Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.213.176
 
Một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật - Hoa - Việt
Nguyễn Đăng Trúc

Biên soạn tại Áo Môn (Macao) năm 1632

Roland Jacques

Nguyễn  Đăng Trúc chuyển ngữ

Bản pháp ngữ trên tập san Định Hướng

 

 

Trong cuốn văn phạm của mình, Arte da lingoa de Iapam (Ngữ pháp tiếng Nhật), ấn hành tại Trường Kỳ (Nagasaki) năm 1604, linh mục Bồ Đào Nha dòng Tên João Rodrigues khẳng định : « Muốn viết ngôn ngữ này bằng mẫu tự của chúng ta, chúng ta chủ yếu phải sử dụng cách viết La Tinh và Bồ Đào Nha, vì hai lý do : cách phát âm của tiếng Nhật có ít nhiều nét giống với tiếng Bồ trong một vài âm và mặt khác, tại Nhật bản, các giáo sĩ và các thầy sử dụng tiếng nói và chữ viết Bồ Đào Nha để giao tiếp với nhau[1]. ». Qua lời nhận xét có vẻ vô thưởng vô phạt này, ta phát hiện được cả một vấn đề giao lưu văn hóa.

 

Những ngôn ngữ lớn tại Đông Á, đặc biệt là tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Việt mà chúng tôi giới hạn trong bài này, đều có một dạng chữ viết trước thời kỳ gọi là tân kỷ nguyên được mở ra qua chuyến du hành của Vasco da Gama. Tuy nhiên, một trong những công trình nổi bật nhất của các nhà thừa sai thuộc Padroado (qui chế bảo trợ) Bồ Đào Nha tại Phương Đông,[2] và đặc biệt là của những linh mục dòng Tên, đó là việc phiên âm các ngôn ngữ này theo mẫu tự La Tinh, với hệ quả là họ nghiên cứu cách phát âm và văn phạm của các ngôn ngữ ấy. Quả thật, phát âm chính là điều mà linh mục Rodrigues đặt lên hàng đầu trong các suy tư của mình, ngay cả trước việc nêu lên mục đích tôn giáo. Nhưng công trình nầy không phải vô thưởng vơ phạt xét về mặt thuần túy văn hóa, công việc nghiên cứu ngôn ngữ mà các nhà thừa sai thực hiện được người ta giải thích nhiều cách khác nhau.[3]

 

Tại các nước chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, trong số đó bao gồm Nhật Bản và Việt Nam hiện nay, chữ Hán có một ảnh hưởng văn hóa rất lớn. Chúng tôi sẽ không bàn rộng về giá trị nội tại của chữ ấy : nó tập trung vào ngữ nghĩa và kéo theo một mối quan hệ mặc nhiên giữa chủ thể với đối tượng của diễn từ, với ý nghĩa của một từ.[4] Trái lại, mọi hệ thống mẫu tự đặt tầm quan trọng vào chính diễn từ, nghĩa là vào sự giao lưu bằng tiếng nói giữa chủ thể và người đối thoại ; quan hệ giữa một chữ với ý nghĩa của nó phải thông qua một sự phân tích lời nói : tiếng nói được tách rời ra rồi kết hợp lại theo chữ viết và cách đọc. Chuyển đổi từ chữ Hán sang mẫu tự, đối với các nhà nho, thoạt nhìn, là đánh mất đi ý nghĩa, là nghèo đi về mặt văn hóa.

 

Tài liệu mà chúng tôi muốn trình bày hôm nay cũng đặt Hán tự vào chỗ danh dự, xếp ở giữa trang giấy. Sau đó, phần chủ yếu là dựa theo mẫu tự La Tinh mà phiên âm ba ngôn ngữ chính trong vùng[5]. Việc chọn lựa này không phải chỉ vì lợi ích của những người nhận thư, nghĩa là những người Âu từng quen thuộc với lối viết tượng âm mà không biết gì về cách viết tượng hình : thực ra nó phản ảnh một sự chọn lựa triệt để của các linh mục Bồ Đào Nha chuyên về ngôn ngữ học tại Viễn Đông, ấy là dùng chữ viết để phục vụ cho ngôn ngữ nói.

 

Chủ trương thay đổi chữ viết do các linh mục thừa sai Kitô giáo đề xướng, mà chúng ta có dịp nêu lên đây, đã không làm cho Trung Hoa và Nhật Bản xáo trộn gì trong lãnh vực này. Nhưng đối với Việt Nam thì khác, vì những công việc được tiến hành năm 1632 lại chuẩn bị cho các chuyển biến văn hóa xã hội vào thế kỷ XX.

 

Tài liệu

 

Văn bản viết tay mà chúng tôi trình ra đây là một văn bản gốc được lưu giữ ở Rôma, tại kho lưu trữ lịch sử của dòng Tên, trong bộ sưu tập « Jap.-Sin.[6] » mà những ai quan tâm đến Viễn Đông từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều biết rõ.[7] Tài liệu này gồm 10 trang ; giấy – loại giấy phương đông – và mực chưa bị hư hao gì sau ba thế kỷ rưỡi qua.

 

Khởi đầu là bức thư giới thiệu dài một trang, do một linh mục Bồ Đào Nha là André Palmeiro ký tên. Linh mục André Palmeiro lúc bấy giờ là bề trên dòng Tên tại Áo Môn[8]. Bức thư này cho phép xác định được những người viết và người nhận ẩn danh là những người nào, cũng như xác định được tính chất và mục đích của chính tài liệu này. Văn kiện này đã được biên soạn theo lời yêu cầu của một nhân vật quan trọng ở Châu Âu, vì người ấy muốn biết rõ, trên cơ sở khoa học, về những ngôn ngữ mà các thừa sai gặp gỡ tại Viễn Đông. Theo linh mục Palmeiro, việc biên soạn được trao phó cho một nhóm người mà ngày nay ta có thể gọi là ban chuyên viên ngôn ngữ. Linh mục là người trực tiếp giám sát và bảo đảm phẩm chất cho công trình này.

 

Thân của tài liệu không mang chữ ký, nhưng những phần được viết bằng mẫu tự La tinh hẳn là từ tay của Alexandre de Rhodes[9], và như vậy, Alexandre de Rhodes được xem là thư ký của nhóm. Cần phải hiểu rằng đây không phải là tác phẩm của một người riêng lẻ, mà là tổng hợp của một công trình tập thể trong một thời gian lâu dài. Văn kiện này là một chứng từ hàng đầu, vào thời điểm được ký (tháng năm 1632), về tiến trình chính xác của các cuộc nghiên cứu mà các thừa sai Bồ Đào Nha đã tiến hành tại Áo Môn.

 

Văn bản được trình bày theo bảy cột song song. Ở giữa là chữ Hán, do một nhà nho viết bằng bút lông. Bên phải của hàng chữ này là ký âm để đọc tiếng Hoa, với các chỉ dẫn về thanh điệu. Các cột còn lại được trình bày như sau : phía cực tả là tiếng La Tinh, rồi đến tiếng Nhật viết theo mẫu tự La Tinh, và phía hữu là tiếng Việt viết theo mẫu tự La Tinh, cùng với hai cột chú thích – rất tỉ mỉ – cách phát âm tiếng Hoa và nhất là phát âm tiếng Việt. Văn bản được bổ sung bằng một lời dẫn nhập tổng quát và những ghi chú về nhiều mặt, viết bằng tiếng La Tinh ; các ghi chú đó đặc biệt tập trung vào cú pháp. Về nội dung của các cột viết tiếng Đông Phương, trước tiên là toàn bộ văn bản Kinh Lạy Cha theo ba ngôn ngữ, rồi đến một bản từ vựng ngắn với độ chừng 50 từ thông dụng, và cuối cùng là những từ để đếm số.

