cá sấy nhỏ) 10 - 20 giỏ

- Cá mắm 3 - 5kg đựng trong ống nứa.

- Cá ướp 3 - 5kg (nhiều ống).

Đám cưới được tiến hành trong 3 ngày 3 đêm.

Ngày 1: Chuẩn bị, dặn dò, cống nạp xong.

Ngày 2 (đại lễ): Thường nhà trai chọn giờ xuất phát (tránh giờ Dần) lấy giờ Mão (chớ mẩu).

 

Đi tiền trạm là 2 chàng trai “dò đường” tránh điềm xấu (có đám tang) để tránh.      

 

Đoàn đưa rể: Ông mối, bà mối, phù rể 2 người khiêng đệm, 1 người vác chiếu (1 cót mây và 1 chiếu cói), 1 người đeo chăn, 2 người khiêng lợn, 2 người khiêng các lồng gà, 2 người khiêng rau và các thực phẩm khác, 1 người gánh các ống cá ướp.

 

Tất cả đều mặc đúng phong tục như áo cóm cúc bạc, áo dài (xửa luông), quần áo Thái nhuộm chàm láng củ nâu. Riêng chàng rể đeo dao bên hông, vai khoác túi, 1 tay khoác nón Thái. Ông mối đội khăn xếp mặc áo dài the, quần lụa trắng. Bà mối mặc áo dài (xửa luông), tóc quấn vòng hoặc búi sau gáy, (đây là Thái trắng Quỳnh Nhai) pắn cẩu bứt láy.

 

Có đội kèn “pí kẻo” vừa đi vừa đánh trống thổi kèn kèm pháo nổ… gây ồn ào phấn chấn.

Nhà gái chọn giờ đón rể (giờ Thìn - chơ xi)… nhưng rể cũng phải được xem lá số hợp “mệnh” với vợ chồng, ông bà nội ngoại (ta nái, pú da). Tục té nước, ném quả me tròn, hạt bông vải vào đoàn nhà trai.

 

2 chàng phù rể bước lên cầu thang máng hẳư (gian bếp), nhà gái ngăn lối, phải lạy quỳ “xin phép” được giăng tấm vải đỏ ở phía bên khung cửa (gọi là cả hồng) ý chúc phúc nhà gái và báo là nhà đã có rể.

 

Hai bà mối vào cửa ngồi xổm dâng 1 phong bì tiền dâng cưới đặt lên bàn.

Nhà gái có 2 bà đại diện (thẩu nái) đem cơi rượu ra làm lễ đón nhận - rồi hai bên hát đối đáp.

Lễ cưới linh đình 3 ngày. Rồi rể phải ở rể qua các chặng:

- Khươi quản (ngủ một mình ở gian ngoài cùng) sau 1 - 2 năm mới được chung chăn gối (thời gian thử thách) - bị đuổi là mất hết.

- Ở rể 1 - 3 năm. Có trường hợp không phải ở rể (do thỏa thuận 2 bên).

Lễ thành hôn gọi là “xú phả”: Kết búi tóc ngược “tăng cẩu”: Nhà trai đem đến 1 đôi vòng tay bạc, 2 nhẫn, 1 đôi hoa tai, trâm cài tóc và 2 độn tóc gói vào vải thổ cẩm. Lễ tạ ơn mẹ vợ phải có 1 đôi vòng tay bạc và 5 đồng bạc trắng. Biếu bố vợ gọi là tiền “rổ cá, rổ thịt” cùng khoản lễ đó gọi là “tạ ơn dòng sữa mẹ đã nuôi con và ơn cha đã kiếm cá, thịt về nuôi con khôn lớn”.

Bên nhà gái phải có màn, thường dùng vải dày nhuộm đen chàm, có đệm và chăn gối.

Sau khi “tằng cầu” bà nào tốt số thì đưa 2 vợ chồng vào nắm tay nhau trong màn (người Kinh là vào rải chiếu).

 

Lễ cưới Thái tốn kém, ở rể khổ ải như một thời làm nô lệ (cuông nhốc dưới chế chế độ Phìa Tạo).

 

Bài 9:

CẦU VÀO BẢN

 

 

“Mường của anh có cầu gang, cầu sắt

Bản của em có cầu lim lõi chắc

Cầu lõi chắc bắc đôi cho anh qua lại

Thăm nhau dù nắng mưa không gì ngại”

- Cầm Biêu

 

Chao, “về bản” đúng như nhà thơ của bản đã tả “Bản của em và Mường của ta/ đường đi lại quanh có uốn khúc/ đường đi mãi hết đèo lại dốc/ đường đi qua rừng dướng, luồn rừng giang/ và đi theo con suối về làng/ dòng suối nhỏ chảy quanh bụi nhót/ rồi chảy lọt giàn dưa…”

 

Chao, bản trước mặt là sông, bên hông bản là suối. Sông buổi sớm như mặt gương phẳng lặng cho ta soi bóng. Sông có đêm nước lên gầm gào như chó sủa… còn suối bên đầu nhà quanh năm trong xanh rì rào thủ thỉ… chiều chiều đón em gái ra hái bon, xúc ốc.

