Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.007
123.201.456
 
Giặc khách: Hoàng Sùng Anh
Hồ Bạch Thảo

 

Theo Thanh Sử Cảo (1), Hoàng Sùng Anh thuộc đảng Thiên Ðịa Hội của cha con Ngô Lăng Vân, Ngô Côn và cũng là anh em con cô con cậu với Ngô Côn. Hoàng Sùng Anh có mặt tại Việt Nam trước cả Ngô Côn; vào tháng 8 năm Tự Ðức thứ 15 [1862], y cùng bọn thổ phỉ Tuyên Quang là Nông Hùng Thạc và giặc tên Huân bao vây rồi chiếm tỉnh thành Tuyên Quang, quan quân trong thành hơn 500 người phải lẻn mở cửa sau bỏ chạy.(2)

 

Sau đó Hoàng Sùng Anh trở về Trung Quốc, cùng Ngô Côn chiếm cứ châu Qui Thuận, sát biên giới tỉnh Cao Bằng; nhưng rồi bị quân Thanh đánh bại, thua chạy sang Việt Nam:

 

Ngày 15 Tân Dậu tháng 6 năm Ðồng trị thứ 7 [3/8/1868]

……Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài (3) cùng dâng tấu triệp về việc quan quân phủ Thái Bình truy đánh giặc phỉ, thu được chiến thắng.

 

“ Châu Qui Thuận vị trí tại nơi biên giới xa của tỉnh Quảng Tây, nghịch phỉ Ngô Á Chung trốn đến đó, sau đồ đảng của y là Hoàng Sùng Anh cậy hiểm kháng cự; qua Ðạo viên Ðàm Viễn Tiến điều phái các quân Trương Hữu Ðiền, Mã Chính Long liên tiếp đánh dẹp, bọn nghịch bị diệt. Bọn Mã Chính Long phân đánh châu thành, phá các doanh lũy ngoài thành, cùng thu phục châu thành. Bọn phỉ chạy trốn bị quan quân giết, duy số phỉ còn lại tại thành đổ nát đều rút về sào huyệt cũ tại núi Tam Thai.….. ( Mục Tông Thực Lục quyển 235, trang 32-34)

 

Tháng 12 năm Tự Ðức 21 [1868] Hoàng Sùng Anh xin ra thú tại Tuyên Quang, nhưng quan quân thứ tỉnh Sơn Hưng Tuyên không cho ; định điều quân lên dẹp giặc Chu Tường Lân trước, rồi sau đó tập trung quân đánh dẹp Sùng Anh. (4)

 

Tháng giêng năm Tự Ðức thứ 22 [1869] Hoàng Sùng Anh lại xin đầu thú và đòi giữ vùng mỏ Tụ Long. Triều đình không muốn cho, vì nơi này có nhiều mối lợi; nhưng lúc bấy giờ giặc Ngô Côn còn đóng tại Lạng Sơn, Chu Tường Lân đóng tại Thái Nguyên vv…, nên đành phải tạm chấp nhận để tìm cớ ràng buộc.(5)

 

Ðược voi đòi tiên, vào tháng 5,  Hoàng Sùng Anh lại xua quân đến Bảo Thắng [Lao Kai] nói là xin khai mỏ. Tại đây gây hiềm khích, đánh nhau với quân Lưu Vĩnh Phúc, rồi định chiếm Hà Dương [Hà Giang]. Quan Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Bá Nghi điều 500 quân thuộc huyện Sơn Dương [Sơn Tây] cùng quân tại Tuyên Quang và quân Lưu Vĩnh Phúc phối hợp đánh. (6)

Vào cuối tháng 5, tàn quân của Hoàng Sùng Anh từ Cao Bằng chạy trở về Bảo Thắng, bị quân Lưu Vĩnh Phúc đánh thua, mang bè lũ hơn 200 tên xuống thuyền trốn chạy; quân truy kích chỉ bắt được thuyền bè,khí giới bỏ lại.(7)

 

Vào tháng 11, Hoàng Sùng Anh đóng tại Hà Dương thông đồng với giặc Mèo; bị quân của quan Tán tương Mai Quý liên kết với quân Thanh đánh dẹp. (8)

 

Tháng 5 năm Tự Ðức thứ 23 [1870] Hoàng Sùng Anh chia quân đóng 6 đồn tại núi Bà Sơn, mạch núi này từ Lạng Sơn  đến Tuyên Quang, thông đến An Biên (9), Hà Dương [Hà Giang]. Núi cao lại hiểm trở, bọn giặc dựa vào chỗ hiểm nấp bắn, không ra. Phó tướng quân Thanh, Lưu Ngọc Thành, cùng Tán tương Mai Quí cho đem nhiều củi phóng lửa đốt, phá luôn 5 thành, chém được rất nhiều. (10)

 

Về phía quân Thanh, Tuần phủ Quảng Tây Tôn Phượng Văn, và Ðề đốc Phùng Tử Tài tâu lên vua Ðồng Trị về hoạt động của quân Thanh như sau:

 

Ngày 11 Bính Ngọ tháng 6 năm Ðồng Trị thứ 9 [9/7/1870]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

 

“ Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài dâng tấu triệp rằng quan quân đánh dẹp bọn giặc phỉ, mấy lần phá ải hiểm trở, hiện trù hoạch tiến ép.

