Dưới đây lời vua Bảo Đại hồi ký sau hơn nửa thế kỷ kể từ ngày hôm ấy (14):
“Về đến điện Kiến Trung, lập tức tôi cho mời Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài:
- Quan Thượng, Trẫm tin tưởng ở kinh nghiệm lâu năm của Ngài, để hỏi cho biết nhiệm vụ của Trẫm ra sao, và xin quan Thượng cho Trẫm biết tình thế nước nhà, đồng thời thử vạch cho Trẫm một chuơng trình làm việc.
- Kính tâu Hoàng Thượng, sự tin cẩn của Hoàng Thượng là một vinh dự lớn lao đối với lão phu. Nhiệm vụ của Hoàng Thượng ngày nay không còn giống như xưa nữa. Chính phủ Pháp trong thực tại đã nắm hết công việc của quốc gia trong tay. Còn về tình hình trong nước, thì ngoài sự xáo trộn ít nhiều ở Bắc Kỳ đang bị dẹp tắt, được coi như yên tĩnh và thịnh vượng.
- Nhưng còn quyền hạn của Trẫm, công việc của Trẫm? Các quan Thượng làm việc ra sao?
- Kính tâu Hoàng Thượng, trước kia thì mỗi bộ tâu trình lên Hoàng Đế và đệ lên dự án để xin quyết định. Nhưng sau khi đức tiên đế băng hà thì đã có một Thỏa Ước với nước Pháp, theo đó Hội Đồng Thượng Thơ sẽ họp dưới sự chủ tọa của viên Khâm Sứ, mình phải báo cáo và xin quyết định. Tòa Khâm ra chỉ thị, nhất là về ngân sách. Chính phủ Pháp thu thuế và trao lại cho Nam Triều đủ để trả lương cho nhân viên để có thể tồn tại.
- Chưa ai cho Trẫm biết về cái Thỏa Ước ấy, nếu trước đây Trẫm biết được, thì chắc hẳn Trẫm đã không chấp thuận.
- Kính tâu Hoàng Thượng, thỏa ước này là do Hội Đồng Phụ Chánh ký. Thực tế, nó trao hết quyền hạn cho viên Khâm Sứ từ chính trị đến tư pháp. Ở Bắc Kỳ hiện nay, viên Thống Sứ Hà Nội đang nắm quyền Phó Vương rồi.
- Vậy thì Trẫm còn gì?
- Hoàng Thượng còn giữ được quyền về nghi lễ, quyền ân xá tội nhân, quyền phong sắc cho các thần linh, quyền cấp phát tưởng lộc, phẩm hàm cho người sống hay người chết...
Tôi bàng hoàng trước lời tâu của vị lão thần này. Tôi cũng ghi nhận rằng ông ta không xen kẽ một sự phê bình nào, nhưng chỉ bằng sự tấu trình mộc mạc ấy ông ta muốn để cho tôi tự hiểu.”
Và cũng lời vị tân quân nhận xét về Thượng Thơ bộ Lại Nguyễn Hữu Bài:
“Cụ Nguyễn Hữu Bài trước kia là một chủng sinh nên có đời sống gương mẫu, đạo đức. Cụ có ảnh hưởng rất lớn trong cả hai triều đại cũ. Luôn trong hai mươi lăm năm, cụ là Viện Trưởng viện Cơ Mật. Tuổi vừa bảy mươi, người nhỏ nhắn, cụ nói và viết thông thạo tiếng Pháp và tiếng Latin.
Trong suốt thời gian phụ chính, cụ đóng vai trò quyết định. Được đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu gợi ý, chính cụ đã cùng Đức Bà sửa soạn đón tôi về. Cả hai vị đều mong muốn tôi có nhiều người phụ tá tân học trẻ tuổi để gánh vác việc nước.”
Và một chương khác, lời tác giả:
“...Rất trung thành với đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, cụ Nguyễn Hữu Bài được Đức Bà tín nhiệm. Mỗi khi có Toàn Quyền hay Khâm Sứ nào qua Huế đến viếng thăm bà, người không bao giờ quên đề cập đến các vấn đề Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài trước đó đã căn dặn đến độ thuộc lòng” (15).
Tín nhiệm vị lão thần một lòng vì dân vì nước, trong việc cải tổ chính phủ Nam Triều tháng 3 năm 1933 sau đó, theo lời đề nghị của Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài, vua Bảo Đại đã chọn ông Ngô Đình Diệm làm Thượng Thơ bộ Lại.
“... Tôi cho mời một viên quan trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, Tuần Vũ Phan Thiết để đảm trách Bộ Lại. Năm ấy 31 tuổi, ông Diệm nổi tiếng là thông minh, liêm khiết, được Nguyển Hữu Bài tiến cử trước khi về hưu” (16).
Vừa lên ngôi, vua Bảo Đại xuống Chỉ cho phép Cơ Mật Viện Trưởng từ nay mỗi lần vào cung được phép đứng, không phải ở ngoài sân chầu mà ở cạnh ngai rồng, một vinh dự độc nhất dành riêng cho vị lão thần Nguyễn Hữu Bài.
Nhưng mặc dù được vua quý mến, cảm thấy mình lớn tuổi, ông dâng sớ xin về hưu:
“... Người xưa lấy sự tham luyến lợi lộc làm thẹn và sách có chữ “tri túc bất nhục”. Phần tôi tài sơ chất hèn, gặp thế kỷ 20 này thiên hạ cạnh tranh văn minh, riêng tôi tấm thân vì nước trong 40 năm giữ chức trách quan trọng, đức tiên đế lịch lãm cuộc đời toan lo việc lớn chuẩn cho tôi làm Cơ Mật Viện Trưởng đại thần, tôi ngày đêm lo sợ, e phụ lòng tiên đế đã phó thác chăng?
... Tôi tuổi đến 70, quá lệ hưu trí, giữ lâu chức trọng quyền cao cũng e người ta nhạo báng; vả lại sức tôi yếu hèn mà công việc to lớn sợ không đương nổi chăng? ...”
