Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.667
 
Người Bạn Vong Niên
Trương Hoàng Minh

 

Tôi quen với một cô gái trong một dịp tình cờ. Cô ấy khá thông minh, nhỏ hơn tôi hai mươi hai tuổi. Mới trao đổi với nhau vài tiếng đồng hồ vậy mà cô ấy mạnh dạn đề nghị được làm bạn với tôi, bạn vong niên. Nếu chỉ có thế thôi thì không có gì để nói. Vài tháng sau cô ấy lại đưa ra một đề nghị khác khiến tôi bối rối vô cùng. Chuyện như sau.

 

X

 

Cái sân trước cửa nhà tôi bị trũng thấp. Vào mùa sa mưa nước nổi nhiều chỗ đọng nước, bùn sình chèm nhẹp rất dơ dáy, rất bất tiện cho việc ra vô và phơi phong đồ đạc. Lũ cháu nội ngoại cũng không có chỗ chơi đùa nên tối ngày cứ lẩn quẩn trong nhà, chạy nhảy rần rật, la ó điếc tai đôi khi cũng bực mình. Tôi bèn kêu ghe cát đến bôm lên cho bằng phẳng, cao ráo.

 

Sau khi có được cái sân bằng phẳng cao ráo, những cái bất tiện trước kia của tôi và gia đình đều biến mất. Nào ngờ, cái cũ tiêu vong thì cái mới phát sinh, bất tiện không còn nhưng phiền toái lại đến. Mùa nắng cát khô, cát theo gió bay vào nhà bám đầy trên sàn, mặt bàn ghế, giường tủ và bất cứ vật dụng nào khác, rờ vào nhám xì nhám xịt. Để cát không bay vào nhà, mỗi sáng tôi phải lấy thùng vòi xuống mương xách nước tưới cho cát yêm. Nhưng, đó chỉ là biện pháp tình thế vì chỉ vài giờ sau cát lại khô, lại theo gió bay búa xua vào nhà. Chỉ có cách duy nhất là lót gạch hoặc tráng xi măng mới khắc phục được, vợ tôi mới không quét tước lau chùi ngày hai ba lần.

 

Một hôm, sau khi tưới xong cái sân, tôi và bé Khả-cháu nội tôi-vào ngồi nghỉ mệt bên bàn nước kê dưới gốc cây nhãn. Khả nhìn ra đường, nói với tôi:

 

-Nội, ai vô nhà mình kìa nội?

 

Tôi ngước lên nhìn. Một cô gái to con cao ráo , đầu đội mũ bảo hiểm, mang kính mát, khẩu trang, mặc quần jean và áo khoát từ ngoài đường đi vào. Đến gần chỗ ông cháu tôi, cô gái lột kính mát và khẩu trang, gật đầu chào tôi, nói tự nhiên:

 

-Chú ơi! Chú làm ơn ra đạp chiếc xe dùm con đi chú?

 

-Xe cháu sao vậy? Tôi hỏi cô gái.

 

-Xe con đươn chạy bỗng nhiên nghe rồ rồ rồi tắt máy, cứng ngắc, con đạp hoài hổng được

 

Tôi mỉm cười nói:

 

-Cháu còn trẻ khoẻ mà đạp không nổi thì tôi chắc cũng bó tay. Thôi được, để tôi kêu con trai tôi ra đạp dùm cho. Tôi quay qua biểu đứa cháu nội. Khả, con vô kêu cha ra đạp chiếc xe dùm cô đi con.

Khả dạ rồi chạy vù vào nhà. Tôi mời cô gái ngồi xuống ghế nhưng cô ấy không ngồi mà đứng nhìn vào nhà có ý chờ đợi con trai tôi. Lát sau, con trai tôi cùng cô gái đi ra chỗ chiếc xe hư. Ông cháu tôi cũng lót tót theo coi.

Con trai tôi mò mẫm chỉnh sửa mãi mà chiếc xe vẫn không nổ máy. Cuối cùng nó kết luận chiếc xe có thể bị “lột dên” phải cần đến thợ sửa mới được. Cô gái hỏi con trai tôi:

 

-Ở gần đây có tiệm sửa xe không anh?

Con trai tôi gật đầu:

 

-Có, nhưng chỉ vá vỏ ruột và sửa chữa những trục trặc hư hỏng nhỏ còn xe chị phải ra chợ Trà Ôn mới sửa được, mới có phụ tùng thay thế.

 

-Gần tới chợ Trà Ôn chưa anh?

 

-Cách khoảng hai cây số, đi về hướng nầy, đến ngã ba quẹo phải.

Cô gái nhìn theo hướng con trai tôi chỉ, nhìn chiếc xe và tỏ ra lo lắng. Cô ấy lo lắng cũng phải. Dẫn chiếc tay ga nặng nề đi trên hai cây số dưới ánh nắng chói chan lại phải qua cầu Sóc Tro rồi cầu Trà Ôn thì sức vóc thanh niên còn đuối huống gì một cô gái, dù cô ấy khá to con, cao ráo. Cô gái năn nỉ con trai tôi:

-Anh làm ơn dẫn chiếc xe ra chợ dùm em đi anh? Đây ra ngoải trên hai cây số, trời nắng chói chan, em mà dẫn ra tới ngoải chắc em chết mất!

Trước thái độ chân thành và lời khẩn cầu tha thiết của cô gái, tôi nghĩ con trai tôi sẽ thương hại, xiêu lòng. Tôi động viên thêm:

 

-Cô ấy nói phải đó con? Còn qua hai cây cầu lớn nữa?

Có tôi hỗ trợ, cô gái tiếp tục năn nỉ:

 

-Giúp dùm em đi anh? Anh ăn công bao nhiêu em trả bấy nhiêu?

Con trai tôi lắc đầu:

 

-Không cần đâu! Tôi có thằng bạn thân sửa xe ngoài chợ tay nghề giỏi lắm, để tôi điện thoại kêu nó đem đồ nghề vô sửa dùm chị.

 

Cô gái mừng rối rít:

 

-Trời ơi! Được vậy thì hay biết mấy! Anh gọi anh ấy đi anh, mọi chi phí em đều chịu hết, tiền công em sẽ trả gấp đôi.

 

Tiền rất cần thiết trong cuộc sống, nhưng, có những cái không thể mua bằng tiền, có những việc không thể giải quyết bằng tiền và có những người không hề tham tiền. Người đó là con trai tôi. Nó lấy lòng đo lòng, tự đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của cô gái, thấy được khó khăn và nỗi khổ của cô ấy nên thông cảm và sẻ chia cùng cô ấy. Tuy nhiên, mình cần người ta chứ người ta không cần mình, cho nên, nếu siêng năng huởn rảnh thì người ta đến giúp mình, còn làm biếng hoặc bận việc thì người ta từ chối. Tôi nói với con trai tôi:

 

-Không phải ai cũng có lòng từ bi, có tâm bồ tát, cảm nhận được khổ nạn của chúng sinh, sẳn sàng cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Con không nên gọi điện thoại mà hãy lấy xe ra rước chú thợ để tỏ lòng thành thật và tôn trọng chú ấy hoạ chăng chú ấy mới vô.

 

Trước khi con trai tôi đi rước thợ, tôi biểu nó ra đường dẫn chiếc xe vào hàng ba và hái vài chùm nhãn đãi cô gái.

 

X

 

Trong lúc chờ con trai tôi rước thợ vào sửa chiếc xe, tôi mời Loan-tên cô gái-vào nhà nghỉ nhưng Loan nói ở ngoài sân cho mát rồi bước đến ngồi xuống ghế đối diện tôi. Biết chắc chắn Loan không uống nước trà, tôi sai Khả vào nhà lấy ly và chai nước nấu chín mời Loan uống. Loan lột mũ bảo hiểm để cạnh chân, cởi áo khoác vắt ngang đùi, ngước nhìn mặt trời, tay phe phẩy chiếc khẩu trang, nói:

 

-Mới giờ nầy mà nóng khủng khiếp!

