Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.884
 
Trên Đường Phố Về Đêm
Nguyễn Trung Dũng

 

Đưa cho Vũ ly rượu, ngồi xuống cái ghế đối diện với ghế của Vũ, Quỳnh nhìn Vũ nói:

“ Em mới viết được chương tám của cái truyện dài vào sáng nay, anh thử đọc xem thấy có được không”.

Môi đụng cái ly, uống một ngụm rượu, ly được đặt xuống mặt bàn, Vũ đưa tay đón tờ bản thảo của Quỳnh, lặng lẽ bảo:

“ Anh chưa đọc, nhưng đã là truyện của Quỳnh, thì không những quá đạt mà tả chân đến cỡ đó là thượng thừa”.

“ Lần nào đưa anh xem, em thấy anh vẫn nói cùng một câu như thế. Nghi ngờ quá đi. Khen thực hay khen chỉ để cốt lấy lòng thôi vậy”.

“ Khen thực. Chứ lấy lòng để làm cái gì “.

Quỳnh cười:

“ Lấy lòng để làm cái gì hả. Để em không giận. Giận thì anh mất em ”.

“ Làm sao dễ dàng mà mất em được. Có bao nhiêu kỷ niệm. Kỷ niệm là những sợi dây vô hình nó cuốn chặt hai đứa mình làm một. Mất em cũng hơi khó đấy”.

“ Đã có nhiều bài học dậy cho em biết, truyện em đưa cho vài người đọc, đọc xong, họ khen em hết lời. Rồi sau đó không lâu, sau lưng em, người ta đem truyện của em ra bình phẩm, nói xấu em thậm tệ. Đã chê truyện, họ còn xúc phạm đến đời tư  của người viết. Sự thực quá ư là trắng trợn. Vô lối hết chỗ vô lối ”.

“ Chê văn, nói xấu người, bình tĩnh, thản nhiên không giữ được, chắc là em nổi giận ghê gớm lắm ”.

“ Giận có giận. Còn buồn, hẳn nhiên là buồn rồi. Tính tự nhiên của con người ai cũng thế cả ”.

“ Anh được cái không làm thơ viết văn, nên những chuyện như thế, may mắn là anh không bị dính vào, chẳng đụng đến ai, chẳng làm phiền ai cả. Nhưng ở cõi đời này, không có cái gì mà không có hệ lụy, nên cái chữ tài mới liền với chữ tai, nó là vậy. Dù sao đi nữa, nghe em nói, anh cũng muốn được chia sẻ nỗi buồn với em,  để phần nào em bớt buồn ”.

“ Chia cái gì chứ chia cái buồn thì kể ra khó chia đấy ”.

“ Khó có khó, nhưng chia vẫn chia được. Bởi vì em là của anh, buồn vui của em cũng là buồn vui của anh. Nói thế nghe được chứ ”.

Vẫn thấy Vũ chỉ cầm bản truyện mà chưa đọc, Quỳnh cười:

“ Mải nói, anh lại quên đứa con tinh thần của em rồi ”.

Vũ lặng thinh không đáp, mắt dí trên tờ giấy, chăm chú coi. Coi xong, đầu Vũ gật gù:

“ Cũng được. Xử dụng chữ nghĩa chính xác và cụ thể. Cốt lõi của bản truyện lột trần sự thực về tâm sinh lý của con người. Đề tài sống sượng, gai góc khó viết đấy. Dựa vào đâu mà em viết được. Nếu đó không phải là kinh nghiệm ”.

“ Làm gì có kinh nghiệm. Tưởng tượng cả thôi ”.

“ Tưởng tượng chưa đủ. Thực tế không thể loại trừ để thiếu nó được. Viết mà được như thế, đấy mới là cái đáng nói ”.

“ Vậy là anh khen em đấy có phải không. Anh khen mà sao lại còn dùng chữ cũng ”.

“ Đó chỉ là một cách nói. Đừng bao giờ quá bận tâm đến cái chẳng cần bận tâm nếu như em muốn một mình một cõi trên con đường em đã chọn ”.

Quỳnh định lên tiếng nhưng chưa kịp thì Vũ đã đưa ra lời đề nghị:

“ Chuyện thơ văn để đó ta sẽ bàn tiếp. Còn chuyện bây giờ, anh hỏi thực, em có rảnh không, em có muốn đi ăn với anh không ”.

