Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.458
 
Kinh Tế Phật giáo 2
Quán Như Phạm Văn Minh

 

Chương Hai

Tuyên Ngôn Kinh tế Phật Giáo

 

 

Một trong những bước căn bản của Bát Chánh Ðạo là Chính Mệnh. Chính Mệnh do đó phải chứa đựng những ý niệm căn bản của Kinh Tế Phật Giáo.

 

Các quốc gia theo Phật Giáo thường ngỏ ý muốn duy trì và trung thành với những giá trị truyền thống và họ không thấy có sự xung đột nào giữa giá trị tôn giáo và tiến bộ kinh tế. Sự thanh tịnh về tâm linh và sự đầy đủ về vật chất không trái ngược nhau, nhưng bổ túc cho nhau một cách tự nhiên.” (1) Hay trong một câu nói khác: “chúng tôi có thể hoà nhập những giá trị tôn giáo và tâm linh trong truyền thống với những lợi ích của kỹ thuật hiện đại.” (2) Hoặc một ý kiến khác nữa: “nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là thực hiện những giấc mơ và hành động đúng theo tín ngưỡng. Ðó là những gì mà chúng ta luôn luôn cố gắng thực hiện.” (3)

 

Nhưng chánh quyền trong các quốc gia đang phát triển nghĩ là họ có thể mô phỏng những kế hoạch phát triển kinh tế theo mô thức của kinh tế hiện đại và thường mời các chuyên viên kinh tế từ các nước tiến bộ đến làm cố vấn và thiết lập những những chánh sách và mô thức phát triển kinh tế vĩ đại, như Kế Hoạch Năm Năm, hay muốn gọi tên gì đó cũng được. Không có một nhà lãnh đạo nào chịu nghĩ là lối sống của Phật Tử có thể đưa đến một kinh tế Phật Giáo, cũng như lối sống hưởng thụ vật chất ở Tây Phương đương nhiên đưa đến nền kinh tế hiện đại.

 

Cũng như những chuyên viên ở các ngành khác, các nhà kinh tế thường mắc phải một chứng bịnh ‘mù lòa siêu hình.’ Họ nghĩ kinh tế là một khoa học tuyệt đối bất biến, không hề phụ thuộc vào một giả định hay tiền đề nào. Có nhiều nhà kinh tế còn đi xa hơn nữa và tuyên bố những định luật về kinh tế hoàn toàn không dính líu gì đến ‘siêu hình’ hay ‘giá trị’ và cũng hiển nhìên như các định luật về trọng lực. Chúng ta không cần phải bàn cải những lập luận về phương pháp luận này làm gì. Chúng ta thử xem các nhà kinh tế hiện đại và nhà kinh tế Phật Giáo đã có những quan niệm kinh tế căn bản khác nhau như thế nào.

 

Hầu như ai cũng đều đồng ý nguồn gốc căn bản của sự giàu có là lao động. Các nhà kinh tế hiện đại cho nhân công hay lao động không gì hơn là một ‘sự xấu cần thiết’. Theo quan điểm của chủ nhân, nhân công chỉ là một mục trong phần phí tổn kinh tế, và nếu không thể hoàn toàn loại bỏ được, phải làm thế nào giảm lao động xuống một mức tối thiểu, ví dụ như áp dụng phương pháp tự động hoá bằng máy móc. Theo quan điểm của công nhân, lao động là một bất tiện không thể tránh được. Làm việc có nghĩa là hy sinh thời giờ giải trí và nghỉ ngơi thoải mái, và do đó lương bỗng là một sự bồi thường cho sự hy sinh này. Ðối với chủ nhân, lý tưởng nhứt là làm thế nào vẫn tạo ra sản phẩm mà không cần đến nhiều công nhân, và đối với công nhân, lý tưởng nhứt là làm thế nào để có lợi tức mà không cần làm việc.

