Có lẽ hè này mình nên thôi không dạy thêm nữa, thà vậy còn hơn! Từ phòng họp hội nghị bước ra, Hoàng vừa đi vừa ngẫm nghĩ như tự vấn mình.
Mặc dù nhiều năm qua, vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan thường gặp phải những phản ứng từ phía cha mẹ học sinh, sự bất bình của công luận nhưng đối với Hoàng đó chỉ là những bất trắc nhỏ trong giáo dục.
- Mọi việc rồi sẽ được khắc phục, sẽ qua đi! Ai tiêu cực, người ấy bị phê phán, mình dạy thêm đàng hoàng, nghiêm túc thì không việc gì phải ngại - Hoàng thường nghĩ như vậy.
Ý nghĩ đó dần dần trở thành như một lập luận mà Hoàng dựa vào để cố thủ. Những tưởng Hoàng sẽ yên trí với suy nghĩ của mình. Nhưng không! Sự việc không đơn giản như vậy. Cách đây một tuần, Hoàng đã tham dự một hội nghị do thành phố tổ chức cho ngành giáo dục với chủ đề "Vấn đề sụt giảm chất lượng học tập của học sinh Trung học cơ sở - Nguyên nhân và biện pháp khắc phục". Trong hội nghị người ta nói nhiều đến các nguyên nhân làm sụt giảm chất lượng giáo dục ở học sinh Trung học cơ sở của thành phố, dẫn đến hậu quả tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh trong năm học vừa qua. Các nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu đều được đưa ra phân tích, nào là do quản lý của Ban giám hiệu các trường chưa chặt chẽ, thanh tra chuyên môn chưa nghiêm túc, giáo viên giảng dạy chưa tận tâm. Cũng có người đổ lỗi cho khách quan là do học sinh chưa học tập một cách tích cực hoặc chất lượng đầu vào học sinh Trung học cơ sở yếu do bị mất căn bản ở bậc Tiểu học, do Hội đồng coi thi quá khó, chấm thi quá chặt. Tuy vậy, tại hội nghị nhiều phụ huynh học sinh và thầy cô giáo đứng tuổi đã nêu ý kiến cho rằng nên xem lại vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây sụt giảm chất lượng học tập của học sinh, nhất là việc dạy thêm một cách vô lối có dấu hiệu tiêu cực làm học sinh trở nên thụ động, giáo viên dạy không hết lòng vì học sinh trong giờ chính khóa. Việc đánh giá, xếp loại học sinh vì vậy cũng bị thiên lệch không còn chính xác... Và bao giờ cũng vậy, dù bài phát biểu có dài hay ngắn, thiên về chủ quan hay khách quan khi sắp kết thúc ai cũng đưa ra những đề xuất khắc phục bằng các biện pháp tổ chức, thanh tra, xử lý kịp thời các vi phạm, kêu gọi sự tự giác của giáo viên hoặc cần có qui định về dạy thêm học thêm cho rõ ràng, cụ thể.
* *
*
Hoàng đến hội nghị này với dự định chỉ nghe và tiếp thu chứ không phát biểu. Các ý kiến nêu tại hội nghị đối với Hoàng không lạ gì, Hoàng đã từng nghe, từng biết các phân tích đại loại như vậy. Nhưng đến gần cuối hội nghị bài phát biểu của một đồng nghiệp đã làm cho Hoàng bị sốc mạnh:
-... Cán bộ, giáo viên chúng ta cũng có nhiều người chưa tự giác, gương mẫu. Ban giám hiệu cũng có người lôi kéo học sinh dạy thêm ở nhà, thậm chí có nơi chồng dạy thêm, vợ cũng dạy thêm ở nhà...
- Úi chà! Ông bạn này ám chỉ mình chăng? Hoàng len lén đảo mắt qua một vòng xem có ánh mắt dèm pha nào nhìn về phía mình không.
- Khổ quá! Chồng dạy thêm, vợ cũng dạy thêm chính là gia đình mình. Ban giám hiệu có người dạy thêm cũng chính là mình. Chết thật!
Đúng vậy, sau mười năm công tác trong vùng sâu, Hoàng đã được chuyển về thành phố để hợp lý hóa gia đình. Hoàng đã trở thành một giáo viên nổi tiếng dạy giỏi môn Toán, đã tốt nghiệp Đại học sư phạm và được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường Trung học cơ sở từ hai năm nay. Vợ Hoàng - cô giáo Oanh là giáo viên của một trường Tiểu học có danh tiếng của thành phố. Từ ba bốn năm nay, năm nào cũng vậy Hoàng cùng vài ba người bạn phối hợp nhau mở các lớp dạy thêm Toán - Lý - Hóa cấp hai và luyện thi. Chủ tâm của Hoàng là để cho con bé Minh - con gái lớn của Hoàng có chỗ học thêm và dĩ nhiên có tuyển thêm nhiều học sinh cùng học tổ chức thành lớp lang cho dễ học. Ý định ban đầu của Hoàng là như vậy. Bây giờ, con Minh đã lên học ở cấp ba nhưng việc dạy thêm của Hoàng đã thành thông lệ khó dứt ra được. Còn đối với Oanh - vợ của Hoàng, lớp dạy thêm mở ra ở nhà cũng là tạo điều kiện cho thằng Phúc - con trai của vợ chồng Hoàng và con của một số bà con, hàng xóm thân quen với gia đình Hoàng có nơi học, khỏi phải lêu lổng trong hè. Nói chung, học sinh đến với lớp dạy thêm của vợ chồng Hoàng là do tự nguyện, họ không hề lôi kéo, rủ rê, o ép học sinh bao giờ. Còn học phí, thì cũng là khoản trả công cho vợ chồng Hoàng theo thỏa thuận giữa người dạy - người học vậy thôi. Có học sinh hoàn cảnh khó khăn Hoàng cũng đã dễ dãi miễn giảm học phí thỏa đáng. Việc làm của vợ chồng Hoàng như vậy có gì là xấu đâu. Nhưng có mấy ai hiểu được? Cấp trên, đồng nghiệp, một số phụ huynh và nhất là dư luận thường hay đánh giá nghiệt ngã về việc làm này.
- Dù sao thì mình cũng nên nghỉ dạy thêm cho rồi!
Hoàng dự định như vậy, nhưng có lẽ dự định này chưa chắc chắn lắm vì nó chỉ mới xuất phát từ sự tự ái, sĩ diện và lòng tự trọng của Hoàng thôi, nó chưa có lý lẽ vững chắc từ trong thâm tâm của Hoàng.
* *
*
Mấy ngày nay, Hoàng lại nhận được một đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến việc dạy thêm ở trường của Hoàng do cơ quan thanh tra ngành cấp trên chuyển đến. Nói là đơn thư khiếu tố vậy thôi, thực ra đây chỉ là một tờ trình bày của một phụ huynh học sinh. Đọc và tìm hiểu nội dung của đơn thư, Hoàng cảm thấy rất thấm thía và sắp đặt cách giải quyết để bàn trong Ban giám hiệu. Nhưng chắc chắn là Hoàng sẽ không dám đưa ra giải quyết vấn đề này nếu việc dạy thêm của gia đình Hoàng chưa được Hoàng tự xử lý trước.
Chiều nay Hoàng quyết định phải bàn bạc với vợ về việc thôi không dạy thêm ở nhà nữa. Sau khi nói đôi điều về tinh thần hội nghị mà Hoàng đã dự cho Oanh nghe, sợ rằng chưa đủ liều lượng thông tin để thuyết phục được vợ, anh nói tiếp:
- Đây! Em xem cái này - Vừa nói Hoàng vừa móc túi đưa cho Oanh bản copy của đơn thư khiếu tố.
Các dòng chữ to đen và thưa thớt trên trang giấy xếp tư vừa được mở ra nhảy múa dưới mắt Oanh:
Kính thưa quí vị lãnh đạo giáo dục thành phố.
