Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.220.693
 
Mộng Và Thực
Phan Ngọc Danh

 

Nhân dịp lễ Vu Lan một buổi nói chuyện được tổ chức tại chùa Trúc Lâm. Chùa nằm soai soải trên một triền đồi bên cạnh ngọn núi Yucca. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, uốn khúc. Mọc sát hai bên đường là những rặng phi lao cao vút, tán cây che khuất cả lối đi. Từ dưới chân núi nhìn lên, đằng sau mấy cụm mây đang theo gió trôi lờ lững, chiếc cổng tam quan uy nghiêm hùng vĩ, khi ẩn khi hiện, khi mờ khi tỏ.

 

Cũng như mọi Phật tử khác trong vùng, chúng tôi leo lên chùa từ sáng sớm để vãn cảnh, nhất là nhìn những tia nắng hình cánh quạt, chiếu đỏ rực lên trên mây xanh khi mặt trời vừa ló dạng trên đỉnh núi. Cửa phòng chánh điện trông về hướng bắc, nơi có gốc cây bồ đề cổ thụ với cái tán vĩ đại, che mưa che nắng cho cả một góc sân. Nhờ tọa lạc trên cao lại thêm cây lá nhiều, chùa lúc nào cũng tĩnh mịch, trang nghiêm; khách đến viếng chùa, nghe tiếng chuông ngân trong không, lúc nào cũng cảm thấy lâng lâng như đi vào chốn bồng lai tiên cảnh.

 

Khi mặt trời vừa ngang tầm mắt, sương sớm tan dần trên cành cây ngọn cỏ, sân chùa đã đầy đạo hữu. Trong phòng chính điện cũng vậy, kẻ đứng người ngồi, trò chuyện râm ran như chợ phiên. Đến giờ Thìn thầy Phúc Thiện điềm đạm bước vào phòng, chào mọi người với nụ cười khoan dung. Căn phòng yên lặng dần.

 

Buổi nói chuyện hôm ấy bao quanh đề tài ‘mộng và thực.’ Thầy giải thích, “Nếu tấm kiếng cửa sổ kia được lau chùi thật sạch, nhìn ra sân mình chỉ thấy cảnh vật, cây lá… chứ mấy ai để ý để thấy được tấm kiếng đang chắn ngay trước mắt. Cũng như trong đời sống hằng ngày, nào ai biết được lúc nào là mộng, lúc nào là thực?”

 

Chừng hơn một giờ sau đó, trước khi chấm dứt buổi nói chuyện, thầy mời những đạo hữu nào có kinh nghiệm liên hệ đến đề tài này thì có thể lên chia sẻ với mọi người. Sau khi một vài vị lên bày tỏ ý kiến và một số khác đứng dậy để chuẩn bị ra về, một thiếu phụ, cô Ba, với dáng rụt rè, bước chậm rãi lên bục gỗ. Cô mở lời:

 

“Thưa quý Phật tử, đối với bản thân tôi, đã gần cuối cuộc đời, mộng và thực cứ lẫn lộn mãi. Ngay lúc này đây, đang đứng hầu chuyện cùng quý vị, tôi không biết tôi đang sống trong mộng ảo hay thực tại.

 

“Số là năm lên 19 tuổi, tôi đang buôn bán ở chợ Đầm thì mẹ tôi mất. Đời sống dạo ấy khó khăn, chiến tranh lan tràn, chết chóc khắp nơi. Thế rồi có một buổi chiều, sau khi chợ vãn, tôi tình cờ gặp một anh lính bộ binh, chồng tôi bây giờ.

 

“Quen nhau chừng vài tháng anh ấy xin cưới tôi. Đã mồ côi, không bà con thân thích lại có được tấm chồng để nương tựa, tôi còn biết mơ ước gì hơn? Nhưng sống với nhau chưa được ba tháng, mộng của tôi phai tàn – anh ấy bị gọi đi trấn thủ ở căn cứ biên phòng Chu Pao trên rặng Trường Sơn.

 

“Vì Chu Pao hẻo lánh xa xôi nên ít khi tôi nhận được thư. Trong thư anh ấy chỉ kể vắn tắt là hành quân vất vả trên những vùng thượng du, núi đồi hiểm trở.

 

“Chiến tranh càng ngày càng sôi động; tin tức từ Chu Pao rời rạc dần. Đến tháng chạp năm ấy tôi không còn nhận được một bức thư nào nữa. Dò hỏi khắp nơi, họ cho tôi biết Chu Pao đã bị giải phóng.

 

“Từ đó tôi mất ăn mất ngủ; linh tính báo cho tôi biết những chuyện chẳng lành. Vì quá sốt ruột, chịu không nổi, tôi liền đóng cửa sạp hàng để đi tìm chồng tôi.

 

“Đường lên Pleiku nhọc nhằn vất vả, mất cả một ngày trời xe đò mới đến nơi. Nhằm lúc mưa to gió lớn nên đi đâu cũng bùn lầy đất đỏ. Vì chẳng quen biết ai nên đêm đêm tôi phải ngủ nhờ dưới mái hiên của mấy hàng quán ở trong chợ. Thời tiết cao nguyên lúc bấy giờ đã lạnh lẽo, nước mưa lại thấm vào da thịt nên tôi chỉ biết nằm co người chờ đợi qua đêm.

 

“Thế rồi ngày ngày tôi lân la dò hỏi, nào là Chu Pao ở đâu, đường lên đó cách nào, có ai biết tin tức gì về chồng tôi? Nhưng đã hơn tuần mà chẳng được gì, Chu Pao ở đâu thì họ biết, còn tông tích anh ấy thì tuyệt nhiên không ai hay. Mà nghĩ cho cùng, thời buổi loạn ly, mạng người như cỏ rác, làm sao người ta có thể biết được tình trạng của một anh lính ở chốn biên phòng! Họ bảo, có đi Chu Pao cũng vô ích, phần vì không ai có can đảm chở lên, phần vì tất cả xác chết, nếu tìm được, đã được đưa về thị trấn.

 

“Chẳng còn cách nào khác hơn, tôi đành đứng ngoài cổng chợ để đón xe nhà binh từ chiến trường trở về. Dạo ấy, mỗi ngày có khoảng hai ba chiếc xe rêm xê vội vã chạy về, dừng ở chợ một lúc rồi chạy tiếp lên nhà xác, sát cạnh phi trường. Trên xe, khi nào khá thì có vài cái quan tài chưa đóng nắp, còn toàn là xác chết, bọc tạm bợ trong pon sô hay bằng những tấm chiếu rách. Mỗi lần xe ngừng, tôi leo lên ngay, lật từng chiếc chiếu để nhìn mặt. Khổ nỗi, phần thì mưa to gió lớn, phần thì xác người đã sình thối, ươn phù lên, nên tôi không cách nào nhận ra ai là ai cả. Có điều, tuy không thấy xác chồng nhưng tôi lại mừng, bởi biết đâu đó… có thể anh ấy vẫn còn sống!

 

“Quả thật anh ấy còn sống và đêm nào cũng về thăm tôi. Vừa chợp mắt được vài phút tôi đã thấy chồng tôi từ cổng chợ bước vào, lật tấm chiếu tôi đắp rồi nằm ôm lấy tôi, áp chặt vào lòng. Anh ấy thường kể cho tôi nghe những chuyện đi tập kích ở Chu Pao. Anh còn nói mong sao cho chóng hòa bình để về với vợ con.

 

“Từ đó… hết đêm này qua đêm nọ, dần dần tôi quen nếp và lúc nào cũng mong đêm xuống để sống với chồng tôi. Chính vì sống êm ấm với chồng như vậy nên mỗi khi phải thức giấc vì trời sáng, xe cộ chạy ồn ào… tôi lại ngỡ như mình sắp bước vào một giấc mơ, không có thật…”

 

*

 

Đang say mê kể chuyện cô Ba bỗng dưng ngập ngừng, chờ đợi bởi những tiếng xầm xì trong đám đạo hửu đang nổi dần lên. Có người thắc mắc, “Chuyện gì mà quái lạ thế này?” Người khác được thể hùa theo, “Eo ơi! Nghe mà muốn nổi da gà!...”