 

Về mặt lý thuyết cũng như thực hành, các thái độ này tất nhiên gây ra những hậu quả rộng lớn. Công nhân muốn tránh khỏi phải làm việc còn chủ nhân muốn tìm mọi phương pháp để làm giảm số lượng nhân công. Một trong những phương pháp hiệu quả nhứt, ngoài phương pháp tự động hóa toàn bộ, là phương pháp sản xuất dây chuyền. Một thí dụ cổ điển là xưởng sản xuất kim găm mà Adam Smith khen ngợi trong tác phẩm Sự Giàu Có của Những Quốc Gia. Ðây không phải là sự phân công theo khả năng chuyên môn thường thấy trong lịch sử nhân loại, mà là sự phân chia công việc ra đến mức nhỏ nhứt và nhờ đó hàng hóa có thể sản xuất nhanh chóng và nhân công không còn đóng một vai trò quan trọng có ý nghĩa nào, và trong nhiều trường hợp, chỉ còn làm những động tác tay chân không cần đến một kỹ năng đặc biệt nào.

 

Theo quan điểm Phật Giáo, lao động có ít nhất ba tác dụng chính đối với con người. Thứ nhất, lao động giúp con người có cơ hội sử dụng và phát triển khả năng của mình. Thứ hai, lao động giúp con người vượt qua được tinh thần chấp ngã để hợp tác với người khác trong những công việc chung. Thứ ba, lao động sản xuất hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho sự sống còn của mọi người. Quan niệm về lao động của Phật Giáo dĩ nhiên cũng có những hậu quả sâu rộng.  Nếu lao động được sử dụng theo một mô thức mà trong đó con người chỉ làm những công việc vô nghĩa, chán chường, phi lý, hay căng thẳng, đối với các nhà kinh tế Phật Giáo đây hầu như là một tội ác. Khi quan niệm lao động theo kiểu này, các nhà kinh tế chỉ chú trọng đến sản phẩm thay vì quan tâm đến con người, thiếu lòng nhân đạo và làm hủy hoại tâm linh, khiến con người chỉ bám chặt vào những khía cạnh sống sơ khai (nhu cầu tiêu thụ). Cũng thế, những người chỉ chú trọng đến việc tìm cách giải trí và không muốn làm việc, đã ngộ nhận về những sự thực căn bản trong sự sinh tồn của con người. Lao động và giải trí là hai phần hổ tương trong quá trình sống và không thể tách biệt nhau mà không làm hủy hoại niềm vui khi làm việc và sự thích thú khi nghỉ ngơi.

 

Theo đạo Phật, cần phải phân biệt hai phương pháp máy móc hóa việc làm.  Cách thứ nhứt làm tăng khả năng và quyền lực của con người, trong khi cách thứ hai biến công việc làm của con người thành những hành động nô lệ máy móc và đẩy con người vào vị thế phục vụ các nô lệ (tức người hưởng thụ). Làm thế nào để phân biệt loại này với loại kia?  Nhà kinh tế Ananda Coomaraswamy, một người có khả năng thảo luận về kinh tế hiện đại Tây Phương  cũng như  kinh tế truyền thống Ðông Phương, nói: “Nếu hoàn cảnh cho phép, một người thợ thủ công nghệ luôn luôn có thể phân biệt sự khác biệt tế nhị giữa một cái máy và một dụng cụ. Khung dệt thảm là một dụng cụ, một bộ phận làm căng các sợi thảm cong được các ngón tay của người thợ dệt đưa vào khung, trong máy khi dệt là một cái máy và điều quan trọng là máy móc đã phá hủy văn hóa vì đã thay thế hầu hết những phần việc của con người. (5)

 

Kinh tế Phật Giáo hiển nhiên khác với kinh tế của chủ nghĩa vật chất hiện đại, bởi vì đạo Phật xem yếu tính của văn hoá không phải là phát triển lòng ham muốn vô hạn của con người, nhưng khuyến khích con người tu tập cho tâm thanh tịnh. Phần lớn tâm tính con người cũng do việc làm của người đó hình thành. Nếu làm việc trong những mô thức mà phẩm giá và tự do được tôn trọng, người sản xuất cũng như sản phẩm đều đáng được trân quý. Triết gia kiêm kinh tế gia Ấn Ðộ, J. G. Kurmarappa, tóm tắt như sau:

 