“ Anh đã mời, mời thì em đi. Rào trước đón sau như thế để làm gì vậy. Trời đã nhá nhem, em thích đi trong bóng tối nhá nhem của thành phố vào lúc đèn ở những cột đèn đường còn chưa mở mắt ”.

“ Mở mắt. Chữ nghĩa em dùng nó bóng bảy trừu tượng khác hẳn lối văn trong truyện em tả. Tả thô nhám trần trụi sự vật một cách không nương tay. Đem câu nói văn là người thì ở em, văn chỉ là văn, còn người, em hiền như cục bột, hiền như ma sơ ”.

 

Thả bộ trên vỉa hè phố, đường số 1 ở khu “downtown”, Vũ và Quỳnh vẫn đưa qua đẩy lại những câu đối đáp trong lúc đi bên nhau. Vì còn sớm, chưa tới giờ xe chuyên chở công cộng ngưng chạy, nên chốc chốc lại có một chiếc “bus” đỗ ở bãi đón khách, chốc chốc lại có xe điện di động trên đường ray rồi ngừng ở trạm. Con đường số 1 dài thật dài. Nó nhỏ dần như một cái đuôi, sâu hun hút như một cái đường hầm, hai bên là hai hàng cây lá ở ngọn chụm lại, trong bóng tối nhập nhoạng của buổi hoàng hôn, thấy xa xa ánh sáng lốm đốm của những ngọn đèn tù mù thoi thóp. Ở dọc con đường hai bên có nhà cửa, phần lớn nhà cửa là các tiệm buôn, quán rượu, nhà hàng ăn uống, thấy đèn sáng, khách ngồi.

“ Vào đây kiếm cái gì ăn đã ”.

“Ăn ở cái tiệm ăn này à ”.

“ Ừ ”.

Vừa trả lời, Vũ vừa kéo Quỳnh bước vào cửa.

“ Tiệm Mễ. Anh ăn đồ Mễ được sao ”.

“ Được. Còn em ”.

“ Không thích lắm. Cứ thử một lần xem đồ Mễ nó ra sao ”.

 

Họ ngồi xuống bàn. Cái bàn kê sát cửa kính ngó ra đường. Một dẫy toa gồm ba chiếc, đầu cái nọ nối đuôi cái kia, chiếc “light rail” từ ngã tư của con lộ ló ra, bánh nghiến đường ray bò đến. Nó chạy ngang qua tiệm ăn, chuông kêu leng keng, đèn trong các toa thắp sáng, ghế thưa thớt khách ngồi.

“ Hôm nào thật rảnh, mình đáp xe “bus” và “light rail” thực hiện một chuyến du lịch bỏ túi đi San Antonio nếu như em thích có được không ”.

“ Được. Anh đã đi lần nào chưa ”.

“ Đi một vài lần. Đi một mình ”.

“ Đi những đâu. Ở nơi đó có gì lạ ”.

“ Nếu đón xe có trạm đỗ ở đường số 1, lên chiếc bus mang bảng số 23, xe 23 sẽ chạy hết đường Steven Creek, đến một con dốc đứng, xe lên hết dốc, ở đoạn này là đoạn bằng phẳng trên sườn núi, hai bên có những ngôi nhà ẩn hiện sau những lùm cây lá rậm rạp, tới Foot Hill, thấy một khu đại học, từ đó xe chạy thẳng một lèo về San Antonio. Ở San Antonio là một phố thị. Nó cũng như các phố thị khác, có những cửa hàng buôn bán, tiệm ăn, thương xá và hai bên đường là nhà. Những dẫy nhà thấp. Dạo chơi chán ở San Antonio, muốn đi Mountain View, dùng xe bus số 35. Xuống xe, cứ tà tà thả bộ dọc con phố mang bảng đường Castro, em sẽ thấy có hai tiệm sách với sách nhiều vô số, có chợ bày bán hoa quả rau cỏ, có quán phở Việt và tiệm ăn  của người Tàu  và người Đại Hàn. Tiệm ăn của họ khá đặc biệt. Ngoài những cái bàn đặt bên trong, người ta còn bầy một số bàn ở cạnh vỉa hè. Những cái bàn sắt hình tròn, với những cái ghế lưng tựa, ghế được kê chung quanh. Ở phía nhà ga xe lửa, có một trạm xe “ light rail ”. Nếu đáp “ light rail ” về lại San Jose, tầu sẽ qua nhiều nơi có hãng xưởng, có nhà cư dân ở, có một nhà vòm thật lớn, nhà vòm nằm trong một bãi đất khá rộng, chung quanh có tường cao và hàng rào mắt cáo vây quanh. Đi để biết và đi để thấy phong cảnh lạ mắt, thấy mọi vật mình chưa một lần nhìn, cũng là dịp tốt cho đầu óc thanh thản, trí tuệ mở mang, thu nhận cảnh vật thiên nhiên, sinh hoạt nơi xa lạ, để làm giầu cho ký ức. Vậy, nếu khi nào thật rảnh, em thích, anh sẽ đưa em đi ”.

Câu chuyện Vũ kể miên man cặn kẽ với đầy đủ các chi tiết, khiến nó quá dài, thực tình, nghe, Quỳnh cũng chẳng nắm bắt được là bao nhiêu. Nhưng nghe, đúng ra lịch sự mà nghe, còn sau khi nghe rồi, Quỳnh cũng chẳng nhớ được nhiều những gì Vũ đã kể.

 

Ở tiệm ăn ra, bóng tối không còn được coi là nhá nhem nhập nhoạng nữa. Nó đã đen kịt cả trời lẫn đất với một màu nhọ nồi. Nếu không có những ngọn đèn đường tỏa sáng, thì cả thành phố chắc đã tối thui đi trong đường hầm.

“ Ăn no, có lẽ mình nên thả bộ qua đường Market, đến cái công viên tìm một cái băng ghế để ngồi. Ngồi vào giờ này tha hồ nhìn lên trời ngắm trăng. OK ”.

“ Nếu anh muốn, anh OK thì em cũng OK ”.

Khi đã tới cái công viên đường Market, nơi mà hàng năm người Việt tỵ nạn thường tổ chức diễn hành vào dịp Tết, nơi vào những ngày lễ của người Mễ người Mỹ thường tuần hành trên đường phố với người, cờ, kèn trống, xe hoa, nơi cũng là địa điểm hằng năm vào đêm Giáng Sinh, những gian hàng, những dây đèn, những tượng Chúa Hài Đồng, những bậc bô lão là những con dân của Chúa, cùng đủ mọi thứ khác được trưng bày suốt vài tuần lễ để người dân trong thành phố kéo đến tham dự mừng ngày Chúa sinh ra đời.

Buổi tối với cái nóng của mùa hè, nếu nhốt mình trong những căn nhà hầm hập hơi lửa, thì ở đây, không khí thoáng mát bởi có gió. Có lẽ chính vì lý do đó, công viên vào giờ này vẫn thấy đông người. Người đi dạo trên vỉa hè quanh khu công viên. Người  ngồi ở những cái băng ghế gỗ bên trong công viên. Đấy là những ông già bà cả, người trung niên. Còn dăm ba đứa trẻ, chúng vô tư đùa rỡn dưới những vòi nước phun từ dưới đất phun lên, đầu tóc ướt sũng, thân thể đẫm nước, để vừa nhẩy vừa reo hò. Không xa chỗ bọn trẻ nô đùa, là cái ghế của Quỳnh và Vũ ngồi. Nhìn Quỳnh, Vũ bỗng lập lờ hỏi:

“ Có được một thằng nhóc, thằng nhóc sẽ đùa nghịch như những đứa trẻ kia thì thích biết mấy ”.

“ Điều đó có khó gì đâu. Lấy vợ thì sẽ có con ”.

“ Vợ. Chỉ sợ em không chịu, chứ chịu, anh lấy liền ”.

“ Rỡn thì được. Còn thật, cũng khó thực hiện đấy ”.

“ Thời gian đã ba năm mình quen nhau, ba năm đó, anh tưởng cũng đủ để chúng mình tìm hiểu về nhau rồi chứ ”.

“ Tìm hiểu chỉ là chuyện tìm hiểu. Còn lấy nhau, vấn đề không đơn giản như anh nghĩ  thế ”.

“ Vậy chẳng lẽ ... ”.

“ Không chẳng lẽ với có lẽ gì cả. Cứ trân quí giữ gìn tình bạn như thế này, em thấy vẫn hay hơn ”.

