Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.107
 
Ngụm cháo lú
Nam Dao

 

1

Nhìn quanh, toàn một mầu trắng.  Đục, và nhờn nhợt. Tôi cố mở mắt. Cái dung dịch kia  ập vào, không như sóng. Nhưng sao nó lại mằn mặn, tanh tanh như chất muối của biển. Trí nhớ của tôi như thế, nhưng nói ngay, tôi chưa biết trí nhớ thực sự là gì. Đầu tiên là mầu trắng nhợt nhìn qua đôi mắt to quá khổ so với phần còn lại của thân xác. Mắt to, nhưng nào tôi dám mở lớn. Tôi chỉ hé  nó ra,đủ để thấy cái mầu trắng của một dung dịch co thắt phập phồng, mầu trắng có lúc chẳng  khác gì thủy tinh thể đùng đục mắt những người  già. Hé mắt, chán tôi lại nhắm lại, tập trung vào chuyển động bồng bềnh  ru tôi. Tôi ở đâu? Thôi thì cứ tưởng tượng ra tôi đong đưa trên sóng nước một đại dương không bờ. Ôi chao, thật lãng mạn.  Nhưng trống trải. Rờn rợn.

 

Sự trống trải một lần bỗng biến mất. Đó là lần tôi cảm thấy hơi ấm một bàn tay nhẹ nhàng xoa bụng bà ấy. Tôi vẫn chưa biết bà ấy là ai, và bàn tay là tay ai, tay bà hay tay một người nào khác. Tôi chỉ cố mở to mắt, nhưng vẫn cứ cái mầu trắng đục của thủy tinh thể. Tôi xoay trở trong bồng bềnh, lần này, tôi lại chẳng sợ hãi gì, có lẽ vì cái bàn tay kia. Tôi nhoài người, chông chênh một chặp, nhưng  hình như có một sợi dây buộc tôi lại. Sợi dây trói tôi vào một cái gì đó, sau tôi mới biết tôi mất tự do ngay từ khi tôi muốn  trườn mình đi trong cái dung dịch màu tròng mắt một người già.

 

2

Một hôm, tai tôi ù ù. Ngoài thị giác và xúc giác, còn một khả năng cảm nhận khác chăng. Tôi giỏng tai, có đấy chứ, thứ tiếng ù ù vẳng lại, lúc gần lúc xa, như một dòng chẩy liên tục. Thời gian sau, thính giác phát triển. Tôi nghe được tiếng còi xe. Tiếng ù ù nay thành ầm ầm, sát bên tai. Còn tiếng còi, nó choe choé,  đinh tai nhức óc. Mỗi lần nghe thứ tiếng động cuồng nộ đó, tôi biết bà ấy ra đường. Ở nhà, khác. Cửa sổ đóng. Và có máy lạnh. Ra ngoài, nóng hừng hục trước khi chui vào cái Taxi chạy đến nơi bà ấy làm việc. Chỗ bà làm việc cũng máy lạnh. Và khi tôi hững người là lúc bà ấy vào thang máy, lên tầng thứ 16 trong một  ngôi nhà cao tầng gần sông.Tôi nghe người  ta chào nhau và chuyện trò. Bà ấy có văn phòng riêng, thỉnh thoảng ông ta vào. Họ thì thầm to nhỏ. Có lúc bà ấy cười, hổn hển kêu : ‘’ Thôi, cưng ơi’’. Thôi là làm sao, cưng là thế nào. A, ngôn ngữ. Tôi phát hiện ra những ký hiệu âm thanh người ta dùng để trao đổi với nhau. Thật kỳ lạ, cái giống con người. Nhưng họ trao đổi gì?

 

3

Và cũng thật kỳ diệu, cái ngôn ngữ họ tạo ra. Tôi phải học họ và cái ngôn ngữ ấy thì mới biết được những  con người  kia  trao đổi gì.Tôi lắng nghe câu chuyện giữa bà ấy và  một  bà bạn:

-    Chừng mấy tháng rồi?

-    Chắc ba, hay bốn!

-    Nó đạp chưa?

