Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.193
 
Nghe Kinh
Phạm Thanh Chương

 

…   Lôi thôi bồng trẻ dắt già

Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh…

Nguyễn Du (Chiêu hồn thập loại chúng sinh)

 

Suốt trong thời thơ ấu, tôi sống cùng gia đình ở một vùng trung du, heo hút trên miền rừng cao, chung quanh là đồi núi chập chùng

 

Làng mạc trải dài theo dòng sông, rải rác dăm ba ngôi nhà lợp tranh vách lá ở cách xa nhau cả cây  số. Tất cả đều sống bằng nghề nông và nương rẫy.  Nhà tôi tương đối khá giả vì có mấy đám ruộng và vài con trâu, đó là cả  gia tài của ông bà để lại. Khi tôi bắt đầu đi học ở trường làng thì thầy tôi (tôi gọi cha bằng thầy) cũng đã già. Hình như suốt quảng đời còn lại ông dành hẳn cho việc tu hành, đôi khi ông đi chùa cả tuần lễ mới về. Mọi việc ở nhà đều do mẹ tôi quán xuyến.

 

Một lần, tôi bị sốt cao, trong làng không có Trạm xá hay thầy thuốc, ở làng bên, cách nhà tôi cả mười cây số chỉ có một ông cụ đã già làm nghề thuốc bắc. Ông chỉ xem mạch và hốt thuốc cho những người bệnh đến nhà ông. Nếu người bệnh không đi đến để ông bắt mạch được thì người nhà đi thay và khai bệnh để ông “bổ” vài thang về uống, thường thường ông ghi chữ Nho ngoài thang thuốc, người nào không đọc được thì ông nói miệng và nhắc đi, nhắc lại nhiều lần vì sợ họ quên , thang thuốc nào ông cũng ‘dặn” về đổ 3 chén nước, sắc còn 8 phân.

 

Tôi mệt lã vì cơn sốt, mẹ tôi để tôi nằm trên võng, tiếng võng kẻo kẹt cùng với tiếng thầy tôi “ê..a” tụng kinh đều đều tạo nên một thứ âm thanh êm ả đưa tôi rơi dần vào giấc ngủ, đúng hơn là tôi bị cơn sốt làm mê rồi thiếp đi.

 

Khi tỉnh lại, tôi thấy thầy tôi cầm ly nước lọc và bảo tôi uống vào sẽ hết bệnh, tôi uống hết ly nước rồi nhắm mắt ngủ tiếp, trong giấc mơ tôi thấy mình đi trên cánh đồng đầy nắng, bên kia dòng sông có những người cao lớn rượt đuổi nhau đến tận chân núi xanh lơ  phía trên có mây vàng che phủ.

 

Những ngày tháng sống lặng lẽ như vậy rồi cũng qua đi, sau này khi đã lớn tôi mới nghe mẹ tôi kể lại năm ấy tôi bị bệnh “thập tử nhất sinh” thầy mẹ tôi nghĩ chắc tôi không qua khỏi khi sống ở một nơi  “đèo heo hút gió” như vậy, không có nhà thương, không có thầy thuốc, không có một phương tiện nào để chữa bệnh. Thầy tôi đã quì hai tiếng đồng hồ tụng kinh xin nước cho tôi uống với cả tấm lòng thành mong cho tôi qua khỏi.

 

Khi hồi tưởng lại câu chuyện năm xưa, tôi không biết do kháng thể trong người hay do uống ly nước thầy tôi “xin”trên bàn thờ với cả tấm lòng tin tưởng mà tôi hết bệnh?

 

Lúc lớn hơn một chút, tôi ra tỉnh học, thầy tôi xin tôi vào ở trọ trong một ngôi chùa. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm gần ga xe lửa, gian giữa chánh điện là nơi thờ phụng, hai bên là những dẫy nhà lợp tôn, vách lá cho khách thập phương tạm trú trong những ngày lễ, vía. Tôi ở chung một căn phòng với anh Đạt, anh lớn hơn và học trên tôi 3 lớp. Những buổi chiều mùa đông trời lạnh căm căm, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ tôi, nhớ dòng sông, đồng cỏ của những tháng ngày thơ ấu,những lần như vậy tôi thường ra chờ những chuyến tầu hỏa chạy qua, tầu chạy chậm, ống khói trên đầu tầu phun ra những đụn khói như những đám mây đen kịt, tiếng còi tầu khô khốc, buồn rầu như một lời từ biệt. Tôi lủi thủi trở về căn phòng vách lá của mình, trời lạnh như cắt da, tôi quấn chăn nằm nhớ miên man ngôi làng, đồng cỏ, những ngày đi chăn trâu và những người cao lớn rượt nhau đến tận chân núi xanh lơ trong giấc mơ của những ngày thơ bé.

 

Gần khuya, tôi thức giấc lơ mơ nghe tiếng anh Đạt học bài bên chiếc đèn tù mù cạnh cửa sổ:

 

“…     Rằng nghe nổi tiếng cầm đài.

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ…”

 

Anh Đạt đang học truyện Kiều, tiếng anh đều đều rồi nhỏ dần và tôi lại chìm vào giấc ngủ. Gần sáng tôi nghe tiếng chuông trên chánh điện, tiếng tụng kinh và tiếng gà gáy bên kia đường xe lửa. Tiếng tụng kinh êm ả như tiếng mẹ tôi ru tôi ngày thơ ấu. Tôi nhớ rưng rức tiếng võng giữa trưa, tiếng ve sầu râm rang trên hàng cau ngoài đầu ngõ…tiếng mưa rơi lộp độp trên tàu lá chuối lúc giữa khuya. Quê tôi nghèo khó, thiếu thốn mọi bề nhưng lại có quá nhiều điều để làm tôi nhớ.

 

Một lần tôi về lại nơi xưa, thầy mẹ tôi đã mất,  những người quen chẳng còn ai, tất cả đều thay đổi, anh Đạt người ở trọ chung phòng với tôi trong ngôi chùa năm cũ cũng đã qua đời vì tai biến. Không biết tại sao tiếng học bài của anh trong suốt hơn bốn mươi năm qua cứ vương vấn mãi trong giấc ngủ của tôi và “lẻo đẻo” theo tôi đến tận bây giờ?./.

 

Phạm Thanh Chương
Số lần đọc: 2267
Ngày đăng: 23.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cơm Mo Cau Giữa Lòng Thành Phố - Lê Ký Thương
Sơn La Ký Sự 3 - Nguyễn Khôi
Nhân cách lớn làm nên một con người - Trần Ngọc Trác
Cha Tôi - Ngô Nhật Đăng
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang