Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.075
123.233.858
 
Sài Gòn Xanh Ký Ức
Thiên Hà

 

Sài Gòn Xanh Ký Ức là một Hợp tuyển về văn học do nhà thơ nhà báo Thiên Hà chủ biên, một công trình sưu tập về những người hoạt động văn học nghệ thuật một thời Sài Gòn đã thành danh, nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước, gồm 25 tác giả là nhà văn nhà thơ hoạ sĩ nhạc sĩ:  Anh Việt Thu, Bàng Bá Lân, Bích Khê, Hà Huyền Chi, Hoàng Anh Tuấn, Hàn Mặc Tử, Kiên Giang, Lê Xuyên, Nguyễn Đình Toàn, Phạm Đình Chương, Phùng Quán, Sơn Nam, Tô Nguyệt Đình, Tạ Tỵ, Tương Phố, Trang Thế Hy, Thái Tuấn, Võ Hồng, Y Vân...

 

Giáo sư Huỳnh Như Phương nhận xét: "Càng đọc, chúng ta cần trân trọng tinh thần lao động có trách nhiệm của người chủ biên, càng trân trọng tấm lòng sâu nặng của ông đối với văn học ơ mảnh đất phương Nam. Vẫn biết công việc khôi phục diện mạo của một vùng đất đòi hỏi nỗ lực của nhiều người, nhiều thế hệ; nhưng những đóng góp như Hợp tuyển này trong thời điểm hiện nay là rất đáng quý..."

Văn Chương Việt giới thiệu bài viết của Thiên Hà về Hoàng Anh Tuấn: một đạo diễn, nhà viết kịch, nhà báo, và là nhà thơ

https://mail.google.com/mail/images/cleardot.gif

 

Bằng môt cú điện thoại từ SaiGon, nhà thơ, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn đã cho tài xế đánh xa ra tận phi trường Liên Khương đón tôi kịp lúc chiếc xe DC3 Air Việt Nam vừa hạ cánh, để đưa tôi vào thành phố Đà Lạt.

 

Đó là một ngày thượng tuần tháng Năm_một chín sáu mốt. Vừa ra khỏi phi cơ tôi có cảm giác trời Đà Lạt không giống trời Sài Gòn – Sài Gòn nóng. Đà Lạt lạnh, cách nhau một giờ bay mà không khí khác hẳn. Đã hơn mười giờ sáng mà mặt trời còn e thẹn, ẩn nấp giữa truông mây. Những vệt nắng yếu ớt mong manh trên rặng thông già không đủ xua tan màn xương mù dày đặc., không đủ chút ấm cho tâm hồn người viếng khách chưa quen với cái lạnh của xứ sở hoa anh đào.

 

Tôi khoác vội chiếc blueson bước lên xe cùng túi hành lý. Xe qua khỏi đèo Freen, ngày đã lên cao. Sương mù dần tan rạng rỡ. Nắng treo trên những cành thông vi vút như tiếng vĩ cầm rướn lên nền chỉ gió réo rắc nhặt khoan…Còn đang thả hồn theo cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng thì người tài xế đã cho xe đỗ ngay khu vực trung tâm, trước nhà hàng Changai đối diện rạp ciné Hòa Bình. Tôi chưa kịp hỏi người lái xe sao anh lại đưa tôi đến nơi này thì, nhà thơ, đạo diễn Hoàng Anh Tuần xuất hiện trông rất Tây: Cà vạt, Veston “kẻn” lắm. Phong cách Parisien ấy mà! Anh bắt tay và ôm chầm lấy tôi thắm thiết: “Nghe toa lên moa mừng, gác lại công việc bộn bề ra đây tiếp đón toa đấy!” – “Trông anh, vẫn khỏe như ngày nào. Chị và mấy cháu vui mạnh chứ? Chắc thằng Cọp lớn lắm rồi phải không? – Nhớ có lần, em đưa “người bạn nhỏ” vào nhà hàng Thanh Thế “nhậu” rất tương đắc, mỗi khi Cọp theo bố xuống Sài Gòn vui ghê.” Anh nói: “Tất cả đều yên vui, đừng hỏi nữa, sẽ gặp ngay sau đây cả mà!”. Rồi anh kéo tôi vào nhà hàng chọn một bàn có góc nhìn rộng hướng ra phía ngoài để tiện ngằm cảnh “ông đi qua bà đi lại”m vừa trò chuyện lai rai vừa “rửa mắt” cho đỡ xổn xang. Nhịp sống Đà Lạt có phần trầm mặc, êm ả dịu dàng hon Sài Gòn lúc nào cũng rộn rã tất bật.