-    Có, lâu lâu nó quậy chút chút…

-    Bây giờ tính sao, em giữ hay bỏ?

-    …

Im lặng. Bà bạn ngần ngừ :

-    Cha nó có nhận nó không?

-    Nhận mà có cưới xin đàng hoàng?

-    Phải vậy chớ, nếu không…

-    Thì sao?

- …

 

4

Phải thành thật, tôi không hiểu chi. Ngôn ngữ không chỉ là ký hiệu, nó có nghĩa. Muốn học, chắc phải nghe nhiều chuyện. Tôi nghe đây. Chuyện bà ấy với một ông, giọng không phải là giọng ông ta trên tòa nhà cao tầng. Tôi gọi ông là ông kia.

-    Em khoẻ chứ?

-    Không, không  khoẻ lắm…

-    Nhìn em hơi xanh xao.

-    Dạo này anh làm gì mà ít phôn em?

-    Anh viết tiếp cho xong cuốn sách. Nhà xuất bản hối, dọa nêu không đúng hạn sẽ hủy hợp đồng…

-    Hợp đồng bao nhiêu?

-    Chừng hai mươi triệu, sách càng đứng đắn càng rẻ.

-    …

-    Em đau à?

-    Đau thì không, nhưng em có chuyện…đứng đắn. Em nghi em có thai, anh à!

-    Sao…Trời ơi!

-    Sao anh la Trời?

-    Anh la..vì vui…

-    Vui chi mà mặt tái mét đi vậy…

-    …

 

Tôi học. Tôi vận động trí nhớ lặp lại trong đầu từng chữ. Tôi hiểu luôn cả những khoảng lặng trong một đối thoại. Nhưng không tưởng tượng được mặt mũi ông kia trong  những khoảng lặng đó nó ra sao.

 

5

 Trí nhớ tôi phát triển qua những bài tự học về ngôn ngữ. Thật quái, không lẽ những ký hiệu âm thanh lại có khả năng ghi mốc vào cái bộ óc non nớt của tôi như  những cột cây số trên xa lộ? Nhắm mắt, nhưng tôi cố giữ tỉnh táo, và tôi nhớ.

 

Chúng tôi tám đứa, hai trai sáu gái. Sống ở ven đô, chúng tôi học cùng một lớp. Lớp chúng tôi dồn chung với hai lớp khác giành cho bọn nhỏ hơn trong cái trường tiểu học ở xã. Cô giáo dạy chúng tôi chỉ nhỉnh hơn chúng tôi độ dăm bảy tuổi. Cô chưa chồng, và khoe mình còn tân, không  đẹp nhưng cũng không xấu. Cô dặn dò lũ con gái, các em phải trinh trắng cho đến khi lấy chồng, mất trinh là chồng nó sẽ bỏ, nghe chưa!Dạ nghe, chúng tôi đáp, nhưng chưa  biết phải giữ trinh cho đừng mất là thế nào. Có đứa hỏi, cô giáo ngần ngừ, rồi nói, đừng để đứa con trai nào nó sờ vào đùi vào đít mình. Chết cha tôi, chơi trốn tìm với bọn con trai, mất trinh lúc nào cũng không hay!

 

Một bữa đang học thì có tiếng máy bay ì ầm, tiếng AK, tiếng M16. Cô giáo la, xuống hầm,lè lẹ. Chúng tôi chạy theo cô. Bom xăng rải xuống, lửa bốc khắp nơi, nóng rát mặt. Người ta ơi ới kêu nhau. Tiếng chân thình thịch, rồi tiếng quát, tiếng chửi. Bọn học trò  còn nhỏ khóc ré. Cô giáo chạy sau, luôn mồm kêu lẹ lẹ. Chúng tôi xuống được dưới hầm. Có đứa sợ quá, đái ỉa ra quần. Chúng tôi lập cập nép vào nhau, nghe cô giáo đọc kinh ‘’ kính mừng Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi  là kẻ có tội...’’.  Không thật biết mình tội gì, nhưng tôi  đâu dám hỏi. Lát sau, có tiếng nổ, lớn tới độ rách óc. Và nóng, trời ơi nóng ôi là nóng. Rồi cháy. Có lẽ tôi chết cháy. Lại thêm một  tiếng nổ. Lần này, tôi chết lần thứ hai. Mở mắt, tôi thấy rất nhiều  đốm sáng vượt khỏi đám khói, bay lên, bay lên nữa. Tôi nhào theo, và thấy mình không trọng lượng, vút cao. Nhưng khi nhìn xuống đám khói đen dưới đất, tôi chẳng lưu luyến gì, dẫu tôi là một đứa bé khá mau nước mắt.