 

Người nhận, mục đích và bối cảnh

 

Tên người nhậân không được ghi ra trong chính tài liệu này. Khi nhắc đến người nhận, linh mục André Palmeiro cho biết rằng đấy là một nhân vận quan trọng tại Rôma mà các linh mục dòng Tên phải tuân phục hay trực thuộc. Thực ra, có một giả thuyết mà chúng tôi cho là hợp lý : người nhận không ai khác hơn là giám mục Francesco Ingoli, vị thư ký đầy năng lực của Thánh Bộ Truyền Giáo (Bộ Truyền Bá Đức Tin) mới được thành lập. Thật vậy, vào thời điểm này, giám mục Ingoli cho tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi để biết rõ hơn những dân tộc mà các nhà thừa sai tiếp xúc. Có một mẫu điều tra mà chúng tôi thấy rất gần với những thông tin nêu lên trong văn bản của chúng ta ở đây : đó là mẫu đã được trao năm 1629 cho một linh mục dòng Carme, Epifanio di S. Giovanni, khi vị nầy đi kinh lý ở Phương Đông. Hiện nay một bản sao của mẫu ấy còn được bảo tồn trong kho lưu trữ của nhà dòng[10]. Chúng tôi nghĩ rằng mẫu đã gởi cho vị bề trên dòng Tên tại Áo Môn cũng có một nội dung tương tự như vậy. Đây là phần chính yếu :

 

« Cha phải thu thập những thông tin về các dân tộc sống trên mọi đất nước mà cha đi qua : muốn như thế, cha phải ghi lại về lối sống, phong tục và kỹ năng của họ ; rồi về thương mại, nghệ thuật và khoa học mà cha tìm thấy nơi quê hương của họ ; về tôn giáo cùng với các tín điều, về các chức sắc trong tôn giáo ấy, về chính quyền, và cuối cùng về các vua chúa mà họ sống dưới [quyền]…. [Cha tìm hiểu] về ngôn ngữ mà các dân tộc ấy dùng để nói ; nếu có nhiều ngôn ngữ, thì hãy đặc biệt ghi lại ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất, chủ yếu là trong giới bình dân… Cha tìm hiểu về chữ mà họ dùng để viết ; về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại một bảng chữ cái, kể cả những dấu nối và dấu phân câu mà họ dùng ; cha cũng chú ý ghi lại bằng mẫu tự La Tinh tương ứng, với cách phát âm, để ta có thể so sánh ; và nếu các dân tộc ấy có văn phạm và từ điển của ngôn ngữ mình ; thì cha làm thế nào để có được một bản mà gởi về Rôma, với điều kiện là giá cả không quá cao. »[11]

 

Giá trị của tài liệu

 

Vì sao văn bản này không được nhiều người biết đến ? Tôi nghĩ rằng vấn đề xuất phát từ việc người ta xếp nó vào trong một hồ sơ nhỏ mang đề mục miscellanea (linh tinh) về Nhật Bản và Trung Hoa. Quả thật, các chuyên viên về Nhật bản và Trung Hoa có trong tầm tay một nguồn tài liệu về thời kỳ ấy, gồm các bản thảo và bản in, rất dồi dào và đầy đủ hơn văn bản này nhiều ; vì thế họ đã bỏ qua tài liệu này. Thực ra, giá trị ngôn ngữ học của văn kiện này liên quan nhiều nhất đến tiếng Việt. Các nhà nghiên cứu rất thiếu về các tài liệu làm bằng chứng cho sự tiến triển của tiếng Việt thời xưa[12], và các giai đoạn của lối viết tượng âm theo mẫu tự La Tinh vẫn còn ít được biết đến.[13]

 

Thời kỳ sáng tạo mãnh liệt của chữ viết theo mẫu tự La Tinh bắt đầu từ 1618 và chấm dứt vào năm 1651, nghĩa là năm xuất bản cuốn từ điển và cuốn giáo lý bằng chữ viết theo mẫu tự La Tinh[14]. Công cuộc sáng tạo này được các linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha chủ trương và tiến hành. Đối với thời kỳ này thì cho đến nay người ta chỉ mới có được một hai di cảo vắn tắt. Hiện tại, tài liệu xưa nhất có liên quan và được ghi vào danh mục là một bức thư thường niên (lettre annuelle) gởi từ Đàng Trong, do linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha là linh mục Gaspar Luis ký vào năm 1621 ; nhưng bức thư ấy chỉ có được năm từ riêng lẻ. Những dấu thanh điệu xuất hiện lần đầu tiên năm 1626 dưới ngòi bút của linh mục António de Fontes. Lần theo các báo cáo thường niên được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha hay tiếng La Tinh dành cho các độc giả Âu châu, và được sao lại ở Áo Môn, ở Lisboa hay ở Rôma, bởi những nhà sao chép không biết tiếng Việt, ta có được hai ba mươi chữ riêng lẻ, mà linh mục dòng Tên Đỗ Quang Chính đã lọc ra cho khoảng thời gian từ 1621 đến 1656.[15] Chỉ có mỗi một câu trọn vẹn được ghi trong một tác phẩm do một người Ý là Christoforo Borri ấn hành tại Âu Châu năm 1631, nhưng cách phân tích về phát âm thì còn rất sai sót.[16] Theo ý kiến chung, muốn có được một văn bản liên tục bằng tiếng Việt, dù là viết bằng chữ nôm hay bằng mẫu tự La Tinh, thì phải đợi cho đến năm 1650.[17]

 

Do quá thiếu tư liệu nên nhiều sử gia đã dựng lên các lý thuyết, ít hợp lý nhưng lại rất phổ biến trong văn chương liên quan đến Việt Nam, với cùng điểm chung là giảm thiểu sự đóng góp đặc thù của con người và của ngôn ngữ Bồ Đào Nha vào chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh. Chúng tôi đã có dịp phản đối những cách nhìn rập khuôn đó.[18] Để tạo cơ sở cho điều mình nói, từ nay chúng tôi có được trong tay một văn kiện độc đáo, với mục đích ngôn ngữ học rõ ràng và được biên soạn do những chuyên viên uyên bác nhất mà ta có được tại Áo Môn, kể từ 1632, nghĩa là ở ngay chính giữa đoạn đường đi từ khởi điểm của việc hình thành chữ viết theo mẫu tự La Tinh cho đến khi nó chín muồi. Tài liệu ấy có thể xem là một mắt xích còn thiếu và có tầm quan trọng hàng đầu để tái hiện lịch sử chữ quốc ngữ. Ngoài ra, văn kiện ấy còn ghi lại những suy tư của các tác giả liên quan đến thực trạng các ngôn ngữ trong vùng, và giúp ta định vị chính xác các chủ trương ngôn ngữ học trong những kế hoạch của các nhà thừa sai thuộc qui chế bảo trợ padroado Bồ Đào Nha tại Đông Phương.

 

Nội dung ngôn ngữ học : ngữ âm và cú pháp

 

Muốn dựa trên ngữ âm La Tinh để viết ba ngôn ngữ nêu trên, các nhà biên soạn xác định rằng mình tuân theo những qui tắc chính tả của tiếng Ý. Chỉ cần xem xét tài liệu thì sẽ thấy ngay rằng cách làm ấy là một cách làm bất thường, chỉ vì muốn chiều theo nhân cách của người nhận thôi : rất nhiều nét sửa chữa và nhiều điều bất hợp lý cho thấy rằng các qui tắc của Bồ Đào Nha là những qui tắc duy nhất mà người ta thường tuân theo,[19] phù hợp với lời khẳng định trên của João Rodrigues.

 

Bản văn tiếng Hoa và những nhận xét về ngôn ngữ Trung Hoa

 

Đối với tiếng Hoa, mà vị trí quan trọng được khẳng định trong văn bản này, các tác giả hẳn đã có nhiều tư liệu[20]. Các văn bản đầu tiên là do Matteo Ricci tự tay viết và in khắc gỗ từ năm 1605.[21] Một người gốc miền Flandre là Nicolas Trigault đã tiếp nối với một tác phẩm nhằm mục đích thuần túy dạy học, được biên soạn cùng với các nhà nho người Hoa, cuốn 西儒耳目資 Xi-ru er-mu-zi (Tây nho nhĩ mục tư), cuốn từ điển ‘dùng làm mắt và tai cho người Âu học tiếng Hoa’[22], được in khắc gỗ tại Bắc Kinh năm 1626 và ít ra là một bản đã đến được Áo Môn năm 1632 ; chúng tôi không thể so sánh một cách có hệ thống với tác phẩm ấy, vì không cách nào tìm ra được.[23]

 

Ricci phân biệt 26 âm đầu, 43 vần ; Trigault trình bày 24 phụ âm và độ chừng 50 âm cuối. Thế nhưng bản thảo năm 1632, chỉ ghi lại 22 âm đầu khác nhau, và khoảng 32 âm cuối ; đúng là số lượng từ có giới hạn và kết quả hẳn sẽ mỹ mãn nếu người ta chọn nhiều từ hơn. Một bước tiến lớn của Trigault là đã hệ thống hóa việc ghi chữ, trong khi đó cách ghi của Ricci thường noi theo cách viết Bồ Đào Nha cùng với những điều bất hợp lý của cách viết này (ví dụ phải viết ‘c’ hoặc ‘ç’ thay vì /ts/ tùy theo vị trí ; viết ‘c’, ‘q’ hay ‘k’ thay vì /k/ tùy theo vị trí ; ‘j’ hay ‘g’ thay vì /z³/ cũng vậy, v.v. ; lẫn lộn giữa ‘i’ và ‘e’ sau bán nguyên âm /j/, giữa ‘u’ và ‘o’ sau bán nguyên âm /w/...). Phần ký âm trên văn bản mà ta xét đây vẫn để lộ những bất hợp lý xuất phát từ chữ viết của ngôn ngữ Âu Châu, nhưng có chú ý đến các thói quen của Ý hơn là của Bồ (/ts/ được ghi là ‘ts’ thay vì ‘c/ç’, /s³/ ghi là ‘sc[i]’ thay vì ‘x’, /ts³/ ghi là ‘c[i]’ thay vì ‘ch’, v.v). Sự chọn lựa này đã được giải thích ở phần trên, cũng như sự bất hợp lý của tác giả, vì ta thấy những cách viết thông thường ‘theo kiểu Bồ Đào Nha’ xuất hiện lại ở nhiều nơi.

