Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.209.963
 
Truyện thiếu nhi nhân Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1 - 6 Hai Bé Gái Chơi Bán Hàng Và Thằng Nhóc “Đầu Đinh”
Phạm Nga

 

 

1.

Sáng nay thứ bảy nghỉ học, cũng không phải đến lớp học thêm Anh văn nên nhỏ Thủy tự cho phép mình dậy trễ một chút. Trong nhà thật vắng lặng. Ba nhỏ đang lái xe cho mấy ông Hàn Quốc đi ra miền Trung chưa về. Mẹ nhỏ chắc đang đi chợ. Chỉ có bà ngoại là đang trông coi cái bàn bán cà phê, giải khát trước nhà.

 

Vừa đi vừa nhảy như chim sáo, nhỏ Thủy xuống nhà sau để đánh răng, rửa mặt. Làm vệ sinh cá nhân xong - cũng xong luôn hộp cơm tấm trên bàn bếp và hũ yaourt trong tủ lạnh, nhỏ xin phép bà ngoại qua nhà nhỏ Liên hàng xóm chơi bán hàng, như hai đứa đã móc ngoéo hẹn nhau từ hồi đầu tuần.

 

Trò chơi “bán hàng” hay “bán đồ hàng” của mấy bé gái thường rất giản dị là trải chiếu hay tấm thùng cạc-tông dưới đất, coi đó là sạp, tiệm, gian hàng, cửa hàng, siêu thị, siêu thị mini… gì gì cũng được. Nếu cần phải đăng ký ngành hàng kinh doanh thì căn cứ vào đủ thứ linh tinh được bày ra, chủ gian hàng bữa nay là nhỏ Thủy có thể khai là bán thực phẩm bánh kẹo, và tuy không khai luôn là có kinh doanh ăn uống nhưng trên sạp cũng có thêm một ít mặt hàng giải khát nữa.

 

Như đã nói, đủ món linh tinh đang được bày ra trên cái chiếu trải ra dưới gốc cây bàng trước nhà nhỏ Liên. Món thì lấy ra từ thùng đồ chơi trong nhà, món thì lượm được ở sau hè hay ngoài đường xứ. Bên cạnh bộ tách trà nhựa nhỏ xíu có chế nước phông-tên là mấy cái nắp chai nước ngọt được coi như những cái dĩa dung để đựng những viên sõi vốn được phân biệt một cách mơ hồ, nào là kẹo dừa, nào là kẹo xô-cô-la và cả kẹo trứng cút…. Không lầm vào đâu được cái món xi-rô dâu mà nhỏ Thủy rất thích đang được chứa trong một chai nhựa pet đầy nước, có màu đỏ thật tươi do mấy cây chân nhang nhả màu ra khi được cắm thẳng vào chai. Lá cây ngắt đại ở đâu đó thì được qui ước vừa là món bánh xu xê vừa là khăn lau tay.

 

Và không rõ có chức năng quan trọng gì tại gian hàng dưới đất này, hai ã búp bê được cho ngồi cạnh một cái võ chai có cắm hoa giấy ngắt ở hàng rào, có vẻ đây là phần trang trí cho đẹp cơ ngơi buôn bán.  Kể cả trong giấc ngủ mơ vào ban đêm cũng như giữa ban ngày, mấy thứ búp bê, bông hoa, gương lược…, lúc nào mà chẳng theo sát tụi bé gái – tức những quí cô yểu điệu nhì nhằng, rắc rối sau này.

 

Theo thị hiếu không cần nói ra của người tiêu dùng - ở đây đang duy nhất chỉ có cô khách hàng trung kiên là nhỏ Liên - thì những thứ không ăn được, uống được như kẹo sõi, bánh xu xê lá cây, nước xi-rô giải khát đỏ màu chân nhang…, không thể nào được ưa chuộng cho bằng món bánh snack tôm ăn được, cứ vừa dòn vừa thơm lừng khi đưa vô miệng. Cô khách đặc biệt hã dạ khi gặp bữa chủ gian hàng có bày ra cái món vắng bóng hôm nay là bánh snack bắp ngô, màu vàng tươm như bắp Mỹ, thơm ngon cực kỳ. Chỉ tưởng tượng những miếng snack ngô dòn tan trong miệng thôi là nhỏ Liên đã nhễu nước miếng… Nhưng người bán đã lên tiếng, tàn nhẫn dập tắt giấc mơ màu vàng “snack bắp” của khách mua: 

  “Sao cứ bánh tôm hoài vậy? Còn bánh xu xê nè, kẹo dừa nè, sao hổng mua? Bà chơi kiểu này thì tui hổng cho bà làm khách hàng nữa đâu nhe!”

 “ Thì tui cũng mua cái này cái kia vậy…”, nhỏ Liên thanh minh gượng gạo.

 “Sau khi bà ăn hết sạch bánh tôm. Phải hôn?”, nhỏ Thủy mỉa mai.

 

Lâu nay, khi chơi bán hàng, nhỏ Liên không hề phàn nàn gì về chuyện nhỏ Thủy thường xuyên phân cho mình vai khách mua hàng  - quá có lợi thì sao lại thắc mắc, than thở? Tuy nhiên, đã đến lúc phải cio chừng vì chủ sạp vừa mới lên tiếng chỉ trích về một vấn đề chưa từng bị đem ra đề cập trong trường kinh doanh trong nước cũng như ngoài nước, một vấn đề gần như thuộc về khía cạnh đạo đức của khách hàng, đó là cái lỗi cứ chăm bẵm mãi vào cái món bánh snack tôm. Thường thì hai bé gái cùng trang lứa này gọi nhau là “bạn” như kiểu xưng hô trong lớp học nhưng cũng vừa rồi, bực mình quá sức nên nhỏ Thủy mới dùng tiếng “bà” nghe rất hằn học, xa lạ.

Nói là làm liền, cô chủ sạp đứng dậy và ra lịnh đổi vai, đổi chỗ ngồi. Kế đó, để làm gương, nhỏ Thủy bỏ “tiền” ra mua luôn một lô bánh xu xê và kẹo trứng cút, tức những thứ hàng không ăn được, chẳng màng đến món bánh snack mà dù sao nhỏ Thủy cũng đã từng vòi mẹ mua cho ăn quá nhiều rồi.

 

2.

Chợt nhỏ Thủy nhớ tới một chuyện tiếu lâm rất vui do ba nhỏ kể, có liên quan hơi hơi đến trò chơi hiện giờ của nhỏ. Truyện kể có hai ông bợm rượu, đại khái tên là Giáp và Ất, muốn kiếm kha khá tiền mua rượu uống nhưng lại làm theo một cách rất mạo hiểm là cùng trút hết số tiền có trong túi, hùn nhau làm vốn đi buôn rượu. Hai ông hè nhau khiêng một bình rượu lớn, đi rao bán khắp xóm làng và chỉ mỗi Giáp là còn được duy nhất một quan tiền giắt túi. Đi mỏi cả chân cũng chẳng có khách nào gọi mua, hai ông bèn kiếm chỗ mát ngồi nghỉ. Đến cơn thèm rượu, Giáp đề nghị bạn mình đong ra vài xị rượu để cùng uống đỡ ghiền nhưng Ất đã nghiêm nghị từ chối, bảo đây là rượu buôn bán, đem ra uống khơi khơi thì lỗ vốn mất. Quá thèm, Giáp đành đóng vai khách hàng, móc ra quan tiền mua một cốc rượu từ tay Ất và do ghét cái thói “nghiêm túc” của bạn nên uống một mình ngon lành. Đến lượt Ất không chịu nỗi cái mùi men quá hấp dẫn, định dùng quan tiền mới thu được của Giáp mua rượu từ bạn mình thì đến lượt Giáp nghiêm trang lắc đầu, bảo rằng quan tiền đã là tiền quĩ chung mới thu được và giao cho Ất giữ, không phải là tiền riêng của Ất nên bạn miễn xài. Ất nài nĩ bạn, đề nghị cho mình khất nợ đối với quĩ chung và khi nào bán hết rượu, trả vốn và chia lãi thì sẽ trừ lại quan tiền này trong phần của Ất. Giáp đồng ý, lấy sổ ra ghi nợ cho bạn mình rồi rót rượu. Để trả đũa, Ất một mình uống sạch cốc rượu. Chẳng bao lâu, đến lượt Giáp ghi nợ một cốc. Rồi đến lượt Ất ghi nợ lần nữa… Cứ thế, luân phiên làm người bán/người mua, hai ông bợm đã ghi nợ cho nhau – thời này gọi là “bán nội bộ, cho trả chậm” - đến cạn sạch bình rượu. Hai bợm ta cùng say khướt, túi ai nấy vẫn rỗng không vì khi kết thúc vụ kinh doanh rượu tưởng như vô cùng nghiêm túc này thì rốt cuộc khi kết toán quỹ chung, vốn cùng lãi thu được cho “công ty” chỉ còn một quan tiền duy nhất.

 

Trở lại với sạp bán hàng kẹo bánh, đồ giải khát linh tinh của nhỏ Thủy hiện giờ thì dù cũng có màn chủ hàng/ và khách hàng đổi vai cho nhau, nhỏ Thủy vẫn yên tâm rằng việc kinh doanh của mình không đến nỗi bị đe dọa phá sản như kiểu đi bán rượu của hai ông bợm trong truyện, đó là nhờ mấy miếng bánh snack dù sao cũng ít bị “nội bộ” xâm hại hơn bình rượu của hai ông bợm kia.

 

Trong mối quan hệ chủ hàng/khách hàng ở đây, có hai điều kỳ lạ xảy ra hoàn toàn trái với tập quán thương mại xưa nay trên toàn thế giới. Một là về mặt hàng hấp dẫn nhất, bán chạy nhất thì trớ trêu chủ hàng lại không hề mời chào, khuyến khích khách mua. Hai là về các mặt hàng còn lại thì dù có được khuyến mãi hay tặng kèm quà thật hậu hĩ đi nữa, khách hàng cũng chỉ miễn cưỡng mua qua quít, chiếu lệ cho vui lòng người bán, chứ thật tình trên đời này, ai ưa được những món hàng mua rồi chỉ để nhìn mà không thể “tiêu thụ” được?

 

Cũng nên để ý một chút về chuyện ngân lượng, tiền bạc trong thương trường cá biệt này. Cô chủ Thủy chủ trương dùng những tờ vé số cũ – dĩ nhiên là đã được ai đó dò lâu rồi và cũng dĩ nhiên là đã không trúng lô nào. Tuy nhiên, cho phù hợp tầm cỡ cái sạp bán hàng linh tinh, đơn sơ và nghèo nàn, chỉ có vài thứ kẹo bánh bình dân chứ không có hàng cao cấp này, nhỏ Thủy ra qui định là dù vé số nào cũng in ra với giá 10,000 đồng rành rành, nhưng tại sàn tức cái chiếu bày đồ hàng này - hiển nhiên phân biệt với sàn giao dịch chứng khoán - vé số đài TP HCM thì trị giá 2000 đồng, còn vé của các đài khác  thì chỉ coi như 1000 đồng. Ví dụ như khi đưa ra một tờ vé đài TP HCM hay đưa tương đương là hai tờ vé đài Long An, nhỏ Liên khách hàng đều có thể mua được một số món hàng mà cô chủ đã dặn tới dặn lui không biết bao nhiêu lần là đồng giá 2000 đồng, như: một miếng bánh snach tôm hay bốn viên kẹo xô-cô-la “sõi nâu”, hoặc sáu viên kẹo dừa “sõi trắng”.v.v… Có điều là về vấn đề giá cả thị trường, đối với cô khách này thì dù có khi cũng chưa thuộc lắm về trị giá các mặt hàng dạng “không ăn được” như mấy loại kẹo, nhưng tuyệt nhiên bao giờ cô cũng thuộc nằm lòng giá các loại bánh snack tức dạng hàng “ăn được”.

 

Kể ra, dù qui định rạch ròi về trị giá trao đổi giữa tiền tệ và hàng hóa bất cứ ở dạng nào như trên, cô chủ sạp đã có ngầm chiếu cố cho khách hàng duy nhất của mình – một mẫu khách hàng đầy tiềm năng như cũng rất cần nâng đỡ do thực tế là nhân thân cô ấy còn nhiều khó khăn, ít tiền ít bạc, ít được ăn quà bánh… Rõ hơn, dù cô ấy không được đánh giá cao về tính siêng năng sưu tầm vé số cũ như một trò đầu cơ tiền tệ nhưng vẫn được hưởng chế độ “đặc biệt chiếu cố” khi mua hàng.

 

3.

“Ê bán cho một gói xì-nắc coi! Mấy ngàn hả? ”

Đang tạm ngưng mua bán để cùng nhau nhặt nhạnh rác rến thì hai cô nhỏ chợt nghe vang lên từ ngoài đường cái giọng khó ưa như thế, nhất định là phát ra từ loại khách hàng không thân thiện.