Vũ muốn nói nhưng Quỳnh, với bàn tay đưa lên bịt miệng, không cho Vũ nói. Gió làm những tàn lá cây cối xôn xao. Bỗng, Quỳnh rùng mình.

“ Em thấy lạnh. Buổi tối như tối nay, em tìm thấy một niềm vui. Một niềm vui trong cuộc đời thường hiếm hoi, có được ta phải biết tận hưởng nó. Đúng không anh ”.

Vũ trả lời quá nhỏ với câu nói gì đó, Quỳnh không nghe được, nhưng cũng chẳng muốn hỏi để Vũ lập lại. Cả hai đứng dậy rời ghế, đi dọc theo vỉa hè về hướng đường San Carlos, đến ngã ba San Salvador, quẹo phải. Đi vài dẫy phố, họ về tới nhà. Nhà của Quỳnh.

“ Muộn rồi đấy, ta chia tay được rồi ”.

“ Chưa tới mười một giờ chưa phải là muộn. Bỗng thấy thèm uống một ly rượu chát, không lẽ tiếc, em không cho anh một ly rượu chát được hay sao ”.

“ Rượu hay đấy chỉ là cái cớ để anh tạ sự, muốn được vào nhà em ”.

“ Cho đúng cái nào thì cái đó nó đúng ”.

“ Thôi. Xin ông vào đi cho ”.

Đắc thắng, Vũ cười. Đã ở phòng khách, đã ngồi xuống ghế, mắt Vũ nhìn qua cửa kính, mé sau thấy khu vườn nhỏ. Vườn cây với cây cối hiện hình nom không rõ dạng thể. Là đêm, dĩ nhiên chẳng có chim để chim hót. Chỉ có gió. Gió thổi qua những tàn lá. Cũng chẳng nghe thấy tiếng gió, vì với kính cửa, tiếng gió không có cách nào để lọt vào được. Tay lại cầm ly rượu, rượu màu máu nhờ nhợ đỏ, đưa cho Vũ, Quỳnh ngồi xuống cái ghế đối diện với cái ghế của Vũ:

“ Bây giờ có chuyện gì để nói đây ”.

“ Nói hay không không thành vấn đề. Im lặng nhìn nhau cũng là nói với nhau rồi đấy ”.

“ Vậy mà tưởng ông có điều gì cần thổ lộ, có điều gì cần bàn đến, hóa ra lại chỉ có vậy thôi sao ”.

“ Đã thế, có câu hỏi này hỏi em, em nghe rồi muốn trả lời hay không thì cũng không sao”.

Vũ đưa ly rượu nhấm nháp, mặt có vẻ quan trọng:

“ Đố em, hổ vồ và người vồ, em sợ người hay hổ ”.

“ Hổ vồ dĩ nhiên là phải sợ rồi. Còn người, người vồ thì có gì mà phải sợ ”.

“ Không sợ thì làm gì người ”.

“ Mắng cho một trận. Cùng lắm là nện cho vài cán chổi. Hỗn thì cảnh cáo cho hết hỗn ”.

“ Nghe ra thì dễ. Không biết nói thế có làm thế được không. Hay nói chỉ để nói lấy được. Nếu giả thử người đó không phải là người lạ, mà là ...”.

“ Là ông hả. Vậy thử vồ xem ”.

Bị thách thức, vồ không dám vồ, Vũ lại chỉ ngồi yên lặng cười. Cười rồi thủng thẳng bảo:

“ Chẳng dại gì vồ. Vồ chưa chắc đã được gì lại còn bị đuổi ra khỏi nhà, mất ly rượu ngon uổng quá. Nhưng để đó, sẽ có một ngày vồ em rồi nhai em như nhai kẹo “suynh gôm”  cho bõ ghét ”.

Đùa chỉ đùa thế như mèo vờn chuột, mèo vờn chán thay vì ăn vẫn không ăn. Những ngọn đèn gắn trên tường nhà, chúng không biết nói, nhưng chúng biết nhìn. Nhìn từ trên cao nhìn xuống chỗ hai người ngồi, với ánh sáng long lanh. Và ở bức tường có treo tấm ảnh một ông già còm cõi, mặc cái áo màu đen, đầu nghẻo, bàn tay đặt lên những sợi dây đàn, đôi chân gày gò bắt tréo, ngồi đàn, nhưng đàn, làm sao phát ra âm thanh từ những sợi dây đàn dưới bàn tay ông gảy.

“ Nửa đêm rồi, thôi anh về để em ngủ ”.

“ Ờ. Về đi ”.

 

Hè phố khuya im ắng lạ thường, Vũ nghe rõ những bước chân của chàng dội lên như tiếng vó ngựa khua lộp cộp. Cái đế giầy cứng, cái bước chân bước vội, mặt hè đường bị cà, bị dẫm, hình như, nó cũng thấy đau nên kêu lên. Ở đường số 1, giờ này xe “bus” hết chạy, xe ”light rail” ngừng lăn bánh, trả lại khu “downtown” sự yên tĩnh vốn dĩ của nó lúc nửa đêm. Lủi thủi, lầm lũi, cứ cái vỉa hè đường Vũ đi miết về hướng có nhà mình ở. Và trong lúc Vũ đi như thế, Vũ mới cảm thấy bị rút bằng lái để không được lái xe, chàng mới nhận ra mình có đôi chân, nhưng đôi chân không có khả năng giúp chàng đi xa ngoài sức chịu đựng của nó. Chẳng muốn đầu óc luẩn quẩn với những ý nghĩ đó mãi, Vũ ngước mắt nhìn lên bầu trời, thấy bầu trời đêm đen của mùa hè chi chít những chấm sao. Sao lốm đốm. Một cơn gió thổi đến, một tờ báo bị cuốn đi, tờ báo quét theo chiều dài của mặt lộ, có lúc nhấc mình tung lên cao, có lúc nằm bẹp như cánh của một con bướm đã gẫy.

 

2.

 

Tiệc vãn. Đêm đã khuya. Khách rời nhà chủ lần lượt ra về. Quỳnh cũng về trong đám người đó. Lúc ra tới xe, lúc xe lăn bánh, Quỳnh mới nhận thấy, về bên trái, xe hơi nghiêng. Hóa ra xe nghiêng vì cái bánh xe nó xẹp. Quỳnh vừa tính quay vào nhà bạn, nhờ vợ chồng chủ nhà ra giúp, thì đúng lúc đó, cũng là lúc, mắt Quỳnh thấy có người đang lững thững đi tới. Chẳng phải ai xa lạ, người đàn ông, cũng như nàng, là khách đến dự  sinh nhật ở nhà người bạn, vì thế, khi người mặc “com lê” vừa nhận ra Quỳnh, đã vui vẻ với một câu chào tạm biệt, câu chào chỉ là thói quen mỗi khi chia tay  nhau.

“ Xe xẹp lốp. Làm sao về bây giờ ”.

Nghe Quỳnh than, người đàn ông đứng khựng lại, rồi như muốn để biết rõ sự thực, ông ta bước ra phía sau cái xe, cúi khom người để kiểm soát vỏ lốp, thấy nó đúng là đã xẹp, thì bảo:

“ Cái bánh chắc cán phải đinh. Lốp bẹp dí không còn một tí hơi nào cả. Xe chị có bánh phòng hờ để thay không ”.

“ Có. Ở thùng sau. Nếu được, nhờ anh lấy ra thay giúp cho em ”.

Cầm thìa khóa từ tay Quỳnh, mở cái nắp thùng xe lên, lấy cái bánh phòng hờ để thay cho cái bánh đã xẹp, nhưng thay vì đem ra, người đàn ông đã bỏ cái bánh trở lại, thất vọng nói:

“ Bánh non hơi, có thay cũng chẳng đủ sức để mà chạy ”.

“ Vây làm sao về bây giờ ”.

Vẫn một câu nói vừa nói lúc rồi, Quỳnh nhắc lại.

“ Có gì đâu. Chị để xe ở đây, sáng mai sẽ tính. Giờ này có gọi xe “tow”, chắc gì họ đã có người đến “tow” xe cho chị ”.

“ Vậy có lẽ em phải nhờ con nhỏ Cúc, để nó nói với chồng nó đưa em về. Không biết xe để suốt đêm ở ngoài đường như thế này, có bị đập kính lấy cắp đồ không anh ”.

