Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.536
 
Đêm rơi ở phía sau lưng
Nguyễn Anh Thế

 

Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã gặp ông lão ở đây. Đúng chỗ cái bến sông này. Có điều ngày đó, ở đây chưa có cây cầu bắc qua sông. Sở dĩ tôi dám chắc như vậy vì hôm đó lúc bị muộn đò, tôi cứ đứng nhìn chân chân sang cái cây cao vút đen thẫm chơ vơ bên kia bờ. Trời khi ấy đã nhờ nhợ tối. Gió rét miền trung du hất ngược từ trong núi ra lạnh ngắt, cái lạnh tịnh không có một tẹo hơi người. Khí trời xem ra cũng suýt soát hôm nay. Cái cây phía bên kia bờ không hiểu sao cứ như đang quằn quại, rên xiết. Tiếng vi vút của gió hay tiếng ma chơi khóc cười trong xó núi bay vọng ra. Thế mà cũng đã mấy năm, tôi mới lại có dịp trở lại. Mấy năm mà nơi đây chỉ có thêm một cây cầu. Cây cầu mỏng mảnh, mờ xám giữa sương khói không đèn điện, không một bóng người qua lại. Tôi cố nhìn sang phía bên kia cầu nhưng không thấy. Chỉ thấy sương khói mờ mờ. Tôi thoáng sợ hãi. Không hiểu cõi gì đây mà lắm sương khói thế. Phía bên kia dẫn đi đâu. Rõ ràng là ngày xưa, sau một đêm tá túc nhờ nhà ông lão, tôi đã đi về phía ấy mà giờ tôi không sao nhớ lại được. Phía bên kia đi đâu. Một đợt gió ào ào xô vào bờ, thốc thẳng vào mặt, luồn qua mang tai rồi trườn xuống gáy tôi. Tôi khẽ rùng mình, ngó sang bốn phía chỉ thấy trời sẫm lại thẫm đen như mực. Lạ nhỉ. Ở cái chốn khỉ ho cò gáy, bới ra cũng không có một bóng người này, người ta làm gì lại đầu tư cả một cây cầu lớn như thế chứ. Mà kể xây cũng nhanh. Ngày tôi qua đây, ông lão còn bảo bao giờ có cái cầu bắc qua chắc lão cũng chẳng sống làm gì nữa. Tôi im lặng, không dám nói một câu gì an ủi ông lão. Câu chuyện về cuộc đời ông lão kể cũng lạ. Đăng lên báo chí chẳng có ai tin. Một cơn gió nữa lại ào ạt thổi vào bờ. Cái cây lớn bên kia vẫn vật vã gào khóc. Gió thốc qua ngọn cây rú rít liên hồi. Thảo nào chiều qua tôi có nghe bản tin gió mùa đông bắc tăng cường. Nhưng vẫn không thể hình dung thứ gió ở đây lại quái quỷ đến thế. Gió gì mà như ma ám.

 

Giờ thì cây cầu cũng đã xây xong rồi. Chắc do địa thế khúc sông quãng này khấp khểnh mà cây cầu một sườn thấp, một sườn cao. Hay cũng có thể nó khẽ nghiêng vai như để thanh minh rằng mình đang miễn cưỡng phải làm cái nhiệm vụ này. Tôi ngẩng lên hoang mang nhìn bầu trời. Đêm đen kịt. Tôi chưa muốn qua cầu mà ý chừng muốn đợi ông lão. Thực ra tôi có thể rong xe thẳng vào căn lều của ông. Lều của ông nằm sát mép sông, cách bến cũ này chừng một đoạn ngắn. Lối vào vẫn kia. Cũng chẳng phải đường ngõ gì mà là đoạn cây ké nước được rẽ sang hai bên. Nếu là ban ngày chắc đứng đây tôi cũng có thể nhìn rõ ông lão đang buông vó. Khổ nỗi sương ở đây dày quá. Tấm mành sương li ti giăng kín lối nhỏ. Tôi chỉ nhìn thấy phía xa xa những hình nét không rõ lắm. Cũng chẳng biết có phải cái gọng vó cất của ông lão chổng ngược lên trời không. Ông lão chẳng bảo một năm thì chẵn ba trăm sáu mươi nhăm đêm, nếu năm nhuận thì thêm một đêm nữa ông làm cái bổn phận giời đày. Mấy chục năm như thế rồi chứ có phải ít đâu. Tôi còn hỏi thế ông không bao giờ ốm à. Ông rút cái điếu cày giắt bên thắt lưng chậm rãi dít một hơi dài, một chân dẵm vào thân vó nhấc vung cái vó cất dưới lòng sông. Khói thuốc lào phả trắng cả lòng vó. Mà không hiểu sao đêm hôm ấy khi bước chân vào căn lều của ông, ngồi trên sàn tre nhìn phóng ra thấy bầu trời sao mà xanh thế. Bầu trời cao vời vợi như bầu trời của thời thơ ấu. Tôi đã quên khuấy rằng vừa khi lỡ đò dưới bến sông trời vẫn còn vần vũ mây đen. Lạ thật. Giờ tôi mới nhớ ra chuyện ấy. Ông lão đứng ở mép nước, vai tựa vào cột tre huýt một điệu sáo kì lạ đến mức cá dưới sông từng đàn kéo đến nhảy lộn vòng trước mặt ông. Ông lão cười khà khà bảo ông là vua khúc sông này, thuồng luồng cũng phải sợ ông huống gì lũ cá nhép này. Tôi cũng cười theo ông. Cười ròn, tan dần vào sóng nước. Tôi đã dự định khi về sẽ viết một bài về ông lão kì lạ có tài gọi cá trên sông. Chắc chắn đó sẽ là bài đinh của cả số báo. Vậy mà chẳng hiểu sao sau khi về thành phố, cứ cầm bút là tôi lại không nhớ được một điều gì cả.

