Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.439
 
Cà phê Trieste & những tiếng dội
Nguyễn Xuân Thiệp

 

Caffe Trieste...

 

Cũng như Starbucks, CC's Coffee House và PJ's …, Caffe Trieste có một lịch sử. Nói như thế nghe có vẻ trịnh trọng, nhưng đúng vậy. Nó có một lịch sử, mà  theo lời người thi sĩ thiền sư  họ Đỗ tới thăm nơi đây kể lại, lịch sử ấy khời đầu từ một chàng trẻ tuổi, nguyên là ngư dân nghèo của vùng Trieste ở Ý, tên Giovanni Gianni, mười lăm tuổi đi học hát opera, những ngày đầu di cư qua Mỹ làm nghề lau chùi cửa kính ở San Francisco,...

 

 

Vâng, cách đây hơn nửa thế kỷ, Giovanni Gianni mang gia đình tới Mỹ. Họ tìm thấy một thế giới mới, ở đó sự cần cù và quyết định thận trọng chắc chắn mang lại thành công. Nhớ lại hương vị cà phê ưa thích ở quê nhà, và sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu, ông bèn mở quán cà phê Trieste ở vùng vịnh San Francisco. Chẳng bao lâu, cà phê espresso do tiệm ông pha chế trở thành nổi tiếng. Có ai hỏi làm sao mà cà phê ở Caffe Trieste ngon thế, ông chỉ trả lời giản dị “Có gì đâu. Mua hột cà phê ngon đem về rang, rồi pha chế ly cà phê như thể cho chính mình vậy.”

 

Cà phê Trieste ngon. Đúng. Mà khung cảnh còn có sức hấp dẫn tuyệt vời nữa. Một người khách hơi bụi, đến từ Santa Rosa, CA, ghi lại như sau: “Tôi yêu vẻ cổ kính lãng mạn nơi này, bầu không khí hơi ồn nhưng đẫm chất nghệ thuật, đây là chỗ của những đôi tình nhân và cả anh chàng lãng du bụi bặm. Ở đây, bạn cảm được cái linh hồn đặc thù của quán cà phê nghệ sĩ, nghe dội lại tiếng vang của lịch sử, nhịp đập trái tim vùng North Beach”

 

Vâng, Caffe Trieste. Cái tên đã đi vào huyền sử dân gian này toạ lạc ở số 601, trên góc phố Vallejo và Grant.  Nó là tiệm cafe expresso & cappuccino đầu tiên mở ở bờ biển phía Tây California vào năm 1956. Ngày nay, với khách một thời từng lui tới, nơi đây vẫn còn  in bóng dáng Francis Ford Coppola ngồi ở góc bàn kia luôn 6 tháng trời hoàn thành kịch bản The Godfather. Những bài báo rải rác trên các websites kể rắng nơi đây cũng đã từng là điểm hẹn của Jack Kerouac, Allen Ginsberg, William Burroughs và những nhà thơ beatniks anh em, nghĩa là cả một Beat Generation. Một khách lãng du khi ghé thăm Caffe Trieste xác nhận hồn ma của thế hệ Beat, mặc quần jeans rách xơ bạc phếch và áo jacket bằng da, vẫn còn đi lại ở những chiếc bàn của quán cà phê cổ xưa nổi tiếng nép mình bên bờ biển phía bắc này. The ghosts of the Beat generation, clad in scruffy jeans and leather jackets, linger at the tables of this popular oldtimer nestled in North Beach.

