Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.599
 
Bên Hàng Dậu
Phan Ngọc Danh

 

Từ trên hàng giậu nhà lão Chín tôi lấy hơi gáy một hồi dài. Mặt trời cả giờ nữa mới mọc, bóng tối vẫn còn bao phủ vạn vật. Nhưng tôi biết ý lão Chín: Lão vẫn quen chờ đợi tiếng tôi gáy sáng để vén màn, kéo lê đôi guốc gỗ lọc cọc ra sau bếp, đun ấm nước, pha trà. Sáng nay, nói là sáng chứ vẫn còn tối mịt, lão thay đổi thông lệ. Thay vì vào bếp, lão lần mò đẩy chốt cửa, bước ra sân. Men theo bệ đá ong dọc thềm nhà lão bước nhẹ đến chậu cúc vàng mà lão đã chăm sóc mấy tuần nay cho đêm giao thừa.

 

“Ó... Ó... O... o... o...” Tôi gáy lên một tràng dài nữa để chào đón lão.

 

Lão biết ý, nhìn quanh quất, ý chừng xem tôi đang đứng chỗ nào. Hồi lâu chẳng thấy, lão quay lại, cúi gập lưng rồi nâng nhẹ mấy đóa hoa cúc nở sớm, đưa lên mũi, hít một hơi dài. Đứng tần ngần một lúc lão quay người, lững thững bước vào dưới mái hiên. Tôi gáy thêm một tràng nữa để giã từ rồi vỗ cánh bay xuống khỏi hàng giậu, biến mất vào cánh rừng thông.

 

*

 

Số là tôi sinh ra trong cái chuồng tre đằng sau căn bếp nhà lão Chín. Thuở ấy thanh bình, no ấm. Mỗi sáng nhảy ra khỏi chuồng, chúng tôi được vợ chồng lão rải cho nắm thóc mới, tha hồ mà ăn, tha hồ mà đùa nghịch. Khi nào hết thóc, mẹ tôi kéo cả bầy đi kiếm ăn ở các bụi cây, vườn rau, bờ giếng... Có vài lần bạo dạn hơn, mẹ dẫn cả đàn qua bên cánh rừng thông, cách nhà lão Chín một con lạch nhỏ. Bên cạnh những tảng đá ong có vài nhánh cây gãy; cả bọn nối đuôi nhau bước lên, đi như đi trên cầu khỉ. Khi nào không có nhánh cây băng ngang cả đám phải chạy vòng, kiếm chỗ cạn nhảy qua. Còn nếu đứa nào nhanh chân, leo được lên lưng mẹ thì khỏi bị ướt. Ở bên rừng thông lúc nào cũng vui như ngày hội: Cây lá chằng chịt, sâu bọ đầy dẫy, tha hồ mà ăn, mà chơi rượt đuổi.

 

Có lần lão Chín thấy chúng tôi lang thang ở bìa rừng, gọi mãi không chịu về, lão giận lắm. Hôm sau, lão chẳng chịu mở cửa chuồng, nhất định nhốt cả bầy một vài ngày cho đã tức. Nhưng có đứa nào sợ đâu! Không ra được ngoài sân thì chơi trong chuồng – rượt đuổi nhau, đánh đập nhau, la hét rùm trời; mẹ tôi can ngăn thế nào cũng không nổi.

 

Vài ngày sau, thấy nuôi nguyên bầy trong chuồng coi bộ tốn kém hơn, lão Chín đành phải mở cửa. Thế là như gà sổng chuồng, chúng tôi bay nhảy, đùa nghịch thỏa thích. Ra khỏi chuồng chưa được bao lâu thì một thằng, chẳng biết ăn nhằm cái gì, đập hai cánh phành phạch, lồng lộn như lên đồng. Từ trong hiên nhà lão Chín phóng ra túm lấy nó, thò ngón tay vào cổ rồi ngoáy lia lịa. Khi thấy nó không còn cựa quậy được nữa lão đem nó vào trong bếp. Một hồi sau, từ ngoài cửa nhìn vào tôi ớn lạnh đến nổi da gà, sợ té đái khi thấy lão treo đong đưa hai cái cẳng của nó lên trên giàn bếp. Vợ chồng lão Chín có thói quen treo cẳng chúng tôi như vậy để hàng xóm nể phục là nhà có cái ăn. Sau vài ngày, than khói bay lên, bao phủ đen nghịt hai cái chân co quắp, trông đến phát khiếp! Nhưng vợ chồng lão vẫn treo như vậy cho đến khi có cặp chân khác thế vào chứ nhất định không chịu ném đi.