 

Nhận thấy những lời bình phẩm như vậy lan rộng, dường như không dứt, thầy Phúc Thiện vội đứng lên, khoát tay yêu cầu, “Xin đạo hửu giử yên tĩnh để chúng ta được nghe cho hết câu chuyện.”

 

Lúc bấy giờ cô Ba đổi sắc mặt, tái dần với hai con mắt khi thì đỏ rực, khi thì trắng dã, man dại như thể bị thôi miên hay sắp lên đồng. Từ trên vách tường, chiếc kim đồng hồ điểm lên vài tiếng, nghe sao lanh lảnh, rợn người. Thời gian dường như đứng lại; căn phòng trở nên ngột ngạt, nín thở trong khi môi cô Ba lập bập, nói lẩm nhẩm rất khó nghe:

 

“Sau gần một tháng tìm kiếm, gặp lúc trời trở lạnh cả ngày lẫn đêm, tôi lên cơn sốt. Anh ấy đem thuốc về cho tôi uống. Không biết thuốc lấy từ đâu mà hay thật, uống vào khỏe hẳn ngay. Chỉ có điều mỗi khi thức dậy, tôi lại thấy miệng đắng chát vì đang nhai dở một vài cọng lá.

 

“Khoảng hơn tuần sau đó tôi tìm ra xác chồng tôi. Số là họ bảo chiếc xe chiều hôm ấy là chiếc cuối cùng từ mạn Chu Pao, nếu không thấy xác thì coi như mất tích. Tôi chạy ngược chạy xuôi nghe ngóng, chờ đợi, nhưng mãi đến khuya xe mới về tới chợ. Leo lên xe, lật từng tấm chiếu, cuối cùng tôi cũng tìm ra. Mặt anh ấy đã rữa thối, chân tay trương sình, xám xịt như tro, máu me thẫm ướt từ người cho đến chiếu. Tuy anh chỉ còn có một chân nhưng nặng không vác nổi. Hay tin tôi tìm ra được thân nhân, bác tài xế ngừng lâu hơn để tôi thuê người tẩm liệm. Sáng sớm hôm sau tôi thuê xe, chở quan tài anh ấy về chôn cất ở chân núi Diên Trì.

 

“Kể từ ngày hôm đó tôi chẳng còn tâm trí gì để buôn bán. Lúc nào tôi cũng ngồi thừ người, mơ ước được sống lại những đêm nằm dưới hiên chợ trên Pleiku với chồng tôi. Đối với tôi lúc bấy giờ, người qua kẻ lại ở trong chợ chỉ là một ảo tưởng, không có thật và chắc chắn sẽ vỡ tan như bong bóng nước. Bọn bạn hàng thấy mặt mày tôi trắng nhợt, áo quần xốc xếch, tóc tai rối bù, nói năng lảm nhảm… tưởng tôi điên nên khuyên tôi đi khám. Tôi chỉ cười thé lên, cảm thấy chua chát, bởi tin sao được những hạng người chỉ biết sống bằng những thứ ảo giác hoang đường, không tưởng!

 

“Đến tháng tư năm sau tôi lại tái hợp với chồng tôi. Số là vào một đêm khuya, sấm chớp liên hồi rồi mưa rơi nặng hạt, tôi nghe như có tiếng gõ cửa, mới đầu nhẹ, sau lớn dần với vẻ hối thúc. Choàng tỉnh dậy, tôi lắng tai về hướng cửa để nghe ngóng. Một hồi sau tôi vẫn còn nghe, rõ ràng là tiếng gõ cửa, khác hẳn với tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn. Ngồi dậy trên giường một lúc cho tỉnh trí, tôi cố đoán xem ai lại gõ cửa vào giờ này. Sau cùng, nhờ vào tia sáng đứt đoạn của cơn giông chớp lòe qua tấm phên nứa, tôi lần mò bước đến nhìn qua khe cửa.