 

6

Lần này, tôi lại nghe tiếng ông ấy, nhưng  không phải trong văn phòng bà ấy trên toà nhà cao tầng nhìn ra sông. Chúng tôi- dĩ nhiên tôiở đấy chứ đâu thể khác được- ngự  trong một căn phòng khách sạn 5 sao, cũng nhìn ra sông, và trang bị đủ thứ vật dụng hiện đại. Ông ấy cợt nhả:

-    Phòng ngon không? Sướng đến cùng , nghen em...Em bảo có chuyện quan trọng mà! Có phải chuyện thằng thái tử Zũng xồm vòi tiền không?

-    Không, chuyện đó em đã giải quyết rồi. ‘’ Quà’’ mình có tẩm độc, nó ngửa tay nhận là kẹt, chẳng  hó hé gì được nữa!

-    Em mà trợ lý thì khỏi nói...Tốt nghiệp thủ khoa ngành Ngân Hàng có khác! Vậy thì có chi quan trọng đâu...

 

Không nói gì thêm, ông ấy vào phòng tắm. Tiếng vòi nước chảy ồ ồ nhịp tiếng ông ấy hát. Khi ra, ông trần truồng, bò  trên đất, và giả tiếng chó sủa, tay đẩy cho bà ấy một chiếc roi. Ông ấy gầm gừ, lưỡi lè ra, sấn lại. Bà ấy vụt roi, la:

-    Ngoan nào Tôtô, nằm xuống. Nằm yên...Không  được....

Bà lại vụt thêm, vụt túi bụi vào lưng vào đít ông ấy. Ông ấy nhẩy lên, đè bà ấy xuống đất, tay tốc váy, đầu rúc vào háng bà, tiếng gầm gừ tắt dần. Bà ấy dạng chân, đầu ngoặt qua một bên, mắt lim dim, miệng rên Tôtô, Tôtô. Ông ấy liếm tới liếm lui, thỉnh thoảng lại kêu hích hích rồi cứ vẫn tư thế bốn chân ông chồm lên người bà.  Bà đẩy, kêu:

-    Em đang có bầu...

 

Ông lại sủa, và thúc hạ bộ vào, không  trả lời. Phần tôi, chắc ít cũng phải 70 kí đè lên. Tôi ngộp, bị ép sát xuống, dung dịch bao bọc tôi phập phồng, lên xuống, lắc lư. Bà ấy rên:

-    Chết mất  thôi...

Chỉ dăm phút, ông ấy hự một tiếng. Và như có phép lạ, nay ông lại nói tiếng người:

-    Đã quá...

Đẩy ông sang một bên, bà ấy hỏi:

-    Nãy không nghe em nói gì à? Em có bầu...

-    Thiệt hay chơi, em...

 

Bà nghiêm giọng:

-    Bây giờ có con thì anh phải có trách nhiệm!

 

Rồi bà tỉ tê, giọng ướt nước  mắt, hỏi bao giờ ông sẽ đệ đơn ly dị với vợ, rồi cưới bà cho danh chánh ngôn thuận. Ông hoảng, vợ ông là con gái một vị đại thần tai to mặt lớn nay là Chủ tịch một Tập Đoàn, đâu có dễ gì cứ bỏ là bỏ được. Bà gằn giọng:

-    Vậy thì phá...Con anh, anh chịu phá không?

Như bắt được vàng, ông cố giấu hí hửng, đáp:

-    Chuyện xây dựng đàng hoàng cho hai đứa tụi mình, em để anh thêm chút thời gian, gấp gáp là hư hết mọi chuyện làm ăn, em à...