Vua Bảo Đại không chấp nhận, ngày 18 tháng 10 năm 1932 ra chỉ Dụ:
“... Hiền khanh là bậc lão thành danh vọng to lớn, đương quyền nước nhà mà được hoàn toàn chức trách, quốc dân cũng tín ngưỡng công nhận. Trẫm mới thân chính lần đầu, phải sắp đặt nhiều việc, cần có hiền khanh tán trợ, hiền khanh nên nhung lưu chức chướng...”
Ngày 1-11-1932, ông được tấn phong Phước Môn Quận Công (Duc de Phước Môn) và ngày 28 tháng 12 cùng năm ấy, thêm một Sắc chỉ khác tăng lương bổng lên một ngàn đồng và hơn 100 đồng tăng khoản phụ cấp chức vụ. Ông dâng sớ không nhận khoản lương mới này, xin giữ nguyên lương cũ viện lẽ chức trọng quyền cao lâu nay chưa giúp ích gì được cho dân cho nước, lẽ đâu còn bắt dân chúng đóng góp thêm vì lương bổng của mình. Hơn nữa là vị quan đầu triều, trước hết ông phải nêu gương trong khi làm việc dân việc nước.
Nhưng tuổi già ngày một chồng chất, gần nửa thế kỷ phục vụ liên tiếp bảy triều vua, theo lời thỉnh cầu của ông, ngày 2-5-1933 vua Bảo Đại xuống Chỉ cho ông được về hưu trí (17).
Một đạo Dụ khác cùng ngày, Dụ số 30 ngày mồng 8 tháng tư năm Bảo Đại thứ 8 -ngày 2-5-1933- tôn phong Nguyễn Hữu Bài Cố Vấn Nguyên Lão (Vénérable Conseiller de l’Empire):
“Quan Võ Hiển Quận Công Nguyễn Hữu Bài, nguyên Cơ Mật Viện Trưởng, được phép về hưu theo Dụ số 29, là một vị công thần của nhà nước ta.
Ta đã từng nhiều lần tỏ lòng cám ơn những công nghiệp của quan Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài cùng quan Cần Chánh Tôn Thất Hân đã giúp cho quốc gia cùng bản triều.
Ngày mồng 4 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 7 (1er Novembre 1932) đã có Dụ thăng thưởng quan Tôn Thất Hân lên Cần Chánh và quan Nguyễn Hữu Bài tước Quận Công.
Nay lại muốn tỏ lòng kính mến hai bậc lão thần đó, nên có Dụ này tặng cả hai vị chức “Cố Vấn Nguyên Lão”.
Hai vị đã về hưu, ta muốn thời thường được vào chầu ta, mà đem cái tài lịch duyệt, cái trí khôn ngoan để giúp ta trong lúc thanh niên sơ chánh.
Những khi có lễ nghi gì trong Triều hay trong Nội, mà hai vị được triệu mời, thời được đứng ngồi trên hết thảy các quan đại thần khác trong Triều mặc dù chức vị thế nào cũng phải đứng dưới cả.”
Khâm Thử
Đạo Dụ số 30 ngày 2-5-1933 nói trên nguyên văn bằng tiếng Pháp do Khâm Sứ Trung Kỳ tuyên đọc xong, Thương Tá viện Cơ Mật Trần Thanh Đạt đọc bản dịch nghĩa Việt văn (18).
Sau tiếp phần diễn văn của Toàn Quyền Pasquier là lời kết thúc cám ơn của Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài:
“...Về phần riêng tôi, đã già đời phò Vua giúp nước, nay được về nghỉ hưu thật lấy làm vui mừng. Tôi cầu chúc Hội Đồng Thượng Thơ mới làm tròn nghĩa vụ để khỏi phụ ơn Vua tri ngộ. Phần chúng tôi là người cũ, bấy lâu chỉ chăm về việc nội trị, chưa từng nghĩ đến việc cải cách. Đó là phần việc các ngài sau này. Chúng tôi bấy lâu cũng đã có thương thuyết yêu cầu với Bảo hộ một vài điều, mong rằng những điều đó quý vị Thượng Thơ sau này sẽ cố gắng thỉnh cầu cho được.”
Giã từ triều đình Huế, ông trở về Phước Môn. Nhưng đến đây cũng chưa hẳn là lúc an hưởng tuổi già. Vốn có tài kinh tế, muốn giúp dân chúng khai khẩn đất hoang, mở mang cải tiến nông nghiệp, tại quê nhà ông đem tất cả thì giờ, tâm lực còn lại vào công tác hữu ích nói trên.
Số là 24 năm trước, năm 1909, nhận thấy hai làng Như Lệ và Tích Tường thuộc phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đất đai bỏ hoang trong khi dân chúng không công ăn việc làm, Hiệp Tá Nguyễn Hữu Bài hướng dẫn dân chúng làm đơn xin khai khẩn. Nhờ đó hai năm sau (năm 1911) làng Phước Môn diện tích gần 1.000 mẫu tây được thành lập.
Là nhà chính trị có tinh thần thực dụng thường lo nghĩ đến việc cải tiến dân sinh, cùng nhau cộng đồng đồng tiến, năm 1919 khai khẩn đất hoang và lập làng lập xã ở phủ Hải Lăng xong, ông hướng dẫn dân chúng khai khẩn thêm ruộng đất các làng Phước Sơn, Phước Nguyên thuộc phủ Vĩnh Linh, làng Phước Sa ở huyện Do Linh và Phước Tuyền ở huyện Cam Lộ. Công nghiệp khai canh lập ấp từ lúc còn tại chức, ngày nay về hưu trí ông lại tiếp tục khuyến khích dân chúng mở mang, phát triển thêm.
Vùng đất gọi là Ngũ Phước với Phước Môn, Phước Sa, Phước Sơn, Phước Nguyên và Phước Tuyền nói trên, dân chúng địa phương nhiều thế hệ qua còn nhắc lại, là kỷ niệm đẹp của cụ Thượng Bài đối với đồng hương Quảng Trị.
Không phải chỉ trong những ngày ruộng nương được mùa no ấm, mà cả trong thời buổi kinh tế khó khăn, mất mùa đói kém như nạn đói năm 1916.
