Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.228
 
Nguồn gốc nghệ thuật Tuồng
Tuấn Giang

 

Tuồng một thể loại sân khấu: Mô tả - ước lệ - tượng trưng, mang tính kinh điển, phát triển ở nhiều nước khu vực Đông Nam á. Mỗi nước một hình thức diễn Tuồng, biểu hiện đặc trưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc, bản địa, cổ xưa. Người Trung Hoa diễn Tuồng Kinh kịch, Việt kịch, Nhật Bản Kịch Nô, Cam Phu Chia Tuồng Rô Băm, Indonesia, Malaysia... kịch múa mặt nạ Tuồng cổ.

 

Tuồng sử dụng ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng cao trong những hình thức nghệ thuật cổ còn xót lại ở châu  á, châu Phi. Do ảnh hưởng lẫn nhau trong sự giao thoa các nền văn hóa nghệ thuật khu vực Đông Nam  á, phát sinh nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc ra đời sân khấu Tuồng. Đây như một diễn đàn từ khi có người nghiên cứu Tuồng nêu nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng một điều khá nhất quán nhận định chung: Nguồn gốc Tuồng từ các trò diễn xướng dân gian Việt, chỉ một số ít cho rằng do Lý Nguyên Cát truyền dậy dân ta vào năm 1285, người mình biết Hát bội. Thuyết này bị phản bác, hoặc thanh minh nói thế là vô lý, nếu có chăng “dạy về hình thức điệu bộ như cách múa men, về mặc  xiêm giáp... Còn về nội dung giọng hát người mình có sẵn từ trước, không cần ai dạy.”[1] Những thế hệ nghiên cứu đầu tiên các nho sĩ: Phạm Đình Hổ, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Trần Cương Trung... ghi chép trong nhiều công trình khảo luận: Vũ trung tùy bút, Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Thông giám cương mục, An nam chí lược... Dẫn giải những hình thức ca múa nhạc, nhưng do cách biên dịch khác nhau, người gọi hát Giáo đầu là hát Chầu, Hát chèo, chỗ gọi Hát Tuồng... làm nhiều người cho rằng Tuồng, Chèo ra đời rất sớm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 10 trang 16 viết: “Năm 1182, người Phường trò diễn trò một người làm Bộ thượng thư, sai người đi bắt tội phạm nói rằng: Sao mày không xưng danh là quân của Thái sư...” Thấy câu nói này, nhiều người coi đây là một trò diễn Tuồng cung đình, một số nhà nghiên cứu kết luận: Tuồng ra đời từ thời Đinh, hoặc muộn nhất vào đời Trần 1285, do Lý Nguyên Cát đem vào nước ta là Tuồng cung đình, quy phạm khá hoàn chỉnh.

Nhận định sự ra đời Tuồng còn nhiều giả thuyết, các thế hệ nghiên cứu tiếp tục khám phá. Mỗi người cần nghiên cứu tổng hợp: Quá trình hình thành Tuồng từ văn phong kịch bản đến lịch sử tác giả, sẽ thuyết phục hơn là những căn cứ sử liệu ghi chép lại.

 

1.Nguồn gốc hình thành Tuồng.

 

Sự hình thành nghệ thuật Tuồng, nghĩa là trước lúc ra đời sân khấu Tuồng. Tuồng hình thành từ đâu, do đâu ra đời nghệ thuật Tuồng, hầu như các nhà nghiên cứu chưa khẳng định ranh giới giữa sân khấu  với các trò diễn nhân tố cấu thành nghệ thuật Tuồng.

 

Hầu hết kịch hát dân tộc khởi thủy, hình thành từ trò diễn xướng dân gian, là quá trình tiến đến hoàn chỉnh vở diễn, tác giả, diễn viên, khán giả để ra đời một hình thức sân khấu. Nghệ thuật Chèo là một quá trình hình thành nhiều thế kỷ từ trò diễn xướng dân gian Trò nhại, Hò đưa linh... tiến lên sân khấu Chèo.

 

Tuồng chưa thể chứng minh quá trình hình thành từ trò diễn xướng dân gian lên sân khấu, đa phần các nhà nghiên cứu ngộ nhận Tuồng hoàn chỉnh một hình thức sân khấu qua sử liệu vào đời Trần, hoặc sớm hơn thời nhà Đinh...

 

Những nhận định theo chính sử, hay giả thuyết lịch sử  không có căn cứ, bởi người chép sử như nhiều vị tiền bối ghi trong hàng loạt sách Việt cổ nhầm lẫn những hình thức diễn xướng dân gian Hát chầu, Hát giáo đầu, Hát cửa đình, Trò nhại, Hò đưa linh, Hò chèo đò... hát có diễn của những hình thức ca múa nhạc dân gian. Những hình thức ca diễn ấy, là trò diễn xướng dân gian nhẹ nhàng giống chèo, diễn mạnh mẽ có ngữ điệu, ngữ khí mang nhân tố Tuồng. Những nhân tố này, làm nền tảng từ nghệ thuật Folklore dần tách biệt khỏi các yếu tố hỗn đồng phi lịch sử, hình thành nhiều hình thức nghệ thuật riêng rẽ: Ca - nhạc-múa, cuối cùng tiến đến sân khấu. Sân khấu Tuồng, hoặc Chèo chỉ khẳng định khi hội tụ ba thành tố: Kịch bản-Diễn viên - Khán giả, mọi hình thức trình diễn khác chưa phải sân khấu.

 

Dựa vào tiêu chí nghệ thuật sân khấu trên, tác giả tìm đến nguồn gốc hình thành Tuồng, là những nhân tố đầu tiên phát triển thành một thể loại sân khấu. Dựa vào ba thành tố: Kịch bản - Diễn viên - Khán giả, để quy chuẩn ra đời sân khấu Tuồng Chèo một cách khách quan khoa học. Dù có hàng trăm cuốn sử Việt cổ ghi chép Tuồng Chèo ra đời vào các triều đại phong kiến nào đó, nhưng các nhà nghiên cứu không chứng minh sự hội tụ ba thành tố sân khấu, thì những sử liệu kia chỉ là giả thuyết.

 

Theo sử liệu, có thể trích dẫn nhiều trò diễn xướng dân gian: Sách Việt sử ghi trò Múa xuân phả, tục truyền thời Đinh, các vũ công múa diễn trò có hóa trang, đeo mặt nạ... Một trích dẫn khác vào năm 990, Lê Hoàn hát bài Mời rượu bằng tiếng Việt chào đón sứ giả người Trung Hoa. Vào thời Lê (Lê Ngọa Triều) nuôi nhiều tên hề sân khấu... Vì thế, nhiều người ngộ nhận Chèo Tuồng ra đời từ thời Đinh, Lê đến Lý Trần thì hầu như khẳng định có Tuồng Chèo. Những nhận định ấy, không đúng! Sử liệu chép thế nhưng trong các bảo tàng Nhà nước từ Bắc vào Nam chưa thấy bút tích một kịch bản Tuồng Chèo nào, để khẳng định một hình thức sân khấu dân tộc. Những trích dẫn trong sử sách chỉ là nghệ thuật ca múa nhạc, các trò diễn xướng dân gian chưa phải một thể loại sân khấu. Nghiên cứu trò diễn xướng dân gian nhằm khẳng định nguồn gốc, các nhân tố hình thành sân khấu Tuồng, Chèo. Dựa vào trò diễn Múa  xuân phả có mặt nạ, cùng những động tác nhảy múa mang một phần nhân tố Tuồng, (đây là dự đoán), hoặc các trò diễn Cầu ngư miền biển Hò bá trạo Quảng Ngãi… Những năm đầu thế kỷ, nhiều trò diễn xướng dân gian miền biển dựng lại trên vô tuyến cho thấy mang dáng vẻ hát Tuồng. Tuy nhiên phục chế lại, nhưng còn giữ nhiều lề thói cổ. Trò diễn mở đầu: Rước cá ông, cúng tế, thả cá về biển khơi. Hò chèo thuyền, một người xướng, các thuyền zô theo, đưa thuyền về nơi yên bình, cầu mong điều lành cho người đi biển.

 

Trò Múa xuân phả (Thanh Hóa), diễn vào dịp đầu năm mới. Trò nhiều người tham diễn, có tướng sĩ nhập vai diễn gần như trò Tuồng. Trò diễn bằng ngôn ngữ múa ước lệ, chuyển động đội hình hàng dọc, hàng ngang, tướng ra vung roi chạy lên, quân sĩ cúi chào, đánh võ lùi xuống, chèo thuyền theo trống lệnh... Lớp diễn như một trò sân khấu, hát đệm nhạc, gợi mở những cảnh diễn Tuồng sau này. Ngoài Bắc Bộ có lễ Cầu hồn tại Đông Anh, Lỗ Khê, Xã Liên Hà và nhiều nơi, phổ biến diễn trò trong đám ma. Trò diễn gồm ba phần, mở đầu, thỉnh cầu thần linh, vào trò cầu xin linh hồn siêu thoát, dâng lễ, dâng cơm, tiễn biệt đi đường, diễn điệu Hò đưa linh... Người hát, Người xô đưa hồn về cõi Tây Thiên, xen vào những điệu hát tâm sự buồn thương chia ly. Dọc đường đi ngàn vạn xa xôi, đánh đuổi qủy, đưa hồn đến cõi Tây Thiên, cầu xin mọi điều  tốt đẹp. Mỗi nơi hát diễn nhiều dị bản khác nhau, một số tiếng zô, xướng mang ngữ điệu gần với Chèo Tuồng. Có thể đoán định Tuồng bắt nguồn hình thành từ những trò diễn xướng dân gian Bắc - Trung Bộ, chứng minh qua nhiều tập tục tế lễ ra đời những trò diễn xướng dân gian, trải nhiều thế kỷ phát triển thành nghệ thuật Tuồng, Chèo. Dấu tích còn đó, những nhạc cụ trong dàn nhạc Bát âm, sau này đi vào dàn nhạc Tuồng như kèn bầu (kèn đám ma), nhị, trống lệnh, trống con, một vài điệu hát: Nói lối, Lâm khốc, Nói thơ, Nói dặm, Thán, Kể vè... Vì nguồn gốc dấu tích từ những trò diễn xướng dân gian gắn với tục thiêng, đến nay Tuồng còn công chúng doanh thu diễn điền dã:

-        Lễ hội làng, hội đình chùa.

-        Công chúng miền duyên hải.

-        Miền sơn cước.

Đây là đặc điểm Tuồng Bắc - Trung – Nam, có công chúng tiềm năng ở các vùng miền, đặc biệt miền Trung. Tại Bình Định có 14 - 16 đội Tuồng tư nhân, tồn tại bằng doanh thu ở khắp làng quê và thành phố.

 

Qua nghiên cứu có thể chứng minh Tuồng, hình thành từ những hình thức diễn xướng dân gian: Cầu hồn, Tiễn hồn, Cầu ngư, Hát sắc bùa, Múa xuân phả... Nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác, hình thành sân khấu Tuồng, còn dấu tích dàn nhạc Tuồng bê gần nguyên xi dàn nhạc đám ma cùng một số điệu hát, Nói lối lên sân khấu Tuồng. Nhưng chỉ là đoán định, chưa thể tìm ra nguồn gốc một trò diễn nào phát triển quá trình dài tiến lên nghệ thuật Tuồng. Đây là câu hỏi về nguồn gốc hình thành Tuồng còn bỏ ngỏ. Ai sẽ tìm ra câu trả lời như cải lương: Từ trò diễn Ca ra bộ mang dấu ấn một lớp diễn Cải lương như một kịch bản, có đối thoại, bài ca diễn từ năm 1914 đến 1918, ra đời sân khấu Cải lương. Kịch bản Cải lương còn giữ nguyễn phương pháp biên kịch từ một trò diễn Ca ra bộ. Tiếc rằng, Tuồng chưa thể đưa ra bằng chứng xác thực như Cải lương, vì sự vong bản tư liệu nghệ thuật ở phía Bắc.

 

Dù là đoán định chủ quan, có phần duy lý, nhưng qua những dẫn giải trên, tác giả kết luận: Nguồn gốc Tuồng hình thành từ một trò diễn xướng dân gian, dựa vào một hình thức nào đó, tiến lên sân khấu./.

 

Hà Nội: 4-2012.



[1]Trích trang 9 - Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam Trần Văn Khải - Nhà sách Khai Trí - Sài Gòn 1970.

 

 

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 6393
Ngày đăng: 28.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ Thuật Ảo Cảnh - Vũ Ngọc Anh
Ngôn Pháp - Vũ Ngọc Anh
Các Biểu Tượng Trong Nghệ Thuật - Đinh Hồng Hải
Việt Nam là gì? - Lê Hải*
Bàn về mỹ nghệ - Lê Hải*
Bàn về thứ hạng trong nghệ thuật - Lê Hải*
Đặc trưng xiếc - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Múa Trên Đà Hội Nhập - Tuấn Giang
Sân khấu âm nhạc Việt Nam có gì lạ? - Bùi Đức Hào
Nổi Chìm Sân Khấu 2010 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)