-    Vậy tức là anh muốn phá...

Ông xuống giọng:

-    Em ơi, gặp thời thế thế thời phải thế thôi...

 

7

Ra khỏi khách sạn, phố đã lên đèn. Bà ấy không buồn ăn uống gì, gọi điện thoại di động cho bà bạn thân. Hai người gặp nhau trong một  quán cà phê. Bà bạn hỏi:

-    Chuyện đến đâu rồi?

-    Chẳng đến đâu...

-    Tay đại gia Tổng Giám Đốc nói gì?

-    Ảnh kêu phải đợi...

-     Còn ông triết gia?

-    Ổng bận viết sách...Và la Trời!

 

Bà ấy che mặt, đầu gục xuống bàn, vai rung lên nhè nhẹ. Bà bạn hỏi  cặn kẽ hai cuộc gặp. Dĩ nhiên bà ấy đáp, nhưng không vào cái chi tiết đại gia bò bốn chân. Bà bạn nghiêm giọng:

-    Nhưng đứa nào là cha?

-    Em cũng chẳng biết, chẳng chắc…

 

Bà bạn thở ra :

-    Mình là đàn bà, phải lo...Tự mình phải quyết định. Đẻ ra mà con không cha, cực lắm…Nhất là thời này, có con hoang là thôi nhé,  giã từ chuyện lấy được chồng.

 

8

Bà ấy không đi làm, ở lì trong nhà ba bữa. Nhưng ông đại gia không điện thoại như mọi lần bà vắng mặt, chỉ cho một người thư ký đến hỏi lý do. Bà ấy vô vọng, cay đắng, bốc phôn gọi ông kia. Ông vừa đáp anh đây thì bà cúp máy, lao ra đường vẫy taxi. Nửa giờ sau bà kéo chuông gọi cổng một căn nhà vườn nằm vùng ngoại ô. Ông kia  thò mặt ra, không có vẻ gì ngạc nhiên.  Bước vào căn phòng đầy sách, bà ngồi xuống, nói :

-    Anh còn thấy em xanh xao không?

-    Không, em nhìn tươi hơn hôm trước…Nhưng chuyện có thai, em chắc chưa?

-    Chắc. Anh tính thế nào? Hai đứa mình lấy nhau cho con có cha, bà cười, cố gắng cười tự nhiên như chẳng có chi quan trọng…

 

Ông kia nhếch miệng cười, chắc cũng không phải không cố gắng.

-    Có con trong thời đại chúng ta, em có biết nó là thế nào không? Ông hỏi, mặt trầm ngâm, môi tai tái, miệng mím lại

 

Không để bà ấy đáp, ông bắt đầu luận thuyết. Câu đầu, như lệ thường, vẫn là lời Socrate, rằng đời mà không thẩm tra là một đời không đáng sống. Em thấy không, ông làm mặt nghiêm và buồn, từ Âu-Mỹ sang Á châu, từ NewYork tới Bắc Kinh, mọi nơi nay chỉ còn bọn cướp ngày. Bọn này làm chủ những  ngân hàng, những  quỹ đầu tư, sai khiến đám làm chính trị. Nay, chúng liên minh với nhau để ngụy tạo ra  những cuộc khủng hoảng, đe dọa nền sản xuất, hút ngân quỹ nhà nước, nhân đó cướp trắng những người  lao động.  Công và nông xưa  tiên phong bây giờ thụt lùi, chống chỏi miếng ăn thôi, ý thức  giai cấp thành đám khói trên đống tro lịch sử. Em thấy không, chiến tranh chỉ xảy ra ở những  nước nghèo, tài nguyên phải bán rẻ để mua khí giới, cách mạng hoa nhài, hoa cam đều là những trò đế quốc chơi với nhau hầu kiểm soát nguồn cung cấp năng lượng. Trong khi đó, môi trường trái đất đang trên đà bị hủy diệt, và Trời ơi (ông lại la Trời), khi thiên nhiên nổi giận thì, như em thấy đó, chuyện sóng thần ở Fukushimacòn rành rành với rò rỉ phóng xạ từ những nhà máy điện hạt nhân…Ông chép miệng, đạo đức tan hoang, chẳng chỉ ở ta với những chuyện cướp đất, ùn tắc giao thông, sống với lũ…Nay, ông thở dài, con người rễu rã, đạo lý xã hội chỉ rút vào cái thế duy nhất biện minh được  là chuyện sống còn…