 

 

Từ khi khai trương cách nay hơn nửa thế kỷ, Caffe Trieste đã nổi tiếng với cách kết hợp từ phong vị lâu đời của nước Ý, đến thơ ca Bohemien, âm nhạc và nghệ thuật và cà phê espresso tuyệt cú mèo. It has become famous across the world for its combination of essences: Old Italy, Bohemian poets, art and music, and excellent Espresso. Caffe Trieste đã đi vào những trang viết của các nhà văn, nhà thơ lưu vong nổi tiếng thế giới như Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky... Sau đây là Brodsky và Caffe Trieste viết theo bản dịch của Hoàng Ngọc Biên, nhà thơ họ Đỗ ghi lại :

 

To this corner of Grant and Vallejo,

I've returned like an echo…

Tôi đã trở về đây

trên góc phố Grant

và Vallejo

như một âm thanh dội lại

vâng. tôi lại trở về

Caffe Trieste…

tất cả. dường như. không thay đổi.

bàn ghế cũng vậy. thời tiết vẫn như ngày nào...

(Joseph Brodsky-Cafe Trieste: San Francisco).

 

 

Caffe Trieste... Cách đây năm năm (2006), Caffe Trieste tròn 50 tuổi. Theo ghi nhận của người thi sĩ thiền sư đã nhắc ở trên, đây là nơi hầu hết những nhà thơ danh tiếng thường ngồi, trong những đêm đọc thơ, trình diễn nhạc jazz và nhạc cổ điển... Ông chủ Papa Gianni nay đã ngoài 85 tuổi mà vẫn còn đứng hát khi nỗi niềm nostalgia chợt dậy. Xưa kia và bây giờ là một, như  không hề có sự đổi thay... Ngồi ở đây, trong hơi gió ngàn trùng từ vịnh San Francisco thổi về mà như nghe những tiếng động của nhịp bước thời gian. Ôi, tiếng đàn thùng như lửa cháy... Nguyễn những ước mong một ngày nào đó được ngồi ở đây và viết bài thơ Caffe Trieste, tiếp nối Brodsky... Cũng là lãng du dưới trời lưu xứ.

(tổng hợp từ internet)

 

 

Ngồi ở Caffe Trieste. trò chuyện với Brodsky…

 

 

…Vâng, cách đây mấy tháng, Nguyễn tôi đã có ước mong như vừa kể. Nhưng nay, nghĩ lại, thấy không được. Trong cuộc sống hối hả và phù du này, biết tới bao giờ Nguyễn mới có cơ hội tới San Francisco và ngồi ở Caffe Trieste để làm thơ. Tuần vừa qua, Nguyễn có hỏi người bạn nhỏ rằng mùa thu này ta đi qua vùng vịnh tới Caffe Trieste uống cà phê nhé. Hỏi mà không có tiếng trả lời dội lại. Rõ ràng là không thể chờ được nữa. Nay nhân kỷ niệm 40 năm cuộc hội ngộ âm nhạc, hippie trong mưa và bùn lầy ở Woodstock, nghĩ tới Brodsky và bao nhiêu nghệ sĩ khác, Nguyễn tôi bèn ngồi xuống trên đất Dallas này làm bài thơ lưu lãng gởi bạn bên trời đọc chơi…

 

tôi sẽ ngồi với ông

brodsky

và ly cappuccino

ở caffe trieste

vùng bay area

chiều

ngoài kia

hải âu

kêu xé

và những cột buồm. nghiêng

chói nắng. trong lòng vịnh.

trên góc phố

người thi sĩ thiền sư họ đỗ. với tay nải bụi. đứng chờ

chuyến xe buýt cuối ngày

và cô gái hippie. tóc rối. mắt sâu

cài bông trăng. trên rốn

hơi thở. của mùi cỏ say

trong chiều

gợi nhớ một không gian siêu thực

 