“ Cũng có khi. Nhưng không phải khi nào cũng có. Chị có lo cũng chẳng giúp được gì cho chị. Còn xe để ở ngoài đường, ban đêm như chị thấy, thiếu gì ”.

Nói để trấn an xong, người đàn ông hỏi tiếp: 

“ Nhà chị có xa đây không. Chị đừng ngại, nếu muốn, tôi đưa chị về ”.

Quỳnh ngập ngừng đáp:

“ Chỉ sợ làm phiền anh thôi. Còn ngại, dĩ nhiên em cũng ngại chứ ”.

“ Chẳng khỏi phải bận tâm đến điều đó. Chị là bạn của vợ chồng Cúc, tôi cũng là bạn của họ, cùng chỗ bạn bè, lúc cần giúp nhau, giúp cũng chỉ là chuyện bình thường thôi ”.

Mở nắp điện thoại cầm tay, Quỳnh nói với Cúc, nhờ Cúc để ý dòm chừng cái xe, xong, Quỳnh lên cái ghế cạnh ghế của người đàn ông ngồi. Cầm tay lái, quẹo “lane” đổ xuống “freeway”, người đàn ông mắt nhìn rõi con đường ở trước mặt, điều khiển cho chiếc xe lao đi trên xa lộ. Dù đã quá nửa đêm, ở phía bên kia lằn ranh của con lươn phân đôi, xe ngược chiều ẫn còn nối đuôi nhau chạy nhiều vô số kể. Đèn với những chấm sáng, dài như một dòng suối chảy, uốn lượn như một con rồng vàng, trong bóng tối của đêm đen, chẳng phải là điều lạ để phải ngạc nhiên đối với Quỳnh sau nhiều năm sống ở đất Mỹ. Nếu nó lạ và làm Quỳnh ngạc nhiên chỉ là những ngày đầu mới nhập cư, đêm ngồi trên xe của bạn lái xuống “freeway”, thấy xe như mắc cửi, đèn nhiều như sao trời, đèn như hàng trăm con đom đóm, con nọ nối đuôi con kia, đuôi của chúng là những đốm huỳnh quang lóe sáng, Quỳnh mới ngạc nhiên vì trong đời, chưa bao giờ nàng đã thấy.

“ Chị chưa cho tôi biết tôi phải đưa chị về đâu, nếu cứ chạy như thế này, chắc chạy suốt đêm không đến chỗ phải đến”.

“ Đầu óc tôi để đâu không biết nữa. Nhờ anh đưa về mà không cho biết về đâu thì bậy hết chỗ nói rồi. Tôi ở đường số 8 anh ạ ”.

“ Số 8. North hay South ”.

“ South ”.

 “Tôi biết con đường này. Chị cứ yên tâm tôi đưa chị về đến nơi, đi đến chỗ ”.

“ Cám ơn anh ”.

“ Có gì cần để chị phải cám ơn. À, tôi có điều này muốn hỏi chị ”.

“ Có điều gì, anh cứ hỏi ”.

“ Chị tên là Quỳnh có phải không ”.

“ Phải. Nhưng sao anh lại biết tên em ”.

“ Nếu không có người cho tôi biết, chắc chắn tôi không thể biết được. Buổi tối, lúc ngồi ở bàn ăn, có một ông khách tôi không quen, ông chỉ tay về phía chị hỏi chồng Cúc, chồng Cúc cho biết tên chị là Quỳnh. Chồng Cúc còn bảo chị là tác giả của cuốn truyện có tựa đề là “Tình Yêu Vượt Ngoài Tầm Với”, như vậy, có đúng không ”.

“ Đúng. Em là Quỳnh. “Cuốn Tình Yêu Vượt Ngoài Tầm Với” là tác phẩm đầu tay của em ”.

“ Tôi có đọc cuốn truyện đó. Sách mượn ở thư viện ”.

“ Anh nhận xét thấy ra sao ”.