“ Nếu bản chất lao động được trân trọng và áp dụng đúng cách, lao động đóng vai trò của một thứ thực phẩm cần thiết cho sự phát triển tâm linh cũng như thực phẩm cần thiết cho sự phát triển cơ thể. Lao động nuôi dưỡng và phục hoạt con người cao thượng và thúc đẩy họ thực hiện những điều tốt nhất mà khả năng của họ cho phép. Lao động hướng dẫn ý chí tự do theo con đường thiện và kềm chế những bản năng thú vật còn sót lại trong người. Lao động cung cấp một nền tảng tốt đẹp cho một người để họ phát hiện bực thang giá trị và phát triển nhân cách.” (6)

 

Nếu không thể tìm ra được việc làm, một người sẽ lâm vào một tình trạng tuyệt vọng, không những vì anh ta không có lợi tức để sinh sống, anh ta còn thiếu những yếu tố dinh dưỡng tâm linh trong công tác lao động mà không có gì có thể thay thế được. Một nhà kinh tế học hiện đại có thể tính toán bằng những công thức tinh vi để xem một hệ thống kinh tế trong đó tất cả mọi người đều có việc làm có “lợi’ không, so với một nền kinh tế trong đó có một số người thất nghiệp. Theo các nhà kinh tế hiện đại, nền kinh tế có một số người thất nghiệp có lợi hơn vì lao động di động dễ dàng (người thất nghiệp ít kén chọn chỗ làm và phải chấp nhận làm việc trong các ngành nghề khác) và lương bỗng được quân bình hơn (những người thất nghiệp không đòi hỏi lương cao khi xin việc!) vân vân..Tiêu chuẩn căn bản mà nhà kinh tế hiện đại dùng để đo lường mức độ thành công là số lượng hàng hóa sản xuất trong một thời kỳ nào đó. Giáo sư Galbraith tuyên bố trong tác phẩm The Effluent Society như sau: “nếu mức cần thiết của hàng hóa thấp, mức cần thiết để thâu dụng người công nhân cuối cùng, hay một triệu người công nhân cuối cùng, cũng thấp.” (7) Hoặc một ý kiến khác: “Nếu…chúng ta có khả năng duy trì nạn thất nghiệp- một đề nghị bảo thủ- điều đó có thể là một điều lợi cho xã hội, vì chúng ta có khả năng cung cấp hàng hoá cho những người thất nghiệp (qua hệ thống an sinh) để họ có thể hưởng những tiện nghi với mức sống căn bản.”

 

Theo quan điểm Phật Giáo, đây là thái độ đứng ngược đầu vì hàng hoá được xem là quan trọng hơn con người và tiêu thụ quan trọng hơn những hoạt động lao động sáng tạo. Mối quan tâm đối với thợ thuyền được chuyển thành mối quan tâm đến sản phẩm; mối quan tâm về tâm linh của con người chuyển sang những yếu tố thấp kém và đây là một thái độ đầu hàng những thế lực đen tối. Ðiểm khởi đầu của một nền kinh tế Phật Giáo là tạo ra công ăn việc làm cho tất cả mọi người, và trước tiên là tạo công ăn việc làm cho những người cần có một công việc bên ngoài. Kinh tế Phật Giáo không nhằm tăng gia tối đa số công việc làm để tăng tối đa số lượng sản phẩm. Ví dụ như phụ nữ thường không cần có công việc làm bên ngoài. Việc thâu dụng một số lớn phụ nữ trong các cơ xưởng hay văn phòng được xem như là một thất bại kinh tế. Nhất là khi có nhiều phụ nữ có con nhỏ nhưng vẫn phải làm việc tại các cơ xưởng, trong khi con cái bị thả chạy rong ngoài đường không có ai săn sóc, theo quan điểm kinh tế Phật Giáo, đây là một hành động ‘phi kinh tế’, tương tự như thái độ của các nhà kinh tế hiện đại xem việc bắt một người thợ có tay nghề cao đi lính là một hành động ‘phi kinh tế.’