 

Thế mà hôm nay, đứng ở bến sông này, tôi lại nhớ mồn một như thế chứ. Tôi dựng xe vào sát lề đường ngay chân cầu đứng đợi. Tôi thật sự muốn dựng xe ở khúc giữa cây cầu, để tựa vào một thanh lan can bất kì nhìn xuống dòng sông. Việc ấy sẽ thật là tuyệt. Bốn bên là những dãy núi đá vôi xen kẽ những quả đồi thấp đầy những viên sỏi cơm đỏ như son. Nơi đây ngày trước nghe đâu cũng suýt nữa trở thành chốn kinh kì nhưng rồi chỉ vì thiếu một ngọn núi nữa là thành trăm ngọn mà vua phất áo long bào trở về vùng đất có thế rồng cuộn hổ ngồi. Có phải thế không mà núi sông ở đây cứ gào rít mãi. Hay núi sông ôm một mối hận truyền đời. Tôi nghĩ miên man về những viên sỏi cơm ở trên núi đồi kia. Có giống như một ô ăn quan bằng sỏi cơm lấm lem thứ bụi đỏ ngày xưa của tôi. Thằng em trai ngồi ở đầu bên nhềnh nhệch mép. Những viên sỏi cơm nằm trên núi đồi kia cứ im thít đã bao giờ được chạm tay người. Bao con đường khắp miền trung du tôi qua đâu cũng đầy thứ sỏi ấy. Sỏi cơm lẫn cả vào bát cơm đầu vụ. Lát nữa tôi sẽ hỏi ông lão xem bồ thóc của lão có lẫn sỏi cơm không. Mà tự nhiên tôi lại nghĩ về sỏi cơm. Sỏi cơm thậm chí chưa bao giờ được định nghĩa cơ mà. Nhưng tôi vẫn chỉ đứng ở chân cầu. Vì biết đâu đấy, cây cầu lại chẳng là một trò đùa của thị giác, một trò đùa của lũ ma sông ma núi.

 