 

Bà ấy đưa tay chặn ông đang say sưa diễn thuyết, cũng thở dài nhưng chắc không  cùng lý do, hạ giọng :

-    Anh yêu, thế cái chuyện sinh con thì thế nào? Lương dạy học của anh là bảy, lương kế toán của em, kể cả bổng, xấp xỉ mười bốn, mười lăm. Hai đứa mình tháng tháng gộp lại cũng kiếm được chừng trên dưới hai mươi triệu, sống thừa sức…

Ông lại nghiêm và buồn, nhưng giọng đanh lại :

-    Một thời đại như anh vừa nói cho em hiểu mà sinh con ra là vô trách nhiệm!

Bà ấy buồn bã, móc phôn di động gọi taxi. Bà hiểu, chẳng chỉ cái thời đại kia, mà còn cả cái trách nhiệm cao cả của ông, một trí thức không muốn mình là người vô trách nhiệm.

Ra ngoài, bà quay lưng không nhìn lại cánh cổng đàng sau.

 

9

Hoang mang cùng cực, bà ấy lại tìm bà bạn, và lại khóc. Bà bạn đưa bà ấy đến một ông bác sĩ quen. Ông đã khá quen với những tình trạng tương tự, thản nhiên lấy ống nghe ra áp lên bụng bà ấy, xoa chút kem rồi để máy echographie soi. Ông kêu, nó lớn bằng ba ngón tay cái, chắc qua tháng thứ năm rồi. Lấy kim chích ra cái dung dịch màu thủy tinh thể, ông hẹn ba ngày nữa sẽ báo tin. Nhưng tin không  vui. Ông bác sĩ nói cái thai lớn quá, sợ nguy hiểm cho bà ấy. Ông từ chối không chịu phá, nói bà cứ đến nhà thương công, họ phá hàng năm cả trăm ngàn vụ, bất kể sống chết. Lại chỉ tiền bông băng, và trà nước dịch vụ, rẻ hơn nhiều.

 

Bà ấy cười nhạt. Phải tự quyết, bà nhủ mình. Tối hôm ấy, bà đến một động lắc. Nơi này bà từng ghé đôi ba lần, vào những lúc khi xưa bà cần phá phách một cái gì đó mà thật bà chẳng rõ. Tiếng nhạc nghe còn ghê hơn tiếng xe Honda đua. Bà nhắp một hụm nước, để cái viên thuốc huyền diệu kia chui tọt xuống cổ. Bắt đầu, như có kiến bò. Sau, chẳng kiềm chế được, thân thể làm những động tác phản xạ. Bọn trẻ hò, cười, la. Theo tiếng xập xình, người bà nhún nhẩy, rồi uốn éo, quay cuồng. Lắc  cho mày không ở được, con ơi, bà cười như nắc nẻ.

 

Còn tôi.  Kinh nghiệm lắc lần đầu này khá rùng rợn. Ban đầu, tôi chao nghiêng. Rồi đầu tôi lộn xuống, chân chổng ngược, và chẳng biết mình ở đâu. Tôi túm chặt lấy cái cuống rốn, điểm còn chút cố định trong cái chuyển động quay cuồng hung bạo tựa như lốc xoáy vào cái dung dịch mầu thủy tinh thể của tròng mắt đục những người già. Đầu tôi cũng quay cuồng. Tôi nhắm mắt lại. Trí tuệ vẫn quay, và tôi biết tôi phải buộc nó lại. Nhưng buộc vào đâu. A, chỉ còn một điểm tựa, cái trí nhớ của tôi.

