Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.220.056
 
Cõi người
Sâm Thương

 

Thu Hà tấp xe vào bên lề phải  phía đối diện với trường của Trân, con trai nàng rồi ngừng hẳn lại. Nàng tắt máy, đóng cửa , rời khỏi  xe. Nàng băng qua đường,  đến dưới gốc cây phượng,  bên trái   cổng trường  nơi mà  nàng vẫn thường đứng, mỗi khi đón Trân. Ở vị trí này nàng dễ dàng nhận ra Trân khi con  trai nàng xuất hiện  , và Trân cũng dễ nhận  ra  mẹ nó.  


 

Nàng  đưa tay lên nhìn đồng hồ, không sốt ruột, nhưng nàng vẫn có thói quen  xem đồng hồ: 15:53giờ. Nàng biết  chỉ mấy phút nữa chuông  sẽ reo bãi trường. Trân  sẽ cùng với chúng bạn  ùa ra như một bầy ong vỡ tổ.  Nàng thích nhìn cảnh tan trường mỗi buổi chiều ở trường Trân học  Mỗi khi nhìn thấy khuôn mặt con xuất hiện giữa đám đông đó, nhất là khi  từ trong trường  Trân  lủng lẳng chiếc cặp  ngước mắt về phía nàng  tìm kiếm. Nhìn thấy nàng , Trân mở tròn mắt niềm vui như vỡ òa, mĩm cười , rồi chạy nhanh  về phía nàng..Nàng chỉ biết mở vòng tay để đón Trân vào  lòng . Đối với nàng,  giây phút đó thật thiêng liêng và cũng thật hạnh phúc vô cùng.  Nàng tưởng  chừng như quên đi tất cả, không còn nhớ tới,  không còn một chút hờn trách gì đối với Văn,  về  những đắng cay, khổ nhục  mà nàng phải chịu đựng khi  Văn lìa bỏ nàng với cái bào thai 6 tháng để đi theo người phụ nữ khác. Nàng đã  khóc hết nước mắt khi bị  chồng phụ bạc, bỏ nàng  lại không một một lời giải bày, không một chút hối tiếc. Bây giờ, trong trái tim của nàng hầu như  đã  nguội lạnh,  nàng  không còn một chút vấn vương  những kỷ niệm  về  Văn, hay hình bóng Văn. Hình như nước mắt nàng đã  khóc  trong suốt thời gian  đau khổ, sống chết và tuyệt vọng đối với Văn đã  rữa sạch tất cả không còn  dấu vết. Bây giờ, tất cả tình yêu , tương lai,  hạnh phúc và  luôn  chính cuộc đời  nàng là Trân, và  nàng  không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài việc nàng có Trân trong cuộc đời. Cũng có nhiều người đàn ông đeo đuổi, tán tỉnh nàng, bởi  nàng vẫn còn đẹp, rất đẹp nữa là khác, và nàng cũng ý thức được điều đó. Nhưng chỉ một thời gian, những người đàn ông đó đã lẳng lặng bỏ đi, vì họ đến với nàng mà tưởng như  chạm phải bức tường đá, nàng không hề có chút xúc động trước những săn đón nuông chiều mà họ dành cho nàng. Đơn giản là nàng không còn biết rung động trước tình yêu trai gái, tất cả nàng dồn hết cho Trân. Và nàng coi đó là niềm hạnh phúc duy nhất mà nàng sở hữu và không gì thay thế được.


Một hồi  chuông  vang lên, tiếng reo  của đám trẻ ngập tràn không gian.  Thu Hà giật mình choàng tỉnh, nàng mở mắt: với nụ cười rộng mở, Trân hiện ra từ trong đám trẻ chạy về phía nàng. Lớp của Trân gần phía cổng, bao giờ Trân cũng là một trong số những  đứa trẻ ra sớm nhất dù có xếp hàng chào cờ hay không.  Trân phóng tới, ôm chầm lấy mẹ, giọng líu lo:

- Mẹ! Con nhớ mẹ quá!

Thu Hà cúi xuống ôm con thật chặt, mỉm cười khẻ trách yêu con:

- Con không tập trung đầu óc để lo bài vở hay sao mà chỉ biết có nhớ mẹ?

Nói vậy, chứ nàng cảm nhận được niềm sung sướng và hạnh phúc  của một người mẹ, nàng như đang uống  từng  lời  của Trân thốt ra. Rồi không đợi Trân trả lời, Thu Hà nắm  tay Trân , nhìn trước nhìn sau trước khi  dẫn con qua đường,  tiến về phía xe của nàng.
Trân  vừa đi vừa nói đủ để Thu Hà nghe, trong tiếng lao xao huyên náo của học sinh, tiếng ầm ào của xe cộ qua lại..- Trân lý sự:

- Học và nhớ mẹ là hai chuyện khác nhau mà mẹ!

- Cậu Hai của mẹ học ai mà  lém lĩnh vậy hả?

 

Vào xe, Trân ngồi lên ghế phía trước bên cạnh mẹ. Thu Hà nổ máy rồi cho xe lăn bánh. Trân níu tay mẹ:

- Mẹ, thằng bạn cùng lớp con nó đố: hai người với hai người là bao nhiêu , mà con không trả lời được đó mẹ!

Thu Hà ngạc nhin quay lại nhìn Trân;

- Câu hỏi dễ như vậy mà con không trả lời được sao?

    
Trân lắc đầu:

- Con nghĩ  chắc mẹ cũng không trả lời đúng.

- Là bốn, dễ ợt, thế mà con lại không trả lời được. Con đáng bị đánh đòn thật!

Trân lắc đầu nguầy ngậy:

- Mẹ trả lời sai  rồi.

- Sao lại sai được? Hai với hai là bốn, không là gì? Con nói đi!

- Là ba mà mẹ!

- Sao lại ba?

Mẹ nghe nó giải thích  với con thế này này: Nó bảo với con rằng: Bà ngoại tớ và mẹ  tớ  là  hai

mẹ con; mẹ tớ và tớ là hai mẹ con nữa . Cọng hai mẹ, hai con  có phải  là ba không? Thu Hà bật cười:

- Quỷ sứ! Nó học ở đâu ra câu đố đó vậy?

Rồi Thu Hà nhìn Trân nói tiếp:

- Tháng sau, trường con  nghỉ  hè, mẹ con mình  đi thăm dì Hai con một chuyến. Trân gật đầu:

- Dì  Hai dạy học trên Gia Nghĩa hả mẹ?

- Ừ, chứ  còn  dì  Hai nào nữa.

- Con  cũng nhớ dì Hai  lắm , mẹ ạ.

- Ngoài con , mẹ chỉ còn dì Hai con nữa thôi.

- Sao mẹ không nói  dì Hai chuyển về Sài Gòn dạy để được gần gũi mẹ con mình, hả mẹ?
- Dì  Hai không muốn về Sài Gòn.

- Tại sao vậy hả mẹ?

 

Thu Hà chăm chú  nhìn phía trước, lệch tay lái  tránh một người đi xe gắn máy lạng qua, giọng xa xôi   như  không để trả lời Trân:

- Ừ nhỉ! Mẹ cũng không biết tại sao dì Hai con lại tình nguyện ở nơi miền  đất khỉ ho cò gáy  đó! Rồi  nàng  nói tiếp:

-Hôm nào con thử hỏi  xem dì Hai trả lời thế nào.