này. ông. brodsky

xin đừng hỏi

vì sao ta đến nơi này

ngồi ở caffe trieste

trong phố cảng

tưởng tượng. mưa cuối tuần. rơi. trên woodstock

cách đây ngoài bốn mươi năm

bùn lầy. và âm nhạc

như hoa mọc trên đồng

hay ngọn lửa. cháy. trong những căn nhà gỗ

quê xưa

ôi. jimi hendrix

joan baez,

the byrds, johnny inter,

janis joplin

melanie safka. và những ngọn nến trong mưa

ôi

đã đi qua. đi qua

giờ tất cả về đâu

những nhạc sĩ ôm đàn. như thuyền. đi trên biển

người. mưa. và tiếng hát

những cánh hoa vàng. hippie. mồ hôi

nước tiểu

ma túy. và tự do

chiều. hửng nắng. bay. từng đàn bướm dại

ơ kìa

ông hay tôi

hay ai kia

một ánh trăng ngoài vịnh frisco

khi ra đi. mưa bên trời. phượng. đỏ

ở sài gòn

và tuyết rơi. trong thành phố moscow

 

bây giờ. ta ngồi đây

trong caffe trieste

nghe khúc hát. ngày rơi

trên phố

đèn ngoài bến cảng. thắp lên

chiều tím

này. ông. brodsky

thôi. hãy lãng quên

như tôi. lãng quên

những trại tù

và lũ sói. điên

hú rân đồi trăng. trong rừng người

giờ này

trong quán

nhạc trỗi khúc blues

những nhà thơ bohemien. hồn mơ một tiếng còi tàu cháy bỏng.  nồng hơi gió                                biển. và mùi khói

rồi

bỗng. như loài cú đêm. người hành giả từ

phương đông

đứng dậy

đọc thơ

basho. đỗ phủ. ôn như hầu

đền tạ. phủ đường. những mái ngói

trăng lên

trong góc quán

kìa allen ginsberg

cười điên. bên kerouac

và coppola. ngồi một mình. cùng the godfather

papa gianni. chủ quán. rót rượu mời

lặng nghe. lặng nghe

người nhạc sĩ gipsy

khóc trên bài ballad

mùi bơ và cà phê

ngồi trong quán

nhìn ra. đêm. trên góc phố vallejo và grant

gã homeless da đen. còn đứng

chờ một vầng trăng

 

ở caffe trieste. thật ra. tôi ngồi một mình

chiều xuống

brodsky, ông đã chết. từ mười năm

tôi còn sống. và làm thơ

rồi sẽ ra đi

cũng như ông

chờ nghe tiếng gõ. trên ván mục. vở kịch hạ màn. và

nắng vẫn chảy. trên cầu tàu

trong quán. nhạc blues. ai đó còn đọc

thơ ông. thơ tôi. thơ những người tiếp nối

cuộc đời vẫn trôi

sầm uất hơn. náo động hơn

với mùi hoa lavender

và chim biển. vẫn kêu. chiều xuống

 

tháng 8. 2009

 

 

Điểm hẹn đây rồi:

Caffe Trieste

 

 

Ông brodsky ơi

tôi và hải phương. và quận. và đinh cường. và nguyễn trí minh quang. đã đến caffe  trieste

chiều nhạt nắng

như trong bài thơ viết gởi ông

ngoài khơi vịnh san francisco. thấp thoáng cánh buồm. như trong tranh người họa sĩ già. ở trên chóp căn chung cư đường polk

trên phố. người tấp nập

trắng. vàng. đen. mùi sa mạc. gió biển. và hương cây nhiệt đới. trộn chung

trời của màu hoa cúc dại

 

Cuối cùng thì mình cũng đến được Caffe Trieste. Vào một buổi chiều của thượng tuần tháng Tư. Đến thật, chứ không còn là trong mơ hay trong thơ nữa.