 

Tôi lại nghe tiếng bom nổ ngay trên hầm trú. Lửa và khói ngập ngụa. Rồi tôi nhẹ tênh, bay lên, bay lên, thành một đốm sáng trong vô số những đốm sáng đào thoát khỏi địa ngục trần gian .Trên cao xanh, có thể là thiên đường đấy chăng, hình như không có vật chất nhưng ăm ắp năng lượng. Không có chi sinh ra, không có chi hủy diệt, tất cả diễn biến từ cái này sang cái kia. Diễn biến hòa bình, không bạo loạn, là vậy.

 

Trên cao xanh không lạnh, không nóng, và không có thời gian. Chúng tôi, những đốm sáng, thuộc vào cõi vĩnh cửu. Cứ tưởng được thế mãi, chúng tôi an lạc, không phân biệt thiện và ác, có và không, tối và sáng, trắng và đen, tất cả những quan điểm đối cực nhị nguyên đều biến mất tăm. Chỉ còn một, sự nhất thể của sát na khởi thủy. Cho đến khi có một vị đeo băng đỏ trên tay áo tới, ra lệnh cho chúng tôi bay theo. Thế là bọn  tám đứa chúng tôi cùng cô giáo cất cánh, lát sau  sà  vào một con đường hầm sáng như pha lê nhưng lạnh  ngắt. Chúng tôi đáp xuống  một nơi uy nghiêm, cờ quạt treo quanh, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông ngân. Trên một  cái đài cao, ba vị râu dài bạc như cước nhìn xuống, ra dấu cho chúng tôi ngồi. Một vị khủng khỉnh nói, chúng bay được phỏng vấn, và nếu mọi sự tốt đẹp thì sẽ phép tái sinh. Bọn trẻ con chúng tôi hồn nhiên, hỏi đâu đáp đấy, rất thực thà. Đến lượt cô giáo chúng tôi, hồ sơ có vấn đề. Vị ngồi giữa hỏi :

-    Thị muốn gì mà xin vào đây?

-    Bẩm ngài, con chưa biết mùi đời, còn trinh trắng…

Vị ngồi bên phải lấy laptop ra bấm, rồi lạnh lùng :

-    Trinh trắng thì không, hồ sơ do Táo quận Bình Dương chuyển…

 

Cô giáo đưa tay, vội vàng :

-    Có các em nhỏ  đây là học trò, xin ngưng mở hồ sơ, con nhận…

-    Như vậy, ủy ban đây không cho phép ngươi quay lại làm người, nhưng ngươi có thể xin lên thế gian làm một sinh vật, hay một thực vật, cũng được…

Đắn đo một lúc, cô giáo thỏ thẻ :

-    Con kính xin Ủy ban cho con là hoa, hoa phù dung…

-    Tại sao?

-    Dạ vì sớm nở tối tàn, chắc rồi nhanh chóng có cơ hội tái sinh ngay!

 

Hội ý, các vị  ngồi trên đài cao đồng lòng. Vị ngồi ở giữa vẫy tay, hai  nhân viên bưng mâm trên có chín cái bát. Vị ngồi bên trái phán:

-    Đây là cháo lú. Chúng bay ăn vào là quên hết, và  quay về trạng thái nguyên sơ để đi từ đầu kiếp tái sinh!

Cô giáo chúng tôi  nhanh tay vớ một bát, húp sùm sụp. Chúng tôi bắt chước cô. Riêng phần tôi, tôi thấy cháo đắng. Ngụm cháo cuối tôi không nuốt mà ngậm lại, rồi khi không  ai để  ý, tôi  lặng lẽ nhổ ra.

Đó có lẽ là lý do tôi phục hồi được phần nào khả năng trí nhớ.

 

10

 

Bà ấy ngất đi trong động lắc. Người ta  đưa bà vào nhà thương, và biết nơi bà làm việc, cảnh sát đến báo. Đại gia Tổng Giám đốc phát hoảng, rủa con đĩ này khùng rồi.  Bà ấy nằm liệt giường ba ngày, ngày thứ tư được thông báo bị đuổi việc vì nghỉ không có lý do chính đáng. Khi bà đến văn phòng, bảo vệ không cho bà vào. Trước đó, đại gia đã niêm phong, tự mình kiểm điểm giấy tờ sổ sách, và cầm theo một xấp tài liệu có ghi Tối Mật. Bà gọi, nhưng thư ký của đại gia cúp máy. Rồi có một cú phôn của  đám băng đảng đen từng  ‘’ làm việc’’ cho công ty, nhắn nhủ bà nên kín miệng. Bà hiểu, rất hiểu. Chính bà đã từng sai khiến bọn này làm những dịch vụ ‘’ ngoại giao’’ tương tự.  Bà có cảm tưởng mình bị canh chừng, có nhẽ ngay điện thoại  cũng có đặt máy nghe lén.