 

Chao, con đường về bản là phải luồn rừng rồi đi dọc bờ sông, lội qua suối đầu bản… Để dân bản mùa lũ không phải lội suối nguy hiểm … thế là cả bản hò nhau lên núi vào  rừng đại ngàn chặt 8 cây lim to lõi chắc, phạt hết cành lá rối xúm nhau “kéo”, đẩy, bắn, bẩy tuột xuống suối “dòng” lôi về bản để bắc cầu qua suối. Trên mặt cầu được lát bằng phên tre đan để cụ già, trẻ con, trâu bò, ngựa đi qua không bị lọt chân…

 

Chao, chiếc cầu gỗ bắc ngang con suối.

 

“Nước suối có lúc cạn lúc lũ

Nước trên rừng lúc hiền lúc dữ”

- Nông Văn Bút

 

Đó thật là:

 

“ Cầu chúng ta vừa cao vừa chắc

Chẳng còn lo nước lũ, suối sâu

Cũng đón ông giáo Tiếp sang cầu

Để người già mừng khỏi khi mình chết

Không biết chữ nào bụng người còn tiếc”.

- Nông Văn Bút

 

Giữa bản mường núi sông hùng vĩ, rừng xanh tít tới chân trời thì cái cầu gỗ bắc ngang qua con suối rỉ rả vào thẳng tới chân cầu thang nhà sàn đầu bản như là biểu tượng của hồn bản, hồn mường. Chính nơi đây những đêm thu trai gái bản ra đứng trên cầu đàn đúm: thổi khèn, thổi sáo, đánh đàn “tính”, hát giao duyên, ngắm ánh trăng vàng mênh mang trôi theo dòng suối ra ngoài sông âm vang tiếng thác.

 

Chao, chiếc cầu vào bản - cầu gỗ, dân bản tự làm tự bắc cho mình bằng chính vật liệu thiên nhiên của rừng quê, nó thân yêu thánh thiện làm sao, dịu chân, mát mắt vô cùng, nắng mưa đều hiền như bản, thầm lặng thanh bình để ta:

 

“… đi cùng em

Cùng em tới

Bên kia sông Mã

Tìm rêu đá cùng nhau”

- Cầm Cường

Cầu vào bản thân thương là vậy.

 

Bài 10:

TIẾNG MÕ TRÂU

 

 

Chiều về “lốc cốc” mõ trâu

Âm vang tiếng bản bên cầu nước xanh

Khói thơm bếp lửa vờn quanh

Lùa trâu về Púng(1) bên ghềnh ngẩn ngơ.

- NK

(1) Púng: thung cỏ

 

 

Bài 11:

NÚI  MƯỜNG HUNG

 

 

DÒNG SÔNG MÃ

 

Con sông Mã chảy đến đây chừng như chững lại, mở rộng bồi đắp đôi bờ thành cánh đồng của Chiềng Cang, Mường Hung. Núi ở đây không cao lắm nhưng trên đỉnh có mây phủ với rừng đại ngàn ngút tới Thượng Lào (Hủa Phăn). Bản nhà ở đây đông vui trù phú với những ruộng lúa, bãi dâu xanh biếc, con gái ở đây da trắng nõn nà…

 

Ấy là vào hồi tháng 10/1953 có một chàng trai Thanh Hóa (Lê Gia Hợp) Đội viên Đội vũ trang tuyên truyền (Việt Minh) đã đi sâu vào vùng hậu địch, tới đây “cắm bản” để xây dựng cơ sở kháng chiến chống Pháp ở vùng biên giới Việt Lào. Ai ngờ, chàng ta lại là một thi sĩ, là cán bộ “bí mật” sống giữa lòng dân “3 cùng” với đồng bào, trước cảnh đẹp, người xinh… hồn thơ anh ta thấm đượm các khúc hát “khắp” - tình ca Tây Bắc viết theo kiểu ví von (anh là/ em là…). Thế là một bài thơ tự nhiên xuất thần:

(Mường Hung = mường trong sáng)

 

NÚI MƯỜNG HUNG

DÒNG SÔNG MÃ

 