Tôi là một phụ huynh của trường Trung học cơ sở phường I của quí vị. Nay tôi xin có đôi lời góp ý về một hiện tượng tiêu cực vẫn còn tồn tại trong việc dạy thêm tại nhà của giáo viên.
Kính thưa quí vị!
Con tôi là học trò cô Lê Thúy Xuân ở trường này. Theo tôi được biết cô Xuân dạy rất nhiều học trò ở nhà. Để có nhiều học trò như vậy cô thường o ép học trò ở các lớp mình dạy và chủ nhiệm. Chẳng hạn như cho điểm xấu những học sinh không học thêm, phân biệt đối xử. Bản thân con tôi là một ví dụ. Con tôi học rất khá ở các môn, duy chỉ có môn Văn là không ngóc đầu lên nổi tới năm điểm. Nó thường về nhà than khóc với chúng tôi, cho rằng tại tôi không cho nó học thêm mới ra nông nổi, bởi bạn nó học thêm nên biết trước đề kiểm tra, đề thi. Tức mình, tôi liền vét mót tiền bạc để cho nó học thêm. Quả nhiên, nó tiến bộ không ngờ. Chỉ sau hai tuần học, từ điểm 4, 5 nó đã vươn lên điểm 8, 9. Vào lớp cô cũng không còn la rầy, mắng mỏ nữa. Tôi thật sự lo ngại, hoài nghi về kết quả này và càng lo sợ hơn bởi chúng tôi là công nhân viên nghèo, đồng lương có hạn, lớp phải học ở trường, lớp phải học ở nhà thật quá sức chịu đựng chúng tôi. Nay tôi làm đơn này xin quí vị góp ý với cô, với trường để phụ huynh chúng tôi an tâm công tác. Đáng lẽ tôi trình bày với trường nhưng được biết cô Xuân là chị của một người trong Ban giám hiệu trường nên việc này đâu sẽ vào đấy thôi.
Thân chào đoàn kết.
Một phụ huynh học sinh của trường
Ký tên.
- Em biết đơn thư này của ai không? - Hoàng hỏi.
- Em chỉ biết đơn thư nói về chị Xuân của mình, còn người viết đơn thì em không đoán được. Đơn nặc danh mà.
- Nhưng mà anh biết! Đơn này là của thằng Dũng, bạn thân của anh. Mặc dù nó không ghi họ tên nhưng chữ ký và nét chữ của nó anh biết rõ. Anh đã đến nhà nó, nó đã nhận. Anh cũng đã gặp con bé Mai - con thằng Dũng, anh xem tập học thêm và các bài kiểm tra của nó. Hai ngày qua anh đã vào văn phòng tìm xem học bạ của Mai và cả trăm đứa khác, anh đã phát hiện ra nhiều điều. Tuy rằng sự việc không như một trăm phần trăm theo thằng Dũng kể trong đơn, nhưng có đến sáu bảy chục phần trăm là đúng như vậy. Thật khó ngờ tới. Ngay cả thằng Dũng bạn thân nó cũng không thèm nói thẳng với anh, nó chỉ viết đơn thôi. Có vẻ như nó trách móc và không tin mình vì nó thấy mình cũng dạy thêm ở nhà.