 

Thái độ tự nhiên của Loan làm tôi hơi khó xử. Loan bày trước mắt tôi một phần bộ ngực căng phồng, thấy cả cái rảnh giữa hai cái vú. Nếu nhìn thẳng vào Loan thì bất lịch sự, còn tránh né lại sợ Loan nghĩ mình xấu tính. Đúng vậy, Loan đã không e dè sao mình lại ngại ngùng? Ngại ngùng tránh né tức là có tính xấu. Không để Loan đánh giá thấp, tôi nhìn thẳng vào Loan, rót nước ra ly, mời:

 

-Chợ xa, nhà không có nước đá nước ngọt, mời cháu dùng tạm ly nước nấu chín cho đỡ khát.

 

Loan nhìn chai nước, gật đầu nói cám ơn rồi bưng ly nước uống ngon lành. Để cái ly không xuống bàn, Loan vui vẻ, nói:

 

-Được chú và anh trai giúp đỡ tận tình con đâu dám đòi hỏi gì hơn. Vả lại, con rất dễ tính, hễ đói thì ăn, khát thì uống, đồ ăn thức uống gì cũng được miễn no bụng, đã khát, hợp vệ sinh và không có hại cho sức khoẻ.

 

Tôi mỉm cười:

 

-Đơn giản thế à?

 

Loan gật đầu:

 

-Dạ! Càng giản dị càng ít phiền toái chú ạ.

Có thật sự giản dị hay miễn cưỡng thì chưa biết được vì trong hoàn cảnh nầy không thể không giản dị, không thể không miễn cưỡng. Tôi nghĩ. Xã hội muôn màu muôn vẻ, nếu cứ nhìn bề ngoài rồi đánh giá thì rất dễ bị sai lầm.

 

Đã có không ít kẻ lừa đảo đội lốt thượng lưu, trí thức, doanh nhân...lường gạt cả các cơ quan nhà nước. Đã có không ít công ty, xí nghiệp nhà xưởng qui mô, hoành tráng nhưng thiếu nợ như chúa chổm, sắp vỡ nợ hoặc đang đứng cheo leo bên bờ vực phá sản. Đã có không ít người nhà cửa khang trang, xe máy hai ba chiếc nhưng vẫn chạy gạo hàng ngày. Chính vì thế mà tôi nghi ngờ, không tin cô gái trẻ đẹp, gợi cảm, lắm tiền đang ngồi trước mặt tôi lại có nếp sống giản dị, dễ tính? Mà thôi! Một người khách bất đắc dĩ chợt đến chợt đi thì nghĩ đến chuyện ấy làm gì?

 

Tôi nhìn Loan, hỏi:

 

-Hình như cháu mới tới đây lần đầu nên không rành đường đi cho lắm?

Loan đưa tay kéo cổ áo lên một chút, đáp:

 

-Dạ! Con ở thành phố Vĩnh Long đi đám cưới nhỏ bạn thời sinh viên ở chợ Trà Ôn. Lần đầu tiên đi đường nầy lại bị chiếc xe nó vật. Con cũng sơ ý. Hồi sáng chỉ đổ xăng chớ không thăm nhớt mới bị “lột dên”. Tình hình nầy chắc sửa lâu lắm hả chú?

 

Tôi gật đầu. Loan đưa tay xem đồng hồ. Tôi đề nghị:

 

-Nếu sợ trễ giờ dự tiệc cháu có thể lấy xe của con tôi đi, cứ để xe cháu ở đây cho thợ sửa, dự tiệc xong chắc xe sửa cũng xong, nhất cử lưỡng tiện, cháu nghĩ sao?

 

-Cám ơn chú. Mới hơn tám giờ, đám cưới mời 11 giờ, tới  trễ chút đỉnh cũng không sao miễn mình có mặt nói đôi lời chúc mừng tụi nó là được rồi. Bộ hồi sáng ở đây có mưa sao cái sân ướt mẹp vậy chú?

 

Tôi chưa kịp trả lời thì bé Khả đứng cạnh Loan vọt miệng nói:

 

-Hổng có mưa cô ơi! Con với ông nội tưới đó. Sáng nào con với ông nội cũng xách mấy chục thùng nước tưới cho cát yêm không bay vô nhà.

 

Tôi tiếp lời Khả giải thích cho Loan nghe. Loan kéo Khả vào lòng, vuốt ve, nựng nịu và hết lời khen ngợi nó.

 

X

 

Con trai tôi rước thợ về tới. Loan rạng rỡ hẳn lên, nắm tay bé Khả và rủ tôi đi lại chỗ họ, nói đôi lời khách sáo hoa mỹ rồi nhờ Khả đi mua thuốc lá cho họ hút. Đứng xem thợ sửa một hồi, tôi cùng Loan và bé Khả trở lại bàn ngồi, tiếp tục trò chuyện. Loan hỏi:

 

-Anh trai là con lớn của chú? Ảnh được bao nhiêu tuổi rồi chú?

 

Tôi gật đầu:

 

-Năm nay nó ba mươi.

 

-Còn chú?

 

-Tôi năm mươi bốn.

 

-Chú nhỏ hơn ba con mười sáu tuổi, con lớn hơn anh trai hai tuổi. Hồi nãy con nghe chú nói với anh trai “không phải ai cũng có lòng từ bi, có tâm bồ tát”, hai từ nầy con nghe nhiều lần nhưng không hiểu nghĩa, chú có thể giải thích cho con hiểu được không chú?

 

-Đâu có gì khó mà không được. Nếu cháu muốn biết tôi sẽ nói cho cháu biết. Đây là hai từ phật học. Lòng từ bi là quan tâm giúp đỡ, thương yêu sẻ chia bất hạnh khổ đau với người hoạn nạn tai ương. Nếu chỉ quan tâm giúp đỡ mà không thương yêu sẻ chia thì chỉ có từ chứ chưa có bi. Kết hợp hai yếu tố đó trong cùng một hành động mới thành lòng từ bi. Bồ tát là người đã giác ngộ nhưng chưa thành phật cũng không về cõi niết bàn mà tự nguyện ở lại thế giới ta bà cứu độ chúng sanh. Cho nên tâm bồ tát là tâm vì mọi người, bao dung, độ lượng, không phận biệt già trẻ, gái trai, sang hèn, thiện ác.

 

Loan có vẻ đăm chiêu tư lự, bưng ly nước uống thêm rồi đưa mắt nhìn quanh, khen vườn nhà tôi rộng rãi thoáng mát sạch đẹp. Tôi đề nghị Loan đi ra sau vườn tham quan, thư giản để giết thì giờ chờ đợi thợ sửa xe. Loan vui vẻ đứng dậy, vắt áo khoát lên cành nhãn, đưa hai tay vuốt đầu và cột lại mái tóc phía sau. Cái áo ngắn rút lên khỏi lưng quần một khoảng khá rộng. Loan làm tự nhiên nhưng tôi không được tự nhiên, đưa tầm mắt tránh xa… “vùng nhạy cảm”! Buộc tóc xong, Loan vuốt sửa lại quần áo rồi nắm tay bé Khả cùng đi với tôi ra sau vườn.

 

Sau khi hỏi thăm tôi về gia đình, về công việc làm vườn, mức thu nhập và vài việc linh tinh, Loan chuyển câu chuyện sang hướng khác:

 

-Ở nông thôn bầu không khí còn khá trong lành, chú chỉ bị cái sân nhỏ gây phiền toái  nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, còn ở thành phố tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ, bụi bặm khói xe đầy đặc, ngột ngạt khó thở. Phụ nữ nước mình hiện giờ như phụ nữ các nước  theo đạo Hồi, mỗi khi ra đường phải che mặt kín mít nhưng không phải do luật lệ tôn giáo bắt buộc mà do ô nhiễm môi trường. Tục ngữ có câu “trai tài gái sắc”, “trai khôn tìm vợ chợ đông” nhưng con nghĩ có sắc để làm gì khi ra đường, ra chợ không ai biết mình xấu hay đẹp, thậm chí bạn bè thân thiết đôi khi còn không nhận ra mình? Theo chú thì lỗi tại ai mà phụ nữ tụi con phải gánh lấy hậu quả?