 

Trong khi những người theo chủ nghĩa vật chất chỉ quan tâm đến hàng hóa, quan tâm chính của người Phật Tử là vấn đề giải thoát. Tuy nhiên Phật Giáo luôn chủ trương một con đường Trung Ðạo, nên không phản đối một đời sống đầy đủ về vật chất. Không phải tài sản ngăn cản chúng ta giải thoát nhưng chính là thái độ bám víu vào tài sản. Không phải sự hưởng thụ những thú vui trần thế ngăn cản chúng ta giải thoát mà chính lòng ham muốn lặn ngụp trong các thú vui này. Do đó, điểm trọng yếu nhất của một nền kinh tế Phật Giáo là sự giản dịbất bạo động.

 

Ðối với một nhà kinh tế, điều đáng chú ý trong lối sống của người Phật tử là tính cách hợp lý- chỉ cần một ít phương tiện tối thiểu có thể giúp họ hạnh phúc.

 

Ðiều này có thể rất khó hiểu đối với một nhà kinh tế hiện đại. Các nhà kinh tế này có thói quen đo lường mức sống bằng số lượng sản phẩm tiêu thụ hàng năm, với giả định là một người tiêu thụ nhiều giàu có (và hạnh phúc) hơn một người tiêu thụ ít. Kinh tế Phật Giáo xem phương pháp này hết sức phi lý, vì tiêu thụ chỉ là một phương tiện duy trì đời sống và mục tiêu của kinh tế Phật Giáo là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu sống với mức tiêu thụ có hiệu quả. Ví dụ như mục đích của y phục là nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ở mức thoải mái và làm người mặc thêm đẹp và duyên dáng. Ðiều chính yếu là làm thế nào để đạt đến mục đích này với nổ lực tối thiểu, nghĩa là làm sao đề quần áo lâu hư và may những kiểu y phục giản dị it tốn công nhứt. Càng ít tốn công thì con người càng có nhiều thì giờ và năng lực dành cho những công việc sáng tạo nghệ thuật (và tu tập tâm linh). Những y phục kiểu cách như các bộ đồ lớn kiểu Tây Phương là một sự phí phạm, vì y phục vẫn có thể quyến rũ mà chỉ cần một ít vải vóc chưa may cắt khéo léo quấn quanh thân mình. May y phục bằng những hàng vải mau sờn rách là một chuyện làm phí phạm và mặc y phục xấu xí, lôi thôi và bủn xỉn cũng là một điều thiếu văn minh. Tất cả những gì vừa nói về việc sản xuất y phục có thể nói về tất cả những nhu cầu khác của con người. Tài sản và tiêu thụ chỉ là những phương tiện để đạt tới một số mục đích, và kinh tế Phật Giáo được định nghĩa như là một hệ thống nghiên cứu quy mô để tìm ra những phương cách thỏa mãn những mục đích mong muốn bằng những phương tiện tối thiểu.   

 

Các nhà kinh tế hiện đại ngược lại xem tiêu thụ như là một mục đích chủ yếu và duy nhứt của tất cả các hoạt động kinh tế. Ðối với họ các yếu tố sản xuất như đất đai, lao động và tư bản đều là những phương tiện. Nói tóm lại, mục đích của kinh tế Phật Giáo nhằm tăng mức thỏa mãn nhu cầu tối đa với một mô thức tiêu thụ hữu hiệu, trong khi các nhà kinh tế hiện đại nhằm tăng tối đa mức nhu cầu tiêu thụ bằng những mô thức sản xuất hữu hiệu nhứt. Ai cũng thấy là nổ lực cần thiết để duy trì một lối sống với một mô thức tiêu thụ hữu hiệu sẽ ít hơn là những nổ lực nhằm duy trì một lối sống ham muốn tiêu thụ vô hạn. Cho nên không ai ngạc nhiên khi thấy lối sống ở các quốc gia đang phát triển ít căng thẳng hơn là đời sống ở những quốc gia tân tiến như Mỹ, mặc dù số lượng máy móc thay thế lao động ở các quôc gia đang phát triển chỉ bằng một phần rất nhỏ của các các quốc gia tiến bộ kỹ thuật.