-Tháng tới  mình đi hả mẹ?  Cám ơn mẹ.

Thu Hà mỉm cười xoa đầu con:

Trân ngước nhìn mẹ, giọng âu yếm:

- Mai này, lớn lên , con sẽ không lấy vợ, con sống với mẹ suốt đời.

- Ôi chao! Lại không cưới vợ , mà đòi ở với mẹ suốt đời. Con không sợ tốn cơm của mẹ sao?
-Từ nay con sẽ  ăn ít thôi mà mẹ.

-Mẹ nói đùa vậy, chứ mẹ đâu có sợ tốn cơm.

Thu Hà vòng tay qua người Trân, ôm chặt Trân vào lòng. Trân cảm nhận được tình yêu nơi mẹ truyền sang, nó để yên, không cựa quậy.


Khoảng trời  trắng xóa trên cao như  thấp xuống trước mặt hai mẹ con .

 

*


Trân nhìn ra, thấy thằng Mạnh, đứa  bạn nó mới quen  lấp ló trước cửa. Mới đến đây được mấy hôm , nên  Trân chưa quen ai ngoài thằng Mạnh. Mạnh có nước da ngăm ngăm đen, có lẻ vì hắn luôn để trần đi ngoài nắng. Tính thằng Mạnh thật thà  và  dễ thân thiện  tuy có phần  hơi cục mịch một chút.  Hắn là học trò của dì Hai Trân,  hắn vẫn thường đến nhà dì Hai Trân giúp dì những việc lặt vặt trong nhà, nên ngay từ ngày đầu, hắn đã tự động làm quen với Trân nên dù mới  quen , nhưng cả hai có vẻ quyến luyến nhau một cách đặc biệt. Trân vui mừng khi thấy thằng Mạnh, chạy vội ra cổng, đến trước mặt thằng Mạnh  như dò hỏi.

- Cậu  đi đâu qua đây vậy ?

Thằng Mạnh nói:

- Tớ ghé thăm cậu. Cô giáo Dung là gì của cậu?

- Là chị ruột của mẹ tớ. Tớ lên đây thăm dì một hai tuần rồi lại về Sài Gòn chuẩn bị cho năm học  mới. - Bạn  học lớp mấy?

- Hết hè mình sẽ vào lớp năm..

Mạnh cười toét miệng,:

- Năm tới tớ cũng vào lớp năm giống  cậu, nhưng tớ dốt toán lắm  hay cậu dạy  toán  cho tớ với.

- Tớ thích môn toán học, nhưng không chắc tớ đã  giỏi  hơn  cậu đâu.Nhưng để cứ thử xem..

Bỗng Mạnh  nắm tay Trân lắc lắc:

- Cậu  có muốn đi bắt dế với tớ  không?

Trân tròn xoe đôi mắt nhìn Mạnh:

- Bắt dế? Nhưng bắt dế để làm gì?

Thằng Mạnh nhìn Trân mỉm cười:

- Cậu  ngớ ngẩn thật, bắt đế về chiên ăn chứ làm gì? Béo ngậy hết biết!


Trân ngạc nhiên:

- Bộ bắt được nhiều lắm hay sao mà chiên ăn?  Tớ  chưa được ăn bao giờ!

- Nhiều  lắm . Có khi cả nồi.

Trân nhìn thằng Mạnh lắc đầu:

- Cậu lại nói dốc với tớ rồi, làm gì mà cả nồi, giỏi lắm chỉ vài ba con, chứ làm cách nào mà bắt nhiều vậy? Ở đây làm sao mang nước theo được ?


Thằng Mạnh ngạc nhiên:

-Bắt dế mà mang nước theo làm gì?

Trân nhìn thằng Mạnh:

- Hồi tớ thăm bà ngoại tớ ngoài Huế- có lần tớ theo mấy đứa bạn đến bên bờ Sông Hương  dọc đường lên chùa Thiên Mụ bắt dế. Chúng nó lấy  nước dưới sông  để đổ vào lỗ dế, nước đầy dế ngộp thở mới trồi đầu ra khỏi hang chớ! Nhưng họa hoằn lắm mới bắt được một con.
- Tớ không bắt dế theo cách đó. Ở đây  núi đồi, đổ bao nhiêu nước rút hết xuống đất, thì làm sao dế ngộp mà trồi đầu lên được?

- Ừ há, vậy làm sao mà bắt được dế?

 

Thằng Mạnh không trả lời câu hỏi của thằng Trân, nó nắm tay kéo Trân chạy đi. Hai đứa không theo con đường lộ, Trân bứt lên chạy trước . Chạy một  lúc Thằng Mạnh dừng lại  thở hổn hển, kêu vói  Trân :

-Cậu chạy nhanh ghê hí! Tớ cố chạy theo mà không kịp, mệt muốn đứt hơi.

Trân dừng lại chờ thằng Mạnh: giọng chậm rãi:

-Thầy giáo thể dục vẫn khen tớ có đôi chân vàng đó! Ở đội bóng ,tớ đá vai tiền đạo.
Thằng Mạnh lại nắm tay Trân  chạy  băng qua những khu vườn đến nhà nó. Mạnh  đưa thằng Trân từ phía sau vườn đi ngược vào nhà. Căn nhà  trống trơn, chỉ có mấy cái giường tre ọp ẹp.
Trân đưa mắt nhìn khắp căn nhà, lên tiếng hỏi:

-Đây là nhà ai vậy? Nhà thế nầy  làm sao ở được.

Thằng Mạnh mỉm cười :

-Nhà  tớ chứ nhà ai, ba mẹ tớ  đi làm rẫy,tối mới về.

Nói chưa dứt câu, thằng Mạnh đã lôi từ dưới gầm giường một chiếc hộp bánh bít- qui cũ,  trên nắp hộp đã  có đục sẵn mấy lỗ nhỏ  bằng đầu ngón tay.

 -Cái gì trong hộp đó?

Thằng Mạnh đáp:

-Chưa có gì trong đó hết, để lát nữa bắt tổ  kiến bỏ vào.

Càng lúc thằng Trân càng cảm thấy mù mờ về những điều thằng Mạnh nói.

-Sao lại bắt kiến? Nhưng dùng kiến để làm gì?

Thằng Mạnh mỉm cười  giải thích :

- Để bắt dế chứ làm gì! Không phải loại kiến nào cũng được, chỉ có những tổ kiến lấy từ những cây sơn.

 

Thằng Trân không khỏi tò mò:

-Cậu  nói gì tớ  không hiểu gì hết, đi bắt dế mà lại phải bắt kiến làm gì.?

Thằng Mạnh không trả lời, cầm cái hộp giao cho thằng Trân

-Cậu cầm hộp giúp tớ, lát nữa rồi biết. Tớ  lấy cái bao đựng dế rồi  hai đứa cùng đi.