 

Vâng. Đúng vậy. Tất cả là nằm trong dự tính và có chuẩn bị trước. Còn nhớ một hôm cách đây không lâu, Nguyễn gọi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hoàng nói rằng sẽ qua Cali, lên San Jose thăm bạn. Và bảo Hoàng có thể đưa mình đi thăm Vesuvio Café và Caffe Trieste không? Hoàng trả lời được nhưng giọng không nồng nhiệt lắm. Mình chợt nhớ ra: Hoàng không lái xe. Do đó, trước khi đi Cali mình đã cho in ra bài Cà Phê Trieste & Những Tiếng Dội viết hồi tháng 8. 2009. Và trong buổi đọc thơ bên ly rượu đỏ ở nhà Hải Phương có Đinh Cường (cùng chuyến đi), Quế Hương và Lữ Quỳnh (rất tiếc, Nguyên Minh đã ra về trước đó), mình bảo Hải Phương “Tôi giao ông nhiệm vụ mai chở tụi này tới Caffe Trieste đấy nhé!” và đưa bài viết cho Quận (trong đó có địa chỉ của quán Caffe Trieste) để search trên internet.

 

Trưa hôm sau, Hải Phương lái xe chở cả bọn trực chỉ San Francisco. Ngồi trên xe, bà Quận (Hải Phương thường âu yếm gọi nàng là Queen) gọi cho Nguyễn Trí Minh Quang, người nữ họa sĩ trẻ sống nhiều năm ở Bay Area, hẹn với Minh Quang rằng sẽ đến đón cùng đi. Quang ở trong một căn apartment sang trọng. Tại đó, anh em có một buổi trưa vui vẻ, được Minh Quang đãi cá salmon xông khói, lỗ tai heo khìa và vang trắng thơm quá là thơm, lại còn được xem tranh của Quang nữa. Những bức tranh đẹp và thật lạ. Thích nhất là bức thiếu nữ bán khỏa thân và hai con gà.

 

 

Uống hết chai vang trắng và ăn hết dĩa cá hồi cùng tai heo, Hải Phương lái xe đưa mọi người tới thăm Duy Thanh, họa sĩ lừng danh từ thời Sáng Tạo.Trên xe có Minh Quang chỉ đường. Duy Thanh và vợ là Trúc Liên ở trong một căn chung cư trên phố Polk. Do Đinh Cường có gọi hẹn trước, lên tới nơi vừa ra khỏi cửa thang máy đã thấy Duy Thanh đứng đón sẵn. Anh mặc quần short, áo T-shirt trắng, dáng người trông khỏe mạnh, da sạm nâu. Tất cả vui vẻ bước vào căn apartment của anh. Ôi, một nghệ sĩ tài hoa và có nhiều đóng góp mà suốt hơn ba mươi năm qua đã phải sống ở một nơi chật chội như thế này sao. Duy Thanh năm nay đã ngoài tám mươi, hiện đang bị ung thư tủy, may nhờ có được thứ thuốc thần diệu nên sức khỏe đang phục hồi và tinh thần phấn chấn. Chị Trúc Liên, người đẹp của các phòng triển lãm Sài Gòn ngày nào, nay cũng đã già nhưng vẫn còn nét thanh tú, vui tươi, hoạt bát. Ngồi chơi với anh chị một lát, tất cả đứng lên xin kiếu từ, hẹn ngày gặp lại. Có không ngày ấy? Xin đừng tự hỏi khó mình. Cứ vui trong phút giây này và ta tới Caffe Trieste.

 

 