 

Hai yếu tố giản dị và bất bạo động có liên hệ mật thiết với nhau. Trong mô thức tiêu thụ hữu hiệu, sự thỏa mãn của con người lên một mức cao mặc dù với mức tiêu thụ tương đối thấp, đời sống ít bị áp lực và căng thẳng, và con người có thể đủ điều kiện thực hành những nguyên tắc đạo đức căn bản của Ðạo Phật: “Ngưng làm điều ác, cố gắng làm điều lành, thanh lọc tâm ý.” Vì tài nguyên trên thế giới có giới hạn, nếu thỏa mãn nhu cầu bằng cách sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm sẽ tạo ra ít tranh chấp hơn là những người sống phụ thuộc hoàn toàn vào mức tiêu thụ tài nguyên lớn. Cũng thế, các dân tộc sống tự túc trong những cộng đồng địa phương sẽ ít liên hệ đến những vụ bạo động lớn lao như những dân tộc mà đời sống tùy thuộc vào một hệ thống mậu dịch toàn cầu.

 

Do đó theo kinh tế Phật Giáo, dùng tài nguyên địa phương để sản xuất hàng hoá đáp ứng với nhu cầu địa phương là một phương pháp hợp lý nhứt của đời sống kinh tế. Sống tùy thuộc vào những hàng hóa nhập cảng hay sản xuất hàng hóa xuất cảng sang các nước xa lạ là hoạt động kinh tế kém hợp lý và chỉ có thể biện chính được trong một vài trường hợp bất thường và chỉ nên xảy ra ở một tầm mức nhỏ. Cũng giống như nhà kinh tế hiện đại cho rằng nếu một công nhân sống cách sở làm quá xa và tốn nhiều thì giờ di chuyển, là một điều không hay và không phản ảnh một mức sống cao. Ðối với một nhà kinh tế Phật Giáo, thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ bằng những hàng hóa sản xuất từ những nơi xa thay vì các nơi gần, biểu hiện cho một sự thất bại, chớ không phải là sự thành công về mặt kinh tế. Nhà kinh tế hiện đại thường dùng các con số thống kê về mức tăng gia tỷ lệ số lượng hàng hóa trên mỗi đầu người của dân chúng như là một bằng chứng của tiến bộ kinh tế, trong khi nhà kinh tế Phật Giáo, con số thống kê này biểu hiện một sự suy thoái trầm trọng đáng tiếc của mô thức tiêu thụ.   

 

Một sự khác biệt đáng kể khác giữa kinh tế hiện đại và kinh tế Phật Giáo là cách sử dụng tài nguyên. Bertrand de Jiouvenet, một nhà triết lý-chánh trị nổi tiếng của Pháp, đã định nghĩa về “con người Tây Phương” bằng những lời lẽ có thể đem mô tả đúng hình ảnh của một nhà kinh tế hiện đại:

 

Ðối với anh, không có gì được kể như là chi phí, ngoài lao động. Anh ta không hề để ý đến bao nhiêu khoáng sản mà anh đã phung phí, và tệ hơn nữa, bao nhiêu loại sinh vật mà anh đã hủy diệt. Anh không nhận thấy là đời sống con người tùy thuộc vào môi trường sinh sống chứa đựng bao nhiêu là loài hữu tình. Phần lớn dân chúng hiện sống ở những thành phố, nơi con người chỉ còn liên hệ với đồng loại và hoàn toàn sống cách biệt với (thiên nhiên) và những sinh vật khác, cảm tưởng liên hệ giữa con người và môi trường sống không còn có thể hồi phục được nữa. Do đó con người càng ngày càng đối xử phũ phàng và tàn hại một cách không nương tay đối với những tài nguyên khác. Con người không biết là đời sống của họ tùy thuộc nặng nề vào những yếu tố như nước và cây cối.” (8)

 

Ðức Phật dạy đệ tử phải kính trọng và đối xử bất bạo động không những với các loài hữu tình, mà Ngài còn nhắc nhở các đệ tử không được làm thiệt hại cây cỏ. Các đệ tử được khuyến khích phải trồng cây một vài năm một lần, săn sóc cho đến khi cây trưởng thành và tự sống được. Nhà kinh tế Phật Giáo có thể chứng minh một cách dễ dàng là nếu ai cũng thực hành điều này, một quốc gia có thể phát triển một nền kinh tế thực sự độc lập mà không cần đến ngoại viện. Tất cả những suy đồi về mặt kinh tế ở các nước Ðông Nam Á hiện nay (hay các nước khác trên thế giới) chắc chắn là do chánh sách phá hủy các rừng cây một cách thô bạo. 