 

Không cần quay mặt nhìn ra đường, hai cô nhỏ cũng biết ngay ‘tác giả’ cái giọng trỏng trơ, khó nghe ấy không ai khác ngoài một tên con trai có mái tóc ngắn ngủn, lởm chởm, y như trái chôm chôm khô quắt khô queo do thiếu nước tưới trong mùa nắng hạn.

 

Thì lâu nay, mấy nhỏ đâu lạ gì cái mặt của cái tên nhóc này, vốn ở xóm trên và học cùng trường nhưng khác lớp. Từ hồi nào không biết, cậu ấy – ba nhỏ Thủy có dạy là khi nói, gọi ở ngôi thứ ba, phải gọi là cậu ấy hay cậu đó, đừng gọi là cẩu, như gọi ổng, bả, ảnh, chỉ… thì nghe kỳ lắm, vì cẩu là từ gốc tiếng Hoa đọc theo âm tiếng Việt mình, dùng để chỉ…con chó  - được tụi con gái tặng cho một tên gọi riêng rất gây ấn tượng là thằng “đầu đinh”. Nếu cái gọi là bộ tóc dài chỉ nửa phân đều tắp của cậu ấy mà được nhuộm vàng, nhuộm nâu nữa thì có thể nói thằng nhóc “đẩu đinh” là một phiên bản thu nhỏ một cách thảm hại từ những diễn viên Hàn Quốc chuyên đóng vai những gã thanh niên hay những cậu tuổi teen nông nổi, ồn ào, quậy phá trong “rừng” phim của xứ này được phát tối ngày trên ti-vi.

 

“Bán cái gì hả? Lần trước tụi này đã nói rõ ràng là không thích bán bất cứ thứ gì cho bạn rồi mà!”

Nhỏ Thủy trả lời rất lớn giọng, cứ như e rằng đứa nào bày đặt để tóc “đầu đinh” thì thường bị lãng tai.

Thằng “đầu đinh” đang ngồi chông chênh trên chiếc xe đạp leo núi bánh gai đậu nghênh ngang gần ngay giữa mặt đường. Nhóc “đầu đinh” cũng không bận cái áo nào khác ngoài cái sơ-mi sọc ca-rô đỏ đen trông rất chướng mắt và đang chăm chú nhìn vào sạp hàng của nhỏ Thủy. Nhưng thằng nhóc lặng thinh, chừng như lúng túng, không biết nói sao trước lời từ chối thẳng tưng, lạnh lùng của cô “chủ gian hàng”.

 

Thình lình nhỏ Liên lại bật ra một câu hỏi với thằng “đầu đinh”, cái câu mà sau này bị nhỏ Thủy trách là “vô duyên hết chỗ nói” vì vô tình lại giải vây cho cái thằng khó ưa:

“Mà bạn làm gì có tiền để mua xì-nắc?”.

 

Tất nhiên là nhỏ Liên muốn nói đến loại tiền vé-số-xổ-rồi-không-trúng lưu hành tại thị trường đặc biệt này, chứ không phải nghi ngờ rằng một cậu ấm con nhà giàu, ngụ trong một căn phố mới cất tới ba tầng lầu ở xóm trên là không có xu nào giắt túi.

 

Mắt sáng lên, thằng  nhóc “đầu đinh” lập tức móc trong túi ra mấy tờ tiền giấy 5000 đồng, 10,000 đồng lẫn lộn và hí hửng nói:

“Bạn khùng chắc, tui mà hổng có tiền? Muốn bao nhiêu cứ nói. Mà mấy bạn bán bao nhiêu tiền một bịch xì-nắc hả? Hay là…, ở tiệm tạp hóa bà Tư thì ba ngàn rưởi, giờ tui hổng có tiền lẻ thì gởi các bạn năm ngàn luôn, lấy một bịch, khỏi thối lại, được hôn?”

 

Đúng ra là nhỏ Thủy muốn trừng trị ngay lập tức cái con bạn ngớ ngẩn, hậu đậu lời ăn tiếng nói đang ngồi bên cạnh nhưng “giải quyết hồ sơ” thằng “đầu đinh” đang chãnh chọe đứng kia cho xong đã:

“Cũng không bán là không bán ! Đừng có tưởng là đưa ra nhiều tiền, dư tiền là tui bán cho đâu nha. Mà tụi này đâu có xài tiền đó, biết không hả? Mời đi chơi chỗ khác đi, đừng quấy rầy chỗ buôn bán của người ta!”