 

“Trời ơi... chồng tôi!

 

“Anh ấy, bằng xương bằng thịt trong bộ đồ lính rách nát, ướt sũng, đang đứng dựa vào cái cột nhà với một chân cụt ngủn, giống y như lúc tôi tẩm liệm mấy tháng về trước. Nửa mê nửa tỉnh, chẳng biết đâu là mộng đâu là thực, tôi mở cửa, ôm chặt lấy chồng tôi, chỉ sợ vuột mất. Rồi tôi véo vào tai tôi thật đau như người ta thường làm để tỉnh cơn mê. Tôi sờ anh chậm rãi từ đầu đến chân; cảm giác ấm áp nơi hai bàn tay giúp tôi vững tin rằng anh còn sống và đây không phải là một giấc mơ.

 

“Không… không! Quả thật, đây chẳng phải là một giấc mơ. Anh ấy lê đôi nạng gỗ bước vào nhà, ngồi trên chiếc giường tre rồi than đói. Tôi vào bếp, thắp sáng ngọn đèn cầy và chỉ kiếm được một bát cơm nguội, ăn dở lúc ban chiều.

 

“Dựa lưng vào tường ở một góc phòng tôi đứng thừ người khá lâu, nhìn anh ăn mà không hết bàng hoàng. Qua ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn cầy, tôi nhìn bóng anh phản chiếu lung linh lên trên tường rồi nhìn tới cái giường, cái ghế...  để so sánh hư thực. Càng lúc tôi càng kinh hãi... có thể nào… vâng, có thể nào tôi đã chôn lầm một người khác ở chân núi Diên Trì?”

 

*

 

Nói đến đó, cô Ba cúi gập đầu về phía trước; hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Mặt cô đổi sắc, tái hẳn lại; toàn thân cô run lên cầm cập. Cô từ từ ngước lên nhìn vào khoảng không như điên như dại, như thể cô đang sống lại những giây phút căng thẳng thuở ấy. Mãi một lúc, khi đã hồi tỉnh, cô đưa tay chùi nước mắt rồi chậm rãi kết luận,

  

“Một thời gian sau, khi khói lửa chiến tranh lan tràn đến quê tôi, chúng tôi chạy loạn như trăm vạn người tỵ nạn khác.”

Cô vừa dứt lời, có người hỏi sao chồng cô Ba đâu không thấy, cô liền chỉ tay ra ngoài sân, ngay dưới gốc cây bồ đề,

“Kìa, anh ấy đứng đó... chồng tôi vẫn thích chống cái nạn gỗ, đứng hóng mát dưới mấy tàn cây cổ thụ...”

Chúng tôi như trong cơn mơ, cùng nhìn ra gốc cây bồ đề ngoài sân, nhưng lạ thay, chẳng ai thấy bóng dáng một người nào cả./.

 

 

Phan Ngọc Danh
Số lần đọc: 1795
Ngày đăng: 22.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Nào Cũng Đổ Xuống - Phạm Thị Xoàn
Tàu Khuya - Nguyễn Lệ Uyên
Bụi Hồng Gai Và Con Chim Cánh Đỏ - Nguyễn Trung Dũng
Tình thương mến là quà tặng - Hòa Văn
Những mảnh vỡ (31) - Nguyễn Thị Hậu
Mộng Du Chiều - Đặng Kim Côn
Cái Chết Về Như Lá Mùa Thu - Nguyễn Trung Dũng
Vợ Hiền - Phan Ngọc Danh
Truyện ngắn chưa đặt tên - Phạm Thị Xoàn
Mong Manh Đường Về - Ngô Văn Cư
Cùng một tác giả
Cầm Đồ (truyện ngắn)
Vợ Hiền (truyện ngắn)
Mộng Và Thực (truyện ngắn)
Hy Sinh (truyện ngắn)
Bức Thư Tình (truyện ngắn)
Bên Hàng Dậu (truyện ngắn)
Vâng! (truyện ngắn)