 

Về phần thanh điệu, Ricci cũng như Trigault đều ghi một đồ thị tương ứng với từng cao độ trong năm thanh điệu của tiếng Hoa kinh điển[24], trong khi đó văn bản của chúng ta chỉ giới hạn trong 4 thanh như tiếng Hoa phổ thông hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng lý do để chọn như thế đã được nêu ra rõ ràng : viết chữ bằng mẫu tự La Tinh là nhằm đáp ứng nhu cầu nói cho đúng, và dựa trên lối phát âm ‘theo giọng kinh đô’, nghĩa là theo tiếng Bắc Kinh, hơn là ngôn ngữ được dạy trong các nhà trường.

 

Chúng tôi dành cho những nhà nghiên cứu tiếng Hoa nào quan tâm đến niên sử việc xem xét vì sao thanh điệu cổ điển thứ năm (gọi là thanh ‘vào’) trong văn bản này lại được đồng hóa với thanh điệu thứ tư (gọi là thanh ‘xuống’), khi mà hiện nay những âm trong tiếng cổ điển tương đương với thanh điệu thứ năm này lại được chia đều ra cho tất cả 4 thanh kia. Ta chỉ cần lưu ý rằng văn bản này xa rời ngôn ngữ kinh điển, mà các nhà nho rất thiết tha, để đến gần hơn với ngôn ngữ được sử dụng trong thực tế.[25] Còn việc chọn lựa tiếng nói theo ‘giọng kinh đô’ thì không phải là do ý thức hệ. Việc thống nhất ngôn ngữ theo một chuẩn mực, chuẩn mực của giới hành chánh trung ương, được xem như là cần thiết để đảm bảo cho việc giao tiếp bằng lời được hữu hiệu, cũng có thể nói rằng để cho việc đầu tư vào ngôn ngữ được có lợi nhất. Người dân ở Áo Môn, hiện đang sống trong những năm chuyển tiếp, hẳn khó chịu khi thấy rằng các linh mục dòng Tên, từ thế kỷ XVII, đã chọn tiếng Bắc Kinh làm chuẩn mực bắt buộc trong Trường của họ tại Áo Môn...

 

Có một thực tế, mà thoạt đầu sẽ khiến cho độc giả ngạc nhiên, nhưng lại thêm một lý do để cho các tác giả của văn bản này chuộng ngôn ngữ nói, mặc cho uy tín không thể chối cãi của chữ viết. Thật vậy, có trên dưới 15 trường hợp, cách phát âm đề ra tương ứng với một cụm từ tiếng Hoa dịch đúng những chữ La Tinh ghi ở cột thứ nhất, và như thế có nghĩa là đúng với cách nói tiếng Hoa,[26] trong khi đó chữ Hán cùng một nghĩa lại đọc hoàn toàn khác : chữ ấy tương ứng với ngôn ngữ viết, nghĩa là với văn chương bác học.

 

Trên phương diện ngữ nghĩa và cú pháp, nội dung chuẩn xác và sự thành công của bản văn được sử dụng liên tục nơi kinh Lạy Cha cống hiến một dấu chỉ không thể xem thường : chỉ ngoại trừ bốn chữ, bản văn này vẫn giữ nguyên cho đến giữa thế kỷ XX.[27]

 

Bản văn tiếng Nhật

 

Đối với tiếng Nhật, các nhà biên soạn đã dựa vào công trình của linh mục João Rodrigues,[28] được gọi là « Tçuzzu » (người thông ngôn) ; vị nầy có mặt tại Trường Áo Môn vào thời kỳ ấy và hẳn là đã tham gia vào việc biên soạn văn bản này. Bản văn Kinh Lạy Cha tiếng Nhật thì giống hệt như kinh trong cuốn giáo lý đã được xuất bản tại Amacusa (Nhật Bản) từ năm 1592,[29] ngoại trừ một vài điều chỉnh nhỏ : bỏ dấu phụ trong các âm dài, thêm ba nét, và dịch từ ngữ tiếng Bồ ‘vontade’, nghĩa là ‘ý’ [vâng ý Cha], mà lạ thay, trong bản xưa chữ này lại được giữ nguyên tiếng Bồ. Trái lại, đến năm 1632, người ta vẫn chưa tìm được tiếng Nhật nào tương đương với ‘tentatio’ (cám dỗ).[30] Dưới mắt một độc giả ngày nay, văn phong của kinh này hẳn là cổ xưa, đặc biệt là những công thức xưng hô, nhưng người ta hiểu nghĩa bản văn ấy một cách dễ dàng. Ta cũng đặc biệt lưu ý rằng bản văn mà người công giáo Nhật bản đang sử dụng hiện nay vẫn ở trong chiều hướng của bản dịch xưa kia, điều này chứng tỏ chất lượng của công trình thực hiện vào thế kỷ XVI.

 

Sự chọn lựa cơ bản, mà các nhà thừa sai dòng Tên tuân giữ sít sao từ cuối thế kỷ XVI, để ghi lại tiếng Nhật, ấy là bỏ đi các chữ Hán và chữ Nhật để thay bằng các mẫu tự La Tinh. Lý do chủ yếu cũng giống như trường hợp nêu trên đối với tiếng Hoa : muốn cho gần gũi với ngôn ngữ nói. Chữ viết hiragana hiện nay được xem như là một cách viết tượng thanh rất phù hợp với tiếng Nhật ; nhà biên soạn cuối cùng cho văn bản năm 1632 không phải là không biết điều này, nhưng lưu ý rằng cách viết đó ít được sử dụng vì uy thế của chữ viết kanji (hán tự), nghĩa là chữ nho. Trong thực tế hằng ngày, hai loại chữ viết, kanjihiragana, luôn xen lẫn vào nhau, khiến người ta buộc phải học tập thật lâu mới làm quen được với cách viết. Luis Fróis ghi lại từ thế kỷ XVI sự ngạc nhiên của các nhà thừa sai : « Ở quê nhà, chúng ta dùng sách để học các loại văn chương và khoa học khác nhau ; còn họ thì lại bỏ suốt đời để học cách đọc chữ ».[31] Phần các linh mục dòng Tên, các vị muốn rằng học trò và anh em linh mục người Nhật dành thì giờ để học văn chương và khoa học hơn là học thư pháp. Do đó, họ đã buộc những người ấy học tiếng Bồ cũng như sử dụng mẫu tự La Tinh để viết tiếng Nhật, như linh mục Rodrigues đã ghi trong cuốn văn phạm của mình.

 

Cách phát âm rất đơn giản của tiếng Nhật có thể dễ dàng ghi lại bằng mẫu tự La Tinh. Ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có một sự liên tục hầu như hoàn chỉnh về các nguyên tắc viết chữ từ thời João Rodrigues cho đến ngày nay, thông qua văn kiện mà ta đang xét đây.

 

Bản văn tiếng Việt

 

Nếu phát âm tiếng Nhật đơn giản thì trái lại phát âm tiếng Việt lại rất phức tạp : ngôn ngữ này có một hệ thống phát âm đa dạng vào bậc nhất so với các ngôn ngữ trong vùng. Nếu so sánh với tiếng Hoa thì sự khác biệt cũng tương tự như thế :[32] trong tiếng Bắc Kinh có độ chừng 30 vần, thì tiếng Việt có hơn 120 vần. Trong các ngôn ngữ đơn âm, người ta gọi ‘vần’ là nguyên âm mang thanh điệu cộng với phụ âm hay bán phụ âm theo sau, nếu có. Ta có thể nói rằng những phần tiếng Hoa và tiếng Nhật trong văn bản 1632 thì hầu như đã hoàn chỉnh để có thể viết bằng lối chữ tượng thanh một cách hiệu quả. Nhưng đừng ngạc nhiên là mọi việc khác hẳn đối với phần tiếng Việt, vì đây là một ngôn ngữ khó khăn, và thêm vào đó, ngôn ngữ này chỉ mới được nghiên cứu từ khoảng 15 năm trước đó mà thôi.