 

Bọn giặc làm phản Lương Thiêm Tích trốn vào vùng An Biên, Việt Nam; cấu kết với bọn phỉ đóng tại Hà Dương là Hoàng Sùng Anh 黄崇英, đang lợi dụng thế hiểm để kháng cự. Qua Phùng Tử Tài lệnh Phó tướng Lưu Ngọc Thành chia đường tấn công phá được các ải hiểm như Na Bồng Ấu, Trung Mang; hiện có ý định bức bách các đồn Yên Biên và Hà Dương; lại phi báo cho Ðốc phủ Vân Nam mang quân chẹn tại biên giới…. (Mục Tông thực Lục quyển 284, trang 13-14)

 

Trước áp lực của quân Thanh, bọn Hoàng Sùng Anh chạy trốn về Trung Quốc , riêng đạo quân của Phùng Tử Tài cũng ban sư về nước; vua Tự Ðức đích thân làm 3 bài thơ khắc vào quạt tặng Phùng Tử Tài, cùng ban cho các tướng dưới quyền vàng bạc và nhiều quà tặng quí.(11)  

Tháng 2 năm Tự Ðức 24 [1971] Hoàng Sùng Anh trở lại Việt Nam, giao tranh với Lưu Vĩnh Phúc bi thương, bọn Vĩnh Phúc đánh đuổi đến phủ Yên Bình, phía nam tỉnh Tuyên Quang. (12)

Tháng 4, bọn Hoàng Sùng Anh đến tỉnh thành Tuyên Quang xin hàng, vua phán tạm chấp nhận theo chúng mà làm cho ỗn thỏa. Nhưng bọn này tuy hàng, mà bè lũ vẫn ra vào cướp bóc tại các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa; quan quân thứ, quan tỉnh không thể cấm được.(13)

Tháng giêng năm Tự Ðức 25 [1872] quân Hoàng Sùng Anh quấy nhiễu bừa bãi tại vùng Tuyên Quang, khiến các quan tỉnh này và quân thứ đều bị giáng cấp. (14)

 

Tháng 4 năm Tự Ðức 26 [1873] Hoàng Sùng Anh ra thú, xin cấp tiền gạo; quan tỉnh Tuyên Quang dâng sớ xin quyên góp dân chúng để cung cấp (15).

 

Tháng 5, Hoàng Sùng Anh lại quấy nhiễu vùng Trấn Hà, thuộc tỉnh Hưng Hóa, Tổng thống Tam tuyên Hoàng Tá Viêm cùng Tham tán Tôn Thất Thuyết, phái Lãnh binh Ngô Tất Ninh phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc tiến đánh, Tất Ninh thắng trận (16)

 

Tháng 6, thuyển của Ðồ Phổ Nghĩa [Jean Dupuis] đi đến thượng du tỉnh Hưng Hóa, ngầm thông với giặc Hoàng Sùng Anh . Tổng đốc Nguyễn Tri Phương mật sức cho vùng thượng du, hạ du sông Hồng canh phòng nghiêm nhặt (17)

 

Việc Hoàng Sùng Anh cấu kết với Ðồ Phổ Nghĩa khiến triều đình 2 nước Việt, Thanh đặc biệt lưu ý. Phía Việt Nam viện Cơ mật tâu xin bắt 2 Hoa thương tại Hà Nội là Bành Lợi Ký, Quan Tá Ðình đã giúp Ðồ Phổ Nghĩa chở muối giao cho Hoàng Sùng Anh, để cho bọn khác sợ hãi không dám a dua theo. Nhưng vua Tự Ðức sợ sinh rắc rối nhiều việc, nên chỉ cho phép thu xếp ỗn thỏa, tìm cách khiến cho chúng biết sợ, để không làm nữa. (18)

Riêng Tổng đốc Vân Nam Sầm Dục Anh dâng tờ tâu về việc thành Hà Nội bị Pháp đánh phá và việc quân Hoàng Sùng Anh tiếp tục quấy phá tại các tỉnh Thái Nguyên, Sơn Tây của Việt Nam:

 

Ngày 23 Bính Thân tháng 2 năm Ðồng Trị thứ 13 [9/4/1874]

 

Lại dụ [ các Quân cơ đại thần]:

 

“ Sầm Dục Anh dâng tấu triệp về việc do thám tin khẩn liên quan đến quân vụ tại Việt Nam cùng trù tính biên phòng tại tỉnh Vân Nam.