Mọi chuyện như đã được thằng Mạnh chuẩn bị sẵn. Nó bước tới trên kệ tủ, lấy một chiếc bao nylon lớn, rồi kéo thằng Trân ra khỏi nhà chạy lên dốc đồi. Đến ngã ba, Thằng Mạnh ngắm nhìn hàng cây bên đường rồi dừng lại, chỉ lên cây trước mặt nó nói::

- Cây nầy là cây sơn , nghe nói mủ của nó người ta dùng làm sơn để sơn nhà cửa. Cậu có thấy nhánh cây bên trái có một cái ổ to to đen đen, đó là ổ kiến. Cậu đứng đây chờ tớ leo lên lấy nó xuống bỏ vào trong hộp.


Trân quay nhìn thằng Mạnh:

- Cậu định leo lên bắt tổ kiến đó hả? Chuyện nầy để tớ, tớ tuy ở phố, nhưng tớ lại thích leo trèo.

Thằng Mạnh gạt ngang:

- Không được, cậu không quen đâu.

Thằng Mạnh nói chưa dứt câu thì đã thấy thằng Trân cầm cái hộp thoăn thoắt leo lên gần nhánh

cây có tổ kiến.

-Tớ không ngờ cậu leo giỏi vậy. Cậu cẩn thận , đừng để vỡ tổ. Cậu mở nắp hộp, lòn cái tổ vào trong hộp, đẩy thật mạnh để tổ kiến tách lìa khỏi nhánh cây, xong đậy kín  nắp lại để kiến khỏi chạy ra cắn cậu đó. Nhớ cẩn thận!

Thằng Trân không trả lời, hắn tập trung làm theo lời thằng Mạnh.Và chỉ cần một động tác nhanh, gọn , thằng Trân đã đưa tổ kiến vào được trong  hộp và đậy nắp hộp lại thật nhanh.


Thằng Mạnh, đứng ở dưới vỗ tay:

-Tớ không ngờ cậu leo giỏi và nhanh tay vậy.

Thằng Trân trèo xuống đất, phủi bụi trên ngực áo.

Hai đứa trẻ tiếp tục đi về hướng rẫy. Mặt trời lúc đó đã ngã về phía Tây.Trên bầu trời những áng mây đủ màu sắc lộng lẫy, đậm nhạt đan xen vào nhau, tạo thành một bức tranh đặc biệt của thiên nhiên.

Thằng Trân nhìn thằng Mạnh nói:

- Nếu bắt được dế, tớ chỉ xin cậu một con để về tặng mẹ tớ. Chắc mẹ tớ ngạc nhiên và vui lắm !

- Cậu muốn lấy bao nhiêu con , tùy cậu.

Hai đứa vẫn tiếp tục đi trên những triền dốc thoai thoải. Trân không khỏi ngộp đi với những bông hoa sim tím nở đầy vì lần đầu tiênTrân được nhìn thấy. Trân ngắt từng cành và trang trọng đặt một chỗ riêng dưới gốc cây..

 

Thằng Mạnh ngạc nhìn nhìn Trân hỏi:

- Cậu hái hoa sim để làm gì vậy?

- Để tặng mẹ tớ!

- Liệu mẹ cậu có thích hoa sim không?

Trân mỉm cười tự tin:

- Cái gì tớ tặng, mẹ tớ đều thích. Mẹ tớ thích mặc áo màu tím mà.

Khi đi ngang qua một lùm cỏ, thằng Mạnh xăm xăm bước vào , cúi xuống ngắt một vài cọng cỏ.

Thằng Trân lại ngạc nhin lên tiếng hỏi:

- Cậu  tìm gì vậy?

Thằng Mạnh quay lại nhìn thằng Trân vừa cười, vừa đưa nắm cọng  cỏ  trên tay lên.

- Đây là cỏ lông, vật dụng để bắt dế.


Thằng Trân hoài nghi nhìn nắm cỏ trên tay thằng Mạnh khi thằng Mạnh bước đến trước mặt  và trao nắm cỏ cho Trân. Đó là những cọng cỏ có thân dài khoảng 9, 10 cm, ở phía đầu ngọn cỏ tủa ra như một bó chổi và có lông. Thằng Trân không khỏi ngạc nhiên:

- Những cọng cỏ đó để làm gì vậy?

Không trả lời thẳng câu hỏi, thằng Mạnh cười:

- Một lát nữa cậu sẽ biết.

Khi  cả hai đến lưng  đồi, thằng Mạnh đưa mắt quan sát một lát, rồi quay lại nói với thằng Trân:

- Chỗ này này..!

- Là sao?

- Cậu  không thấy ở đây có nhiều lỗ dế trú sao?


Trân đưa mắt nhìn xuống đất, cả một khoảnh rộng, có rất nhiều lỗ. Trân nhìn thằng Mạnh với cái

nhìn thán phục:

- Sao chuyện gì cậu  cũng biết?

Thằng Mạnh nhìn Trân lắc đầu:

- Đâu phải chuyện gì tớ cũng biết. Tớ sinh ra ở đây lớn lên ở đây, nên  những chuyện ở đây tớ có thể biết chút chút, còn những chuyện ở  dưới thành phố của cậu  làm sao tớ biết được.

Đứng trước mỗi lỗ dế, thằng Mạnh quan sát thật kỹ rồi giải thích:

- Khi chọn lỗ dế, mình phải  chọn những lỗ mà dế đang ở, trên miệng  có những vết chân của dế mới di chuyển, mà  không chọn những lỗ dế quá cũ, dế bỏ phế, không sử dụng nữa.

       Mạnh ngồi xuống, lấy một  cọng cỏ, mở  he hé nắp hộp, chấm cây cỏ vào lỗ hộp. Khi thằng Mạnh rút cây cỏ ra  khỏi hộp thì thằng Trân nhìn thấy ở đầu ngọn cỏ có hai  con kiến bám vào. Thằng Mạnh vẫn lẵng lặng đút cọng cỏ  vào  lỗ dế, và  đẫy sâu cọng cỏ xuống lỗ, xoay xoay, một lát hắn rút cọng cỏ ra khỏi lỗ , trên cọng cỏ không thấy  con kiến nào còn bám vào đầu cọng cỏ.

Thằng Trân xen vào:

- Hai con kiến  lúc nãy của cậu  đâu rồi?

- Chúng  đang tìm bắt mấy con  dế  trong lỗ này đó!


Mắt thằng Mạnh vẫn cúi xuống nhìn vào lỗ dế, Trân  há hốc mồm  nhìn  theo. Ngay lúc đó, từ dưới lỗ, một con dế  lớn bằng ngón tay  bị hai con kiến của thằng Mạnh đang hì hục kéo  lên khỏi hang, vì so với kiến thì dế to gấp mấy chục lần. Thằng Mạnh đợi hai con kiến đưa dế lên khỏi miệng lỗ, hắn bắt con dế bỏ vào bao nylon, rồi cầm  cọng cỏ có dính  hai con kiến nhét  vào hộp.
Ánh mắt thằng Trân sáng lên , nó chợt hiểu ra công việc thằng Mạnh làm. Trân cúi xuống bên tai Mạnh thì thầm :

- Cho tớ thử  bắt dế  một lần đi. Cách của cậu  hay quá! Như thế này thì đến tối chắc chắn mình có một chảo dế chiên rồi. Chứ ngoài Huế hay ở Sài Gòn  đỏ mắt không có được một con nuôi chơi, chứ nói gì để chiên ăn.