 

Có 23 âm đầu khác nhau trong các từ đơn âm tiếng Việt, được ghi lại trong văn bản này bằng những ký hiệu khác nhau ; vì vậy, dù cho có vài sai sót trong phân tích, quả thật các âm ấy đã tương ứng với 25 âm đầu mà ta tìm thấy trong cuốn Từ điển 1651 cho cùng số từ vựng ấy. Qua sự tương ứng đó, ta có thể đánh giá được ưu điểm là đã chọn chính tả Bồ Đào Nha làm hệ thống chính yếu cho cách viết tiếng Việt bằng chữ cái, vì xét về âm vị thì tiếng Bồ phong phú hơn nhiều so với tiếng Castillan (Tây Ban Nha) hay tiếng Ý. Trong trường hợp tiếng Việt, tỉ lệ thành công thì gần giống như đối với tiếng Hoa.

 

Trái lại, việc ghi vần tiếng Việt vẫn còn khá thiếu sót : Đối với cùng một số lượng từ vựng, văn bản này sử dụng 39 vần, so với 52 vần sẽ xuất hiện 20 năm sau trong từ điển. Đặc biệt là có một sự lẫn lộn giữa những tận cùng có âm mũi, âm họng hay không, và trong lãnh vực này thì các ngôn ngữ gốc La Tinh không có những âm tương ứng. Một sự thiếu tương ứng như thế giữa chữ viết và tiếng nói, vào thời điểm ấy, là một trở ngại rất lớn, ngăn cản không cho các nhà thừa sai giao tiếp với người đối thoại Việt Nam một cách hữu hiệu và trôi chảy. Thật vậy, vào năm 1632, công trình đang dở dang, và sẽ được tiếp tục độ chừng 15 năm nữa trước khi đi đến chữ quốc ngữ mà chúng ta đã quen thuộc.

 

Sự thiếu sót đáng ngạc nhiên nhất là cách ghi dấu thanh điệu. Tiếng Việt có sáu thanh điệu hết thảy, và sẽ được ghi trong Từ điển 1651 một cách chính xác đáng chú ý.[33] Nhưng vào năm 1632, dù có nhấn mạnh đến đòi hỏi không thể tránh né là phải làm chủ các thanh điệu mới có thể giao tiếp thành công, thì người biên soạn văn bản chỉ ghi lại có bốn thanh điệu thôi ; và khi mô tả sơ lược, thì người ấy đồng hóa với các thanh điệu trong tiếng Hoa. Phải giải thích việc này như thế nào ? Thực ra, các thanh điệu tìm thấy trong văn bản nay nơi hai ngôn ngữ của lục địa là những thanh điệu mà João Rodrigues đã dùng khi đề cập đến thơ ca Nhật bản – những bài thơ được viết bằng chữ nho.[34] Tất cả mọi linh mục dòng Tên tiên phong đã từng học qua tiếng Nhật một cách chuyên sâu ; cần phải một thời gian dài thì họ mới ra khỏi được những qui tắc được thiết lập trong Arte da lingoa de Iapam, là cuốn sách gối đầu giường của họ.

 

Kinh Lạy Cha, cũng như những kinh căn bản khác trong giáo lý công giáo, đều đã được linh mục Francisco de Pina và một thanh niên học thức Việt Nam[35] dịch ra tiếng Việt vào năm 1618. Nhưng không bản dịch nào của các kinh ấy đã đến tay chúng ta, ngoại trừ đoạn dịch sáu từ đầu tiên của kinh Lạy Cha được ghi ra như một ví dụ văn phạm trong cuốn Từ điển 1651.[36] Vì thế, bản văn trong tài liệu của chúng ta đây có một giá trị lịch sử rất lớn. Nếu ta so sánh với bản văn được người công giáo Việt Nam sử dụng cho đến thế kỷ XX, ta sẽ nhận ra hơn một chục sửa đổi nhỏ trên một bản văn mà phần cơ bản vẫn còn được giữ nguyên. Các điểm mới đều liên quan đến cách diễn đạt vụng về, cách chọn từ ngữ, và chỉ có một sửa đổi duy nhất liên quan đến cú pháp. Bản văn 1632 chứa đựng lối chừng một phần ba số từ vay mượn của tiếng Hoa,[37] điều nầy nhằm bảo đảm cho các khái niệm được chính xác, đồng thời giữ được mức độ dễ hiểu đối với người thất học. Để có một cái nhìn so sánh, thì một bài báo kinh tế hay một văn bản triết học ngày nay phải cần đến 80% từ Hán Việt.

 

Một chặng đường trong hành trình viết tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh

 

Những nhận định trên đây, liên quan đến phần tiếng Việt của văn bản, đi ngược lại với một với một định kiến khá kiên cố, ấy là muốn biến Alexandre de Rhodes thành nhà thiên tài Âu Châu duy nhất về ngôn ngữ học từng gia công vào tiếng Việt, và đặc biệt xem vị nầy là người sáng chế ra những dấu thanh điệu.[38] Muốn phản bác, thì chỉ cần nêu lên rằng bảy năm sau ngày Alexandre de Rhodes đến Việt Nam, ông vẫn còn rất lúng túng khi muốn cho người Việt hiểu được điều ông nói. Cá nhân Alexandre de Rhodes có quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ học, đấy là một điều không thể nghi ngờ. Nhưng vào năm 1632, khi người ta xếp ông vào số những chuyên viên tiếng Việt sành sỏi nhất, thì khả năng của ông vẫn còn thua xa Gaspar do Amaral.

 

Hãy lưu ý rằng lúc bấy giờ vị linh mục này đang cư ngụ tại xứ Đàng Ngoài để truyền giáo, nên ông không có thời gian rảnh rỗi để tham gia vào việc biên soạn tài liệu nêu ra đây. Ta có thể lấy làm tiếc, bởi vì ông biết rõ sáu thanh điệu của tiếng Việt. Trái lại, số thanh điệu mà Rhodes biết được vào năm 1632 là những thanh điệu đã được João Rodrigues giải thích từ năm 1604, đối với tiếng Hoa và tiếng Nhật. Hai dấu bổ sung, rất cần thiết để viết tiếng Việt cho đúng, được xuất hiện lần đầu tiên cũng vào năm 1632 trong báo cáo thường niên về miền truyền giáo xứ Đàng Ngoài, do giáo sĩ Gaspar do Amaral gởi về Áo Môn.[39]

 

Mẫu tự và tôn ti của các thứ tiếng tại Việt Nam

 

Công việc của các nhà thừa sai trên đất Việt Nam đã giúp họ đặt ra rõ ràng và rốt ráo hơn vấn đề tôn ti giữa các loại tiếng ; điều mà họ đã nghĩ đến từ khi còn ở Nhật Bản.[40] Ngôn ngữ chính thức của Việt Nam là tiếng Hán, và vị trí ưu tiên này được giữ cho đến đầu thế kỷ XX. Vào đầu thế kỷ XV, có một toan tính nhằm sử dụng tiếng Việt và loại trừ tiếng Hán, nhưng đã đi đến thất bại. Phải đợi đến thế kỷ XVIII thì các tác phẩm văn chương tiếng Việt mới có chỗ đứng. Dù sao đi nữa, vào thế kỷ XVII, tiếng Hán là ngôn ngữ chính thức nên cũng là môn chủ yếu của toàn bộ chương trình học vấn. Tiếng Hán trước hết là một ngôn ngữ viết, nhưng ở Việt Nam lại đọc theo một cách khác với mọi nơi, và cũng khác với cách đọc và cách nói ở mọi nơi bên Trung Hoa. Tình trạng này chỉ cho phép một số nhỏ nhà nho ưu tú tiếp cận với việc nước, đặc biệt với thế giới tư tưởng, và các nhà nho ấy bỏ cả đời ra mà học.

 

Tiếng Việt có chữ viết của mình, gọi là chữ nôm ; đó là một cách viết căn cứ trên chữ Hán mà trước đó người viết buộc phải biết rồi. Như vậy, cách viết ấy vô cùng phức tạp hơn cách viết theo mẫu tự của tiếng Nhật. Hơn nữa, chữ nôm bị nghi ngờ, vì chính chữ đó đã giúp loan truyền những quan điểm thiếu kỷ cương và những tư tưởng mới. Vì thế việc in ấn chữ nôm bị cấm chỉ và kìm hãm vào thế kỷ XVIII. Một vài thi sĩ làm thơ tiếng Việt vào thời ấy phải làm ‘chui’ và bị xem là những người lập dị.