- Cậu đang đợi ai phải không? Một giọng thì thào nhẹ như gió thoảng bay từ chốn xa xôi nào vọng lại. Một bàn tay vỗ hờ vai tôi cũng tựa như sự mơ hồ của đêm. Tôi giật thót người, tim tưởng rơi khỏi lồng ngực. Quay phắt đầu lại thấy một bà lão đang đứng ngay sau lưng mình từ bao giờ. Một bà lão già nua lắm. Cái khăn đen trùm xuống kín mặt. Tôi tự hỏi cái khăn ấy của bà lão dệt bằng thứ gì mà sao nó đen kì dị như thế. Nó trùm xuống quá mắt bà cụ chỉ để lộ ra những đường nét của một khuôn mặt u buồn. Khuôn mặt không còn tuổi tác. Hay chiếc khăn ấy dệt bằng đêm núi ở đây. Chỉ biết từ lúc tôi quay lại vẫn không hề thấy bà lão vén khăn để nhìn tôi. Rồi cả những lúc sau này nữa, chưa bao giờ bà lão vén khăn nhìn tôi. Bà lão quay lưng đi ngược con đường tôi đi qua. Sương núi đã ngập đến ngang hông chúng tôi. Tự nhiên tôi không hề có ý niệm về nó mà chỉ nghĩ rằng thủy triều đang lên. Nước và nước. Tôi sẽ bị nhấn chìm. Bà lão vẫn thản nhiên cách xa tôi. Hai chân tôi bước theo bà cụ. Đã thế thì để mặc chúng vì đằng nào tôi cũng chẳng điều khiển được chúng nữa. Xung quanh tôi đêm rơi lã chã. Đêm rơi từng cụm, từng cụm lúc nhẹ bẫng thảnh thơi như một bản tình ca ngọt ngào, khi vun vút, dữ tợn như một trận mưa đá đầu mùa. Chỉ có bà cụ và tôi vẫn đang đi dưới đêm. Không còn tiếng gió rít, không còn tiếng chim núi lảnh lót. Thậm chí tôi đã không nghe thấy tiếng tôi thở nữa. Dưới mặt sông, bầy cá bất chợt lao tung tóe lên khỏi mặt nước. Càng ngày càng nhiều và tôi mừng rỡ nhận ra những con cá ngày xưa kéo đến nhảy lộn vòng trước mặt tôi và ông lão ngoài hiên lán. Nhưng những con cá ấy đã trắng cả một chòm râu cằm. Hình như chúng đã yếu lắm rồi. Nhảy lên chừng hai ba bận đón chào tôi rồi mất hẳn. Cảm giác như tôi vừa mất đi những người bạn thân thiết nhất. Có lẽ lũ cá đang nhao nhao trắng bạc cả khúc sông kia là con cháu của chúng được cử đến thay chúng. Đời cá mà cũng mong manh quá vậy. Tôi nhìn xuống lòng sông một lần nữa và mừng rõ thấy ông lão đang mỉm cười. Những con cá thật khéo. Chúng vừa nhảy nhót vừa xắp xếp lại thành hình khuôn mặt ông cười rung động cả quãng sông. Có điều những lớp sóng bị xô động thành ra khuôn mặt ông lão giờ nhiều nếp nhăn quá. Bà lão quay mặt lại. Bầy cá lặng lẽ tản đi. Khuôn mặt ông lão mất một bên tai, một bên mắt, một nửa nụ cười nữa, những chiếc răng và rồi ông lão biến mất hẳn. Đêm cũng đã rơi xuống đến lòng sông. Phía sau lưng tôi, lòng sông đen kịt, quạnh quẽ.

 

Thì ra là một bà lão bán hàng nước đêm. Bà ngồi xuống cái ghế tựa bằng gỗ, cỡ nhỏ nhưng đã bị gãy một đoạn thanh ngang phía sau. Hàng nước của bà vẻn vẹn có một tích nước vối, dăm cái kẹo lạc, vài cái chén đã xỉn màu đặt trên một cái chõng tre. Hàng nước cách chân cầu có vài bước chân nhưng hơi thụt vào một hõm núi. Lưng bà cụ đã còng gập. Mà thật lạ cái hõm núi ấy đúng vừa phần lưng còng của bà cụ. Thành ra bà cụ ngồi rót nước mà tôi có cảm giác rằng bà cụ đang cõng cả trái núi trên lưng. Tôi đã không nhìn thấy bà cụ khi đi qua đây. Thậm chí tôi đã đứng thẩn thơ ở chân cầu này cả tiếng đồng hồ mà cũng chẳng hề thấy bà cụ. Đó là một sự kì lạ. Mặc kệ cho nét mặt đăm chiêu suy nghĩ của tôi, bà cụ vẫn thản nhiên rót nước. Chén nước chè đặc quánh phả lên miệng từng quầng hơi màu trắng đục làm màn sương xung quanh rúng động đôi chút. Có điều đã lâu lắm không có môi người chạm vào miệng chén thì phải. Miệng chén không cáu bẩn nhưng lạnh lẽo và rạn nứt. Thứ ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn của bà cụ cũng thật kỳ lạ. Thứ ánh sáng màu xanh ngọc bích nhấp nháy đều đặn như nhịp thở của một sinh vật đang bị giam cầm thoi thóp trong những tấm tam phong. Tôi chợt nhớ đến những con đom đóm. Ngày xưa, tôi cũng đã từng bắt những con đom đóm nhốt vào rất nhiều lọ thủy tinh rồi để quên đâu đó. Có phải vì thế mà đom đóm bây giờ đã tuyệt chủng trong ký ức con người. Chẳng có ai lại tự nhiên nghĩ về con đom đóm cả. Con người không cần đom đóm và chúng cũng đã bay đi. Mãi sau, bà lão mới cất giọng:

 

- Tôi để ý thấy chú đứng ở chân cầu từ chập tối. Hình như chú đang đợi ai? Thấy trời lạnh tôi gọi mấy lần nhưng chú không nghe thấy!