Cụ Thượng Mại, lúc bấy giờ Tuần Vũ Quảng Trị, sau này trong Lô Giang Tiểu Sử còn nhắc nhở:
“Lại may có ông Phước Môn, Hiệp Tá bộ Công, xuất của riêng cho người vào Nam, mua gạo đem về cứu đói, bán rẻ cho dân được nhờ” (19).
Đi sâu hơn vào vấn đề nhân bản-dân sinh, năm 1924, tiên phong tại quê nhà, Nguyễn Hữu Bài thành lập nhà Dục Anh mục đích nuôi nấng dạy dỗ con em mồ côi bất hạnh. Với tấm lòng nhân hậu và với phương tiện riêng, ông kêu gọi những tâm hồn đạo đức cùng nhau chung sức chung lòng giải quyết một vấn đề xã hội gai góc, nỗi âu lo ngày đêm những người có thiện chí vì nhân quần, vì xã hội sẵn sàng dấn thân:
Con thiên hạ một bầy còn đó
Của thế gian hàng vạn sá chi.
(Câu đối trước cổng nhà Dục Anh)
Vui vầy bên đám dân chúng lam lũ cần cù, ngày ngày ông chống gậy đi thăm nơi này nơi nọ, hỏi han công việc đồng áng của nông dân trong vùng. Bạn bè cùng cảnh trí thiên nhiên, tâm hồn siêu thoát thanh cao, sống cuộc đời giản dị không bận bịu, không vương vấn lợi danh, danh lợi. Tình cờ gặp ông bên cánh đồng hay dưới gốc cây đang phe phẩy chiếc quạt giấy, không ai ngờ rằng đó là vị quan đầu triều danh vọng tột đỉnh ngày nay đang an hưởng tuổi già bên cạnh đồng bào, đồng hương lâu nay ông vẫn một lòng mến yêu và đem hết đời mình để phụng sự.
Hình ảnh cụ già nông dân quen thuộc với dân chúng Quảng Trị ấy, tiếc thay chỉ còn lại một thời gian quá ngắn ngủi. Ngày 10-7-1935, nhân dịp linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong Giám Mục, Quận Công Nguyễn Hữu Bài đặt tiệc mừng tại tư dinh. Ngày hôm sau cụ nhuốm cảm nặng phải đưa vào bệnh viện Huế. Bệnh mỗi ngày một nặng, hai giờ 30 sáng ngày 28-7-1935, Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài từ trần tại tư đệ ở Phủ Cam, hưởng thọ 73 tuổi.
Lễ phát tang cử hành tại Huế ngày 30-7-1935 và liền hôm sau linh cữu được đưa ra Quảng Trị chôn cất ở quê nhà, trên một ngọn đồi thông reo bốn mùa vi vu gió lộng:
“Trông lên ngó xuống một gò cao,
Một nấm xanh um khí thế hào”
(J.M. Nguyễn Văn Thích)
Thành gia thất với bà Nguyễn Thị Diệm (quê quán Sơn Tây), Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài có 3 trai, 3 gái. Trưởng nam, Nguyễn Hữu Giải, tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật khoa tại Pháp, không may mất sớm. Ngoài hai ái nữ đã lập gia đình, cô gái út là nữ tu sĩ Dòng Kín, Soeur Aimée de Marie (20).
Mến tiếc một vị đại thần tài đức quá cố, Vua Bảo Đại truy tặng Phước Môn Quận Công phẩm hàm lớn nhất triều đình: Cần Chánh điện Đại Học Sĩ (Première Colonne de l’Empire).
Tin Quận Công Nguyễn Hữu Bài tạ thế được lan truyền, khắp nơi tỏ lời phân ưu buồn tiếc. Bạn bè thân hữu, cả đến dân chúng bên ngoài, người người xúc động bùi ngùi khi hay tin “Cụ Bài” mất. Họ mến tiếc một vị tài đức mà cả cuộc đời và sự nghiệp là tấm gương hy sinh đến tận cùng tận lực vì công ích công lợi.
Đời công, đời tư trọn vẹn cả hai. Đời công sáng chói như vậy; đời tư còn đẹp đẽ xán lạn hơn. Với bản thân, ông có một lối sống giản dị, khắc kỷ đáng kính. Lối sống giản dị và thái độ khắc kỷ ấy đã định hướng mọi hành động, cử chỉ trong suốt cuộc đời khiến ông luôn luôn giữ vững được cốt cách người quân tử. Danh lợi không mê, của cải tiền bạc không quý, còn ai chê trách ông được điều gì!
Tăng lương không nhận, dành dụm được bao nhiêu tiền, ông dùng cả vào công việc khai khẩn đất hoang, đem ruộng đất về cho dân nghèo. Ngôi nhà riêng của ông tầm thường như bao nhiêu ngôi nhà tầm thường khác ở Huế, gọi “dinh Cụ Bài”, là một bằng chứng cho đức liêm khiết trong sạch hiếm có.
Lấy đạo đức cải hóa các bạn đồng liêu, chính ông đã nêu gương đạo đức trước thảy mọi người, khiến mọi người khi nhắc đến ông chỉ còn biết cúi đầu kính phục.
*
Nhà thơ Nguyễn Hữu Bài: tâm hồn của thời đại
Là vị đại thần được quốc dân kính mến vì lòng trung trinh báo quốc cùng tiết tháo trượng phu, là nhà chính trị-hành chánh năng lực tài đức hơn người, Phước Môn Quận Công còn là một nhà thơ tâm hồn phóng khoáng, thi tứ dồi dào.
Thiết tha với đất nước quê hương, tiên sinh dấn thân vào đời hy vọng đem tài sức mình gánh vác việc nước, việc dân. Vào chốn hoạn trường không phải vì danh vì lợi mà vì đó là con đường dấn thân của tình thế. Tự do, tự chủ muốn tranh đấu không thể đứng riêng ngoài lề đấu tranh.