 

Có thể nói chưa bao giờ một cậu trai tóc tai “sành điệu” thế kia, còn là đại diện thật trẻ trung cho giới nhà giàu thời đại, lại bị tụi con gái nhà nghèo – nghèo mới buôn gánh bán bưng lê lết ở lề đường - khi dễ đến như vậy. Dựa trên cơ sở nào mà tụi nghèo mà chãnh này dám vừa chê tiền vừa lớn tiếng đuổi nhà giàu đi khỏi chỗ buôn bán gì đó của tụi nó? Tự ái dồn dập là chắc rồi, thằng “đầu đinh” còn hoang mang, không hiểu nỗi lý do tại sao nhỏ Thủy lại nói không xài tiền do cậu ta đưa ra.

 

Nói đúng ra, xưa nay dù cho có ngẫu nhiên vào một sáng thứ bảy nghỉ học mà bị rơi vào tình cảnh không có bạn chơi hay trước đó đã chơi chán mọi trò ồn ào, mạnh bạo theo kiểu con trai,  thì thằng “đầu đinh” cũng không đến nổi gì mà phải mò xuống xóm dưới, tìm cách tiếp cận với cái trò “bán đồ hàng” tủn mủn, vớ vẩn của tụi con gái. Và theo kiểu dân xóm trên với xóm dưới chỉ biết mặt, biết nhà nhau mà thôi – còn chưa biết rõ tên nhau nữa kìa, cậu con trai dù có nảy ra ý muốn chính thức làm quen đi nữa thì chắc cũng không xin vào chơi chung với hai đứa gái kia. Chẳng qua là vài lần trước đây, khi một mình đạp xe dạo chơi quanh quẩn trong khu phố, quá rãnh rỗi nên thằng nhóc  “đầu đinh” đã chợt để ý đến chỗ hai đứa con gái trải chiếu ngồi chơi trên vĩa hè. Cái cảnh tụi con gái giả bộ buôn bán qua lại mấy thứ vừa ăn được, vừa ăn không được cũng ngộ ngộ nên cậu ta muốn, bằng một cách nào đó, đến gần hơn nữa cái gian hàng độc đáo của nhỏ Thủy. Từ ý đồ đơn giản ấy, bữa nay thằng “đầu đinh” đã quan sát từ xa và ghi nhận được là tại gian hàng chỉ có món snack tôm là quen thuộc để có thể hỏi mua chơi - một cái cớ rất bình thường mà cậu nghĩ là phù hợp hoàn cảnh để mở lời, chứ xì-nắc xì-niếc gì thì cậu cũng đã ăn chán chê rồi. Còn lại thì dù có thấy rõ ràng cả xấp vé số xếp chồng trên mặt chiếu kia, thằng “đầu đinh” cũng chẳng thể nào nắm được đó mới là loại “tiền” được chấp nhận tại chỗ buôn bán đặc biệt này, đồng thời những tờ tiền giấy thứ thiệt 100%  trong túi cậu lại là vô giá trị.

 

4.

Bị từ chối, người khách hàng khó ưa - nói theo tụi con gái - đành làm thinh, tiu nghỉu đạp xe đi. Nhỏ Liên nhìn theo giây lát thì bỗng nhăn mặt, ôm bụng đứng dậy: 

“Hổng biết sao bụng tui đau quá! Bạn ngồi đây bán một mình nhe, tui đi… một chút.”

 

Nhìn theo bạn mình đang chạy thiệt lẹ xuống nhà sau, nhỏ Thủy định thần nhớ lại…  Nảy giờ con nhỏ này chỉ ăn toàn là snack, đâu ăn món gì không-ăn-được, cũng đâu có uống nước xi-rô dâu chưn nhang?Vậy mà đau bụng, thiệt rộn chuyện! Cô nhỏ chỉ bực mình về bạn mình chút vậy thôi chứ khi nhỏ Liên trở lại chiếu bán hàng, cái mặt vẫn còn “đau khổ” vì bụng vẫn đau ngâm ngâm thì nhỏ Thủy cảm thấy rất thương bạn, bèn đề nghị “Để tui chữa cho!”.