Đúng như mình tưởng tượng Caffe Trieste nằm trên góc phố Vallejo và Grant. Đẹp, mang hồn  nghệ sĩ. Quán đông. khách ngồi cả ra ngoài hiên. Anh em tìm được một bàn ở bên trong, gần quầy  Đây rồi điểm hẹn. Mới bước chân vào là nhìn thấy ngay trên tường tấm ảnh đen trắng chụp Papa Gianni đang hát. Mình vội hỏi ngay người cashier, “Papa Gianni còn ở đây không?” Anh ta trả lời, “Còn." Mình mừng quá. Năm 2006, Papa Gianni ngoài 85 tuổi, bây giờ ít ra ông đã 92. Hỏi ông còn đứng hát mỗi đêm không, anh thu ngân trả lời “Không, ông chỉ hát mỗi tháng một lần khi vui và hứng khởi" Thế là tốt lắm rồi. Sau khi kêu cái cappuccino như ngày nào ngồi với Joseph Brodski trong tưởng tượng, mình nhìn quanh quán. Một bức tranh vẽ cảnh biển lồng lộng và bãi đậu thuyền chiếm cả bức tường, ý chừng để hồi tưởng lại ngôi làng đánh cá Rovigno của nước Ý, quê hương của ông chủ quán. Trên một bức tường khác treo đầy những tấm ảnh ghi lại sinh hoạt từng diễn ra nơi đây. Bàn ghế có lẽ cũng như xưa. Mình tưởng tượng xem đã ngồi với Brodsky ở bàn nào. Có lẽ ở kia, ngay dưới tấm ảnh của Papa Gianni. Bèn lại ngồi ở đó, nhờ Đinh Cường bấm cho tấm ảnh. Đinh Cường và Hải Phương cũng như Quận và Minh Quang rất thích không khí ở đây -nghệ sĩ mà trang nhã, lịch sự. Người vào ra, đa số còn rất trẻ, ăn mặc đúng ton và đúng gout của giới nghệ sĩ. Cũng có cái gì đó hơi bụi một chút, như thông thường vẫn thấy ở các quán cà phê. Ngồi đây lúc chiều xuống, đèn bên trong đã sáng lên, lòng mình chợt buồn, một nỗi nostalgia đầy hoài cảm. Dường như đâu đây còn vọng lại giọng hát opera của bố già Gianni trong ca khúc một thời “It’s now or never” tức “O Sole Mio” (Mặt trời của tôi-ca khúc bất hủ của Ý). Thời gian trôi qua, chỉ còn Papa Gianni ở đây, Francis Ford Copola, Czeslaw Milosz,  Joseph Bodski và các thi sĩ thuộc thế hệ Beats đều đã ra đi. Mình yêu Caffe Trieste trước hết vì đã có những nghệ sĩ này ở đây. Nhất là khi những nhà thơ lưu vong như Milosz và Brodsky đều chung thận phận với mình, đã từng khóc ở Café La Ruche, trên cầu Lofellow, ở quảng trường Times Square, có lẽ. Và còn ở những nơi nào nữa.

 

Bên ngoài, đèn đường cũng đã sáng lên.Trời như sắp nổi cơn giông. Chỗ mình ngồi trong quán ngay sát bên khung kính lớn có hang chữ cong nhiều màu đề tên quán. Caffe Trieste. Ngước mắt nhìn lên trong ánh đèn lóe sáng mình hình như thấy hình một con bướm Monarch (bướm chúa) nhiều màu đậu trên đó? Có phải đây là con bướm từng đậu trên cán cuốc người tù ở trại Hàm Tân năm nào? Hồn ai về đây vậy? Hồn của những nghệ sĩ xưa, hay hiền nội theo mình tới đây để gần nhau trong hương cà phê nồng ấm, như thuở nào?

 

Tháng Tư 2012

Nguyễn Xuân Thiệp
Số lần đọc: 1700
Ngày đăng: 05.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa hoa thương khó. - Giang Kiều
Trở Lại Tháng Tư - Nguyễn Hồng Nhung
Quan Họ Của Tôi - Nguyễn Thị Hậu
chị tôi và cơm hến - Nguyễn Thị Mộng Thu*
Quí một bất an, - Nguyễn Quang Chơn
Một ngày dài ở xứ sở tạm dung ! - Vũ Trà My
Phục Sinh - Nguyễn Hồng Nhung
Những món ngon nhớ mãi ở Tam Kỳ, - Nguyễn Quang Chơn
Du Tử Lê, Tôi Cũng Như Chiều, Tôi Mồ Côi. - Du Tử Lê
Bùi Chí Vinh: Nhà thơ Lương Sơn Bạc - Lan Hương