“ Tôi thấy truyện của chị viết rất thực. Chị đã dám nói toạc những điều cấm kỵ, mà từ xưa đến nay, rất  ít người có can đảm đưa vào văn chương một đề tài khó viết như thế. Với những trang chữ, chị đã bóc trần sự thực để tả một cách bạo dạn một cách không nương tay. Tất nhiên, dưới mắt những người mô phạm đạo đức, chắc chắn họ chẳng dễ dàng để có thể chấp nhận được. Nhưng có phải vì thế mà cản trở cái quyền của một nhà văn không. Không. Tiểu thuyết Tây phương, tôi thấy họ còn hung hãn táo tợn hơn nhiều. Nếu tôi biết viết văn, tôi cũng sẽ xử dụng ngòi bút để thiên về khuynh hướng tả chân. Chẳng hạn, như chị đã tả về nhu cầu đòi hỏi thân xác của con người, sự thực nó là thế, nhưng một phần nào đó, họ vẫn tìm mọi cách chối bỏ không một chút nhân nhượng ”.

Câu chuyện đến đó bắt buộc phải ngưng, vì lúc đó cũng là lúc xe đã đến nhà. Đường ở khu phố với những cột đèn trồng khoảng cách hơi xa, ánh sáng vì thế có chỗ có chỗ không. Khi đã xuống xe, đứng với người đàn ông ở trước mặt tiền nhà, Quỳnh nói:

“ Cám ơn anh đã mất thì giờ đưa Quỳnh về. Anh có thể vào nhà để Quỳnh tặng anh cuốn sách được chứ ”.

“ Đã quen lại được nhà văn tặng sách, thật hân hạnh cho tôi ”.

“ Em thiết nghĩ, sách tặng cho người yêu sách, thích đọc sách, có khác gì người yêu mình, mình đem tình yêu của mình dâng lại cho họ ”.

Sau câu Quỳnh nói, khi cánh cửa đã mở, cả hai bước vào trong nhà. Ngọn đèn phòng khách đã được bật sáng. Hai cái ghế đã được Quỳnh và người khách ngồi. Cuốn sách cũng đã được Quỳnh ký tặng rồi trao qua tay cho người đàn ông, thì lúc đó, ở bàn đã có hai ly rượu. Vẫn là rượu của chai rượu chát trong hai cái ly thủy tinh chân cao, màu của nó nhờ nhờ đỏ như màu của máu.

“ Một đêm với bữa tiệc ở nhà Cúc thật vui. Một đêm thật tình cờ được quen biết anh. Phải nói đây quả là hi hữu và bất ngờ. Anh có thấy đúng vậy không anh ”.

“ Đúng vậy. Nhưng không có cái đinh, anh đâu có cơ hội gặp Quỳnh ”.

Bắt đầu từ lúc này, người đàn ông đổi cách xưng hô, vẫn gọi  Quỳnh bằng Quỳnh, nhưng thay chữ “tôi” ra chữ “anh”.

“ Anh tên là Đĩnh. Tự giới thiệu để Quỳnh dễ xưng hô ”.

Từ đấy, trong lúc nói chuyện, Quỳnh có khi chỉ dùng chữ “anh” trống không, có khi dùng chữ “Anh Đĩnh” để gọi tên người khách lạ. Và cũng từ đấy, cả hai có vẻ thân mật hơn trong lúc thảo luận về đề tài văn chương.

 

Đêm mùa hè, nhìn qua kính cửa sổ, ngó lên bầu trời, họ thấy vầng trăng. Vầng trăng sáng bàng bạc. Sao lốm đốm. Vườn cây bên ngoài, dưới ánh sáng của trăng, cành lá đung đưa run rẩy. Câu chuyện giữa hai người có khi đứt quãng, đấy là khoảng trống khi đề tài đã cạn.

 

3.

 

Trong lúc Quỳnh và người đàn ông tên Đĩnh ngồi ở trong phòng khách, thì cũng là lúc, trên đường phố từ nhà đến nhà Quỳnh, Vũ đang thả bước trên vỉa hè. Đêm khuya khoắt, vào giờ này như mọi khi, Vũ đã ngủ. Nhưng đêm nay, nằm thao thức trằn trọc, muốn ngủ vẫn không ngủ được. Cũng tại vầng trăng tròn và sáng quá, nhìn vầng trăng tròn và sáng, Vũ cứ nhớ hoài đến Quỳnh. Nhớ rồi cưỡng không nổi, Vũ phải thỏa mãn cái nhớ đó bằng cách lặn lội giữa đêm khuya, bước từng bước chân trên vỉa hè phố vắng, đến nhà Quỳnh.