Cuộc chiến đấu của tiên sinh không phải là cuộc chiến đấu bằng súng bằng đạn, mà là một cuộc chiến đấu bằng tâm não trí óc, bằng ngoại giao, một cuộc đấu trí dằng dai với người Pháp từ khi còn là viên Thừa Phái nha Thương Bạc dưới triều Tự Đức cho đến ngày được phong Nguyên Lão Cố Vấn. Tất cả hoài bão tâm sự ấy, nhà thơ nôm Nguyễn Hữu Bài ký thác trong những sáng tác đượm tinh thần ái quốc:
Buông lao nên cũng phải theo lao,
Lao lý công trình đã biết bao?
Những ước trồng dân cho nước mạnh
Há rằng tìm của tới non cao?
(Đường lên Sở Cùa)
Đất nước rằng không người phẩm cách
Non sông dễ thiếu khách tài hoa?
(Khuyên người đời)
Trong cảnh đất nước còn lệ thuộc ngoại bang, lo lắng tìm lối thoát cho xứ sở mà chưa thành, nhà thơ Phước Môn đã có những đêm trằn trọc không ngủ:
Thao thức đêm nằm chẳng ngủ cho,
Cũng ra như bệnh, cũng như lo.
Trên đầu nặng trĩu đà ngây ngất,
Trong dạ lao tư lại rối vò.
Bao quản tóc sầu đem nhúng tuyết,
Chỉn e lòng khổ hóa thành tro,
Những nghe tiếng vạc kêu canh mãi,
Mở mắt trông xem vẫn tối mò.
(Đêm nằm không ngủ)
Co tay, những tính vòng năm tháng,
Nát ruột khôn lường nổi một mai.
Vẫn biết thân người trời đất nhỏ,
Phương thang điều bổ hỏi thăm ai?
(Đau vai ngẫu đề)
Nhưng rồi khi đã nhập thế cuộc, dấn thân vào con đường nghĩa vụ, người chiến sĩ vì dân vì nước ấy vẫn cương quyết một lòng tin tưởng ở tài sức mình, tin tưởng ở tương lai đất nước:
Lên non xuống biển, phăng phăng bước,
Gắng sức cho tròn nghĩa chúa tôi.
(Dạo chơi động Trốc Voi)
Cơ đồ kia đã nên rường cột,
Mây gió đâu mà đổ núi sông.
Thôi có thiêng thời phò vận mới,
Một nhà bốn biển hội tam đồng.
(Thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt)
Mặc dù thất bại khó khăn, ông không thất vọng nao núng, vẫn một lòng một chí hiên ngang với lý tưởng:
Trong cuộc tuần hoàn cơ tạo hóa,
Ai đem thành bại luận anh hùng.
(Gởi cho bạn cũ ở kinh)
Chần chần đứng sững giữa trời cao,
Gầy dựng công người biết nghĩ sao?
Then khóa bên mình, tua gắng giữ,
Nắng mưa trước mặt, lựa hề nao.
Một đường chính lộ ngay lòng mở,
Mấy kẻ hiền nhân nối gót vào.
Lo phận làm tôi cho trọn nghĩa,
Khăng khăng đóng chặt buổi xôn xao.
(Để cửa ngỏ)
Là một nhà nho, nhưng khác với những người đương thời, ông Nguyễn Hữu Bài làm thơ bằng quốc văn. Tinh thần quốc gia trong địa hạt văn thơ càng thấy phát hiện rõ rệt hơn. Trong giai đoạn sơ khai chữ quốc ngữ mới bắt đầu được truyền bá, với tâm nguyện nhìn thấy hình thành một nền văn học mới, con đường văn học nhà thơ Nguyễn Hữu Bài đeo đuổi cũng là con đường đại chúng Việt Nam đang bắt đầu dấn bước:
Đủ ý, đủ câu là có cách,
Trơn vần, trơn chữ, nói ra bè.
Tả cho thực cảnh y như thấy,
Nói hết chân tình hẳn dễ nghe.
(Đề chứng làm thơ)
Ví hát trăm câu, vận quốc âm,
Lại đem chuyện cũ, giải cho nhằm.
Phong ca chuông động nghe càng thắm,
Sử sách gương giơ, ngó chẳng lầm.
Cao thấp, ư a, ba bốn bực,
Nên hư, hay dở, mấy ngàn năm.
Còn trời, còn nước, còn non mãi,
“Phong sử này còn, có kẻ ngân.”
(Đề tập “Phong Sử”)
Trong lúc các nhà nho khi sáng tác bị ràng buộc bởi điển tích, khuôn sáo cũ, lề lối văn thể chật hẹp khô khan, nhà thơ Phước Môn của chúng ta đã thoát ly được những ràng buộc cũ bằng một lối văn giản dị. Nhưng không vì giản dị quá mà lời thơ kém vẻ bay bướm uyển chuyển hoặc trang nhã thanh tao:
Gạo châu,củi quế chưa từng thấy
Gác phượng đài loan nỏ dám vui.
(Mừng thăng Đông Các)
Hóng mát chiều hôm dạo cảnh chơi,
Trông vào bãi cát, ngó ra khơi.
Núi bông trắng xát bao Cồn Hến,
Hòn cỏ xanh dờn thẳng Trốc Voi.
Phất phưởng đầu gành hơi gió thổi,
Long lanh mặt nước bóng trăng soi.
Hỏi thăm ông Tạo khi nào rảnh,
Lấp biển, trồng dâu dễ thử coi.
(Đề cảnh Cửa Tùng - Quảng Trị)
Những vần thơ giản dị của Nguyễn Hữu Bài và là những vần thơ hay, không cầu kỳ gọt giũa, câu nệ điển tích; trong sáng mà đượm vẻ chân tình, nôm na mà thiết tha tình tứ. “Vận mới đồng văn thử dựng cờ”, Nguyễn Hữu Bài đã dùng thơ văn để phục vụ nhân sinh, nuôi dưỡng khuyến khích lòng yêu nước:
Đầu đội quân vương hai mái tóc,
Lòng lo xã tắc mấy vòng tơ.
(Hộ giá đi Tây)
Bốn phương vó ký dầu rong ruổi,
Một tấm lòng băng há đổi thay.
(Gởi bạn cũ ở Sơn Tây)
Chỉ ước non sông còn mãi mãi
Làm trai gánh vác dễ từ lao.