 

Người bồi nhẹ nhàng chai Martell Cordon blue có dung lượng một ngàn mililites. Thoáng chút sững sờ tôi buộc miệng: “Sang thế hả anh!” – “Có sao đâu, lâu ngày không gặp chơi sang một tí không được sao?” – “Được thôi! Nhưng theo em, Hennessy VSOP hay Courvoisier cũng sang chán anh à!”. Họ Hoàng nghiêm sắc mặt lên giọng: “Rừng nào cọp nấy. Đà Lạt này là của moa. Bảo uống gì thì uống đó, toa không có quyền ý kiến ý cò gì ở đây nữa cả, nghe rõ không?” – “Rõ!” Cười. Anh tự tay khui rượu và rót cho tôi một tí, rót cho tôi nhiều hơn, rồi quay lại rót tiếp ly anh bằng ly tôi đúng độ pha consomason, khác nào nhà quý tộc Pháp. Tôi được nâng ly trong ngày đầu hội ngộ với Hoàng thi sĩ. Vừa nhâm nhi chạm cốc vừa trò chuyện rôm rả. Anh nói luyên thuyên hết chuyện nọ chuyện kia, thăm hỏi từng an hem văn nghệ sĩ Sài Gòn không xót một người nào anh đã quyen biết rồi, rối quay qua chất vấn tôi: “Mục đích chuyến đi Đà Lạt lần này của toa là gì?” – “Không già khác ngoài đi phép thường niên.” – Anh hỏi vặn: “Chỉ có thế thôi sao?” Biết anh đang hoài nghi điều gì, tôi giở con ách chủ bài tẩy: “Sự thật là e đi phép thường niên, nhưng theo lời mời của một-người-bạn lớn từ KonTum mới thuyên chuyển lên Đà Lạt mấy tháng nay, em lên tham cho biết cơ ngơi nhân tiện viết được gì thì viết. Ông ấy nói không viết phóng sự về đất nước con người được. Ông nói không viết phóng sự về đất nước con người thì làm thơ, viết truyên ngắn chơi chơi cũng đủ sở hụi ấy mà! Em không tiện tiết lộ danh tánh người-bạn-lớn ấy ở đây, nhưng chắc anh cũng dư biết quá đi chứ!”

 

Hoàng Anh Tuấn tỏ ra đắc ý: “Có thế, toa mới là Thiên Hà.” – “Sao anh?” – “Còn sao dầu gì nữa. Thì ra moa vừa được chỉ thị-bất-thành-văn từ ngời-bạn-lớn của toa rằng moa có trách nhiệm chu toàn cho toa suốt thới gian toa lưu lại đất Đà Lạt này.” - “Tại sao phải như vậy? Tại sao phải là anh?” – “Vì người-bạn-lớn của toa biết Hoàng Anh Tuấn này là bạn có mối liên quan mật thiết thân tình với Thiên Hà, thế thôi” – “Nhưng anh là anh của em kia mà!” – “Thì có gì khác thằng cọp con moa còn bé tí tẹo vẫn là bạn của toa đó ư!”.

 

Tôi không còn lí lẽ gì để nói thêm, đành im lặng nghĩ ngợi. Linh cảm mach bảo rằng sự có mặt của tôi tại Đà Lạt lần này không ngoài tài đạo diễn của họ Hoàng. Hệ thống lại các sự kiện từ việc người-bạn-lớn bỗng dưng mời tôi lên thăm thành phố chơi, đến chuyện anh đứng ra đón tiếp, thếch đãi sang trọng…đều do chính anh “đạo diễn” tất tần tật ngay từ đầu. Nghĩ và đoán chắc như vậy tôi bèn thăm dò: “Thật sự em rất cảm ơn anh. Nếu không có bàn tay anh nhúng vào thì làm sao an hem mình có cuộc hội ngộ này!”. Anh Tuấn cười khẩy: “Biết hết rồi phải không” Vậy là toa khá thông minh. Sỡ dĩ moa làm điều này mà không báo cho toa là vì moa biết anh em mình thằng nào cũng không khá giả nếu không nói là xơ xác. Có tiếng mà không có miếng nên moa vẽ ra chiêu buộc người-bạn-lớn của toa chi toàn bộ, cho toa khỏi mất một xu teng nào mà được tới Đà Lạt vi vu bề thế.”