Ngừng một lát thấy vợ không có phản ứng gì, Hoàng nói tiếp:
- Em biết không, học sinh thành phố của mình có nhiều ưu thế về cơ sở vật chất, về đội ngũ thầy cô giáo, lại không bị thiên tai lũ lụt hàng năm như các nơi khác mà chất lượng thi cứ như năm rồi là tức lắm. Ngày trước, khi còn công tác trong vùng sâu bọn anh thường tổ chức ôn tập, luyện thi cho học sinh mà có tính tiền nong gì đâu, nhiều lúc còn phải năn nỉ chúng nó đi học. Tội nghiệp lắm! Bây giờ, việc này khác trước rất nhiều. Trong hội nghị vừa rồi có người đổ lỗi cho khách quan nhưng anh thấy rõ một điều là chất lượng học tập của học trò do chất lượng giảng dạy của người thầy quyết định. Còn trình độ được đào tạo của người thầy với chất lượng giảng dạy của người đó là hai yếu tố khác nhau, là hai mặt của một vấn đề. Không thể nói rằng cứ hễ một giáo viên có trình độ được đào tạo càng cao, kinh nghiệm càng dầy thì chất lượng giảng dạy càng tốt. Muốn giảng dạy tốt thì ngoài trình độ chuyên môn còn phải có thêm cái tâm của người thầy. Đó là tâm huyết. Còn nếu như có ai đó cố ý lôi kéo học sinh của mình về nhà để dạy thêm thu tiền thì làm sao có thể giảng dạy tận tâm ở trong lớp được? Làm sao có thể chăm sóc, đối xử với học sinh một cách vô tư không thiên lệch được? Khó lắm!
Hoàng chuyển sang giọng chậm rãi, kể lể:
- Nhưng ở đây học sinh của mình đang cần chất lượng giảng dạy thật tốt của người thầy. Để đạt được điều đó, chúng ta phải làm nhiều việc mà việc đầu tiên là những người như anh phải thôi dạy thêm ở nhà, em cũng vậy! Nếu không làm được việc này thì anh không thể góp ý xây dựng chị Xuân và các giáo viên khác trong trường anh.
- Anh có chức có quyền, anh thấy khó xử thì anh nghỉ cũng được, nhưng em dạy thêm như thế này cũng đâu có sao?
- Sao em biết không có sao, chỉ nhìn em vừa dạy, vừa nấu bếp, lại vừa tiếp khách, nghe điện thoại đã là nhếch nhác cả lớp coi không được rồi. Em chỉ cần dạy một mình thằng Phúc thôi!
- Anh định nghỉ hết cả hai sao? Em thấy mình cũng đâu làm gì quá đáng. - Oanh đang cố nói để chống chế.
- Trong hoàn cảnh nhập nhằng như hiện nay, lương sư và bất lương sư cũng gần như nhau thôi em ơi! Khó phân biệt lắm. Cũng có thể khi cấp trên có qui định rõ ràng hơn về việc dạy thêm, học thêm có chứng nhận, có cho phép ai được dạy thêm, ai không được dạy thêm, chừng đó có thể mình sẽ xin phép tổ chức dạy lại, còn bây giờ thì không.
- Nhưng bao giờ thì có qui định đó?
- Anh không biết rõ, chỉ biết cách đây mấy năm anh có tham gia góp ý xây dựng một dự thảo văn bản như vậy, nhưng từ đó đến nay người ta bàn cãi, tranh luận rất nhiều về văn bản đó nhưng chưa ban hành được. Thôi! Khi nào có qui định mình sẽ tính tiếp.
Vợ Hoàng lại phân trần, lo lắng:
- Nếu không dạy thêm nữa thì thu nhập gia đình sẽ giảm xuống mà chi phí thì tăng lên, mình phải làm thêm cái gì khác để bù đắp chứ!
- Anh đang suy nghĩ cách làm đây, khi nào chắc chắn mọi việc anh sẽ bàn với em.
* *
*
Kể từ khi nghỉ dạy thêm ở nhà, hơn nửa tháng sau đó ít khi nào Hoàng về đến nhà trước tám giờ tối, Hoàng đang chạy vốn và học cách chế bản in lụa.
Một tuần trước khi khai giảng năm học mới, Hoàng đã làm xong mọi việc để cơ sở in lụa, photocopy Hoàng Oanh đi vào hoạt động. Ngày khai trương trùng với ngày sinh nhật của Hoàng, anh đã tròn bốn mươi tuổi, cái tuổi vừa đến độ chín của một đời người, độ chín của một tay nghề. Đó cũng là độ tuổi mà con người đã có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm sống để quyết định các vấn đề về mình một cách bình tĩnh, chín chắn.