 

Tỉnh thành Hà Nội tại Việt Nam bị nước Pháp mang quân công phá,  bọn phỉ Hoàng Sùng Anh lại thừa cơ đánh phá các tỉnh Thái Nguyên, Sơn Tây, thế lực có phần mạnh bạo…..( Mục Tông Thực Lục quyển 363, trang 15-16)

 

Tháng 3 [1874], quân thứ của Tổng thống Hoàng Tá Viêm đánh thắng quân Hoàng Sùng Anh tại An Lâm, huyện Lập Thạch [ nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc]. (19)

 Hai tháng sau [tháng 5] quân Hoàng Tá Viêm lấy lại được phủ Ðoan Hùng [nay thuộc tỉnh Phú Thọ](20)

 

Về phía nhà Thanh lúc này,  cũng chỉ đóng quân nơi biên giới quan sát tình hình bọn Hoàng Sùng Anh, chứ chưa thực sự mang quân sang tham chiến:

 

Ngày 9 Kỷ Dậu tháng 7 năm Ðồng Trị thứ 13 [14/6/1874]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

 

“ …Hiện tại giặc phỉ Hoàng Sùng Anh mấy lần bị quân Lưu Vĩnh Phúc đánh thua, lại bị binh dõng phủ Khai Hóa ngăn chặn, tự nên tăng cường biên cương có thể thừa cơ hội lớn. Lưu Trường Hữu đã ra lệnh cho Từ Diên Húc, Triệu Ốc quan sát thế giặc tại Việt Nam để trù biện đánh dẹp và chiêu phủ. Viên Tuần phủ nên tùy theo cơ nghi, chỉ đạo mật, để công việc tiến hành thêm bổ ích….. ( Mục Tông Thực Lục quyển 368, trang 11-12)

 

Vào tháng 8, Hoàng Sùng Anh chiếm giữ Trấn Hà, tỉnh Hưng Hóa. Lưu Vĩnh Phúc mang quân đánh lấy, nên được vua Tự Ðức thăng chức Lãnh binh (21).

 

Sau đó một cánh quân của Hoàng Sùng Anh chạy trốn vào vùng giáp giới huyện Mông Tự, Vân Nam; bị Tổng đốc Sầm Dục Anh phái quân đánh lui:

 

Ngày 18 Bính Thìn tháng tháng giêng năm Quang Tự thứ nhất [23/2/1875]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

 

“ Sầm Dục Anh tâu đã diệt trừ bọn phỉ từ Việt Nam trốn đến. Ðồ đảng giặc phỉ Hoàng Sùng Anh hơn 1000 tên, trốn vào vùng giáp giới huyện Mông Tự, phủ Khai Hoá, tỉnh Vân Nam, chiếm cứ các trại Tân Hiện, Qua Cô, núi Ðại Hắc. Sầm Dục Anh truyền lệnh bọn Tổng binh Hà Tú Lâm đốc suất quân binh và đoàn luyện chia đường đánh dẹp, chiếm cứ các trại và diệt trừ đảng phỉ……(Ðức Tông Thực Lục quyển 3, trang 10-11)

 

Vào tháng 3 năm Tự Ðức 28 [1875] liên quân Việt Trung mở cuộc hành quân lớn, xuất phát từ 3 hướng để đánh dẹp Hoàng Sùng Anh tại vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa. Quân Thanh từ phía bắc đánh xuống, quân Lưu Vĩnh Phúc từ phía dưới đánh lên; riêng quân thứ Sơn Tây dùng thuyền ngược dòng sông cùng đánh (22)

Trước thế lực của liên quân, Hoàng Sùng Anh bèn cho người đến Hà Nội  xin Pháp viện trợ; người Pháp tuy hứa nhưng sau đó đình chỉ. Nhà Thanh nhận thấy Hà Giang là địa điểm chiến lược, giao thông thủy bộ đều thuận tiện, nên lệnh tăng cường thêm quân, ngăn chặn bọn Hoàng Sùng Anh vượt biên giới:

 

Ngày 11 Ðinh Mùi tháng 5 năm Quang Tự thứ nhất [14/6/1875]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Lưu Trường Hữu tâu những lời về việc ngăn phòng giặc phỉ tại Việt Nam và trù biện tình hình hiện tại.

 

Giặc phỉ Hoàng Sùng Anh tại Việt Nam, nghe tin quân Lưỡng Quảng đến đánh, phái người đến Hà Nội xin viện trợ; người Pháp trước đó hứa phát binh, sau lại đình chỉ. Lòng họ khó mà lường được, cần nghiêm mật đề phòng; mệnh Lưu Trường Hữu ra lệnh các thống lĩnh tùy lúc tra thám, cẩn mật đề phòng, không thể coi thường; thời cơ nên phòng thủ, hay đánh, viên Tuần phủ cần ước tính tình hình , trù tính ỗn thỏa.