 

Chiều đến, một thằng khác vì ham chơi hay mắt quáng gà, đi lang thang thế nào bị thất lạc vào nhà hàng xóm. Qua hôm sau vẫn không thấy nó về lão Chín buồn lắm, than vắn thở dài, “Mới thả ra, hôm qua một con đã nuốt giây thun, hôm nay một con nữa được hàng xóm bảo lãnh, bà có thấy không?... Riết rồi chẳng còn con nào cả. Nhốt thì phải bao cấp, thả thì chúng vượt biên.”

 

Bà Chín an ủi, “Thôi, ông buồn làm chi! Con mái này sai trứng lắm, đừng để mất nó là được.”

 

Nói thì nói vậy, chứ vài ngày sau đó, thấy chúng tôi đã khá lớn, đủ sức kiếm ăn, vợ chồng lão lợi dụng đêm khuya, mở chuồng bắt cóc mẹ tôi đi. Hôm sau, từ trước sân nhà nhìn vào, tôi thấy hình như mẹ đang khỏa thân, nằm chỏng gọng, hai chân chỉa lên trời trên cái bàn thật lớn dưới mái hiên. Đã vậy, họ còn cắm vài cành hoa xanh xanh đỏ đỏ vào phao câu của mẹ tôi, ý chừng để làm phần thưởng cho khách. ‘Nhất phao câu, nhì đầu cánh,’ lão Chín thường nói như vậy. Mãi đến trưa khi mặt trời đứng bóng tôi thấy họ hàng bà con nhà lão kéo đến, cười nói ồn ào như ngày hội. Hận cho vợ chồng lão tàn nhẫn, trong khi họ xử lý mẹ tôi, tôi kéo mấy thằng em qua bên kia hàng giậu, tối mịt mới về.

 

Đêm hôm ấy, thằng em út vì nhớ mẹ nên không ngủ được. Nó hỏi, “Anh Hai, khi nào vợ chồng lão Chín bắt cóc em?”

 

“Làm sao tao biết được. Sao mày không hỏi thẳng vợ chồng lão ấy?” Tôi trả lời nó mà chính tôi cũng phân vân không biết khi nào đến phiên mình. Thút thít mãi, dỗ dành thế nào cũng chẳng nín, nó thều thào, “Anh Hai, em sợ...”

 

Giận quá tôi lớn tiếng nạt nó, “Mày… đúng là đồ gà chết!”

 

Yên lặng được một hồi, nó lại lải nhải, “Anh Hai, bây giờ làm sao?”

 

Tôi chợt nghĩ ra một giải pháp: “Tao nói cho mày nghe: Ăn ít lại. Vợ chồng lão già này chỉ bắt cóc đứa nào ăn nhiều, to con lớn xác như gà siêu thị mà thôi. Còn nếu mày ốm tong ốm teo như con gà tre thì chả có ma nào thèm!...”

 

“Nhịn ăn? Ý anh Hai nói là em phải nhịn ăn?”

 

“Mày… thật đúng là con gà què! Tao đã nói, mày nhịn ăn thì không phải lo gì cả. Nhưng… nhịn vừa vừa chứ nhịn lâu quá vợ chồng lão Chín bắt…  tao thì oan cho tao lắm!”

 

Tôi lý luận với nó như vậy, nhưng thật tình trong bụng cũng không yên tâm. Có nhịn ăn hay không thì trong bầy cũng phải có một đứa to con nhất. Hiện thời anh em chúng tôi có bảy đứa. Nhìn qua nhìn lại chỉ có tôi là thằng lớn xác, ép cánh sát vào thân cũng không giấu gì được. Càng nghĩ tôi càng lo cho thân phận mình.