Câu chuyện bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của tài tử Huy Cường. “Bạn đi với ai?” – tôi hỏi Huy Cường nhún vai: “solo!”. “Vậy thì ngồi xuống đây với tụi moa cho vui!” – Hoàng dạo diễn bảo, tài tử Huy Cường không dám từ chối, liền kéo ghế ngồi cạnh tôi. Buổi tiệc có phần xôm tụ hơn. Rượu vào lời ra rôm rả cho tới hôn hai giờ chiều khi tài xế đánh xe đến chở trước cửa mới kết thúc. Huy Cường rủ tôi về khách sạn ở cho vui, nhưng Hoàng Anh Tuấn phản đối. Anh đưa tôi về nhà anh – Ngôi biệt thự nằm trên đường yersin, số 28, cạnh nhà thờ Con Gà.

Những ngày ở đây thật ấm cùng và thoải mái. Buổi sáng Đà Lạt bắt đầu khá trưa. Sương mù tan mới có người ra phố. Trời lạnh ngủ rất ngon. Hoàng Anh Tuấn có thói quen dậy sớm hút thuốc lào, ra vườn cắt hoa đem vào, tự tay anh cắm lấy những bình hoa đâu đó xong rồi mới pha trà, pha café  hay anh em cùng nhấm nháp. Hơn tám giờ mới có xe đến đón chúng tôi xuống phố điểm tâm. Anh chọn những nơi đặc biệt ngon, rẻ. Khi thì mì quảng, cháo lòng khi thì bún bò, bánh canh, hủ tíu mì tàu, phở bắc…Thường xuên là Phở Tùng bên một cội thông xanh…

 

Không hiểu thời khóa biểu của anh thế nào, mà những ngày bên cạnh anh tại Đà Lạt này không mấy khi anh rời xa tôi. Họa hoằng lám cùng chỉ vắng vài tiếng đồng hồ trong ngày là cùng. Những lúc đó lạ nước lạ cái tôi cũng chả biết phải đi đâu. Phương tiện xê dịch hồi này tại Đà Lạt phổ biến là xe la,, xe ngựa, không hề có chiếc cysto nào vì đồi dốc quanh co ai đạp cho nổi và cũng không có xe Honda thồ (ôm) như bậy giờ. Cuối cùng chỉ có đi bộ là thượng sách. Tôi chỉ lang thang quanh bờ hồ Xuân Hương rồi quẩn quanh khu phố Hòa Bình, khhi ngồi ở café Tùng lúc ngồi ở MêKông là hai điểm hẹn do họ Hoàng chỉ định, sau khi giải quyết công việc ra anh em tiếp tục vi vút…

Buổi chiều mấy thấp. Hai chúng tôi ngồi ở café Tùng thì trời đổ mưa. Tôi lo mưa sẽ tăng độ lạnh nhưng không phải vậy. Anh Tuấn cho biết Đà Lạt mưa sẽ ấm áp hơn. Hớp một ngụm café sữa đặc nóng cảm thấy dễ chịu. Những sợi mưa đan nhau qua màn cửa kính cho tôi xúc cảm lạ thường. Nhìn bức tranh sơn dầu của Họa sĩ Vi Ý treo phí tường đối diện trong gian phòng, tôi cảm nhận được tâm hồn của người nghệ sĩ ôm đàn trong tranh. Thế là tôi ghi vội mấy câu thơ dưới tựa đề Bài Đà Lạt Tháng Năm với Hoàng Anh Tuấn trên tờ lịch ngày của quán cafe. “Trong cơn mê sảng mỏi mòn/ Ngồn ngang chăn chiếu ta còn ta thôi/ Lang thang chân bước rã rời/ Rong chơi già nửa kiếp người chưa hay/ Cho men lừa một thoáng say/ Rưng rưng hồn nhỏ gợn vài nhớ thương/ Tháng năm Đà Lạt mưa buồn/ Bâng khuâng gợn sóng hồ sương tự tình/ Ta ru ta giấc mộng lành/ SàiGòn còn nắng thủy tinh độ nào/ Em còn mắt tím vực sâu/ Hoang sơ thiên cổ ướp sầu hỗn mang/ Rất mong manh điệu nhợt vàng/ Dư âm chết yểu trên bàn tay khô/ Chợt nghe buốt giá tâm tư/ Trong ta xanh một mái mưa rũ buồn”. Anh Tuấn xem qua coi có gì chỉnh giùm em” – Anh châm thêm điếu Bastos, có vẻ đắc ý: “Toa làm thơ lục bát khá lắm không thua gì Nguyên Sa”. – “Anh đùa e chi vậy!” – “Moa nói thật mà! Nguyên Sa hồi ở bên Tây moa cũng từng chỉnh thơ lục bát cho Lủy ấy mà! Nếu toa tin tưởng cho moa đổi một từ. “Vừa” thành “Lừa” trong câu thứ năm: cho men lừa một thoáng say thay vì…vừa một thoáng say. Ok?”. Rõ là quá tuyệt vời. Chỉ một từ duy nhất được hoán đổi mà nâng giá trị bài thơ lên tầm nghệ thuật, quả chỉ có Hoàng Anh Tuấn, đáng nể thay!