 

Hà Dương [Hà Giang] là sào huyệt cũ của Hoàng Sùng Anh, đường thủy và đường bộ có thể đến tỉnh Vân Nam, vùng Phổ Cao cũng gần biên giới tỉnh này; hiện tại quân Quảng Tây tiến công Hà Dương cùng đánh dẹp giặc phỉ tại Phổ Cao. Bọn nghịch bị đánh đến cùng, khó chắc rằng không thừa chỗ sơ hở đột nhập; nay lệnh Lưu Nhạc Chiêu, Sầm Dục Anh phái nhiều quân lính gia tăng ngăn phòng tại các ải quan trọng, không để cho bọn phỉ trốn vào…..(Ðức Tông Thực Lục, quyển 9 trang 8).

 

Vào tháng 8, Thống đốc Hoàng Tá Viêm tâu về triều rằng quan quân ở quân thứ Tuyên Quang bắt sống được Hoàng Sùng Anh ; ‘rồi hội đồng xử lăng trì bêu đầu truyền cho Bắc Kỳ, đóng hòm đưa sang nước Thanh. Khi ấy, Tá Viêm đã đem đầu sỏ Hoàng Anh đóng hòm đưa đi dâng tù, vua không cho, sai lần lượt tư cho nơi sắp đến, chuyển giao đầu giặc theo Chỉ trước mà làm ‘ (23). Sự việc cánh quân Việt Nam bắt được Hoàng Sùng Anh được mô tả khá rõ ràng ở trên, nhưng qua văn bản trích dẫn dưới đây, Thanh Thực Lục lại có ý dành công cho quân Thanh:

 

Ngày 30 Quí Hợi tháng 9 năm Quang Tự thứ nhất [28/10/1875]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Lưu Trường Hữu dâng tấu triệp về việc quan quân tiễu trừ giặc phỉ tại Việt Nam, dọc đường khắc phục các phủ, châu, huyện, bắt giết đầu sỏ giặc.

 

Lần này Lưu Trường Hữu đích thân đến Nam Ninh, tùy thời cơ để chỉ huy điều động; đốc suất 2 đạo quân tả, hữu ra khỏi quan ải, để đánh dẹp giặc phỉ tại Việt Nam; lần lượt khắc phục các phủ, châu, huyện thuộc nước này; bắt sống Hoàng Sùng Anh, Chu Kiến Tân cùng các giặc phỉ trọng yếu, đem xử tử. Liệu biện rất được việc….(Ðức Tông Thực Lục quyển 18, trang 13-14)

 

                       

Chú thích:

 

1.Thanh Sử Cảo: Liệt truyện, quyển 314, Việt Nam. `

2. Ðại Nam Thực Lục, Bản dịch của Viện Sử Học, Hà Nội: NXB Giáo Dục,năm 2007, tập 7, trang 785.

3. Tô Phượng Văn giữ chức Tổng đốc Quảng Tây, Phùng Tử Tài giữ chức Ðề đốc tại Quảng Tây.

4. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1151.

5. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1168.

6. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1184.

7. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1189.

8. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang1212.

9.Ðồn An Biên: tại xã Linh Hồ, cách huyện Vị Xuyên [tỉnh Tuyên Quang] 50 dặm về phía tây Bắc, nguyên là bảo Ninh Biện. Năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] Nông Văn Vân nỗi dậy, Bố chánh Tuyên Quang Phạm Phổ tử trận tại đây , năm Minh Mệnh thứ 15 đổi tên hiện nay.

10. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1228

11. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1230.

12. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1266.

13. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1276.

14. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1319.

15. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1386.

16. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1389.

17. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1397.

18. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1405.

 19.Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 33.

20. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 36.

21. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 67.

22. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 107.

23. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 135.

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 2782
Ngày đăng: 03.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử là gì? - Kim Oanh
Nhà truyền giáo dòng Augustinô ở Quảng nam vào khoảng năm 1595-1605 - Trần Văn Mầu
Giặc khách: Ngô Côn - Hồ Bạch Thảo
Nguyễn Hữu Bài (1863 - 1935) - 1 - Nguyên Hương N.C
Nguyễn Hữu Bài (1863 - 1935) - 2 - Nguyên Hương N.C
Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ : Phải chăng cần viết lại lịch sử ? - 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Ai đã thành lập Giáo Hội Việt Nam? - Nguyễn Đăng Trúc
Phải chăng cần viết lại lịch sử ? - 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Ngài Tả Dinh Đô Thống Chế Lê Văn Phong Đã Về Với Cháu Con - Diệp Hồng Phương
Nhà Mạc diệt vong - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)