Và  cứ thế hết lỗ này đến lỗ khác , thằng Mạnh và thằng Trân  hì hục tiếp tục bắt dế một cách say mê, cho đến khi mặt trời tắt hẳn, thằng Mạnh nhìn vào chiếc bao nylon đựng đầy dế , rồi quay qua thằng Trân đang mãi mê với công việc  :

- Mình về thôi. Hôm khác mình lại bắt nữa

- Ừ, về. Chắc  giờ nầy mẹ và dì Hai tớ cũng đã có mặt ở nhà rồi.

Khuôn mặt mẹ hiện ra trong ý nghĩ của thằng Trân. Hai đứa băng qua đồi, chạy nhanh về nhà. .

 

*


Chưa bước vào nhà, từ ngoài sân với bó hoa sim và bao dế trên tay, Trân  lên tiếng gọi:

- Mẹ ơi! Con tặng mẹ nè.


Thu Hà đã  xuất hiện ở cửa, nụ cười vẫn nở trên môi, hai tay mở ra đón Trân đang lao tới:

- Cám ơn con trai cưng của mẹ . Con đi đâu về vậy?


Trân  vừa trao bó hoa cho mẹ và lắc lắc  bao dế cầm ở tay nói:

- Con đi bắt dế với bạn Mạnh. Bạn Mạnh chỉ cách bắt dế lạ lắm mẹ ơi, không giống như cách bắt

dế của mấy đứa bạn của con ngoài Huế đâu.


Bất ngờ , Trân khuỵu xuống nhăn nhó ôm đầu gối  -lăn lộn kêu la. Thu Hà hốt hoảng ôm Trân:

- Chuyện gì vậy hả con? Con đừng làm mẹ sợ!

Trân vẫn ôm đầu gối  lăn lộn:

- Con đau quá mẹ ơi!


Dì  Hai cũng vừa chạy ra, hốt hoảng:

- Trân , con sao vậy?

Thu Hà ôm Trân, nói với bà Hai:

- Phải tìm cách đưa Trân đi bệnh viện. Chị làm cách nào thuê gấp một chiếc xe chở thẳng lên bệnh viện.

Bà Hai gật đầu:

- Để chị chạy qua bên hàng xóm nhờ anh Tư tài xế đưa cháu đi  ngay.


Nói xong bà Hai vụt chạy ra ngoài, và chỉ ít phút sau, chiếc xe đã đậu trước cổng. Thu Hà mếu máo ôm Trân chạy thẳng ra xe. Ông Tư hàng xóm ngồi cầm tay lái,  nhấn ga cho xe vọt đi.
 

*


Trong phòng CẤP CỨU, bác sĩ và hai phụ tá đang khám cho Trân.Trân vẫn quằn quại đau đớn,

thở hắt lên từng cơn.


Bác sĩ đưa mắt nhìn hai phụ tá như ngầm hỏi ý kiến.Hai người cùng nhìn lên lắc đầu.

Bác sĩ cúi xuống nắn đầu gối Trân:

- Tạm thời chich thuốc giảm đau cho  bệnh nhân!

 

*


Bên ngoài phòng, Thu Hà và bà Hai đang ngồi trên băng ghế dài mắt nhìn về phòng CẤP CỨU ,

lo lắng chờ đợi.

Bất ngờ, cửa phòng bật mở, bác sĩ bước ra, ông nhìn về phía Thu Hà;

- Có phải bà là mẹ của cháu bé?

- Vâng, tôi. Thưa bác sĩ tình trạng của cháu thế nào, đã đở hơn chưa? Tôi muốn biết tại sao cháu đột ngột…

Bác sĩ nhìn Thu Hà rồi nhìn bà Hai vẻ bối rối:

- Cháu đã tạm thời khỏe trở lại rồi . Nhưng không có nghĩa là cháu không có bệnh. Tôi không dám có kết luận về bệnh tình của cháu, vì bệnh viện tỉnh chưa có những dụng cụ tối tân cần thiết để khám nghiệm cho cháu, để có thể đưa ra một kết luận chính xác. Tôi đề nghị gia đình chuyển

cháu về Sài Gòn và cho làm xét nghiệm để biết rõ  tại sao có triệu chứng bất thường đó? Cháu

có thể về với bà được rồi. Xin bà chờ chồc lát!


Thu Hà gật đầu, đưa tay lên gạt dòng nước mắt đang chảy tràn trên má. Thì Trân từ trong phòng cấp cứu bước ra, chân đi hơi khập khiểng.


Thu Hà quay lại, đưa tay ôm chặt lấy Trân:

- Con làm mẹ hoảng sợ. Con có còn đau không?

Trân quay nhìn dì Hai , nói với mẹ:

- Chân con đau lắm mẹ ạ, nhưng giờ thì đở hơn rồi

Trân vừa nói vừa đưa hai tay bóp bóp đầu gối và ống chân.

Trời đêm xuống nặng nề. Nhìn qua khung cửa, rừng cây vẫn một màu tối om. Gió lồng lộng thổi, những tàu lá chuối trước hành lang  va dập vào nhau nghe rõ mồn một..


 

*

Cửa hé mở, Văn dòm vào trong. Căn phòng có vẻ như đầy cả máy móc. Có hai cô y tá, một cô mặc bộ đồng phục giải phẩu màu xanh  vô trùng, một cô mặc đồng phục màu trắng. Họ đưa mắt nhìn Văn. Văn nhẹ nhàng bước vào phòng.

- Tôi là cha của đứa bé.


Tiếng nói khẽ đầy uy quyền , cả hai cô gật đầu. Văn đưa mắt nhìn quanh, ông thấy Trân đang nằm trên giường thiêm thiếp, hơi thở nhọc mệt.

Từ một cái ghế ở góc phòng, Thu Hà giật mình bật dậy, lặng lẽ nhìn Văn, hơi bất ngờ vì sự xuất hiện của Văn, nhưng  nàng  vẫn im lặng, không  lên tiếng. Có lẻ  Văn chưa nhìn thấy nàng, vì nàng ngồi khuất sau các bộ máy to tướng. Khi nhìn thấy Thu Hà, anh hơi có chút bối rối.

Mắt nàng  không hề rời khỏi mặt Văn.

- Anh đến đây có việc  gì vậy?

- Thu Hà, đừng nói vậy, anh nghe tin con..

Thu Hà ngước lên , cái nhìn sắc lạnh:

- Con của anh sao? Xin anh rời khỏi đây ngay.

Văn gật đầu, làm ra vẻ thiểu não:

- Anh sẽ rời khỏi đây, nhưng anh vẫn muốn biết tình trạng của con..

- Để làm gì?

- Anh có lỗi, nhưng dù sao anh vẫn là cha nó.

- Sao hồi đó anh không nói câu đó?Anh có mục đích gì mà đến nhận con sau bao nhiêu năm biệt tích? Có phải cô ta đã khám phá ra anh chẳng có gì để khai thác được phải không?
Văn cố mỉm cười:

- Những ngày tháng tới anh sẽ cố bù đắp cho em và con.