Bữa cơm chiều hôm đó được thay bằng tô phở Tùng. Ông chủ hàng phở là chỗ quen biết với Cậu Hoàng nên đã ưu ái dành đặc  biệt cho anh em tôi. Biết Hoàng khoái món sữa nên ông ta bê ra hai tô tái sữa thơm lừng to tướng. Lần đấu tiên tôi biết thưởng thức món sữa dòn-dòn-sực-sực ngọn lạ cũng nhờ Hoàng thi sĩ. Sài Gòn không mấy nơi có bạn loại phở này.

 

Buổi tối, sau khi đầy bụng bởi tô phở tái sữa lạ lùng ấy, anh kéo tôi tới một vũ trường mới mở thanh lịch và âm cúng bằng một thiệp mời “VIP” permenant. Đêm cuối cùng ở Đà Lạt xuống thật sâu. Tôi bị một em ca-nhe xinh đẹp “bắt cóc” trước khi điệu kèn ô-nơ-voa chấm dứt, không biết có sự chỉ đạo của “đại ca” hay không, trong lúc chếnh choáng chả thấy Họ Hoàng đâu cả. Thôi thì đành để cho em xinh đẹp dìu từng bước thấp bước cao đến bất cứ nơi nào tùy thích…Bỗng có tiếng chân người ngoài hành lang rồi tiếng gõ cửa phòng. “Bộ cảnh sát xét tờ khai gia đình hả?”. Tôi hỏi, cô gái cười mỉm: “Làm gì có chuyện đó! Sếp đến đón anh về đấy!” Tôi nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ sáng. Cánh cửa bật mở, tôi chưa kịp tạ từ người em gái nhỏ, Hoàng thi sĩ đã khoác vai tôi ra xe về biệt thự, yersin.

 

Từ đó tôi không có dịp gặp Hoàng Anh Tuấn ở Đà Lạt nữa mà chỉ bù khú tại Sài Gòn. Có một khoảng thời gian dài sau 1972 anh có mặt thường xuyên ở Sài Gòn với tôi và nhạc sĩ Anh Việt Thu tại nhà ca sị Trường Duy trên đường Phan Thanh Giản, đối diện nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là đường Điện Biên Phủ ngang công viên Lê Văn Tám). Thời gian này hình như đạo diễn Hoàng Anh Tuấn đang chuẩn bị ráo riết thực hiện phim Xa Lộ Không Đèn. Anh Việt Thu viết xong ca khúc Sẽ Có Một Ngày, troong khi tôi vừa hoàn thành tập truyện Mặt Trời Phương Đó vừa đang xin giấy phép xuất bản, giao cho Nguyễn Vương lo việc in ấn. Một tối, trong căn phòng nhỏ của Trường Duy, chúng tôi nằm la liệt chuyện trò thì Hoàng Anh Tuấn gợi ý với anh em: “ Vừa đọc xong bản thảo, moa muốn viết lời bạt cho tập truyện của Thiên Hà, mấy toa thấy có nên không!”. Không ai bảo ai đồng thanh nên lắm chứ. Nếu được anh không ngại thì còn gì bằng!”.