 

- Vâng! Cháu đợi một người bạn đã lâu lắm rồi không gặp. Nhưng có lẽ đêm nay ông ấy không đến.

 

- Một ông lão?

 

- Vâng! Ông lão cụt một cánh tay. Sao cụ biết ạ?

 

Bà cụ không trả lời câu hỏi của tôi mà im lặng rót đầy chén nước giục tôi uống cho ấm người. Câu chuyện rời rạc càng làm đêm vắng tịch mịch. Tôi bỗng thấy mình nên ra đi. Chắc cũng khuya rồi. Trời im gió. Sương vẫn giăng và lạnh nhưng trăng đã lấp ló phía đầu ngọn núi. Lòng sông êm ả, bình thản trôi. Lũ cá chắc cũng đã về nhà để kể cho ông bà chúng nghe về người bạn ngày xưa của họ. Tôi cũng đã đợi những không thấy ông lão đâu nữa. Thế thì tôi còn ở đây, giữa núi rừng hoang vắng với một bà cụ xa lạ làm gì? Mà cũng khuya rồi sao bà cụ chưa dọn hàng? Núi rừng hun hút thế này, bà cụ dọn hàng về đâu chứ? Tôi nhìn sang bà cụ thấy tấm lưng bà lún sâu vào lòng núi. Tấm áo nâu hòa lẫn vào màu đất. Tôi định bụng đứng dậy chào bà cụ ra đi nhưng không nhấc chân đứng dậy được. Tôi hoảng sợ thấy mình đang bay lên. Toàn thân tôi nhẹ bẫng. Tôi lại thấy mình đứng ở chân cầu. Dưới lòng sông, đàn cá lại xuất hiện. Lần này, chúng nhảy múa những điệu kì lạ, ma quái. Khuôn mặt ông lão hiện lên dữ tợn. Ở phía bên kia, một cảnh tượng kì dị khiến tôi kinh hoàng. Một cái đầu của bà lão mọc ra từ ngọn núi trước một cái bàn gỗ đen xỉn. Cái đầu trùm khăn gần kín mặt, bất động. Đối diện là tôi gày gò mệt mỏi. Hai tay xốc vào túm tóc rối bù cúi gằm mặt. Trên bàn có duy nhất một ngọn đèn xanh lét lập lòe, lập lòe. Ngọn đèn…ngọn đèn bằng những con đom đóm mà ngày xưa tôi nhốt trong lọ thủy tinh rồi bỏ quên mất. Thế là tôi đang sám hối chăng? Hình như tôi đã nhìn thấy một bức tranh như thế trong một buổi triển lãm tranh trong thành phố với chủ đề “Âm phủ”.

 

Giờ thì tôi biết mình đã ốm. Hai tai tôi bắt đầu vang lên những tiếng u u như tiếng sáo diều. Tôi thấy mình biến thành một tấm mảng nhện trong căn phòng trống. Ở phía dưới, một gã đao phủ đang liên hồi đánh vào mặt trống cùng với tiếng cười man rợ. Âm thanh hỗn loạn làm con nhện cái ở giữa tấm mạng giãy giụa kinh hãi. Mỗi khi tấm mạng nhện rung lên, đầu tôi lại muốn nổ tung. Những luồn hơi nóng từ bên trong người tôi đang phụt lên như một ngọn núi lửa tuôn trào trong khi gió bên ngoài lùa qua áo lại khiến chân tay tôi rét run lẩy bẩy. Chốn hoang vu này đúng là rừng thiêng nước độc.

 

Bà lão lần hai ba lớp túi mới móc được lọ dầu hiệu con hổ có mùi hăng hắc đưa cho tôi. Tôi lẩy bẩy mở nắp, cậy một cục xoa bóp từ gáy xuống mang tai rồi luồn cả vào xoa khắp trong người.

 

- Không khéo là cậu bị trúng gió rồi đấy. Tôi là tôi lúc nào cũng phải có lọ dầu trong người. Cậu đợi ông lão nào nhỉ?

 

- Cháu đợi ông lão ngày xưa cháu lỡ đò vào nghỉ nhờ một đêm. Mà ngày ấy còn chưa có cây cầu đằng kia cơ cụ ạ! Tôi chỉ tay về phía cây cầu vẫn dang mập mờ thoắt ẩn thoắt hiện trong sương.