-  Anh có còn nhớ câu nói của tôi sau khi đã hết lời năn nỉ anh đừng bỏ mẹ con tôi không? Tôi xin được nhắc lại: Mẹ con tôi sẽ không bao giờ cần đến anh nữa

Nàng thoáng nhìn thấy trên khuôn mặt Văn một chút  hụt hẫng thất vọng:

- Trong đời ai cũng có lần lầm lỡ mà em!

Thu Hà lắc đầu:

- Nhưng tôi biết, anh không trở về vì hối hận , vì yêu thương.

Văn lặng lẽ quay người  mở cửa bước ra ngoài.

Thu Hà bước tới khép cánh cửa lại, rồi bước nhanh  về phía giường. Trân cựa mình, rên nho

nhỏ:
- Mẹ ơi! Con đau quá!!!


Thu Hà đau xót bước vội đến quỳ xuống bên con, nàng ôm chặt Trân vào hai cánh tay, nước mắt ràn rụa:

- Trân, mẹ đang ở bên con đây. Ước gì mẹ được đau thay cho con.

Trân không trả lời chỉ vòng hai tay qua cổ Thu Hà , ôm chặt lấy nàng. đôi mắt như van lơn cầu khẩn nàng.Nàng  ước chi có được phép mầu để đau đớn thay cho Trân. Nàng rùng mình  nhận ra trong ánh mắt con, nàng là cái phao duy nhất trong cuộc đời này để con nàng bám víu, tìm sự giải thoát cơn đau đang hành hạ thể xác.


Nàng nói qua hơi thở:

-Con cố gắng  chịu đựng mẹ sẽ tìm mọi cách, đi khắp mọi nơi để  chữa trị cho con, dù tốn kém bao nhiêu mẹ cũng chấp nhận. Miễn sao giúp con qua khỏi căn bệnh này.  

 

*

Giữa khói hương nghi ngút, đám đông tới lui, Thu Hà tưởng như không nhìn thấy ai chung quanh. Nàng cầm bó hương trên tay quỳ xuống  trước bàn thờ Phật, mắt ngấn lệ khấn nguyện:

- Con hiểu được làm người, được hiện hữu trên cõi đời này là một điều đáng trân quý hơn bất cứ gì, nhưng cái nghiệp của con trai con quá lớn. Xin Phật tổ hãy cất bớt gánh nặng trên vai  nó  mà

đặt lên cho con!.

        
Nàng ngước nhìn vào đôi mắt của tượng Phật, trong đó, ánh lên cái nhìn độ lượng. Trái tim nàng như  mở ra, nàng thấy được trong sâu thẳm cái nghiệp của cõi người đang cuộn lấy số phận nàng.
 

*


Thu Hà đang ngồi đối diện với bác sĩ điều trị, nàng nhìn thẳng vào mặt bác sĩ lên tiếng:

- Bác sĩ có thể cho tôi biết căn bệnh chính của cháu là gì?

Bác sĩ cầm một xấp giấy xét nghiệm đưa ra trước mặt Thu Hà, giọng thật nhẹ:

- Tôi không thể tránh né mà không nói , cùng với nỗi hối tiếc - về sự bất lực của chúng tôi.

Thu Hà run run hỏi lại, vẻ ngỡ ngàng với chút hoảng sợ

- Bác sĩ muốn nói gì?

Bác sĩ nhìn Thu Hà giọng thấp xuống:

- Tôi rất khổ tâm để nói ra với bà điều này. - Con bà  bị ung thư xương.

Thu Hà thảng thốt vịn tay vào cạnh  bàn cố  giữ vững thế ngồi, giọng rên rỉ::

- Ung thư xương ! Tại sao con tôi lại bị ung thư xương? Trời Phật ơi! Chúa ơi, tôi có tội tình chi mà nở trừng phạt con tôi như thế này?

Bác sĩ đưa tay ngăn lại, tiếp tục nói:

- Bây giờ vẫn còn kịp , nếu bà muốn cứu sống con trai bà.

Thu Hà ngước lên , giọng bám víu:

- Cách gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ  trầm ngâm:

- Phải đoạn chi, tức giải phẫu trước khi hóa trị và xạ trị.

- Bác sĩ có thể giải thích thêm được không?

- Để khỏi di căn lên phía trên , buộc chúng ta phải cắt phần ống chân dưới.

Thu Hà thảng thốt:

- Cắt chân cháu? Cháu lấy gì để đi?

- Phải sử dụng chân giả, nếu bà thật sự muốn cứu sống con bà.

- Không còn cách nào khác nữa sao bác sĩ? Tôi có thể đưa con tôi sang Singapore chữa trị ,liệu có hiệu quả không?

Bác sĩ  lắc đầu:

- Tôi thành thật nói với bà, việc chữa trị ở Singapore không tốt hơn chúng ta. Họ được cái thuận lợi hơn chúng ta  là bệnh viện của họ  được phép sử dụng  các loại thuốc thử nghiệm, còn chúng ta thì không. Nhưng kết quả hay không  còn tùy thuộc và chứng bệnh của cháu.

Thu Hà gật gật đầu như cái máy:

- Đành chịu vậy


Thu Hà  ôm mặt đau đớn. và không còn suy nghĩ gì hết, nàng chập choạng lao ra khỏi phòng trước ánh mắt ái ngại của bác sĩ.


*


Thu Hà đặt  cái xách xuống ghế, rồi rón rén bước đến bên cửa sổ, lén nhìn vào phòng của Trân. Bên trong Trân tập đi với cái chân giả, hai tay nắm chặt lấy thành giường bước từng bước một cách khó nhọc, mặt Trân hơi nhăn nhó, trán lấm tấm những giọt mồ hôi. Trân phải cố gắng rất nhiều. Đã mấy ngày rồi, ngày nào Trân cũng kiên trì tập luyện với một sự cố gắng phi thường.

Thu Hà lòng đau như cắt, nhưng nàng vẫn im lặng không lên tiếng. Nàng muốn theo dõi những cố gắng của con. Bất ngờ, đến cuối giường, không chủ động, Trân ngã về phía trước, Thu Hà như không chịu đựng nỗi, nàng chạy vào phòng, đưa hai tay đỡ Trân dậy.

Trân vừa vịn vào nàng , vừa đứng dậy, mặt hớn hở:

- Mẹ về lúc nào mà con không biết ? Con đã có thể đi được rồi. Mẹ đừng có lo lắng cho con, con

sẽ tiếp tục đi học nghe mẹ!


Thu Hà lau vội hai hàng nước mắt , không muốn cho Trân nhìn thấy nàng khóc. Nàng mỉm cười

nói với Trân:

- Ừ, mẹ sẽ cho con đi học lại.

Trân ngước lên dò hỏi:

- Liệu mấy đứa bạn trong lớp có chê cười con là thằng què không hả mẹ?

 
Thu Hà ôm chặt Trân vào lòng, mấy lời Trân vừa thốt ra  như có ai đó lấy kim sắt thọc mạnh vào trái tim nàng, nàng bật khóc.

- Sao mẹ khóc? Con nói vậy chứ lũ bạn tụi nó thương con không hết, chứ đâu lại chê cười con. Mà con cũng đâu có sợ tụi nó chê cười. Con sẽ cố gắng học thật giỏi mà mẹ.


Nàng không biết nói gì, chỉ biết ôm Trân mà khóc, tiếng khóc càng lúc càng to, làm Trân hoảng hốt:
- Mẹ! Mẹ, đừng khóc mà mẹ !

 

*

Trên bàn làm việc của Thu Hà, nổi bật tấm hình nàng đang âu yếm ôm Trân trong vòng tay, mắt Trân  nheo lại  vẻ vừa tinh nghịch vừa dễ thương, được tráng trên chiếc dĩa cổ, đặt trang trọng  trên cái giá gỗ nhỏ. Mỗi khi nhìn hình, nàng tưởng như Trân luôn luôn ở bên cạnh mình, hơn nữa, nàng đặc biệt thích cái cách  nheo mắt của Trân.


Nàng  đang đọc lại bản Hợp đồng của bên Công ty đối tác vừa gửi đến, nàng đắn đo và quyết định không ký, chỉ ghi lại bên góc mấy nhận xét để thư ký làm việc lại. Trong đó, có một vài điều đối tác đã không ghi nhận đúng như nội dung đã được trao đổi với nàng. Bất ngờ chuống điện thoại bàn  reo lên. Nàng nhấc máy:


- Alo, tôi nghe đây! À, Mỹ Dung đó há? Có lẽ mình không đi ăn với bạn được, mình phải về chích thuốc cho  Trân. … Dung ngạc nhiên về việc mình cũng biết chích thuốc hả? Chuyện dễ mà, bở vì sau khi cháu bệnh, mình có nhờ một cô y tá bạn mình hướng dẫn để mình tự tay săn sóc cháu. Cháu  cần mình và mình cũng cần cháu …Cám ơn Dung , và nhờ Dung thay mặt mình cám ơn tất cả mọi người. ..Bạn nói ai ? Minh nào? …Cám ơn tình cảm của anh ấy. Lòng mình đã nguội lạnh mất rồi. Đời mình chỉ còn có Trân, con trai mình là quan trọng hơn tất cả. Chúc các bạn vui vẻ.


Nói xong, Thu Hà đặt ống nghe trở lại vị trí cũ. Nàng chưa kịp lật sang hồ sơ khác, thì chuông điện thoại di động  reo lên. Nàng mở máy:


-  Alô! Tôi Thu Hà đây ! Vâng tôi là mẹ của cháu Trân …Có chuyện gì không ạ? Bà nói sao?  Con tôi làm sao?  Xe cấp cứu đã đưa cháu vào bệnh viện ? Vâng tôi sẽ đến ngay.


Nói chưa đứt câu, nàng bật đậy, lao ra phía cửa. Cô thư ký cũng vừa bước vào, họ suýt đụng vào nhau. Cô thư ký thụt lùi, nhìn thái độ Thu Hà, cô hốt hoảng kêu vói theo:

- Chị Hà, có chuyện gì vậy ?


Thu Hà như không nghe thấy, nàng  vẫn lao đi..


*


Thu Hà  quan sát Trân đang nằm trên giường. Ngay cả  khi ngủ, thỉnh thoảng Trân bị co giật, khuôn mặt căng giản bất thường, chứng  tỏ Trân đang phải chịu đựng những  cơn vật vã đau đớn tột cùng. Thu Hà như đứt từng khúc ruột, nàng đứng dậy, bước ra khỏi phòng,dọc theo hành lang đi về phía  phòng bác sĩ điều trị.


Thu Hà gỏ nhẹ vào cánh cửa. Bên trong có tiếng nói:

- Cửa mở, xin mời vào.

Khi nhìn thấy Thu Hà bước vào,bác sĩ đứng dậy chào nàng.Thu Hà ngước nhìn bác sĩ lên tiếng:

- Xin lỗi bác sĩ! Tôi cứ tưởng đã cắt đi một chân thì tính mạng của cháu không còn bị đe dọa nữa chứ !

- Điều  đó khó thể nói chính xác được.Diễn biến bệnh trạng của cháu  phức tạp…Có những trường hợp như trường hợp này, chúng tôi không lường đoán được..

Thu Hà nhìn thẳng vào đôi mắt của bác sĩ:

- Nhìn thấy những cơn đau  hành hạ thể xác cháu, tôi không chịu đựng nổi, Ước gì tôi có thể thay thế được cho cháu.. Xin bác sĩ hiểu cho, tốn kém bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng chịu.


Bác sĩ trầm ngâm một lát, rồi buột miệng nói với Thu Hà:


- Tôi không biết nói thế nào để chia sẻ nỗi đau của bà. Là một người thầy thuốc, có những lúc chúng tôi bị đẩy  vào tình trạng tuyệt vọng, bó tay trước một số trường hợp..Những giây phút đó, chúng tôi thật sự cảm thấy bơ vơ, mất lòng tin vào khả năng của mình, khả năng của y học. Chỉ còn biết nương nhờ đến tâm linh... Phần tôi, tôi chỉ biết cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để giãm bớt nỗi đau và mất mát cho những người mà số phận đưa đẩy đến với tôi, giao phó trách nhiệm cho tôi.             

Thu Hà ngước lên:

- Tôi hiểu thưa bác sĩ, nhưng vấn đề ở đây  là chúng ta  phải làm gì? Tôi có thể đưa cháu sang Mỹ chữa trị được không?

- Đưa cháu đi chữa trị là chọn lựa của bà. Thú thật, tôi đã từng được tu nghiệp nhiều năm ở Mỹ.

Bệnh viện của họ hơn hẵn chúng ta nhiều mặt, nhưng riêng căn bệnh này, tôi nghĩ họ cũng không có phương cách nào khác. Tôi sợ di chuyển nhiều chỉ tội cháu đau đớn thêm. Sau khi  đã xét nghiệm và cân nhắc, chúng tôi đề nghị  phải tiếp tục đoạn chi chân thứ hai của cháu, nếu muốn giữ cháu!


Thu Hà há hốc mồm nhìn bác sĩ , như không tin vào lỗ tai mình:

- Bác sĩ nói sao? Phải cắt luôn chân thứ hai?

Bác sĩ thiểu nảo gật đầu:

- Phải, không còn cách nào khác.!


Trời đất như đảo lộn, Thu Hà  lùi người lại, rơi phịch xuống ghế, nàng có cảm giác như có ai đó đưa hai bàn tay hộ pháp bóp chặt lấy cổ họng nàng, đến không thở nổi.


Nhìn thấy phản ứng của nàng, bác sĩ  bước vội tới, nắm lấy cánh tay nàng để  giữ thăng bằng cho nàng khỏi ngã. Nhưng chỉ mấy giây sau, nàng gượng dậy cố thoát ra cái cảm giác ức chế đè nặng lên cổ họng. Kiềm chế lắm  nàng mới không  gào lên nỗi phẫn hận, sự nghiệt ngã mà con nàng phải gánh chịu.

 

Nàng bậm môi ngước lên:

- Thưa bác sĩ! Nếu sau khi đã đọan chi, cháu sẽ ổn định bao lâu? Liệu có tái phát nữa không?

Bác sĩ lắc đầu, khó khăn lắm mới nói được:

- Điều đó cũng khó mà nói trước được.


- Như thế , nghĩa là con tôi vẫn tiếp tục chịu đựng những cơn  đau đớn cho đến chết sao?  