 

Thế là đêm hôm đó, mọi người đều an giấc trong khi anh thức trắng loay hoay viết lời bài bạt, sáng ra đã xong với hơn bốn trang giấy học trò chưa ráo mực. Khi sách in xong chuẩn bị lo phát hành, nhà thơ Nguyễn Vương kè kè chai Hennessy rủ tôi, Anh Việt Thu mới Hoàng Anh Tuấn họp amt85 tại Hiện Đời (không có Trường Duy vì cậu ta giữ giọng không bia rượu. Chai của Nguyễn Vương chằng thấm vào đâu. Anh Việt Thu mở cốp Vespa mang vô chai Martell VSOP. Hoàng Anh Tuấn bảo “khá đấy”, rồi anh lên giọng: “Thiên Hà này, tại sao phải thật?” Tôi không hiều ý: “Thật gì anh?”. Thu và Vương cũng ngớ người chờ đợi. Anh nâng ly mời vít đê rồi mới nói: “Thì hồi chiều này tui toa đưa moa xem bản nháp tờ áp-phích có vẻ thật thà quá. Vậy là tụi toa không có nghệ thuật làm quảng cáo. ‘Tháng Giêng phát hành 3000 bản Mặt Trời Thương Đó…’ nghe yếu xiều. Phải in thế này nè: “Ồ ạt phát hành 30.000 bản…” nó mới oách”. “Nhưng thật sự tôi chỉ in có 3000” Nguyễn Vương nói, Họ Hoàng cười nửa miệng: “Thì thêm một con zero “giả” một chút có chết thằng Tây nào đâu mà các toa…sợ?”

 

Tuổi trẻ dám nghĩ dám làm. Vậy là ba thằng tôi làm theo ý đại ca, sửa lại tờ áp-phích cho dán khắp ác đường phố Sài Gòn. Không ngờ có người mai mỉa. Tình cờ tôi gặp sư Nhất Hạnh tại nhà An Tiêm, ông bắt tay tôi: “Chúc mừng 30.000 quyển sách của cậu, đến nay còn được bao nhiêu?” Cái giả bị phát hiện làm tôi chột dạ. Sau đó tôi kể lại cho Hoàng Anh Tuấn nghe nhưng anh cũng chỉ cười xòa, kèo tôi vào La Pagode uống café, xong chuyện.

 

Sau ngày Hòa Bình, ít khi gặp anh. Mọi liên lạc hầu  như cắt đứt. Mãi đến một ngày đầu tháng chín 2006 tôi mới được Thiên Như cô bạn Air VN dấu yêu của tôi một thời Sài Gòn đã từng lấy vé máy bay năm nào cho tôi đi Đà Lạt, từ Paris điện báo tin, Hoàng Anh Tuấn đã tạ thế tại SanJose. Ngậm ngùi trước lúc anh đi xa nữa vòng trái đất, nay lại ngậm ngùi thương tiếc người-anh-lớn đã vĩnh viễn đi xa ra ngoài vô cực. Tôi gửi theo anh mấy vần thơ chí tình Thương nhớ. (Bài Nhớ thương Hoàng Anh Tuấn)../.

                                         

Thiên Hà
Số lần đọc: 1678
Ngày đăng: 08.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đã Hơn 70 Năm, T.T.Kh. Và Chuyện Tình Thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” Vẫn Tươi Nguyên Màu Bí Ẩn. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Du Không Dịch “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Ra Tiếng Việt - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tế Hanh – Người Trò Chuyện Cùng Hoa Cỏ - Mai Bá Ấn
Từ “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Đến “Truyện Kiều” Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Từ Ghi Chép Về Vương Thúy Kiều Trong Minh Sứ Đến Truyện Kiều Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nhất Phiến Tài Tình Thiên Cổ Lụy - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tổ Tiên, Ông Bà Trong Tôn Giáo Nội Sinh Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long - Đinh Văn Hạnh
Bộ Nhơn Chế Ðịnh - Puggalapaññatti - Nguyễn Hồng Nhung
Tương lai Giáo hội Việt nam tại Viễn-Đông và những thánh đố của đối thoại liên văn hóa hôm nay - Nguyễn Đăng Trúc
Chất Thơ Trong Lời Văn Miếng Ngon Hà Nội Và Thương Nhớ Mười Hai Của Vũ Bằng - Chế Diễm Trâm