Nhóm chính diện bán hàng rong đàng hoàng, được thủ lĩnh Việt hướng dẫn phải đi học chữ, học nghề để vươn lên như anh đã từng bỏ nghề ăn cướp. Một người đàn ông và hai thanh niên Việt kiều Mỹ về nước tìm người thân đã yêu thương, giúp đỡ đám trẻ này, trong sự đối đầu của vợ người đàn ông ấy chỉ quí tiền.
Cuối cùng người đàn bà hối lỗi, người đàn ông nhận một đứa trẻ mù là con gái để không làm vỡ giấc mơ của cô bé... Còn Việt, cậu thanh niên lai Mỹ, biết vươn lên, bỏ qua oán hận, thực hiện giấc mơ của mình: nhìn nhận người cha Mỹ trong hạnh phúc tin rằng anh là đứa con từ tình yêu...
Nội dung không mới, lại sa nhiều vào chuyện đôi co của nhóm trẻ để lấy tiếng cười, phần đầu của kịch khá dàn trải. Bù lại câu chuyện có cái nhìn thật nhân hậu đánh động lòng người, đó chính là sức hút của phần sau vở kịch. Đám trẻ ấy có sự khôn ranh, láu cá của đời sống đường phố nhưng bản chất không xấu. Cảnh chúng đùm bọc nhau khiến người xem thật cảm động.
Nhưng hơn hết, trong mỗi trái tim non trẻ ấy luôn cháy bỏng khao khát có được tình thương của cha mẹ mà đêm đêm mỗi đứa đều mơ. Nhiều giọt nước mắt đã rơi vì thương, chứ không giận Bồng dám mạo nhận đứa con thất lạc rồi bị phát hiện. Bởi những gì Bồng nói chân thành quá, tha thiết quá, vì đó chính là tình cảm thật, khao khát thật của một kẻ không cha mẹ, không nhà.
Đây là cảnh xúc động nhất, đáng giá nhất vở, cho thấy khả năng của Thanh Phương càng lúc càng tiến xa, diễn xuất càng đa dạng. Vào vai Việt, Chi Bảo cũng sinh động hơn những vai diễn trước đây khá nhiều. Thành Lộc, Kim Xuân, Ngọc Trinh, Hương Giang vẫn trụ rất tốt trong vai trò của mình như trước nay. Vở diễn được đầu tư khá công phu với những màn hát - múa - kịch sở trường của IDECAF.
HÒA BÌNH