Anh là núi Mường Hung

Em là dòng sông Mã

Sông nhiều rêu, nhiều cá

Núi nhiều thú, nhiều măng

Chiều bóng anh che sông

Sớm mắt em lóng lánh

Sáo cành cây anh thổi vang lanh lảnh

Gió  lùa qua miệng anh lại mỉn cười

Giữa lòng em thuyền độc mộc ngược xuôi

Như trăm nỗi băn khoăn khi đến tuổi

Nếu trời làm em sóng nổi

Anh ngả mình ngăn lại lúc phong ba

Em là búp bông trắng

Anh là ngọn lúa vàng

Thi nhau lớn đẹp nương

Tỏa mùi thơm cùng nghe chim hót

Em cứ về nhà trước

Đợi anh ở bên khuông

Anh là no lòng Mường

Em làm vui ấm bản

Nếu con gấu dẫm gẫy cành bông trắng

Lá lúa anh sẽ cưa đứt chân

Nếu lúa này chuột khỉ dám đến ăn

Sơ bông em sẽ bay mù mắt nó

Anh là rừng thẳm

Em là suối sâu

Cây rừng anh làm cầu

Bắc ngang lên lòng suối

Hoa rừng nở đỏ chói

Soi bóng xuống lòng em

Suối chảy quanh ấp rừng vắng ngày đêm

Cây gỗ lớn là tay anh vững chắc

Nếu hùm qua suối em thành thác

Nếu sói về rừng anh sẽ thành chông

Quyết chẳng chịu đau lòng

Đời chúng ta rừng núi

Suối em phá tan bóng tối

Rừng anh chặn lại bão giông

Để anh lớn mãi thành núi Mường Hung

Em ngoan chảy thành dòng sông Mã

Mường Hung 10/1953

Cầm Giang

 

Bài thơ chép tay, được gửi qua “giao thông” về hậu phương… với bút danh Cẩm Giang (ý là quê vùng Cẩm Thủy - Thanh Hóa bên dòng sông Mã hạ lưu)… nhưng khi đến tay cô đánh máy (ở căn cứ báo chí) thì cô này phát hiện cái phi lý ở cái tên tác giả - ở Sơn La có họ Cầm, họ Lò… chứ làm gì có họ Cẩm? thế là cuối bài thơ in ra được đề tác giả Cầm Giang.

 

Bài thơ sau đó được nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh phổ nhạc thành bài “Tình ca Tây Bắc” nổi tiếng trở thành “khu ca” của đài phát thanh Tây Bắc một thời.

(Nhạc sỹ thực ra chỉ lấy 1 số câu, còn là mô phỏng thơ Cầm Giang mà thôi).

 

Bài thơ thực ra cũng chưa hay lắm, nếu so với “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh, “Đèo Cả” của Hữu Loan thì cón cách xa mấy quăng dao.

 

Bài thơ viết theo kiểu ví von của Trường ca Tản chụ xiết xương (tâm tình người yêu): Trai đáp/ gái đáp nên có giọng điệu dân ca Thái, để người đọc dễ tưởng đây là 1 tác giả dân tộc Thái.

 

Có câu sáng giá:

 

“Giữa lòng em thuyền độc mộc ngược xuôi”

 

Làm ta nhớ lại từ hồi 1936, Lưu Trọng Lư đã viết:

 

“Mắt em là một dòng sông

Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em”

 

Rồi các câu khá ấn tượng mới mẻ:

 

Anh làm no lòng Mường

Em làm vui ấm bản

 

Đoạn dưới “ký sự” kiểu thơ tuyên truyền hô khẩu hiệu của thời kháng chiến chống Pháp (mà Bùi Ninh Quốc, Phạm Tiến Duật sau này với “đường ra trận mùa này đẹp lắm” đã vượt trên cả Tố Hữu, tất nhiên là dưới tầng Chế Lan Viên).

 

Tuy vậy, xét về bố cục cấu bài thơ (mở đầu, thân bài, kết luận) thì tài hoa thơ Cầm Giang so các cây viết thời 1946 -1954 ở Tây Bắc thì Cầm Giang vẫn là số 1. Hai câu kết có thể nói là Đẹp, khá đắt:

 

Để anh lớn mãi thành núi Mường Hung

Em ngoan chảy thành dòng sông Mã.

 

Đó cũng là cái “bất tử” của một tứ thơ lạ “đẹp” cùng với quê hương xứ sở.

Năm 1961, NXB Văn học có in cho Cầm Giang tập thơ “Rừng trắng hoa Ban” gồm 30 bài, bài viết sớm nhất “Quả còn” Lai Châu 7/1950, bài cuối “mở lò thông gió” 1959 ở Mỏ Cẩm Thái Nguyên… xem kỹ chỉ có 1 bài đáng giá ở trên mà thôi.

 

Thơ khó là vậy

3/3/2012

 

 

Bài 12:

BÓNG NÚI

 

 

Em đi bóng núi nghiêng theo

Bụi tung vó ngựa qua đèo mù sương

Từ anh về với bản mường

Với trông bóng núi dặm đường em đi

NK.

 

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 3059
Ngày đăng: 24.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngồi lại với ký ức về An Phú - Nguyễn Hùng
Sơn La Ký Sự 1 - Nguyễn Khôi
Chút Huế: Vườn xưa - Hà Thủy
Thời Áo Trắng - Cẩm Loan
Cái Chết Bức Bối Của Một Nhà Thơ - Phạm Nga
Tháng Ba, Vía Bà Ngũ Hành - Phạm Nga
Thấp Thoáng Trong Mây Bắt Gặp Bà Bà - Minh Nguyễn
Tiếng Kèn Đồng Ứa Lệ - Đinh Cường
Trịnh Công Sơn, Uống Chung Ly Rượu Này - Đinh Cường
Dương Kiều Minh tràn ngập âm thanh mê đắm và khoái cảm - Nguyễn Linh Khiếu
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)