 

Khi các thừa sai dòng Tên đến Việt Nam, các ngài bị đặt trước tình trạng phải chọn lựa giữa nhiều phương án. Việc sử dụng chữ Hán, đặc biệt là sử dụng các cuốn giáo lý chữ Hán từ Trung Hoa đem sang, chỉ dành cho số ít người ưu tú gần gũi với các nhà lãnh đạo chính trị, khi nào họ vui lòng đón nhận. Nhưng các thầy giảng được tuyển mộ tại chỗ, mà một số không biết chữ, thì được khuyến khích sử dụng chữ nôm : chữ này giúp cho họ vừa ghi chép kiến thức của mình bằng tiếng Việt, vừa có thể truyền lại cho dân chúng thất học. Đồng thời, các ngài cũng phát triển một cách viết theo chữ cái vần la tinh, vì đó là chữ viết duy nhất giúp người Âu học tiếng Việt cho nhanh. Ngoài ra, cách viết này thì đơn giản, khiến cho người bản địa đang sống trong miền truyền giáo cũng có thể học đọc dễ dàng.

 

Cho đến khoảng 1750, lối viết này vẫn còn giữ một vị trí thứ yếu so với chữ nôm, nhưng lại cho phép người Việt và người Âu giao tiếp với nhau qua chữ viết, và – cần phải nói rõ – cũng giúp cho người Âu quản lý và kiểm soát những bản văn Kitô giáo. Vì các thầy giảng, rồi các linh mục Việt Nam, sử dụng chữ viết này, nên họ bị xếp vào loại những người chống lại trật tự kỷ cương. Thế nhưng không phải vì vậy mà họ lại xa rời nền văn hóa Việt Nam. Muốn hạn chế nguy cơ chống đối, thì phải cấm học chữ này : nhưng, ngược lại, sựï thể đã không xảy ra như thế.

 

Kết luận

 

Việc soạn thảo một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu, gồm ba hay đúng hơn bốn thứ tiếng, đã giúp cho các tác giả nói rõ suy tư của mình về vấn đề này. Các nhà thừa sai có mặt tại Viễn Đông là để truyền bá Kitô giáo ; nhưng công cuộc truyền giáo đó phải được thiết định trong bối cảnh xã hội mà chữ Hán ưu thắng trong mọi lãnh vực. Học chữ Hán gắn liền với việc học tứ thư, ngũ kinh, nghĩa là những tác phẩm kinh điển của Khổng giáo. Các vị truyền giáo bấy giờ phải chọn lựa giữa hai chiến lược. Chiến lược được biết đến nhiều nhất là chiến lược của Matteo Ricci, một người rất thông thạo về chữ Hán nên có thể đàm đạo với các trí thức ưu tú ở Trung Hoa và nghiên cứu tư tưởng Khổng Mạnh.

 

Chiến lược của Trường Áo Môn được phác họa trên đây thì khác hẳn. Vấn đề ở Trung Hoa là làm sao hạ xuống vừa tầm với dân chúng bằng cách sử dụng một ngôn ngữ nói gần sát với trình độ của họ. Tại Nhật Bản, và nhất là tại Việt Nam, vấn đề là làm sao dùng tiếng nói thường ngày để đối lập với tiếng Hán của các nhà học thức, và qua đó đề ra cho người dân trong nước cách giải phóng mình khỏi sự lệ thuộc vào tư tưởng Trung Hoa. Cái mất mát về văn hóa sẽ được đền bù dư dật khi họ có được một cách thức để diễn đạt dễ dàng và để suy nghĩ, và cách ấy cũng còn có khả năng chuyển tải những khái niệm căn bản của Kitô giáo. Cũng còn chứ không phải chỉ để chuyển tải các khái niệm ấy mà thôi.

 

Cách viết theo mẫu tự La Tinh – nghĩa là thiết lập một bảng chữ cái La Tinh – là một công cụ để thực hiện kế hoạch đó. Bồ Đào Nha đã đi qua con đường này. Thời đại tân kỳ không chỉ là thời đại của những cuộc du hành lớn để mà khám phá, nhưng còn là thời đại mà tiếng nói của các quốc gia tự khẳng định mình để loại bỏ sự thống trị của tiếng La Tinh. Các nhà ngữ pháp và chính tả Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI, như João de Barros, Péro de Maglhães de Gândavo hay Duarte Nunes do Leão, đã giúp cho tiếng nói dân gian trở thành một phương tiện chuyển tải tư tưởng. Muốn như thế, cần phải làm một số việc, trong đó có việc phân tích tỉ mỉ và tìm chữ viết cho tiếng nói này. Viết tiếng Hoa, tiếng Nhật hay tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh phải được xem là nối tiếp đường hướng đó ; vả lại, chúng tôi đã chứng minh rằng họ đã áp dụng khá sít sao các nguyên tắc chính tả được đề ra để mà viết chữ Việt Nam.

 

Sau này, tiếng Hoa đã tiếp tục đi theo con đường riêng của mình, và tiếng Nhật đã tìm thấy trong bảng mẫu tự của mình một cách thức để đổi mới và mở ra với tư tưởng hiện đại. Trái lại, sau khi đã chính thức bỏ qua và khinh bỉ ‘chữ viết của các thừa sai’, cuối cùng nước Việt Nam đã chấp nhận nó hoàn toàn vào thập niên 30. Chiến thắng tối hậu của lối chữ xa xưa xuất phát từ chữ Bồ và đạo ‘Gia Tô’ chủ yếu không phải là do ảnh hưởng của Kitô giáo hay chính sách thuộc địa của Pháp đối với đất nước này. Nó xuất phát từ ý thức của chính mọi người có tinh thần quốc gia không phân biệt chính kiến, vì họ nghĩ rằng đất nước sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được nếu không có một công cụ giáo dục quần chúng qua một thứ tiếng mà người bình dân có thể hiểu được. Thế là chữ quốc ngữ đương nhiên nổi bật lên, vì chữ đó rất đơn giản và đã hoàn chỉnh.

 

Lisboa (Bồ Đào Nha), Torre do Tombo, 7 tháng 11 năm 1998

St. Louis (Missouri), tháng 4 năm 2000

Strasbourg (Alsace), tháng 5 năm 2002

 



[1] “No escreuer esta lingoa ẽ nossa letra seguimos principalmente a ortographia latina, & a Portuguesa, assi por ter a pronũciação de Iapão semelhança cõ a Portuguesa em algũas syllabas como sam, Cha, chi, cho, chu, nha, nho, nhu, &c como tãbem por qõ ẽ Iapão os Padres, & Irmãos entre si vsam da lingoa & ortographia Portuguesa.” Arte da Lingoa de Iapam composta pello Padre Ioão Rodriguez Portugues da Cõpanhia de iesv diuidida em tres livros [...], Namgasaqui no Collegio de Iapão da Companhia de iesv Anno 1604, tr. 45. – Bản in lại do Doi Tadao ấn hành, với lời dẫn nhập, Tokyo, 1976, tr. 122.

[2] Các nhà thừa sai Tây Ban Nha đã góp phần mình vào việc nghiên cứu có hệ thống các ngôn ngữ, nhưng công việc này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của người Bồ Đào Nha, là những người có uy thế trong lịch sử. Đối với tiếng Nhật, chỉ cần nêu ra đây cuốn Ars grammatica Japonicae linguae (Văn Phạm tiếng Nhật) của linh mục dòng Đa Minh, Diego Collado, xuất bản tại Rôma đúng vào năm 1632, và hình như còn có một cuốn trước đó nữa là cuốn Arte y Vocabulario de la lengua japonesa (Ngữ pháp và từ vựng tiếng Nhật) của một linh mục dòng Âu Tinh đồng hương với D. Collado, Hernando de San José Ayala, qua đời năm 1617. Đối với tiếng Hoa, Pedro Chirino, dòng Tên, đã đề tặng từ năm 1604 một cuốn sách mỏng tựa là Dictionnarium Sino-Hispanicum (Từ điển Hoa - Tây Ban Nha), vẫn còn dưới dạng bản thảo, dựa theo tiếng Hoa đang được sử dụng vào thời ấy ở Manila.

Về Padroado (qui chế bảo trợ) Bồ Đào Nha và lịch sử cuộc bảo trợ ấy, đề nghị tham khảo Roland Jacques, De Castro Marim à Faðfo : Naissance et développement du padroado portugais d’Orient des origines à 1659, (Từ Castro Marim đến Hoài Phố [Hội An] : sự ra đời và phát triển của qui chế bảo trợ Bồ Đào Nha tại Đông Phương, từ lúc khởi đầu đến năm 1659), Lisboa, Fundação Calouste Gulbenkian, Serviço de Educação, 1999.

[3] Xem John DeFrancis, Colonialism and language policy in Viet Nam (Chủ nghĩa thuộc địa và chính sách ngôn ngữ tại Việt Nam), Den Haag/Paris/New York, Mouton, 1977.