Bác sĩ nhìn nàng lắc đầu:

- Trước hết để cứu sống cháu, bà nên để chúng tôi thực hiện phương án như đã gợi ý. Đó là giải pháp duy nhất và cấp bách có thể làm được hiện nay.

Không nghe Thu Hà trả lời, bác sĩ nhắn vói theo khi nàng đi ngang qua cửa bước ra:

- Chậm lắm là sáng mai bà nên quay lại. Chúng tôi sẵn sàng giải phẫu cho cháu.


Thu Hà không nghe thấy gì, , lẳng lặng bước ra khỏi phòng. Nàng cảm giác nỗi đau đớn đè nặng lên ngực, tưởng chừng không chịu đựng nổi.  Nàng lái về nhà bằng chút sức lực phản xạ còn sót lại.
 

Khi đã ngồi trong phòng mình, nàng cũng không hiểu sao nàng có thể lái xe về  tới nhà được. Nàng cứ như con người bị mộng du. Đối diện với tất cả những vật dụng quen thuộc hằng  ngày.

Nàng không có một ý niệm gì trong đầu, mọi vật chung quanh  như quay cuồng, hổn loạn. Nàng không nhớ gì khác ngoài hình ảnh Trân, con trai nàng, đang lăn lộn đau đớn trên giường bệnh. Nhìn Trân trong cơn đau và viễn ảnh căn bệnh vẫn tiếp tục hành hạ Trân. Nàng tự hỏi không biết mình phải xử lý như thế nào đây? Một mặt, nàng không muốn mất Trân, mất Trân là  mất chính cuộc đời nàng, mất chính hạnh phúc và hy vọng của nàng; nhưng để Trân tiếp tục đau đớn mà không hy vọng chữa trị được thì có hợp lý không? Một ý nghĩ chợt đến, nàng tự nhủ, nàng phải làm cách nào để giải thoát cho Trân khỏi những cơn đau đớn, vì nàng biết mất Trân nàng chẳng còn tha thiết gì với cuộc đời này nữa.,và khi đó, nàng sẽ chọn lựa cho mình con đường đi theo Trân về thế giới bên kia mà không có gì phải ân hận.  Vấn đề chính là phải giải thoát cho Trân khỏi những cơn đau kéo dài trước đã. Nhưng liệu một quyết định như vậy đã phù hợp với đạo lý, với xã hội chưa?  Hay nàng buộc  phải tuân phục những quy luật, những lề lối suy nghĩ của xã hội, vẫn phải tíếp tục chiến đấu, theo quan niệm “ còn nước còn tát ”mới là thể hiện cái đạo hiếu hay tình mẫu tử ? Những tham khảo, tìm tòi trên mạng hay sách báo đã giúp nàng hiểu được rằng, việc giúp Trân giải thoát khỏi cuộc đời này  không phải là điều khó khăn, nàng chỉ cần tác động lên ống serum chuyền thuốc  vào cơ thể của Trân hoạt động nhanh hơn, Trân sẽ bị sốc trong vài giây, và ngay sau đó sẽ không còn tiếp tục chịu đựng những cơn đau đớn nữa. Nàng ý thức điều đó một cách rất rõ ràng, nhưng nàng không làm được, có một sức mạnh nào đó đã ngăn cản nàng, đẩy lùi nàng …không cho nàng thực hiện ý nghĩ đã nhen nhúm trong trí óc nàng. Không có sự chọn lựa nào dễ dàng cả.. Lòng nàng vẫn nặng trĩu  vì đau đớn. Nhưng nàng hiểu nỗi đau của nàng không thể nào so sánh với cảm giác  đớn đau  mà con nàng phải chịu đựng ngày này qua tháng khác. Đó mới chính là vấn đề mà nàng quan tâm.Nàng tự hỏi, không biết kiếp trước nàng đã làm gì để phải gánh chịu cái “nghiệp” này ? Nàng ước mơ có được một phép mầu để con nàng  có sức khỏe như bao đứa trẻ khác, được trở lại với cuộc sống bình thường. Bất chợt, trong phút giây này, nàng khát khao có được những buổi chiều đến trường đón con, được nhìn thấy  nụ cười và vòng tay ấm áp của con mà nàng đã từng có. Nhưng nàng biết rất rõ,

sẽ không có phép mầu nào cho nàng, cho con trai nàng. Đối với nàng, cuộc sống vẫn còn nguyên là một bi kịch  khủng khiếp đè  nặng trên vai nàng, mà không cách nào cởi bỏ được. Hình như số phận đã đặt định cho nàng và con trai nàng như vậy, không thể khác được. Nhưng hình như nàng không  bằng lòng về điều đó.


*


Vị linh mục nhìn nàng, giọng hiền hòa:

- Không! Con không nên làm vậy. Thiên Chúa đã tạo dựng ra con người, sống hay chết ,khổ đau hay hạnh phúc cũng do Người đặt định. Con  người không thể thay đổi ý định của Thiên Chúa.

Thu Hà ngước lên:

- Nói như vậy có nghĩa là con người không có tự do, mà chỉ làm theo mệnh lệnh của Người?
Vị linh mục lắc đầu:

- Trần gian là chốn tạm, để  thử thách con người , nước Trời mới là là miền đất hứa vĩnh hằng.

Con người phải sống thế nào để xứng đáng với những gì Thiên Chúa ban cho, và cũng để  xứng đáng được chọn về nước Trời hay không?


Thu Hà nhìn xuống đôi bàn tay của mình:

- Tôi nghĩ nếu Thượng Đế công bằng và muốn cho cái thế giới mà ngài sáng tạo luôn tốt đẹp thì Ngài đã không bắt con tôi phải chịu thử thách  bị căn bệnh hiểm nghèo. Nếu cần, mong Người hãy sớm cất con tôi về với Người thay vì bắt nó phải chịu khổ cực như vậy.

- Đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa! Và là thử thách mà Thiên Chúa muốn dành cho con trên cõi đời này.

 

*


Chiếc đồng hồ trên tường điểm hai  giờ sáng, mà mắt Thu Hà cứ mở thao láo, không ngủ được. Chợt nhiên, nàng nhớ lại những phút giây cuối cùng của cha nàng, những lời trăn trối của ông cách đây hơn  mười lăm năm, trước khi ông  mất, như  khúc phim  hiện ra thật rõ nét trước mắt nàng:
 

Bên giường bệnh, chỉ có nàng và cha nàng. Nàng nắm chặt tay cha, như sợ ông  biến mất, bỏ hai chị em nàng lại trên cuộc đời. Ộng gắng gượng mỉm cười nhìn nàng, và nắm chặt lấy tay nàng hơn.

- Thu Hà, con gái cưng của ba. Xa chị em con là điều ba không muốn , nhưng con phải hiểu cho được thế nào là ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì “ sống gửi thác về” mà con. Sống là phải có trách nhiệm và có ích  với cuộc đời, với những người cùng sống. Sống thế nào để trước khi chết  không phải hối hận vì đã làm cho ai đó  đau khổ. Ngược lại, nếu sống mà không  có ích cho cuộc đời, không làm được điều mình mơ ước, thân xác bị đày đọa, làm phiền lụy đến người khác, nhất là  người thân của mình thì ba xin quyền được chết.

