Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.829
 
Sơn La Ký Sự 3
Nguyễn Khôi

 

Bài 13:

 

NHỚ MƯỜNG HUNG

(Nhớ anh Cầm Giang)

 

 

Mường Hung sáng núi xanh soi sóng biếc

Em vớt rêu thả mượt tóc thung mây

Con cá măng nào hay sông biên giới

Tiếng khèn Lào sang chợ thổi nồng say

Trai Mường Hung thả bay thuyền đuôi én

Vài tay chèo tới Xiềng Khọ - Sầm Nưa

Sắm đồ cưới anh chở về - đúng hẹn

Vòng bạc trao lấp lánh dưới trăng mờ

Từ xa cách bản quê về Hà Nội

Đêm nằm mơ thác đổ trắng ngang trời;

Sớm mai dậy nhớ mây hồng đỉnh núi

Tiếng gà rừng vang động cả hồn tôi.

NK-

 

 

 

Bài 14:
 

XUÂN BIÊN CƯƠNG

 

 

Sơn La xuân ở dài hơn

Tháng tư còn trắng hoa Ban trên rừng

Mà đây nắng hạ chói bừng

Chiềng Khương hoa Gạo đỏ lừng bến sông

Biên giới Việt Lào 6/1963

NK-

 

 

Bài 15:

 

CHIỀU BẢN NHỎ

 

 

Chiều vắng vẻ lặng tờ nơi bản nhỏ

Người đi nương, ra ruộng chưa về

Chỉ lũ trẻ đùa nô trên bến tắm

Và một chàng “cắm bản” lắng hồn quê.

 

Con gà đẻ trứng xong kêu “cộc tác”

Con Vện nằm canh cửa mắt lơ mơ

Mặt suối xanh in bóng cầu vừa bắc

Cọn bên đồng cuốn nước xối như mưa…

 

Chiều bản nhỏ ngàn xưa đời vẫn thế

Cứ yên vui cùng xứ sở thanh bình

Không giặc giã, gươm trên tường nằm nghỉ

Ngựa lỏng cương thả bộ dọc dòng kênh.

 

Ai đấy nhỉ một mình nơi thôn dã

Để nhớ ai ngoài phố thị ồn ào

Hẹn một buổi đón về thăm bản nhỏ

Cùng vào rừng hái nấm mé đèo cao.

NK-

 

 

Bài 16:

 

TẮM Ở BẢN

 

 

Bản người Thái (ở lưng núi) không có ao như làng người Kinh (ở đồng bằng)… nhưng việc tắm rửa cho sạch sẽ thân mình thì người Thái ăn đứt người Kinh là cái chắc.

Ở bản có 3 cách tắm rửa:

 

- Một là nơi “mó nước” đầu bản: Đó là nơi có ống nước tự chảy dẫn qua ống máng tre từ trên nguồn đổ về trong sạch tuôn suốt ngày đêm… thường có 2 ống: một bên nam, một bên nữ. Ngăn cách 2 bên là một phên nứa để bên nào bên ấy “tắm truồng” thoải mái.

 

Thường thì 3, 4 giờ chiều mùa hè, dân bản đi nương, ra ruộng về, tất cả tới mó nước đầu bản là “kẻ xuộng xựa” (cởi quần áo “tắm”). Chị em thường là ý tứ ngồi xổm, khép đùi, áo được cởi vắt trên con sào bên cạnh, váy được dâng lên đỉnh đầu, ngực lưng hứng vào ống nước đang chảy, 2 tay xoa kỳ cọ thoải mái, đúng như “da trắng vỗ bì bạch”, vú để tự do (là của trời cho) ai thấy cũng chẳng sao.

 

Cánh đàn ông thì “truồng” 100%  chuyện trò cười đùa rôm rả… thật cứ như nơi vườn địa đàng buổi ban đầu con người còn chưa biết xấu hổ (nả hại) - tức là khi người nữ chưa ăn trái cấm (theo lời xui của con rắn “quỷ sa tăng”) nên tất cả đều rất vô tư, tắm truồng chung 1 mó nước, thỏa thích ngắm thân hình khỏa thân của nhau mà trong lòng không gợn chút dục vọng thú tính để dẫn đến tội lỗi?...

 

- Hai là: Tắm suối (vắng vẻ là tắm truồng)

 

- Ba là: Tắm sông

 

Chị em thường là ngồi ngâm mình dưới nước, váy để trên đỉnh đầu hoặc váy để trên bờ. Khi tắm ở sông suối, chị em thường kết hợp gội đầu, thả làn tóc mây xòa theo dòng nước, rồi đứng dậy, vung quay tít cứ như một điệu múa tóc thật là điệu đàng của các tiên nữ trên mường trời.

 

Người Thái rất tự hào về cái sạch sẽ da thịt của mình… chị em ngày rửa tới vài lần, lại mặc váy rộng xông xênh, nên thường nói đùa “hi của chúng tao là hi hom (thơm), chứ không bịt kín (xi líp), quần bó chặt như người Kinh chúng mày, nên hi min (thối) lắm bệnh phụ khoa”.