 

Nói với bà bạn, bà ấy lo cho an ninh bản thân. Bà bạn cấp tốc đưa bà về quê, nơi bà bảo có  người cơ sở  địa phương  bảo vệ. Thế là tôi, cái bào thai thoát chết trong động lắc, được  đi dã ngoại, hưởng sự trong lảnh của những vườn cây xanh, nằm dưới tán cây dừa mọc ven bờ nước nghe những hò ơi zí dầu của kênh lạch miền Nam yêu dấu. Bà bạn cũng nhờ một bà  y tá dầy kinh nghiệm chăm sóc, dặn tới ngày đập bầu thì bà sẽ về trông nom cho ít bữa.

 

Hò ơ ơ…

Tưởng giếng sâu tui  nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn tui tiếc hoài, ơ ơ, sơọi … à…  dây

 

Những câu hò đi vào một miền sâu thẳm trong tôi, đánh thức những tình cảm  lẽ ra  tôi chưa nên biết. Nhưng ngụm cháo lú tôi chót nhổ ra khiến nào có thế được. Những hồi tưởng  từ một thế giới có trước đó trở về, chập chùng, ám ảnh. Tôi cảm thấy  tội nghiệp cho bà ấy, người mà tôi chưa thể gọi bằng mẹ. Sinh tôi ra, bà ấy sẽ đèo bồng điều tiếng, và hẳn như bà bạn cảnh báo, đừng có mà còn tơ tưởng chuyện lấy chồng. Xã hội chắc chắn  nguyền rủa, bà ấy làm thế nào sống được. Và như hệ luận, tôi cũng mắc vào cái vòng trầm luân một đứa con hoang của người đàn bà trắc nết. Lại nữa, cái thế giới chúng ta - như ông triết gia kia gọi - đang rặt bọn cướp ngày, đạo lý xã hội tan hoang, con người rễu rã phân mảnh…Thì có gì vui?

 

Tháng thứ chín. Tôi bắt đầu thấy nhộn nhạo. Áp xuất của dung dịch mầu thủy tinh thể xuống khiến đôi lúc khó thở, tôi phải quẫy chân và vươn vai thở cho dễ. Không biết vì sao bà ấy tự nhiên thích ăn cay, tự mình nấu bún bò Huế, rắc ớt bột đỏ lòm. Thức ăn tôi nhận từ cái cuống ruột trở nên khó nuốt, tôi sặc, đá chân báo cho bà ấy biết, nhưng bà chẳng hiểu gì, suỵt soạt khen ngon. Vị giác phát triển, tôi cũng nhận ra những món ăn tôi thích. Như bánh xèo, với những miếng thịt thăn và những con tôm tươi đánh bắt từ sông lạch.

 

Một buổi trưa, tôi thấy người khó chịu như bị kéo co. Vùng ra, đầu tôi chổng ngược, và có một lực đẩy tôi ra ngoài. Cái dung dịch mầu thủy tinh thể hình như cạn dần, tôi nghe bà ấy rên rỉ kêu đau, và bà y tá trấn tĩnh:

-    Vỡ nước ối đó cô Ba, cô sắp sanh rồi….Tui đưa cô lên bệnh viện!