 

Thu Hà níu chặt lấy tay cha, giọng tức tưỡi:

- Ba đừng nói vậy nữa ba !. - Ba đừng bỏ con !.

Ba nàng âu yếm  nhìn nàng lắc đầu:

- Ai rồi cũng phải đi qua con đường này con ạ! Con hãy can đãm lên!.

Nàng ôm chầm lấy cha khóc ngất”.

 

Đồng thời, hình ảnh Trân với hai chân bị cắt cụt đến tận gối, đang quằn quại rên siết  giữa vũng máu… lại hiện ra trước mắt nàng như một vấn nạn đặt ra cho nàng.

Tất cả những hình ảnh đó cứ chập chờn nhảy múa trước mắt nàng. Nàng cố xua đuổi, chạy trốn , nhưng nó vẫn cứ bám chặt lấy nàng, đeo theo nàng không hở phút giây…Đến khi mệt lã, nàng chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không biết.

 “ Thu Hà bị đẫn lên đứng trước vành móng ngựa. Trong phòng, những người đến tham dư phiên tòa đứng ngồi chật cứng. không còn một chỗ trống. Những tiếng xầm xì hướng về phía nàng, khi nàng xuất hiện.

Chánh án gõ búa xuống bục:

Bị cáo có cần Tòa chỉ định luật sư biện hộ  không?

Thu Hà ngước nhìn lên:

- Thưa không?

- Có phải vì sợ gian khổ cực nhọc khi phải săn sóc con, chữa trị cho con dài ngày, nên bị cáo đã giết con trai mình?

Thu Hà lắc đầu:

- Thưa ngài, con trai tôi bị căn bệnh ung thư xương, mà  y học hiện tại khó thể chữa trị được, nếu không nói là bất lực. Tôi coi con trai tôi là cuộc đời tôi, nếu như con tôi có hy vọng chữa tri được, thì dù làm thân trâu ngựa để phục vụ cho con, đối với tôi đó không phải là cực hình mà trái lại là điều hạnh phúc.

Quan tòa quay về phía trái:

- Xin mời nhân chứng?

Văn bất ngờ xuất hiện trước tòa, đứng lên phát biểu- thì ra người đó là Văn, chồng cũ của nàng, là người từ khước bổn phận làm cha của con trai nàng:

- Thưa quý tòa, người đàn bà này thật sự không yêu thương con, không muốn con trai mình trở thành gánh nặng, nên đã không nghe lời khuyên của bác sĩ tiếp tục điều trị. Người phụ nữ này không chỉ  cố tình giết chết con trai mình, mà còn uống thuốc tự tử để tránh phải đền tội. Bị cáo đúng là một kẻ giết người, phải bị luật pháp trừng phạt.

Chánh án cắt ngang lời nhân chứng:

- Tòa không yêu cầu nhân chứng luận tội.

Chánh án tiếp tục  quay lại hỏi Thu Hà:

- Tại sao bị cáo giết con?

Thu Hà bình tỉnh nhìn thẳng vào mặt quan tòa đáp:

- Thưa Ngài, ngài có bao giờ rơi vào thảm kịch như tôi không? Hằng ngày phải chứng kiến đứa con mình yêu thương trân quý, coi trọng hơn cả chính sinh mạng mình đang phải đau đớn từng phút, từng giây..mà không hy vọng chữa khỏi, thì với lòng  yêu thương, ngài có cố gắng làm cách nào để chấm dứt nỗi  đau đớn  cho con mình  hay ngài để cho con ngài tiếp tục  sống khắc khoải cho đến chết?

Quan tòa gõ búa xuống bàn:

- Bi cáo không thể thay thế  Thượng đế  hay pháp luật giành quyền quyết định sinh mạng của một con người, dù đó là con của bị cáo!

Thu Hà lắc đầu:

- Thưa Chánh án! Tôi không hề có ý định thay thế . Thượng Đế  hay  luật pháp.. Với khả năng của tôi, tôi chỉ muốn giúp con tôi  được chết để khỏi phải tiếp tục đau đớn, giống  như trên chiến trường một chiến sĩ buộc phải bắn phát súng ân huệ cho một đồng đội của mình đang trong cơn hấp hối. Xin ngài hiểu cho rằng tôi và người chiến binh kia không có chút vui sướng nào, nếu không nói là quá đau khổ  khi vì lòng nhân đạo bó buộc phải làm điều đó.


Chánh án lại gõ búa xuống bục, dỏng dạc:

- Bị cáo phải biết mình không chỉ sống một mình, mà sống giữa xã hội, với những người khác. Thu Hà đưa mắt nhìn khắp mọi người:

- Tôi coi trọng những luật lệ của xã hội, nhưng nỗi đớn đau là  trên thân xác con tôi.


Chánh án cùng những vị bồi thẫm cùng đứng dậy bước vào bên trong. Họ cùng tham khảo ý

kiến. Một lát, tất cả bước ra, ngồi vào vị trí. Mặt người nào, người nấy đều có vẻ căng thẳng, nghiêm lạnh. Chánh án lại một lần nữa gõ búa lên bục, đứng dậy:

- Sau khi nghị án, thay mặt Hội đồng xét xử, tôi tuyên bố: Bị cáo phạm tội giết người!


Tiếng vỗ tay của những người tham dự phiên tòa ngồi trên các hàng ghế vang lên. Đến khi tiếng vỗ tay của đám đông đã ngưng hẳn,  tiếng vỗ tay của Văn vẫn tiếp  tục  rời rạc vang lên. Mọi người quay lại nhìn Văn với cái nhìn khó hiểu..

 

Nét mặt Thu Hà vẫn không chút biến đổi. Nàng lơ đảng nhìn ra ngoài khung cửa.Trên cành cây cao, bất ngờ một con quạ đen cất tiếng kêu quang quác, rồi  vụt cánh bay đi.

 

Tiếng quạ kêu trong giấc mơ  đánh thức Thu Hà tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm cả người. Nàng hất tung chiếc mền sang một bên, nhõm dậy, thỏng chân xuống nền nhà…Nàng vô tình đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường…Nàng nhớ ra, nàng phải gặp mặt bác sĩ .Nàng cũng  không biết nàng sẽ nói gì..Vì cho đến giây phút này, nàng vẫn chưa có được câu trả lời dứt khoát. Nàng thầm nghĩ, không lẽ nàng lại sợ bị xã hội kết án, bị dư luận chê cười mà tiếp tục để cho Trân gánh chịu nỗi đớn đau cho đến chết???./.

 

18.11.2010



Sâm Thương
Số lần đọc: 2272
Ngày đăng: 07.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua Sông - Đặng Kim Côn
Thế Lính Hoàng Sa - Hòa Văn
Hy Sinh - Phan Ngọc Danh
Trôi Theo Dòng Đời - Diệp Hồng Phương
Ông Năm Khướu - Nguyễn Đình Phư
Hai Bé Gái Chơi Bán Hàng Và Thằng Nhóc “Đầu Đinh” - Phạm Nga
Mép Nước - Chế Diễm Trâm
Bức tường và đứa bé - Trần Hạ Tháp
Ngôi Nhà Trên Sườn Núi - Nguyễn Trung Dũng
Ciao Café - Nguyễn Đạt
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)