(Vịnh Cửa Tùng)
Một tấm lòng son, một bầu nhiệt huyết, dù ở hoàn cảnh địa vị nào vẫn không xa rời lý tưởng, không nao núng vì cường quyền, hiên ngang đương đầu trước bạo lực, lòng tin tưởng ở tương lai đất nước. Tuổi đã bảy mươi, vẫn chưa quên bổn phận mình đối với quê hương, vẫn cố gắng “lo phận làm tôi cho trọn nghĩa”. Một chí sĩ, một nhà nho thức thời, đau lòng vì chưa đạt được chí bình sinh, chưa được nhìn thấy ánh vinh quang của xứ sở như vẫn hằng mơ ước:
Mây nước mấy lần đà lỗi hẹn,
Vẻ vang có thể được lòng sau...
Nguyễn Hữu Bài thủy chung đã nêu cao được chính nghĩa, tuyên dương sức mạnh của đạo lý và truyền thống dân tộc:
Tóc bạc lòng son nào có bạc,
Tuổi người bảy chục, kể năm mươi.
Là nhà nho ảnh hưởng tinh thần Âu học, là tín đồ Công-giáo, nhà thơ Nguyển Hữu Bài sống cuộc đời hiền hòa: sống đời, sống đạo trọn vẹn, đức tin, đức ái tuyệt vời:
Dầu được dầu không, là số phận,
May may, rủi rủi, cũng ơn Trời.
(Vịnh Cửa Tùng)
Nhờ ơn tạo hóa đà xây đắp,
Bão táp lo chi khuyết lại bồi.
(Đề núi Trốc Voi)
Với tâm hồn ấy, với lòng tin ấy, nhà thơ Nguyễn Hữu Bài đã dâng hiến đến tận cùng tận lực cuộc đời mình cho đất nước như câu đối treo trước cửa tư đệ:
Khoán thơ ghi tạc lòng son sắt,
Nhơn trí vui vầy cảnh núi sông.
Và xứng đáng với lời ngợi khen lưu truyền hậu thế, lời ai điếu của nhà cách mạng Phan Bội Châu khóc tiên sinh trong nhật báo Tiếng Dân năm xưa:
“Vào Triều ra quận ruột đau đòi, khôn phơi vạch để ai xem, trời họa biết cho chăng?
Thờ Vua tuy tử do sanh, lăng Tự Đức còn bia thiên vạn cổ.
Đẩy Á chèo Âu tay cứu nước, những lăm le rình dịp mở, đất sao chôn đặng chứ?
Kính Chúa ái nhân như kỷ, lời Thánh Kinh no óc bảy mươi năm” (21).
Chú Thích
(1) Nguyễn Thúc: Thơ Nôm Phước Môn. Sàigòn. 1959.
(2) Nguyễn Hữu Quỳnh: sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, thuộc thế hệ thứ tư dòng họ vị công thần Nguyễn Hữu Cảnh; Nguyễn Hữu Quỳnh là tằng tổ thúc Nguyễn Hữu Bài (sinh năm 1863).
Thời trai trẻ chưa đầy 30 tuổi gia nhập lực lượng chúa Nguyễn chống quân Tây Sơn, lập nhiều công trận tại chiến trường Quảng Bình, Nguyễn Hữu Quỳnh được phong chức Cai Đội Trưởng. Năm 1802, vua Gia Long nhất thống giang sơn, Nguyễn Hữu Quỳnh xin xuất ngũ trở thành vị lương y nổi tiếng. Cũng như hai vị song thân, Nguyễn Hữu Quỳnh là tín hữu đạo đức gương mẫu, nhiệt tình với công việc tông đồ và đức bác ái công giáo.
Sau ngày sắc dụ cấm đạo thời vua Minh Mạng ban hành (năm 1838), ông trùm họ đạo Mỹ Hương-Kẻ Sen là Nguyễn Hữu Quỳnh bị bắt, đem về giam tại nhà lao Đồng Hới. Mặc dù bị tra tấn hành hạ quá đỗi thương tâm, trong suốt thời gian bị cấm cố trải qua hai đời Án Sát Phan Trứ và Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Hữu Quỳnh vẫn son sắt một tấm lòng, một đức tin mãnh liệt: nhất quyết không chịu xuất khóa (bỏ đạo).
Chịu án xử giảo (thắt cổ) tại pháp trường Kim Sen ngày thứ sáu 10-7-1840 (ngày 12 tháng 6 năm Canh Tý, Minh Mạng thứ 21), ông trùm giáo xứ Mỹ Hương-Kẻ Sen để lại hậu thế gương anh hùng tử đạo:
“Nghĩa khí nêu cao tràn đất nước,
Oai linh phù hộ khắp non sông...”
như lời ghi khắc trên mộ bia tại Kẻ Sen.
Trong lễ phong thánh ngày 19-6-1988 tại Vatican, Chân Phước Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh được Đức Giáo Hoàng Jean Paul II suy tôn bực Hiển Thánh.
*Kẻ Sen hay Kim Sen, vùng thượng nguồn sông Nhật Lệ, huyện Phong Lộc, Quảng Bình. Tưởng nên biết qua, các thế hệ Nguyễn Hữu về sau, hầu hết lìa bỏ miền Bắc “nguyện theo chúa Nguyễn dựng bờ cõi Nam”, định cư tại huyện Phong Lộc.
Mộ Triều Văn Hầu và các thế hệ sau đều tại xứ Kim Sen và vùng kế cận gọi là “trung-trung nhất huyệt”.
(3) Sự tích các đời do Nguyễn Hữu Bài soạn, tạc bia tại phần mộ xứ Kim Sen. Nguyên văn bằng chữ Hán, bản dịch Việt văn do chính tác giả thực hiện.
Để biết rõ hơn, xin đọc tiếp Nguyễn Thúc: Thơ Nôm Phước Môn, sđd.
(4) Một nước hai vua, ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.