 

Dọc con đường, nhà cửa hai bên đèn đóm không một ngọn. Trên bầu trời lốm đốm những ngôi sao. Vầng trăng thì nhễ nhoại với ánh sáng của nó. Không khí oi ả về ban ngày của mùa hè đã nhường chỗ cho không khí mát mẻ về ban đêm. Cảm giác thoải mái dễ chịu khi đi như thế, đã phần nào giúp Vũ quên mỗi “bloc” phố của chặng đường dài. Chẳng những đã không mệt, Vũ còn thấy thích thú với cuộc dạ hành vào lúc mọi người đang say giấc ngủ, xe cộ không còn qua lại, nhà cửa với tường vách và mái lợp của chúng như trong những bức tranh tĩnh vật, những ngọn đèn đường chiếu ánh sáng thoi thóp xuống mặt nhựa của con lộ với màu vàng cá vàng, những cây cối đứng thầm thì trò chuyện trong đêm.

 

Đi với những bước chân rút ngắn chiều dài của con đường, mãi rồi cũng tới. Cuối dẫy phố, ngôi nhà của Quỳnh đã hiện ra. Đến rồi, Vũ mới phân vân tự hỏi, nửa đêm về sáng, giờ này chắc gì Quỳnh còn thức để dễ dàng tiếp chàng. Dù Vũ biết, Quỳnh thường thức rất khuya. Thức để ngồi gõ truyện. Thức để bốc điện thoại gọi Vũ.

 

Đến đã sát kính cửa sổ, đã thấy đèn trong phòng khách còn sáng, đã thấy có bóng người, Vũ yên tâm và biết chắc Quỳnh còn đang ngồi gõ truyện. Tay vừa tính đưa lên nhấn cái núm chuông điện, Vũ đã nhanh chóng rụt lại, vì bất chợt mắt nhận ra, ở bên trong, Vũ thấy ngoài Quỳnh còn có một người. Nhìn kỹ vì sợ nhìn lầm, nhưng nhìn thì rõ ràng thấy ngoài Quỳnh ra, ở cái ghế kê trong phòng khách, có một người đàn ông đang ngồi. Máu đưa lên đầu làm đầu nóng. Dù biết, Quỳnh chưa phải là người đã thực sự thuộc về mình, cơn ghen vẫn tự nó bộc phát không có cách nào kiềm chế được, không có cách nào giúp Vũ giữ bình tĩnh được, để có thể chịu đựng và đè nén cái giận dữ đang sôi sục từ trong đáy lòng chàng. Đứng ủ rũ úa héo như một cái cây khô trong khu vườn tối, biết chẳng còn cách nào giải quyết hơn là cách bỏ ra về, Vũ đã tìm lại con đường từ nhà đến đây, với mỗi bước chân, Vũ đi lầm lũi trong bóng tối.

 

Bầu trời sao vẫn lốm đốm sáng. Vầng trăng vẫn tròn như một cái thau bạc. Nhà phố vẫn ngủ. Đèn đóm trong các tư gia, khu chung cư đã tắt. Người vẫn chẳng thấy ai đi. Xe cộ vẫn chẳng có một cái chạy. Chỉ thấy một cái lon bia rỗng đang lăn trên đường, lăn mỗi khi có một cơn gió xoáy. Cái lon với tiếng kêu của nó làm khuấy động cái yên tĩnh của đêm tối về khuya. Cái lon với tiếng kêu đau đớn của nó hay đấy chính là tiếng kêu của trái tim Vũ đang nhói buốt khi máu dồn ép bất thường, Vũ nghĩ có lẽ hai cái cũng chỉ là một. Là một ... là một ... và là một./.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1992
Ngày đăng: 26.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mộng Và Thực - Phan Ngọc Danh
Cánh Đồng Hoa Cúc Trắng - Nguyễn Trung Dũng
Ngày Nào Cũng Đổ Xuống - Phạm Thị Xoàn
Tàu Khuya - Nguyễn Lệ Uyên
Bụi Hồng Gai Và Con Chim Cánh Đỏ - Nguyễn Trung Dũng
Tình thương mến là quà tặng - Hòa Văn
Những mảnh vỡ (31) - Nguyễn Thị Hậu
Mộng Du Chiều - Đặng Kim Côn
Cái Chết Về Như Lá Mùa Thu - Nguyễn Trung Dũng
Vợ Hiền - Phan Ngọc Danh
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)