 

Các nhà kinh tế hiện đại không phân biệt giữa các nhiên liệu có thể tái tạo và không tái tạo, vì họ dựa vào phương pháp tính toán và định lượng hóa tất cả mọi nhiên liệu bằng tiền. Các nhà kinh tế hiện đại không để ý đến sự khác nhau giữa các nhiên liệu như than đá, dầu hỏa, gỗ và tất cả nhiên liệu này đều được tính theo phí tổn của mỗi đơn vị. Loại nào rẻ nhứt là loại nhiên liệu được ưa chuộng nhứt và nếu quyết định khác đi, đó là những hành động phi-kinh tế. Dĩ nhiên quan điểm kinh tế Phật Giáo khác xa quan niệm này. Các nhà kinh tế không thể nào không quan tâm đến sự khác biệt quan trọng giữa các loại nhiên liệu không tái tạo, như than đá và dầu hỏa, và các nhiên liệu có thể tái tạo, như gỗ và thủy lực (mặt trời và gió). Những nhiên liệu không thể tái tạo chỉ được dùng trong trường hợp bất khả kháng, và dùng một cách tiết kiệm và phải luôn quan tâm đúng mức về sự bảo tồn môi sinh. Dùng các nhiên liệu này một cách cẩu thả hay phung phí là một hành vi bạo động, và trong khi không ai có thể hoàn toàn bất bạo động trên quả đất này, con người có bổn phận hướng về lý tưởng bất bạo động trong tất cả những gì mình làm. Không có một nhà kinh tế hiện đại cho là việc bán tất cả tác phẩm nghệ thuật của Âu Châu cho Mỹ với giá cao là một thành công ngoạn mục về kinh tế. Cũng thế các nhà kinh tế Phật Giáo luôn nhấn mạnh là nếu một dân tộc nào đó thực hiện một chánh sách phát triển kinh tế dựa trên các nhiên liệu không tái tạo là những người sống bám vào tiền vốn thay vì xài tiền lợi tức. Lối sống đó không thể nào tồn tại lâu dài và chỉ có thể biện chính như một cách phát triển tạm thời.  Bởi vì những tài nguyên không thể tái tạo được như than đá, dầu hỏa và khí đốt thường không được phân phối và tiêu thụ đồng đều giữa các quốc gia khác nhau trên thế giới và trữ lượng của chúng có giới hạn. Việc khai thác các tài nguyên này theo một nhịp độ càng ngày càng tăng là một hành vi bạo động với thiên nhiên và chắc chắn sẽ dẫn đến những xung đột bạo động không thể tránh được giữa người và người.

 

Chúng ta phải suy nghĩ về các ý kiến này mặc dù trên thực tế, dân chúng sống trong những nước theo Phật Giáo hiện nay không để ý gì đến những giá trị tôn giáo hay tâm linh trong truyền thống của họ và nồng nhiệt ôm chầm lấy một nền kinh tế trọng vật chất hiện đại và nôn nóng thực hiện được sự phát triển theo cách này càng nhanh càng tốt. Trước khi bác bỏ quan niệm kinh tế Phật Giáo như là một giấc mơ hoài cổ, những dân tộc (trong các quốc gia đang phát triển) nên xem xét con đường phát triển do kinh tế hiện đại đưa ra có dẫn tới những nơi mà họ mong muốn đi tới hay không. Trong phần kết luận của tác phẩm can đảm, The Challenge of Man’s Future, giáo sư Harrison Brown thuộc viện California Institute of Technology, đã đưa ra những thẩm định về xã hội của các nước kỹ nghệ hoá như sau:

 

Cho nên chúng ta thấy là, các xã hội kỹ nghệ hoá tự căn bản không ổn định và trừ trường hợp lui trở lại nếp sống nông thôn, những điều kiện xã hội cung cấp tự do cá nhân cũng không ổn định và không có khả năng giúp chúng ta chống đối lại sự áp bức do những tổ chức cứng nhắc và sự kiểm soát độc tài.  Thật vậy, khi chúng ta xét tất cả những khó khăn trước mắt có thể đe dọa sự sinh tồn của các văn minh kỹ nghệ, chúng ta thấy là sự kiểm soát cứng nhắc để bảo vệ sự ổn định xã hội và sự duy trì tự do cá nhân khó có thể phù hợp với nhau.”