Triều đình Huế với vị vua mới lúc này đã tập hợp được một số đình thần cựu trào trước đây thuộc phe chủ chiến như Đoàn Văn Hội, Thượng Thơ bộ Hình; Hoàng Hữu Thường, Thượng Thơ bộ Binh; Châu Đình Kế, Thượng Thơ bộ Công; Đặng Đức Địch, Thượng Thơ bộ Lễ; Nguyễn Thuật, Thượng Thơ bộ Hộ kiêm quản Thị Vệ cùng một số văn võ quan khác như Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Chánh, Nguyễn Thành Ý, Trương Quang Đản, Cao Hữu Sung...
(5) Hiệp Ước Thiên Tân (Tien Tsin) năm 1885 dự trù việc ký kết thêm 2 Phụ Ước: Phụ Ước về thương mãi Bắc Kỳ và Trung Hoa; Phụ Ước phân định biên giới Việt-Hoa.
Điều 3, Hiệp Ước Thiên Tân định rõ:
“Trong thời hạn sáu tháng, các ủy viên hai nước (Pháp-Hoa) sẽ đến tại chỗ để xác nhận đuờng ranh giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa. Những nơi nào xét cần thiết, ủy ban sẽ cho đặt thêm các cây trụ làm đường phân ranh rõ ràng giữa 2 nước...”
“Dans un délai de six mois, des commissaires des deux parties se rendront sur les lieux pour reconnaýtre la frontière entre la Chine et le Tonkin. Ils poseront, partout ó besoin sera, des bornes destinées à rendre apparente la démarcation...”
Qua Hiệp Ước Patenôtre 1884, nước Pháp theo công pháp quốc tế đương nhiên thay thế Việt Nam giải quyết vấn đề biên giới Việt-Hoa chạy dài từ Quảng Đông, Quảng Tây đến Vân Nam.
Trong hoàn cảnh thực tế trên, Thương Tá Thông Sự Nguyễn Hữu Bài do ủy nhiệm của triều đình Huế có nhiệm vụ giải thích để người Pháp biết qua tình trạng biên giới Bắc Kỳ-Trung Hoa. Và với nhiệm vụ ấy, Thương Tá Thông sự Nguyễn Hữu Bài được triều đình Huế biệt phái công tác cạnh nhà cầm quyền quân sự Pháp.
Vấn đề phân định biên giới và đặt trụ phân ranh (délimitation et l’abornement) khởi công từ cuối năm 1885 gặp nhiều khó khăn cản trở kéo dài đến gần... 10 năm mới xong. Qua 3 đợt công tác tại 3 địa điểm khác nhau, bắt đầu từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) giai đoạn đầu kết thúc với Phụ Ước 1887 (Convention de 1887). Từ đó về sau thêm nhiều hội nghị khác, việc đóng trụ biên giới kéo dài cho đến năm 1894 mới xong.
Vẫn chưa hết, chuyện dài biên giới Việt-Hoa từ 1895-1896 còn kéo dài đến ngày nay, năm 2001.
Tiếp sau số báo này, TSH sẽ biên khảo đầy đủ hơn: Vấn đề biên giới Việt-Hoa qua các giai đoạn lịch sử.
(6) Theo nhiều tài liệu đáng tin cậy, việc đào bới lăng vua Tự Đức do Khâm Sứ Mahé chủ mưu kéo dài từ cuối năm 1912 đến qua đầu năm sau (17-1-1913) mới gọi là kết thúc.
Toàn Quyền A. Sarraut nhân vào Huế tham dự Hội Đồng Thượng Thơ biết được nội vụ, tức thì ra lệnh ngưng ngay việc đào bới, đồng thời sửa lại lăng mộ. Việc sửa chữa kéo dài đến Tết âm lịch mới xong. Cả kinh thành xáo động. Tin tức vang dội ra ngoài, từ Bắc Kỳ vô tận Nam Kỳ. Nhật báo Le Courrier d’Haiphong (tháng 2 năm 1913) kết tội Khâm Sứ Mahé tham tàn. Phản ứng dư luận tràn qua tận Paris. Nhà cách mạng Phan Châu Trinh có thêm cơ hội công kích chính sách đô hộ Pháp qua nhật báo Le Journal de Paris ngày 3-5-1913.
Không phải chỉ có việc đào lăng vua Tự Đức, Khâm Sứ Charles còn cho đào bới thêm những nơi khả nghi có “kho vàng Đại Nội”.
Lần đào bới thứ nhất, mùa hè năm 1915 trong lúc vua Duy Tân đang nghỉ mát tại Cửa Tùng (Quảng Trị). Lần thứ hai, mấy tháng sau đó (tháng 10). Vua Duy Tân lúc bấy giờ có mặt tại kinh đô tỏ ý bất bình ra lệnh lấp lại ngay. Nhưng chẳng ai nghe lệnh vua, kể cả người có trách nhiệm lúc này là Thượng Thơ bộ Lại Trương Như Cương!
(7) Văn phòng Khâm Sứ Tòa Thánh lúc đầu đặt tại Hà Nội, theo lời đề nghị của ông Nguyễn Hữu Bài được đức Khâm Mạng Ayuti tán thành và Tòa Thánh La Mã chuẩn y, về sau dời vô Huế cho đến ngày xảy ra cuộc chiến tranh Việt-Pháp (1945).
Để kỷ niệm một tín đồ có công nghiệp với tổ quốc và giáo hội, Tòa Thánh La Mã ân thưởng ông Nguyễn Hữu Bài các huy chương cao trọng như:
Năm 1921, Bội tinh Pie XI với áo mũ và gươm theo hàng Hiệp Sĩ Tòa Thánh.
Bội tinh Pie IX (Commandeur de l’Ordre de Pie IX).
Năm 1922, Huy chương “Grand Croix de l’Ordre de Saint Sylvestre”.
Năm 1927, Huy chương “Grand Croix de l’Ordre de Saint Grégoire le Grand”.
(Xem Nam Phong - Mars 1921).
(8) “Mình Với Bóng”, thơ Phan Bội Châu.
Vĩnh Sính: Phan Bội Châu and The Đông Du Movement, Yale Univ., S.E.A. Studies No 8.
(9) Hò mái đẩy, phổ biến tại Huế.
(10) Vương Đình Quang: Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh. Hà Nội. 1987.
“Bài thơ trên do cụ Phan sáng tác năm 1929. Năm 1938, một tờ báo ở Huế trích đăng lại, gây dư luận thắc mắc về hai câu kết: “Bao giờ duyên cũ thay duyên mới...”
Vì dư luận xôn xao, cụ Huỳnh lên tận Bến Ngự hỏi cụ Phan. Bài phỏng vấn cụ Phan, đăng tải trên Tiếng Dân ngày 25-8-1938, đại ý cụ Phan giải thích: Duyên cũ là đường lối cai trị cũ, duyên mới là chính sách hợp tác Việt-Pháp tương lai...
Tại Huế, cả hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng đều có cảm tình với cụ Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm.
Sau ngày ông Ngô Đình Diệm từ chức Thượng Thơ bộ Lại, cụ Phan Bội Châu tại Bến Ngự có bài thơ khen, đoạn kết có câu:
Ví bằng có dịp làm vai vế
Sau ngựa em xin múa ngọn roi.
Theo Vương Đình Quang trong tác phẩm nói trên, khi đọc đến chữ “em”, tôi (tác giả V.Đ.Q.) không nhịn được, dừng bút lại thưa với Cụ:
- Xin phép Cụ con không đồng ý Cụ tự hạ mình quá đi như vậy. Cụ là bậc cha, bậc anh...
Cụ Phan nói:
- Tôi làm cách mạng chớ như đặt mình vào địa vị ấy, chưa chắc tôi đã làm được như vậy (ý nói việc ông Ngô Đình Diệm từ chức Thượng Thơ bộ Lại).
Xem T.S.H. 1990: Cụ Phan Bội Châu, những ngày ở Huế.
(11) Với tình hình đất nước lúc bấy giờ, luôn luôn sẵn sàng đương đầu với người Pháp càng ngày càng thêm áp lực xen lấn nội bộ Nam Triều, lập trường chính trị của Nguyễn Hữu Bài, mãi đến thời Toàn Quyền Pasquier (1928-1934), trước sau không thay đổi.
Theo Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài, canh tân cải đổi cơ cấu hành chánh này nọ, nếu có làm, chỉ là chuyện thứ yếu và là nội bộ của Nam Triều. Vấn đề chính là lâm thời trở lại với Hiệp Ước 1884, theo đó Bắc Kỳ và Trung Kỳ cùng chung một triều đình, một chủ quyền nội trị. Triều đình Huế phải có quyền tự trị ngân sách-tài chánh, thu nhập các khoản lợi tức quan thuế và bưu chánh...
Chủ trương chính trị ấy thường gặp sức phản đối chỉ trích nếu không nói là ác cảm, thù nghịch của chính quyền Bảo hộ Pháp. Từ các Khâm Sứ như Lévecque, Charles, Mahé, Chatel, Thibaudeau đến Toàn Quyền -đặc biệt Toàn Quyền P. Pasquier sau này- tất cả đều báo cáo “Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài có thái độ và hành động chính trị kém thân hữu với chính phủ Pháp.”
Không kể Khâm Sứ Thibaudeau mới nhậm chức sau này (tháng 3, năm 1933), không khí “hữu nghị” căng thẳng nhất là trường hợp Khâm Sứ Charles, sau đó thuyên chuyển về Pháp.
Tất cả tài liệu, hồ sơ chính trị liên hệ như báo cáo của Khâm Sứ gởi Toàn Quyền, phủ Toàn Quyền gởi bộ Thuộc Địa Paris hiện lưu trữ tại các văn khố Pháp như Centre des Archives d’Outre-Mer (CAOM. Aix-en-Provence) hay Dépots des Archives d’Outre-Mer (DOM).
Có dịp đọc các phúc trình “kém thân thiện” ấy hay biết qua thái độ nghi ngờ, theo dõi và canh chừng của tòa Khâm Sứ và phủ Toàn Quyền đối với Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài, càng thấy rõ hơn nhân cách và chân giá trị của Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài trong thời gian tại chức.
(12) Trích “Những Thời Kỳ Trọng Đại Của Nước Việt Nam Trong Lúc Hồi Xuân” do T.X. và P.V. dịch ra chữ quốc ngữ (nguyên bản của H. Le Grauclaude).
Editions de la Presse Populaire de l’Empire d’Annam (Hué, 1933).
(13) Tạp chí Nam Phong, số 112, tháng 12 năm 1926, nơi “Mục Trong Nước”, có bản tin về việc thành lập hội Như Tây Pháp Học Bảo Trợ (Société d’Entr’aide aux Étudiants faisant des études en France).
Cũng qua tạp chí Nam Phong, trước đây Hà Nội-Hải Phòng có đề nghị thành lập Hội Du Học Bảo Trợ nhưng không có kết quả.
(14) Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam. Nguyễn Phước Tộc xuất bản 1990. Xuân Thu Publishing. Trang 53-54.
(15) Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam. SĐd trang 51.
(16) Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam. SĐd trang 91.
(17) Tất cả sự việc trong thời gian nói trên được tường thuật lại trong tạp chí Nam Phong, số 184, tháng 5, năm 1933:
“Hồi tôi mới ở Tây về, thầy cùng các thầy Cơ Mật có tỏ ý muốn từ chức để tôi lựa chọn người mới mà lập chính phủ khác.
Bấy giờ tôi mới nhất sơ lâm chính, còn muốn lưu các thầy lại để giúp việc ít lâu.
Vả lại riêng về phần thầy là bậc lão thần có công to với Nhà Nước, tôi vẫn muốn trước khi thầy về hưu có cách gì biệt đãi để tỏ ơn với thầy.
Bởi vậy nên tôi mới có Dụ phong thầy tước Quận Công là để thưởng cái công thầy giúp tiên đế và giúp tôi trong khi du học.
Thầy là bậc trọng thần có huân nghiệp với Nhà Nước, vả lại tuổi đã cao, tước đã lớn, đứng bình đẳng với các quan Cơ Mật khác không tiện.