 

Quả vậy, hơn tuần sau đó, vào một đêm mưa to gió lớn lão mở chuồng bắt tôi, trói chặt một chân vào với chân giường của vợ chồng lão. Tôi vùng vằng bỏ chạy nhưng sợi dây dừa cột chặt quá, không cách nào bứt ra được. Nằm xuôi lơ bên cạnh chân giường như thể bị rút xương, tôi ân hận đã gà cho tụi nó nhịn ăn trong khi mình lại tiếp tục cái thói gà què ăn quẩn cối xay. Vả lại, cúng giỗ gì mà lắm vậy! Mới hơn tuần trước mẹ tôi đã bị chúng nó cắt tiết, nay lại tới phiên tôi. Hay là tại vì câu ‘Khách đến nhà, không gà cũng vịt’ mà tôi phải ra nông nỗi này? Thế rồi sáng hôm sau, khi mặt trời lên quá ngọn cau, lão Chín ôm chặt lấy tôi đem ra đầu ngõ. Tôi kinh hoàng đến vãi cứt vào người lão trước khi ngất đi, chẳng nhớ gì nữa. Chỉ biết rằng, sau khi tỉnh dậy, thấy rêm rêm nơi bọng đái tôi mới hiểu thấm thía tại sao người ta hay than là ‘đau như thiến.’

 

Một thời gian sau, vào một đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, vợ chồng lão Chín khệ nệ vác chuồng của chúng tôi vào giấu trong nhà, ngay dưới gầm giường. Đâu đã yên, sáng ra lão lại quên không chịu mở cửa chuồng. Chúng tôi la hét, đập phá thế nào cũng vậy, không cách gì làm cho lão mở cửa. Gầm giường thì tối như bưng trong khi đứa nào cũng lớn xác cả nên cái chuồng trở nên chật chội, không ai nhúc nhích nổi. Thật đúng là thân phận gà công nghiệp, còn đâu những ngày rong chơi, lang bạt kỳ hồ! Đêm hôm sau tôi nghe vợ chồng lão nằm trên giường tâm sự, “Cái vụ dịch gà này coi bộ lâu chứ chẳng chơi... nghen bà?”

 

“Thiệt là khổ hết sức, không biết cái con vi trùng vi triếc gì mà nó tai hại đến như vậy... ”

 

"Thì cũng tại bà chứ ai! Hễ cứ mở miệng ra là...  cái đồ mắc dịch. Thì đó, dịch lềnh khênh ra cho bà thấy... Ủa, nghe nói hình như đâu thím Tư ở đầu ngõ cũng vô nhà thương vì lây bệnh... họ gọi là cái bệnh gì đó hả bà?”

 

“Thì bệnh chim chuột... chứ bệnh gì?”

 

“Bà lại nói tầm bậy, bệnh chim chuột... chỉ có đàn ông... mới bị thôi.”

 

“Lại... cái đồ mắc dịch, chuyện đến nước này mà ông còn đùa được nữa à!”

 

“Chứ bà tính phải làm sao?...” Yên lặng được một lúc lão than thở, “Nghe đâu trên phường họ nói một hai ngày gì đó tụi nó sẽ vào mổi nhà để xét.”

 

“Thây kệ cha tụi nó! Nếu tìm thấy thì mình để cho họ bắt, chứ nỡ nào chỉ có vài con gà làm vốn mà đem ra giết đi.”

 

“Bà này nói hay cà... tụi nó mà thấy được thì không những họ giết gà của mình, mà còn phạt mình nữa là đằng khác.”

 

Nghe đến đó tôi ngất xỉu đi, chẳng biết gì nữa. Sáng sớm hôm sau, tôi nhóm cả bọn lại, kể chuyện nghe lén tối hôm trước cho chúng hiểu. Trông mặt tụi nó méo xệch như gà dầm mưa tôi thấy thương hại biết chừng nào! Nhưng biết làm sao được trong hoàn cảnh này? Biết mình sắp bị vặn cổ nên chẳng đứa nào còn dám cựa quậy, chỉ ngủ gà ngủ gật. Thêm vào đó, vì bị nhốt mấy ngày liền nên đứa nào cũng hôi như đạp cứt gà.

 

Đến khuya ngày hôm sau có tiếng động bất thường khiến tôi thức giấc, ngỡ lão già này còn cứng cựa, tính chuyện động cỡn, đập mái. Nhưng đợi mãi không thấy gì hấp dẫn mà chỉ nghe lão thì thầm, “Này bà, sáng mai bà ra đầu ngõ canh chừng. Nếu thấy tụi trên phường xuống đây, bà… gáy lên cho tôi một hồi để tôi đem cái chuồng qua mé rừng bên kia.”

 

“Gáy là gáy làm sao? Bộ ông tưởng tôi gà nòi à?”

 

“Không dám đâu! Bà gáy cách nào cũng được miễn sao cho tôi nhận ra giọng của bà thì thôi.”

 

“Nhưng thả gà ra thì coi như mất toi, còn gì vốn liếng của mình?”

 

“Không cách nào khác bà ạ. Gà mình sống ngoài rừng, đã mau lớn mà không mất một hạt thóc. Khi nào tai qua nạn khỏi mình lại tìm cách bắt về, có mất đi đâu mà sợ!”

 

Đó, ý định của lão Chín đểu như vậy đó. Nhưng lão nào ngờ tôi đã biết được âm mưu của lão. Sáng hôm sau, khi vợ chồng lão đã ra khỏi giường, tôi tụ họp cả bầy lại. Tôi báo cho chúng biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi tôi trấn an, căn dặn tụi nó là cứ ăn cho no, bởi bên kia hàng giậu không có nhiều thóc như ở bên này. Nghe vậy chúng nó mừng lắm, suốt ngày chỉ trông ngóng, chờ đợi được phóng sinh.

 

Quả tình hai hôm sau có tiếng gáy lạ lùng, liên hồi từ đầu xóm. Lão Chín nhào đến ôm lấy cái chuồng, chạy băng qua bên kia rừng rồi thả chúng tôi ra.

 

Từ đó cả bầy mỗi đứa mỗi ngả. Có vài đứa bị chồn cáo ăn thịt, vài đứa khác đi lạc vào nhà hàng xóm rồi mất tích luôn. Cuối cùng chỉ còn mình tôi.

 

Biết về lại nhà vợ chồng lão Chín thì thế nào cũng bị bắt, nhưng khổ nỗi, đã sinh ra, lớn lên ở đâu... khó dứt bỏ lắm. Thế nên đêm đêm tôi mò về, bay lên trên hàng giậu nằm ngủ. Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, tôi lại gáy lên vài tiếng để đánh thức lão Chín cho có tình có nghĩa rồi…

 

*

 

…bụp!

 

“Chết mày chưa… tao mà bắn thì… hết xẩy!” Thằng Mai Cồ nói lầm bầm, cảm thấy sung sướng khi nghe tiếng con gà giãy cánh đành đạch và rơi loạt xoạt đâu đó gần mé hàng rào.

 

Về thăm quê lần này nó để ý đêm nào cũng nghe tiếng gà gáy, hình như của cùng một con, từ phía hàng rào nhà lão Chín. Gặp lúc nhà nước kêu gọi tiêu hủy gia cầm nên nó định bụng rình bắn cho được con gà bí mật, chỉ nghe gáy lúc đêm khuya mà không bao giờ thấy mặt. Đợi mãi cho đến một đêm có ánh trăng, nó thấy đậu trên hàng rào hình dạng một con gà in đậm nét trên đường chân trời. Nó liền nhắm bắn; bắn xong nó mỉm cười rồi thản nhiên đi vào nhà, leo lên giường, ru giấc ngủ.

 

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng nó thức dậy, đi lần mò dọc hàng rào rồi  thấy xác con gà nằm bất động trong một bụi cây. Con mắt đen láy còn đầy sức sống và cái dáng bình thản của con vật khiến nó ân hận, suy nghĩ xa xôi. Một hồi sau nó lấy cuốc, đào một lỗ thật lớn để chôn lại.

 

Từ đó đêm nào nó cũng trằn trọc, không ngủ được. Sự thiếu vắng cái âm thanh quen thuộc của hương đồng cỏ nội khiến nó cảm thấy buồn tẻ, chán chường. Vài ngày sau, chịu hết nổi, nó đổi vé và leo lên phi cơ bay đi mất. /.

 

Phan Ngọc Danh
Số lần đọc: 1612
Ngày đăng: 22.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cầm thú truyền kỳ - Trần Hạ Tháp
Bên Dòng Sông Quê - Trần Minh Nguyệt
Nếu, Nếu Ngày Mai Nếu - Nguyễn Trung Dũng
Bức Thư Tình - Phan Ngọc Danh
Chiếc Răng Giả - Đặng Kim Côn
Tàn Theo Khói Thuốc. - Nguyễn Trung Dũng
Người Bạn Vong Niên - Trương Hoàng Minh
Đêm rơi ở phía sau lưng - Nguyễn Anh Thế
Chuyện chàng cốc sĩ - Huỳnh Văn Úc
Cõi người - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Cầm Đồ (truyện ngắn)
Vợ Hiền (truyện ngắn)
Mộng Và Thực (truyện ngắn)
Hy Sinh (truyện ngắn)
Bức Thư Tình (truyện ngắn)
Bên Hàng Dậu (truyện ngắn)
Vâng! (truyện ngắn)