Nghe ra, tôi hoảng hồn. Tôi quay ngược lại, tay níu tay kéo, đạp chân bơi chống  cái lực đẩy tai quái. Rất nhanh, tôi hiểu tôi không muốn đi đâu hết. Tôi muốn ở trong đây, ngạt thở, rồi trở thành cái đốm sáng không trọng lượng trong một không gian phi vật chất. Làm được thế, tôi sẽ khỏi phải đối mặt với một xã hội vô luân, giải phóng bà ấy khỏi cái cảnh không chồng mà chửa, giải phóng tôi khỏi thân phận một đứa không cha.  Tôi chiến đấu, để chết.  Tôi nghe tiếng xe hơi lăn trên đường. Bà y tá vẫn đó, ôm lưng bà ấy, lập đi lập lại không sao đâu cô Ba. Rồi tôi nghe giọng một  người đàn ông mà bà y tá gọi là bác sĩ. Ông ta áp tai vào bụng nghe ngóng và thò tay vào tử cung bà ấy lần mò.  Cuộc chiến đã kéo dài bốn giờ đồng hồ. Tôi nghe bác sĩ than:

-    Thiệt khổ, coi bộ nó không muốn ra, đầu cứ quay vào trong.

 

Bà ấy kêu la, chửi rủa ông triết gia, thằng chó Tổng giám đốc, và cả quan đại thần cha vợ ông Tổng Giám đốc hiện là chủ tịch một Tập Đoàn. Thêm một giờ. Tôi vẫn cương quyết phấn đấu, kiên định như cha ông ta anh hùng thời ngủ hầm bí mật, nhất định không chui ra.

-    Phải gắp nó ra, nếu không được thì mổ, ông bác sĩ nói với bà y tá.

 

Tôi cảm thấy chất kim lạnh buốt của một cái kềm. Nghiêng đầu tránh thì cái kềm móc vào vai tôi. Ông bác sĩ lại thọc tay vào xoay tôi, và chẳng  hiểu ông làm sao mà đầu tôi từ từ lộn xuống. Nhẹ nhàng, ông lôi cái kềm ra . Đầu tôi ra theo. Lúc ấy, bà y tá đưa hai tay ra đỡ lấy thân tôi, và cuối cùng, tôi phải đối mặt với đời. Nhưng tôi quyết nín thở. Bà y tá nắm hai chân tôi, kêu:

-    Nó ná thở,  người tím lại rồi. Bác sĩ à, tui giơ nó lên đây….

 

Ông bác sĩ giang tay đánh vào đít tôi, một cái, hai cái. Nhưng tôi lì lợm, vẫn ngậm miệng. Bà y tá hình như quen chuyện này hơn, một  tay nắm chân tôi, tay kia bà giang thẳng phát ngang một  cú vào lưng tôi.  Tôi ộc cái dung dịch mầu thũy tinh thể ra. Há miệng, tôi khóc thét lên. Bà y tá mừng rỡ:

-    Xong! Thế là sống!

Sống, nhưng thế là tôi thất trận. Không biết bao lâu tôi mới  mở mắt ra,  thân thể đã được  lau chùi sạch sẽ. Nằm trong tay bà ấy, tôi nghe bà hát nho nhỏ:

 

Mẹ ngồi ru con đong đưa phận mình, đong đưa phận người …

 

Vuốt ve tôi, bà tiếp tục hát, giọng dịu dàng. Một tình cảm tôi chưa biết gọi tên ra sao tràn ngập trong tôi, thứ tình cảm có lẽ tôi chưa quên vì đã không nuốt ngụm cháo lú cuối cùng. Và từ lúc  đó, tôi gọi bà ấy là Mẹ.

 

Bây giờ, tôi muốn sống. Và sẽ đi đến tận cùng thân phận mình./.

 

Quebec 27-04-2012

 

Nam Dao
Số lần đọc: 2211
Ngày đăng: 04.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cầm Đồ - Phan Ngọc Danh
Thung Lam - Hồ Thị Ngọc Hoài
Câu Chuyện Ở Lạc Dương - Võ Anh Cương
Nhân vật không biết nói dối II - Hòa Văn
Không là truyện cổ tích - Hòa Văn
Bước Ngoặt - Văn Công Mỹ
Bọt Biển - Diệp Hồng Phương
Lời Thú Nhận Cuối Cùng - Đặng Hồng Quang
Bọn Bốn Đứa - Võ Xuân Phương
Nhân vật không biết nói dối - Hòa Văn