 

Ngay cả khi bác bỏ lập luận này và cho chuyện này chỉ có thể xảy ra trong một tương lai xa vời, một câu hỏi cấp thiết cần được trả lời là việc ‘hiện đại hóa’ nền kinh tế đang được một số các quốc gia theo đuổi, bất kể đến nhũng giá trị tôn giáo và tâm linh, có thể tạo ra những kết quả có thể chấp nhận được không. Từ trước tới nay, đối với quần chúng, sự phát triển kinh tế theo kiểu này chỉ gây ra những hậu quả tàn hại - sự sụp đổ của kinh tế nông thôn, số người thất nghiệp trong thành phố lớn cũng như ở vùng quê tăng, và thành phần thuộc giai cấp vô sản tại thành phố càng ngày càng đông và những người này không những không có đủ thức ăn nuôi dưỡng cơ thể mà cũng không có những thức ăn nuôi dưỡng tâm linh.

 

Theo những kinh nghiệm trực tiếp và suy luận trong viễn tượng lâu dài, những công trình nghiên cứu kinh tế Phật Giáo nên được khuyến khích, ngay cả nơi những người đặt niềm tin tuyệt đối vào sự tăng trưởng kinh tế hiện đại. Các người này nói không có chọn lựa nào khác hơn là theo đuổi con đường phát triển kinh tế hiện đại, vì đây là sự chọn lựa giữa sự ‘tăng trưởng hiện đại’ và sự ‘trì trệ truyền thống’. Ðúng ra câu hỏi nên được đặt ra là làm thế nào để (các nhà cầm quyến các quốc gia Phật Giáo) chọn lựa (hay tìm kiếm) một con đường phát triển thứ ba, con đường Trung Ðạo, giữa chủ nghĩa ưa chuộng vật chất và sự ‘trì trệ truyền thống’, tóm lại, làm thế nào để tìm ra được con đường Chính Mệnh.

 

1-     The New Burma, Economics and Social Board, Government of the Union of Burma, 1954.

2-     Ibid,

3-     Ibid

4-     Wealth of Nations by Adam Smith

5-     Art and Swadeshi by Ananda K. Coomaraswamy (Ganesh & Co Madras)

6-     Economy of Permanence by J.C. Kumarappa (Sarva-SEva Sangh Publication, Raighat, Kashi, 4th Edition 1958)

7-     The Affluent Society, by Kenneth Galbraith (Penguin Books, Ltd 1962)

8-     A Philosophy of Indian Economic Development by Richard Gregg (Navajina Publishing House, Ahmedabah, 1958)

9-     The Challenge of Man’s Future by Harrison Brown (The Viking Press, New York 1954).

 

 

Quán Như Phạm Văn Minh
Số lần đọc: 1545
Ngày đăng: 13.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kinh Tế Phật giáo 1 - Quán Như Phạm Văn Minh
Sài Gòn Xanh Ký Ức - Thiên Hà
Đã Hơn 70 Năm, T.T.Kh. Và Chuyện Tình Thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” Vẫn Tươi Nguyên Màu Bí Ẩn. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Du Không Dịch “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Ra Tiếng Việt - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tế Hanh – Người Trò Chuyện Cùng Hoa Cỏ - Mai Bá Ấn
Từ “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Đến “Truyện Kiều” Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Từ Ghi Chép Về Vương Thúy Kiều Trong Minh Sứ Đến Truyện Kiều Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nhất Phiến Tài Tình Thiên Cổ Lụy - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tổ Tiên, Ông Bà Trong Tôn Giáo Nội Sinh Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long - Đinh Văn Hạnh
Bộ Nhơn Chế Ðịnh - Puggalapaññatti - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả