Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.313
 
Cơm Mo Cau Giữa Lòng Thành Phố
Lê Ký Thương

 

Từ lâu, tôi rất sợ… thịt cá, mặc dù trọng lượng cơ thể không mấy cân xứng với chiều cao, nếu không muốn nói là... “suy dinh dưỡng” như bạn bè thường chế giễu.  Lại càng sợ… những bữa tiệc chiêu đãi, ở nhà hay ở nhà hàng, nhất là khi phải ngồi bên cạnh một người quá nhiệt tình, lúc nào cũng gắp thức ăn bỏ đầy vào chén người khác… Biết được thói quen này, một hôm, người chị thân quen điện thoại mời cả vợ chồng tôi đến nhà chị ăn cơm tối. Chị trấn an tôi ngay: “Em đừng sợ, không có thịt cá đâu, chỉ là món ăn dân dã giữa chốn phồn hoa đô hội thôi”.

 

Và món ăn dân dã đó chính là cơm mo cau.

 

Cơm mo cau không phải là món ăn hàng ngày. Nó vừa là cơm nhà giàu, vừa là cơm nhà nghèo, mang đậm nét miền Trung, vùng đất trồng nhiều cau. Nó được “chế” ra theo nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình, chẳng hạn như đãi người thân, đi dã ngoại, làm bữa ăn trưa cho những người đi làm thuê, cho nông dân ra đồng, cho những trẻ mục đồng, cho thế hệ học trò nhà quê ngày xưa đi học xa nhà, buổi trưa phải ở lại trường.

 

Ở quê miền Trung thì hầu như nhà nào cũng có trồng vài cây cau bên giếng nước để lấy trái ăn trầu. Có nhà trồng cả vườn cau để bán. Nếu ai có dịp trông thấy vườn cau dù bất cứ ở đâu, không riêng gì ở Vỹ Dạ, sẽ thấm thía những vần thơ bất hủ của Hàn Mặc Tử “... Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc...”. Đúng là lá cau xanh mướt khi ánh nắng sớm mai rọi vào. Thường, mùa xuân cau bắt đầu rụng lá mẹ để buồng tiếp xúc trực tiếp với nắng gió mây trời mà trổ hoa kết trái. Hoa cau trắng ngà, giống như những đốm sao trên dãi Ngân hà, mùi thơm dìu dịu. Nếu bạn bước vào một vườn cau đang mùa nở hoa, hương cau sẽ làm cho tâm hồn bạn lâng lâng sảng khoái, dường như quên hết mọi lo toan đời thường, không muốn mau rời bước. Có lẽ hoa cau đã thẩm thấu vào văn hóa ẩm thực cố đô nên người Huế chế ra món chè bông cau hết sức hấp dẫn, dễ “chiêu dụ” lòng người... Bẹ cau có hai mặt, hai lớp da bọc những đường sứa ngược nhau. Lớp da ngoài khi còn non mang màu xanh da trời, rồi theo thời gian dần dần ngã màu xanh thẩm, đến khi cau có chửa biến sang màu vàng nghệ. Lớp da trong mềm mịn, trắng ngà như da con gái bọc lấy buồng cau. Bẹ cau lâu ngày ấp ủ một thứ hương thơm được nuôi dưỡng bằng dưỡng chất của trần gian, tuy rơi xuống đất, trở về với cội, nhưng vẫn có ích cho người...

 

Tôi nhớ nhà ngoại tôi có hai hàng cau dẫn vào ngỏ gạch. Mỗi năm, khi chiếc tàu cau đầu tiên rụng xuống thềm giếng, thường trước Tết vài hôm, ngoại luôn cắt bẹ ngâm vào ảng nước bên cạnh giếng để dành đến mồng 6 Tết, bó cơm cho người anh con cậu tôi thả bò khai chuồng cho ăn tận đồng xa mang theo để ăn trưa.

 

Bẹ cau tươi ngâm vào nước không bao giờ thành mo, nghĩa là luôn luôn mềm như giấy, bẻ xếp chiều nào cũng dễ. Ngoại thức dậy rất sớm, nấu cơm nồi đồng rồi bới phần ăn trưa cho anh tôi vào bẹ cau mà tối hôm trước ngoại đã lấy vô để cho ráo nước, bày sẵn trên chiếc sàng gạo. Hai bàn tay ngoại thoăn thoắt vắt vắt cơm bọc trong bẹ cau, trông rất điệu nghệ. Đến khi vắt cơm chật cứng, không rời một hột, ngoại gói lại gọn gàng bằng lạt bẹ cau và không quên bỏ vào đó một gói muối ớt hay muối tiêu nướng than gói bằng lá chuối.

 

Khi tôi còn ở nhà ngoại đi học, những ngày nghỉ nếu không về quê thăm gia đình thì tôi xin ngoại cho theo người anh họ đi chăn bò đồng xa, thường là cạnh bìa rừng. Anh tôi được bọn trẻ chăn bò trong xóm phong làm “thống soái”. Chức này khi lùa bò ra tới bãi thả cho ăn thì có “lính” trông coi, “thống soái” chỉ đi bẫy chim hay tìm bóng mát ngủ bù cho đêm trước đi coi hát bội về khuya. Tôi rất hãnh diện khi được “thống soái” cho làm chức “cận vệ trung thành” vì được mang gói cơm mo cau bên hông, trông rất... oai vệ. Đến trưa, khi mặt trời đứng bóng, “thống soái” dùng hai bàn tay chụm tròn lại, hai ngón cái áp vào môi, thổi ra một hiệu lệnh trầm bổng vang xa nhờ rung nhịp những ngón tay, đó là hiệu lệnh riêng của mục đồng, báo cho đám thuộc hạ biết tới giờ ăn trưa. Bọn trẻ mục đồng vội vã tập trung dưới một tàn cây râm mát, mỗi đứa bày gói cơm mo cau của mình ra trước mặt “thống soái”. “Thống soái” chắp hai tay trước ngực, thành tâm khấn mời ông bà khuất mặt khuất mày, “cây cao bóng cả” hiển linh về hưởng bữa cơm trưa đạm bạc. Vắt cơm trắng ngần nằm gọn trong mo cau tỏa ra mùi hương cơm dìu dịu, gợi thèm. Mồ hôi cơm đọng trên sớ mo lấp lánh ánh mặt trời. Tôi nghĩ giữa những giọt mồ hôi cơm và những giọt mồ hôi của bọn trẻ, cũng như những giọt mồ hôi của những trai cày gái gặt có sự giao hòa tương tác... Lấy nhánh cây làm đũa, xắn một miếng cơm, chấm một chút muối ớt, hay sang hơn một miếng cá khô nướng, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả giữa cảnh thiên nhiên bao la thật ngon, thật sướng miệng vô cùng. Hôm nào “thống soái” hay ai đó  bắn được vài con chim thì coi như có một bữa ăn trưa thịnh soạn. An xong còn được tráng miệng bằng trái chim chim, dù dẻ, hay trái ngâu, trái duối mà bọn “lính” hái được trong vạt rừng cạnh bãi thả. An mặn khát nước thì sẵn nước mương hay nước sông uống một bụng no nê rồi tắm luôn, và sau đó tìm bóng mát ngủ một giấc thẳng cẳng. Còn cái mo cau cũng được “tắm” cho sạch, cho thấm nước để ngày hôm sau còn sử dụng đươc. Một cái mo cau gói cơm vắt, nếu biết gìn giữ, đừng để khô, có thể dùng khá lâu.

 

Cơm mo cau đạm bạc chỉ ăn với muối ớt, muối tiêu, muối đậu phộng, mà ăn ở ngoài đồng, giữa khung cảnh thiên nhiên mới đúng điệu. Sang trọng hơn thì cơm mo cau ăn với ruốc kho với thịt ba chỉ xắc nhỏ như hạt lựu, sả và ớt – gọi tắt là ruốc kho sả ớt, món ăn rặt Huế thường dùng vào mùa đông, hay với tôm thịt rim.

 

Bữa cơm mo cau ở nhà người chị quen hôm đó có món muối đậu phộng đặc biệt do chồng chị “sáng chế”. Thay vì rang đậu phộng khô rồi mới giả nhỏ, trộn muối như mọi người luôn luôn làm, anh lại làm ngược qui trình, giả nhỏ đậu phộng khô rồi mới rang, nhờ vậy mà muối đậu phộng của anh thơm hơn, béo hơn và đậm đà hơn khi ăn cùng miếng cơm mo cau giữa lòng thành phố.

 

Mấy gói cơm mo cau trong bữa ăn được mọi người “tận hưởng” một cách ngon lành và nhanh chóng khiến cho những món cá thịt trên bàn có vẻ ganh tị vì sớm bị ... bỏ rơi. Tôi nói nhỏ với vợ tôi:

 

- Giá mà tuần nào em cũng cho anh ăn một bữa như thế này thì hay biết mấy.

 

Vợ tôi không phải là người nội trợ giỏi, bèn nguýt tôi và “đánh trả” lại ngay:

 

- Liệu anh có tìm được cái mo cau tươi giữa thành phố này và có đủ sức ém cơm cho chặt và ngon như anh T. làm không?

 

Sức thì tôi có đủ nếu cố gắng, nhưng tìm cho ra cái mo cau tươi ngay trong thành phố này thì gay!./.

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 2527
Ngày đăng: 16.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sơn La Ký Sự 3 - Nguyễn Khôi
Nhân cách lớn làm nên một con người - Trần Ngọc Trác
Cha Tôi - Ngô Nhật Đăng
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở - Phan Chính
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)