 

- Cây cầu ở đằng kia? Bà lão rướn người nhìn theo tôi với vẻ mặt nghi hoặc.

 

- Vâng! Cây cầu nối hai bờ sông ấy. Mà sao ở chỗ này, người ta cũng xây cây cầu lớn như vậy cụ nhỉ!

 

Bà cụ lặng lẽ rót nước, thở dài không trả lời câu hỏi của tôi.

 

Tôi nghĩ bà cụ chắc không hứng thú với câu chuyện của mình nên im lặng một lát ý chừng không muốn kể tiếp. Dầu con hổ lúc này đã có tác dụng. Toàn thân tôi nóng ran lên. Thêm vài ngụm nước chè thấy trong người nhiệt độ cũng đã điều hòa hơn. Tôi ngửa cổ nhìn lên trời thấy trăng đã treo tít ở đằng xa.

 

- Anh đi đâu mà qua đây giữa đêm hôm thế này?

 

- Cháu đi tìm để viết về ông lão có tài gọi cá trên sông cụ ạ.

 

- Người đâu mà lạ nhỉ, gọi được cá trên sông.

 

- Ngày trước khi không có cây cầu ấy, tôi lại chỉ tay về phía cây cầu, à mà cụ bán nước ở đây đã lâu chưa?

 

- Già cũng chẳng nhớ nữa. Chắc cũng lâu lắm rồi.

 

- Thế ngày đó, cụ có thấy một ông lão hay đứng đợi người lỡ đò trong đêm ở bến sông không?

Tôi đã từng hỏi tên ông lão. Ông lão cười buồn nói giờ ta là vua của khúc sông này rồi. Chẳng còn ai nhớ đến ta nữa. Trong đêm, nằm trên sàn tre trong túp lều của ông lão, một bên bếp lửa đốt bằng thân cây nứa lép bép, một bên nước sông vỗ vào hốc đã đánh roạp, cứ thế ông lão kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của ông.

 

Có lẽ một người con gái đẹp có đôi mắt u buồn bao giờ cũng là khởi nguồn cho những nỗi bất hạnh. Ông lão đã từng là một người lính, một người lính đánh nam dẹp bắc. Tôi đã muốn biết quê ông nhưng ông lão ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu. Ông bảo ngôi làng của ông nằm vẻn vẹn trên một quả đồi giữa vùng trung du yên bình. Tách đôi ngôi làng có một con suối nhỏ nằm vắt từ sườn núi bên này sang bên kia. Nước trong văn vắt vờn nhẹ những viên đá cuội trắng. Cây cầu bắc qua con suối là một thân gỗ khổng lồ đầy rêu mốc. Hai bên suối, thảm cỏ xanh ngắt kéo dài mãi về phía rừng dẻ xào xạc. Ông lão cùng những đứa bạn mục đồng trong làng dong đàn trâu đi qua con suối trở về từ những ngọn đồi xa. Ngôi làng của ông là ngôi làng không tên, không tuổi. Một ngôi làng trong kí ức giống như ngôi làng có những người đàn bà trưa hè giặt chiếu dọc bến ao làng tôi. Với tôi, tiếng mõ trâu lốc cốc ám ảnh ông lão cũng như thế tiếng đòn càn đập vào những manh chiếu vang lên giữa trưa hè. Ông lão ngồi ở mép lều, khua chân trong nước. Tôi nhìn ông lão mà thấy hiện lên hình ảnh đứa bé mục đồng hồn nhiên ngồi bên cây cầu bắc qua con suối.

 

Một ngày ông lão trở về, có thể là một ngày nghỉ phép, ông đã vượt qua biết bao nhiêu ngọn đồi, lội qua hàng trăm con suối nhưng không thể nào tìm thấy con suối có một cây gỗ khổng lồ bắc qua, không có một đàn trẻ mục đồng nào dong trâu trong buổi chiều tà. Cuối cùng, khi đôi chân đã tê dại, ông dừng lại ở một ngọn đồi chết nham nhở vết bom đạn. Những hố bom đủ các kích cỡ như những hốc mắt rỉ ra thứ nước đỏ như máu.

 

Nhìn khuôn mặt ông lão dưới ánh trăng tôi biết những kỷ niệm đang làm ông xúc động mạnh. Dưới hai mi mắt của ông khẽ giật nhẹ. Dưới chân ông, nước sóng sánh. Tôi nhìn xuống và khẽ reo lên kinh ngạc khi thấy bức tranh một ngọn đồi có con suối vắt ngang qua với cây cầu rêu mốc. Những bà cụ ngồi ở bậc cửa nhai trầu. Những đứa trẻ đuổi nhau chạy khắp đường làng. Thậm chí cả những cô gái đi gánh nước suối nói cười tíu tít. Một ngôi làng sống động thu nhỏ dưới lòng sông ngay trước mắt ông lão. Một ngôi làng dưới ánh trăng vàng ruộm. Thấy có tiếng động, cả ngôi làng rùng mình rồi tản ra hàng vạn con cá đủ các kích cỡ màu sắc. Ông lão với tay vào góc lán vốc một vốc tấm gạo rải đều xuống mặt sông.

 

Những cuộc hành quân triền miên đi hết cả thời trai trẻ của ông lão. Đi qua những giết chóc, bom đạn, máu và nước mắt, ông lão đã gặp người con gái đẹp có đôi mắt u buồn. Ngôi làng ấy ở một vùng thung lũng trù phú phía bên kia con sông. Ông lão chỉ tay về phía những đám mây chờn vờn quanh một ngọn núi. Người con gái ít nói vẫn đưa cơm cho ông ở một căn hầm nhỏ phía cuối làng. Sau khi giải phóng được ngôi làng, ông lão lại phải ra đi. Hai người chưa bao giờ nói với nhau một câu thề hẹn. Nhưng ông lão biết người con gái đó sẽ chờ đợi ông.

 

Vài thanh nứa cuối nổ lép bép chực tắt lửa. Ông lão dừng câu chuyện, bình thản nhóm những cây nứa mới. Lửa bùng cháy sáng bừng khuôn mặt ông lão. Tôi nhìn thật kỹ khuôn mặt ông nhưng không thể nào đoán được tuổi của ông. Ông trở về chỗ mép lán, rút chiếc điếu cày dít một hơi thuốc dài rồi phả xuống lòng sông tạo thành một lớp sương bàng bạc quấn lấy khuôn mặt người con gái mà bầy cá vừa ghép thành. Khung cảnh liêu trai làm trào dâng trong tôi những xúc cảm lạ lùng.

 

- Cháu còn nhớ như in khuôn mặt người con gái có một thẹo nhỏ phía dưới cằm cũng giống như của cụ. Tôi nhìn kĩ lại thấy vết thẹo nhỏ phía cằm bà cụ ánh lên bàng bạc phía sau một lớp sương mờ vừa bay qua như lần ông lão phả khói thuốc xuống lòng sông. Bà cụ giật mình, có vẻ gì đó luống cuống giây lát kéo tấm khăn che kín vết thẹo.

 

- Chắc chú nhìn nhầm thôi. Tôi làm gì có vết thẹo nào đâu. Tôi dụi dụi mắt nhìn lại thì thấy đúng là cằm bà lão vết thẹo đã biến mất.

 

- Dạ…dạ! cháu xin lỗi cụ. Chắc là tại cháu hình dung thấy khuôn mặt người con gái rõ quá. Nhưng công nhận rằng cô gái đó đẹp cụ ạ. Chỉ có điều, đôi mắt không hiểu sao lại rất buồn.

 

Bà cụ hơi rướn người với tay lấy chén nước của tôi. Chén nước chè nguội từ bao giờ. Bà cụ đổ nhẹ xuống sườn núi rồi rót một chén khác từ ấm tích vẫn ủ trong vỏ dừa.

 

Chiến tranh rồi cũng qua đi. Ông lão trở về ngôi làng của cô gái trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu. Một cánh tay đã bỏ lại chiến trường. Lũ trẻ con chạy theo anh bộ đội từ phía đầu làng. Vừa đi chúng vừa reo hò. Người con gái vẫn đẹp như xưa. Nhìn thấy anh, đôi mắt cô thảng thốt, đôi chân khuỵu xuống. Cô kiên quyết đợi anh bỏ mặc thời xuân sắc đi qua. Anh về ở tạm nhà cô gái vì bố cô giờ đã làm chủ nhiệm hợp tác xã. Ông lão đã nghĩ đến một chốn bình yên ở nơi này sau những năm tháng bom đạn. Ông lão ngồi yên không kể tiếp. Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông rúm lại trong buồn khủng khiếp. Phía dưới đàn cá thôi không xếp hình nữa mà nằm im bất động.

 

Tôi nhóm tiếp những thanh nứa vào bếp lửa. Ông lão châm tiếp một điếu thuốc như thể không phải để hút mà để lấy sức kể tiếp.

 

Ông lão ra đi cũng không lâu sau đó. Người con gái có đôi mắt thảng thốt chạy theo mãi đến đầu làng. Ông lão bảo chắc cô ấy đã căm giận tôi lắm. Tôi đã đánh cắp tuổi xuân của cô ấy rồi lại bỏ rơi cô ấy.

 

- Cô gái ấy đã khóc triền miên hàng trăm đêm đến lòa cả hai mắt. Bất chợt giọng bà lão uất nghẹn cắt ngang câu chuyện của tôi.

Tôi ngạc nhiên nhìn bà cụ. Tấm khăn vẫn che kín gần hết mặt nhưng không dấu được hai giọt nước mắt bị ánh trăng chiếu vào lấp lóa.

 

- À! Đấy là tôi nghe người trong vùng này kể lại. Bà cụ đưa tay vờ vén lại tấm khăn để lau hai giọt nước mắt rồi lại ngồi tựa vào sườn núi.

 

Bố của cô gái, một ông chủ nhiệm hợp tác xã căm tức người thương binh đã khiến con gái ông chờ đợi đến già nua. Ông đã nói chuyện riêng với người thương binh. Tất cả được che đây bằng một câu chuyện nhẹ nhàng, lo lắng bằng giọng nói đầy ân tình. Ông bảo chiến tranh đạn lửa như thế, thấy cậu trở về tôi mừng lắm. Con gái tôi nó đợi cậu nửa đời người giờ đã có chỗ dựa. Nhưng biết đâu đấy, cậu nên đi khám xem có việc gì không đã rồi hẵng làm đám cưới. Đích thân ông chủ nhiệm đã đèo người thương binh lên tận phố huyện để khám. Người thương binh chết đứng khi nhận kết quả vô sinh từ tay người bác sĩ.

 

Tôi nhấp một ngụm nước chè. Bà lão tựa hẳn người vào thành núi, người cứng như khúc gỗ. Tôi giật mình hỏi:

 

- Cụ có sao không ạ?

 

- Anh ta đã không bao giờ nói cho cô gái biết về điều đó. Bà cụ thở khó nhọc.

 

- Vâng ạ! Bố của cô gái muốn anh thương binh yên lặng.

 

Ông lão đã đến bến sông này từ ngày đó. Ông dựng một cái lán nhỏ bên mép sông làm bạn với bầy cá. Ngày con sông này còn chưa có cây cầu, đêm nào ông cũng ra đợi những người lỡ chuyến đò về lán của ông nghỉ qua đêm. Ông lão bảo tôi rằng cuộc đời của ông và của người con gái ông yêu là một cuộc đời lỡ chuyến đò dài. Ông muốn làm cái việc giúp những người lỡ chuyến đò qua sông, dù chỉ là những chuyến đò ngắn trong cuộc đời. Ông lão lấy đó làm niềm vui cho quãng đời còn lại. Tôi nhìn cây cầu phía xa xa. Cây cầu dưới ánh trăng rõ mồn một nhưng lại có một vẻ gì xa xôi, huyền hoặc. Có cây cầu rồi, không biết ông lão sẽ làm gì những đêm như thế này.

 

Ông lão thở dài, ngồi xuống ven bếp lửa, uống một ngụm chè nóng rồi đứng dậy nhấc vung chiếc vó. Trong lòng vó, những con cá nhỏ, trắng bạc nhảy lách tách. Ông lão túm lòng tấm lưới hất ngược lũ cá ra sông. Tôi cứ nghĩ câu chuyện về cuộc đời của ông lão đã dừng lại ở đó. Ông lão lại trở lại chỗ ngồi.

 

Có một lần đêm đã khuya lắm, ông lão định trở về lán thì có một người vừa đi đến bến sông. Người đàn ông thảng thốt nhìn bến sông hoang vắng. Ông lão đến mời người đàn ông về lán của mình đợi mai có đò hãy đi. Người kia giật nảy mình, người co rúm lại, lật bật đi theo ông lão trong im lặng. Mãi khi những ngọn lửa từ thanh nứa bật lên bừng sáng, ông lão mới nhận ra người bác sĩ khám bệnh cho mình năm xưa. Trong đêm hôm ấy, sau khi nghe xong câu chuyện về cuộc đời của ông lão, người đàn ông đã khóc và van xin ông lão tha tội. Ngày xưa, chỉ vì một ít tiền mà anh ta đã cố tình nói sai kết quả khám bệnh của người thương binh. Ông lão chết lặng người. Người bác sĩ đã kể lại cho ông lão nghe về cuộc đời của người con gái đẹp lỡ thì có đôi mắt u buồn. Sau khi ông lão ra đi, cô gái khóc đến mù cả hai mắt. Bố cô, ông chủ nhiệm vô cùng căm giận đã ép gả cô cho một gã đồ tể trong xã. Trong đêm trở dạ, cô và đứa con đã chết trong tay chính người bác sĩ khám cho anh thương binh năm xưa.

 

Câu chuyện của tôi kết thúc một lúc lâu mà bà lão vẫn ngồi tựa lưng vào núi. Tôi nhìn bà cụ như chìm hẳn vào trong núi. Khuôn mặt của bà dù chỉ còn hiện lên những đường nét bất động nhưng thảng thốt. Vết thẹo phía cằm bà cụ lại hiện lên rõ hơn bao giờ hết. Không phải ánh trăng mà từ ngọn đèn soi rõ. Tôi kinh ngạc. Vừa khi nãy, nó biến mất cơ mà.

 

- Ông lão đã mất từ lâu lắm rồi. Ông lão nhảy xuống dòng sông để về với đàn cá của ông. Có lẽ sau cái đêm gặp người bác sĩ ấy. Bà lão lẩm bẩm.

 

- Không thể như thế được. Cháu mới gặp ông lão mấy năm trước mà! Tôi thảng thốt.

 

- Khi tôi đến đây, người ta đã kể lại như thế rồi. Tôi cũng muốn thay ông ấy tiếp tục đón những người khách lỡ độ đường.

 

Tôi muốn mượn bà lão lọ dầu cao hổ. Chắc chỗ dầu khi nãy tôi xoa giờ đã hết tác dụng. Người tôi lạnh ngắt nhưng tôi không thể đưa tay ra được. Trán tôi lại nóng bừng, trong đầu vang lên những tiếng âm u như tiếng gào khóc của núi rừng. Tối thấy hình ảnh của bà cụ méo mó dần. Trong những tiếng u mê, tôi thấy mình đang chạy. Tôi ngồi trên xe máy lao về phía cây cầu. Tôi phải đi thôi. Những tiếng gọi của bà lão hình như là muốn can ngăn một cái gì đó đuổi theo ở phía sau lưng tôi. Nhưng tôi nghe không rõ. Xe vẫn lao vun vút về phía cây cầu. Bất chợt cây cầu tan ra thành những cụm mây nhỏ. Tôi thấy mình rơi xuống. Ở bên dưới, bầy cá đông đến kì lạ. Chúng đang xếp thành hình của những người đàn bà giặt chiếu dọc cái áo làng ấu thơ của tôi. Đúng là những người đàn bà quê tôi rồi. Kì lạ thật. Tôi reo lên vui sướng. Vậy mà những người đàn bà vẫn lặng lẽ như không hề nghe thấy. Trong giây lát, tôi có một cảm giác mất mát kinh khủng. Nhưng dù sao, bầy cá đã hiểu tôi. Vậy là, tôi sắp về với chúng.

 

Tôi chỉ kịp nhìn quay lại một lần và thấy đêm đang rơi vun vút phía sau lưng. Từng mảng đêm sụt lún như những ngôi nhà trong thành phố sập đổ trong một cơn động đất. Tôi đã cố gắng nhìn qua những mảng đêm đen kịt đang rơi kia những không thấy bà cụ với ngọn đèn đom đóm đâu nữa. Tôi nhìn xuống và mỉm cười. Đêm đã rơi đầy ở phía sau lưng.

 

(Hà Đông 23/03/2009)

 

Nguyễn Anh Thế
Số lần đọc: 1468
Ngày đăng: 09.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi người - Sâm Thương
Qua Sông - Đặng Kim Côn
Thế Lính Hoàng Sa - Hòa Văn
Hy Sinh - Phan Ngọc Danh
Trôi Theo Dòng Đời - Diệp Hồng Phương
Ông Năm Khướu - Nguyễn Đình Phư
Hai Bé Gái Chơi Bán Hàng Và Thằng Nhóc “Đầu Đinh” - Phạm Nga
Mép Nước - Chế Diễm Trâm
Bức tường và đứa bé - Trần Hạ Tháp
Ngôi Nhà Trên Sườn Núi - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Vườn mê 1 (truyện ngắn)
Chẫu chàng (truyện ngắn)
Vợ người (truyện ngắn)
Con đường bụi đỏ (truyện ngắn)
Vườn mê 2 (truyện ngắn)
Cò Quăm (truyện ngắn)