Vậy nếu thầy muốn về nghỉ để an nhàn dưỡng lão, tôi cũng không dám cố lưu như mấy lần trước nữa.
Nhưng dẫu về nghỉ, tôi muốn thầy cứ thời thường tới lui mà giúp bàn việc nước với tôi.”
Hoàng Đế ban xong, quan Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài tâu lại rằng:
“Hai mươi lăm năm chúng tôi giữ chức trong Triều, thủy chung một lòng phò Vua giúp nước, nay tuổi đã cao, đôi phen xin từ chức để về hưu, bây giờ Hoàng Thượng mới cho phép về, thật là lấy làm vui vẻ lắm.
Chỉ ước ao một điều, là viện Cơ Mật sau này sẽ làm trọn được nghĩa vụ, cũng dốc một lòng thờ Vua giúp nước thì may cho tiền đồ nước nhà lắm.”
(18) Nguyên văn đạo Dụ số 30 bằng Pháp văn:
Ordonnance Royale no 30 du 8e jour du 4e mois de la 8e année Bảo Đại (2 Mai 1933).
“S.E. le Võ-Hiển Quận Công Nguyễn Hữu Bài, ancien Président du Conseil du Cơ-Mật, qui vient d’être autorisé, à prendre sa retraite conformément à Notre Ordonnance No 29 en date de ce jour, a été un grand serviteur de l’État.
Nous avons à plusieurs reprises exprimé à ce haut dignitaire, ainsi qu’à S.E. le Cần Chánh Tôn Thất Hân, toute Notre gratitude pour les services éminents qu’ils ont rendus l’un et l’autre au Pays et à la Dynastie.
Par Ordonnance en date du 1er Novembre 1932 (4e jour du 10e mois de la 7e année Bảo Đại), Nous avons élevé S.E. Tôn Thất Hân à la dignité de Cần Chánh et S. E. Nguyễn Hữu Bài au titre de noblesse de Quận Công.
Par la présente et pour bien montrer les sentiments de haute estime dans lesquels Nous les tenons, Nous les nommons tous les deux “Vénérables Conseillers du Royaume” (Cố Vấn Nguyên Lão).
Dans leur retraite, Nous leur demanderons de venir de temps en temps Nous voir et de faire profiter Notre jeunesse de leur grande expérience et de leur profonde sagesse.
Quand ils seront invités aux cérémonies du Palais ou de la Cour, ils auront droit aux toutes premières places et passeront avant tous les autres dignitaires de la Cour, quels que soient leurs fonctions, leurs titres ou leurs grades.”
Nhb 1--------------------
(19) Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại: Lô Giang Tiểu Sử, trang 156.
(20) Cô con gái út, Nguyễn Hữu Thị Tài, nữ tu dòng Kín (dòng Carmel, Huế), vừa qua đời năm 1995. Chị Marie Nguyễn Hữu Thị Tài sinh năm 1907, nhập đan viện Carmel, Huế năm 1926, mặc áo dòng năm 1928 trước khi vào nhà Tập với tên dòng Soeur Aimée de Marie, và tuyên khấn trọn đời (voeu perpétuel) năm 1936. Từ đó qua nhiều trách nhiệm nhà Dòng giao phó như Giám Tập, Bề Trên Dòng, nữ tu Aimée de Marie sống đời tận hiến 69 năm trong 88 năm ở trần gian.
Nhớ ngày xưa khi hai cụ thân sinh tiễn biệt cô con gái cưng từ bỏ thế gian hệ lụy đi vào cuộc đời Phúc Kín tu trì như ước nguyện:
Bỏ áo thế gian, mặc áo Dòng
Cuộc đời trần thế, thế là xong.
(thơ Nguyễn Hữu Bài)
(21) Cũng như cụ Phan Bội Châu, một nhân vật chính trị nổi tiếng khác lúc bấy giờ tại Huế, cụ Huỳnh Thúc Kháng đều có bài tiễn biệt Phước Môn Nguyễn Hữu Bài đăng trên nhật báo Tiếng Dân.
Kinh đô Huế, ngày xa xưa ấy có hai chuyện thế hệ trước 1945 nhiều người còn nhắc lại:
-Vua Khải Định băng hà, cụ Thái Văn Toản là một trong mười mấy người khiêng linh cữu vua Khải Định.
-Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài tạ thế, cụ Huỳnh Thúc Kháng vì tấm lòng mến mộ người quá cố, trong ngày tiễn biệt cuối cùng, đã ngồi bên cạnh linh cữu cụ Nguyễn Hữu Bài gần suốt đêm.
Câu chuyện hai cụ Nguyễn Hữu Bài và Huỳnh Thúc Kháng TSH biết được qua cụ Đinh Hữu Uyên, một công chức cao cấp từ trước 1950, hiện ở tại Paris đường Cardinal Lemoine.
CHỨC Vị công sở địa danh
CHỨC Vị :
Đông Các điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài
Đông Cung Hoàng Thái Tử
Hồng Lộ Tự Thiếu Khanh
Hoàng Thái Hậu
Phụ Chánh thân thần An Thành Vương Miên Lịch
Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài
Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài
Phước Môn Tử Nguyễn Hữu Bài
Hộ bộ sự vụ
Tham Tri bộ Hình Nguyễn Hữu Bài
Thương Tá Thông Sự
Thị Lang bộ Lại, kiêm Tham Tá viện Cơ Mật.
Thừa Phái nha Thương Bạc
Viện Trưởng viện Cơ Mật Cơ Mật viện Viện Trưởng
văn thần Phò Mã
Người/ NHÓM :
đại thần
hộ giá
chính quyền Bảo hộ
Hội Đồng Phụ Chánh
Nam Triều
Nhà Nước
quan
sĩ nhân
thân thần
nơi chốn :
Cao-nguyên
Sàigòn
triều đình
triều đình Huế Nam Triều Trung Kỳ
Bắc Kỳ
Nam Kỳ
SỞ LÀM VIỆC :
bộ
điện
nha
tòa
văn phòng
viện Cơ Mật viện viện Cơ Mật
các tên gọi khác :
báo Tiếng Dân
đạo
Công-giáo
Văn Hóa Nguyệt San