Nói chung, chữ viết gắn liền với quyền lực : “Khi chữ viết ra đời thì nó xuất hiện trong các xã hội có tôn ti trật tự thật rõ nét và tạo ra những quan hệ rất chặt chẽ giữa chữ viết với các loại quyền lực : đếm và chia của cải, thu thuế, chứng tỏ với người khác là mình có khả năng tác động lên các đấng linh thiêng, v.v.” (Jean-Michel Builles, Manuel de linguistique descriptive, le point de vue fonctionnaliste, [Cẩm nang ngôn ngữ học mô tả, theo quan điểm tiện dụng], Paris, Nathan, 1998, tr. 26). Nếu người ngoài nào muốn can thiệp để sửa đổi cách viết thì người ấy đương nhiên bị xem là có hành động chống lại chính quyền.

[4] “Một ngôn ngữ và chữ viết của nó, dù tượng hình hay tượng thanh, không chỉ là một trình độ hiểu biết mà thôi, nhưng còn là một cái gì đó tạo ra một cấu trúc cho con người. Qua một ngôn ngữ và một chữ viết đặc thù, lộ ra một cách nhận thức và tiếp cận thế giới một cách độc đáo. Và khi ngôn ngữ và chữ viết đặt ưu tiên cho ngữ nghĩa, chiết tự, không gian và hình ảnh so với tiếng nói và cách phân tích từng mảng, thì thật là thú vị nếu ta quan sát rằng một số khía cạnh của văn hóa Trung Hoa [...] có thể được suy ra một phần từ chính tính chất của chữ nho” Joešl Bellassen, Les idéogrammes chinois ou l’empire du sens, [Chữ nho hay giang sơn của ngữ nghĩa] Paris, You-Feng, 1995, tr. 11).

[5] Có nghĩa là : tiếng Nhật, tiếng Hoa và tiếng Việt là ba ngôn ngữ nổi bật trong những quốc gia mà các nhà thừa sai dòng Tên thuộc Trường Áo Môn (tỉnh dòng Nhật bản) đến hoạt động, nhưng các tiếng đó cũng được sử dụng trên những đất nước mà chính thành phố này (Áo Môn) có quan hệ thương mại đặc biệt.

[6] Jap.-Sin. là chữ tắt để chỉ các tỉnh dòng Nhật bản (provincia japonica) và Trung Hoa (vice-provincia sinica).

[7] Rôma, kho lưu trữ của dòng Tên, mục Jap/Sin (Nhật -Hoa), hồ sơ 194 (Miscellanea Iap./Sin), cuốn VII. Xưa kia được sắp xếp dưới đề mục : Jap./Sin. I, 199-200. Tựa được ghi trong danh mục : “Epistola P. Andr. Palmeiro, Macao 8.5.1632, cum paradigmate orationis Dominicae Pater Noster in lingua Sinica, Japonica, Annamitica” (Thư của André Palmeiro, viết tại Áo Môn ngày 8 tháng 5 năm 1632, với một phụ bản về kinh Chúa dạy, Kinh Lạy Cha, bằng tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Annam).

[8] André Palmeiro, sinh tại Lisboa năm 1569, đã xuống tàu đi Đông Phương năm 1617 ; ngài giữ chức “giám quản các miền truyền giáo” (Visiteur des missions = đại diện cho bề trên tổng quyền dòng Tên) tại Nhật Bản và Trung Hoa từ 1626 đến 1635. Với tư cách là thừa sai tại Trung Hoa, ngài đã chủ tọa hội nghị Kiating (Thượng Hải) về các danh xưng của Thiên Chúa, ở đấy ngài chống lại các danh xưng “Thiên” và “Thượng Đế”. Trong khi thi hành nhiệm vụ, ngài đã thăm miền truyền giáo Đàng Trong (Việt Nam) năm 1631. Ngài qua đời tại Áo Môn năm 1635.

[9] Alexandre de Rhodes là một trong những nhà thừa sai nổi danh nhất tại Việt Nam. Ra đời tại Avignon trong lãnh địa Giáo Hoàng năm 1693, ngài xuống tàu tại Lisboa để sang Phương Đông năm 1619. Năm 1625-1626, ngài truyền giáo tại Đàng Trong, ở đấy ngài học tiếng Việt dưới quyền linh mục Francisco de Pina. Năm 1630, ngài truyền giáo tại Đàng Ngoài, rồi từ 1630 đến 1640, ngài cư ngụ tại Trường Áo Môn và coi sóc những người Hoa dự tòng và tân tòng. Giữa năm 1640 và 1645, có ba lần ngài đến cư trú lâu ngày tại Đàng Trong, trước khi bị trục xuất. Năm 1651, ngài xuất bản tại Rôma một cuốn sách rất nổi tiếng, cuốn từ điển Việt-Bồ-La, và một cuốn giáo lý bằng tiếng Việt và tiếng La Tinh. Ngài qua đời tại Ispahan (Ba Tư) năm 1660

[10] Hồ sơ lịch sử lưu trữ của Thánh Bộ Phúc Âm, đề mục Istruzioni, tập Istruzioni diverse (1623-1638), tờ 134v. Chúng tôi trích dẫn theo bài viết của Josef Metzler “Il nuovo corso missionario iniziato con la fondazione della Sacra Congregazione ‘De Propaganda Fide’, nei confronti delle culture locali”, trong Evangelizzazione e Culture. Atti del Congresso Internazionale Scientifico di Missiologia (Rom, 5-12 tháng 10 năm 1975), Rôma, Pont. Università Urbaniana, 1976 : tập. 2, tr. 374-400

[11] “[Dovrà]... pigliare informazioni di tutti li popoli, per li quali passerà, con notare la loro natura, costumi, et habilità, li trafichi, arti e scientie, che in quelli si troverà, la Religione, e dogmi loro, e li ministri di quella, del governo politico, e finalmente li Prencipi sotto quali vivono... [...] delle lingue con li quali quei popoli parlano, e se ne havranno più, noti in particolar quella che più in uso, massimamente presso la plebe... [...] S’informerà de caratteri, con li quali scrivono, e d’esse ne procurerà da migliori scrittori, che habbino, un alfabeto con le sue ligature, e punti, che usano, avvertendo anche di notar li caratteri latini, che à quelli corrispondono, e la lor pronuncia per saperne dar ragguaglio, e se havrano quei popoli gramatiche, e dittionarij delle loro lingue e vedrà di procurar gli esemplari per mandar à Roma se non saranno di notevole spesa.” (J. Metzler, bài viết nêu trên, tr. 377-378)

[12] Năm 1994, giáo sư Vương Lộc đã công bố một tài liệu tiếng Hoa có thể lên đến tận cuối thế kỷ XVI, có một bảng từ vựng tiếng Việt với cách đọc được ký âm bằng chữ nho (Annam dịch ngữ, Vương Lộc giới thiệu và chú thích, Hà Nội, Trung tâm Từ điển học / Nxb. Đà Nẵng, 1995). Nhưng các chữ nho chỉ có thể giúp một cách đọc gần đúng mà thôi, vì không có dấu thanh điệu.

[13] Xem Roland Jacques, “Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne : Faut-il réécrire l’histoire ?” (Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ. Phải chăng cần viết lại lịch sử ?), trong Revue Française d’Histoire d’Outre-Mer, số 85, 1998, tr. 21-54.

[14] Hai tác phẩm này được xuất bản tại Rôma năm 1651 dưới tên của Alexandre de Rhodes : Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisus (Giáo lý dành cho những ai muốn chịu Phép Rửa, chia ra tám ngày), Rôma, S.C. de Propaganda Fide, [1651]. Bản in lại : Phép giảng tám ngày. Catechismus in octo dies divisus. Catéchisme divisé en huit jours, lời tựa của Nguyễn Khắc Xuyên, André Marillier ghi lại theo đúng chính tả Việt Nam ngày nay, Henri Chappoulie dịch ra tiếng Pháp, Tp Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1993 – Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum, Rôma, Thánh Bộ Truyền Giáo, 1651, 645 trang ; tái bản với bản dịch ra tiếng Việt hiện nay : Từ Điển Annam-Lusitan-Latinh, Hồ Chí Minh-Ville, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991.

[15] Giuse Đỗ Quang Chính, SJ, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620, Sài Gòn, 1972, 174 p. ; tái bản tại Paris, Đường Mới, 1985.

[16] Thực ra Chr. Borri đã vĩnh viễn rời Việt Nam năm 1622 sau hai hay ba năm cư trú. Là một nhà thiên văn rất giỏi, sau này ngài đã làm việc với tư cách ấy tại triều đình Tây Ban Nha. Ngài cũng quan tâm đến ngôn ngữ học nhưng với một kết quả khiêm tốn hơn. Xem Christofor Borri, Relatione della nvova Missione delli PP. della Compagnia di Giesv, al Regno della Cocincina, scritta dal Padre Christoforo Borri Milanese della medesima Compagnia, che fù vno de primi ch’entrarono in detto Regno, Rôma, Francesco Corbelletti, 1631, tr. 107-109 – bản dịch tiếng pháp : Relation de la novvelle Mission des Peres de la Compagnie de Iesvs, au royavme de la Cochinchine [...] (Quan hệ của miền truyền giáo mới của các tu sĩ dòng Tên, tại Đàng Trong...), Lille, Pierre de Rache, 1631.