 

Văn minh đô thị hay hoang sơ thôn bản (trở lại cội nguồn tự nhiên chưa ô nhiễm môi trường) đang là một vấn đề nhức nhối của cái thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và con người hình như đang tự đánh mất mình để tiến lên văn minh tàn bạo.

Tắm ở bản (cũng như ở ao làng ngày xưa), chao ôi, đang lùi dần vào dĩ vãng để tắm nước máy đã được xử lý bằng hóa chất (chất độc hóa học diệt khuẩn)…phải chăng ta cũng đang tự “diệt mình” làm biến đổi gen để rồi sinh ra 1 lũ con cháu vô cảm chỉ biết “tiền” và máy móc,vũ khí tiêu diệt, hủy diệt hàng loạt mà thôi….?

 

4/3/2012.

 

 

Bài 17:

 

LỄ TẰNG CẨU

 

 

Lễ tẳng cảu (tằng cẩu): Là lễ búi tóc ngược lên đỉnh đầu của phụ nữ Thái đen Sơn La  khi lấy chồng.

Sau lễ mai mối, chạm ngõ ăn hỏi và lễ cưới, người con gái đã có chồng thì lễ tẳng cảu làm ở nhà gái.

Trong các đồ sính lễ do nhà trai đem sang thường phải có 1 chiếc trâm bạc cài tóc (mản khắt phôm)… người đảm nhiệm làm thường là bà dì, nhà gái có 2 phù dâu trợ lý tiến hành.

 

Đầu tiên là gội đầu bằng nước vo gạo nếp (để chua) - bẳng nậm khẩu má và nồi nước lá sả, lá bưởi, lá tre… tất cả đem ra bến nước bờ suối giúp cô dâu gội đầu (như một lễ tẩy dơ bẩn trôi theo dòng suối, chỉ còn lại trên đầu phần vía (khoăn hua) thơm tho tốt lành… xong cô dâu về lên phía “tang chan” - khoảng 10 ghế mây (tắng)… cô dâu quay về phía mặt trời mọc, mọi người đứng xung quanh, 2 phù dâu áp sát 2 bên, 1 người nâng đĩa trâm cài tóc. Bà “Nai tằng cẩu” rút lược sừng đen từ cái “ếp” của mình ra làm vài động tác đưa lên hạ xuống và chải tóc cho cô dâu nhiều lần.

 

Cuối cùng dùng 2 tay vuốt ngược từ sau gáy, đưa độn tóc đặt vào chính giữa đỉnh đầu và búi tóc “tằng cẩu”… sau khi vuốt nắn lại không còn sợi tóc nào vương lòe xòe, thì cô nâng trâm cài tóc xuyên đúng chỗ để giữa “cẩu”, nổi bật đồng bạc hào hoa văn trắng ở phần đầu của trâm cài tóc chính giữa búi tóc ngược.

Trước đông đủ mọi người, bà Nai cẩu nói:

 

Khắt cẩu đi

Vi hoa kiểng

Tẳng cảu au phua

Té nị pay nả

Ca nị mưa nưa

Báu đảy nặm pay nảư

Chăư pay ứn luk ơi!

Nghĩa là:

Gội đầu sạch

Chải tóc mượt

“Tẳng cảu” lấy chồng

Từ giờ này đi

Từ nay về sau

Không được nước thay dòng

Lòng đổi chỗ con ơi!

 

Tiếp theo 2 vợ chồng dắt tay nhau đi qua dọc bàn tiệc đặt dài giữa nhà đã có khách ngồi kín đông vui nâng chén rượu chúc mừng.

NK-

 

 

Bài 18:

 

TỤC ĐẺ NGỒI CỦA NGƯỜI THÁI

 

* Đẩy xí phiên xong hắu chắng ó kin khẩu

Cẳư bươn phạ chắng ó kin nốm

Tốc khuổm chắng pên lụ chái

Tốc hai nọng ánh xai phên lụ nhinh phủ ưởi

 

* 10 tháng chờ đôi ta ra đời ăn cơm

9 tháng đợi đợi đôi ta ra đời bú mẹ

Rơi sấp thành bé trai

Rơi ngửa em yêu thành bé gái.

 

Khi chuyển dạ, sản phụ được uống nước với cây “mậy phang” (cây tô mộc) có tác dụng cầm máu (có trong rừng hay mua của người Dao, người Hmông).

 

Sản phụ đẻ ngay trong ngăn buồng ngủ của mình trong tư thế ngồi (ghế = tắng), đỡ đẻ thường là mẹ đẻ hay mẹ chồng, hoặc tự xoay xở (nay thì có y tá bản)…

 

Lễ vật cúng “bà mụ”: 1 con gà trắng, cắt rốn bằng dao cật nứa hơ qua lửa hay nhúng vào nước sôi để sát trùng. Rau thai được gói chôn gần nhà (kín đáo vào ban đêm).

 

Khi trẻ đầy tháng thì cúng “hết hoóng”. Có nghi thức dạy trẻ lao động theo giới và mời Lúng ta (bên ngoại) đến đặt tên cho cháu.

 

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 3132
Ngày đăng: 14.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân cách lớn làm nên một con người - Trần Ngọc Trác
Cha Tôi - Ngô Nhật Đăng
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở - Phan Chính
Nhớ nhà văn - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)