 

Tôi bật cười trước thái độ hờn dỗi khơi khơi nhưng khá dễ thương của Loan. Thái độ nầy cũng vô tình hé lộ điều mà tôi đã nghi ngờ và muốn biết về cô ấy.

 

-Dĩ nhiên là do con người làm ra -tôi nói- nhưng, tôi nghĩ hậu quả không nghiêm trọng như cháu nói mà cũng không chỉ phụ nữ mới bị thiệt thòi nhiều nhất. Bằng chứng là vẫn có tôi thấy cháu đẹp mà còn đẹp lộng lẫy nữa thì lo gì không có trai tài, trai khôn chen lấn chờ đợi bắt lấy quả cầu cháu gieo?

Loan cười bẽn lẽn:

 

-Chú!...Chú chọc Loan hoài. Loan đổi cách xưng hô. Chú làm như Loan là công chúa không bằng. Nhưng, dù được làm công chúa Loan cũng không làm đâu vì công chúa không có quyền chọn phò mã. Gieo cầu cũng không do mình chọn lại rất nguy hiểm. Nếu quả cầu không rơi vào tay đấng trượng phu, người khoa bảng mà rơi vào tay đứa thất phu hay đồ vô loại thì…chết còn sướng hơn? Loan nghĩ, chọn bạn trăm năm cũng như chọn một món ăn, một bộ đồ. Món ăn hợp khẩu vị ăn mới ngon, bộ đồ đẹp mắt mặc mới thích, phải hôn chú?

 

Thật bất ngờ! Chỉ là lời nói đùa của tôi mà cái ẩn số tôi muốn tìm đã hiển hiện, bản tính thật của Loạn đã phơi bày. Cô ấy không hề đơn giản và dễ tính chút nào, lại khá ích kỷ! Cô ấy chẳng những miễn cưỡng mà còn màu mè đặng lấy lòng tôi. Lão tử nói:”tri bất tri thượng”  nghĩa là biết mà làm như không biết mới cao. Tôi gật đầu đồng tình:

 

-Chí phải! Miễn cưỡng sẽ không có hạnh phúc. Tiện thể chú cũng nói thêm điều nầy. Hồi nãy Loan nói Loan dễ tính và sống giản dị, đây là hai đức tính tốt rất được lòng người, rất ít bị phiền toái. Tuy nhiên, cái gì cũng có chừng có mực. Người đời thường nói đạo đức quá thành ra giả dối, khiêm tốn quá thành ra nhu nhược cho nên chú nghĩ giản dị dễ dãi quá cũng có thể thành ra cẩu thả, Loan thấy thế nào?

Loan bỗng kêu tên tôi “chú Phương” rồi đứng lại. Tôi cũng đứng lại. Loan nhìn thật sâu vào mắt tôi, nói nhỏ nhẹ:

 

-Chú Phương! Gặp tai nạn dọc đường là điều xui rủi nhưng gặp được chú lại là điều may mắn. Trong cái rủi có cái may, nếu sự cố xảy ra chỗ khác chắc chắn không có cuộc hội ngộ hôm nay? Có lẽ định mệnh đã sắp bày như thế? Ân tình nầy Loan sẽ không bao giờ quên.

 

Loan đưa mắt nhìn xa xăm, hình như chờ tôi lên tiếng. Nhưng, Loan thay đổi thái độ đột ngột khiến tôi lúng túng, chưa biết phản ứng thế nào thì Loan quay lại, nói tiếp:

 

-Chú Phương! Loan sanh ra và lớn lên trong gia đình giàu có, ba Loan là nhà doanh nghiệp, ông chỉ dạy Loan cách thức làm ăn thế nào cho có lãi, bí quyết làm giàu thế nào cho nhanh, cạnh tranh thế nào để giành thị phần lớn, quảng cáo thế nào để thu hút nhiều khách hàng chứ chưa dạy Loan đạo lý làm người. Do đó, Loan chỉ nghĩ đến bản thân, sống cho riêng mình, không biết đến cảm nhận của người khác. Chú mới dạy Loan  đạo lý làm người, nhờ chú Loan mới biết thế nào là lòng từ bi, là tâm bồ tát, là sống chân thật và giản dị. Dù gặp chú lần đầu và trong thời gian ngắn ngủi nhưng Loan rất cảm kích nếp sống và cách nghĩ cách làm của chú, xem chú như người thầy. Nếu chú không chê, Loan xin nhận chú làm sư phụ hay chí ít cũng là người bạn tri kỷ  tri âm?

Tôi cười giã lã trước đề nghị của Loan:

 

-Loan khiêm nhường quá rồi! Giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn ai cũng làm được chứ không riêng mình chú. Hơn nữa, chú có tốn kém gì đâu mà Loan nói ơn với nghĩa. Loan lại quá khen chú nhưng chú thấy mình chưa xứng đáng nhận những lời khen ngợi của Loan cho nên chú nghĩ làm bạn với Loan thì có thể được còn làm thầy thì chú thật tình không dám. Mong Loan thông cảm, hiểu cho.

Loan vỗ tay tíu tít:

 

-Hoan hô chú! Vậy đi hén chú!  Được làm bạn với chú cũng là vinh hạnh của Loan. Một người gìa một người trẻ làm bạn với nhau người ta gọi là…là bạn vong niên, phải hôn chú?

Tôi gật đầu nói phải.

 

X

Hơn 10 giờ chiếc xe sửa xong. Dự tiệc cưới về Loan lại ghé nhà tôi chơi đến chiều mát mới về Vĩnh Long. Tôi tặng Loan một số trái cây làm quà sơ giao. Sau lần đó Loan còn xuống chơi với tôi nhiều lần nữa. Lần nào xuống cũng mang quà biếu lủ khủ và luôn quấn quít bên tôi trò chuyện, hết hỏi chuyện đời đến chuyện đạo, rất thích thú khi nghe tôi nói về triết lý phật giáo, về thuyết nhân quả nghiệp báo luân hồi. Không xuống được thì điện thoại hỏi thăm.Tình cảm cùng sự ưu ái, quyến luyến mà Loan dành cho tôi có phần đặc biệt hơn tình bạn bình thường khiến con dâu tôi nghi ngờ. Nó nói với tôi trước mặt vợ tôi và chồng nó:

 

-Ba ơi! Con nói thiệt với ba là con không bao giờ kêu…chị Loan bằng “dì” đâu nghen. Cái nào ra cái đó, nếu con không nói trước ba sẽ cho con hỗn láo.

Tôi nghiêm chỉnh:

 

-Con nghĩ xa quá rồi, Linh? Ba với cô ấy chỉ là bạn thôi mà!

 

Nào ngờ, lời của con dâu tôi lại trở thành lời tiên tri. Ít lâu sau, Loan gởi cho tôi một thư điện tử với lời phát biểu táo bạo làm tôi giật mình :”Từ ngày gặp nhau đến giờ Loan cảm thấy giữa chúng mình có mối quan hệ nhân quả từ kiếp trước và mối quan hệ đó hình như không phải quan hệ thầy trò hay bè bạn mà là quan hệ vợ chồng. Phương nghĩ sao về điều nầy?” .

 

Tôi cũng không biết phải thấy thế nào và nghĩ ra sao!./

 

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 1899
Ngày đăng: 13.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm rơi ở phía sau lưng - Nguyễn Anh Thế
Chuyện chàng cốc sĩ - Huỳnh Văn Úc
Cõi người - Sâm Thương
Qua Sông - Đặng Kim Côn
Thế Lính Hoàng Sa - Hòa Văn
Hy Sinh - Phan Ngọc Danh
Trôi Theo Dòng Đời - Diệp Hồng Phương
Ông Năm Khướu - Nguyễn Đình Phư
Hai Bé Gái Chơi Bán Hàng Và Thằng Nhóc “Đầu Đinh” - Phạm Nga
Mép Nước - Chế Diễm Trâm
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)