[17] Kho lưu trữ tại Rôma của dòng Tên còn giữ một văn bản chữ nôm, với cách phiên âm bằng mẫu tự La Tinh và bản dịch La Tinh, có lẽ được viết vào năm 1648 (Jap.Sin., tập 80, tờ 78v-79) : Đây là một văn kiện phê chuẩn bản văn tiếng Việt được sử dụng cho công thức rửa tội, do nhiều thầy giảng Đàng Ngoài ký tên.

[18] Xem Roland Jacques, “Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne...” (bài viết nêu trên).

[19] Trong tác phẩm nêu trên của Chr. Borri, ta cũng thấy những qui định theo tiếng Ý ; điều này rất hợp lý đối với một tác phẩm viết bằng tiếng Ý và dành cho độc giả Ý. Khi chữ quốc ngữ đã được hoàn chỉnh, người ta vẫn giữ lại một trong các cách viết của Ý (âm đầu ‘gi-’) ; các tác giả biện minh cho cách viết này dựa theo các tiêu chuẩn ngữ học. Về vấn đề này, xem luận văn của chúng tôi L’oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Công trình của vài nhà tiền phong Bồ Đào Nha trong lãnh vực ngôn ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650), bảo vệ năm 1995 ở Institut National des Langues et Civilisations Orientales (Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương ) tại Paris.

[20] Xem Luo Shen-Yi (慎儀羅 La Thận Nghi), “Les premiers systèmes de notation alphabétique utilisés dans les études de phonologie chinoise” (những bản chữ cái đầu tiên được sử dụng trong các cuộc nghiên cứu âm vị học tiếng Hoa), trong Succès et échecs de la rencontre Chine et Occident du XVIe au XXe siècle. Actes du Ve colloque international de sinologie, (Thành công và thất bại của cuộc gặp gỡ giữa Trung Hoa và Phương Tây từ thế kỷ XVI đến XX. Văn kiện của khóa hội thảo quốc tế lần thứ V về Trung Hoa Học) Chantilly 1986, San Francisco, Ricci Institute for Chinese-Western Cultural History / Đài Loan và Paris, Institut Ricci, 1993, tr. 191-200.

[21] Tác phẩm có tên Principes d’évangélisation (天學傳概 Thiên học truyện khái), với tựa phụ là Merveilles en lettres occidentales (西字奇迹 Tây tự kỳ tích), được lưu giữ ở thư viện Vatican. Xem La Thận Nghi, tài liệu nêu trên, tr.193. Cũng xem thư mục trên.

[22] Cụm từ này là dịch sát từng chữ tựa đề tiếng Hoa, được ghi theo mẫu tự La Tinh là Xiru ermuzi, và tiếng Hán Việt là Tây nho nhĩ mục tư. Đấy là tựa mà Trigault đã đặt cho tác phẩm của mình. Nếu không theo sát từng chữ, ta có thể dịch “từ điển các biểu đồ và các cách phát âm dành cho người Phương Tây”.

[23] Theo chúng tôi biết, bản duy nhất đã xếp vào đề mục hiện nay đang được lưu giữ tại Thư Viện Đông Phương Thượng Hải : Sáu tập, với tổng số 425 trang.

[24] Xem Hoang Qichen, “Macau, ponte do intercâmbio cultural entre a China e o Ocidente do século XVI ao século XVIII” (Áo Môn, nơi trao đổi văn hóa giữa Trung Hoa và Phương Tây từ thế kỷ XVI đến XVIII), trong RC-Revista de Cultura [Tạp chí Văn Hoá – Áo Môn], bộ 2, số 21, 1994, tr. 153-177 ; tr. 171.

[25] Thực ra, việc làm này phát xuất từ những nỗ lực để thiết lập bảng từ vựng của tiếng Hoa, được thực hiện trong các cuộc trao đổi văn hoá tại Áo Môn, qua đó người ta đã tạo được bản thảo của một bảng từ vựng Bồ-Hoa, giữa năm 1580 và 1588. Nhưng vào thời ấy, việc xác định cách phát âm vẫn còn lập lờ giữa nhiều tiếng nói địa phương. Về vấn đề này, đề nghị xem những nhận xét của Luís Filipe Barreto, bài “O estatuto de Macau (séculos XVI e XVII)”, trong Olhares Cruzados, số 32, 10-12. 1997, tạp chí Oceanos (Lisboa, Comissão Nacional para as Comemorações dos Descobrimentos Portugueses – Ủy ban Quốc gia đặc trách Tưởng niệm các Khám phá của Bồ Đào Nha) tr. 133-148. Đoạn có liên quan được in ở các trang 144-147.

[26] Hệ thống ký âm mà bản văn này sử dụng cho thấy rằng hệ thống đó rất thích hợp để dạy cho những người nói tiếng Âu Châu học nói tiếng Việt. Sự thành công của hệ thống này xuất phát từ các lý do sau : đối với khoảng 120 từ được sử dụng, bảng ký âm trung Hoa dùng 24 âm đầu khác nhau ; trong bản văn này ta tìm ra 22 âm, tương ứng khá chính xác với hệ thống ký âm được sử dụng trong Dictionnaire classique de la langue chinoise (Từ điển giáo khoa tiếng Hoa) của F.S. Couvreur [Xuất bản lần thứ 3, Ho Kien Fou, Nhà in Mission Catholique, 1911, in lại tại Đài Loan năm 1966]. Về phần các vần, ta có 29 vần trong bảng ký âm và 32 vần trong bản văn này. Xem chi tiết ở phụ trương.

[27] Một trong 4 chữ nói trên chỉ được thay thế sau 1887. Xem ở phần phụ trương bảng so sánh của chúng tôi giữa hai cuốn giáo lý được ấn hành năm 1917 và 1921.

[28] João Rodrigues sinh tại Sernancelhe (Bồ Đào Nha) năm 1561. Ngài đến Nhật bản năm 1576, nhập dòng Tên năm 1580 và được thụ phong linh mục năm 1596. Ngài được làm việc tại cung đình Nhật bản từ 1591 đến 1596 với tư cách là thông ngôn. Ngài giữ mãi chức danh “tçuzzu” (thông ngôn trưởng). Ngài bị đày sang Áo Môn năm 1610 và một trong các mối quan tâm của ngài là làm sao dịch ra tiếng Hoa những khái niệm thần học Kitô giáo. Năm 1630-1631, ngài phục vụ dưới trướng nhà Minh một thời gian ngắn, cũng với tư cách là thông ngôn, rồi qua đời tại Áo Môn năm 1633. Ngài là tác giả của hai cuốn sách căn bản về tiếng Nhật : ngoài cuốn Arte da lingoa de Iapam nêu trên (in tại Trường Kỳ từ 1604 đến 1608), còn có một cuốn văn phạm thứ hai, Arte breve da lingoa de Iapão, được ấn hành tại Áo Môn năm 1620. Về João Rodrigues, xem Michael Cooper, Rodrigues the Interpreter : An Early Jesuit in Japan and China (Rodrigues người Thông Ngôn : một linh mục dòng Tên tiên khởi tại Nhật Bản và Trung Hoa), New York/Tokyo, Weatherhill, 1974.

[29] Nippo no Iesvs no companhia no Superior yori Christan ni soêtoê no cotouari uo tagaino mondóno gotoqu xidai uo vacachi tamoê Doctrina, Iesvs no companhia no Collegio Amacusa [Trường dòng Tên Amacusa], 1592, 114 trang.

[30] Người ta chỉ đổi chữ ‘tentaçã’ trong tiếng Bồ (bản in, sic) bằng chữ ‘tentatio’ trong tiếng La tinh (bản thảo).

[31] “Nós estudamos diversas artes e ciências pelos nossos livros ; eles toda a vida gastam em conhecer o coração dos caracteres”. Câu trích đẫn này được rút ra từ “Tratado em que se contém muito sucinta e abreviadamente algumas contradições e diferenças de costumes entre a gente da Europa e esta provincia de Japão” (Tiểu luận trình bày rất vắn tắt vài mâu thuẫn và khác biệt giữa phong tục của người Âu và cư dân tại tỉnh dòng Nhật Bản), được xuất bản với tựa đề là Europa-Japão. Um diálogo civilizacional no século XVI, (Âu Châu – Nhận Bản. Một cuộc đối thoại về văn minh ở thế kỷ XVI) do José Manuel García et Raffaella D’Intino, Lisboa, Comissão nacional para as Comemorações dos Descobrimentos Portugueses (Ủy ban quốc gia đặc trách Tưởng niệm các Khám phá của Bồ Đào Nha), 1993, tr. 138.

[32] Trong cuốn Relatione (Bản kiù thuật) xuất bản năm 1631, Chr. Borri nhấn mạnh đến sự kiện này : “Il parlare de’ Cocincinesi, benche sia simile à quello de’ Cinesi in vna particolarità, vsando cosi questi, come quelli parole tutte monosillabe proferite, e pronuntiate con varietà de’ toni, & accenti ; con tutto ciò nel materiale istesso delle parole differiscono totalmente, sendo in oltre il Cocincinese più copioso, & abondante de’ vocali, e però più dolce, e più soaue ; più ricco d’accenti, e toni, e però più melodico, e consonante” (tr. 78). Phỏng dịch : “Tiếng nói của người Nam Việt quả là giống người Hoa ở điểm là hai bên đều sử dụng những từ đơn âm, được phát âm theo những thanh điệu và âm sắc khác nhau ; tuy nhiên, hai ngôn ngữ ấy hoàn toàn khác nhau về mặt từ vựng. Hơn nữa, người Nam Việt có số nguyên âm nhiều hơn và đa dạng hơn, vì thế tiếng nói của họ dịu dàng, tinh tế hơn ; thanh điệu và âm sắc cũng dồi dào hơn, vì thế êm ái, du dương hơn.”

[33] Giọng nói của các khu vực nam Việt Nam, kể cả khu vực Quảng Nam, nơi mà các linh mục dòng Tên tiến hành những cuộc nghiên cứu ngôn ngữ học đầu tiên, hiện nay có một hệ thống năm thanh điệu khác nhau. Tuy nhiên không có gì cho phép ta nghĩ rằng việc chuyển từ sáu xuống thành năm thanh điệu đã được khởi sự từ giữa thế kỷ XVII : Trong cuốn Từ điển, cũng như trong các văn bản khác vào thời kỳ này, không nơi nào ta thấy có sự lẫn lộn giữa hai thanh điệu (hỏingã), điều mà ngày nay thường thấy xảy ra nơi những người viết tiếng Việt

[34] Arte da lingoa de Iapam, tr. 173-174 trong tác phẩm gốc, tr. 349-351 trong bản in lại năm 1976

[35] “Người thanh niên này, tên rửa tội là Phêrô, có một kiến thức về chữ nghĩa nên đã giúp đỡ nhiều cho các cha để dịch ra tiếng bản địa kinh Pater noster, Ave Maria, Credo (Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính) và Thập giới (Mười điều răn), những kinh mà Kitô hữu đã học thuộc lòng. Các cha cũng đã biên soạn trong ngôn ngữ này các điểm tín lý ; qua đó người ta tuyên xưng đầy đủ là có một Thiên Chúa, (tuyên xưng) các mầu nhiệm Ba Ngôi, Nhập Thể và Cứu Chuộc, và sự cần thiết phải thông phần vào công nghiệp của Đức Kitô, Chúa chúng ta, nhờ đức tin và các bí tích thánh. Kitô hữu đã ghi lại bằng chữ, và bắt đầu lần chuỗi như bên quê nhà chúng ta” (Francisco Eugenio, “Annua del Collegio di Macã del 1618” (Niên giám của Trường Áo Môn năm 1618), bản gốc tại Rôma, kho lưu trữ của dòng Tên, Jap.-Sin., tập 114, tờ 176-185. Muốn đọc bản văn gốc và nội dung của đoạn này, cũng như những nhận xét của chúng tôi về các dịch giả, có thể tham khảo bài viết của chúng tôi “Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne...”, tr. 36-37 và chú thích 54.

[36] Xem ở phần phụ trương bảng so sánh giữa bản viết tay năm 1632 và bản in năm 1651. Trong bản in, câu này được ghi tại chương 5 của “Linguae annamiticae seu tunchinensis breuis declaratio” đặt ở phần phụ trương của từ điển. Lạ thay, cuốn Catechismus in octo dies divisus (Phép giảng tám ngày), cũng được Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651, lại không ghi chép một bản kinh nào ; cuốn sách này hẳn là một cẩm nang cho các thầy giảng hơn là một cuốn giáo lý (catechismus) theo nghĩa truyền thống của từ này.

Không còn nghi ngờ gì là loại tác phẩm này từng hiện hữu : các báo cáo thường niên cho ta thấy bằng chứng. Tuy nhiên, rủi thay, không một bản nào của thế kỷ XVII còn được lưu giữ. Theo chúng tôi biết, bản xưa nhất là cuốn giáo lý của Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), in khắc gỗ bằng chữ nôm năm 1774 (Thư Viện Vatican, Borg.Tochin. 32) ; một bản viết tay chuyển ra chữ viết theo mẫu tự La Tinh còn được bảo tồn tại kho lưu trữ của Hội Truyền Giáo Paris (số 1095).

Trái lại, chúng tôi không tính đến codex (bộ văn bản viết tay) 7968 trong Thư Viện Quốc Gia tại Lisboa. Bộ văn bản này chứa đựng những bản văn để cử hành thánh lễ và vì thế có kinh Lạy Cha bằng chữ La Tinh, chữ nôm và chữ Việt viết bằng mẫu tự La Tinh ; đây là một bản thảo được biên soạn giữa 1739 và 1754 : thật vậy, lời tựa của văn bản ấy nói rõ rằng phần tiếng Việt chỉ nhằm mục đích giải thích bản văn La Tinh và không được đọc nguyên văn như thế.

Tuy nhiên, bản quốc ngữ xưa nhất của kinh Lạy Cha có thể được phục hồi dựa trên lời bình luận cuốn giáo lý, mà ta có thể tìm thấy bản thảo tại kho lưu trữ của Hội Truyền Giáo Paris (V 1100, không tựa đề, không ghi ngày, 508 trang, khổ 16) ; chính tả sử dụng trong văn bản cho phép ta xác định rằng bản này được viết vào đầu thế kỷ XVIII. Xem chi tiết ở phần phụ trương.

[37] Trong tiếng Việt, những vay mượn tiếng Hoa thường được phát âm theo cách riêng của người Việt, và đôi khi có một ngữ nghĩa đặc biệt. Ta có thể so sánh cách vay mượn này với cách mà các ngôn ngữ gốc La Tinh hiện nay vay mượn nơi tiếng Hy Lạp cổ.

[38] Chúng tôi chỉ cần đơn cử ra đây Pierre-Richard Féray, Le Viêt-nam, Paris, P.U.F., 1984 : “Le P. Alexandre de Rhodes, de 1650 à 1660, eut l’idée de romaniser l’écriture. Le Quoc-ngu était né...” (Từ 1650 đến 1669, Alexandre de Rhodes có sáng kiến tạo ra cách viết theo mẫu tự La Tinh. Chữ quốc ngữ đã ra đời...) (tr. 18). Ta cũng có thể kể tên nhiều sử gia từng nghiên cứu thời kỳ truyền giáo tại Việt Nam.

[39] Báo cáo này được ký tại Kẻ Chợ (Hà Nội hiện nay), ngày 31 tháng 12 năm 1632. Còn hai bản tại kho lưu trữ ở Rôma của dòng Tên : Jap.-Sin 85,tờ 125-174 và Jap.-Sin.88, tờ 117-158v ; rất lâu về sau người ta sao lại một bản, hiện được giữ tại Biblioteca da Ajuda tại Lisboa (Jesuítas na Ásia 49/V/31, tờ 215-263) : bản này không thể sử dụng cho những nghiên cứu ngôn ngữ học tiếng Việt.

[40] Về vấn đề này, xem Georg Schurhammer, Das kirchliche Sprachenproblem in der Japanischen Jesuitenmission des 16. und 17. Jahrhunderts, Tokyo, Deutsche Gesellschaft fušr Natur- und Vošlkerkunde Ostasiens, 1928.

 

 

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 4501
Ngày đăng: 26.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công Cuộc Truyền Giáo Tại Quảng Nam Năm 1623 Và Vấn Đề Ngôn Ngữ 2 - Trần Duy Nhiên
Công Cuộc Truyền Giáo Tại Quảng Nam Năm 1623 Và Vấn Đề Ngôn Ngữ 1 - Trần Duy Nhiên
Khoa Học Về Các Ký Hiệu 2 - Đinh Hồng Hải
Khoa Học Về Các Ký Hiệu 1 - Đinh Hồng Hải
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 4) - Nguyễn Cung Thông
Tìm hiểu thuật ngữ Vu Lan bồn - Vương Trung Hiếu
Lại bàn về giống chim - Vương Trung Hiếu
Thuồng Luồng = Cá Sấu = Rồng (?!) - Vương Trung Hiếu
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Thìn Thần Long Rồng Rắn (phần 8A) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 3): Phiêu bạc hay phiêu bạt? - 2 - Nguyễn Cung Thông
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)