 

Rồi mặc kệ sự ngạc nhiên của bạn, nhỏ Thủy làm đại theo một lời chỉ dẫn của mẹ nhỏ. Nguyên trước đây, mẹ nhỏ có đi học một khóa châm cứu, diện châm gì đó và người ta đã dạy là muốn trị chứng đau bụng thông thường thì rất dễ: cứ dùng ngón tay trỏ vuốt ngang môi trên vài lần qua lại. Kết quả hiện giờ là cô ‘bệnh nhân’ dần dần hết đau bụng thấy rõ, vượt cả sự mong đợi của cô ‘thẩy thuốc nghiệp dư’. Kỳ diệu hơn nữa là nhỏ Thủy vừa lần đầu tiên chính thức trổ tài chữa bệnh cho người khác. Trước đây, nhỏ nghe theo mẹ mà thử trị cho chính mình trong vài lần bị đau bụng thì kết quả chỉ “bữa đực bữa cái” thôi.

 

Đối với đa số phụ nữ, không loại trừ bé gái, hể có gì thắc mắc thì hỏi ngay chứ không thể nào chịu nhịn lại mà để dành qua lúc nào khác mới đặt câu hỏi. Và tất nhiên, quí bà quí cô thường cứ tuôn ra liên tiếp nhiều câu hỏi chứ không hề bằng lòng với một câu hỏi duy nhất. Đặt câu hỏi liên tục, vô tội vạ, nghe chuyện nọ thì hỏi “xọ” qua chuyện khác không thôi vẫn vốn là điều không tránh khỏi trong khuôn khổ vô hạn của cái tật “tám” chuyện kéo dài qua ngày tháng của vô số các bà, các cô “ăn ở không” hay khi rỗi việc, hoặc khi họp riêng tư vài ba chị em. Rồi với các bé gái – điển hình như nhỏ Liên lúc này - mà cái tật hay thắc mắc, hỏi han đủ thứ ở tuổi lên ba vẫn giữ gần như nguyên vẹn tần số và cường độ ở tuổi lên tám, thì:

“Ngộ thiệt ta, cứ vuốt vuốt qua lại chỗ này thì hết đau bụng, thiệt vậy sao hả?”

 

Và “ Bạn hay thiệt, làm sao bạn biết làm vậy hả?”

Rồi “Hay thiệt, mà bạn học chữa đau bụng ở đâu vậy hả? Ai dạy vậy hả?”…

 

Tội nghiệp cho nhỏ Thủy, người đang được bạn hết sức khâm phục và ái mộ nhưng hiện không hề rảnh rồi, thoải mái để “hỉnh mũi” tự hào vì đang bị biến thành người bị hỏi, tức bị tra tấn bởi hàng loạt câu cứ kết thúc theo kiểu “vậy hả?”, y như kiểu lồng tiếng trong các phim bộ Hồng Kông. Nhỏ Thủy chỉ trả lời qua loa, thật ngắn gọn trước chuỗi câu hỏi đầy thán phục và cảm mến của bạn, với hy vọng là nhỏ Liên không bám ngay vào mỗi câu trả lời mà hỏi nữa, hỏi hoài…

 

Dù sao thì ở chỗ buôn bán này, cái vai ‘thẩy thuốc’ có hay cách mấy đi nữa thì cũng phải sớm trả lại đất diễn cho vai ‘người bán hàng’. Vừa dọn dẹp hàng họ cho nhanh vì đã trưa rồi, nhỏ Thủy nghĩ thầm trong bụng – không thề nói ra vì nhất định sẽ bị hỏi này nọ nữa - rằng cũng may ‘chủ gian hàng’ là mình đây đã ra tay chữa đại nhưng con Liên ‘khách hàng’ cũng hết đau bụng. Chứ nếu bữa nay nó không hết bệnh, mai mốt có ai biết rồi đi méc thì không chừng gian hàng của mình sẽ bị công an dẹp vì bán đồ ăn tầm bậy tầm bạ, làm người ta mua ăn là đau bụng, ỉa chảy!./.

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 1834
Ngày đăng: 01.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mép Nước - Chế Diễm Trâm
Bức tường và đứa bé - Trần Hạ Tháp
Ngôi Nhà Trên Sườn Núi - Nguyễn Trung Dũng
Ciao Café - Nguyễn Đạt
Trên Đường Phố Về Đêm - Nguyễn Trung Dũng
Mộng Và Thực - Phan Ngọc Danh
Cánh Đồng Hoa Cúc Trắng - Nguyễn Trung Dũng
Ngày Nào Cũng Đổ Xuống - Phạm Thị Xoàn
Tàu Khuya - Nguyễn Lệ Uyên
Bụi Hồng Gai Và Con Chim Cánh Đỏ - Nguyễn Trung Dũng